Quyết định 41/2015/QĐ-UBND

Quyết định 41/2015/QĐ-UBND về Quy định trình tự, thủ tục xây dựng và công nhận Quy ước của khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang

Nội dung toàn văn Quyết định 41/2015/QĐ-UBND trình tự thủ tục xây dựng công nhận quy ước của khóm ấp An Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2015/QĐ-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VÀ CÔNG NHẬN QUY ƯỚC CỦA KHÓM, ẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN-UBQGDS-KHHGĐ ngày 09 tháng 7 năm 2001 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư về việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Thông tư số 70/2007/TT-BNN ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn;

Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định về nội dung, trình tự, thủ tục xây dựng, thực hiện Quy ước của khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này:

1. Quy định trình tự, thủ tục xây dựng và công nhận Quy ước của khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang.

2. Phụ lục 01 về nội dung cơ bản xây dựng Quy ước.

3. Phụ lục 02 về Mẫu trình bày quy ước của khóm, ấp; Mẫu Biên bản thông qua quy ước; Mẫu biên bản tổng hợp phiếu thông qua quy ước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 03/10/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy ước mẫu của khóm (ấp) trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra VB (Bộ Tư pháp);
- Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp)
- Website Chính phủ;
- TT. TU, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Báo, Đài PTTH An Giang;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Lưu: HCTC, P. TH, NC, TT. Công báo - Tin học.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
 KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Việt Hiệp

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VÀ CÔNG NHẬN QUY ƯỚC CỦA KHÓM, ẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và công nhận quy ước của khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang (sau đây gọi chung là quy ước); trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng và công nhận quy ước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động soạn thảo, tham gia ý kiến, thảo luận, biểu quyết, trình, công nhận và tổ chức thực hiện quy ước (bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung, thay thế nội dung quy ước).

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng và thực hiện quy ước

1. Việc xây dựng và thực hiện quy ước phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

2. Quy ước đã được nhân dân trong khóm, ấp biểu quyết thông qua, được Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) công nhận phải được tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong khóm, ấp nghiêm chỉnh thực hiện.

3. Không đề ra các quy định trái với quy ước; không phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, của dân tộc.

4. Không tuyên truyền, phổ biến trái với nội dung quy ước đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận.

5. Không được vận động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, kích động người khác không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với quy ước đã được công nhận.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VÀ CÔNG NHẬN QUY ƯỚC

Điều 4. Quy định trình tự, thủ tục xây dựng Quy ước của khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang

Quy ước của khóm, ấp phải được xây dựng một cách dân chủ, công khai, phù hợp với thực tế ở địa phương, không trái với các quy định của pháp luật và được thực hiện theo trình tự các bước, như sau:

1. Bước 1: Thành lập Nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo quy ước

a) Thành lập Nhóm soạn thảo: Do Trưởng Ban công tác Mặt trận chỉ định các thành viên Nhóm soạn thảo.

- Thành phần Nhóm soạn thảo gồm:

+ Trưởng khóm, ấp;

+ Bí thư chi bộ khóm, ấp;

+ Trưởng Ban công tác Mặt trận khóm, ấp;

+ Một số người có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật, phong tục, tập quán ở địa phương.

+ Đại diện một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn như: Cán bộ hưu trí; cựu chiến binh; chức sắc, chức việc tôn giáo, dân tộc...

- Nhóm soạn thảo quy ước tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

b) Tổ chức soạn thảo Quy ước

Nhóm soạn thảo quy ước cần tập trung, chọn lọc, cụ thể hóa một số nội dung được quy định tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quyết định này và các vấn đề thực tế ở địa phương để thể hiện vào nội dung Quy ước. Đảm bảo các nội dung được lựa chọn và cụ thể hóa trong quy ước của khóm, ấp phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của khóm, ấp và phù hợp với các quy định pháp luật.

2. Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân vào dự thảo Quy ước

a) Tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Quy ước

Dự thảo quy ước được tổ chức lấy ý kiến thông qua các phương thức như:

- Dự thảo quy ước được gửi đến cơ quan chính quyền, cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn để lấy ý kiến.

- Dự thảo quy ước được gửi đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến đóng góp.

- Niêm yết dự thảo quy ước tại Nhà văn hóa khóm, ấp hoặc phát trên loa truyền thanh cơ sở; bố trí hộp thư tại khóm, ấp để thu thập ý kiến đóng góp của người dân.

- Tổ chức họp khu dân cư, xóm lao động, tổ tự quản, tổ dân phố… để thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Quy ước.

Ngoài ra, dự thảo quy ước có thể được Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp, nhưng không thông qua như nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

b) Tổng hợp ý kiến, chỉnh lý dự thảo Quy ước

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Nhóm soạn thảo tổ chức tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tham gia và hoàn chỉnh dự thảo (nếu tiếp thu ý kiến mà không chỉnh sửa trong dự thảo, thì Nhóm soạn thảo phải có ý kiến giải trình).

3. Bước 3: Thảo luận và thông qua Quy ước

a) Tổ chức Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu đại diện hộ gia đình (sau đây gọi tắt là Hội nghị).

- Dự thảo quy ước được gửi trước tới các thành viên dự kiến mời tham gia Hội nghị để thảo luận và thông qua;

- Trưởng khóm, ấp triệu tập toàn bộ cử tri hoặc đại biểu đại diện hộ gia đình trong khóm, ấp để thảo luận, thông qua các nội dung của quy ước;

- Hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số cử tri hoặc đại biểu đại diện hộ gia đình tham dự.

b) Thảo luận tại Hội nghị

- Đại diện Nhóm soạn thảo trình bày dự thảo quy ước;

- Dự thảo quy ước phải được thảo luận kỹ, toàn diện, dân chủ, công khai;

- Nhóm soạn thảo tiếp thu và giải trình các ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo quy ước.

c) Thông qua quy ước

- Trưởng khóm, ấp phối hợp với Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì Hội nghị; Hội nghị quyết định hình thức biểu quyết thông qua quy ước bằng cách giơ tay biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín;

- Quy ước chỉ được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc đại biểu đại diện hộ gia đình tham dự Hội nghị tán thành;

- Nếu số cử tri hoặc đại biểu đại diện hộ gia đình tham dự Hội nghị tán thành chưa đạt quá 50%, thì phải tổ chức lại Hội nghị;

- Trường hợp không tổ chức lại được Hội nghị thì Trưởng khóm, ấp phát phiếu lấy ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý thông qua quy ước tới cử tri hoặc hộ gia đình.

4. Bước 4: Phê duyệt quy ước

a) Trong thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thông qua quy ước, Trưởng khóm, ấp có trách nhiệm báo cáo ngay với Uỷ ban nhân dân cấp xã kết quả việc nhân dân bàn, biểu quyết thông qua quy ước, hồ sơ báo cáo được lập thành 01 bộ, gồm:

- Báo cáo của Trưởng khóm, ấp về kết quả họp bàn, biểu quyết thông qua quy ước;

- Biên bản họp bàn, biểu quyết thông qua quy ước đối với trường hợp tổ chức họp hoặc biên bản xác nhận kết quả lấy phiếu cử tri, cử tri đại diện hộ gia đình đối với trường hợp lấy phiếu (theo Phụ lục 02 được ban hành kèm theo Quyết định này);

- Quy ước khóm, ấp đã được cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình bàn, biểu quyết.

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo của Trưởng khóm, ấp quy định tại Điểm a Khoản này, Uỷ ban nhân dân cấp xã giao trách nhiệm cho công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ trì phối hợp với công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã tổ chức xem xét hồ sơ.

Sau khi quy ước đã được xem xét, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cùng Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã xem xét nội dung của quy ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi thống nhất với Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã về nội dung của quy ước trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Hồ sơ Uỷ ban nhân dân cấp xã trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện công nhận. Hồ sơ được lập thành 01 bộ, gồm:

- Công văn của Uỷ ban nhân dân cấp xã đề nghị công nhận quy ước;

- Bản quy ước của khóm, ấp (đã được Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét);

c) Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin cấp huyện và các đơn vị có liên quan xem xét hồ sơ, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quy ước trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định phê duyệt quy ước. Quy ước đã được duyệt phải có dấu giáp lai.

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện không công nhận quy ước thì trả lời bằng văn bản, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc chỉnh lý, hoàn thiện và trình lại Quy ước để phê duyệt.

Điều 5. Tổ chức thực hiện quy ước khóm, ấp

1. Trưởng khóm, ấp tổ chức niêm yết, tuyên truyền, phổ biến quy ước đã được phê duyệt đến từng thành viên trong cộng đồng dân cư, khóm, ấp và tổ chức thực hiện.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cơ sở chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện quy ước; kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc thực hiện quy ước; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện quy ước ở địa phương.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy ước

1. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy ước, nếu có những nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khóm, ấp hoặc theo nguyện vọng của nhân dân thì quy ước sẽ được sửa đổi, bổ sung.

2. Trưởng khóm, ấp triệu tập và chủ trì Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu đại diện hộ gia đình để thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung quy ước.

3. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung quy ước được thực hiện giống như khi xây dựng quy ước mới.

4. Không được tùy tiện sửa đổi, bổ sung quy ước đã được phê duyệt.

5. Căn cứ vào trình tự, thủ tục và các nội dung cơ bản tại Quy định này và điều kiện cụ thể của khóm, ấp, xây dựng quy ước, đề ra các nội quy và quy tắc xử sự chung trong cộng đồng khóm, ấp; đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn các khóm, ấp tổ chức rà soát lại tất cả các quy ước hiện hành. Nếu quy ước nào chưa bảo đảm về trình tự, thủ tục hoặc nội dung chưa hoàn chỉnh, thì phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy ước mới.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Ban công tác Mặt trận chỉ định các thành viên tham gia Nhóm soạn thảo Quy ước khóm, ấp; Tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp, Trưởng khóm, ấp trong việc đôn đốc, kiểm tra các khóm, ấp khẩn trương xây dựng Quy ước nhằm đảm bảo 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được quy ước; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Quy ước đến Nhân dân, vận động Nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện các nội quy đã được đề ra trong Quy ước khóm, ấp với tinh thần tự giác, tự nguyện.

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất về xây dựng và thực hiện quy ước khóm, ấp theo quy định tại Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định về nội dung, trình tự, thủ tục xây dựng, thực hiện Quy ước của khóm, ấp trên địa bàn tỉnh An Giang và quy định của pháp luật hiện hành.

2. Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy ước của khóm, ấp theo quy định của pháp luật hiện hành và Quy định này.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chỉ đạo Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc xem xét tính hợp pháp, loại bỏ những nội dung của quy ước trái với các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm kỹ thuật xây dựng quy ước; Phòng Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện bảo đảm các nội dung của quy ước phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy tắc xây dựng nếp sống văn hoá.

b) Căn cứ Quy định này và Mẫu trình bày quy ước, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng và ban hành quy ước của khóm, ấp tại địa phương mình, đồng thời rà soát lại tất cả các quy ước về nội dung và trình tự xây dựng, ban hành cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại cơ sở.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quy định này;

b) Phát hiện và chấn chỉnh mọi biểu hiện sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc xây dựng và thực hiện Quy ước, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc xây dựng và thực hiện Quy ước ở địa phương.

c) Đảm bảo kinh phí phục vụ cho việc xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quy ước của khóm, ấp trên địa bàn.

Điều 10. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương có văn bản gửi Sở Tư pháp để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo quy định./.

 

PHỤ LỤC 01

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUY ƯỚC KHÓM, ẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy ước này quy định về những chuẩn mực ứng xử của các hộ gia đình, cá nhân trong sinh hoạt, sản xuất; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn khóm (ấp).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn khóm (ấp) không phân biệt giới tính, dân tộc, độ tuổi, trình độ chính trị, văn hoá, tôn giáo, hộ khẩu thường trú hay tạm trú đều phải chấp hành tốt các điều khoản trong bản Quy ước này.

Chương II

LỄ NGHI TRUYỀN THỐNG VÀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI

Điều 3. Các quy định về lễ hội truyền thống, phong tục tập quán

1. Thực hiện chính sách tôn giáo của Chính phủ, mọi người trong khóm (ấp) đều có quyền tự do tín ngưỡng, được thờ cúng, tế lễ trong gia đình, miếu, chùa, đền theo đúng thể lệ, quy định.

2. Việc thờ cúng thể hiện sự trang nghiêm, thành kính, tránh lãng phí phô trương, ăn uống tốn kém. Mọi người đến nơi thờ cúng quần áo chỉnh tề, không dung tục, không gian dối, không được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, đầu cơ hoặc trục lợi.

3. Các lễ hội chính của khóm (ấp): Liệt kê các lễ, hội của khóm (ấp): Tên lễ hội, ngày, tháng, địa điểm tổ chức lễ hội (nếu có).

Điều 4. Về việc cưới

1. Tổ chức việc cưới đảm bảo theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình như:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, trước khi tổ chức lễ cưới đôi nam nữ đến Uỷ ban nhân dân xã làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định;

b) Không tổ chức cưới tảo hôn (tổ chức kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn) hoặc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng;

c) Không ép buộc, gả bán hoặc khôi phục những thủ tục lạc hậu.

2. Tổ chức đám cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá của dân tộc và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, gây lãng phí, hạn chế tiệc tùng, hạn chế các tục lệ không cần thiết.

3. Trong đám cưới không được uống rượu say; không được sử dụng các thiết bị âm thanh gây tiếng ồn vượt quá mức quy định làm ảnh hưởng đến xung quanh và trật tự công cộng.

Điều 5. Về việc tang

1. Khi có người nhà qua đời thì thân nhân thông báo với tổ trưởng  để thông báo cho nhân dân trong tổ biết và có trách nhiệm đến UBND xã để làm thủ tục khai tử. Khi nhận được thông báo các hộ gia đình nên bố trí người đến giúp đỡ gia đình có tang khâm liệm, chuẩn bị mọi thứ cho tang lễ.

2. Việc tổ chức tang lễ chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn hóa trong việc tang.

a) Khi tổ chức tang lễ không nên tổ chức ăn uống tốn kém mà chỉ tổ chức gọn nhẹ trong gia đình.

b) Không để thi hài người quá cố quá 48 giờ. Trường hợp chết do bệnh dịch lây nhiễm nguy hiểm thì tổ chức chôn cất ngay theo quy định của Bộ Y tế.

c) Không nên đốt rải vàng mã, tiền âm phủ khi đưa tang tránh ô nhiễm môi trường.

d) Các tuần tiết trong việc tang như cúng 3 ngày, 7 ngày (làm tuần), 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và cải táng chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình.

Điều 6. Về tổ chức ngày lễ, tết, giỗ, ngày mừng thọ.

1. Trong các dịp ngày lễ, tết, giỗ, ngày hội, ngày mừng thọ… là dịp hội tụ con cháu gần, xa về quê hương. Các gia đình, dòng họ cần thông qua dịp này để nhắc nhở, giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn, tình cảm, trách nhiệm với gia đình, xã hội. Biểu dương khuyến khích những việc làm tốt, phê bình những biểu hiện tiêu cực. Việc tổ chức ngày lễ, tết, giỗ, … nên gọn nhẹ, không phô trương,  không kéo dài.

2. Các gia đình có ông, bà, cha, mẹ đến tuổi lên lão (từ 70 tuổi trở lên) vào các năm chẵn (như 70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi…) thì báo cáo với Chi hội người cao tuổi để tổ chức mừng thọ vào dịp đầu xuân để thể hiện lòng tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với người cao tuổi trong gia đình.

Điều 7. Phòng chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

1. Các sinh hoạt văn hóa tâm linh, tổ chức hiếu, hỷ, thờ cúng phải phù hợp với phong tục tập quán. Trường hợp gia đình có người ốm đau phải đưa đi chữa trị tại các cơ sở y tế, không nên dùng các biện pháp cúng bái thay thế việc chữa trị y học.

2. Cấm việc lợi dụng các sinh hoạt văn hóa tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan như xem số, xem bói, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà, phù phép chữa bệnh.

Chương III

VỀ NẾP SỐNG VĂN HOÁ, QUAN HỆ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Điều 8. Xây dựng nếp sống văn hoá

1. Chấp hành tốt quy định sinh hoạt của khóm (ấp) về họp tổ dân cư. Chủ hộ tham gia họp, nếu bận thì cử người trong gia đình đi thay (người đi họp thay từ 18 tuổi trở lên). Trường hợp không đi họp, gia đình nên hỏi nội dung cuộc họp và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của cuộc họp.

2. Luôn giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn; tôn trọng quyền lợi, cuộc sống riêng của mỗi gia đình, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong cộng đồng với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực.

3. Các thành viên trong gia đình biết tôn trọng, thương yêu nhau. Mỗi thành viên nên biết hướng thiện, biết cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng với vị trí của mình, có nếp sống lành mạnh. Ông, bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội. Vợ, chồng sống chung thuỷ, hoà thuận, bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ. Tự hoà giải các mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, tránh làm liên lụy đến cộng đồng.

4. Quan tâm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Điều 9. Chăm sóc bà mẹ và trẻ em.

1. Mỗi cặp vợ, chồng nên có 1 hoặc 2 con, không sinh con thứ 3. Mỗi cặp vợ, chồng chủ động, tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai để thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

2. Người mẹ trong thời kỳ mang thai cần đi khám thai ít nhất 3 lần, được tiêm phòng uốn ván và uống viên sắt đầy đủ. Khi sinh con nên đến cơ sở y tế. Cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

3. Các hộ gia đình có con, em đến tuổi đi học, trong độ tuổi đi học nên tạo điều kiện để con, em đến trường học tập. Không được để con, em bỏ học giữa chừng.

4. Không để trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, độc hại và giáo dục trẻ để không bị ảnh hưởng các tệ nạn xã hội khác.

Chương IV

VỀ AN NINH QUỐC PHÒNG, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

Điều 10. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

1. Gia đình và cộng đồng dân cư có trách nhiệm động viên con em mình đúng tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự và chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật.

2. Khai báo kịp thời các thay đổi về nhân khẩu khi có sự kiện sinh, tử, kết hôn, nuôi con nuôi.

3.Tất cả mọi người có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn an ninh trật tự trong khóm (ấp). Không phát ngôn trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

4. Không được kích động, gây rối trật tự, làm mất đoàn kết, gây gổ hằn thù, đánh chửi nhau. Không dùng chất nổ, xung điện, kích điện để đánh cá. Nghiêm cấm đánh bạc, chứa bạc dưới mọi hình thức. Mọi hoạt động ban đêm sau 22 giờ không được gây ồn ào ảnh hưởng đến người khác.

5. Không được buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại văn hoá phẩm đồi trụy và kích động bạo lực. Không sử dụng loa với công suất lớn làm ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh.

6. Khi phát hiện kẻ gian, kẻ gây rối, những người có hành vi vi phạm pháp luật thì báo ngay cho tổ trưởng hoặc Công an và mọi công dân nên có trách nhiệm cùng truy bắt kẻ gian.

7. Mọi tranh chấp về quyền lợi, mâu thuẫn cá nhân nên được hoà giải ở tổ hòa giải. Đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, không được gửi vượt cấp khi cấp cơ sở chưa giải quyết xong; không lôi kéo để khiếu kiện vượt cấp, đông người.

Điều 11. Phòng, chống cháy nổ

1. Không để cho trẻ em chơi, nghịch lửa. Khi có người bị nạn hay có hỏa hoạn gọi ngay số điện thoại 114. Khi xảy ra hoả hoạn các gia đình, cá nhân cùng nhau cứu hoả.

2. Các hộ dùng điện nên sử dụng thiết bị điện bảo đảm an toàn cho người. Cột bắc dây điện phải cao từ 4m đến 5m, chôn vững chắc, không nên dùng dây trần. Không thả diều, đá banh… gần hoặc dưới đường dây điện.

Chương V

VỀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG,  MÔI TRƯỜNG

Điều 12. Xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ công trình công cộng

1. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng của khóm (ấp) phải tiến hành các bước theo đúng quy hoạch, trình tự của quy chế dân chủ ở cơ sở.  Các khoản đóng góp xây dựng các công trình công cộng, xây dựng cơ sở vật chất chung của khóm (ấp) phải được bàn bạc thống nhất thông qua cuộc họp của toàn thể nhân dân và được đa số các hộ gia đình, cá nhân nhất trí.

2. Tất cả nhân dân trong khóm (ấp) phải có trách nhiệm bảo vệ các công trình công cộng như: trường học, nhà văn hóa, sân vận động, đường giao thông, di tích lịch sử, văn hóa, đường dây tải điện, hệ thống truyền thanh, hệ thống tiêu thoát nước và các công trình khác; đồng thời ngăn chặn, tố giác kịp thời các hành vi phá hoại các công trình văn hóa và công cộng tại địa phương.

Điều 13. Giữ gìn vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh.

1. Các hộ gia đình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt không được vứt các loại bao bì, rác phế thải, không được để các loại nước thải chưa qua xử lý ra nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường. Làm tốt công tác vệ sinh môi trường, quét dọn đường phố sạch đẹp, phát quang bờ, bụi.

2. Thực hiện ăn chín, uống sôi và tiêm phòng đúng định kỳ theo quy định của cơ sở y tế để phòng chống dịch bệnh.

3. Đối với gia súc, gia cầm bị bệnh, bị dịch không được buôn bán, vận chuyển, giết mổ. Các xác chết động vật nên được chôn lấp cẩn thận, không vứt bừa bãi trên nguồn nước làm ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện bị bệnh dịch thì báo cáo với tổ trưởng để tổ chức tiêu huỷ tránh lây lan dịch bệnh.

Chương VI

VỀ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM QUY ƯỚC

Điều 14. Về khen thưởng

Hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện Quy ước của khóm (ấp) được ghi nhận công lao, thành tích vào sổ vàng truyền thống; được nêu gương người tốt, việc tốt trên hệ thống loa truyền thanh hoặc tại các hội nghị toàn khóm, tổ; được bình xét công nhận gia đình văn hoá; được công nhận các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng tự thoả thuận; được đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Điều 15. Về xử lý vi phạm Quy ước

Hộ gia đình, cá nhân nào vi phạm các điều khoản trong Quy ước của khóm (ấp) tuỳ theo mức độ mà xử lý bằng các hình thức sau đây:

1. Vi phạm lần đầu và lỗi nhẹ được phê bình, nhắc nhở trước cuộc họp toàn thể nhân dân của tổ, cụm dân cư;

2. Vi phạm từ lần thứ hai trở lên, trên cơ sở thảo luận thống nhất trong tập thể cộng đồng thì đưa ra kiểm điểm tại tổ chức, đoàn thể mà người đó đang sinh hoạt, đưa ra kiểm điểm trước hội nghị nhân dân; không được bình xét công nhận “gia đình văn hoá” (nếu là hộ gia đình), “Cơ sở văn hóa” (nếu là tổ chức)

Đối với hộ gia đình đã được công nhận “Gia đình văn hóa”, tổ chức được công nhận “cơ sở văn hóa” mà vi phạm các điều khoản trong Quy ước (lần thứ hai trở lên) thì xem xét rút lại việc công nhận “Gia đình văn hóa”, “cơ sở văn hóa”.

3. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật, phải được chuyển tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, xử lý nội bộ ở khóm, ấp.

Việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong Quy ước này không thay thế các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Quy ước này thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân trong khóm (ấp), được hội nghị toàn thể nhân dân trong khóm (ấp) nhất trí thông qua và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trong quá trình thực hiện, Quy ước sẽ được sửa đổi, bổ sung khi có những nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khóm (ấp) hoặc theo nguyện vọng của nhân dân; việc sửa đổi, bổ sung Quy ước do hội nghị toàn thể nhân dân trong khóm (ấp) quyết định, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được tổ chức thi hành.

3. Toàn thể nhân dân trong khóm (ấp) có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy ước này./.

 

PHỤ LỤC 02

CÁC MẪU TRÌNH BÀY QUY ƯỚC KHÓM, ẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Mẫu 1. Mẫu trình bày quy ước của khóm, ấp;

Mẫu 2. Mẫu Biên bản thông qua quy ước;

Mẫu 3. Mẫu biên bản tổng hợp phiếu thông qua quy ước.

 

Mẫu trình bày Quy ước

UBND XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN)....
KHÓM, ẤP......
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

……....., ngày… tháng… năm……

 

QUY ƯỚC

KHÓM, ẤP...........................

(Được công nhận kèm theo Quyết định số…/QĐ-UBND ngày… tháng…năm… của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện…….)

LỜI NÓI ĐẦU

(Nội dung này của Quy ước: Nêu khái quát đặc điểm về địa lý, dân số, lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, hoạt động kinh tế - xã hội và tình hình thực tiễn của khóm, ấp...).

Để giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, chuẩn mực đạo đức và tập quán tốt đẹp của dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; xây dựng đời sống văn hóa, văn minh và tiến bộ xã hội; phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Nay, nhân dân khóm, ấp…............. cùng nhau xây dựng, thống nhất Quy ước với những nội dung như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1….

Điều 2…

Điều…

 

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

………………………..

Điều…

Điều…

Mục 2

…………………………….

Điều …

Điều…

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều…

 

BÍ THƯ CHI BỘ

(ký, ghi rõ họ và tên)

TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC MẶT TRẬN

(ký, ghi rõ họ và tên)

TRƯỞNG KHÓM, ẤP

(ký, ghi rõ họ và tên)

 

Mẫu Biên bản thông qua quy ước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

BIÊN BẢN HỘI NGHỊ KHÓM, ẤP….

Về việc bàn, biểu quyết thông qua Quy ước khóm, ấp

Hôm nay, vào lúc… giờ… phút, ngày… tháng… năm…, khóm, ấp … tiến hành Hội nghị cử tri (hoặc cử tri đại diện hộ gia đình) để bàn, biểu quyết thông qua Quy ước khóm, ấp, cụ thể như sau:

I. Thành phần:

- Tổng số cử tri trong khóm, ấp (hoặc hộ gia đình):….

- Có mặt:…. cử tri (hoặc cử tri đại diện hộ gia đình)

- Vắng:….   Trong đó: Có lý do….; không có lý do….

- Chủ trì cuộc họp:………………………………………………………….

- Thư ký ghi biên bản:……………………………………………………

II. Nội dung

Tiến hành bàn, biểu quyết thông qua Quy ước khóm, ấp, cụ thể:

1. Thông qua dự thảo Quy ước.

2. Thảo luận: (Nêu các ý kiến thảo luận)

3. Kết luận phần thảo luận:

4. Biểu quyết thông qua quy ước:

+ Số cử tri nhất trí:……….

+ Số cử tri không nhất trí:………

Hội nghị khóm, ấp kết thúc vào lúc… giờ… cùng ngày. Biên bản này đã được thông qua toàn thể cử tri dự Hội nghị khóm, ấp./.

 

THƯ KÝ

(ký, ghi rõ họ và tên)

TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC MẶT TRẬN

(ký, ghi rõ họ và tên)

CHỦ TRÌ
TRƯỞNG KHÓM, ẤP

(ký, ghi rõ họ và tên)

 

Mẫu biên bản tổng hợp phiếu thông qua quy ước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

BIÊN BẢN

Tổng hợp phiếu lấy ý kiến cử tri (đại diện hộ gia đình) để thông qua Quy ước khóm, ấp

Hôm nay, vào lúc….giờ……phút, ngày……tháng…..năm….., khóm, ấp ………….tiến hành tổng hợp phiếu lấy ý kiến cử tri (cử tri đại diện hộ gia đình) để thông qua quy ước khóm, ấp, cụ thể như sau:

I. Thành phần

1. Ông (bà):……………………………………………………………..

2. Ông (bà):……………………………………………………………..

3. Ông (bà):……………………………………………………………..

4. Ông (bà):……………………………………………………………..

5. Ông (bà):……………………………………………………………..

Chủ trì: Ông (bà):……………………………………………………….

Thư ký ghi biên bản: Ông (bà)…………………………………………

II. Nội dung

Tiến hành tổng hợp phiếu lấy ý kiến cử tri (đại diện hộ gia đình) để thông qua quy ước khóm, ấp cụ thể:

- Tổng số cử tri (cử tri đại diện hộ gia đình):……………….

- Tổng số phiếu phát ra:………………..phiếu;

- Tổng số phiếu thu về:………………..phiếu;

- Số phiếu nhất trí thông qua:………….phiếu = …..%;

- Số phiếu không nhất trí:…………….phiếu =……%;

Biên bản kết thúc lúc…….giờ cùng ngày và đã được thông qua cho các thành viên.

 

THƯ KÝ

(ký, ghi rõ họ và tên)

TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC MẶT TRẬN

(ký, ghi rõ họ và tên)

CHỦ TRÌ
TRƯỞNG KHÓM, ẤP

(ký, ghi rõ họ và tên)

Chủ Trì

TRƯỞNG THÔN

(Ký, ghi rõ họ và tên)

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 41/2015/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu41/2015/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/12/2015
Ngày hiệu lực11/12/2015
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật8 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 41/2015/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 41/2015/QĐ-UBND trình tự thủ tục xây dựng công nhận quy ước của khóm ấp An Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 41/2015/QĐ-UBND trình tự thủ tục xây dựng công nhận quy ước của khóm ấp An Giang
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu41/2015/QĐ-UBND
              Cơ quan ban hànhTỉnh An Giang
              Người kýHồ Việt Hiệp
              Ngày ban hành01/12/2015
              Ngày hiệu lực11/12/2015
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcBộ máy hành chính
              Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
              Cập nhật8 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản hướng dẫn

                  Văn bản được hợp nhất

                    Văn bản gốc Quyết định 41/2015/QĐ-UBND trình tự thủ tục xây dựng công nhận quy ước của khóm ấp An Giang

                    Lịch sử hiệu lực Quyết định 41/2015/QĐ-UBND trình tự thủ tục xây dựng công nhận quy ước của khóm ấp An Giang

                    • 01/12/2015

                      Văn bản được ban hành

                      Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                    • 11/12/2015

                      Văn bản có hiệu lực

                      Trạng thái: Có hiệu lực