Quyết định 41/2016/QĐ-UBND quản lý xử lý tài sản tang vật phương tiện tịch thu sung công quỹ Huế đã được thay thế bởi Quyết định 15/2019/QĐ-UBND phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân Huế và được áp dụng kể từ ngày 02/04/2019.
Nội dung toàn văn Quyết định 41/2016/QĐ-UBND quản lý xử lý tài sản tang vật phương tiện tịch thu sung công quỹ Huế
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2016/QĐ-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 6 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG CÔNG QUỸ NHÀ NƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá khởi điểm tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 29/2014/NĐ-CP thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước">159/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1423/STC-QLGCS ngày 30 tháng 5 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý, xử lý tài sản tang vật, phương tiện tịch thu sung công quỹ nhà nước”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tư pháp; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU SUNG CÔNG
QUỸ NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 15/6/2016 của UBND tỉnh
Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về thẩm quyền, thủ tục quản lý, xử lý đối với tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Quy định này hướng dẫn các nội dung sau:
1. Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
2. Tài sản là vật chứng vụ án, một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự (sau đây gọi tắt là vật chứng vụ án, tải sản của người bị kết án bị tịch thu).
3. Việc quản lý, xử lý đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Chương II Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
4. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN LÀ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH BỊ TỊCH THU
Điều 2. Đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
1. Cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là cấp huyện) ra quyết định tịch thu.
2. Cơ quan của người ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trong các trường hợp còn lại.
Điều 3. Hình thức xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và các tài sản khác không được phép lưu hành thì chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý và xử lý.
Danh sách cụ thể các cơ quan quản lý chuyên ngành được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư số 29/2014/NĐ-CP thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước">159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước.
2. Đối với tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn theo tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì chuyển giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để quản lý, sử dụng.
Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và việc tổ chức chuyển giao cho cơ quan, tổ chức đơn vị để sử dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 29/2014/NĐ-CP thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước">159/2014/TT-BTC.
3. Đối với tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ thì nộp vào ngân sách nhà nước.
4. Tiêu hủy đối với tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật;
Trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hình thức khác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản (nếu có) để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định xử lý.
5. Thực hiện bán đấu giá đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
6. Thanh lý đối với tài sản sau hai lần giảm giá mà vẫn không bán được.
Điều 4. Tổ chức xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
Tổ chức xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thực hiện theo Điều 20 của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước.
Điều 5. Thẩm quyền xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chuyển giao đối với tài sản do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trên địa bàn tỉnh ra quyết định tịch thu đối với các tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 3 trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính và đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Điều 2 Quyết định này.
2. Đối với các tài sản quy định tại Khoản 2 Điều 3 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định tịch thu, đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Điều 2 có trách nhiệm gửi quyết định tịch thu và phương án xử lý tài sản cho cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành, cụ thể:
a) Đối với các tài sản do người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu gửi về Sở Tài chính;
b) Đối với các tài sản do người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp huyện ra quyết định tịch thu gửi về Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện.
3. Khi nhận được quyết định tịch thu do đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản gửi, cơ quan tài chính quy định tại Khoản 2 Điều này chủ trì, phối hợp với đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng, cụ thể:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển giao đối với tài sản là nhà cửa, ôtô và các tài sản khác do người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chuyển giao đối với tài sản (trừ tài sản quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều này) do người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp huyện ra quyết định tịch thu.
4. Trường hợp không thực hiện chuyển giao được thì tài sản được xử lý theo hình thức tiêu hủy quy định tại Khoản 4, Điều 3 hoặc hình thức bán đấu giá quy định tại Khoản 5, Điều 3 của quy định này.
Điều 6. Xác định giá khởi điểm để bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính
1. Giá trị tang vật đã được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính làm giá khởi điểm của tang vật bán đấu giá.
2. Trong các trường hợp sau đây thì phải thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm:
a) Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi chuyển giao để bán đấu giá chưa được xác định giá trị;
b) Thời điểm dự kiến tổ chức bán đấu giá vượt quá 60 ngày, kể từ ngày xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
c) Giá trị tang vật đã được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 10% trở lên so với giá của mặt hàng cùng loại theo thông báo giá của Sở Tài chính tại thời điểm chuyển giao để bán đấu giá. Trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường tại thời điểm xác định.
Thành phần Hội đồng, nguyên tắc hoạt động, chi phí hoạt động của Hội đồng xác định giá khởi điểm để bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; nguyên tắc, phương pháp và trình tự xác định giá khởi điểm để bán đấu giá được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản nhà nước.
3. Việc xác định lại giá khởi điểm tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trong trường hợp bán đấu giá không thành được thực hiện giống như việc xác định giá lần đầu. Tuy nhiên mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
Sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành thì việc xử lý tài sản bán đấu giá được thực hiện theo Khoản 6, Điều 3.
Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 7. Bán đấu giá tài sản
Đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Điều 2 ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) hoặc thành lập Hội đồng bán đấu giá cấp huyện (trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp) theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử phạt vi phạm hành chính và quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Mục 2. QUẢN LÝ, XỬ LÝ VẬT CHỨNG VỤ ÁN, TÀI SẢN CỦA NGƯỜI BỊ KẾT ÁN BỊ TỊCH THU
Điều 8. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì quản lý, xử lý và bảo quản tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu
1. Đối với vật chứng vụ án, tải sản của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và đã có quyết định thi hành án dân sự của cơ quan có thẩm quyền.
Sở Tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý và bảo quản đối với tài sản do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cơ quan thi hành án dân sự cấp quân khu chuyển giao.
Phòng Tài chính Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý và bảo quản đối với tài sản do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện chuyển giao.
Trường hợp cơ quan tài chính có văn bản ủy quyền thực hiện xử lý tài sản bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thì cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp đang tổ chức thi hành án là đơn vị chủ trì xử lý và bảo quản tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
2. Đối với vật chứng vụ án do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định tịch thu thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý và bảo quản tài sản.
Việc bảo quản được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản để trình cấp có thẩm quyền tại Khoản 2, Điều 9 Quy định này phê duyệt. Nội dung chủ yếu của phương án xử lý tài sản bao gồm: Chủng loại, số lượng, hiện trạng tài sản, giá trị tài sản và hình thức xử lý đối với từng loại tài sản.
Điều 9. Hình thức, thẩm quyền, tổ chức xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu
1. Hình thức xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Nghị định số 29/2014/NĐ-CP.
2. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với các trường hợp:
Tài sản là nhà đất và các tài sản gắn liền với đất; xe ô tô; tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản mà bản án tuyên sung công toàn bộ hoặc một phần giá trị tài sản và trả lại một phần giá trị cho đương sự.
b) Thủ trưởng đơn vị chủ trì quản lý xử lý tài sản phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với các trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này.
3. Tổ chức xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 29/2014/NĐ-CP.
Điều 10. Xác định giá khởi điểm của tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu
1. Đối với các tài sản được bán chỉ định việc xác định giá bán chỉ định được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Thông tư số 52/2009/NĐ-CP Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước">245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ.
2. Đối với tài sản bán đấu giá thì việc xác định giá khởi điểm của tài sản được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản.
Điều 11. Bán tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu
1. Tài sản bán đấu giá:
Đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản quy định tại Điều 8 của Quy định này ký hợp đồng bán đấu giá với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc thành lập Hội đồng bán đấu giá (trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp) để thực hiện bán đấu giá.
Việc bán tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu được thực hiện theo phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Các trường hợp được bán chỉ định:
a) Tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
b) Tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng (thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiêu, khó bảo quản, hàng hóa dễ cháy, nổ, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày, động vật rừng hoang dã đã chết nhưng không thuộc đối tượng phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng,…); tài sản là hàng hóa cồng kềnh, có trọng lượng lớn được chuyên chở trên các phương tiện giao thông đường thủy, đường biển mà việc bốc dỡ tốn kém, chi phí lớn;
c) Tài sản là vật tư, hàng hóa cấm nhập khẩu buộc phải tái xuất mà chỉ có một tổ chức kinh tế có chức năng tái xuất đối với vật tư, hàng hóa đó;
d) Trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.
Mục 3. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG SỐ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC
Điều 12. Quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước
1. Đối với tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 173/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
2. Đối với tiền thu được từ xử lý vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu thì sau khi trừ đi các chi phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Thông tư số 29/2014/NĐ-CP thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước">159/2014/TT-BTC phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 13. Nội dung chi quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước
1. Các khoản chi phí liên quan đến quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; tài sản của vụ án hình sự chuyển sang xử lý hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC.
2. Các khoản chi phí liên quan đến quản lý, xử lý vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu; tài sản của vụ việc vi phạm hành chính chuyển sang xử lý hình sự bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Thông tư 29/2014/NĐ-CP thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước">159/2014/TT-BTC.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
1. UBND tỉnh thống nhất quản lý việc quản lý, xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung công quỹ nhà nước trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo Quy định này.
3. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm chấp hành việc quản lý xử lý tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước theo đúng quy định của pháp luật có liên quan và theo Quy định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; các đơn vị phản ánh về Sở Tài chính để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.