Nội dung toàn văn Quyết định 4102/QĐ-UBND quản lý sử dụng phát triển ngân hàng bê giống từ Quỹ Thiện Tâm Vingroup Bình Định 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4102/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 13 tháng 11 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN “NGÂN HÀNG BÊ GIỐNG” TỪ NGUỒN HỖ TRỢ CHO VAY BÊ CÁI GIỐNG SINH SẢN CỦA QUỸ THIỆN TÂM - TẬP ĐOÀN VINGROUP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11;
Căn cứ văn bản thỏa thuận giữa UBND tỉnh Bình Định với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup về hỗ trợ cho vay bê cái giống sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định để xây dựng thành Ngân hàng bê giống;
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình “Ngân hàng bê giống” tỉnh Bình Định tại Tờ trình số 04 ngày 11/11/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, giám sát và phát triển “Ngân hàng bê giống” từ nguồn hỗ trợ cho vay bê cái giống sinh sản của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành, đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Điều hành cấp huyện, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Ban Thực thi cấp xã và các hộ gia đình được nhận hỗ trợ vay con giống chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN “NGÂN HÀNG BÊ GIỐNG” TỪ NGUỒN HỖ TRỢ CHO VAY BÊ CÁI GIỐNG SINH SẢN CỦA QUỸ THIỆN TÂM, TẬP ĐOÀN VINGROUP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4102/QĐ-UBND ngày 13/11/2015 của UBND tỉnh Bình Định)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu
Con giống bê cái sinh sản là tài sản của Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho vay đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để phát triển chăn nuôi, tăng sức kéo phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và phát triển thành “Ngân hàng bê giống” trên địa bàn.
Việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giám sát và phát triển bê cái giống sinh sản của hộ gia đình và các cấp, các ngành thực hiện theo đúng quy định của Quy chế này và cam kết với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về cơ chế quản lý, giám sát và phát triển đàn bê cái sinh sản theo chương trình hỗ trợ cho vay bê cái sinh sản của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
Ban Chỉ đạo tiếp nhận vốn vay bê cái giống sinh sản của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup, Ban Điều hành cấp huyện, Ban Thực thi cấp xã, phường, thị trấn và các hộ dân được hưởng lợi từ dự án cho vay bê cái sinh sản của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ
- Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; hỗ trợ đúng đối tượng, đúng tiêu chí, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nghiêm cấm việc lợi dụng hỗ trợ để hưởng sai chế độ hoặc sử dụng không đúng mục đích.
- Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Ban Thực thi các cấp có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của dự án; tổ chức quản lý và phát triển đảm bảo yêu cầu, thực hiện đúng cam kết với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng Quy chế quản lý và luân chuyển, phát triển bê cái sinh sản riêng cho đơn vị mình, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng Quy chế quản lý và luân chuyển con giống. Nội dung phải quy định chi tiết, chặt chẽ, đảm bảo công bằng, dân chủ; không trái với quy định của Quy chế này và quy định của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup.
- Việc quản lý, giám sát và phát triển bê cái giống sinh sản phải theo đúng các nội dung hộ dân đã cam kết với Quỹ Thiện Tâm -Tập đoàn Vingroup theo hợp đồng vay tài sản là bê cái giống sinh sản.
Điều 5. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ
- Đối tượng: Là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát hàng năm của địa phương; ưu tiên các hộ gia đình nghèo và đặc biệt là hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
- Điều kiện:
+ Hộ có nhân lực tự chăn dắt, có điều kiện làm chuồng trại và tự nguyện nhận nuôi theo quy định.
+ Từ trước đến nay chưa được nhận bê (bò) của các chương trình khác.
Điều 6. Nguồn hình thành Quỹ
Được Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho các hộ gia đình vay.
Điều 7. Phân cấp Quản lý con giống
1. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quản lý chung; định kỳ vào cuối hàng tháng, quý, 6 tháng, năm báo cáo tình hình con giống, kết quả triển khai thực hiện quà tặng của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup về Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup.
2. Ban Điều hành cấp huyện, thị xã, thành phố
- Ban Điều hành các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn Ban Thực thi cấp xã, phường, thị trấn lập sổ theo dõi con giống của đơn vị mình.
- Chỉ đạo Ban Thực thi cấp xã tổ chức tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của dự án; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình biến động của con giống; kịp thời triển khai khoanh vùng dập dịch (nếu có).
- Kịp thời phối hợp cùng với trạm thú y huyện chỉ đạo tổ chức khoanh vùng dập dịch (nếu có). Trường hợp con giống ở các xã bị dịch bệnh, chết, mất hoặc những trường hợp khác liên quan đến con giống thì thú y huyện phối hợp với Ban Thực thi cấp xã, phường, thị trấn ở nơi đó tiến hành kiểm tra làm rõ nguyên nhân, biện pháp giải quyết và lập biên bản hiện trạng báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
- Định kỳ vào cuối hàng tháng, quý, 6 tháng, năm báo cáo tình hình, kết quả triển khai, tiếp nhận vốn vay (con giống) của Tập đoàn Vingroup về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
3. Ban Thực thi cấp xã, phường, thị trấn
- Ban Thực thi cấp xã, phường, thị trấn lập sổ theo dõi con giống của đơn vị mình, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên (hoặc tổ chức hội) chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý đối với số hộ tham gia chương trình. Nội dung của sổ theo dõi con giống bao gồm: thông tin về tình trạng của con giống; thời gian phối giống, sinh đẻ; thời gian luân chuyển và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển con giống. Hướng dẫn các hộ dân lập sổ theo dõi của gia đình.
- Ban Thực thi cấp xã, phường, thị trấn: là đơn vị trực tiếp quản lý nguồn con giống, có trách nhiệm:
+ Kiểm tra thường xuyên tình hình con giống, chỉ đạo thú y xã kịp thời chăm sóc con giống khi bị ốm đau, dịch bệnh.
+ Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân mục đích ý nghĩa và trách nhiệm của các hộ dân tham gia chương trình bê giống.
+ Báo cáo kịp thời cho Ban Điều hành của huyện, thị xã, thành phố đối với những trường hợp con giống bị chết, mất, trường hợp khác liên quan đến con giống. Lập biên bản xác minh sự việc, làm rõ nguyên nhân, biện pháp giải quyết báo cáo bằng văn bản gửi Ban Điều hành cấp huyện, thị xã, thành phố.
Quy trình giải quyết những trường hợp rủi ro: (có Bảng tổng hợp tình huống kèm theo)
Điều 8. Trách nhiệm của hộ dân tham gia vay vốn bằng bê cái giống sinh sản
Có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý con giống, không làm mất, chết do lỗi của gia đình. Không được tự ý bán hoặc chuyển nhượng, thế chấp, giết mổ con giống khi chưa hoàn thành nghĩa vụ trả lại cho Ban Thực thi cấp xã một con giống đầu tiên. Chấp hành việc báo cáo kịp thời cho Ban Thực thi cấp xã, công an xã khi có vấn đề liên quan đến con giống.
+ Khi con giống bị bệnh: Hộ gia đình phải báo cáo ngay với trưởng thôn và cán bộ thú y của xã để được hướng dẫn, giúp đỡ điều trị.
+ Trường hợp con giống bị mất hoặc chết: Hộ gia đình phải báo cáo ngay với trưởng thôn, công an xã; Ban Thực thi cấp xã tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của hộ gia đình đó và lập biên bản sự việc.
+ Trường hợp con giống sinh sản: Hộ gia đình báo cáo với Ban Thực thi cấp xã ngày con giống sinh sản (con đực hay con cái) để theo dõi, cập nhật và xác định thời gian luân chuyển con giống cho hộ gia đình khác.
Điều 9. Về luân chuyển nguồn vốn vay
- Con giống được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho các hộ dân vay, đang nuôi tại hộ gia đình khi đẻ lứa đầu tiên thì hộ gia đình phải báo với trưởng thôn và Ban Thực thi cấp xã (ngày sinh sản, con cái hay con đực) đồng thời gia đình có trách nhiệm nuôi con bê con đủ số tháng tuổi theo quy định tại hợp đồng đã ký kết để bàn giao cho Ban Thực thi cấp xã.
- UBND cấp xã, phường, thị trấn: căn cứ vào số lượng bê giống sinh sản, phân bổ con giống đó và chỉ đạo cho Trưởng thôn tổ chức bình xét công khai, dân chủ trong diện hộ nghèo có nguyện vọng tham gia vốn vay tiếp theo của Quỹ Thiện Tâm (Quy trình bình xét và tiêu chí như đợt đầu bình xét)
- Phương án xử lý những con giống: (bê sinh ra là bê đực, bê cái)
+ Trường hợp là bê cái thì Ban thực thi cấp xã tiếp nhận đồng thời tổ chức bàn giao cho các hộ gia đình đã được bình xét theo quy định.
+ Trường hợp là bê đực thì tổ chức bán (có biên bản họp của Ban Thực thi cấp xã). Thành lập Ban đấu giá cấp xã có các thành phần lãnh đạo UBND xã, cơ quan chuyên môn, các thành viên Ban Thực thi, trưởng các thôn, đại diện các hộ dân... Con giống phải được tổ chức bán đấu giá công khai, ưu tiên cho hộ gia đình đang nuôi nếu có nhu cầu muốn mua lại con giống đó. Số tiền bán con giống được Ban Thực thi cấp xã mở sổ theo dõi tiền theo quy định hiện hành để mua con giống kỳ sau (việc mua, bán phải được thể hiện bằng hợp đồng mua, bán của đại diện Ban Thực thi cấp xã với người bán, mua con bê đó).
- Sau khi con bê giống đầu tiên được bàn giao cho hộ gia đình nghèo mới được bình xét thì hộ gia đình ban đầu được toàn quyền sở hữu con bò đó và những con bê con tiếp theo.
- Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup ủy quyền cho UBND xã, phường, thị trấn (nơi được tiếp nhận nguồn bê giống hỗ trợ) làm biên bản thanh lý hợp đồng vay tài sản đã ký với hộ thứ nhất và làm thủ tục bàn giao bê giống của hộ thứ nhất sang hộ thứ hai, trình tự như sau:
+ Căn cứ vào Hợp đồng do Quỹ Thiện Tâm đã ký, UBND xã lập biên bản thanh lý hợp đồng (theo mẫu của Quỹ ban hành);
+ UBND xã ký hợp đồng đối với hộ thứ hai (có mẫu của Quỹ ban hành) gồm 3 loại văn bản: Đơn xin vay tài sản bê giống của hộ thứ hai; Hợp đồng vay tài sản bê giống của hộ thứ hai; Biên bản bàn giao bê giống cho hộ thứ hai.
Việc ký biên bản thanh lý hợp đồng với hộ thứ nhất và ký hợp đồng, bàn giao bê giống cho hộ tiếp theo đều được thực hiện bởi đúng cấp có thẩm quyền quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Trách nhiệm thực hiện
- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn Ban Điều hành cấp huyện, thị xã, thành phố và Ban Thực thi các xã, phường, thị trấn thực hiện Quy chế này; Báo cáo định kỳ và đột xuất (khi có vấn đề phát sinh) về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
- Các Thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ban Điều hành cấp huyện, Ban Thực thi cấp xã, các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trên đây là Quy chế quản lý, giám sát, phát triển bê cái giống sinh sản do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho vay. UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Điều hành cấp huyện, Ban Thực thi cấp xã và các hộ gia đình được hỗ trợ vay bê giống sinh sản nghiêm túc thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ánh, báo cáo về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp./.
BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “NGÂN HÀNG BÊ GIỐNG” TỈNH BÌNH ĐỊNH |
|
QUY TRÌNH
XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG TRONG QUÁ TRÌNH QUẢN LÝ “NGÂN HÀNG BÊ GIỐNG” CỦA QUỸ THIỆN TÂM
TT | Những tình huống xảy ra | Trách nhiệm của Chủ hộ nuôi bê giống | Trách nhiệm của Ban Thực thi cấp xã (viết tắt là “BTT xã”) | Trách nhiệm của Ban Điều hành cấp huyện (viết tắt là “BĐH huyện”) |
1 | Tiếp nhận bê giống từ Qũy Thiện Tâm | Ngay sau khi tiếp nhận bê giống của Quỹ Thiện Tâm, chủ hộ phải nuôi con giống cách ly tại chuồng của gia đình 07 ngày đầu tiên. Chú ý: Không dắt bê giống đi ăn ở ngoài đồng hoặc với đàn trâu bò của địa phương và các vật nuôi khác trong thời gian 07 ngày đầu, cho bê ăn và uống nước đầy đủ để theo dõi sức khỏe của bê giống. Trường hợp bê giống có biểu hiện không ăn, bị ốm thì kịp thời báo ngay cho Trưởng thôn, BTT xã và cán bộ thú y xã để kiểm tra, điều trị (nếu có). Sau 07 ngày ổn định thì chủ hộ cho bê giống đi chăn thả bình thường. | Trong quá trình tổ chức bàn giao, BTT xã hướng dẫn cho các hộ gia đình thực hiện đúng theo quy trình: - Yêu cầu gia đình ngay sau khi nhận được bê giống thì phải nhốt bê giống tại chuồng trong vòng 07 ngày đầu, mục đích để theo dõi sức khỏe, đồng thời gia đình có thời gian kiểm tra nhớ rõ đặc điểm của con bê giống. - Khi chủ hộ thông báo tình hình con giống thì BTT xã cùng cán bộ thú y khẩn trương xuống kiểm tra xem xét, có phương án điều trị (nếu có). - Trường hợp xảy ra dịch bệnh thì phải báo ngay cho BĐH huyện, trạm thú y huyện để phối hợp giải quyết. | Ban điều hành huyện (BĐH) phối hợp cùng chi cục thú y tỉnh, BCĐ cấp tỉnh triển khai việc tổ chức tiếp nhận và triển khai tập huấn cho các hộ dân tham gia vay bê giống của Quỹ. Chỉ đạo BTT xã, cán bộ thú y trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý tình hình dịch bênh, sức khỏe của bê giống một cách thường xuyên. Kịp thời cử Cán bộ ở trạm thú y xuống các xã kiểm tra, khoanh vùng dập dịch (nếu có) xảy ra. |
2 | Bê giống bị dịch lở mồm long móng hoặc tụ huyết trùng | Chủ hộ phải báo cáo gấp tới Trưởng thôn, BTT xã và cán bộ thú y xã. Chủ động cách ly bê giống không cho tiếp xúc với đàn trâu bò của địa phương và các vật nuôi khác. | BTT xã báo cáo kịp thời cho BĐH huyện, Trạm thú y huyện. Phối hợp cùng Trạm thú y huyện và lực lượng phòng dịch của địa phương khẩn trương triển khai khoanh vùng dập dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Chỉ đạo các hộ gia đình thực hiện nghiêm việc nuôi cách ly những con bê giống trong khu vực | BĐH huyện phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp, trạm thú y triển khai chỉ đạo khoanh vùng dập dịch trên địa bàn xảy ra dịch bệnh đối với nguồn bê giống của QTT và những con giống của nhân dân trên địa bàn. Kịp thời báo cáo BCĐ cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp, Chi Cục thú y tỉnh xin ý kiến chỉ đạo. |
3 | Bê giống bị chết đột ngột trong thời gian chủ hộ chưa hoàn thành nghĩa vụ. (Bao gồm cả trường hợp bò mẹ chết hoặc bê con chết hoặc cả hai mẹ con bị chết)
| Chủ hộ phải kịp thời báo cáo ngay tới Trưởng thôn, BTT xã và làm bản tường trình về sự việc và nguyên nhân bê giống bị chết. | BTT xã lập đoàn kiểm tra xác minh, kết luận và xử lý, nếu: 1. Trường hợp bê giống chết vì lý do khách quan thì làm thủ tục miễn trừ trách nhiệm cho chủ hộ đó. 2. Trường hợp bê giống chết do lỗi chủ quan của gia đình thì yêu cầu gia đình đó phải mua trả lại con bê giống khác hoặc trả lại tiền đúng bằng giá trị con giống mà Quỹ cho vay. Bê giống bị chết sẽ được xử lý theo 1 trong 2 phương án: a. Nếu cơ quan thú y xác định thịt bê sử dụng được làm thực phẩm thì BTT xã sẽ tiến hành bán đấu giá công khai. Sau đó BTT xã làm thủ tục chi hỗ trợ 30% công chăm sóc cho hộ gia đình, còn lại 70% nhập vào Quỹ con giống của xã. Mở sổ quản lý và dùng Quỹ này để mua tiếp bê cái giống bàn giao cho hộ nông dân nghèo kế cận đã được bình xét. b. Nếu cơ quan thú y xác định thịt bê không thể sử dụng được thì BTT lập biên bản tổ chức tiêu hủy theo quy định và báo cáo huyện. Việc bán đấu giá bê giống bị chết làm thực phẩm phải được tổ chức công khai, minh bạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | BĐH huyện chỉ đạo BTT xã thực hiện đúng quy trình này; kiểm soát việc bán đấu giá bê giống bị chết làm thực phẩm phải được tổ chức công khai, minh bạch; Giám sát việc sử dụng Quỹ con giống để tuyệt đối không sử dụng vào việc khác hoặc phát sinh tiêu cực. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. |
4 | Bê giống bị còi cọc, ốm yếu không có khả năng phát triển | Chủ hộ chủ động báo cáo tới Trưởng thôn và BTT xã. | BTT xã kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của bê giống và xác định nguyên nhân, nếu: 1. Lỗi chủ quan của gia đình không chăm sóc cẩn thận, để bê giống thường xuyên đói ăn gây ốm yếu; chuồng trại không có hoặc không đảm bảo sức khỏe cho con giống thì lập biên bản và có thể thu hồi con bê giống đó chuyển cho hộ gia đình khác nuôi. Trường hợp bê giống ốm yếu không có khả năng phát triển thì BTT tổ chức bán đấu giá thu tiền về Quỹ con giống để mua bê cái giống khác giao cho hộ gia đình tiếp theo. 2.Lỗi khách quan do bê giống bị bệnh tật, ốm yếu thì BTT xã xem xét tổ chức bán đấu giá. Số tiền bán được BTT xã sẽ tổ chức mua bê giống khác, nếu hộ gia đình còn có nguyện vọng nuôi thì tiếp tục bàn giao cho hộ đó nuôi. Nếu không có nguyện vọng nuôi thì xã trích 30% giá trị tiền bán bê giống đó hỗ trợ công chăm sóc cho gia đình, nhập 70% vào Quỹ bê giống để tiếp tục mua bê giống khác bàn giao cho hộ tiếp theo. Việc bán đấu giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch; Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | BĐH huyện chỉ đạo BTT xã thực hiện đúng quy trình này. Việc kiểm tra, xác minh phải đảm bảo tính khách quan. Kiểm soát việc bán đấu giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch. Giám sát việc sử dụng Quỹ con giống để tuyệt đối không sử dụng vào việc khác hoặc phát sinh tiêu cực. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. |
5 | Con bê giống không có khả năng sinh sản (lấy đực nhiều lần nhưng không đạt) | Chủ hộ chủ động làm đơn tới BTT xã, có sự xác nhận của Trưởng thôn và Cán bộ thú y xã. | BTT xã xem xét và trao đổi ý kiến với chuyên môn (cán bộ thú y kiểm tra thực tế). Trường hợp bê giống lấy đực nhiều lần không đạt thì giải quyết theo một trong các cách sau: - Đồng ý cho gia đình bán bê giống, nhưng có sự giám sát của Trưởng thôn và BTT xã. Số tiền thu được yêu cầu gia đình mua con bò giống cái khác tương đương giá trị để tiếp tục nuôi (chú ý chỉ được mua bê cái giống tương tự, không được mua bê quá nhỏ hoặc sử dụng tiền vào việc khác). - Trường hợp gia đình không có nhu cầu nuôi nữa thì BTT xã tiến hành bán đấu giá và trích 30% giá trị tiền bán được hỗ trợ công chăn nuôi cho gia đình. Nhập 70% vào Quỹ bê giống của xã để quản lý và mua bê giống tiếp theo. Việc bán đấu giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch; Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | BĐH huyện chỉ đạo BTT xã thực hiện đúng quy trình này. Việc kiểm tra, xác minh phải đảm bảo tính khách quan. Kiểm soát việc bán đấu giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch. Giám sát việc sử dụng Quỹ con giống để tuyệt đối không sử dụng vào việc khác hoặc phát sinh tiêu cực. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. |
6 | Hộ gia đình không có điều kiện để có thể tiếp tục chăn nuôi nữa, tự nguyện xin trả lại bê giống cho xã
| Chủ hộ chủ động làm đơn tới BTT xã, có sự xác nhận của Trưởng thôn. | BTT xã xác minh rõ điều kiện thực tế của gia đình, nếu gia đình tự nguyện trả lại con bê giống vì lý do không có nhân lực chăn nuôi song con bê giống vẫn khỏe mạnh thì BTT xã tiến hành định giá công khai con giống; làm thủ tục tiếp nhận và bàn giao bê giống đó cho hộ nghèo khác theo đúng quy trình. BTT xã trích từ Quỹ con giống tương đương 30% giá trị con giống để hỗ trợ công chăn nuôi cho gia đình tự nguyện trả lại bê giống. Việc định giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch; Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | BĐH huyện chỉ đạo BTT xã thực hiện đúng quy trình này. Việc kiểm tra, xác minh phải đảm bảo tính khách quan. Kiểm soát việc bán đấu giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch. Giám sát việc sử dụng Quỹ con giống để tuyệt đối không sử dụng vào việc khác hoặc phát sinh tiêu cực. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. |
7 | Bò sinh sản con đầu tiên | Chủ hộ báo cáo Trưởng thôn và BTT xã ngay sau khi bò sinh sản (nội dung báo cáo: bê con là giống đực hay cái, ngày sinh sản, tình trạng). Chủ hộ ghi vào sổ theo dõi của gia đình và chăm sóc bê con để đến khi đủ 12 tháng tuổi thì bàn giao cho BTT xã. | Ngay sau khi chủ hộ báo cáo, BTT xã cần đi kiểm tra và ghi vào sổ theo dõi của xã (tên chủ hộ, bê con là giống đực hay cái, ngày sinh sản). BTT xã báo cáo UBND xã để xây dựng kế hoạch tiếp nhận và bàn giao bê giống theo đúng quy định. Khi tiến hành bàn giao phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho hộ gia đình hoàn thành nghĩa vụ. Đồng thời hướng dẫn thủ tục cho hộ thứ hai được tiếp nhận bê giống hoàn thiện hồ sơ để ký hợp đồng và trình UBND xã phê duyệt (theo ủy quyền của Quỹ Thiện Tâm), sau đó trình BĐH huyện ký xác nhận. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | Chỉ đạo UBND xã và BTT xã bình xét các hộ tiếp theo đúng yêu cầu, đảm bảo công khai, dân chủ. Quản lý và tổ chức tiếp nhận, bàn giao đúng quy trình, xác nhận vào Hợp đồng và các văn bản do BTT xã trình duyệt. |
8 | Bê giống sinh sản ra bê con giống đực, hoặc bê con giống cái bị ốm yếu/ kém phát triển | Chủ hộ chủ động báo cáo tới Trưởng thôn và BTT xã. | BTT xã tiếp nhận bê con do hộ thứ nhất bàn giao và kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của bê giống, nếu: - Bê con giống cái khỏe mạnh, phát triển bình thường: BTT tổ chức tiếp nhận và bàn giao cho hộ khác kế tiếp theo quy định. - Bê đực hoặc bê con giống cái được sinh ra bị ốm yếu, kém phát triển: BTT tiếp nhận và tổ chức bán đấu giá công khai. Số tiền thu được sẽ đưa vào Quỹ bê giống của xã theo dõi riêng, đồng thời tổ chức mua bê giống cái có đủ điều kiện sinh sản để bàn giao cho hộ tiếp theo. Việc bán đấu giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch; Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | Chỉ đạo UBND xã và BTT xã bình xét các hộ tiếp theo đúng yêu cầu, đảm bảo công khai, dân chủ. Kiểm soát việc bán đấu giá bê giống phải được tổ chức công khai, minh bạch. Giám sát việc sử dụng Quỹ con giống để tuyệt đối không sử dụng vào việc khác hoặc phát sinh tiêu cực. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. Quản lý và tổ chức tiếp nhận, bàn giao đúng quy trình, xác nhận vào Hợp đồng và các văn bản do BTT xã trình duyệt. |
9 | Bê giống bị mất; gia đình tự ý bán, tự giết thịt trong thời gian chưa hoàn thành nghĩa vụ | Theo Hợp đồng đã ký, Chủ hộ phải mua trả cho xã một con bê cái giống bằng giá trị khi được vay hoặc trả bằng tiền mặt có giá trị tương đương. | BTT xã kiểm tra, lập biên bản xử lý và có các biện pháp yêu cầu gia đình phải thực hiện mua trả lại bê giống hoặc trả bằng tiền mặt với giá trị tương đương cho BTT xã để làm thủ tục bàn giao cho hộ nghèo khác. Theo dõi việc hoàn trả này đảm bảo đúng quy định. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | Chỉ đạo UBND xã và BTT xã yêu cầu gia đình phải thực hiện mua trả lại bê giống hoặc trả bằng tiền mặt với giá trị tương đương cho BTT xã để làm thủ tục bàn giao cho hộ nghèo khác. Giám sát việc sử dụng Quỹ con giống để tuyệt đối không sử dụng vào việc khác hoặc phát sinh tiêu cực. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. |
10 | Gia đình chủ hộ bị bệnh tật hiểm nghèo, cấp cứu... mà ảnh hưởng đến tính mạng, dẫn đến buộc phải bán đi tài sản (trong đó có bê giống) | Trước khi bán con giống, chủ hộ phải làm bản tường trình lý do kèm theo hồ sơ liên quan (bệnh án có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền…) và gửi tới Trưởng thôn xác nhận và nộp UBND xã. Chỉ khi có ý kiến đồng ý thì gia đình mới được phép bán. | BTT xã tiến hành lập biên bản, kiểm tra xác minh thực tế, nếu: - Trường hợp lý do gia đình đưa ra chính đáng thì UBND xã hướng dẫn gia đình làm bản tường trình kèm theo các hồ sơ liên quan. Sau đó cho ý kiến xác nhận và chuyển hồ sơ tới BĐH huyện và Quỹ Thiện Tâm xem xét và cho ý kiến quyết định. Trong trường hợp BĐH và Quỹ Thiện Tâm có ý kiến chấp thuận thì BTT xã thông báo cho chủ hộ biết và theo dõi làm thủ tục miễn trừ trách nhiệm cho chủ hộ đó. - Trường hợp lý do gia đình đưa ra không chính đáng thì BTT xã xử lý theo quy trình tại điều 9 trên đây. BTT xã báo cáo BĐH huyện định kỳ. | - Trường hợp lý do gia đình đưa ra chính đáng: BĐH huyện kiểm tra và xác nhận hoàn cảnh của hộ gia đình, chuyển toàn bộ hồ sơ đó tới Quỹ Thiện Tâm. - Trường hợp không có lý do chính đáng: BĐH huyện chỉ đạo UBND xã và BTT xã yêu cầu gia đình phải thực hiện mua trả lại bê giống hoặc trả bằng tiền mặt với giá trị tương đương cho BTT xã để làm thủ tục bàn giao cho hộ nghèo khác. Giám sát việc sử dụng Quỹ con giống để tuyệt đối không sử dụng vào việc khác hoặc phát sinh tiêu cực. Việc trích hỗ trợ cho các hộ dân phải có chứng từ kế toán và theo dõi theo đúng quy định. |