Quyết định 415/QĐ-UBND

Quyết định 415/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Tuyên Quang

Nội dung toàn văn Quyết định 415/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất Tuyên Quang 2015


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 415/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TỈNH TUYÊN QUANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất; Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 108/2008/NĐ-CP">28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;

Thực hiện Văn bản số 10362/BCT-HC ngày 13 tháng 01 năm 2013 của Bộ Công Thương hướng dẫn về việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 43/TTr-SCT ngày 10 tháng 12 năm 2015 về việc Phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Tuyên Quang (có kế hoạch chi tiết kèm theo), với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

- Giảm thiểu nguy cơ xẩy ra sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh và hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của sự cố hóa chất đến con người và môi trường.

- Là cơ sở để các lực lượng của tỉnh chủ động triển khai và phối hợp trong công tác ứng phó với các sự cố hóa chất có thể xẩy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Phân cấp mức độ nguy hiểm của sự cố hóa chất

2.1. Cấp cơ sở

Sự cố hóa chất xảy ra ở cơ sở, sự cố không gây nguy hại đối với tính mạng, tài sản, môi trường, sản xuất và kinh tế. Các tình huống này có thể các cơ sở kiểm soát được bởi các biện pháp xử lý tại chỗ. Trong trường hợp này chủ cơ sở phải tổ chức chỉ huy lực lượng của đội ứng phó sự cố hóa chất cấp cơ sở để triển khai thực hiện việc ứng cứu kịp thời. Đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm huy động lực lượng và thực hiện các biện pháp xử lý nói trên.

Trường hợp sự cố hoá chất vượt quá khả năng của cơ sở, nguồn lực tại chỗ không đủ khả năng tự ứng cứu thì chủ cơ sở phải kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh (Thường trực tại Sở Công Thương, điện thoại: 027.3824613, 027.3817739), nếu nguy cơ xảy ra cháy, gọi điện khẩn cấp cho Phòng cảnh sát PCCC và CNCH (điện thoại: 114 hoặc 027.3822450) để được ứng cứu. Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường.

Các đơn vị hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh đều có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cấp cơ sở.

2.1. Cấp khu vực

Trường hợp sự cố hóa chất gây nên những nguy hiểm nhất định đối với tính mạng, tài sản và môi trường (cháy, nổ nhỏ, nhiễm độc hóa chất...). Để kiểm soát được các tình huống này, các cơ sở ngoài triển khai các biện pháp ứng cứu bằng lực lượng ứng cứu của đơn vị cơ sở còn phải có sự phối hợp, hỗ trợ ứng cứu của các lực lượng, phương tiện Ban Quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc các lực lượng sẵn có gần kề khu vực xảy ra sự cố. Nếu nguy cơ xảy ra cháy, gọi điện khẩn cấp cho Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh (điện thoại: 114 hoặc 027.3822450) để được ứng cứu.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng cứu của cơ sở hoặc của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh tổ chức ứng cứu theo kế hoạch, đồng thời đề xuất huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các khu vực trong tỉnh và phối hợp các tỉnh tiếp giáp: Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Yên Bái để được ứng cứu.

Các đơn vị hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cấp khu vực: Công ty TNHH một thành viên Cơ khí hóa chất 13; Công ty cổ phần Giấy An Hòa; Chi nhánh Công nghiệp Hóa chất mỏ Hà Tuyên; Công ty cổ phần Giấy Tuyên Quang; Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Tuyên Quang; Công ty cổ phần Kim loại mầu Tuyên Quang; Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương; Công ty TNHH một thành viên Vạn Lộc Tuyên Quang; Công ty TNHH một thành viên GAS Hải Linh, các doanh nghiệp có kho vật liệu nổ công nghiệp và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

2.1. Cấp quốc gia

Khi xảy ra các vụ cháy lớn với quy mô cấp quốc gia vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh và có tác động đặc biệt nghiêm trọng. Khi xảy ra sự cố Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất tỉnh chỉ huy ứng cứu, đồng thời báo cáo để Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó, phối hợp các tỉnh tiếp giáp: Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Yên Bái để ứng cứu kịp thời.

Các đơn vị trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cấp quốc gia: Công ty TNHH một thành viên Cơ khí hóa chất 13, Công ty cổ phần Giấy An Hòa; Chi nhánh Công nghiệp Hóa chất mỏ Hà Tuyên.

3. Quy trình ứng phó sự cố hóa chất

3.1. Giai đoạn 1: Tiếp nhận và xử lý thông tin

Người phát hiện sự cố ngay lập tức báo cáo cho chủ cơ sở, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên địa bàn theo số điện thoại 114, đồng thời cung cấp chi tiết các thông tin có thể quan sát được, gồm: Vị trí xảy ra sự cố; số lượng và chủng loại hóa chất; tình trạng hiện tại về rò rỉ, tràn đổ, cháy, số nạn nhân quan sát được.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thông báo cho Thường trực Ban chỉ đạo và Công an tỉnh.

3.2. Giai đoạn 2: Huy động các lực lượng tham gia và tiến hành ứng phó sự cố hóa chất

Sở Công Thương có trách nhiệm thông tin đầy đủ cho các cơ quan liên quan để triển khai kế hoạch ứng cứu theo các phân cấp mức độ nguy hiểm, đồng thời thông báo và tham vấn ý kiến Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Công Thương và đề nghị hỗ trợ khi cần thiết.

Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cụ thể của ngành được phân công trong Kế hoạch ứng phó, đảm bảo an toàn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo yêu cầu. Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trưng dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân phục vụ công tác ứng phó sự cố tại hiện trường.

Chủ cơ sở nơi xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm cung cấp thông tin và hợp tác với lực lượng chức năng khi triển khai ứng phó sự cố hóa chất xảy ra tại đơn vị. Trong trường hợp nguồn nguy cơ vô chủ, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa hình và các phương án tiếp cận nơi xảy ra sự cố.

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, các thông tin phải được báo cáo thường xuyên và xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo hoặc Thường trực Ban chỉ đạo.

3.3. Giai đoạn 3: Kết thúc hoạt động ứng phó sự cố hóa chất và khắc phục hậu quả môi trường

Sau khi quá trình ứng phó sự cố tại hiện trường đã được đảm bảo xử lý hoàn toàn, Thường trực Ban chỉ đạo báo cáo với Trưởng ban để tuyên bố kết thúc quá trình ứng phó.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành công tác kiểm soát chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường. Sau khi xử lý, khắc phục sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho Trưởng Ban chỉ đạo về hiện trạng môi trường đã trở lại an toàn để xem xét kết thúc hoạt động ứng cứu, thông báo cho các cơ sở, người dân trở lại hoạt động bình thường.

3.4. Giai đoạn 4: Báo cáo đánh giá

Công an tỉnh tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra sự cố, nếu có dấu hiệu hình sự thì tiến hành lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm báo cáo về Ban chỉ đạo nguyên nhân gây ra sự cố, tình hình thiệt hại, kế hoạch khắc phục sự cố tại cơ sở, phương án bồi thường thiệt hại cho các cơ sở xung quanh, chi phí cho việc ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả tại cơ sở.

Các cơ quan thành viên báo cáo những hoạt động đã thực hiện của đơn vị mình về Thường trực Ban chỉ đạo. Thường trực Ban chỉ đạo lập báo cáo tổng hợp, báo cáo Trưởng ban và cơ quan cấp trên có liên quan.

Ban chỉ đạo tổ chức họp đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình ứng phó sự cố và thông cáo báo chí.

Điều 2. Trách nhiệm phối hợp và tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương

- Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất theo quy định của pháp luật.

- Rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hoá chất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất xây dựng biện pháp hoặc kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tỉnh Tuyên Quang.

- Khi có sự cố xẩy ra, tùy điều kiện và khả năng ứng cứu, báo cáo Trưởng ban chỉ đạo xin ý kiến và phối hợp với các ngành để tổ chức ứng cứu.

- Sau khi sự cố xảy ra, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp điều tra nguyên nhân gây nên sự cố hoá chất, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc quản lý, hướng dẫn công tác lưu giữ, bảo quản hoá chất trên địa bàn.

2. Sở Y tế

- Rà soát, đánh giá thực trạng để xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoá chất sử dụng trong bào chế dược phẩm cho người, hoá chất trong diệt khuẩn, diệt côn trùng gia dụng y tế và hoá chất dùng làm phụ gia trong thực phẩm.

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất, hoá thực phẩm trong ngành y tế cho các tổ chức, cá nhân thuộc diện quản lý.

- Khi xảy ra sự cố hoá chất có nhiệm vụ điều động nhân lực, trang thiết bị cấp cứu kết hợp với lực lượng y tế cơ sở tổ chức cứu chữa kịp thời đối với nạn nhân do sự cố gây ra.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hoá chất. Hướng dẫn, xử lý hoá chất độc tồn dư trong sản xuất, kinh doanh hoá chất.

- Tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hoá chất.

- Sau khi sự cố xảy ra, có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp để khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, ngăn ngừa nạn ô nhiễm nước ngầm và nước mặt do chất thải nguy hại sinh ra trong quá trình xảy ra sự cố.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ, tác hại của sự cố hoá chất và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất nhằm bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất, ý thức, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh và người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường.

- Rà soát, đánh giá thực trạng để xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoá chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, thú y, bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ, hải sản.

- Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở các khu vực sản xuất, đặc biệt ở các khu vực chuyên sản xuất rau, chè, cây ăn quả.

6. Công an tỉnh

- Tăng cường quản lý hoá chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; hoá chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan phát hiện, điều tra, xử lý và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động hoá chất theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra tình hình xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập, ứng phó sự cố hoá chất của các doanh nghiệp, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hoá chất, có nhiều nguy cơ xẩy ra sự cố hoá chất.

- Khi xảy ra sự cố hoá chất có nhiệm vụ:

+ Huy động đầy đủ phương tiện, trang thiết bị thực hiện ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố hoá chất. Quyết định các biện pháp chữa cháy ban đầu, sử dụng mọi biện pháp để cứu người bị nạn, di chuyển tài sản và ngăn chặn cháy lan. Đảm bảo an toàn cho con người, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về con người và cơ sở vật chất.

+ Phối hợp với doanh nghiệp nắm tình hình, tổ chức cứu chữa của lực lượng tại chỗ, thông báo và phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, nếu cần thiết thì yêu cầu hoặc huy động theo thẩm quyền đối với lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác chữa cháy. Khi trang thiết bị và lực lượng cứu nạn, cứu hộ không thể đáp ứng được yêu cầu, vượt quá khả năng triển khai, chủ động đề nghị hỗ trợ của công an các tỉnh lân cận.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp quản lý chặt chẽ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định.

- Khi xảy ra sự cố hoá chất cấp khu vực, cấp quốc gia có nhiệm vụ điều động lực lượng, trang thiết bị của đơn vị kết hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức chữa cháy, ứng cứu kịp thời sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về hoá chất cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất trên địa bàn quản lý theo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất có hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh, các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động hoá chất trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm kinh doanh, kho cất giữ bảo quản hoá chất nguy hiểm (bao gồm cả hỗn hợp hoá chất nguy hiểm). Hướng dẫn thực hiện các Quy chuẩn xây dựng về kết cấu công trình, thiết kế kho hoá chất, đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

- Khi xẩy ra sự cố hoá chất tại địa bàn có nhiệm vụ điều động lực lượng, trang thiết bị của đơn vị kết hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức chữa cháy, ứng cứu kịp thời sự cố xảy ra.

- Sau khi xảy ra sự cố, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nơi có sự cố xẩy ra tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tại khu vực có sự cố hoá chất để khắc phục nơi ở, tạo điều kiện để nhân dân ổn định đời sống.

9. Ban Quản lý khu công nghiệp

- Phối kết hợp với Sở Công Thương thông tin, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động hoá chất cho các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp.

- Khi xảy ra sự cố hoá chất tại địa bàn có nhiệm vụ kết hợp với các cơ quan đơn vị tham gia công tác chữa cháy, ứng cứu kịp thời sự cố xẩy ra. Tạo mọi điều kiện để các cơ quan chức năng tham gia xử lý sự cố trong các khu công nghiệp có xảy ra các sự cố hoá chất.

10. Các cơ sở có hoạt động hoá chất

- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất nguy hiểm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các quy trình, quy phạm, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hoá chất nguy hiểm, hóa chất độc nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động.

- Thực hiện các quy định về khai báo hoá chất, lập và lưu giữ phiếu an toàn hoá chất, xây dựng biện pháp và kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hoá chất. Các doanh nghiệp phải đảm bảo tốt nhất khả năng phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố hoá chất.

- Kiểm tra, cải tạo nâng cấp kho chứa hoá chất nguy hiểm, hóa chất độc. Đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hoá chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hoá chất xảy ra.

- Khi xảy ra sự cố hoá chất doanh nghiệp phải thực hiện:

+ Đánh giá sự cố, nắm rõ tình hình và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lan rộng sự cố. Phải báo ngay cho người có trách nhiệm, người đứng đầu đơn vị để trực tiếp điều khiển các biện pháp ứng phó.

+ Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của cơ quan, tổ chức, cơ sở do mình trực tiếp quản lý để chỉ huy chữa cháy ban đầu, khi chưa có lực lượng cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đến cứu chữa.

+ Nếu sự cố lớn vượt quá khả năng kiểm soát của cơ sở thì phải báo ngay cho các cơ quan chức năng có liên quan như: Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ; Sở Công Thương, Sở Y tế.

+ Bảo đảm vật tư, hậu cần phục vụ cho công tác chữa cháy được liên tục, lâu dài. Phối hợp với cơ quan chức năng để tham gia bảo vệ hiện trường, điều tra, kết luận nguyên nhân vụ cháy, nổ.

- Sau khi xảy ra sự cố thực hiện các nội dung sau:

+ Xây dựng kế hoạch ổn định đời sống và việc làm cho nhân dân, cán bộ và công nhân viên bị thiệt hại do cháy nổ trong phạm vi doanh nghiệp của mình.

+ Kịp thời có các biện pháp xử lý môi trường, hạn chế sự tác động của các chất độc, chất nhiễm xạ, phóng xạ do cháy, nổ gây ra đối với môi trường đất, nước, không khí.

+ Bồi hoàn tài sản cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc trưng dụng để chữa cháy, khắc phục sự cố hoá chất.

+ Khẩn trương phục hồi các hoạt động sản xuất, ổn định kinh doanh.

11. Kinh phí

- Hàng năm, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Sở Tài chính chủ trì, tham mưu bố trí kinh phí, từng bước trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân phục vụ ứng phó sự cố hóa chất cho các đơn vị trực tiếp tham gia ứng cứu; đảm bảo kinh phí tập huấn, huấn luyện phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;

Các ông (bà) Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- UBQG tìm kiếm cứu nạn;
- Chủ tịch UBND tỉnh; (báo cáo)
- PCT UBND tỉnh-Trần Ngọc Thực;
- Như điều 3;
- Chánh VP, PCVP UBND tỉnh;
- TP KT CNLN;
- Chuyên viên CN, TC;
- Lưu VT (VC.CN. 40b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thực

 

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 415/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 415/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 24/12/2015
Ngày hiệu lực 24/12/2015
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 415/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 415/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất Tuyên Quang 2015


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 415/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất Tuyên Quang 2015
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 415/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Trần Ngọc Thực
Ngày ban hành 24/12/2015
Ngày hiệu lực 24/12/2015
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 9 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản được dẫn chiếu

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản gốc Quyết định 415/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất Tuyên Quang 2015

Lịch sử hiệu lực Quyết định 415/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất Tuyên Quang 2015

  • 24/12/2015

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 24/12/2015

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực