Quyết định 4170/2004/QĐ.UB

Quyết định 4170/2004/QĐ.UB quy định tạm thời về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nội dung toàn văn Quyết định 4170/2004/QĐ.UB quy định quản lý và sử dụng vỉa hè lòng đường đô thị Vũng Tàu


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4170/2004/QĐ.UB

Vũng Tàu, ngày 24 tháng 6 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

- Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giao thông đường bộ và quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.

- Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/NQ-HĐT ngày 03/7/2002 của Hội đồng nhân dân tỉnh, kỳ họp thứ 7 khóa III về nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm , trong đó giao cho UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phòng, chống làm giảm thiểu tai nạn giao thông giai đoạn 2002-2005” tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

- Xét đề nghị của Giám đốc sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 447/TT.SGT ngày 14/5/2004 và công văn số 133/TP ngày 05/5/2004 của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh thẩm định bản quy định tạm thời về quản lý sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn tỉnh BR-VT.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1:Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường đô thị trên địa bàn tỉnh.

Bản quy định này gồm có 5 chương, 18 điều.

Điều 2:Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các quy định trước đây có liên quan đến việc quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường.

Điều 3:Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Thường trực Ban an toàn giao thông, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. UBND TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4170/2004/QĐ.UB ngày 24/6/2004 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Bản quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường đô thị; phân cấp trách nhiệm quản lý, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng vỉa hè và đường trong đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

2. Việc quản lý lòng lề đường ngoài đô thị được thực hiện theo quy định của Luật giao thông đường bộ.

Điều 2:Nguyên tắc quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường

1. Vỉa hè, lòng đường là bộ phận của kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu nhà nước. Vỉa hè, lòng đường còn bao chứa các công trình cấp thóat nước, chiếu sáng, cây xanh, thông tin, môi trường và các công trình khác.

2. Vỉa hè phục vụ chủ yếu cho người đi bộ. Lòng đường phục vụ chủ yếu cho các phương tiện tham gia giao thông.

3. Khi sử dụng vỉa hè, lòng đường vào các mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc sử dụng vỉa hè, lòng đường phải bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

4. Mọi hành vi sử dụng vỉa hè, lòng đường không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương II:

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG

Điều 3:Việc quản lý vỉa hè, lòng đường

1. Vỉa hè, lòng đường phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy hoạch, chỉ giới, mốc giới xây dựng.

a. Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý việc xây dựng, sử dụng, duy tu, sửa chữa lòng đường đã được phân cấp theo Quyết định số 04/QĐ-UB ngày 02/01/2001 của UBND tỉnh.

b. UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) chịu trách nhiệm quản lý việc xây dựng, sử dụng, duy tu, sửa chữa lòng đường và vỉa hè các tuyến đường đô thị đã được phân cấp theo Quyết định số 04/QĐ.UB và những tuyến đường chưa có danh mục theo quyết định trên, đồng thời hướng dẫn UBND phường, thị trấn tổ chức quản lý xây dựng, duy tu các đường hẻm.

c. UBND phường, thị trấn có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm việc sử dụng vỉa hè, lòng đường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

2. Việc sơn kẻ vạch phân làn giao thông, đặt biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu phải rõ ràng, không bị che khuất tầm nhìn. Màu sắc, ký hiệu, phông chữ phải theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ.

3. Cấm mọi tổ chức, cá nhân tự ý đào bới, xây dựng làm hư hại đến vỉa hè, lòng đường; không được sử dụng vỉa hè, lòng đường để họp chợ, bày bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, để vật liệu, phế thải, phương tiện giao thông, đặt biển quảng cáo và chiếm không gian trên vỉa hè để treo hàng hóa; cấm hạ thấp vỉa hè, làm cầu dẫn để đưa xe lên xuống.

Điều 4:Việc đào vỉa hè, lòng đường

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào lòng đường, vỉa hè phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:

- Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép đào lòng đường cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ hợp lệ đối với những tuyến đường được phân cấp quản lý tại điểm a khoản 1, điều 3 bản quy định này.

- UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép đào vỉa hè cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ hợp lệ đối với đường và vỉa hè theo phân cấp quản lý tại điểm b khoản 1, điều 3 bản quy định này.

2. Thời gian để xem xét cấp giấy phép đào vỉa hè, lòng đường là 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối cấp phép, cơ quan cấp phép phải trả lời trong vòng 5 ngày và nêu rõ lý do.

3. Chủ đầu tư công trình và đơn vị thi công đào vỉa hè, lòng đường phải chấp hành nghiêm “Quy định thi công công trình trên đường bộ đang khai thác” ban hành kèm theo Quyết định số 2525/2003/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2003 của Bộ Giao thông vận tải. Trong quá trình thi công phải có đủ biển báo, rào chắn, ban đêm phải có đèn đỏ; thực hiện đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng về việc hoàn trả lại vỉa hè, lòng đường đã được cấp phép.

Điều 5:Xây dựng ki ốt, lắp đặt mái che trên vỉa hè

1. Cấm tự ý xây dựng, lắp đạt ki ốt trên vỉa hè. Đối với những khu vực được UBND tỉnh cho phép xây dựng Ki ốt để kinh doanh phục vụ du lịch, chủ đầu tư phải xây dựng đúng mẫu thiết kế và quy hoạch do Sở Xây dựng quy định. Sở xây dựng có trách nhiệm tham mưu trình UBND tỉnh cho phép xây dựng ki ốt sau khi có ý kiến thống nhất với Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện.

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp đặt mái che mưa, che nắng phải báo cáo xin phép UBND phường, thị trấn sở tại và thực hiện đúng quy định của Sở Xây dựng và UBND cấp huyện về thiết kế, bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

3.UBND phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng ki ốt, lắp đặt mái che mưa, che nắng và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc xây dựng ki ốt, lắp đặt mái che không đúng quy định tại khoản 1 và 2 điều này.

Điều 6:Lắp đặt biển chỉ dẫn giao thông, biển hiệu, biển quảng cáo trên vỉa hè

1. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý việc lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông đúng vị trí, đúng quy định của điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo trên vỉa hè, lề đường phải được Sở Văn hóa thông tin cho phép.

3. Sở Văn hóa thông tin chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện xem xét thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo cho những trường hợp cụ thể.

4. Tổ chức, cá nhân khi được phép lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo trên vỉa hè, lề đường phải thực hiện đúng các nội dung được quy định trong giấy phép và các quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các giấy tờ có liên quan khi được cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra.

Điều 7:Xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên vỉa hè, lề đường

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, lắp đặt các công trình nổi: Tủ cáp điện thoại, tủ điều khiển đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, trạm biến áp, trụ nước cứu hoả, các van giảm áp nước, đặt cổng chào… trên vỉa hè, lề đường phải xin phép Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện.

2. UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và cấp phép đối với việc xây dựng lắp đặt các công trình nổi trên vỉa hè. Sở GTVT có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và cấp phép đối với các công trình nổi xây dựng, lắp đặt trên lề đường và hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ.

3. Tổ chức, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng lắp đặt các công trình nổi trên vỉa hè, lề đường phải thực hiện đúng theo nội dung giấy phép và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

4. Tổ chức, cá nhân khi lắp đặt mới, thay thế đường dây điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng phải bố trí đi ngầm dưới vỉa hè, lòng đường. Đối với những đường dây hiện có chưa được hạ ngầm thì các tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác phải đi trên cột cao tối thiểu 4,5m so với mặt vỉa hè, lòng đường, bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị. Việc cấp giấy phép sửa chữa, thay thế mới đường ống cấp, thoát nước do sự cố hoặc do nhu cầu của các tổ chức, cá nhân được thực hiện như sau: UBND cấp huyện cấp phép đối với việc lắp đặt đường ống trên vỉa hè, Sở Giao thông vận tải cấp phép đối với việc lắp đặt đường ống đào ngang qua đường.

Điều 8:Việc quản lý cây xanh trên các đường phố

1. Trên vỉa hè các tuyến phố, các giải phân cách được thiết kế trồng các loại cây xanh, cây cảnh. Sở GTVT chịu trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện xác định vị trí, loại cây trình UBND tỉnh phê duyệt. Nếu là các dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đường và vỉa hè thì phải có hạng mục cây xanh được phê duyệt.

2. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc tổ chức trồng, lập lý lịch quản lý, chăm lo cắt tỉa; lập kế hoạch duy tu, sửa chữa vỉa hè khi cây phát triển; tổ chức kiểm tra, bảo vệ cây xanh trên địa bàn theo quy định.

3. Cấm tuỳ tiện trồng các loại cây tạp không có trong danh mục quy hoạch cây trồng; tự ý chặt, hạ cây xanh, đánh chuyển, di dời cây, bẻ cành, chặt dễ, cắt khoanh vỏ cây, đốt lửa, đổ hóa chất vào gốc cây, lắp đặt bục bệ bao quanh gốc cây hoặc có hành vi khác làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Điều 9:Sử dụng tạm thời vỉa hè phục vụ thi công, xây dựng công trình

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè để phục vụ thi công xây dựng công trình phải có đơn xin phép UBND cấp huyện. Chỉ được cấp phép khi địa điểm có đủ điều kiện bảo đảm giao thông thông thoáng và an toàn, thời gian để xem xét cấp phép là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 5 ngày. Tổ chức, cá nhân phải có biện pháp đảm bảo trật tự ATGT trong thời hạn sử dụng vỉa hè để xây dựng công trình.

Điều 10:Sử dụng tạm thời vỉa hè cho việc cưới, việc tang

1. Cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè cho việc cưới, việc tang phải xin phép Ủy ban nhân dân phường, thị trấn nơi cư trú.

2. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè cho việc cưới, việc tang đối với đề nghị của cá nhân. Thời gian sử dụng tạm thời không quá 48 giờ kể từ khi UBND phường, thị trấn cho phép và phải giành lối đi tối thiểu đảm bảo cho người đi bộ.

Điều 11:Sử dụng tạm thời vỉa hè làm nơi để xe

1.Một số vỉa hè, lòng đường có chiều rộng trên 06mét tạm thời được phép sử dụng làm nơi đỗ xe ô tô trong khi chờ xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch. Sở GTVT trình UBND tỉnh quyết định công bố danh mục các địa điểm này cùng với quy định trách nhiệm quản lý. Ngoài các địa điểm theo danh mục được công bố, các tổ chức và cá nhân không được sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe riêng của mình mà phải tự bố trí hoặc xin phép nơi đỗ xe cho khách đến làm việc.

2. Những tuyến vỉa hè rộng trên 03 mét thì ngoài việc giành lối đi rộng tối thiểu 01 mét cho người đi bộ, phần vỉa hè phía trong được phép để xe đạp, xe máy đối với các trường hợp sau đây:

- Cơ quan, đơn vị do khuôn viên chật chội không có chỗ để xe.

- Hộ gia đình, cá nhân làm nơi để xe của khách để phục vụ sản xuất kinh doanh buôn bán.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân xin phép làm nơi trông giữ xe đạp, xe máy.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm xem xét công bố công khai cụ thể từng tuyến và quy định việc cấp giấy phép, quản lý, kiểm tra đảm bảo trật tự ATGT.

3. Đối với những tuyến vỉa hè rộng dưới 03 mét thì ngoài việc giành riêng lối đi đảm bảo cho người đi bộ, những nơi có điều kiện được phép bố trí tạm thời để xe đạp, xe máy để ra vào cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra UBND phường, thị trấn sắp xếp, bố trí những điểm được để xe, công bố công khai và thực hiện việc quản lý trên địa bàn.

4. Cấm tổ chức, cá nhân trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên vỉa hè, lòng đường không có giấy phép; cấm để xe đạp, xe máy, đỗ ô tô không đúng nơi quy định. Những tổ chức, cá nhân có nhu cầu đỗ xe vận tải để phục vụ bố dỡ hàng hóa vào ban ngày trên những tuyến phố có mật độ giao thông đông phải xin phép Sở GTVT. Sở GTVT có trách nhiệm thông báo những tuyến đường cụ thể, và chỉ được cho phép đỗ xe bốc dỡ hàng hóa vào thời gian ngoài giờ cao điểm.

Điều 12:Bảo đảm vệ sinh vỉa hè, lòng đường

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giữ gìn, bảo đảm vệ sinh vỉa hè, lòng đường trước trụ sở cơ quan, nhà riêng. Không vứt rác, chất phế thải và để người khác đưa hàng hóa, vật dụng tới bày bán, đổ rác, phế thải khác, nước thải sản xuất kinh doanh có mùi hôi thối trên vỉa hè, lòng đường làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Chương III:

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 13:Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan

1. Sở Giao thông vận tải:

- Lập và thực hiện kế hoạch xây dựng, duy tu bảo dưỡng hệ thống đường đô thị theo phân cấp của tỉnh; thống nhất quản lý về chất lượng, an toàn đối với hệ thống đường đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức quản lý, lắp đặt, kiểm tra, duy tu hoạt động đối với hệ thống biển báo, sơn kẻ vạch, hệ thống đèn tín hiệu giao thông và tổ chức phân luồng xe.

- Cấp giấy phép, kiểm tra và xử lý vi phạm các hành vi có liên quan đến việc đào đường, xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông đô thị.

- Lập danh mục những đoạn vỉa hè, lòng đường trình UBND tỉnh cho phép sử dụng tạm làm nơi đỗ xe ô tô trong khi chờ xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch.

- Phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn về chuyên môn, thống nhất những nội dung để UBND cấp huyện quản lý.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về trật tự ATGT đô thị; phối hợp với Công an tỉnh, các lực lượng chức năng của cấp huyện bảo đảm trật tự, vệ sinh, an toàn cho vỉa hè, đường phố.

2. Công an tỉnh:

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và các lực lượng khác trong ngành phối hợp với thanh tra giao thông và UBND cấp huyện xử lý kịp thời các vi phạm hành chính về giao thông đường bộ nói chung và vi phạm bản quy định này theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

3. Sở Xây dựng: Công bố quy định những điều kiện được xây dựng ki ốt, làm mái che mưa, che nắng và những công trình kiến trúc được phân công.

4. Sở Văn hóa thông tin: Phối hợp với Sở GTVT, UBND cấp huyện hướng dẫn thực hiện điều 6 của quy định này; tổ chức phổ biến, tuyên truyền quy định này trên phương tiện thông tin đại chúng; chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và UBND cấp huyện dỡ bỏ biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định.

Điều 14:Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện công tác quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường theo chức năng, nhiệm vụ và các điều khoản trong quy định này.

2. Chịu trách nhiệm quản lý hành chính trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn; có biện pháp chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bảo đảm an toàn giao thông, trật tự vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

3. Thực hiện nhiệm vụ quản lý xây dựng, duy tu, cải tạo nâng cấp đối với các đường phố, đường hẻm được giao quản lý theo phân cấp của UBND tỉnh.

4. Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, UBND các phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý và tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Điều 15:Trách nhiệm của UBND Phường, thị trấn

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và tổ chức thực hiện bản quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tận tổ dân phố, hộ gia định; phát động và duy trì phong trào toàn dân tích cực tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo đảm đường thông hè thoáng.

2. Chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn theo quy định này. Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý sử dụng vỉa hè, lòng đường theo quy định của pháp luật, đồng thời thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần.

3. Quản lý cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè cho việc cưới, việc tang theo quy định tại điều 10 của quy định này.

Chương IV:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16:Đối với cán bộ, cơ quan quản lý cấp phép

1. Người có thẩm quyền cấp giấy phép quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường và người có thẩm quyền xử phạt hành chính theo bản quy định này nếu có hành vi vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Đối với UBND các cấp được phân cấp quản lý để xảy ra vi phạm trên địa bàn thì địa phương bị xem xét khi đánh giá thi đua khen thưởng; cá nhân Chủ tịch và những cán bộ liên quan để xảy ra vi phạm mà không tổ chức xử lý đều bị xem xét xử lý theo Pháp lệnh cán bộ, công chức.

Điều 17:Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bản quy định này thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần còn bị áp dụng các hình thức sau:

1. Nhắc nhở công khai trên các phương tiện thông tin công cộng để cộng đồng dân cư cùng biết.

2. Thông báo về cơ quan, đoàn thể để giáo dục, đánh giá phân loại cán bộ công chức hàng năm. Trường hợp cơ quan, đoàn thể vi phạm thì thủ trưởng trực tiếp cơ quan và đơn vị bị xem xét hạ mức danh hiệu thi đua khen thưởng.

Chương V:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18:Tổ chức thực hiện

Giám đốc Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND cấp huyện theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định này. Bản quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký nếu có gì vướng mắc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 4170/2004/QĐ.UB

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 4170/2004/QĐ.UB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 24/06/2004
Ngày hiệu lực 09/07/2004
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 20 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 4170/2004/QĐ.UB

Lược đồ Quyết định 4170/2004/QĐ.UB quy định quản lý và sử dụng vỉa hè lòng đường đô thị Vũng Tàu


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 4170/2004/QĐ.UB quy định quản lý và sử dụng vỉa hè lòng đường đô thị Vũng Tàu
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 4170/2004/QĐ.UB
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Ngọc Thới
Ngày ban hành 24/06/2004
Ngày hiệu lực 09/07/2004
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 20 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Quyết định 4170/2004/QĐ.UB quy định quản lý và sử dụng vỉa hè lòng đường đô thị Vũng Tàu

Lịch sử hiệu lực Quyết định 4170/2004/QĐ.UB quy định quản lý và sử dụng vỉa hè lòng đường đô thị Vũng Tàu

  • 24/06/2004

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 09/07/2004

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực