Quyết định 42/2005/QĐ-UBND đóng góp quỹ đầu tư xây dựng hạ tầng Bình Phước đã được thay thế bởi Quyết định 1320/QĐ-UBND năm 2012 danh mục văn bản Bình Phước hết hiệu lực và được áp dụng kể từ ngày 27/06/2012.
Nội dung toàn văn Quyết định 42/2005/QĐ-UBND đóng góp quỹ đầu tư xây dựng hạ tầng Bình Phước
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2005/QĐ-UB | Bình Phước, ngày 31 tháng 03 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐÓNG GÓP QUỸ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐỊA PHƯƠNG KHI ĐƯỢC GIAO, KHOÁN ĐẤT LÂM NGHIỆP HOẶC HỢP THỨC HÓA VIỆC SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP XÂM CANH, LẤN CHIẾM TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 6 NĂM 2001
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2004/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ ba khóa VII (từ ngày 09 đến ngày 10 tháng 12 năm 2004) về việc đóng góp quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương khi được giao khoán hoặc giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm trước ngày 01/6/2001;
Theo đề nghị của Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Tư pháp, Nông nghiệp & PTNT,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này quy định về việc đóng góp quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương khi được giao, khoán đất lâm nghiệp hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm trước ngày 01 tháng 6 năm 2001.
Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện (thị), xã (phường, thị trấn), Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục kiểm lâm, Giám đốc các Lâm trường, Ban quản lý rừng, Công ty cao su trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số 89/2000/QĐ-UB ngày 10/10/2000 của UBND tỉnh./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐÓNG GÓP QUỸ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐỊA PHƯƠNG KHI ĐƯỢC GIAO, KHOÁN ĐẤT LÂM NGHIỆP HOẶC HỢP THỨC HÓA VIỆC SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP XÂM CANH, LẤN CHIẾM TRÁI PHÉP TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 6 NĂM 2001
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2005/QĐ-UB ngày 31 tháng 3 năm 2005 của UBND tỉnh)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đất lâm nghiệp trong quy định này là đất được quy hoạch sử dụng vào mục đích lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định giao, thuận quy hoạch giao hoặc cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức (lâm trường, ban quản lý rừng, công ty cao su Sông Bé; gọi tắt là chủ rừng) quản lý sử dụng hoặc do UBND huyện, thị trực tiếp quản lý.
Điều 2. Các tổ chức bao gồm: các tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh, cộng đồng thôn, bản...
Các hộ gia đình, cá nhân bao gồm: các hộ gia đình, cá nhân sinh sống, cư ngụ tại địa phương và các hộ gia đình, cá nhân sinh sống, cư ngụ ngoài địa phương.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xâm canh, lấn chiếm trái phép: là những trường hợp vi phạm xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trước ngày 1 tháng 6 năm 2001 không được phát hiện kịp thời để xử lý vi phạm và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính không còn hiệu lực.
Chương 2.
ĐỐI TƯỢNG ĐÓNG GÓP
Điều 3. Đối tượng đóng góp quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương (quỹ ĐTXD CSHT) khi được giao, khoán đất lâm nghiệp hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp bao gồm:
1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được chủ rừng giao khoán đất lâm nghiệp để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo Nghị định số 01/CP ngày 4 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ và Quyết định số 1119/UB-QĐ ngày 15 tháng 7 năm 1997 của UBND tỉnh quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước
Không thuộc đối tượng đóng góp là các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng phòng hộ theo dự án 661.TTg, những hộ đồng bào dân tộc nghèo được nhận khoán, giao đất lâm nghiệp để trồng rừng, trồng cây công nông nghiệp có xác nhận của chính quyền cấp xã và cơ quan lao động thương binh xã hội huyện
2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã trực tiếp lấn chiếm hay sang nhượng hiện đang sử dụng không hợp pháp đất lâm nghiệp do các chủ rừng quản lý, nhưng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, được cấp có thẩm quyền thuận quy hoạch. Được các chủ rừng ký hợp đồng giao khoán theo hạn mức, nhằm hợp thức hóa việc sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã lấn chiếm, sang nhượng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 6 tháng 1 năm 2001, để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo Nghị định số 01/CP ngày 14 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ và Quyết định số 1119/QĐ-UB ngày 15 tháng 7 năm 1997 của UBND tỉnh.
3. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trước đây, nay đất đó đã giao trả về địa phương quản lý, được Chủ tịch UBND tỉnh hoặc huyện, thị giao đất lâm nghiệp theo hạn mức (giao mới) để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ.
Điều 4. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trước đây đã nhận khoán đất lâm nghiệp do các chủ rừng giao khoán, nay diện tích nhận khoán được giao lại cho UBND huyện trực tiếp quản lý giao đất.
- Thuộc đối tượng đóng góp quỹ ĐTXD CSHT, nếu chuyển từ hợp đồng khoán sang giao đất theo hạn mức, để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ.
- Không thuộc đối tượng vận động đóng góp quỹ ĐTXD CSHT nếu chuyển sang sử dụng đất lâm nghiệp dưới hình thức thuê đất.
Điều 5. Các tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân có hành vi xâm canh, lấn chiếm, sang nhượng sử dụng trái phép đất lâm nghiệp từ sau ngày 01 tháng 6 năm 2001 đến nay là đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính tại Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, không được hợp thức hóa việc giao khoán đất lâm nghiệp.
Điều 6. Việc xác định nguồn gốc, thời điểm lấn chiếm, sang nhượng, sử dụng đất lâm nghiệp:
Nếu là đất lâm nghiệp đã giao địa phương quản lý do UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) nơi có đất chịu trách nhiệm xác định theo Điều 50 của Luật đất đai năm 2003, thông qua Hội đồng đăng ký đất xã.
Nếu là đất lâm nghiệp do các chủ rừng quản lý, do chủ rừng xác định và có xác nhận của UBND xã.
Chương 3.
MỨC ĐÓNG GÓP
Điều 7. Mức đóng góp quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương được phân chia như sau:
1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được các chủ rừng giao khoán đất lâm nghiệp và đã đóng góp quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương theo các qui định trước đây, nay đất đó được giao về địa phương để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài theo mục đích lâm nghiệp tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ nếu được giao quyền sử dụng đất thì đóng góp 100 đồng/m2.
2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được giao, khoán đất lâm nghiệp nhưng chưa thực hiện đóng góp quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương theo các quy định trước đây, mức đóng góp 200 đồng/m2.
3. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trước ngày 01/6/2001 nay được các chủ rừng hợp thức hóa bằng hình thức giao khoán đất hoặc được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, đóng góp 300 đồng/m2.
Thống nhất áp dụng cho mọi đối tượng không quy định chế độ miễn giảm.
Để đẩy nhanh tiến độ hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp, cho phép áp dụng biện pháp ghi nợ một phần hoặc toàn bộ số tiền đóng góp quỹ ĐTXD CSHT (với điều kiện gửi lại có thời hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao khoán đất) đối với các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thật sự có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có xác nhận của UBND xã (phường, thị trấn) nơi cư ngụ trong thời hạn 1 năm khi nộp đủ tiền mới được cấp sổ giao khoán hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chương 4.
THU NỘP QUỸ ĐTXD CSHT ĐỊA PHƯƠNG
Điều 8. Việc thu nộp quỹ ĐTXD CSHT được quy định như sau:
1. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được các chủ rừng giao khoán đất lâm nghiệp, nhằm hợp thức hóa việc sử dụng đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... thực hiện nộp tiền đóng góp vào quỹ ĐTXD CSHT tại Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị), trước khi được UBND tỉnh hoặc UBND huyện (thị) phê duyệt cho phép thực hiện hợp đồng giao khoán (trên cơ sở hợp đồng đã được 2 bên ký kết). Nếu hợp đồng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, mà hộ nhận khoán vẫn đưa đất vào sử dụng thì coi như vi phạm, ngoài khoản đóng góp còn phải nộp phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được UBND tỉnh hoặc huyện (thị) giao mới hoặc hợp thức hóa quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã lấn chiếm, sang nhượng, sử dụng, thực hiện nộp tiền đóng góp vào quỹ ĐTXD CSHT tại Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) trước khi được UBND tỉnh hoặc UBND huyện (thị) ra quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên cơ sở tờ trình của cơ quan địa chính tỉnh hoặc huyện, thị).
3. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao, nhận khoán đất lâm nghiệp trước đây đã đóng góp quỹ ĐTXD CSHT, được UBND tỉnh, UBND huyện(thị), các chủ rừng lập biên lai, biên nhận tạm thu, các cơ quan, đơn vị này phải có trách nhiệm thống kê và giao nộp ngay cho Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) nơi có đất được giao, khoán để đưa vào quản lý sử dụng thống nhất, đồng thời viết biên lai chính thức thu nộp quỹ ĐTXD CSHT, đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân đã nộp tiền.
Riêng đối với những trường hợp đã giao, khoán đất lâm nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã có cam kết đóng góp quỹ ĐTXD CSHT nhưng chưa nộp tiền, các tổ chức, đơn vị đã giao, khoán đất phải rà soát, thống kê lại để tổng hợp báo cáo cho Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) nơi có đất theo dõi, đồng thời có công văn yêu cầu các tổ chức cá nhân này đến tại Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) nộp tiền theo đúng văn bản đã cam kết.
Chương 5.
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ ĐTXD CSHT ĐỊA PHƯƠNG
Điều 9. Toàn bộ số tiền từ nguồn thu đóng góp quỹ ĐTXD CSHT của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được giao, khoán đất lâm nghiệp hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm, được nộp vào quỹ ĐTXD CSHT và được quản lý sử dụng theo quy chế quản lý tài chính quỹ ĐTXD CSHT, đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 104/1999/QĐ-UB ngày 15 tháng 5 năm 1999.
- Số tiền đóng góp vào quỹ ĐTXD CSHT do Phòng Tài chính & Kế hoạch các huyện, thị thu, được trích lập quỹ ĐTXD CSHT:
+ Nếu là đất do địa phương quản lý: huyện (thị) 80%, xã 20%.
+ Nếu là đất do các chủ rừng quản lý: huyện (thị) 70%, xã 20% và chủ rừng 10% để đo đạc, cắm mốc và lập các thủ tục giao khoán.
Để việc quản lý và lập kế hoạch ĐTXD CSHT trên từng địa bàn, cơ quan, đơn vị phát sinh nguồn thu được thuận lợi, ngoài việc mở sổ tài khoản cho quỹ ĐTXD CSHT của huyện, thị và xã. Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cho Phòng Tài chính & Kế hoạch và Kho bạc Nhà nước các huyện (thị) thực hiện.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện:
1. Các Sở, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Sở Tài chính (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quỹ ĐTXD CSHT tỉnh) chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra Phòng Tài chính & Kế hoạch các huyện (thị) thực hiện việc thu và nộp tiền đóng góp quỹ ĐTXD CSHT do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đóng góp khi được giao, khoán hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp, đồng thời chịu trách nhiệm hướng dẫn tạm ứng, thanh quyết toán các khoản chi phí theo đúng chế độ quy định.
Định kỳ 6 tháng, cuối năm Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thu nộp và sử dụng quỹ ĐTXD CSHT cho UBND tỉnh.
b) Sở Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn và kiểm tra cơ quan Địa chính các huyện thực hiện chức năng tham mưu cho UBND các cấp tổ chức, thực hiện giao đất lâm nghiệp do địa phương trực tiếp quản lý hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm trái phép.
Định kỳ 6 tháng, cuối năm Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.
c) Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh và quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các chủ rừng thực hiện việc giao khoán đất lâm nghiệp do các đơn vị này trực tiếp quản lý cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng, hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm.
Định kỳ 6 tháng, cuối năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo cho UBND tỉnh.
2. UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và chỉ đạo:
a) Phòng Tài chính & Kế hoạch các huyện, thị (cơ quan thường trực BCĐ quỹ ĐTXD CSHT huyện, thị) có trách nhiệm tổ chức thu nộp và quản lý sử dụng quỹ ĐTXD CSHT do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đóng góp khi được giao, khoán hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp, đồng thời chịu trách nhiệm tạm ứng, thanh quyết toán các khoản chi phí theo đúng chế độ quy định, cần phối hợp chặt chẽ với phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện (thị), các chủ rừng trên địa bàn huyện, để theo dõi quản lý chặt chẽ đối tượng thu.
Định kỳ hàng quý, 6 tháng, cuối năm tổng hợp báo cáo kết quả thu nộp và sử dụng quỹ ĐTXD CSHT cho UBND huyện (thị) và Sở Tài chính.
b) Phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện (thị) thực hiện chức năng tham mưu cho UBND huyện (thị) tổ chức, thực hiện giao đất lâm nghiệp do địa phương trực tiếp quản lý hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm trái phép phê duyệt các hợp đồng giao nhận khoán đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền UBND huyện (thị) phê duyệt, do các chủ rừng trên địa bàn huyện (thị) ký kết với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đồng thời phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) thực hiện nhiệm vụ thu nộp tiền do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đóng góp khi được giao, khoán hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp.
Định kỳ hàng quý, 6 tháng, cuối năm Phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện (thị) có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND huyện (thị), Sở NN - PTNT, đồng thời thông báo cho Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) biết để theo dõi.
c) UBND các xã (phường, thị trấn) có trách nhiệm tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp, tổ chức phổ biến rộng rãi quy định này; tổ chức thực hiện theo chức năng, giám sát chặt chẽ việc giao, khoán, hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp, đảm bảo công bằng và dân chủ, không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân.
3. Các chủ rừng có trách nhiệm:
Tăng cường kiểm tra chặt chẽ và tổ chức thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp do đơn vị trực tiếp quản lý, cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp xâm canh, lấn chiếm trái phép theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện giúp cho Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) thực hiện nhiệm vụ thu nộp tiền do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đóng góp khi được giao, khoán hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp.
Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, cuối năm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND huyện (thị), Sở Nông nghiệp & PTNT, đồng thời thông báo cho Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện (thị) biết để theo dõi.
4. Đề nghị các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng:
Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ, tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện. Đồng thời phản ánh những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện để UBND các cấp và các ngành tham mưu cho UBND tỉnh xem xét giải quyết kịp thời.
5. Cơ quan thanh tra các cấp:
Cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện thu, nộp và sử dụng quỹ ĐTXD CSHT để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những lệch lạc, sai sót trong quá trình thực hiện. Đảm bảo việc thu, nộp sử dụng quỹ có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Điều 11. Quy định này được thống nhất áp dụng đối với tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, khoán đất lâm nghiệp hoặc hợp thức hóa việc sử dụng đất lâm nghiệp kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định ban hành./.