Nội dung toàn văn Quyết định 42/2023/QĐ-UBND biện pháp quản lý tình trạng người lang thang xin ăn Vũng Tàu
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2023/QĐ-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 14 tháng 9 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, ĐỐI TƯỢNG CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư số 02/2020/TT-BLĐTBXH ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 259/TTr-SLĐTBXH ngày 07 tháng 8 năm 2023 về việc phê duyệt Quyết định quy định biện pháp quản lý tình trạng người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định biện pháp quản lý tình trạng người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2023 và thay thế Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Văn hóa và Thể thao; Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, ĐỐI TƯỢNG CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2023/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định biện pháp quản lý tình trạng người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác đi lang thang xin ăn hoặc gặp hoàn cảnh rủi ro trở nên lang thang cơ nhỡ hoặc do tâm thần nên đi lang thang, sinh sống ở nơi công cộng (sau đây gọi tắt là đối tượng).
Quy định này không áp dụng đối với tu sĩ khất thực có giấy chứng nhận của cơ quan giáo hội Phật giáo Việt Nam có thẩm quyền.
Những nội dung khác liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, thẩm quyền dừng trợ giúp xã hội đối với người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác không quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định tại Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009; Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010; Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Thông tư 02/2020 ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, gia đình và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp quản lý tình trạng người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác được hiểu như sau:
1. Người lang thang xin ăn là người trực tiếp đi xin ăn hoặc dẫn dắt kèm theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi đi xin ăn dưới bất kỳ hình thức nào (lợi dụng bán hàng rong, bán sách báo, bán vé số, đánh giày, giả danh khất thực, giả dạng người khuyết tật, người bệnh để xin ăn).
2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác, bao gồm:
a) Người lang thang, cơ nhỡ là người không may gặp rủi ro như bị lỡ tàu, xe, bị mất cắp không còn điều kiện kinh tế hoặc không liên hệ được với gia đình, người thân để trở về quê nên phải sinh sống tại các nơi công cộng như vỉa hè, lòng lề đường, quảng trường, chợ, bến xe, bến tàu, công viên, đền chùa, nơi vui chơi giải trí (gọi tắt là nơi công cộng); hoặc những người có nơi cư trú nhưng không sinh sống tại nơi cư trú mà thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định, ăn, ngủ và thực hiện các sinh hoạt hàng ngày tại nơi công cộng.
b) Người tâm thần lang thang là người có biểu hiện mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, không làm chủ hành vi đi lang thang tại nơi công cộng.
Chương II
NỘI DUNG QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG XIN ĂN, ĐỐI TƯỢNG CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP KHÁC
Điều 3. Tiếp nhận thông tin và tập trung đối tượng
1. Tiếp nhận thông tin: Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) tiếp nhận thông tin về đối tượng từ các cơ quan đơn vị, các tổ chức, cá nhân, qua mạng xã hội hoặc phương tiện thông tin đại chúng.
2. Trách nhiệm giải quyết trong quá trình tập trung đối tượng
Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, chỉ đạo công chức văn hóa xã hội và Công an cấp xã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) tổ chức tập trung đối tượng trên địa bàn quản lý, thực hiện xác minh nơi cư trú, giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng hoặc chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em.
Điều 4. Xác minh nơi cư trú
Công an cấp xã, phường, thị trấn xác định nơi cư trú theo quy định pháp luật cư trú.
Điều 5. Giải quyết các trường hợp sau khi xác minh nơi cư trú
1. Đối với trường hợp xác định được nơi cư trú của đối tượng ngay tại xã, phường, thị trấn nơi đối tượng bị tập trung có gia đình đến nhận và bảo lãnh, đơn vị tập trung triển khai ngay việc hồi gia đối tượng cho gia đình quản lý; trường hợp gia đình không đến bảo lãnh, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì chỉ đạo công an cấp xã phối hợp công chức văn hóa xã hội, đoàn thể trực tiếp đưa đối tượng về nơi cư trú, bàn giao cho gia đình.
2. Trường hợp đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, người trong độ tuổi lao động nhưng sức khỏe suy yếu, không còn khả năng lao động, xác định được nơi cư trú ngay tại xã, phường, thị trấn nơi đối tượng bị tập trung nhưng không liên hệ được gia đình, hoặc đối tượng không có nhà, không có gia đình, người thân (cha, mẹ, vợ/chồng, con ruột và con nuôi được pháp luật công nhận) thì đơn vị tập trung chuyển đối tượng về Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em hoặc Trung tâm Bảo trợ xã hội theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
3. Trường hợp xác định được nơi cư trú của đối tượng và đối tượng là người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động thì giải quyết hòa nhập cộng đồng.
4. Trường hợp đối tượng chưa xác định được nơi cư trú hoặc đối tượng có nơi cư trú ở địa phương khác (xã, phường, thị trấn khác), đơn vị tập trung chuyển đối tượng về Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
5. Trường hợp đối tượng có dấu hiệu nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy, công an cấp xã chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện và xử lý theo quy định của pháp luật phòng chống ma túy.
6. Trường hợp đối tượng giả dạng người lang thang xin ăn, người lang thang cơ nhỡ hay người tâm thần bị phát hiện vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự, bị truy nã, đơn vị tập trung chuyển đối tượng cho cơ quan công an có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Điều 6. Tiếp nhận đối tượng vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập
1. Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp nhận đối tượng là người khuyết tật (bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi có biểu hiện bệnh tâm thần), người trong độ tuổi lao động.
2. Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em tiếp nhận đối tượng là trẻ em, người cao tuổi. Trong quá trình nuôi dưỡng nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện tâm thần, lao hay các bệnh truyền nhiễm khác, nếu bệnh nhẹ, trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em tiếp tục quản lý nuôi dưỡng, nếu bệnh nặng, có ý kiến xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên, đơn vị làm thủ tục chuyển đối tượng về Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Chuyển đối tượng là người cao tuổi về Trung tâm Bảo trợ xã hội đối với đối tượng không có gia đình, người thân (cha, mẹ, vợ/chồng, con ruột và con nuôi được pháp luật công nhận) đến làm thủ tục bảo lãnh.
Điều 7. Giải quyết bảo lãnh, hòa nhập cộng đồng cho đối tượng đã được chuyển vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập
1. Trung tâm Bảo trợ xã hội có trách nhiệm liên hệ với gia đình hoặc phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội nơi đối tượng cư trú để giải quyết bảo lãnh, hòa nhập cộng đồng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy định này.
2. Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em có trách nhiệm liên hệ với gia đình hoặc phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội nơi đối tượng có địa chỉ cư trú để giải quyết bảo lãnh, hồi gia cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy định này.
Điều 8. Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, giải quyết bảo lãnh, hòa nhập cộng đồng
1. Thời gian chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng người lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác: không quá 03 tháng.
2. Trường hợp quá 03 tháng mà không thể đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét cho chủ trương kéo dài thời gian nuôi dưỡng hoặc chuyển sang nuôi dưỡng dài hạn tùy từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Đối với các đối tượng trong độ tuổi lao động đang bị bệnh nặng hoặc mắc các bệnh xã hội như: lao và các bệnh truyền nhiễm khác (do Trung tâm Y tế cấp huyện xác nhận) thì thời gian nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội theo thời gian điều trị bệnh xã hội trong Chương trình quốc gia về phòng chống bệnh xã hội. Khi đã được điều trị khỏi bệnh (có ý kiến xác nhận của trung tâm Y tế cấp huyện trở lên) thì Trung tâm Bảo trợ xã hội giải quyết cho đối tượng hòa nhập cộng đồng.
b) Đối với đối tượng là người khuyết tật (kể cả người tâm thần) chưa xác định được nơi cư trú hoặc xác định được nơi cư trú nhưng không còn người có nghĩa vụ nuôi dưỡng (cha, mẹ, vợ/chồng, con ruột và con nuôi được pháp luật công nhận), Trung tâm Bảo trợ xã hội liên hệ chính quyền địa phương nơi Trung tâm đóng trụ sở, đề nghị xác định mức độ khuyết tật để làm cơ sở xem xét chuyển tiếp từ nuôi dưỡng tạm thời sang nuôi dưỡng dài hạn đối với đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng; Đối với đối tượng có kết quả xác định là người khuyết tật nhẹ hoặc khuyết tật nặng nhưng đang bệnh, sức khỏe suy yếu không đủ sức khỏe để hòa nhập cộng đồng trung tâm tiếp tục nuôi dưỡng cho đến khi đối tượng phục hồi sức khỏe, đủ điều kiện thì giải quyết cho hòa nhập cộng đồng.
c) Đối với đối tượng là người cao tuổi và trẻ em chưa kết nối được người thân bảo lãnh hoặc kết quả kết nối là người địa phương, có địa chỉ cư ngụ tại địa phương nhưng không còn nhà ở, không có người thân (cha, mẹ, vợ/chồng, con), Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em chuyển tiếp từ nuôi dưỡng tạm thời sang nuôi dưỡng dài hạn. Trong quá trình nuôi dưỡng, Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm tiếp tục khai thác thông tin để kết nối tìm người thân bảo lãnh đối tượng về nuôi dưỡng tại gia đình.
3. Dựa vào kết quả kết nối thông tin, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em giải quyết bảo lãnh, hòa nhập cộng đồng hoặc chuyển về cơ sở bảo trợ xã hội nơi đối tượng có địa chỉ cư trú tùy từng trường hợp cụ thể. Việc giải quyết hồi gia đối với đối tượng đã kết nối được với gia đình, người thân được thực hiện ngay khi gia đình, người thân của đối tượng đến bảo lãnh theo quy định hoặc khi có văn bản đồng ý tiếp nhận đối tượng của cơ sở trợ giúp xã hội nơi đối tượng có địa chỉ cư trú.
4. Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em thực hiện rà soát, lập danh sách đối tượng đã xác minh được địa chỉ nơi cư trú ở các tỉnh, thành phố khác đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, nhưng chưa có gia đình, người thân đến bảo lãnh, báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố nơi đối tượng cư trú đề nghị hỗ trợ, liên hệ gia đình làm thủ tục bảo lãnh đối tượng và bàn giao đối tượng cho các tỉnh tiếp nhận quản lý.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm thực hiện
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em trong việc tiếp nhận, chuyển đối tượng, lập hồ sơ quản lý, sắp xếp nơi ăn, ở, chăm sóc đối tượng trong thời gian nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm, kết nối, tìm hiểu thông tin gia đình đối tượng, giải quyết hồi gia cho đối tượng trở về gia đình, cộng đồng.
c) Thông báo và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố có đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để chuyển giao đối tượng về các tỉnh quản lý.
2) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức của người dân không đi lang thang xin ăn, không lợi dụng trẻ em, người khuyết tật để xin ăn, bán hàng rong hoặc tiếp tay cho đối tượng lang thang xin ăn (không cho tiền người xin ăn) để người dân hiểu, chấp hành, đồng thuận, cung cấp thông tin và hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác tập trung đối tượng.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện quy định biện pháp quản lý tình trạng người lang thang, xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn tỉnh theo khả năng cân đối ngân sách và quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Sở Văn hóa và Thể thao tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn khu dân cư.
5. Sở Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các khu, điểm du lịch, các điểm tổ chức lễ hội nghiêm cấm và xử lý kịp thời tình trạng lang thang xin ăn đeo bám chèo kéo khách tại các nơi công cộng.
6. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị xã thành phố, Bệnh viện Tâm thần và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em, tổ chức khám, điều trị bệnh và xác định bệnh tâm thần, bệnh xã hội (lao và các bệnh truyền nhiễm) cho các đối tượng mắc bệnh.
7. Công an tỉnh
a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố, Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong việc tập trung các đối tượng trên địa bàn.
b) Chỉ đạo, tổ chức việc điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cấp huyện:
a) Triển khai nội dung Quy định này.
b) Tổ chức tập trung, lập hồ sơ, đảm bảo công tác tập trung, chuyển giao đúng đối tượng.
c) Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn có nghề mưu sinh ổn định cuộc sống.
d) Tăng cường công tác quản lý địa bàn, các thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, kiểm tra nhà trọ có người lang thang xin ăn để vận động, tư vấn, giúp đỡ họ hồi hương về gia đình và hòa nhập cộng đồng.
đ) Tăng cường vận động cơ sở kinh doanh ăn, uống, vui chơi giải trí, các điểm du lịch, đền chùa cam kết không để đối tượng lang thang xin ăn hoặc kết hợp công việc khác với việc lang thang xin ăn, đeo bám, chèo kéo khách du lịch trong khuôn viên, địa bàn, đơn vị kinh doanh, quản lý; đồng thời tuyên truyền vận động trực tiếp người lang thang xin ăn để họ tự nguyện trở về gia đình, học nghề hoặc tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân để ổn định cuộc sống.
e) Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, vận động người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn trên đường phố, vận động người dân có lòng hảo tâm nên gửi tiền hoặc hiện vật đến quỹ từ thiện của các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện - xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng xã hội.
Điều 10. Kinh phí thực hiện
1. Bố trí dự toán hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách.
2. Đối với kinh phí liên quan đến hoạt động tuyên truyền, sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên bố trí dự toán hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Các cơ quan, tổ chức theo trách nhiệm được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Quy định này
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề chưa phù hợp hoặc mới phát sinh, thì các cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm phối hợp kịp thời thông báo cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội biết, để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật hiện hành.