Nội dung toàn văn Quyết định 43/2019/QĐ-UBND thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang tỉnh Quảng Trị
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43/2019/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 25 tháng 10 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN BÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/012011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05/11/2019 và thay thế Quyết định số 81/2006/QĐ-UBND ngày 04/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 43/2019/QĐ-UBND, ngày 25/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Việc thực hiện Quy định này là một trong các tiêu chí đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các làng, bản, khu phố và tương đương (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức), hộ gia đình, cá nhân khi tổ chức hoặc tham gia tổ chức việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi tổ chức hoặc tham gia việc cưới, việc tang phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và các quy định sau:
1. Nếu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phục vụ cho việc cưới, việc tang phải thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh Quảng Trị về quản lý và sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 25/02/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành Quy định về quản lý việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông trên địa bàn thành phố Đông Hà.
2. Sử dụng âm thanh phải đảm bảo theo quy chuẩn Quốc gia QCVN 26:2010/BTNMT về tiếng ồn ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
3. Trong cùng một thời điểm, tại địa bàn khu dân cư có cả việc cưới và việc tang thì các gia đình căn cứ vào các quy định, thống nhất, phối hợp chia sẻ trong việc tổ chức để đảm bảo sự đoàn kết tình làng, nghĩa xóm.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục I. THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI
Điều 3. Tổ chức việc cưới
Việc cưới được tổ chức theo các quy định tại Điều 3 Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Điều 3, 4, 5 và Điểm a, b, d, đ, Khoản 1, Điều 6 của Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Điều 4. Về khuyến khích trong thực hiện việc cưới
Về khuyến khích trong thực hiện việc cưới thực hiện theo Điều 4, Quyết định số 308/2005/QĐ-Tg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và Khoản 2, Điều 6 của Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Mục II. THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC TANG
Điều 5. Thành lập Ban tổ chức lễ tang
1. Tùy theo đối tượng, cương vị của người qua đời, cơ quan, tổ chức, khu dân cư phối hợp với gia đình thành lập Ban tổ chức lễ tang giúp đỡ gia đình tang chủ.
2. Người qua đời sống tại địa bàn không có gia đình hoặc thân nhân thì Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các đoàn thể và nhân dân khu dân cư có trách nhiệm tổ chức tang lễ theo phong tục truyền thống. Người qua đời tại địa phương mà không xác định được gốc tích thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Tổ chức việc tang
1. Việc tang được tổ chức theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Điểm a, b, c, d, e, g, Khoản 1, Điều 10 của Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
2. Người qua đời phải được chôn cất tập trung tại các nghĩa trang đã được quy hoạch của địa phương. Những nơi chưa có nghĩa trang thì chính quyền địa phương có trách nhiệm quy định nơi chôn cất phù hợp với định hướng quy hoạch của địa phương. Diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần theo Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.
3. Việc tang đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức; Đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu do Bộ Quốc phòng quản lý hy sinh, qua đời, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu qua đời, việc tổ chức lễ tang thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng; Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân viên Công an nhân dân hy sinh, qua đời, cán bộ công an đã nghỉ hưu qua đời, việc tổ chức lễ tang thực hiện theo Quy định của Bộ Công an.
Điều 7. Về khuyến khích trong thực hiện việc tang
Về khuyến khích trong thực hiện việc tang thực hiện theo Điều 8, Quyết định số 308/2005/QĐ-Tg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và Khoản 3, Điều 10 của Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các Hội, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để thực hiện tốt Quy định này.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc triển khai, thực hiện Quy định trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện Quy định. Hướng dẫn chính quyền các địa phương xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với Quy định này và điều kiện, đặc điểm của địa phương, đảm bảo tính thống nhất với văn bản quy định của Nhà nước.
3. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Cổng thông tin điện tử tỉnh chủ động tuyên truyền kịp thời, sâu rộng nội dung Quy định này; nêu gương các cá nhân, gia đình, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy định trong việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh; phê phán những cá nhân, tập thể vi phạm các quy định về tổ chức việc cưới, việc tang.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân tự giác thực hiện quy ước, hương ước, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận cùng các hội, đoàn thể tại khu dân cư có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và giám sát thực hiện quy định này.
6. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; lực lượng vũ trang phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình thực hiện Quy định này.
7. Các tổ chức, gia đình, cá nhân đang sinh sống và công tác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm thực hiện quy định này./.