Nội dung toàn văn Quyết định 4331/QĐ-BYT hướng dẫn xử lý tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4331/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN XỬ LÝ TIÊU HỦY MẮM TÔM Ô NHIỄM MẦM BỆNH TIÊU CHẢY CẤP NGUY HIỂM”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1989 và Chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là Chủ tịch nước) công bố ngày 11 tháng 07 năm 1989;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH ngày 26 tháng 07 năm 2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2004 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn xử lý tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm”.
Điều 2. “Hướng dẫn xử lý tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm” được áp dụng đối sản phẩm mắm tôm đã được xác định ô nhiễm mầm bệnh, có liên quan đến truyền bệnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ các cơ sở, giám đốc các công ty, nhà máy, xí nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
XỬ LÝ TIÊU HỦY MẮM TÔM Ô NHIỄM MẦM BỆNH TIÊU CHẢY CẤP NGUY HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4331/QĐ-BYT ngày 07 tháng 11 năm 2007của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Nhằm cắt đứt mắt xích đường lây là mắm tôm có chứa mầm bệnh, Bộ Y tế hướng dẫn tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm như sau:
1. Từ nay đến khi Bộ Y tế công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, các địa phương có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lưu hành tiến hành ngay việc ngừng mua, bán, sử dụng mắm tôm hiện là nguồn lây truyền dịch bệnh; thực hiện thu gom tại chỗ, cách ly để xử lý diệt mầm bệnh, không chuyên chở ra khỏi địa điểm thu gom khi chưa được xử lý diệt mầm bệnh.
2. Các nhân viên tiếp xúc với mắm tôm cần phải có bảo hộ lao động và thực hiện đầy đủ quy chế phòng chống dịch.
3. Xử lý diệt mầm bệnh trên mắm tôm và tiêu hủy theo một trong các phương pháp sau:
A/ Xử lý bằng nhiệt:
Bước 1. Thu gom mắm tôm;
Bước 2. Bỏ bao bì (chai, lọ, túi bằng thủy tinh hoặc bẳng nhựa). Cho mắm tôm vào chảo (hoặc nồi); Bao bì sẽ được chôn lấp sau khi đốt hoặc xử lý bằng hóa chất khử trùng.
Bước 3. Đun, khi đạt nhiệt độ cao khuấy trộn đều nhiều lần, duy trì nhiệt độ trong 10-15 phút ở nhiệt độ trung tâm của khối sản phẩm đạt tối thiểu 70oC;
Bước 4. Để nguội;
Bước 5. Mắm tôm sau khi xử lý có thể tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc chế biến phân bón dùng trong nông nghiệp.
B/ Xử lý tiêu hủy bằng cách đốt - chôn lấp:
Bước 1. Thu gom mắm tôm;
Bước 2. Đổ xuống hố đào sẵn, kích thước hố tùy theo khối lượng của mắm tôm cần tiêu hủy;
Bước 3. Đổ dầu khắp bề mặt khối mắm tôm cần tiêu hủy hoặc có thể chất củi hoặc rác khô;
Bước 4. Châm lửa đốt, thời gian đốt từ 10 đến 15 phút;
Bước 5. Lấp đất chôn kín đến miệng hố, bề dày lớp đất lấp phải ³ 1 mét .
C/ Xử lý tiêu hủy bằng hóa chất - chôn lấp:
Bước 1. Thu gom mắm tôm;
Bước 2. Cho dung dịch cloramin B 10% vào với tỷ lệ 1:1. Chú ý cho từ từ và vừa cho vừa khuấy đảo để hóa chất được trộn đều vào khối mắm tôm cần tiêu hủy;
Bước 3. Đổ xuống hố đào sẵn, kích thước hố tùy theo khối lượng của mắm tôm cần tiêu hủy;
Bước 4. Lấp đất chôn kín đến miệng hố, bề dày lớp đất lấp phải ³ 1mét .
| KT. BỘ TRƯỞNG |