Nội dung toàn văn Quyết định 440/QĐ-UBND 2023 chức năng nhiệm vụ Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế Lai Châu
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 440/QĐ-UBND | Lai Châu, ngày 16 tháng 3 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM DỊCH VỤ KHU KINH TẾ TỈNH LAI CHÂU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;
Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 22/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
Căn cứ Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền;
Căn cứ Quyết định số 1182/QĐ-TTg ngày 06/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu;
Căn cứ Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu;
Căn cứ Quyết định số 1716/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh về thành lập Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tại Tờ trình số 107/TTr-BQL ngày 21/02/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế tỉnh Lai Châu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM DỊCH VỤ KHU KINH TẾ TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày / /2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Vị trí
Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế tỉnh Lai Châu là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu; chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được phép mở tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Chức năng
Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế tỉnh Lai Châu có chức năng quản lý, khai thác, thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí theo phân cấp trong Khu kinh tế tỉnh Lai Châu; đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa kết cấu hạ tầng, trang thiết bị tại cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng và các lối mở trong Khu kinh tế tỉnh Lai Châu; thực hiện chức năng tư vấn dịch vụ hành chính công; quản lý, tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu và các dịch vụ khác theo quy định trong Khu kinh tế tỉnh Lai Châu; tham gia quản lý, điều hành hoạt động cửa khẩu; phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng được giao trong Khu kinh tế tỉnh Lai Châu; xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa kết cấu hạ tầng, trang thiết bị tại cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng và các lối mở trong Khu kinh tế tỉnh Lai Châu.
2. Tổ chức quản lý, bảo vệ và khai thác các công trình hạ tầng dùng chung trong khu kinh tế tỉnh Lai Châu thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, như: Trạm kiểm soát liên ngành, các địa điểm thu phí, nhà công vụ, cơ sở làm việc liên ngành, giao thông, bãi đỗ xe, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh,...
3. Cung cấp và quản lý các dịch vụ hạ tầng và hỗ trợ thương mại khu vực cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng, các khu vực cửa khẩu, lối mở khác được giao quản lý bao gồm: Cho thuê kho bãi, mặt bằng kinh doanh; trông, giữ phương tiện, hàng hóa; gia công, đóng gói, bốc dỡ hàng hóa, vận tải; khử trùng hàng hóa, phương tiện; vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp; đại lý thủ tục Hải quan; dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ; du lịch và các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức thực hiện các dịch vụ tư vấn: Tư vấn về xây dựng khi có đủ điều kiện, năng lực (Lập dự án, quản lý dự án; thẩm tra hồ sơ thiết kế, dự toán; giám sát thi công công trình;…); tư vấn về lao động, việc làm, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; tư vấn về thủ tục hành chính công; thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trong Khu kinh tế tỉnh Lai Châu.
5. Phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu điều tiết, sắp xếp phương tiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động của cửa khẩu như: Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh, đảm bảo mỹ quan, môi trường sinh thái khu vực cửa khẩu và các vấn đề phát sinh khác tại cửa khẩu.
6. Phối hợp với Phòng nghiệp vụ, Văn phòng đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tại cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các nội dung liên quan đến đơn thư, khiếu nại, tố cáo, giao ban các lực lượng chức năng, vướng mắc phát sinh tại cửa khẩu, thanh tra, kiểm tra, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng,...
7. Bố trí địa điểm làm việc, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu thống nhất, hợp lý, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đảm bảo, cung cấp điện chiếu sáng công cộng và vệ sinh môi trường, cây xanh, thoát nước tại cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng và các cửa khẩu, lối mở được giao quản lý; điện, nước, trang thiết bị làm việc tại Nhà kiểm soát liên hợp và các công trình phục vụ chung cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
8. Xây dựng danh mục, mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng Khu kinh tế tỉnh Lai Châu; biểu giá cho thuê hạ tầng thương mại, giá cung ứng dịch vụ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
9. Tổ chức thu, quản lý, sử dụng nguồn thu phí, lệ phí để lại theo phân cấp; tiền thuê hạ tầng thương mại và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định trong Khu kinh tế tỉnh Lai Châu.
10. Tham gia vận động đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt.
11. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác có hiệu quả công trình hạ tầng. Tham gia quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công tại cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng.
12. Căn cứ vào lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị được liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật.
13. Quản lý tài sản, tài chính của cơ quan, quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý.
14. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao định kỳ, đột xuất và báo cáo nhanh các vụ việc phát sinh tại cửa khẩu cho Ban Quản lý Khu kinh tế theo quy định.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và số lượng người làm việc
1. Cơ cấu tổ chức
a) Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế gồm Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc và các viên chức, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ- CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các hợp đồng lao động khác theo quy định của pháp luật;
b) Giám đốc là người chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế;
c) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc, phụ trách chỉ đạo một số mặt công tác do Giám đốc phân công. Khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành các hoạt động của Trung tâm và chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước pháp luật về lĩnh vực được phân công;
d) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; cho từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo quản lý; nghỉ hưu, thôi việc; điều động, luân chuyển; khen thưởng đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế do Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế quyết định theo quy định của Đảng, của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.
2. Số lượng người làm việc
Số lượng người làm việc của Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của Ban Quản lý Khu kinh tế được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khu kinh tế có trách nhiệm triển khai thực hiện quy định này; quy định nội quy cơ quan, các quy định khác có liên quan đảm bảo mọi hoạt động, điều hành của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.