Nội dung toàn văn Quyết định 458-BCNNg/KT4 quy trình vận hành máy sinh khí a-xê-ti-len, chai ô-xy-gen sử dụng đất đèn hàn hơi
BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 458-BCNNg/KT4 | Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 1966 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH VẬN HÀNH MÁY SINH KHÍ A-XÊ-TI-LEN, CHAI Ô-XY-GEN VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐÈN ĐỂ HÀN HƠI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
Căn cứ Nghị định số 183-CP ngày 02/11/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng;
Căn cứ vào Nghị định số 124-CP ngày 24/8/1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về việc nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt; ban hành và quản lý quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp;
Để bổ sung cho điều lệ “Chế tạo và sử dụng an toàn các bình làm việc có áp lực” do Bộ Công nghiệp nặng ban hành ngày 20/10/1962;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành “Quy trình vận hành máy sinh khí a-xê-ti-len, chai ô-xy-gen và sử dụng đất đèn để hàn hơi”.
Điều 2. Quy trình này áp dụng cho tất cả các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học thuộc Bộ Công nghiệp nặng và có hiệu lực từ ngày ban hành.
Điều 3. Ông Chánh Văn phòng Bộ, các ông Giám đốc các vụ, cục, tổng công ty và công ty, các ông Giám đốc xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học chiếu quyết định thi hành.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG |
QUY TRÌNH
VẬN HÀNH MÁY SINH KHÍ A-XÊ-TI-LEN, CHAI Ô-XY-GEN VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐÈN ĐỂ HÀN HƠI
(Ban hành kèm theo quyết định số 458-BCNNg/KT4 ngày 30/4/1966 của Bộ Công nghiệp nặng)
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Quy trình này áp dụng cho tất cả các loại máy sinh khí a-xê-ti-len có áp suất làm việc đến 1,5at đặt cố định hoặc di động trong các xí nghiệp, công trường lắp máy v.v… dùng khí a-xê-ti-len để hàn và cắt kim loại.
2. Quy trình này cũng quy định việc vận hành, bảo quản chai ô-xy-gen, và việc sử dụng đất đèn trong công tác hàn hơi.
3. Các đơn vị sử dụng phải dựa vào bản quy trình này thảo ra quy trình vận hành cụ thể cho từng thiết bị để phổ biến cho công nhân học tập.
II. QUY TRÌNH VẬN HÀNH MÁY SINH KHÍ A-XÊ-TI-LEN
4. Bất cứ loại máy sinh khí nào, không kể kiểu, áp suất làm việc, năng suất… đều phải có đầy đủ các bộ phận chính sau đây:
1. Buồng sinh khí (một hoặc nhiều cái),
2. Thùng chứa khí,
3. Thiết bị kiểm tra và an toàn (như áp kế, nắp an toàn v.v…),
4. Bình ngăn lửa tạt lại.
Các bộ phận trên có thể bố trí thành một kết cấu chung hay lắp riêng rồi nối với nhau bằng các ống.
5. Các đơn vị thiết kế, chế tạo, xây lắp và sử dụng phải chịu trách nhiệm theo phạm vi công tác của mình, thi hành đúng các yêu cầu của điều lệ “chế tạo và sử dụng an toàn các bình làm việc có áp lực” do Bộ Công nghiệp nặng ban hành ngày 20/10/1962.
Khi thiết kế và vận hành các máy sinh khí a-xê-ti-len, không phân biệt hình dáng, kích thước và áp suất làm việc, phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Năng suất của máy phải phù hợp với mức độ tiêu thụ khí;
2. Mỗi máy phải được thiết kế để sử dụng với một cỡ hạt đất đèn thích hợp;
3. Quá trình phân hủy đất đèn phải được tự động điều chỉnh tùy theo số lượng khí tiêu thụ.
4. Đảm bảo sự làm nguội tốt nhất cho nước và đất đèn trong khu vực phản ứng cũng như cho khí a-xê-ti-len. Nhiệt độ của nước và bã đất đèn ở nơi đất đèn bị phân hủy không được quá 80oC, còn nhiệt độ của khí a-xê-ti-len không được quá 90oC. Nhiệt độ khí a-xê-ti-len đi từ máy sinh khí đến ống cao su của mỏ hàn, mỏ cắt chỉ được cao hơn nhiệt độ môi trường xung quanh từ 10 đến 15oC;
5. Áp suất trong máy sinh khí a-xê-ti-len (ở thùng chứa khí) không được cao quá 1,5at;
6. Kết cấu của máy sinh khí phải đảm bảo xả hết hỗn hợp khí nổ (không khí và khí a-xê-ti-len) ở trong máy khi mới khởi động;
7. Máy sinh khí và toàn bộ phụ tùng phải đảm bảo sự kín hơi, thùng chứa khí phải có thể tích đầy đủ để đề phòng trường hợp ngừng tiêu thụ khí bất ngờ không xảy ra tình trạng khí a-xê-ti-len thừa phát ra ngoài;
8. Máy sinh khí di động không được có năng suất quá 3m3/h và cần có trọng lượng càng nhỏ càng tốt;
9. Cấu tạo của máy phải đảm bảo an toàn chống nổ.
6. Mỗi đơn vị sử dụng trước khi đưa vào vận hành bất cứ loại máy sinh khí nào đều phải khai trình với Ban Thanh tra nồi hơi của Bộ và cơ quan lao động địa phương. Đối với các máy sinh khí có áp suất làm việc từ 0,7 đến 1,5at; đơn vị sử dụng phải lập lý lịch hộ chiếu (theo đúng mẫu của Bộ) và phải đăng ký tại Bộ Công nghiệp nặng.
7. Công nhân điều khiển máy sinh khí a-xê-ti-len phải nắm vững các yêu cầu dưới đây:
1. Tính chất cơ bản của khí a-xê-ti-len;
2. Cấu tạo, nguyên lý vận hành và quy trình vận hành của máy mà mình điều khiển;
3. Sử dụng thành thạo dụng cụ cứu hỏa.
8. Ở chỗ đặt máy sinh khí a-xê-ti-len phải treo bảng tóm tắt quy trình vận hành và phòng hỏa đã được Thủ trưởng đơn vị sử dụng duyệt. Máy sinh khí nào không có bản thuyết minh sử dụng và các quy trình nói trên thì không được phép vận hành.
9. Khi mới khởi động máy sinh khí, phải xả hết không khí chứa sẵn trong máy ra ngoài đến khi ngửi thấy mùi a-xê-ti-len mới thôi.
10. Chỉ được phép cho vào máy sinh khí loại đất đèn đúng cỡ hạt đã quy định trong bản thuyết minh sử dụng. Những bột vụn và các hạt đất đèn nhỏ hơn 2mm phải sàng lọc bỏ đi.
11. Không được phép sử dụng vượt năng suất quy định làm máy sinh khí bị nóng quá có thể gây ra hiện tượng nổ nguy hiểm. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được vận hành máy sinh khí vượt quá áp suất cho phép ghi trong bản thuyết minh sử dụng.
12. Trong quá trình vận hành phải đảm bảo những yêu cầu sau đây đối với bình nước ngăn lửa tạt lại:
1. Bình phải luôn luôn đặt ở tư thế thẳng đứng;
2. Nước trong bình lúc nào cũng phải ngang với vòi kiểm tra, cụ thể là khi mở vòi kiểm tra thì nước sẽ chảy từng giọt, không được cho nước đầy quá hoặc cạn quá;
3. Mỗi khi ngừng tiêu thụ khí, phải đóng chặt van khóa trên ống dẫn khí từ máy đến bình ngăn lửa tạt lại;
4. Mỗi ca phải kiểm tra mức nước trong bình ngăn lửa tạt lại hai lần mỗi tháng phải tháo bình ra rửa sạch một lần;
5. Mỗi khi có lửa tạt lại phải kiểm tra mức nước trong bình và màng bảo hiểm (nếu có); cần thiết thì phải bổ sung nước kịp thời và thay màng khác. Không được dùng các đệm bằng chất xen-lu-lô, cao su hoặc các vật liệu khác lắp thay cho màng bảo hiểm.
13. Mỗi lần cho đất đèn, công nhân điều khiển máy phải chú ý theo dõi tình hình làm việc của máy và các phụ tùng.
14. Không được đổ bã đất đèn ở chỗ đặt máy sinh khí mà phải đổ vào những hố thải riêng cách xa chỗ làm việc ít nhất 10 mét.
15. Công nhân hàn hoặc người phụ việc trước khi thao tác máy sinh khí phải tự kiểm tra găng tay và quần áo của mình, nếu không có tàn lửa cháy vì tia lửa hàn mới được đến gần máy.
16. Mỗi khi nghỉ việc lâu phải xả hết khí a-xê-ti-len ra ngoài, đồng thời lấy hết bã đất đèn ra, cạo rửa sạch sẽ các ngăn chứa đất đèn rồi phơi khô.
17. Mỗi tuần lễ phải kiểm tra một lần những phần nối của máy sinh khí và các phụ tùng như răng ốc, vòng đệm, ống cao su v.v… bằng cách bôi nước xà phòng. Nếu phát hiện thấy xì thì phải sửa chữa hoặc thay thế ngay.
18. Cấm dùng lửa, hút thuốc hoặc bật diêm ở nơi đặt máy sinh khí và hố thải bã đất đèn. Máy sinh khí và hố thải bã đất đèn phải bố trí cách xa chỗ hàn và nơi có nguồn lửa khác ít nhất 10 mét hoặc phải có tường ngăn. Ở những chỗ đặt máy và hố thải bã phải treo biển “Cấm lửa”, “Cấm hút thuốc”.
19. Đơn vị sử dụng phải đình chỉ vận hành máy sinh khí a-xê-ti-len trong các trường hợp sau đây:
1. Khi các nắp an toàn và bình ngăn lửa tạt lại không hoàn hảo,
2. Khi trên phần chính của máy có những đường nứt, phồng, chảy nước, xì hơi, hoặc thành bị dí mòn quá mức,
3. Khi xảy ra hỏa hoạn trực tiếp đe dọa mà máy đang có áp lực,
4. Khi áp kế không hoàn hảo mà không thể xác định áp suất trong máy bằng một dụng cụ nào khác,
5. Khi các nắp không hoàn hảo hoặc không có đủ các chi tếit bắt chặt.
20. Cứ ba tháng một lần phải tháo máy sinh khí và toàn bộ phụ tùng ra cạo rửa sạch cặn, bẩn. Trước khi tháo máy phải áp dụng biện pháp khử khí sau đây:
a) Xả hết khí a-xê-ti-len còn lại trong máy và các phụ tùng ra ngoài,
b) Đổ đầy nước vào máy và phụ tùng rồi xả hết đi, làm như vậy ít nhất ba lần.
21. Tất cả các phương pháp có lửa hoặc gõ, đập v.v… để sửa chữa máy sinh khí chỉ được áp dụng sau khi đã lấy hết khí a-xê-ti-len, đất đèn và bã ra ngoài, và phải áp dụng biện pháp khử khí nói trên điều 20.
22. Trong khi vận hành và sửa chữa các máy sinh khí a-xê-ti-len, cấm không được sử dụng các dụng cụ bằng thép. Tất cả các dụng cụ như khóa, búa, đục, xẻng, cào, xà beng… đều phải làm bằng đồng, thau, nhôm, gỗ và các vật liệu khác không nảy ra tia lửa khi va chạm hoặc cọ sát.
23. Trong quá trình vận hành, mỗi năm một lần đơn vị sử dụng phải tổ chức kiểm tra toàn bộ phía trong và ngoài máy sinh khí để xác định tình trạng kỹ thuật của máy và các phụ tùng; sau đó phải tiến hành thử bằng sức nước riêng các bình ngăn lửa tạt lại kiểu kín với áp suất thử như sau:
- Máy có áp suất làm việc dưới 0,7at, thử 22at;
- Máy có áp suất làm việc từ 0,7 đến 1,5at, thử 32at.
Đối với các máy sinh khí có áp suất làm việc từ 0,7 đến 1,5at, việc khám nghiệp định kỳ phải theo đúng quy định của điều lệ “Chế tạo và sử dụng an toàn các bình làm việc có áp lực” ban hành ngày 20/10/1962.
24. Máy sinh khí di động mỗi khi đem đến sử dụng ở bất cứ chỗ nào trong xí nghiệp cũng phải đảm bảo những yêu cầu dưới đây:
- Chỗ đặt máy phải thoáng gió và đủ ánh sáng,
- Có khoảng không gian cần thiết với thể tích không khí tối thiểu là 50m3.
25. Những máy sinh khí cố định hoặc di động nhưng đặt cố định trong buồng riêng thì buồng phải cao ráo, các tường, vách ngăn và mái lợp phải làm bằng vật liệu có độ chịu lửa cấp I hoặc cấp II. Trong buồng phải có dụng cụ cứu hỏa theo đúng quy định.
Căn cứ vào năng suất của máy, phải đảm bảo diện tích tối thiểu sau đây cho buồng đặt máy:
- Năng suất máy dưới 6m3/h thì diện tích tối thiểu của buồng là: 8m2
- Năng suất máy từ 6 đến 10m3/h thì diện tích tối thiểu của buồng là: 16m2
- Năng suất máy từ 11 đến 20m3/h thì diện tích tối thiểu của buồng là: 24m2
- Năng suất máy từ 21 đến 30m3/h thì diện tích tối thiểu của buồng là: 32m2
v.v…
26. Khi chuyên chở các máy sinh khí từ nơi này đến nơi khác trong phạm vi phân xưởng phải có biện pháp néo giữ máy chắc chắn; vận chuyển nhẹ nhàng để tránh rơi đổ hoặc va chạm mạnh. Trong quá trình vận chuyển phải đảm bảo luôn luôn cách xa các nguồn lửa như điều 18 đã quy định.
27. Khi chuyên chở các máy ngoài phạm vi phân xưởng, nhất thiết phải xả hết khí rồi lấy hết đất đèn và bã ra ngoài, đồng thời phải áp dụng biện pháp rửa nước quy định trong điều 20 của quy trình.
III. QUY TRÌNH VẬN HÀNH VÀ BẢO QUẢN CHAI Ô-XY-GEN
28. Việc thiết kế, chế tạo, khám nghiệm và bảo quản các chai ô-xy-gen phải theo đúng điều lệ “chế tạo và sử dụng an toàn các bình làm việc có áp lực” do Bộ Công nghiệp nặng ban hành ngày 20/10/1962.
29. Tất cả các chai ô-xy-gen đều do các nhà máy nạp hơi chịu trách nhiệm quản lý. Đơn vị sử dụng chỉ mua khí o-xy-gen, thuê chai chịu trách nhiệm sử dụng và bảo quản đúng theo quy trình này.
30. Đơn vị sử dụng không được tiến hành bất cứ một hình thức sửa chữa nào đối với các chai ô-xy-gen như lắp lại đế và vòng cổ chai bị lỏng, chữa van khóa bị kẹt, cạo rửa và sơn phía ngoài chai v.v… Những trường hợp hư hỏng như thế phải trả chai về cho nhà máy nạp hơi xử lý.
31. Chai chứa đầy khí o-xy-gen phải để cách xa ngọn lửa trần ít nhất 5 mét.
32. Khi đặt các chai đứng thẳng phải chằng néo cẩn thận cho khỏi đổ, nếu đặt chai nằm ngang phải chèn cho khỏi ăn.
33. Không được lấy khi o-xy-gen trực tiếpt ừ chai đến mỏ hàn hoặc mỏ cắt, mà phải lấy qua van giảm áp.
34. Trước khi lắp van giảm áp phải khẽ mở van khóa để thổi hết bụi bẩn nằm trên đường dẫn khí, việc mở van khóa phải nhẹ nhàng để tránh xảy ra hiện trường cháy nổ chai ô-xy-gen do mở van quá nhanh. Sau khi lắp van giảm áp cần mở van khoa thật từ từ để màng của van giảm áp không bị hỏng.
35. Khi đóng van khóa chỉ được tiến hành trực tiếp bằng tay, không được dùng kìm hoặc khóa làm đệm vai bị nén quá nhiều chóng hỏng.
36. Không được sử dụng hết khí trong chai mà phải để lại một lượng nhất định đảm bảo cho áp suất tối thiểu của chai là 0,5at.
37. Không được để các chai ô-xy-gen ở gần dầu mỡ, các chất cháy và các chất dễ bắt lửa. Trước khi đóng mở van khóa, công nhân phải tự kiểm tra xem tay mình hoặc trên thân van và thành chai có dính dầu mỡ không. Ở chỗ để chai phải có biển để “cấm lửa”, “cấm dầu mỡ”.
38. Trong phân xưởng nếu có trên 10 chỗ hàn thì phải tập trung các chai lại để thành lập một trung tâm cung cấp khí.
39. Các chai chứa o-xy-gen dự trữ có thể để trong kho hoặc để ngoài trời, nhưng phải được bảo vệ không bị mưa nắng. Cấm để chung vào kho chứa chai ô-xy-gen những chai chứa khí cháy.
40. Khi để các chai ngoài trời cho phép xếp thành chồng có lót đệm bằng dây thừng, thanh gỗ hoặc vòng cao su giữa các lớp. Chiều cao của chồng chai không được quá 1,5 mét, và dầu van phải xếp quay về một phía.
41. Khi chuyên chở các chai nạp đầy khí phải dùng phương tiện vận tải có díp nhún. Phải đặt chai nằm ngang, có đệm lót và xếp van quay về một phía. Cho phép xếp đứng chai nhưng nhất thiết phải có lót đệm và chằng néo cho chúng khỏi đổ.
42. Cấm chuyên chở các chai đã nạp đầy khí bằng xe có súc vật kéo.
43. Khi bốc dỡ, chuyên chở và bảo quản các chai phải có biện pháp để phòng rơi, đổ, làm bẩn và hỏng chai. Khi chuyên chở các chai dung tích trên 12 lít phải có mũ bảo vệ van.
44. Trong khi chuyên chở các chai nạp đầy khí phải che đậy để tránh ánh nắng mặt trời.
IV. QUY TRÌNH SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN ĐẤT ĐÈN
45. Việc bao gói, bảo quản và vận chuyển đất đèn phải theo đúng tiêu chuẩn TCN E1-65 do Bộ Công nghiệp nặng ban hành ngày 02/12/1965.
46. Đất đèn phải được bảo quản trong các nhà cao ráo, xa hồ ao, tránh mưa hắt, kho chứa đất đèn phải làm bằng vật liệu có độ chịu lửa cấp I hoặc cấp II, mái không hút nhiệt và phải có thông hơi tự nhiên.
47. Trong kho đất đèn cấm mắc đường dây điện và công tắc điện, cấm đặt các đường ống nước và hệ thống cống rãnh.
48. Đèn điện dùng trong kho phải là loại đèn phòng nổ hoặc dùng đèn ở ngoài chiếu vào qua cửa kính.
49. Sàn kho chứa đất đèn phải làm bằng ván gỗ cao từ 30 đến 40cm.
50. Thùng chứa đất đèn để trong kho phải xếp đứng thẳng, không được chồng quá ba thùng đối với loại 50kg, và quá hai thùng đối với loại 100kg; giữa các chồng có lót ván gỗ.
51. Kho chứa đất đèn phải có đầy đủ những phương tiện cứu hỏa như bình khí các-bô-níc, thùng cát v.v.. theo đúng quy định của cơ quan cứa hỏa. Trong phạm vi 10 mét cách kho không được làm việc gì có lửa. Không được mở thùng đất đèn ở trong kho.
52. Trước khi xếp thùng đất đèn vào kho cần kiểm tra cẩn thận xem các thùng có kín không, còn nguyên vẹn hay hư hỏng.
53. Khi vận chuyển đất đèn phải dùng phương tiện vận tải có mái che cẩn thận. Trên các phương tiện vận tải phải dùng thùng đất đèn ở thế thẳng đứng, không được chồng quá hai hàng đối với thùng 50kg, và quá một hàng đối với thùng 100kg.
54. Vận chuyển, bốc dỡ thùng đất đèn phải nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh.
55. Khi mở thùng đất đèn phải luôn luôn chú ý rằng có thể có hỗn hợp khí nổ (khí a-xê-ti-len và không khí) ở trong thùng, cho nên cấm dùng những dụng cụ bằng thép và những vật khác có thể sinh tia lửa khi va chạm. Những dụng cụ để mở thùng đất đèn phải làm bằng đồng thau.
56. Việc mở thùng đất đèn phải làm nhẹ nhàng và phải đeo kính bảo hộ để tránh bột đất đèn bắn vào mắt.
57. Sau khi mở thùng để lấy một số đất đèn ra, phải dùng nắp có đệm cao su đậy kín như cũ. Nếu không thể đậy thật kín được thì phải lấy toàn bộ đất đèn trong thùng ra ngoài rồi chứa vào các thùng nhỏ có nắp đậy chặt.
V. CÔNG NHÂN PHỤC VỤ
58. Tất cả những công nhân làm nhiệm vụ vận chuyển, bảo quản và sử dụng đất đèn, máy sinh khí a-xê-ti-len và chai ô-xy-gen đều phải được học tập quy trình và sát hạch đạt kết quả tốt mới được phép làm việc.
59. Chỉ cho phép những người đủ 18 tuổi, đã qua lớp huấn luyện chuyên môn và có kinh nghiệm thực tế mới được vận hành máy sinh khí a-xê-ti-len và chai ô-xy-gen.
60. Mỗi năm một lần, đơn vị sử dụng phải tiến hành kiểm tra việc nắm vững các quy trình vận hành, phòng hỏa v.v… của công nhân đồng thời phải tổ chức bồi dưỡng kịp thời nếu xét thấy cần thiết.