Nội dung toàn văn Quyết định 458-BNV(V19) quản lý Nhà nước công tác thi hành án phạt tù trong lực lượng công an nhân dân
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 458-BNV(V19) | Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VÊ VIỆC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ TRONG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Nghị định số 250-CP ngày 12-6-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Pháp lệnh thi hành án phạt tù đã được Uỷ ban thường vụ quốc hội thông qua ngày 8 tháng 3 năm 1993;
Để thực hiện việc quản lý Nhà nước thi hành án phạt tù trong lực lượng Công an nhân dân.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Giao cho Cục quản lý trại giam giúp cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện việc quản lý nhà nước thi hành án phạt tù trong lực lượng Công an nhân dân:
1. Chuẩn bị các văn bản về công tác quản lý thi hành án phạt tù , trình Bộ trưởng xem xét quyết định;
2. Sau khi thống nhất với Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đề xuất với Bộ việc thành lập , giải thể các trại giam, phân trại trong các trại giam:
3. Trực tiếp quản lý tất cả các trại giam trong cả nước. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn giám thị các trại giam thực hiện các quy định của pháp luật về giam giữ, giáo dục, lao động và sinh hoạt đối với người chấp hành hình phạt tù;
4. Hướng dẫn công an cấp tỉnh tổng hợp số liệu người bị kết án tù nhưng được hoãn hoặc tạm đình chỉ theo quyết định của Toà án nhân dân có thẩm quyền, và những trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án tù vẫn chưa bị đưa vào để thi hành án:
Yêu cầu công an cấp tỉnh ra lệnh đưa những người mà bản án có hiệu lực pháp luật hoặc thời hạn tạm hoãn, tạm đình chỉ đã hết nhưng đối tượng chưa bị đưa đến trại để thi hành án;
5. Hàng tháng báo cáo cho lãnh đạo Bộ số phạm nhân hiện có trong các trại, số phạm nhân được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù trong các trại giam, số người bị kết án tù mà bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa bị đưa vào trại, số người bị kết án tù được hoãn hoặc tạm đình chỉ theo quyết định của Toà án nhân dân có thẩm quyền đã hết thời hạn, nhưng chưa bị đưa vào trại ở các địa phương và biện pháp thực hiện đối với những đối tượng này;
6. Kiểm tra, theo dõi và kiểm tra công tác thi hành án phạt tù trong phạm vi toàn quốc;
7. Chỉ đạo việc quản lý cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang bị, thiết bị cần thiết cho việc thi hành án phạt tù ở các trại giam trong cả nước. Dự trù kinh phí và tham gia xét duyệt kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác thi hành án phạt tù.
Điều 2. Chánh thanh tra Bộ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra nhà nước trong lĩnh vực thi hành án phạt tù theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, tổng hợp số liệu người bị kết án tù ở địa phương; những trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ theo quyết định của toà án nhân dân có thẩm quyền và những trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thời hạn tạm hoãn, tạm đình chỉ đã hết, những người phải chấp hành hình phạt tù vẫn chưa bị đưa vào trại; báo cáo đầy đủ, kịp thời những số liệu nói trên về Cục quản lý trại giam.
Điều 4.
1. Việc tổ chức đưa người bị kết án tù thi hành án tại trại giam sau khi bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật hiện đang tại ngoại hoặc đang bị tạm giam và những người đã hết thời hạn được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo Điều 231, 232, khoản 2 Điều 232 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như sau:
a) Nếu trại giam ở gần huyện công an thì Trưởng công an cấp huyện tổ chức đưa ngay những đối tượng nói trên thuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp huyện tới trại giam theo quyết định của Cục trưởng Cục quản lý trại giam; nếu trại giam ở xa huyện công an thì Trưởng công an huyện tổ chức đưa những đối tượng nói trên đến trại tạm giam công an cấp tỉnh và thực hiện theo điểm C khoản 1 điều này.
b) Phòng cảnh sát bảo vệ công an cấp tỉnh tiến hành việc đưa ngay những đối tượng nói trên thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh đến trại giam theo quyết định của Cục trưởng Cục quản lý trại giam. Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra và các lực lượng khác tham gia việc bắt và đưa người bị kết án tù vào trại giam.
c) Trưởng trại tạm giam có trách nhiệm tổ chức đưa ngay người bị kết án tù giam đang bị tạm giam tới trại tạm giam theo quyết định của Cục trưởng cục quản lý trại giam.
2. Ngoài bản quyết định đưa người kết án tù của Cục trưởng Cục quản lý trại giam vào trại giam còn phải bảo đảm đầy đủ giấy tờ quy định tại Điều 15 của pháp lệnh thi hành án phạt tù, nếu thiếu 1 trong những thứ giấy tờ đó Giám thị trại giam có quyền không tiếp nhận.
3. Khi bản án hoặc quyết định án phạt tù của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Trưởng Công an cấp huyện (đối với bản án do Toà án cấp huyện xét xử) hoặc Thủ trưởng cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh (đối với bản án do Toà án cấp Tỉnh hoặc Toà án phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xét xử) phải báo ngay cho Cục quản lý trại giam biết trước khi ra lệnh đưa đến trại giam. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo này. Cục trưởng Cục quản lý trại giam phải ra quyết định đưa người bị án tù đó vào một trại giam (qua phương tiện thông tin liên lạc) để chấp hành án.
Điều 5. Để giúp Cục trưởng Cục quản lý trại giam, Giám đốc công an cấp tỉnh và trưởng công an cấp huyện làm những việc nói trên, Cục quản lý trại giam được lập một phòng, công an cấp tỉnh được lập 1 tổ chuyên trách từ 3 đến 5 cán bộ thuộc PV11; công an cấp huyện bố trí từ 1 cán bộ chuyên trách thuộc đội tổng hợp.
Các tổ chức hoặc cán bộ chuyên trách nói trên trong Điều 5 phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi công tác quản lý nhà nước về thi hành án phạt tù nói trong quyết định theo sự hướng dẫn của Cục quản lý trại giam.
Điều 6. Đồng chí Cục trưởng Cục quản lý trại giam; Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ tư lệnh, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 7. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
| Bùi Thiện Ngộ (Đã Ký) |