Quyết định 458/QĐ-TTg

Nội dung toàn văn Quyết định 458/QĐ-TTg 2023 Kế hoạch vay trả nợ công quản lý nợ công 3 năm 2023 2025


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 458/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH VAY, TRẢ NỢ CÔNG NĂM 2023 VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ NỢ CÔNG 03 NĂM GIAI ĐOẠN 2023-2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV số 63/2022/QH15 ngày 16 tháng 06 năm 2022;

Căn cứ các Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ về phê duyệt hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2023;

Xét đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 327/TTr-QLN và Tờ trình số 328/TTr-QLN ngày 30 tháng 12 năm 2022, Công văn số 1512/BTC-QLN ngày 17 tháng 02 năm 2023, Công văn số 2586/BTC-QLN ngày 21 tháng 03 năm 2023, Công văn số 3924/BTC-QLN ngày 20 tháng 4 năm 2023 về Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023-2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Về tổ chức thực hiện Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022

Căn cứ Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, giao Bộ Tài chính:

1. Thực hiện huy động vốn cho ngân sách trung ương để bù đắp bội chi và trả nợ gốc theo nhu cầu phát sinh thực tế, bao gồm hạch toán ngân sách nhà nước các khoản vay nước ngoài bổ sung vốn cho 05 dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được chuyển đổi từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội.

2. Thực hiện chi trả nợ ngân sách trung ương, bao gồm thanh toán các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn của VEC và hoàn trả nợ gốc đã ứng trả các khoản vay nước ngoài của VIDIFI được chuyển đổi thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội.

Điều 2. Phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023-2025 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu:

a) Đảm bảo nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ công, không ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.

b) Đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp.

c) Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong mức trần, ngưỡng cảnh báo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn nước ngoài có mức ưu đãi cao như các nguồn tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, hỗ trợ phòng chống biến đổi khí hậu.

2. Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023:

a) Kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 644.409 tỷ đồng, gồm:

- Vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 621.015 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 430.500 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 190.515 tỷ đồng.

- Vay về cho vay lại: khoảng 23.394 tỷ đồng.

Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ (i) phát hành trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ; (ii) vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; và (iii) trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b) Trả nợ của Chính phủ khoảng 327.287 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 293.405 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 33.882 tỷ đồng.

c) Về vay được Chính phủ bảo lãnh:

- Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 21.851 tỷ đồng (bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm là 2.451 tỷ đồng cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tối đa 19.400 tỷ đồng). Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu năm 2023 nêu trên chưa bao gồm mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa sử dụng hết trong năm 2022 được chuyển sang 2023 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12 tháng 04 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm là 5.327 tỷ đồng.

Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cụ thể đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

- Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, không bố trí hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2023 do các dự án không có nhu cầu rút vốn, chỉ trả nợ.

d) Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương:

- Vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 27.198 tỷ đồng.

- Trả nợ của chính quyền địa phương 4.993 tỷ đồng, gồm chi trả gốc 2.804 tỷ đồng và chi trả lãi 2.189 tỷ đồng.

3. Vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh năm 2023: Hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 7.500 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 20% so với dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2022.

4. Kế hoạch vay, trả nợ năm 2023 thực hiện trong các mức tối đa nêu tại khoản 2 và 3 Điều này; trường hợp phát sinh nhu cầu vượt mức tối đa nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch.

5. Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023-2025:

a) Về vay, trả nợ của Chính phủ

- Tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 tối đa khoảng 1.873 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.813 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 59 nghìn tỷ đồng.

- Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 tối đa khoảng 1.098 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 967 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 131 nghìn tỷ đồng.

- Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.

b) Về bảo lãnh Chính phủ

- Mức bảo lãnh Chính phủ đảm bảo tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt.

- Đối với bảo lãnh cho 02 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu: mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 tối đa là 11.037 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023-2025; mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2023-2025 tối đa là 27.851 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023-2025 (tối đa 8.451 tỷ đồng) cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (tối đa 19.400 tỷ đồng). Mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2023-2025 nêu trên chưa bao gồm mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa sử dụng hết trong năm 2022 được chuyển sang năm 2023 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quán triệt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương: khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương hàng năm giai đoạn 2023-2025 khoảng 0,3% GDP.

6. Tổ chức thực hiện:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các quan điểm chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025;

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 1 năm 2022 của Quốc hội về Chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 1 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

- Đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ cho chương trình, dự án, giao các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2023 chi tiết theo danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án theo thời hạn quy định tại Luật Đầu tư công.

- Thực hiện quản lý nhà nước, theo dõi, kiểm tra, giám sát, thanh tra, báo cáo và cung cấp thông tin về nợ công, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương theo quy định.

b) Bộ Tài chính:

- Chủ động cơ cấu huy động vốn vay, kỳ hạn phát hành trong nước và nước ngoài, gắn công tác phát hành với tái cơ cấu danh mục nợ và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

- Huy động để sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 05 năm, hằng năm.

- Theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; trường hợp có biến động, rủi ro lớn, chủ trì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cụ thể cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, Quyết định này và đề án phát hành trái phiếu.

- Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.

- Nghiên cứu, tiến tới áp dụng phương pháp thống kê nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân theo nguyên tắc nơi cư trú của chủ nợ để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế; đồng thời theo dõi chỉ tiêu nợ nước ngoài theo tiêu chí ngoại tệ để quản lý rủi ro tỷ giá.

- Nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, trong đó tập trung hình thành cơ quan quản lý nợ công chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; nâng cao trình độ công chức làm công tác quản lý nợ.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng vốn vay nợ công xây dựng đề án đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt.

- Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nghiên cứu, tiến tới đổi mới phương thức và công cụ quản lý, thống kê nợ nước ngoài của quốc gia theo hướng tách bạch quản lý nợ nước ngoài của khu vực công (nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh) và nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

- Phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác huy động vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm.

- Chủ trì quản lý nợ nước ngoài của khu vực tư nhân và chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp diễn biến tiêu cực.

7. Kinh phí triển khai thực hiện Chương trình quản lý nợ công 03 năm 2023-2025 lấy từ:

a) Nguồn kinh phí triển khai chương trình, nhiệm vụ được bố trí từ ngân sách nhà nước, huy động từ các nguồn vốn tài trợ nước ngoài và nguồn phí được sử dụng từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, Nghị định số 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg ngày 5 tháng 2 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 11/2021/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện cơ chế tài chính đặc thù của một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, cân đối vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Kiếm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam;
- Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: QHQT, CN, NN, KGVX, PL, TH, TGĐ Cổng TTĐT, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 458/QĐ-TTg

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu458/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/04/2023
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật12 tháng trước
(06/05/2023)
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 458/QĐ-TTg

Lược đồ Quyết định 458/QĐ-TTg 2023 Kế hoạch vay trả nợ công quản lý nợ công 3 năm 2023 2025


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 458/QĐ-TTg 2023 Kế hoạch vay trả nợ công quản lý nợ công 3 năm 2023 2025
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu458/QĐ-TTg
                Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
                Người kýLê Minh Khái
                Ngày ban hành28/04/2023
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài chính nhà nước
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật12 tháng trước
                (06/05/2023)

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Quyết định 458/QĐ-TTg 2023 Kế hoạch vay trả nợ công quản lý nợ công 3 năm 2023 2025

                            Lịch sử hiệu lực Quyết định 458/QĐ-TTg 2023 Kế hoạch vay trả nợ công quản lý nợ công 3 năm 2023 2025

                            • 28/04/2023

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực