Nội dung toàn văn Quyết định 465/QĐ-TTg 2018 phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới các xã CT 229
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 465/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CÁC XÃ CT 229, XÃ CÒN TIỀM ẨN NGUY CƠ MẤT AN NINH TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI VÀ CÁC XÃ KHÓ KHĂN ĐẠT TỪ 05 TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI TRỞ XUỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội Khóa XIII ngày 12 tháng 11 năm 2015 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2321/TTr-BNN-VPĐP ngày 23 tháng 3 năm 2018 về việc đề nghị phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới các xã CT 229, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn đạt từ 05 tiêu chí nông thôn mới trở xuống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới các xã CT 229, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn đạt từ 05 tiêu chí nông thôn mới trở xuống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên Đề án: Xây dựng nông thôn mới các xã CT 229, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn đạt từ 05 tiêu chí nông thôn mới trở xuống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Đề án).
2. Địa bàn thực hiện: Đề án được thực hiện trên địa bàn của 29 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 133.369 ha; dân số 66.588 người, thuộc 07 huyện: huyện Chợ Đồn có 07 xã (Yên Thượng, Yên Thịnh, Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bằng Lãng, Đại Sảo, Xuân Lạc); huyện Bạch Thông có 04 xã (Cao Sơn, Vũ Muộn, Mỹ Thanh, Sỹ Bình); huyện Na Rì có 05 xã (Văn Minh, Ân Tình, Côn Minh, Lương Thượng, Kim Hỷ); huyện Ngân Sơn có 04 xã (Hương Nê, Trung Hoà, Thuần Mang, Cốc Đán); huyện Chợ Mới có 01 xã (Quảng Chu); huyện Ba Bể có 04 xã (Phúc Lộc, Mỹ Phương, Chu Hương, Cao Thượng); huyện Pác Nặm có 04 xã (An Thắng, cổ Linh, Xuân La, Nhạn Môn).
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2020.
4. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
Từng bước đưa các xã vùng Đề án đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân. Thực hiện cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp điều kiện thực tế, gắn với phát triển nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Xã hội nông thôn giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường được cải thiện; hệ thống chính trị các xã vững mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được ổn định, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể:
Đến hết năm 2020, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã hoàn thành; phấn đấu có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã hoàn thành 15-18 tiêu chí; 13 xã hoàn thành từ 12 - 14 tiêu chí; 03 xã hoàn thành từ 09-11 tiêu chí; bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã, không có xã dưới 09 tiêu chí. Cụ thể:
- 01 xã đạt 19/19 tiêu chí: Xã Yên Thượng;
- 12 xã hoàn thành 15-18 tiêu chí, gồm: Yên Thịnh, Nghĩa Tá, Bằng Lãng, Văn Minh, Ân Tình, Côn Minh, Hương Nê, Thuần Mang, Quảng Chu, Mỹ Phương, Chu Hương;
- 13 xã hoàn thành từ 12 - 14 tiêu chí, gồm: Lương Bằng, Đại Sảo, Vũ Muộn, Mỹ Thanh, Lương Thượng, Kim Hỷ, Trung Hòa, Cốc Đán, Phúc Lộc, An Thắng, Cổ Linh, Xuân La, Nhạn Môn;
- 03 xã hoàn thành từ 09 - 14 tiêu chí, gồm: Xuân Lạc, Cao Sơn, Cao Thượng.
5. Các nội dung đầu tư:
a) Về Quy hoạch:
Giai đoạn 2018 - 2020, tiến hành rà soát quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch chi tiết trung tâm xã, các điểm dân cư thôn và các quy hoạch chuyên ngành; điều chỉnh những nội dung đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 29 xã vùng Đề án trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện.
b) Nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội:
Phấn đấu đến năm 2020: 09/29 xã (31%) có đường giao thông trục xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đảm bảo theo quy định; 06/29 xã (20%) có đường trục thôn được cứng hóa; 05/29 xã (17%) có đường ngõ xóm sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa; 06/29 xã (20%) có đường nội đồng được hoàn thiện; 29/29 xã (100%) đạt tiêu chí thủy lợi; 29/29 xã (100%) đạt tiêu chí điện, với 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đảm bảo tiêu chuẩn ngành điện; 05/29 xã (17%) đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất trường học; 11/29 xã (37%) đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa 23/29 xã (79%) đảm bảo yêu cầu tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 29/29 xã (100%) đạt tiêu chí thông tin và truyền thông; 29/29 xã (100%) có trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về cơ sở vật chất y tế; 16/29 xã (55%) đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.
c) Nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất:
Phấn đấu đến hết năm 2020: nâng thu nhập bình quân đầu người các xã trong vùng Đề án lên 24 triệu đồng/người/năm (bằng 61,5% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh); 04/29 xã (14%) đạt tiêu chí thu nhập; 09/29 xã (31%) đạt tiêu chí hộ nghèo; 29/29 xã (100%) đạt tiêu chí lao động có việc làm; 27/29 xã (93%) đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.
d) Nhóm tiêu chí về văn hóa - xã hội và môi trường:
Phấn đấu đến hết năm 2020: 24/29 xã (83%) đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo; 29/29 xã (100%) đạt tiêu chí y tế, với 100% người dân được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; 27/29 xã (93%) đạt tiêu chí văn hóa; 09/29 xã (31%) đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
đ) Nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị:
Phấn đấu đến năm 2020: 28/29 xã (96%) đạt tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 26/29 xã (90%) xã đạt tiêu chí quốc phòng và an ninh.
6. Vốn đầu tư:
Căn cứ mục tiêu, nội dung đầu tư, phân kỳ đầu tư theo các nhóm tiêu chí cụ thể đã nêu trong Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn giao cho chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn rà soát, tổng hợp khối lượng, khái toán vốn, xây dựng các dự án cụ thể của các xã trong vùng Đề án để triển khai các dự án thành phần trên địa bàn theo quy định của Luật đầu tư công, đảm bảo nguyên tắc:
- Thực hiện lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
- Sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư của nhà nước để phát triển hạ tầng, đường giao thông, cơ sở làng nghề ở nông thôn và vốn tín dụng thương mại theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ.
- Huy động đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện, hình thức đóng góp của người dân (ngày công lao động, hiến đất để giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình đầu tư).
7. Các giải pháp thực hiện:
a) Về tuyên truyền, vận động:
- Vận động nhân dân tích cực tham gia cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất; phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, đặc sản của các địa phương; đẩy mạnh mô hình hợp tác xã, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xã hội hóa đầu tư.
- Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng và phổ biến những điển hình tiên tiến, các sáng kiến và kinh nghiệm tốt về xây dựng nông thôn mới. Kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh gắn với xây dựng nông thôn mới
b) Về quy hoạch và quản lý quy hoạch:
Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; quy hoạch sắp xếp dân cư; quy hoạch nông thôn mới cấp xã đã có; bổ sung quy hoạch trên cơ sở phát huy lợi thế các sản phẩm của địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch.
c) Về cơ chế, chính sách:
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách của Trung ương và địa phương để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho 29 xã thực hiện Đề án;
- Tiếp tục tăng cường, luân chuyển cán bộ thuộc biên chế của cấp huyện về làm cán bộ chủ chốt các xã đặc biệt khó khăn, xã trọng điểm hoặc các xã còn yếu về công tác cán bộ;
- Tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo tâm lý ổn định cho người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
d) Về tổ chức sản xuất:
- Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước và các tỉnh trong khu vực; phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích đầu tư sản xuất vào nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ);
- Khuyến khích hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, trong đó: doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tự tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm hoặc góp đất, công lao động; lựa chọn cây, con hoặc ngành nghề chủ lực để ưu tiên phát triển, đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế so sánh, nhất là phát triển lâm nghiệp cây dược liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm;
- Chú trọng củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, củng cố và phát triển các làng nghề theo lợi thế của từng địa phương;
- Nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ, tăng cường việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm của các làng nghề, nhằm bảo hộ uy tín nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
đ) Về ứng dụng khoa học và công nghệ:
- Xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng khai thác thế mạnh riêng của từng vùng, như: vùng cây công nghiệp, vùng trồng cây ăn quả đặc sản, sản xuất cây lương thực, rau an toàn, vùng phát triển lâm nghiệp, cây dược liệu, vùng chăn nuôi, thủy sản;
- Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm từ các cây, con đặc sản của từng vùng, tạo ra sản phẩm hàng hóa.
e) Về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
- Rà soát số nhân lực đã được đào tạo, để huy động nguồn lực cho sản xuất. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề cho nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và trồng cây dược liệu; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu;
- Đẩy mạnh luân chuyển, bố trí cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị cấp huyện về công tác tại các xã để tăng cường lực lượng lãnh đạo có trình độ hỗ trợ cho các xã.
g) Về môi trường và cảnh quan:
- Nghiên cứu, lựa chọn những mô hình công nghệ tiên tiến, phù hợp để từng bước đầu tư (theo hướng xã hội hóa) xây dựng hệ thống xử lý rác thải tập trung quy mô xã, liên xã, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn;
- Vận động và tổ chức cho nhân dân các thôn, bản chủ động tham gia xây dựng cảnh quan ở thôn, xã, nhất là việc trồng cây, trồng hoa tại các trục đường thôn, bản, đường xóm, nhằm xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, hướng tới phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ ở nông thôn.
h) Về xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản:
Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động ban hành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, trong đó tập trung vào việc phát triển các tổ chức tự quản của cộng đồng; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở thôn, bản (giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, công trình vệ sinh, công trình cấp nước...); xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập, hạn chế rủi ro, có khả năng nhân rộng; chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế hộ; đẩy mạnh công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiệm vụ:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cân đối, đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu trung hạn 2018 -2020 (dự phòng) để bố trí cho tỉnh Bắc Kạn thực hiện Đề án đúng tiến độ, thời gian quy định;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất tìm nguồn vốn khác hỗ trợ cho tỉnh Bắc Kạn thực hiện Đề án (bao gồm cả các dự án ODA), hướng dẫn việc sử dụng, thực hiện dự án theo đúng quy định.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiệm vụ:
a) Chủ trì, phối hợp với tỉnh Bắc Kạn đề xuất phương án sử dụng nguồn dự phòng 10% đã giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ để bố trí cho thực hiện Đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với tỉnh Bắc Kạn thực hiện Đề án theo đúng tiến độ;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu tư theo nội dung Đề án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của tỉnh; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Các Bộ, ngành, căn cứ vào các chương trình, dự án đã được giao, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan đầu tư tại vùng Đề án; phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tổ chức thực hiện các dự án có hiệu quả.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, có nhiệm vụ:
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện Đề án, căn cứ vào tính cấp thiết của từng hạng mục đầu tư hỗ trợ, lựa chọn thứ tự ưu tiên hợp lý để tiến hành lập dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng kế hoạch đầu tư, quản lý, tổ chức thực hiện các Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công;
b) Huy động và lồng ghép các nguồn vốn khác trên địa bàn để thực hiện Đề án có hiệu quả;
c) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra nợ đọng, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện hỗ trợ và đầu tư các dự án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG
|