Quyết định 47/2011/QĐ-UBND

Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 47/2011/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 16 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Thực hiện Chương trình hành động số 201-CTr/TU ngày 07 tháng 11 năm 2008 của Tỉnh ủy Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 118/TTr-SNNPTNT ngày 12 tháng 9 năm 2011 và Báo cáo kết quả thẩm định văn bản số 978/BC-STP ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành phố xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án, chương trình, chính sách triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-UBND engày 16 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

MỤC TIÊU, YÊU CẦU, GIỚI HẠN VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu: xây dựng Đề án để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, theo hướng:

- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường;

- Không ngừng nâng cao đời sống của nông dân và dân cư nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc;

- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, bền vững theo hướng kinh tế hàng hoá, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, xã hội nông thôn ổn định, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển.

2. Yêu cầu và giới hạn:

- Đảm bảo tính khoa học, lôgic trong việc phân tích, nhận định, đánh giá tình hình, thực trạng các vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh;

- Đảm bảo tính khách quan trung thực của nguồn gốc báo cáo, dữ liệu, số liệu để đánh giá hiện trạng, dự báo nguồn lực và định hướng phát triển;

- Đây là Đề án tổng quát nhận định, đánh giá thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở địa bàn tỉnh và nêu lên quan điểm, mục tiêu, phương hướng và các chương trình, các công việc lớn phải làm cũng như vai trò, trách nhiệm của các cấp các ngành trong tỉnh để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và vị thế của người nông dân trong 10 năm tới.

3. Phương pháp xây dựng Đề án: xây dựng Đề án được tiến hành theo các phương pháp sau đây đã được sử dụng để điều tra, phân tích, đánh giá, so sánh, tổng hợp và báo cáo:

- Phương pháp tổng hợp, phân tích số liệu thứ cấp;

- Phương pháp khảo sát điều tra nhanh nông thôn;

- Phương pháp chuyên gia, hội thảo;

- Phương pháp dự báo;

- Phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp.

4. Căn cứ xây dựng Đề án:

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Chương trình hành động số 201-CTr/TU ngày 07 tháng 11 năm 2008 của Tỉnh ủy Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết lần thứ bảy BCH-TW Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Nghị quyết số 39-NQTW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010. Kết quả nghiên cứu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2011 - 2020;

- Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đến năm 2020;

- Thông báo số 5981/BKH-CLPT ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XI;

- Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

- Nguồn dữ liệu thống kê của Cục Thống kê Ninh Thuận, các sở ngành và các huyện, thành phố.

Phần II

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TỈNH NINH THUẬN

Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, phía bắc giáp Khánh Hoà, phía nam giáp Bình Thuận, phía tây giáp Lâm Đồng, phía đông giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên 3.360km2, dân số có đến năm 2010: 573.000 người, gồm có 1 thành phố và 6 huyện, nằm ở giao điểm của Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên, có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua, cách sân bay Cam Ranh 60km và cách cảng Ba Ngòi 45km. Với vị trí thuận lợi trên, Ninh Thuận có điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và Tây nguyên, đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút vốn đầu tư để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Ninh Thuận nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới - gió mùa ven biển Nam Trung bộ, nhưng do hoàn cảnh địa lý tự nhiên khá đặc biệt nên các yếu tố khí hậu đã bị biến đổi và mang đặc điểm riêng đó là: khí hậu nhiệt đới - gió mùa lục địa bán khô hạn nhưng đó lại là lợi thế để phát triển sản xuất muối công nghiệp trên quy mô lớn và thích hợp với một số cây trồng vật nuôi cho sản phẩm đặc thù như: nho, mía, hành tỏi, thuốc lá, dê, cừu, ...

- Nhiệt độ bình quân năm: 27,10 0C.

- Cao nhất: 34,400C.

- Thấp nhất: 18,200C.

- Độ ẩm trung bình: 73%.

- Lượng bốc hơi trung bình năm: 1650-1850 mm.

- Lượng bức xạ dồi dào cả năm.

- Số giờ ngày nắng trong năm: 2800-2900 giờ.

- Đặc biệt lượng mưa bình quân năm rất thấp (930mm).

Mùa mưa thường vào tháng 5 đến tháng 10 trong năm, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tháng khô hạn nhất vào tháng 01 đến tháng 02. Với nền nhiệt độ cao quanh năm, lượng mưa ít, phân bố không gian phức tạp theo địa hình và hướng địa hình, sự tách biệt mùa mưa với mùa khô khá rõ rệt.

Với bờ biển dài 105 km, thuộc vùng ngư trường lớn của cả nước, thuận lợi cho việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, khoáng sản khá phong phú và đa dạng, đáp ứng được yêu cầu cho khai thác công nghiệp như: đá granite, cát silic, nước khoáng, ... Tiềm năng du lịch được xác định là một lợi thế, nhiều bãi tắm đẹp như: Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, ... cùng với quần thể di tích Chămpa là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, văn hoá.

I. Rà soát, đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện các quy hoạch có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn

1. Các quy hoạch đã và đang xây dựng:

- Ngày 02 tháng 02 năm 2005 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2005/QĐ-UB phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2001 - 2010;

- Trong giai đoạn này ngành nông nghiệp đã tham mưu xây dựng quy hoạch nông nghiệp giai đoạn 1996 - 2010 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-UB ngày 03 tháng 5 năm 1997 và được điều chỉnh, bổ sung năm 2002 theo Quyết định số 5818/QĐ ngày 13 tháng 11 năm 2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Ngày 25 tháng 6 năm 2002 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2001 - 2010 và được điều chỉnh tại Quyết định số 198/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2007;

- Tỉnh đã xây dựng đề án Quy hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 1998 - 2010 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định tại tại văn bản số 242/BNN-PTLN ngày 12 tháng 01 năm 1998;

- Các quy hoạch đã và đang triển khai: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đến 2020; Quy hoạch phát triển 3 loại rừng; Quy hoạch bố trí dân cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ nông thôn, cụm công nghiệp và làng nghề.

Ngoài ra trong giai đoạn này tỉnh đã triển khai xây dựng quy hoạch các tiểu vùng sản xuất; quy hoạch phát triển cây nho, quy hoạch phát triển cây thuốc lá, quy hoạch phát triển  mía, bông vải, … làm cơ sở bố trí các vùng chuyên canh sản xuất trên địa bàn tỉnh.

2. Một số tồn tại khi xây dựng và triển khai các phương án quy hoạch:

Các phương án quy hoạch tiến hành điều tra, thu thập xử lý thông tin dự báo chưa đầy đủ nên tầm nhìn chiến lược của các quy hoạch còn hạn chế: đề ra mục tiêu nhiệm vụ, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế và tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể như đề ra tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân thời kỳ 2001 - 2010 tăng 4-4,5% là thấp, cơ cấu kinh tế ngành chưa phù hợp.

Các phương án thiếu cụ thể, thiếu lôgic, một số thông tin còn mang tính khái quát chung; quy hoạch chưa thể hiện đầy đủ quan điểm gắn kinh tế với thị trường, năng suất, chất lượng và hiệu quả, …việc xác định 5 cây trồng chủ lực là đúng hướng nhưng chậm hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá chứng tỏ quy hoạch chưa thật sự phù hợp với thị trường, vì vậy một số chỉ tiêu đặt ra trong quy hoạch chưa phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới và không đạt mục tiêu cho năm 2010 như sản lượng nho, mía, thuốc lá, điều, mì, bông, tôm, tổng đàn gia súc. Các vùng nguyên liệu tập trung tuy đã hình thành nhưng phát triển chậm (như vùng mía, nho, thuốc lá, diện tích và sản lượng nuôi tôm, …) và chưa ổn định. Diện tích hầu hết các loại cây trồng đều tăng chậm và không đạt quy hoạch như: cây điều đến 2009 mới đạt 50% về diện tích, diện tích cho thu hoạch thấp; cây nho suy giảm về diện tích đến 2009 chỉ có 1.113 ha, nho giống mới chậm phát triển.

Thủy sản đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn chưa hình thành, tốc độ tăng trưởng cao nhưng thiếu tính bền vững, xuất khẩu tăng chậm; trong khai thác hải sản hiệu quả thấp, sản lượng chưa ổn định; tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi diễn ra chậm.

Trình độ phát triển và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất còn nhiều hạn chế; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô còn nhỏ, sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu, thị trường nguyên liệu thiếu ổn định, sức cạnh tranh không cao; chưa xây dựng được các ngành công nghiệp chủ lực để tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh.

Nguồn lực để thực hiện quy hoạch chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà chưa thật sự coi trọng nguồn lực của thành phần kinh tế khác do đó quy hoạch thiếu tính toàn diện, thiếu tính khả thi về nguồn vốn.

Công tác tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ; tình trạng lấn chiếm phá vỡ quy hoạch được duyệt thường xuyên xảy ra.

II. Đánh giá thực trạng tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận

1. Tình hình từ khi tách tỉnh (1992) đến năm 2000:

1.1. Tình hình chung:

1.1.1. Tỉnh Ninh Thuận được tái lập từ ngày 01 tháng 4 năm 1992 từ tỉnh Thuận Hải cũ. Trong giai đoạn 1992 - 2000, nền kinh tế - xã hội Ninh Thuận tiếp tục được củng cố, phát triển đi dần vào thế ổn định và tăng trưởng. Các ngành sản xuất phát triển theo hướng khai thác những lợi thế và thực hiện chuyển đổi cơ cấu các ngành, nội bộ ngành, xác định các loại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao để tập trung đẩu tư đẩy mạnh nền kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Tổng sản phẩm GDP tăng khá, bình quân 4 năm 1992 - 1995 đạt bình quân 8,8%. Trong đó ngành nông lâm nghiệp tăng 3,9%, thủy sản tăng 13,1%, công nghiệp tăng 13,6%, dịch vụ tăng 9,5%. Thời kỳ 1996 - 2000 mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức lớn nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, một số ngành và lĩnh vực tăng khá. Bước đầu có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%; thủy sản là 12,7%, công nghiệp là 11,5%; dịch vụ là 4,7%. Năm 1998 bị bão lụt năng nhưng GDP 1996 - 2000 vẫn tăng trưởng, bình quân đạt 6% (mục tiêu 10-12%). GDP bình quân đầu người năm 1992 là 1.676.000 đồng/người, năm 1995 tăng lên 2,22 triệu đồng/người; đến năm 2000 đạt 2,93 triệu đồng/người. Tốc độ tăng bình quân 5 năm 1996 - 2000 là 3,3%.

- Cơ cấu kinh tế trong 8 năm có sự chuyển biến tích cực trong các ngành theo hướng khai thác những lợi thế. Các loại cây lâu năm và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như nho, thuốc lá, mía, bông vải, tăng cả về số lượng năng suất và chất lượng; đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh sản xuất hàng hoá. Tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP chuyển dịch: nông lâm nghiệp từ 41,5% năm 1992 giảm xuống còn 35% năm 2000, ngành thủy sản từ 13,3% tăng lên 17,5%, ngành công nghiệp - xây dựng từ 11,45% lên 12,2%, dịch vụ từ 29,4% lên 35,7%. Trong nội bộ ngành nông nghiệp tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 22,46% năm 1992 tăng lên 23,4% năm 2000.

1.1.2. Tình hình chung về nông dân: từ khi tái lập tỉnh Ninh Thuận đến năm 2000, nhìn chung đời sống kinh tế - xã hội của nông dân tỉnh Ninh Thuận còn gặp nhiều khó khăn, từ đời sống vật chất đến tinh thần; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn còn ở dưới mức tối thiểu. Dân số thấp, tính đến cuối năm 2000, dân số của tỉnh là: 519.918 người, trong đó dân cư sống ở nông thôn 386.857 người chiếm tỷ trọng 74,4%, dân cư phân bố không đều, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa mật độ dân số rất thấp, nhất là ở nông thôn, có nơi chỉ bình quân 18 người/km2  như ở huyện Ninh Sơn, do đó điều kiện phát triển rất hạn chế trên tất cả mọi mặt và nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hoá xã hội, nước sinh hoạt, thông tin truyền thông, …

Về lao động - việc làm: số người trong độ tuổi lao động 272.934 người, trong đó có khả năng lao động 267.900 người; số người có khả năng lao động nhưng chưa có việc làm: 49.457 người. Số lao động ở khu vực nông lâm nghiệp: 144.220 người chiếm 53,8%; thu nhập bình quân 539.000 đồng/tháng/người.

Về giáo dục: đến cuối năm 2000 vẫn còn 5/56 xã phường chưa hoàn thành chương trình xoá mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học.

1.2. Hiện trạng sản xuất:

* Trồng trọt: ngành nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, trên 60% dân số và lao động sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng GDP năm 1995 của ngành chiếm 41,8% cả tỉnh, giá trị bình quân 4 năm (1992 - 1995) tăng 8,6%; trong đó trồng trọt tăng 8,4%, chăn nuôi tăng 7,7%. Giai đoạn 1996 - 2000 tăng 4,5%. Diện tích cơ cấu các loại cây trồng có chuyển biến rõ rệt:

- Cây lương thực:

+ Cây lúa năm 1995 gieo cấy 29.567 ha tăng 2,97% so với năm 1992, năm 2000 đạt diện tích 34.039 ha, chiếm 62% tổng diện tích gieo trồng, năng suất bình quân 42 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 124.396 tăng 17.054 tấn. Đến năm 2000 diện tích cây lúa ổn định 34.000 ha và đầu tư thâm canh nên năng suất bình quân năm 2000 khoảng 43,8 tạ/ha, sản lượng quy thóc 72.840 tấn đảm bảo an toàn lương thực.

+ Cây bắp: giai đoạn 1992 - 1995 tăng chậm, tốc độ bình quân 4 năm đạt 2,5%. Năm 1996 diện tích bắp khoảng 8.880 ha chủ yếu là bắp địa phương. Đến năm 2000 diện tích khoảng 10.800 ha sản lượng khoảng 20.122 tấn. Ngành đã đưa cơ cấu bắp lai vào sản xuất kể cả vùng đồng bằng và miến núi, đạt năng suất 4-5 tấn/ha, cá biệt có vùng đạt 7-8 tấn/ha. Đây là thành công lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu nội bộ cây lương thực đồng thời là cây trồng góp phần xoá đói giảm nghèo.

+ Cây công nghiệp ngắn ngày: là cây có giá trị kinh tế cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá; cụ thể:

+ Cây thuốc lá: là một trong 5 cây trồng chính của tỉnh, năm 1992 toàn tỉnh tồng được 1.756 ha, sản lượng 4.156 tấn, năm 1999 đạt diện tích 2.564 ha sản lượng 6.064 tấn nhưng giá cả không ổn định, giá thuốc nâu giảm mạnh, do vậy diện tích 2000 chỉ đạt 1.550 ha, sản lượng 3.510 tấn trong đó diện tích sợi vàng 904 tấn, năng suất 18,1 tạ/ha, sản lượng 1.637 tấn chiếm 46,7% tổng sản lượng thuốc lá năm 2000.

+ Cây mía: được xác định là cây công nghiệp chủ lực, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Năm 1992 trồng 690 ha, sản lượng đạt 26.414 tấn năm 1995 đạt 1.107 ha. Tốc độ tăng bình quân 4 năm (1992 - 1995) là 17,1%. Trong giai đoạn 1996 - 2000 khả năng mở rộng diện tích trồng mía lớn nhưng do mức độ tiêu thụ, giá cả, ảnh hưởng của thị trường nên diện tích năm 2000 đạt khoảng 1.544 ha sản lượng đạt 100.000 tấn, đủ cung cấp cho Công ty mía đường Phan Rang chế biến và một số cơ sở chế biến thủ công.

+ Cây bông vải: điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi cho cây bông vải phát triển, đáp ứng được phần lớn sản lượng cho cả nước. Địa bàn sản xuất tập trung ở Ninh Sơn, Ninh Phước và Viện nghiện cứu cây bông Nha Hố. Năm 1992 diện tích 1.163ha, sản lượng 802 tấn. Năm 1995 tăng lên 2.235ha, tốc độ tăng bình quân 4 năm (1992 - 1995) là 17,5%. Giai đoạn 1996 - 2000 diện tích trồng không ổn định, sản lượng hàng năm thấp. Nguyên nhân do ảnh hưởng bão lụt, một phần giá cả thấp nông dân sản xuất lãi ít. năm 2000 diện tích đạt 371ha nhưng do ảnh hưởng lụt tháng 10 và 11 năm 2000 nên sản lượng chỉ đạt 400 tấn.

- Cây ăn quả:

+ Cây nho: là cây có giá trị kinh tế nhất trong các loại cây trồng, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Năm 1992 toàn tỉnh chỉ có 1.051 ha đến năm 1995 diện tích tăng lên 2.120 ha sản lượng 40.000 tấn nhưng đến giai đoạn 1996 - 2000 do ảnh hưởng khí hậu thời tiết, lụt bão năm 1998 đã làm giảm cả diện tích và sản lượng rất lớn. Đến cuối năm 2000 diện tích còn khoảng 1.809 ha sản lượng 20.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với 1995. Trong những năm tiếp theo cùng vơi việc phục hồi diện tích, tỉnh tập trung đầu tư nghiên cứu giống nho mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của tỉnh; đến nay Viện nghiên cứu cây bông Nha Hố đã chọn được giống NH01-48 thích nghi.

- Cây công nghiệp:

+ Cây điều: là cây trồng vừa tạo ra sản phẩm cho nhân dân vừa là cây góp phần phủ xanh đất trồng đồi trọc; tuy là cây mới phát triển, năm 1995 diện tích có 446 ha đến 2000 đạt 2.876 ha, sản lượng đạt 349 tấn, tạo nguồn sản phẩm cho nhà máy chế biến và góp phần xoá đói, giảm nghèo cho một số hộ đồng bào miền núi.

+ Cây mì: diện tích trồng chủ yếu tại Ninh Sơn với quy mô từ 700-1000ha, năng suất thấp do còn trồng các giống cũ, sản lượng dao động từ 5-9 ngàn tấn/năm; trong giai đoạn này chưa có nhà máy chế biến tinh bột tại địa phương nên chủ yếu được phơi khô và dùng để chế biến thức ăn gia súc.

* Chăn nuôi: là ngành chiếm vị trí quan trọng sau ngành trồng trọt, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nên đã được chú trọng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng:

+ Đàn trâu: 1992 có 9.603 con nhưng đầu năm 2000 chỉ còn 6.070 con, đàn trâu chỉ phát triển ở miến núi, chủ yếu phục vụ cày kéo.

+ Đàn bò: phát triển tăng và ổn định mỗi năm tăng khoảng 2.000 con, Năm 1992 tổng đàn 60.360 con, đến năm 1995 tăng 68.630 con tốc độ tăng bình quân 4 năm 4,3%. Giai đoạn 1996 - 2000 tốc độ tăng bình quân 3,5%, đến năm 2000 số lượng đàn bò 80.250 con, ngành đã chú trọng đến lai tạo giống có chất lượng cao để thay thế giống bò địa phương.

+ Đàn heo: tổng đàn năm 2000 là 72.570 con; hướng của ngành là tăng ổn định tổng đàn và tập trung lai tạo giống heo, hướng nạc hoá để phù hợp với nhu cầu thị trường.

+ Đàn dê cừu: phát triển nhanh về số lượng do thuận lợi về điều kiện khí hậu thời tiết, đàn dê ít dịch bệnh, giá cả tăng cao. Năm 1992 có 18.991 con đến năm 1995 có 23.000 con, đến năm 2000 tổng đàn dê cừu lên tới 36.690 con.

Hình thức và quy mô chăn nuôi giai đoạn này chủ yếu là quảng canh, dựa vào thức ăn đồng cỏ tự nhiên, chất lượng đàn gia súc có được cải thiện nhưng không nhiều (tỷ lệ bò lai thấp), tình trạng thiếu thức ăn vào mùa khô là phổ biến, diện tích cỏ trồng ít, năng suất thấp. Tuy nhiên do nhu cầu của thị trường và sự gia tăng đầu tư của nông dân trong giai đoạn này (1992 - 1999), giá trị sản xuất chăn nuôi tăng đạt mức 11,4%/năm, giá trị tăng thêm tăng đạt 11,2%/năm; đây là mức tăng trưởng cao liên tục trong 7 năm, thể hiện sự phát triển của ngành chăn nuôi đặc biệt đối với đàn dê, cừu. Cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp giai đoạn này đã  có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 14,4% năm 1995 đạt 18,2% năm 1999 và ngành trồng trọt gỉảm từ 84,7% năm 1995 còn 74,2% năm 1999. Thu nhập các hộ nông dân trong giai đoạn này tăng lên nhờ phát triển chăn nuôi đặc biệt là đối với bò, dê, cừu.

Lâm nghiệp: trong những năm 1992 - 2000, Chính phủ có chủ trương về phát triển ngành lâm nghiệp là kết hợp giữa trồng rừng với việc chăm sóc và bảo vệ rừng, thông qua việc đầu tư phát triển rừng bằng Chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi trọc do đó diện tích trồng rừng tăng lên, năm 1992 trồng được 114 ha đến năm 1995 diện tích rồng rừng tăng tới 1.948 ha. Giai đoạn 1996 - 2000 hàng năm trồng khoảng 500-600ha rừng các loại, góp phần bảo vệ những khu vực xung yếu và phủ xanh đất trống đồi trọc. Hàng năm đã giao cho các hộ nông dân diện tích rừng khoán quản 60-70 ngàn ha và hàng ngàn ha rừng được chăm sóc bảo vệ; khai thác gỗ trong nhũng năm qua thực hiện theo kế hoạch khai thác 4.000m3/năm phục vụ cho chế biến và xây dựng cơ bản tại địa phương.

Thủy sản: được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có nhiều điều kiện thuận lợi, bờ biển dài 105km, có 03 cảng lớn (Đông Hải, Ninh Chữ, Cà Ná) và 02 bến cá (Mỹ Tân và Sơn Hải); ngư trường có nhiều hải sản phong phú, đa dạng, sản xuất quanh năm rất thuận lợi cho việc khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Năng lực khai thác: năm 1992 chỉ có 1.0222 chiếc/15.900cv bình quân 15,5cv/chiếc, đến năm 2000 có 1.638c/55.444cv, bình quân 33,8cv/chiếc. Tốc độ tăng bình quân (1996 - 2000) là 3,1%.

Trong giai đoạn này, ngành đã tập trung đầu tư chiều sâu, đóng mới các loại tàu thuyền có công suất lớn trên 70cv/chiếc để khai thác xa bờ, xây dựng lại các cảng cá, mua sắm các thiết bị kỹ thuật để phục vụ khai thác, mở rộng các loại nghề phù hợp để tận dụng các lợi thế phát triển ngành.

Khai thác hải sản: nhân dân trong tỉnh đã tận dụng lợi thế tạo nên các nghề truyền thống khai thác hải sản cố định ở một vùng như nghề lưới đăng, mành tròn. Nghề chủ lực như giã đôi ở Đông Hải, nghề lưới cản, nghề vây rút chì, pha xúc, … để khai thác, do đó sản lượng khai thác tăng nhanh qua các năm. Năm 1992 đạt 12.600 tấn đến 1995 đạt 19.500 tấn, tốc độ tăng bình quân 4 năm (1992 - 1995) là 13,6%; đến giai đoạn 1996 - 2000 nhờ chủ trương đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền có công suất lớn nên sản lượng hải sản đạt cao và có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu , cá bè, tôm hùm,  mực, … đem lại nguồn thu lớn cho người khai thác biển. Năm 2000 đạt gần 30.552 tấn tăng 1,6 lần so với năm 1995 và mỗi năm tăng khoảng 2.500 tấn hải sản các loại.

Nuôi trồng thủy sản: bờ biển Ninh Thuận có nhiều đầm, vùng có khả năng nuôi trồng thủy sản như Đầm Nại, vùng Đông Mỹ Hải, Phú Thọ, An Hải, Phước Dinh. Diện tích có khả năng đưa nuôi tôm lớn tới 3.000-4.000ha. Năm 1992 diện tích nuôi 482ha, sản lượng nuôi 633 tấn. Năm 1995 diện tích tăng lên 590ha nhưng sản lượng chỉ 600 tấn. Giai đoạn 1996 - 2000 ngành thủy sản đã xác định lại mùa vụ, đầu tư khoa học kỹ thuật trong công tác nuôi tôm nên diện tích, năng suất, chất lượng tăng mạnh. Năm 2000 diện tích nuôi tôm đạt 810 ha, sản lượng 1.800 tấn; tốc độ tăng bình quân 5 năm (1996 - 2000) là 26,6%. Sản xuất tôm giống tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, phục vụ cho việc nuôi tôm thịt trong tỉnh và hàng năm còn bán ra ra ngoài tỉnh một lượng tôm giống tương đối cao. Năm 1995 có 46 trại giống sản lượng chỉ đạt 230 triệu con P15. Giai đoạn 1996 - 2000 tốc độ tăng 5 năm bình quân đạt 38,6%. Năm 2000 số trại nuôi lên tới 250 trại và sản lượng đạt tới 1.200 triệu con P15 đem lại nguồn thu lớn cho người kinh doanh.

Chế biến hải sản: trong giai đoạn này, toàn tỉnh có hai cơ sở chế biến lớn là Phan Rang, Đông Hải. Nhiệm vụ chủ yếu là chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Trong những năm trước đây mặt hàng chế biến chủ yếu là mực đông, cá đông. Đến năm 2000 nhờ đầu tư công nghệ mới đã mở rộng mặt hàng như tôm đông, mực khô và một số mặt hàng cao cấp xuất khẩu, làm tăng khối lượng hàng chế biến. Năm 1992 sản lượng chế biến 1.120 tấn các loại, năm 1995 đạt 1.635 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân 4 năm 1992 - 1995 là 13,1%. Giai đoạn 1996 - 2000 sản lượng chế biến tăng không ổn định, năm 2000 chỉ đạt khoảng gần 1.000 tấn. Song song với chế biến hàng xuất khẩu hàng năm còn sơ chế hàng phục vụ nội tiêu như nước mắm 7-8 triệu lít, cá khô hàng ngàn tấn, … góp phần tăng giá trị sản xuất ngành và tăng thu nhập cho nhân dân vùng biển.

Thủy lợi: các công trình thủy lợi có tổng năng lực tưới theo thiết kế là 22.132 ha đến năm 2000 diện tích canh tác thực tế tưới là 17.800 ha. Trong đó hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm có năng lực thiết kế 12.800 ha, thực tế tưới 11.000 ha. Trong giai đoạn 1996 - 2000 đã đầu tư xây dựng các hồ chứa nước như hồ CK7 tưới được 100 ha, hồ Tân Giang tưới được 2.300ha, hồ Ông Kinh tưới được 300 ha; năng lực tưới giai đoạn này được đầu tư tăng thêm nhưng nhìn chung còn chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng thiếu nước, sản xuất một vụ phụ thuộc thiên nhiên còn chiếm diện tích tương đối lớn do chưa có nguồn vốn để phát triển thủy lợi.

Sản xuất muối: có sự đầu tư phát triển mạnh về diện tích sản xuất muối. Trước năm 1994 diện tích sản xuất muối chỉ đạt 590 ha, do được đầu tư xây dựng đồng muối Đầm Vua có quy mô 315 ha, diện tích sản xuất muối năm 1999 đạt 910 ha, trong đó có 738 ha đồng muối công nghiệp, sản lượng bình quân giai đoạn 1992 - 1999 đạt 93,4 ngàn tấn/năm. Năm 2000 hoàn thành đầu tư và đưa đồng muối Tri Hải đi vào sản xuất đưa diện tích sản xuất muối công nghiệp từ 738 ha lên 1.082 ha. Sản lượng muối phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, giảm nhiều trong các năm 1999 - 2000 nhưng đạt rất cao trong các năm 2002 - 2005. Sản xuất muối giai đoạn này chủ yếu là bán sản phẩm muối thô, có 06 cơ sở chế biến muối tinh, công nghệ đơn giản, chế biến 16% sản lượng muối sản xuất. Phần lớn muối đươc bán cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá chung: sau 8 năm tách tỉnh nền kinh tế của tỉnh đã phát triển tương đối ổn định và có tăng trưởng. Tổng sản phẩm GDP bình quân 4 năm 1992 - 1995 tăng 8,8%. Giai đoạn 1996 - 2000 tốc độ bình quân 5 năm là 7,94%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ nhưng còn rất chậm, sức cạnh tranh yếu; các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống được đầu tư đã phát huy được tác dụng nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển sản xuất; các ngành sản xuất phát triển nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao. Trong ngành nông nghiệp, cơ cấu sản xuất trồng trọt chiếm 80-82%, chăn nuôi chiếm 18-20%.

- Trong sản xuất nông nghiệp chậm quy hoạch để định hình các vùng sản xuất nông sản hàng hoá phục vụ công nghiệp chế biến; việc chuyển đổi cơ cấu ngành, cơ cấu nội bộ ngành, cơ cấu các loại cây trồng chậm, nhất là việc áp dụng giống mới vào sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; năng suất cây trồng thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, khó cạnh tranh với thị trường; giá cả tiêu thụ sản phẩm  thấp, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.

- Thủy sản: đầu tư về năng lực đánh bắt và nuôi trồng chưa đáp ứng để khai thác tiềm năng lợi thế ngành; hiệu quả đầu tư và khai thác hải sản xa bờ còn thấp; công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến còn lạc hậu nên chưa nâng cao được giá trị sản xuất của ngành nhất là hải sản xuất khẩu.

- Sản xuất muối: năng lực sản xuất tăng gần 2 lần nhưng năng suất sản lượng còn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết; công nghiệp chế biến muối chưa phát triển và chủ yếu vẫn bán sản phẩm thô; đời sống diêm dân còn rất khó khăn do giá cả bấp bênh, quy mô sản xuất nhỏ.

- Sản xuất công nghiệp phát triển còn chậm, chưa ổn định; tốc độ tăng trưởng ngành thấp so với mục tiêu đề ra, đa số các doanh nghiệp công nghiệp quy mô còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp; sản phẩm sản xuất ra sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ chậm, không phát huy hết công suất nên có doanh nghiệp còn thua lỗ.

- Ngành thương mại - dịch vụ hoạt động còn yếu, tốc độ tăng trưởng qua các năm chậm; ngành thương nghiệp chưa thực sự là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng; xuất nhập khẩu tiếp tục giảm sút, chậm đổi mới thiết bị và công nghệ sản xuất, mặt hàng nghèo nàn, thị trường thu hẹp.

- Thu chi ngân sách: trong tỉnh không cò nguồn thu lớn, chưa có nguồn thu chủ lực nên thu ngân sách không ổn định. Năm 1996 thu 99,4 tỷ, năm 1998 thu 104,3 tỷ, năm 2000 chỉ đạt 100,1 tỷ. Tỷ lệ huy động vào ngân sách ngày càng giảm từ 8,4% xuống còn 5,1%, do đó chưa có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, hạn chế việc đầu tư phát triển để khai thác nguồn lực và lợi thế địa phương.

- Cơ cấu đầu tư từng lĩnh vực, từng ngành nhìn chung hợp lý nhưng còn dàn trải, chưa dứt đểm từng công trình; năng lực mới có tăng nhưng quản lý khai thác chưa tốt nhất là các công trình miền núi còn kém chất lượng.

Nguyên nhân tồn tại:

- Ninh Thuận có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, những năm 1992 - 2000 thường xuyên xảy ra thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhất là nông nghiệp thủy sản, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh tăng chậm và chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu ngân sách Nhà nước, nên chưa đáp ứng nhu cầu chi của tỉnh cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống chưa chủ động.

- Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các ngành, các huyện thị thực hiện chậm nên việc xây dựng kế hoạch hàng năm cũng như kế hoạch dài hạn thiếu chính xác, thiếu cơ sở khoa học. Các dự án, các chương trình mục tiêu xây dựng chưa sát với thực tế, tính hiệu quả kém; chưa hoạch định xây dựng được các chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực và vật lực bên trong và bên ngoài để khai thác lợi thế của tỉnh trong việc phát triển nông nghiệp nông thôn và kinh tế xã hội nói chung.

2. Thực trạng thời kỳ từ năm 2001 đến năm 2010

2.1. Tình hình phát triển kinh tế chung:

- Tăng trưởng kinh tế: giai đoạn 2001 - 2010, nền kinh tế tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao, GDP toàn tỉnh tăng trưởng với tốc độ bình quân 16%/năm. Trong đó giá trị tăng thêm nông nghiệp tăng 13,47%/năm và thủy sản tăng 14,01%/năm, lâm nghiệp tăng 7,6%/năm. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 7,57%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 4,8%/năm, thủy sản tăng 11,49%/năm và lâm nghiệp tăng 2,09%/năm. Thu nhập bình quân 01 lao động nông thôn tăng từ 5,02 triêu đồng năm 2000 lên 19 triệu đồng/năm, năm 2010 tăng 4,8 lần.

- Cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp thủy sản: do có sự phát triển mạnh của nông nghiệp và thủy sản trong giai đoạn này do vậy cơ cấu kinh tế của tỉnh chưa có sự chuyển dịch mạnh mẽ; mặc dù tỷ trọng nông nghiệp thủy sản đã giảm nhưng còn chiếm khá cao trong cơ cấu GDP toàn tỉnh; năm 2000 nông nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ 52,25%, năm 2010 còn chiếm 42,64% chưa đạt so với mục tiêu của tỉnh là giảm còn 30% vào năm 2010.

- Về cơ cấu nội bộ ngành nông lâm nghiệp - thủy sản: năm 2000 nông nghiệp chiếm 63,66% và giảm còn 63,15% năm 2010; thủy sản từ 34,22% năm 2000, tăng lên chiếm 35,61% năm 2010; lâm nghiệp giảm từ 2,12% còn 1,23% năm 2010. Sự giảm đi của nông nghiệp và tăng cơ cấu giá trị thủy sản thể hiện sự ưu tiên trong định hướng phát triển thủy sản thành ngành mũi nhọn của tỉnh, tuy nhiên còn có sự chưa bền vững trong phát triển thể hiện tỷ lệ cơ cấu còn có sự biến động lớn giữa các năm do ảnh hưởng của dịch bệnh trong nuôi trồng.

- Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp: trong ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất giữa trồng trọt chăn nuôi và dịch vụ. Ngành trồng trọt giảm từ 67% năm 2000 còn 57,3% năm 2010 và ngành chăn nuôi tăng từ 23,3% đạt 28,4%, dịch vụ tăng từ 9,6% lên 13,2% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Thể hiện xu thế phát triển của ngành chăn nuôi trong định hướng phát triển thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp của tỉnh.

- Kim ngạch xuất khẩu: tăng bình quân mỗi năm 12,8%/năm, từ 9,4 triệu USD năm 2000 đạt 50 triệu USD năm 2010. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giai đoạn này là nhân điều đươc chế biến tại địa phương chiếm 75-80% giá trị xuất khẩu, còn lại là xuất khẩu sắn lát và thủy sản.

2.2. Tình hình và kết quả sản xuất nông nghiệp 2001 - 2010.

2.2.1. Trồng trọt: giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong 10 năm tăng bình quân 4,8%/năm. Đây là kết quả phát triển tương đối cao đối với ngành trồng trọt trong điều kiện các năm 2002, 2003 và 2005 chịu thiệt hại nặng nề do hạn và bão lũ. Tổng diện tích gieo trồng sau 10 năm tăng thêm trên 16.000 ha, sản lượng lương thực có hạt tăng thêm so với năm 2000 là 77 ngàn tấn. Trong đó:

- Cây lương thực:

+ Cây lúa năm 2010 gieo cấy 37.797 ha tăng 4000 ha so với năm 2000, chiếm 51% tổng diện tích gieo trồng, so với 57% năm 2000; năng suất bình quân đạt 52,4 tạ/ha, tăng 8,6 tạ/ha so với 2000; sản lượng lúa đạt 197.967 tăng 48.873 tấn.

+ Cây bắp: tốc đô tăng khá nhanh, bình quân mỗi năm tăng 3,02%. Năm 2010 diện tích bắp đạt 14.586ha, tăng 3.750 ha so với 2000. Diện tích bắp lai chiếm 70-80% trong cơ cấu, năng suất bình quân đạt 34,2 tạ/ha tăng 15,2 tạ/ha so với năm 2000.

- Cây công nghiệp: diện tích gieo trồng cây công nghiệp hàng năm có tăng về diện tích nhưng chỉ chiếm tỷ trọng từ 6,4-7,4% trong tổng diện tích gieo trồng; cụ thể cho các loại cây trồng như sau:

+ Cây thuốc lá: là một trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh, năm 2000 toàn tỉnh trồng được 1.550 ha, sản lượng 3.510 tấn, năm 2010 chỉ đạt diện tích 1.217 ha sản lượng 3.213 tấn. Diện tích và sản lượng thuốc lá biến động qua các năm, và trong những năm gần đây thực hiện không đạt so với kế hoạch và phương án quy hoạch đề ra (2.500-3.000ha); nguyên nhân do giá thuốc lá giảm và không ổn định, một số diện tích chuyển sang sản xuất các loại giống bắp, giống lúa, giống bông có lợi thế cạnh tranh cao hơn

+ Cây mía: được xác định là cây công nghiệp chủ lực, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Năm 2000 trồng 1.544 ha, sản lượng đạt 103.255 tấn năm 2010 diện tích trồng là 1.719ha, sản lượng 87.360 tấn. Trong giai đoạn 2001 - 2010 khả năng mở rộng diện tích trồng mía lớn nhưng do mức độ tiêu thụ, giá cả, ảnh hưởng của thị trường nên diện tích và sản lượng chỉ đủ cung cấp cho Công ty đường Phan Rang chế biến và một số cơ sở chế biến thủ công.

+ Cây bông vải: được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng từ năm 2000 đến nay diện tích suy giảm từng năm, đến 2010 chỉ còn 74 ha; nguyên nhân do cây bông không thể cạnh tranh với các cây trồng khác về hiệu quả kinh tế; giá cả thu mua thấp, không kích thích người trồng bông.

+ Cây điều: là cây trồng vừa tạo ra sản phẩm cho nhân dân vừa là cây góp phần phủ xanh đất trồng đồi trọc. Đến năm 2010 đạt diện tích cho thu hoạch là 3.339 ha và 3.796 ha diện tích hiện có, sản lượng 1.420 tấn. Diện tích điều hiện có năng suất thấp, do trước đây được trồng chủ yếu với mục đích phòng hộ tại các vùng đất dốc, đất xấu.

- Đối với cây ăn quả:

+ Cây nho: diện tích có sản phẩm hàng hoá lớn nhất là nho, diện tích có xu hướng giảm trong 4 năm gần đây; là cây có giá trị kinh tế nhất trong các loại cây trồng, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Năm 2000 toàn tỉnh có 1.809ha đến năm 2010 diện tích giảm còn 758ha; sản lượng giảm chỉ còn 15.326 tấn, giảm 25 ngàn tấn so với thời điểm cực thịnh của cây nho năm 1995 (2.120ha và 40 ngàn tấn sản phẩm).

Nguyên nhân do bị ảnh hưởng một phần do bão lũ các năm 1998, 2003, nhưng từ năm 2006 - 2010 chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết (mưa sớm, mưa nhiều hơn và trận lũ lịch sử tháng 11 năm 2010) làm gia tăng chi phí phòng dịch bệnh, làm giảm năng suất nho. Bên cạnh đó nho bị cạnh tranh bởi cây táo mới đưa vào sản xuất tại Ninh Thuận.

+ Cây táo: mới phát triển nhiều từ năm 2006, đến 2010 diện tích đạt 793 ha, diện tích cho thu hoạch 704ha, sản lượng 15.326 tấn; năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha, có nhiều diện tích đạt năng suất từ 30-40 tấn/ha. Đây là cây trồng mới giá trị sản xuất/ha cao nhưng có ưu điểm dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đang có thị trường tiêu thụ ổn định và có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc. Cây táo là cây trồng mang lại lãi ròng  từ 20-40 triệu/ha cho người trồng táo/vụ.

+ Cây ăn quả khác: ngoài diện tích nho, táo; diện tích cây ăn quả khác có diện tích đạt năm cao nhất là 2.600 ha, trong đó diện tích hàng hoá lớn nhất là xoài đạt 609 ha năm 2010, trong đó diện tích cho sản phẩm đạt 404, tập trung chủ yếu tại 3 huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Bắc chiếm 70% diện tích cả tỉnh, nhưng phân bố không tập trung, chủ yếu trồng ở quy mô vườn hộ, trồng xen cây khác, chủ yếu cung cấp ăn tươi cho nhu cầu nội tỉnh. Các loại cây ăn quả khác có diện tích không lớn, phân bổ rải rác, sản lượng nhỏ chủ yếu phục vụ tại chỗ và nội tỉnh.

- Cây thực phẩm: diện tích gieo trồng cây thực phẩm giai đoạn 2001 - 2010 tăng bình quân mỗi năm 4,2%/năm, chiếm 14,6%-18,2% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm. Trong đó rau tăng 4,6%/năm và đậu các loại tăng 3,7%/năm. Đến năm 2010 diện tích rau đạt 7.082 ha, sản lượng 59,4 ngàn tấn; diện tích đậu các loại đạt 6.118 ha, sản lượng 4.395 tấn. Trong các loại rau, diện tích lớn nhất là hành, tỏi đạt bình quân 1700-2000 ha gieo trồng/năm, sản lượng 10-15 ngàn tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ nôi tỉnh và các tỉnh lân cận, chất lượng khá cao, mặc dù trong các thập kỷ 80-90 đã được xuất khẩu sang các nước Trung và Đông Âu nhưng hiện nay chưa được đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá tiếp thị về thị trường tiêu thụ. Các loại rau đậu khác chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại địa phương, một phần được tiêu thụ tại Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

2.2.2. Chăn nuôi: giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân mỗi năm 7,97%, sau 10 năm tăng gấp 2,15 lần. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 28,4% trong giá trị sản xuất năm 2010, so với 23,3% năm 2000.

Tổng đàn gia súc tăng từ 195.580 con đạt 306.764 con năm 2010, trong đó phát triển mạnh mẽ nhất là đàn dê, cừu với tốc độ tăng mỗi năm là 13,56%/năm, đạt 130.830 con so với 36.690 con năm 2000.

Đàn bò năm 2010 có 114.060 con so với 80.250 con năm 2000; tăng bình quân mỗi năm 3,58%; đàn heo phát triển tương đối ổn định mức bình quân 70 ngàn con/năm. Đàn gia cầm đến năm 2010 có số lượng tăng gấp đôi năm 2000. Chăn nuôi gia cầm có xu hướng phát triển tổng đàn ở mức 1,2-1,5 triệu con nhưng do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm các năm 2003 - 2005 và kéo dài do ảnh hưởng của dịch cúm các tỉnh lân cận, nên tổng đàn trong các năm 2005 - 2007 phát triển chậm, và tăng nhanh trong các năm 2008 - 2010 do dịch cúm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ và nhu cầu của thị trường tăng cao, đến năm 2010 tổng đàn phát triển đạt 1,468 triệu con và tiếp tục có xu hướng tăng trong năm sau.

Sản lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng năm 2010 đạt 21.230 tấn so với 10.450 tấn năm 2000; tăng bình quân mỗi năm 7,35%; đã hình thành 930 trang trại với tổng vốn sản xuất kinh doanh đạt 312,2 tỷ đồng, bình quân 01 trang trại có vốn kinh doanh là 335,8 triệu đồng; trong đó có 488 trang trại chăn nuôi gắn với phát triển đồng cỏ, diện tích đồng cỏ trồng đạt từ 950-1.300 ha, đã góp phần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thức ăn xanh, nâng cao thể trọng gia súc. Chất lượng đàn gia súc ngày càng được cải tiến với việc tuyển, nhập một số giống mới, áp dụng các dịch vụ kỹ thuật về  thú y, chuồng trại, thức ăn tinh trong chăn nuôi, ngăn chặn có hiệu quả các đợt dịch bệnh gia súc, gia cầm; tỷ lệ bò lai đến năm 2010 đạt 33% tổng đàn.

2.2.3. Thủy sản: giá trị sản xuất thủy sản (giá cố định) trong 10 năm 2001 - 2010 tăng bình quân mỗi năm là 11,24%, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 tăng 12,62% và giai đoạn 2006 - 2010 tăng 9,88% vượt chỉ tiêu mà kế hoạch đề ra là tăng 8,5%/năm; có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu sản xuất theo hướng tăng giá trị sản xuất nuôi trồng và dịch vụ thủy sản: tỷ trọng nuôi trồng thủy sản tăng từ 33,1% năm 1999 đạt 34,3% năm 2010; giá trị sản xuất giống tăng cao, năm 2000 chỉ chiếm 15,9%, đến 2010 chiếm 34,5%; khai thác thủy sản giảm từ 51% năm 2000 xuống còn 33,7% năm 2010. Mặc dù có những khó khăn do dịch bệnh, giá nhiên liệu tăng cao nhưng vị trí ngành thủy sản trong cơ cấu chung của tỉnh ngày càng tăng với tỷ lệ GDP trong cơ cấu chung cả tỉnh đạt từ 16%-19%; cụ thể đối với một số lĩnh vực thủy sản như sau:

- Nuôi trồng thủy sản: có sự phát triển về sản lượng trong lĩnh vực sản xuất giống và nuôi tôm thẻ chân trắng, đến năm 2010 nuôi tôm thẻ chân trắng đã phát huy hiệu quả, tổng sản lượng nuôi trồng các loại đến 2010 đạt 10,645 ngàn tấn, đạt 51% so với kế hoạch đến 2010, trong đó tôm 7 ngàn tấn, đạt 100% so với kế hoạch đề ra cho năm 2010. Về sản xuất giống thủy sản có tổng sản lượng tôm giống tăng nhanh từ một tỷ ba trăm triệu con năm 2000 đã đạt 10,5 tỷ con năm 2010 và vượt 65% mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2010.

Đã thực hiện quy hoạch và đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng dự án vùng sản xuất kiểm định giống thủy sản tập trung An Hải, đã thu hút được 15 nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển, đã có 10 dự án đi vào hoạt động. Toàn tỉnh đã có 961 trại thuộc 438 cơ sở sản xuất giống; chất lượng điều kiện sản xuất tôm giống được tăng cường cung ứng 80-85% sản lượng sản xuất cho nhu cầu của các tỉnh phía Nam, hình thành vùng sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước; đã đa dạng được các đối tượng nuôi mới như nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt và sử dụng có hiệu quả các diện tích mặt nước cho nuôi trồng thủy sản; đầu tư hoàn thành hai vùng nuôi tôm thương phẩm An Hải, Sơn Hải với quy mô 799 ha (An Hải 648ha và Sơn Hải 151ha) nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp.

- Về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: tổng sản lượng đánh bắt bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt 41,98 ngàn tấn/năm, sản lượng năm 2010 tăng 1,83 lần so với 2000 và tăng 2,7 lần so với 1995, vượt 5% so với quy hoạch đến 2010. Cơ cấu sản phẩm chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị cao như tôm, mực, cá có giá trị cao tăng từ 28% lên 30,5%. Mặc dù giá nhiên liệu tăng cao nhưng giá hải sản cũng tăng cao và chính sách hỗ trợ nhiên liệu đã mang lại hiệu quả nên năng lực tàu cá tăng mạnh hơn giai đoạn 2001 - 2005. Đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 2.648 chiếc tàu, có tổng năng lực 189.182cv, tăng 943 chiếc và 130.480 cv so với 2010. Cơ cấu tàu cá chuyển dịch theo hướng tăng mạnh loại tàu từ 90cv trở lên và chiếm 25% số tàu thuyền vào năm 2010.

- Về đầu tư hạ tầng nghề cá, dịch vụ hậu cần và chương trình phát triển khai thác xa bờ: đến năm 2010 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 03 dự án cảng cá phục vụ phát triển khai thác hải sản xa bờ, đó là: Dự án đầu tư và nâng cấp cảng Cà Ná có quy mô 1.200 chiếc loại 400cv ra vào trú đậu, có tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng; dự án bến cá Mỹ Tân, có tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng; dự án khu neo đậu tránh trú bão Ninh Chữ có quy mô 1000 chiếc tàu loại 600cv, có tổng mức đầu tư 64 tỷ đồng. Đối với các dự án nuôi trồng: đã đầu tư Dự án nuôi trồng thủy sản An Hải có quy mô 648 ha, đến nay đã cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng; hoàn thành đầu tư Dự án cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống Ninh Phước; Dự án trung tâm giống hải sản cấp 1 quy mô 10ha. Hiện nay tỉnh đang tiếp tục thi công các dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản đó là: Dự án cơ sở hạ tầng và hệ thống thoát nước vùng nuôi Đầm Nại có quy mô 771ha, tổng mức 26 tỷ đồng; đã hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm nghề cá như Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ với 07 cơ sở đóng sửa tàu cá, 94 cơ sở thu mua chế biến, 04 tàu bảo vệ nguồn lợi và tìm kiếm cứu nạn, ... đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất tiêu thụ sản phẩm của ngư dân.

2.2.4. Lâm nghiệp: trong 10 năm 2001 - 2010, công tác quản lý phát triển rừng có sự chuyển biến vế chất lượng thay đổi từ khai thác sang trồng, bảo vệ và khai thác hợp lý trên cơ sở các phương án khai thác được phê duyệt.

- Về công tác quy hoạch bảo vệ: đã tổ chức hoàn thành công tác rà soát kiểm kê 03 loại rừng theo Chỉ thị 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. So với hiện trạng năm 2006, sau khi rà soát đất rừng phòng hộ giảm 60.840 ha, còn 115.863 ha; đất rừng sản xuất tăng thêm 20.656 ha đạt 40.978 ha; đất rừng đặc dụng còn 42.327 ha; đã chuyển 40.184 ha đất lâm nghiệp sang cho mục đích khác như: xây dựng hồ đập, khu tái định cư, sản xuất nông nghiệp và đất dự phòng cho phát triển lâm nghiệp; đã hình thành mạng lưới các tổ chức làm nhiệm quản lý bảo vệ rừng với 02 vườn quốc gia, 05 ban quản lý rừng phòng hộ và tổ chức chuyển đổi 02 lâm trường thành Công ty Lâm nghiệp. Một số diện tích rừng phòng hộ đặc dụng đã được cắm mốc bảo vệ trên thực địa như các vườn quốc gia, các ban quản lý rừng phòng hộ tại các khu vực xung yếu dễ bị xâm phạm.

- Đầu tư phát triển rừng: Chính phủ đã phê duyệt dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 - 2010 (Dự án 661). Trong 10 năm thực hiện dự án đầu tư phát triển được 13.835 ha rừng các loại; khoanh nuôi tái sinh 17.874 ha, tổ chức giao khoán bảo vệ cho các hộ dân và lực lượng vũ trang tại các vùng gíap ranh, xung yếu được 618,955 ngàn lượt ha, tạo thu nhập cho một số hộ đồng bào dân tộc nghèo miền núi ở mức 200-250 ngàn đồng/tháng. Công tác giao đất lâm nghiệp đã giao 165,6 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp cho các chủ quản lý sử dụng chiếm 83% diện tích rừng và đất rừng. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng, cơ cấu cây trồng rừng có sự thay đổi theo hướng chuyển sang trồng các loại cây ngoài khả năng phòng hộ còn mang lại hiệu quả kinh tế như cây trôm, cây neem, cóc hành. Cây neem đã phát triển được trên 2.000 ha rừng trồng tập trung tai Ninh Phước, Ninh Hải và Thuận Bắc, quả và lá đã được một số doanh nghiệp thu mua để chế biến, bước đầu đã mang lại thu nhập cho người trồng rừng.

- Độ che phủ rừng trên địa bàn được duy trì ở mức ổn định: mặc dù có nhiều diện tích đất lâm nghiệp được chuyển đổi cho các nhu cầu phát triển khác như xây dựng công trình giao thông thủy lợi, khai hoang nông nghiệp, … do thực hiện chương trình trồng rừng thông qua công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng đã duy trì độ che phủ ổn định ở mức 44,3%.

2.2.5. Nghề muối: đến năm 2010, sản lượng muối tăng gấp 2 lần, diện tích sản xuất tăng gấp 1,5 lần năm 2000. Thu nhập diêm dân tăng cao do giá cả bình quân trong giai đoạn này cao 2-3 lần giá thành sản xuất và mang lại thu nhập khá cao cho người sản xuất. Đến năm 2010, toàn tỉnh hiện có 3/8 đồng muối công nghiệp của cả nước với diện tích sản xuất đạt 1.531ha, sản xuất theo quy trình phân đoạn kết tinh muối tập trung. Sản lượng muối bình quân/năm đạt 193 ngàn tấn, trong đó muối công nghiệp là 152 ngàn tấn và muối diêm dân 41 ngàn tấn; sản lượng muối có xu hướng giảm trong 4 năm (2006 - 2009) qua do ảnh hưởng của thời tiết trong các năm gần đây. Tuy có sự suy giảm về sản lượng nhưng giá muối tăng cao trong 3 năm gần đây, đến năm 2009 đạt mức cao 1,2 triệu/tấn, bình quân giá muối trong 4 năm cao gấp 2-4 lần giá thành sản xuất, đã mang lại thu nhâp cao cho người sản xuất. Diện tích sản xuất muối giai đoạn 2008 - 2010 có sự thay đổi do năm 2009 - 2010 một phần đồng muối Quán Thẻ được đưa vào sản xuất và cho sản phẩm (trong tổng số 2.500 ha), tỉnh tiếp tục quy hoạch bổ sung 650 ha khu vực Bắc Quán Thẻ cho giai đoạn 2011 - 2015. Về lĩnh vực chế biến toàn tỉnh hiện nay có 06 cơ sở chế biến muối tinh và muối iốt, sản lượng khoảng 50 ngàn tấn/năm chiếm 20-25% sản lượng sản xuất, nhìn chung công nghệ chế biến còn đơn giản, chưa có các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao.

2.2.6. Phát triển các dịch vụ:

- Về công tác khuyến nông, khuyến ngư: đã triển khai thực hiện tốt các mô hình khuyến nông - khuyến ngư theo các hợp đồng ký kết với Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư quốc gia hàng năm; xây dựng triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang; xây dựng hoàn thiện mạng lưới khuyến nông viên cơ sở có mặt ở tất cả các xã phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp, cũng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ khuyến nông, các tổ cộng đồng nuôi trồng - khai thác thủy hải sản, thường xuyên phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận thực hiện các chuyên đề về nông nghiệp nhằm phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ tư vấn khuyến nông - khuyến ngư, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông ngư nghiệp phát triển.

- Về công tác khuyến công và xúc tiến thương mại: trong giai đoạn từ 2007 - 2010 hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại đã thực hiện một số chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn như: đào tạo nghề và nâng cao tay nghề; xây dựng mô hình trình diễn lò nung; hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; xây dựng thương hiệu, hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn, ngành nghề nông thôn, tổ chức cho các chủ làng nghề, nghệ nhân tham gia các hội chợ triễn lãm, …

- Về công tác thú y, bảo vệ thực vật: đã làm tốt công tác dự tính dự báo, tham mưu kịp thời, chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi triệt để, khống chế kịp thời các đối tượng gây hại cây trồng, bệnh trên gia súc ngay khi các trường hợp bệnh xuất hiện nhỏ lẻ; công tác tiêm phòng gia súc gia cầm hằng năm đều đạt tỷ lệ cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập huấn kỹ thuật, triển khai tiêu độc khử trùng, kiểm soát giết mỗ được duy trì hoạt động thường xuyên; đã xây dựng mạng lưới thú y xã phường hoàn thiện và đang hoạt động có hiệu quả, xây dựng mạng lưới nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã theo tinh thần Thông tư 04 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bảo đảm an toàn dịch bệnh không để các loại dịch bệnh trên xảy ra trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng có bước phát triển khá.

-  Về sản xuất và cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi phục vụ cho sản xuất: ngày càng tăng cao về số lượng và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng giống quy định, hằng năm tỷ lệ nông dân sử dụng các loại giống lúa xác nhận để gieo trồng được tăng lên, các loại giống cây trồng chủ lực như nho, cây lâm nghiệp phục vụ cho công tác trồng rừng đa phần được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ đã hạn chế số lượng cây giống nhập từ ngoài tỉnh về trồng, một số địa phương như xã Phước Sơn - huyện Ninh Phước liên kết với công ty cổ phần (Thái Lan) hình thành một vùng chuyên canh trồng ngô lai (F1) với sản lượng từ 250-300 tấn/năm dùng chế biến thức ăn gia súc; các loại con giống như dê, cừu, tôm giống không những đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất trong tỉnh mà còn cung ứng giống cho các tỉnh thành trong cả nước, đang dần trở thành vùng sản giống giống có chất lượng cao trong khu vực các tỉnh phía nam.

- Về dịch vụ hậu cần nghề cá: đến năm 2009 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 02 dự án cảng cá phục vụ phát triển khai thác hải sản xa bờ, đó là: Dự án đầu tư và nâng cấp cảng Cà Ná, dự án bến cá Mỹ Tân, tăng thêm năng lực phục vụ của các cảng cá, bến cá. Đã hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực nghề cá trọng điểm của tỉnh như Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ với 07 cơ sở đóng sửa tàu cá, 94 cơ sở thu mua chế biến, 04 tàu bảo vệ nguồn lợi và tìm kiếm cứu nạn, ... hệ thống dịch vụ hậu cần tại các cảng cá, bến cá cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân, công tác sắp xếp neo đậu tàu thuyền ra vào cảng cá, bến cá, tránh trú bão đã có nhiều tiến bộ, việc duy tu, bão dưỡng, vệ sinh môi trường, gìn giữ an ninh, trật tự, công tác thu phí, lệ phí các năm qua đã triển khai thực hiện tốt và có nhiều cải thiện, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ngày càng mở rộng.

2.3. Tình hình và kết quả phát triển nông thôn 2000 - 2010:

2.3.1. Kết cấu hạ tầng nông thôn: kết cấu hạ tầng ở nông thôn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn bao gồm hệ thống điện, giao thông, thông tin liên lạc, thủy lợi, ... kết cấu hạ tầng xã hội bao gồm hệ thống văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, ...

- Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn có bước phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Bằng việc chủ động tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và đa dạng hoá các nguồn vốn cùng với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" ưu tiên phát triển mạnh mạng lưới giao thông nông thôn để giao thông nông thôn có bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đến năm 2010 toàn tỉnh có 47 xã (chiếm 100% tổng số xã) có đường ôtô đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã (năm 2001 là 93,2%). Cùng với việc mở rộng và nâng cấp đường giao thông đến trung tâm xã, hệ thống đường giao thông nội bộ xã - liên thôn cũng đã được nâng cấp dần: đến năm 2010, đã có 37 xã (chiếm 78,7%) đường liên thôn được nhựa hoá, bêtông hoá toàn bộ hoặc một phần; trong đó có 15 xã đường liên thôn được nhựa hoá, bê tông hoá trên 50% chiếm 31,9% tổng số xã (năm 2001 có 14/44 xã chiếm 31,8%). Tỷ lệ số xã có đường liên thôn được nhựa, bêtông hoá trên 50% của các huyện, thành phố là: Phan Rang - Tháp Chàm 100%, Ninh Hải 80,5%, Thuận Bắc 60,3%, Bác Ái 28,2%, Ninh Phước 85,4%, riêng huyện Ninh Sơn và Thuận Nam chiếm tỷ lệ thấp hơn.

- Hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thủy sản:

+ Giai đoạn 2001 - 2005: đã đầu tư cho thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều đạt 675 tỷ đồng, tăng 2,6 lần giai đoạn 1996 - 2000. Đến cuối năm 2005 đã hoàn thành 04 hồ chứa nước (Tân Giang, Ông Kinh, Sông Trâu, Nước Ngọt) có khả năng tưới cho 4.750 ha đất thuộc các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước; đầu tư nâng cấp cho 05 công trình lớn là hệ thống kênh chính Tây Krongpha, kênh chính Bắc, đoạn đầu và cuối kênh Nam, các kênh N8-N7 thuộc kênh chính Tây Krongpha; phục vụ tưới chủ động cho 3.745 ha canh tác thuộc các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải và thị xã Phan Rang - Tháp Chàm; ngoài ra còn thực hiện kiến cố hoá cho 21 tuyến kênh loại 2 tại các huyện thị với vốn đầu tư là 22,51 tỷ đồng; đầu tư cải tại hệ thống thoát lũ cho 8000 ha tại huyện Ninh Phước với vốn đầu tư là 30,1 tỷ đồng; cải tạo hệ thống kênh tiêu lũ Chà Là tiêu lũ cho khu vực thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

+ Giai đoạn 2005 - 2010: bằng các nguồn vốn trung ương, địa phương, vốn vay nước ngoài đã đầu tư cho thủy lợi, đê điều đạt 2.212 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần giai đoạn 2001 - 2005. Đến cuối năm 2008 đã hoàn thành thêm 03 hồ chứa mới (Sông Sắt, Nước Ngọt, Bầu Ngứ) có khả năng tưới cho 4.000 ha đất nông nghiệp thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước; đã khởi công và đang xây dựng 10 hồ chứa mới đó là các hồ: Phước Trung, Trà Co, Cho Mo, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Sông Biêu, Núi Một, Lanh Ra, Bà Râu với tổng năng lực lưới tăng thêm (theo thiết kế) là 5.444ha; đầu tư kiên cố hoá, nâng cao năng lực tưới cho trên 81 km kênh mương các loại (trong đó Sông Sắt: 59,47km) tổng vốn đầu tư là 51,16 tỷ đồng. Tổng diện tích canh tác được tưới thực tế trên phạm vi toàn tỉnh đến 2010 sẽ đạt 21.311ha, so với tổng diện đất canh tác cây hàng năm, cây ăn quả (51.453ha), tỷ lệ diện tích được tưới từ các công trình thủy lợi đạt 42% so với chỉ tiêu đề ra là 45%. Song song với việc đầu tư, hệ thống thủy lợi trong toàn tỉnh được đầu tư và quản lý thống nhất, trong 4 năm tiếp tục được đầu tư đã phát huy trên các mặt tưới chống hạn, tiêu lũ đóng góp vào việc tăng diện tích gieo trồng hàng năm và thâm canh tăng vụ trên các diện tích chủ động nước. Diện tích gieo trồng được tưới trong hệ thống đã tăng từ 36 ngàn ha năm 2006 (chiếm 53,3% diện tích gieo trồng) lên 63,8 ngàn ha năm 2010 (đạt 86% diện tích gieo trồng). Diện tích gieo trồng được tưới chủ động trong hệ thống tăng lên nhờ năng lực tưới tăng thêm trong giai đoạn 2006 - 2009 do đưa vào khai thác các hồ thủy lợi như Sông Trâu, Sông Sắt, Nước Ngọt và do kiên cố hoá kênh mương mở rộng diện tích tưới trong hệ thống. Công tác thủy lợi trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp trong công tác chuyển đổi cơ cấu thông qua các giải pháp điều tiết nước, tưới tiết kiệm, hợp lý phục vụ các mục tiêu chống hạn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đồng thời phục vụ cho các nhu cầu khác như nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho dân sinh, cho công nghiệp.

- Hệ thống trường học, giáo dục mầm non ở nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển. Đến năm 2010 có 47 xã (100%) có trường tiểu học, tăng 3 xã so với năm 2001; có 100% số xã có trường trung học cơ sở; có 3 xã chiếm 6,4% số xã có trường trung học phổ thông (năm 2001: 2,3%); 100% số xã có trường mẫu giáo/mầm non (năm 2001: 88,6%). Cùng với sự phát triển của hệ thống trường học tại cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo cũng phát triển, mở rộng đến cấp thôn, đến nay đã có 252 thôn (chiếm 100%) có lớp mẫu giáo; 214 thôn có nhà trẻ chiếm 85% (tỷ lệ này của cả nước là 39%). Như vậy có thể nói rằng tỉnh Ninh Thuận tuy chưa phát triển được nhiều nhưng hệ thống giáo dục và mầm non ở nông thôn hiện nay đã tăng lên và hoàn chỉnh dần với mức độ khá hơn trung bình cả nước.

- Hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông và văn hoá ở nông thôn tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân, 100% số trụ sở xã có máy điện thoại. Có 89,36% số xã có điểm bưu điện văn hoá/trạm bưu điện. Đáng lưu ý là điểm bưu điện văn hoá/trạm bưu điện được mở rộng khá đồng đều giữa các vùng, đặc biệt là các huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái đều đạt 100% số xã có điểm bưu điện văn hoá/trạm bưu điện. Bằng nhiều nguồn vốn và sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, đến nay tất cả các xã trong tỉnh đều được lắp đặt máy vi tính, trong đó có 51,59% số thôn đã kết nối internet, có 36/47 xã có internet đến thôn, chiếm 76,6%. Có 93,6% số xã có trang bị tủ sách pháp luật. Bên cạnh việc xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất chung của cấp xã, hệ thống truyền thanh và nhà văn hoá thôn cũng được quan tâm phát triển nhanh. Đến năm 2010 hầu hết các thôn đều đã có hệ thống loa truyền thanh nội bộ, 100% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn (năm 2001 là 45,5%), 59,5% số xã có nhà văn hoá xã. Bên cạnh việc xây dựng, tăng cường các nhà văn hoá xã, hệ thống nhà văn hoá thôn đã hình thành và phát triển nhanh: đến năm 2010 có 25,4% số thôn có nhà văn hoá và trung tâm học tập cộng đồng. Như vậy, hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông và văn hoá ở nông thôn tỉnh nhà đã có sự phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường ở nông thôn được đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2010 mạng lưới y tế xã phủ kín khắp tỉnh, có 47/47 xã có trạm y tế, tăng 3 xã so với năm 2001. Để phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nông thôn tốt hơn, hệ thống y tế đã được chú ý và mở rộng nhanh đến cấp thôn. Có 225 thôn chiếm 89,4% số thôn có cán bộ y tế thôn. Điều đáng lưu ý là cùng với việc mở rộng mạng lưới y tế của Nhà nước, hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân được tạo điều kiện phát triển có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, góp phần quan trọng vào chăm sóc sức khoẻ tại chỗ, ban đầu cho cộng đồng. Đến nay 55,3% số xã có cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn. Việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đang được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư phát triển với những kết quả khả quan là 34 xã (chiếm 72,3% số xã) có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, có khoảng 85% dân nông thôn có sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong đó tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn TC09 là 55%, tỷ lệ hộ dân nông thôn có công trình hố xí hợp vệ sinh đạt 60% trên tổng số hộ trong toàn tỉnh; có 6,4% số xã có xây hệ thống thoát nước thải chung và 34% số xã có tổ chức dịch vụ thu gom rác thải.

- Hệ thống chợ và mạng lưới khuyến nông viên cơ sở được quan tâm và mở rộng. Cùng với việc tăng cường mạng lưới văn hoá, thông tin, chăm sóc sức khoẻ, trong những năm qua Nhà nước đã quan tâm đầu tư và mở rộng hệ thống chợ và hệ thống khuyến nông cả cấp xã và cấp thôn để phục vụ và hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Theo kết quả điều tra trên địa bàn hiện nay có 69 chợ ở trên 47 xã có chợ, bình quân có 1,4 chợ/xã. Chợ nông thôn được quy hoạch lại và đầu tư nâng cấp, 65,4% số chợ được xây dựng từ bán kiên cố đến kiên cố. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển, mạng lưới cán bộ khuyến nông được quan tâm củng cố và mở rộng. Toàn tỉnh đến nay đã có 47 xã chiếm 100% số xã có cán bộ khuyến nông, lâm, ngư cơ sở và 54% số thôn có cộng tác viên khuyến nông, lâm, ngư.

2.3.2. Hộ và ngành nghề nông thôn:

- Hộ và ngành nghề của hộ nông thôn chủ yếu là ngành nông nghiệp: tính đến cuối năm 2010, khu vực nông thôn toàn tỉnh có 86.123 hộ, 395.775 nhân khẩu và 241.200 lao động trong độ tuổi, bình quân 4,6 nhân khẩu/hộ (năm 2001 là 5,1 nhân khẩu) và 2,8 lao động/hộ (năm 2001 là 2,57 lao động). Cụ thể hộ nông thôn từng địa bàn như sau:

+ Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: có 01 xã, 15 phường, 2.078 hộ nông thôn, chiếm 2,41% trong tổng số hộ nông thôn toàn tỉnh; tương tự:

+ Huyện Bác Ái: có 09 xã, 5.423 hộ, chiếm 6,30%.

+ Huyện Ninh Sơn: có 07 xã, 01 thị trấn, 15.357 hộ nông thôn, chiếm 17,83%.

+ Huyện Ninh Hải: có 08 xã, 01 thị trấn, 18.718 hộ nông thôn, chiếm 21,73%.

+ Huyện Ninh Phước: có 08 xã, 01 thị trấn, 24.110 hộ nông thôn, chiếm 27,99%.

+ Huyện Thuận Bắc: có 06 xã, 8.678 hộ nông thôn, chiếm 10,08%.

+ Huyện Thuận Nam: có 08 xã, 11.759 hộ nông thôn, chiếm 13,65%.

So với năm 2001, số hộ tăng 27.689 hộ (+1,47%), số lao động trong độ tuổi tăng 275.384 người (+3,29%). Một trong những nguyên nhân do quá trình đô thị hoá thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: xã chuyển thành phường đã làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng của hộ nông thôn.

Trên cơ sở lao động của hộ có phần lớn lao động tham gia các hoạt động kinh tế để phân loại ngành sản xuất chính của hộ ở khu vực nông thôn, cụ thể: hộ có ngành sản xuất chính là hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm nhiều nhất 47,29%, kế tiếp hộ dịch vụ chiếm 27,20%, hộ công nghiệp, xây dựng chiếm 25,51%.

- Cơ cấu ngành sản xuất chính của hộ  khu vực nông thôn:

Đơn vị tính: %

Loại hộ

Toàn tỉnh

Chia ra

Ninh Phước

Phan Rang Tháp Chàm

Bác Ái

Ninh Sơn

Ninh Hải

Thuận Bắc

Thuận Nam

Tổng số

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

Hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản

47,29

42,30

52,65

65,40

61,00

40,00

15,60

54,10

Hộ công nghiệp, xây dựng

25,51

35,39

7,33

1,50

19,00

30,00

62,20

23,10

Hộ  dịch vụ

27,20

22,31

40,02

33,10

20,00

30,00

22,20

22,80

(Nguồn báo cáo của các huyện)

Ngành nghề của hộ ở khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo xu hướng tích cực: tăng số lượng hộ và tỷ trọng nhóm hộ có ngành sản xuất chính là công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm số lượng hộ và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Số lượng hộ nông thôn tăng 45.974 hộ tương ứng số lượng hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8.777 hộ (+1,27%), số lượng hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng 37.197 hộ (+5,54%) so với năm 2000.

- Ngành sản xuất chính của hộ ở khu vực nông thôn so với năm 2000:

Loại hộ

Năm 2000

(hộ)

Năm 2010

(hộ)

Cơ cấu (%)

Năm 2000

Năm 2010

Tổng số

40.149

86.123

100,0

100,0

Hộ nông, lâm, thủy sản

31.951

40.728

79,58

47,29

Hộ công nghiệp, xây dựng cơ bản

2.176

21.970

5,42

25,51

Hộ dịch vụ khác

6.022

23.425

15,00

27,20

(Nguồn báo cáo của các huyện)

Mặc dù cơ cấu ngành nghề của hộ ở khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng tốc độ chuyển dịch ngành nghề từ hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản sang hộ phi nông nghiệp còn chậm so với yêu cầu và không đều giữa các địa phương.

Huyện miền núi có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề chậm, có tỷ trọng hộ nông, lâm nghiệp chiếm rất cao, trong khi đó tỷ trọng hộ công nghiệp thấp. Nhìn chung, khu vực nông thôn tuy có sự chuyển dịch theo xu hướng tích cực nhưng tốc độ chuyển dịch chậm so với yêu cầu và chưa có sự đa dạng trong hoạt động kinh tế của hộ, tính chất thuần nông của kinh tế nông thôn còn phổ biến, tỷ trọng hộ công nghiệp còn thấp chỉ chiếm 25,51% (bình quân cả nước 31%). Trong nội bộ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch tích cực nhưng tốc độ chuyên dịch chậm và chững lại, không nhanh bằng thời kỳ 1994 - 2001 (hộ nông nghiệp từ 92% năm 1994 giảm xuống 85% năm 2001, hộ thủy sản từ 8% lên 14% trong thời gian tương ứng).

- Nguồn thu nhập chính của hộ: nguồn thu nhập chính của hộ khu vực nông thôn từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm cao nhất, kế tiếp ngành dịch vụ, ngành công nghiệp và xây dựng.

Nguồn thu nhập của hộ phân theo lĩnh vực

Địa danh

Tổng số

(hộ)

Chia ra

Nông, lâm, thủy sản

Công nghiệp - xây dựng

Thương mại - dịch vụ

Toàn tỉnh

86.123

39.410

25.997

20.716

- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

2.078

1.094

735

249

- Huyện Bác Ái

5.423

3.547

81

1.795

- Huyện Ninh Sơn

15.357

9.368

2.918

3.070

- Huyện Ninh Hải

18.718

7.487

5.615

5.615

- Huyện Ninh Phước

24.110

10.199

8.533

5.379

- Huyện Thuận Bắc

8.678

1.354

5.398

1.927

- Huyện Thuận Nam

11.759

6.362

2.716

2.681

(Nguồn báo cáo của các huyện)

Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47,29% số hộ khu vực nông thôn (40.728 hộ) thì có 96,76% số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ nông, lâm nghiệp và thủy sản; hộ dịch vụ chiếm 18%, hộ công nghiệp - xây dựng là 25,45%.

- Lao động của hộ hoạt động phần lớn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: lao động trong độ tuổi nam từ 15-60 tuổi, nữ từ 15-55 tuổi có khả năng tham gia lao động (gọi tắt là lao động). Tính đến cuối năm 2010 khu vực nông thôn có 41.884 người trong đó hoạt động kinh tế trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 88%, ngành dịch vụ 5%, ngành công nghiệp, xây dựng 7%.

- Cơ cấu  hoạt động kinh tế của lao động nông thôn:

 

Năm 2000 (người)

Năm 2010 (người)

Cơ cấu (%)

2000

2010

Tổng số

17.934

41.884

100,0

100,0

- Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản

14.272

36.858

74,2

88,00

- Ngành công nghiệp, xây dựng

972

2.932

6,9

7,00

- Ngành dịch vụ

2.690

2.094

13,9

5,00

(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận)

Chất lượng lao động khu vực nông thôn nói chung tuy có cao hơn các năm trước, lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đã được nâng cao hơn, tuy nhiên chất lượng lao động còn thấp, 85% lao động chưa qua đào tạo, lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm quá nhỏ 3%, phần lớn là lao động phổ thông, dựa vào kinh nghiệm sản xuất là chủ yếu.

Riêng chất lượng lao động ngành nông, lâm, thủy sản thấp nhất, 90% chưa qua đào tạo, trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 0,8%, trình độ cao đẳng và đại học trở lên 0,5%. Ngành công nghiệp, xây dựng chất lượng lao động có cao hơn ngành nông, lâm, thủy sản nhưng nhìn chung vẫn thấp, lao động chưa qua đào tạo chiếm trên 82%. Lao động ngành dịch vụ có trình độ chuyên môn cao hơn so với 2 ngành trên. Đây là vấn đề hạn chế trong việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và chuyển dịch lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản sang hoạt động ngành phi nông nghiệp.

2.3.3. Sản xuất phát triển, thu nhập tăng là cơ sở cho đời sống của hộ từng bước cải thiện trong việc đầu tư nhà cửa, mua sắm tài sản phục vụ sinh hoạt đồng thời tăng cường đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất.

Tốc độ phát triển kinh tế hằng năm của tỉnh đều tăng lên, vì thế đời sống hộ ở khu vực nông thôn theo thời gian cũng tăng khá. Đa số hộ có nhà ở loại kiên cố và bán kiên cố (chiếm 74%) trong đó chủ yếu là loại nhà bán kiên cố, nhà ở đơn sơ đã giảm đáng kể qua Chương trình 134 xây nhà bán kiên cố cho hộ vùng sâu, vùng xa định canh định cư, tuy nhiên vẫn còn chiếm tỷ trọng cao tập trung ở huyện Thuận Nam và hai huyện miền núi Bác Ái và Ninh Sơn (chiếm 35%).

Loại hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm tỷ trọng cao ở loại hộ phi nông nghiệp (từ 75% trở lên), hộ nông nghiệp 70%, hộ lâm nghiệp thấp nhất chiếm 47%. Quy mô diện tích nhà ở của hộ chủ yếu từ 21-40m2 chiếm 47%, từ 41-70m2 chiếm 29%, từ 71-100m2 chiếm 8%, tuy nhiên vẫn còn những nhà có diện tích nhỏ từ 20m2 trở xuống chiếm 14% ở  những vùng ven biển, vùng sâu.

Đời sống vật chất của hộ được cải thiện, các loại đồ dùng lâu bền phục vụ sinh hoạt gia đình được hộ đầu tư mua sắm, bình quân 100 hộ có: 86 xe máy, 92 tivi chủ yếu tivi màu, 13,3 điện thoại cố định, 25 điện thoại di động, 15 tủ lạnh, 130 quạt điện, gần 7 máy vi tính, … Điện và nước sạch về nông thôn phục vụ cuộc sống người dân qua chương trình đưa điện và nước sạch về nông thôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đa số các hộ có sử dụng điện trong sinh hoạt chiếm 100% chủ yếu điện lưới quốc gia. Nguồn nước hộ dùng ăn uống từ nước giếng chiếm đa số (32%), nước máy chiếm 45%; nước sông, hồ ao, nước suối chiếm 18% ở các xã huyện Bác Ái (chiếm 91% so với tổng số hộ của huyện), Ninh Sơn (chiếm 31% so với tổng số hộ của huyện). Việc nấu ăn của hộ đa số sử dụng củi làm chất đốt chiếm tỷ trọng lớn 53%, than chiếm 29%, ga chiếm 15%, điện có 2%. Tuy nhiên hộ có hố xí hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ 60%, nhà tắm xây bằng gạch chiếm 34%, số hộ không có nhà tắm và nhà vệ sinh chiếm tỷ trọng cao, hai số tương ứng 58%, 57% chủ yếu ở loại hộ nông nghiệp chiếm 68%, lâm nghiệp 76% tập trung ở huyện Bác Ái (chiếm 91%), huyện Thuận Bắc (chiếm 79%), Ninh Phước (chiếm 65%), những huyện khác từ 40-50% không có nhà tắm. tỷ lệ không có nhà vệ sinh ở các vùng gần giống như tỷ lệ không có nhà tắm.

Việc đầu tư phát triển và tích lũy của hộ qua điều tra cho thấy, năm 2010 các hộ nông thôn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở và mua sắm đồ dùng lâu bền. Trong đó, dùng 73% để đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh và 27% đầu tư cho xây dựng nhà ở và mua sắm đồ dùng lâu bền. Trong tổng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các hộ ở nông thôn thì có 46,2% đầu tư cho ngành nông, lâm, thủy sản, các ngành khác còn lại chiếm 53,8%.

Kinh tế trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng những năm qua tăng trưởng ổn định với nhịp độ khá, nguồn vốn tích lũy trong dân tăng lên.

2.3.4. Quan hệ sản xuất và các tổ chức sản xuất dịch vụ ở nông thôn:

2.3.4.1. Một số tổ chức sản xuất chủ yếu ở nông thôn:

- Kinh tế trang trại: theo kết quả điều tra cuối năm 2010 toàn tỉnh có 1221 trang trại, tăng 1,73 lần so với năm 2001 (năm 2001: 706 trang trại), bao gồm các loại hình trang trại: trồng trọt: 484, chăn nuôi: 327, thủy sản: 172, lâm nghiệp: 09, tổng hợp: 229. Tổng vốn đầu tư của các trang trại ước khoảng 360,6 tỷ đồng; diện tích bình quân các trang trại sử dụng khoảng 1,87 ha/trang trại. Bước đầu hình thành một số trang trại sản xuất hàng hoá quy mô lớn, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của địa phương. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại 47/1221 trang trại, chiếm tỷ lệ 3,81%. Trong thực tế, nếu áp dụng theo các tiêu chí trang trại hiện hành, số lượng trang trại có thể lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên người dân vẫn còn e ngại trong việc đăng ký chứng nhận kinh tế trang trại.

- Hợp tác xã nông nghiệp: hiện toàn tỉnh có 38 hợp tác xã nông nghiệp và 01 hợp tác xã thủy sản; các hợp tác xã tuy có phát triển nhưng chưa thật bền vững, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn hoạt động và khâu tiêu thụ sản phẩm. Đến cuối năm 2010, tổng số vốn điều lệ của các hợp tác xã: 23,16 tỷ đồng, vốn điều lệ bình quân của một hợp tác xã là 609,4 triệu đồng.

+ Trên cơ sở hiệu quả hoạt động kinh doanh, đã đánh giá phân loại có 05 hợp tác xã xếp loại khá đạt tỷ lệ 13,51%, 13 hợp tác xã loại trung bình đạt tỷ lệ 35,14%, và 6 hợp tác xã loại yếu đạt tỷ lệ 16,22%, có 14 hợp tác xã chưa phân loại, chiếm tỷ lệ 34,43%.

+ Cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp hiện có 403 người. Trong đó:

* Phân theo trình độ văn hoá có 189 người (cấp 3); 190 người (cấp 2); 25 người (cấp 1).

* Phân theo trình độ chuyên môn có 04 người (đại học); 62 người (trung cấp), bình quân số cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ 10,61 người/hợp tác xã.

- Về tổ hợp tác: tính đến cuối năm 2010 trên địa bàn toàn tỉnh có 790 tổ hợp tác giản đơn với khoảng 7.628 hộ tham gia. Các tổ hợp tác hoạt động rất khá đa dạng về hình thức, ngành nghề và tên gọi như tổ hợp tác trồng mía, tổ làm đất, thủy lợi, chăn nuôi, thu hoạch, … (trong nông nghiệp); tổ mây tre, làm đũa, sản xuất gốm, dệt thổ cẩm, làm chiếu, … (trong công nghiệp và ngành nghề); tổ nuôi trồng, khai thác thủy sản; trong các tổ chức đoàn thể có tổ vay vốn nông dân, phụ nữ, thanh niên, một số tổ hoạt động chuyên, còn phần lớn các tổ chỉ hoạt động hợp tác giản đơn. Đa số chưa đăng ký chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Điều quan trọng là các tổ hợp tác này ra đời nhằm giúp cho tổ viên, hội viên có đủ điều kiện vay vốn giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

- Doanh nghiệp nông nghiệp: đến cuối năm 2010, trên địa bàn nông thôn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được 62 doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản và nghề muối trên tổng số: 443 doanh nghiệp toàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký hơn 699,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.379 lao động; quy mô bình quân hơn 11,23 tỷ đồng/doanh nghiệp.

2.3.4.2. Thực hiện đầu tư các chương trình, dự án phát triển nông thôn:

- Các Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, Chương trình 135: đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện theo đúng các nội dung chương trình đã đề ra và đảm bảo theo đúng tiến độ kế hoạch theo từng hợp phần cụ thể như: hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp phần định canh định cư, hợp phần khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư và phát triển ngành nghề nông thôn, đã góp phần ổn định và cải thiện một bước đời sống của người dân nông thôn, kích cầu thúc đẩy sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, đưa việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất sản lượng cây trồng vật nuôi, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho nhiều hộ vùng đồng bào dân tộc, nông thôn miền núi, vùng cao.

- Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015:

Từ nguồn vốn lồng ghép của nhiều chương trình đã triển khai, xây dựng được 13 trong tổng số 54 khu dân cư với tổng diện tích quy hoạch là 40,3 ha, sắp xếp bố trí ch ở cho 905 hộ. Ngoài ra còn triển khai, thực hiện mô hình thí điểm “xây dựng nông thôn mới cấp thôn” tại thôn Ninh Quý, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, từ nguồn vốn đầu tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thực hiện Chương trình về xoá đói giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II: đã tập trung hỗ trợ xây dựng và phổ biến mô hình; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ mua sắm máy móc phục vụ sản xut. Tổng vốn 3 năm gần đây của Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 05 tỷ đồng. Thông qua các dự án thành phần của chương trình như dư án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án định canh định cư và hỗ trợ sản xuất và dự án khuyến nông, lâm, ngư và phát triển ngành nghề cùng với các dự án thành phần khác đã góp phần cải thiện và ổn định đời sống của người dân. Một số khu dân cư mới được thành lập và được đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như chợ, điện thắp sáng, cùng với Chương trình 135 đã hỗ trợ sản xuất thông qua việc đầu tư giống, vật tư, khai hoang đất, máy móc thiết bị, …) đã giúp nhiều hộ phát triển sản xuất duy trì, phát triển nghề truyền thống, tăng thêm thu nhập; nhiều hộ nhất là đồng bào các dân tộc đã bước đầu tiếp thu các giống mới và kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất sản lượng và góp phần xoá đói nghèo nghèo vùng nông thôn miền núi.

2.3.5. Công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn:

- Công nghiệp chế biến luôn giữ vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp và thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, cuối năm 2010 tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chiếm 76% giá trị toàn ngành. Trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành một số sản phẩm có lợi thế như sản xuất và chế biến muối công nghiệp với quy mô hơn 3.500 ha, chiếm gần 50% sản lượng muối cả nước ở cùng thời điểm; các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành sử dụng nhiều lao động đang mở rộng quy mô sản xuất như chế biến hạt điều từ 6.000 đến 9.000 tấn nhân hạt điều trên năm, gạch tuynen từ 35 triệu lên 150 triệu viên/năm, xi măng quy mô từ 750 ngàn tấn/năm, may mặc nâng quy mô từ 1 triệu sản phẩm/năm lên 2,5 triệu sản phẩm/năm, nước mắm từ 10 triệu lít/năm lên 14 triệu lít/năm, chế biến cá hấp từ 1.500 tấn/năm lên 2.200 tấn/năm

- Tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân khoảng 14%/năm, chiếm 20,8% giá trị ngành công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề trên địa bàn tỉnh hầu hết là các cơ sở, hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, … sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, lao động chủ yếu là thành phần trong gia đình, chiếm tỷ lệ 98,3% tổng số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; toàn tỉnh có 99 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với 7.785 lao động và 5.610 cơ sở sản xuất cá thể, hộ gia đình, tăng 1.520 cơ sở so với năm 2005; thu hút trên 12.420 lao động (lao động nữ khoảng 6.300 người, chiếm 51%) tăng 2.462 lao động so với năm 2005. Tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh là 136,363 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu 117,424 tỷ đồng, vốn kinh doanh bình quân 22,2 triệu đồng/cơ sở, tập trung các ngành nghề: chế biến thực phẩm và đồ uống 2.016 cơ sở; dệt, da, sản xuất trang phục 1.814 cơ sở; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 435 cơ sở; sản xuất giường, tủ, bàn ghế 161 cơ sở; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre, nứa 340 cơ sở; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 292 cơ sở; khai khoáng 558 cơ sở; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác 76 cơ sở.

Đến cuối năm 2010 tỉnh đã công nhận 3 làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ và gốm Bàu Trúc) và 1 nghề truyền thống (dệt chiếu cói An Thạnh); được sự hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư hạ tầng làng nghề, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, tham gia hội chợ triển lãm, ... các làng nghề đã hoạt động và phát triển ổn định, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đời sống nhân dân ngày càng tăng.

2.3.6. Hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn:

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, kiện toàn và nâng cao năng lực cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ cấp xã.

Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã của tỉnh trong thời gian qua có nhiều tiến bộ, đã chuẩn hoá được một số cán bộ, công chức có đủ trình độ theo quy định, công tác đào tạo được tập trung gắn với quy hoạch, kế hoạch và đào tạo có địa chỉ.

Hội nông dân các cấp đã phát huy tốt vai trò vận động, phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn mới.

2.4. Thực trạng nông dân và dân cư nông thôn: từ năm 2001 đến nay, nhất là sau khi đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân đã có sự phát triển từ việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường trạm, nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, ...

Dân số và cơ cấu dân số

Năm

Chỉ tiêu

2001

2005

2010

Tổng số dân (người)

529.650

547.900

573.000

Chỉ số phát triển (%)

1,9

1,47

1,2

Nông thôn (người)

394.559

370.700

364.852

Chiếm tỷ trọng (%)

74,5

67,7

63,6

Ở giai đoạn này tình hình phát triển thể hiện qua các mặt như sau: đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 573.000 người, tỷ lệ tăng dân số hàng năm đã giảm dần, năm 2010 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,2%; về phân bố dân cư: hiện nay ở hầu hết dân cư đã sống tập trung thành các khu, điểm dân cư lớn ven các trục đường giao thông nhờ vào chính sách định canh, định cư của Nhà nước, cụ thể sau khi triển khai và thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010, Chương trình bố trí dân cư ở nơi cần thiết theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ … đã tiến hành sắp xếp, tái định cư bước đầu đã hình thành những khu dân cư mới có kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ nên việc phục vụ các nhu cầu về điện nước, y tế, giáo dục, sản xuất tương đối thuận lợi.

Về lao động và việc làm: tổng số người trong độ tuổi lao động năm 2010 là 336.000 người chiếm tỷ lệ 58,64% dân số toàn tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt  40%. Dân số, cơ cấu lao động phát triển qua các năm như sau:

Thống kê dân số và lao động ở nông thôn

Đơn vị tính: người

Năm

Chỉ tiêu

2001

2005

2010

Dân số trung bình

529.650

547.900

573.000

Dân số trong độ tuổi lao động

280.714

341.700

336.000

Trong đó:

 

 

 

- Nông - lâm - ngư nghiệp

163.206

145.000

213.024

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo(%)

 

30,0

40

- Tỷ lệ sử dụng thời gian lao độngnông thôn (%)

 

75,2

85

(Nguồn: Báo cáo kinh tế xã hội năm 2001, 2005, 2010 của tỉnh)

Thống kê một số chỉ tiêu về xã hội

Năm

Chỉ tiêu

2001

2005

2010

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (%)

 

21,29

11,12

-  Số giường bệnh/10.000 dân

 

24,2

26,6

-  Tỷ lệ dân số nông thôn cấp nước hợp vệ sinh (%)

 

60

85

-  Tỷ lệ hộ nông thôncông trình vệ sinh

 

40

60

(Nguồn: Báo cáo kinh tế - xã hội 2005 - 2010 của tỉnh)

Qua số liệu thống kê một số chỉ tiêu liên quan đến đời sống xã hội, việc làm của nông dân từ trước đến năm 2010 ở các bảng biểu trên, có thể đánh giá thực trạng phát triển của nông dân như sau:

2.4.1. Nguồn nhân lực và lao động: mặc dầu dân số thấp nhưng lực lượng lao động chiếm tỷ trọng cao, cho thấy tiềm năng về lao động lớn nhưng lao động nông thôn làm các nghề nông - lâm - thủy sản chiếm đại đa số.

Xét về chất lượng, lao động chủ yếu là giản đơn, chưa qua đào tạo, tỷ lệ lao động được đào tạo rất thấp; sử dụng thời gian lao động chưa cao, còn một số lớn lực lượng lao động chưa có việc làm hoặc không ổn định, nhất là nông dân ở khu vực nông thôn.

Về năng lực sản xuất: vẫn còn khá nhiều nông dân đang lao động sản xuất với công cụ thô sơ, đặc biệt tại các xã vùng cao; công nghệ chế biến nông phẩm còn quá thiếu thốn, thô sơ, có những nơi còn sử dụng lao động thủ công để thu hoạch và sơ chế do đó chất lượng sản phẩm thấp không có tính cạnh tranh trên thị trường.

Về nhận thức và khả năng tiếp cận thị trường của nông dân rất hạn chế, xuất phát từ  khả năng sản xuất nhỏ, sản lượng nông sản thấp, chất lượng kém; lượng thông tin về sản xuất và thị trường chưa đến kịp với người dân.

2.4.2. Chuyển dịch lao động nông thôn: trong những năm gần đây, do việc mở rộng đầu tư, các công trình, dự án được phát triển, theo đó một số bộ phận nông dân Ninh Thuận chuyển sang làm các ngành nghề khác như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, ... đã tạo ra xu hướng chuyển dịch lao động theo cơ cấu tích cực, nhưng vẫn còn chậm: tỷ lệ lao động trong nông - lâm nghiệp còn khá cao; diện tích sản xuất bình quân/lao động thấp (từ 0,1- 0,2ha/lao động); việc chuyển dịch lao động từ trồng trọt sang chăn nuôi chưa tích cực: xuất phát từ việc nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm chưa ổn định, giá cả tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chưa phù hợp với giá thành và giá bán; dịch bệnh gia súc, gia cầm chưa giải quyết triệt để; chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm chưa phát triển; công nghiệp nông thôn chưa được các nhà đầu tư quan tâm.

2.4.3. Đào tạo dạy nghề lao động và giải quyết việc làm: về đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới trong khu vực nông thôn, đặc biệt là đối với nông dân. Trong những năm qua tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho nông dân còn hạn chế đó là: chưa định hướng nghề một cách rõ nét, nên sau khi được đào tạo, nông dân chưa phát huy hết những sở trường và nghề được đào tạo dẫn đến hiệu quả chưa cao mặt khác các cơ sở dạy nghề của tỉnh còn ít ... Tuy nhiên với sự nỗ lực của các ngành, địa phương công tác giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả, từ năm 2006 đến năm 2010 giải quyết việc làm mới cho 54.515 lao động, bình quân trên 13.000 lao động mỗi năm.

3. Đánh giá chung về thành tựu, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và cơ hội, thách thức.

3.1 Thành tựu:

3.1.1. Thành tựu về kinh tế: sản xuất nông nghiệp thủy sản, diêm nghiệp trong 10 năm qua luôn tăng trưởng với tốc độ cao cả về quy mô và hiệu quả sản xuất (giá trị tăng thêm). Tuy không đạt các chỉ tiêu về sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả nhưng hiệu quả sản xuất mang lại vẫn cao hơn do sản xuất các nông sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, có thị trường và giá cả ổn định, có lãi cho người sản xuất. Trong trồng trọt đã hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp như mía, thuốc lá, mì; một số sản phẩm của tỉnh đã bước đầu xây dựng và khẳng định được lợi thế cạnh tranh như các sản phẩm: dê, cừu, tôm giống, lúa giống, bắp giống, táo xanh, và đang tiếp tục khẳng định ưu thế trong cạnh tranh trong giai đoạn tới. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện thông qua các chương trình đầu tư về thủy lợi, hạ tầng nghề cá và nuôi trồng thủy sản, xây dựng các điểm dân cư và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Tài nguyên rừng, tài nguyên biển đã được quản lý và bảo vệ chặt chẽ hơn, môi trường tại một số khu vực phục vụ du lịch, các địa bàn dân cư nông thôn đã được cải thiện. Một số nhân tố mới đã xuất hiện theo hướng sản xuất hiện đại, nâng cao hiệu quả như các mô hình sản xuất giống sạch bệnh, nuôi tôm thẻ chân trắng, phong trào ứng dụng cơ giới hoá nông nghiệp, sản xuất theo các nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị trên ha đất sử dụng. Bộ mặt nông thôn tại các vùng miền núi, vùng sâu đã có có sự chuyển biến do kinh tế nông nghiệp phát triển, hạ tầng giao thông, thủy lợi điện, ... được đầu tư, đời sống nhân dân đã được cải thiện.

3.1.2. Thành tựu về phát triển và thay đổi bộ mặt nông thôn: từ khi tái lập tỉnh (tháng 4 năm 1992), nền kinh tế bắt đầu có sự đầu tư phát triển, văn hoá - xã hội có sự chuyển biến, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nền kinh tế hàng năm đều có bước tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) giai đoạn 2001 - 2006 tăng trưởng hàng năm bình quân 9,1%, giai đoạn 2007 - 2010 tăng bình quân 10% nhưng do điều kiện nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm, ngư nghiệp, nên mặc dù những năm gần đây tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích nhằm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề, dịch vụ, song nhìn chung tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay vẫn còn ở mức cao, chiếm 42,6% tổng sản phẩm của tỉnh.

Cơ cấu GDP: (theo giá hiện hành)

Đơn vị tính: %

 

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2010

Tổng GDP

100

100

100

100

100

100

100

Chia ra:

 

 

 

 

 

 

 

- Nông lâm thủy sản

51,8

49,4

45,8

44,5

40,9

43,8

42,6

- Công nghiệp - xây dựng

13,2

14,9

18,6

19,1

20,4

19,0

22,2

- Dịch vụ

35,0

35,7

35,6

36,4

38,7

37,2

35,2

(Nguồn: Cục Thống kê Ninh Thuận)

Giai đoạn 2001 - 2006, GDP (theo giá thực tế) bình quân đầu người hàng năm tăng 10%, giai đoạn 2007 - 2010 là 11,7%, nhìn chung còn rất thấp, GDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2010 (theo giá thực tế) chỉ bằng 48% GDP bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng bình quân giai đoạn 2001 - 2005 là 19,7%; giai đoạn 2006 - 2010 là 19,3% nhưng quy mô ngân sách rất nhỏ, không có nguồn thu chủ lực, chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Trung ương. Giai đoạn 2001 - 2006 tổng thu ngân sách trên địa bàn 1.160 tỷ, tổng chi ngân sách 4.940 tỷ, Trung ương hỗ trợ 3.318,8 tỷ (chiếm 74% tổng chi ngân sách). Giai đoạn 2007 - 2010 tổng thu ngân sách trên địa bàn 2.240,5 tỷ, tổng chi ngân sách 7.171 tỷ, Trung ương hỗ trợ 3.496 tỷ (chiếm 48,75% tổng chi ngân sách).

GDP - GDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI - THU CHI NGÂN SÁCH

Chỉ tiêu

ĐVT

2001

2004

2005

2006

2008

2010

Tốc độ tăng bình quân (%)

GDP theo giá so sánh

tỷ đồng

1.366,6

1.762,4

1.851,0

2.112,5

2.563,7

3.192

29,0

GDP theo giá thực tế

tỷ đồng

1.714,2

2.335,5

2.638,6

3.124,3

4.946,6

6.333,5

29,7

GDP bình quân đầu người

triệu đồng

3,24

4,20

4,68

5,46

9,16

11,7

16,1

Thu ngân sách trên địa bàn

tỷ đồng

109,1

236,0

238,7

304,0

395,4

823,5

34,4

Chi ngân sách địa phương

tỷ đồng

465,6

852,2

1.154,4

1.351,0

1.494,0

2.055

30,1

Giáo dục được quan tâm đầu tư, cơ bản đã giải quyết được tình trạng học ca 3 và lớp tạm, tuy nhiên chất lượng giáo dục vẫn còn tình trạng không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng sâu vùng xa còn hạn chế, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn còn thấp. Cơ sở vật chất y tế được đầu tư, nhưng nhìn chung chất lượng dịch vụ y tế còn thấp, tình trạng chuyển lên tuyến trên còn phổ biến; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn cao.

Trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã có những chuyển biến trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua kết quả tổng hợp số liệu đã cho thấy tình hình nông thôn, nông nghiệp từng bước được hoàn thiện, cơ sở vật chất được đầu tư và nâng cấp góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và nông thôn Ninh Thuận có những đổi mới đáng kể.

3.2. Tồn tại - hạn chế:

3.2.1. Tồn tại, hạn chế về thể chế, chính sách: công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, bất cập như việc quản lý chất lượng giống cây, con, vật tư nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm môi trường, ... không có đủ cơ chế, con người, vật tư thiết bị phục vụ công tác kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, giống cây, con trên địa bàn. Một số cơ chế, chính sách của Trung ương đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chậm triển khai thực hiện, ...

3.2.2. Hạn chế về xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, vai trò và nhận thức của nhân dân:

- Công nghiệp dịch vụ nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.

Nhìn chung, các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn phát triển chậm và chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, số doanh nghiệp tham gia chế biến nông - lâm - thủy sản còn ít; công nghệ chế biến chậm được đổi mới, việc đào tạo lao động có tay nghề còn quá ít nên thu hút lao động là nông dân vào làm việc còn hạn chế, năng suất lao động thấp.

Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu nông nghiệp thấp; sản phẩm nông nghiệp chủ yếu tiêu thụ ở dạng nguyên liệu; cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, đến năm 2010 tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn chiếm 53% tổng số lao động toàn tỉnh.

- Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém, môi trường đang có nguy cơ bị ô nhiễm.

Công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng các vùng nông thôn còn nhiều bất cập. Việc hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến còn nhiều hạn chế, thể hiện rõ nhất là sản phẩm nho, cây mì và cây mía tuy có vùng nguyên liệu, nhưng cơ sở chế biến bảo quản chậm được đầu tư, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; quy hoạch các cụm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn chậm triển khai.

Lợi thế trên một số lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản chưa phát huy tốt; cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu nội bộ ngành chậm chuyển biến; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thiếu tính ổn định lâu dài, nhiều loại hàng hoá chưa đủ sức cạnh tranh; một số cây trồng không phát triển được theo quy hoạch; mô hình khuyến nông, lâm khuyến ngư nhân rộng còn ít; công nghệ ứng dụng chưa đi vào chiều sâu; hệ thống sản xuất cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng đủ yêu cầu; công tác phối hợp chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch bệnh cây trồng vật nuôi có lúc, có nơi thiếu đồng bộ.

Công tác thông tin, dự báo ngư trường, nguồn lợi phục vụ cho chương trình khai thác hải sản xa bờ còn hạn chế; tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn phổ biến; tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá còn chậm, bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư.

Các làng nghề ở nông thôn phát triển yếu, chưa tạo nhiều điều kiện để thu hút đầu tư; tác động của công nghiệp đối với nông nghiệp chưa rõ nét; xuất khẩu chưa ổn định vững chắc; khối lượng hàng nông thủy sản xuất khẩu còn thấp so với năng lực sản xuất của địa phương, tính cạnh tranh thấp.

3.2.3. Tồn tại trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp, nông dân, nông thôn:

- Nông nghiệp: sản xuất nông nghiệp tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao và vượt mục tiêu Nghị quyết nhưng thiếu bền vững, hạn chế lớn nhất trong nông nghiệp là chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, quy mô sản phẩm nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành và cơ cấu cây trồng không đạt mục tiêu, diện tích các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả giảm và đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra, cây nho được xác định là cây chủ lực nhưng không đạt mục tiêu và có xu hướng giảm về diện tích, chất lượng đàn gia súc tuy có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Đã hình thành một số vùng chuyên canh nhưng diện tích, sản lượng còn nhỏ chưa đủ lớn và ổn định; tuy bước đầu đã và đang hình thành các vùng chuyên canh nhưng chưa bền vững, đặc biệt là chưa có chính sách đầu tư cho các vùng chuyên canh.

Trong nông nghiệp, thủy sản tuy đã có nhiều chuyển biến trong ứng dụng khoa học kỹ thuật nhưng chưa thực sự là động lực mạnh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Năng suất chất lượng một số sản phẩm còn chưa có tính cạnh tranh cao, nhiều sản phẩm chưa được công nhận đạt các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), do vậy chưa có được các sản phẩm chủ lực có thể xuất khẩu hoặc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại các siêu thị, thành phố lớn trong nước; còn hạn chế trong việc chuyển giao ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm như ứng dựng máy gặt đập; công nghệ bảo quản nho, táo; phát triển vùng sản xuất nho rượu và chế biến rượu từ nho.

Tổ chức sản xuất trong nông nghiêp còn manh mún, 80% được sản xuất với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ; ý thức liên kết hợp tác sản xuất theo ngành hàng, sản xuất theo các đơn đặt hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn thấp. Gần đây, công tác kiểm soát dịch bệnh có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc, heo tai xanh, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá cục bộ trên một số vùng đã làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Khai thác thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, mới đạt 30% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, chưa khai thác hết tiềm năng nguyên liệu của địa phương từ khai thác và nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm nuôi là lợi thế của tỉnh để phục vụ cho chế biến xuất khẩu, chủ yếu là bán nguyên liệu thô; năng lực sản xuất chế biến xuất khẩu tăng chậm, nhiều dự án sản xuất chế biến thủy sản không triển khai, một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm chậm hoàn thành, tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi chậm khắc phục.

Diện tích sản xuất muối công nghiệp tiến độ thực hiện chậm, không đạt mục tiêu; công nghiệp chế biến các sản phẩm sau muối chưa được đầu tư, chủ yếu là bán sản phẩm thô, chưa có sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao tạo nguồn thu cho ngân sách.

Đối với kinh tế miền núi: chuyển dịch cơ cấu cây trồng chậm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi chưa phát triển sâu rộng, thiếu bền vững; năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo chưa thật bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn miền núi còn cao, đời sống nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; lâm nghiệp chưa thực sự phát triển thành một ngành kinh tế, chủ yếu thực hiện theo các chương trình dự án đầu tư từ nguồn ngân sách; tỷ trọng đóng góp trong GDP của lâm nghiệp là không đáng kể do chưa phát triển được rừng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ rừng.

- Nông dân:

+ Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn thấp hơn khu vực thành thị; cụ thể năm 2001 thấp hơn khu vực thành thị 32,7%, năm 2010 là 26,5%. Người dân nông thôn nói chung, nông dân nói riêng còn chịu nhiều thiệt thòi về mức hưởng thụ chăm sóc y tế, văn hoá; khả năng tích lũy của nông hộ yếu, do đó khó khăn trong đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

+ Lao động trong nông thôn vừa thừa lại vừa thiếu, thiếu lao động trong thời điểm thu hoạch, thừa lao động trong thời gian nông nhàn. Lý do do biến động lao động từng thời điểm cụ thể như: phần lớn lao động trẻ từ nông thôn vào thành phố làm việc nên thiếu hụt lao động vào lúc mùa vụ, áp lực từ lao động không có tay nghề, lao động chưa qua đào tạo ở nông thôn là rất lớn

- Tập quán làm ăn nhỏ lẻ là cản trở lớn nhất trong quá trình tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện hình thành ngành sản xuất lớn, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông thôn; sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân lỏng lẻo, hầu hết hàng hoá nông sản chưa có nhãn hiệu, thương hiệu cạnh tranh trên thị trường, ... thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Ninh Thuận chưa chặt chẽ và đều khắp. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chủ trương “liên kết 4 nhà” bước đầu có triển khai nhưng quy mô nhỏ, chậm triển khai nhân rộng, ...

+ Tốc độ giảm nghèo đang chậm lại, hộ cận nghèo có xu hướng tăng do ảnh hưởng của lạm phát tác động đến kinh tế chung của cả nước. Ngoài ra nguy cơ tái nghèo có thể tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả,

+ Trình độ dân trí của nông dân ở nông thôn (nhất là ngư dân ở vùng biển) còn rất hạn chế, ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ tay nghề, liên doanh, liên kết trong sản xuất và đặc biệt là kiến thức, thông tin về thị trường.

- Nông thôn:

+ Một số ngành, lĩnh vực có quy hoạch nhưng thiếu vốn thực hiện; cơ chế quản lý điều hành quy hoạch chưa hiệu quả. Việc thực hiện các quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các ngành, địa phương nên một số nội dung quy hoạch có sự trùng lắp, chồng chéo.

+ Kinh tế hợp tác chưa phát triển mạnh, đặc biệt là khâu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chậm xây dựng thương hiệu; trình độ quản lý của một số ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế; nông dân tham gia hợp tác cũng như tổ chức hợp tác mang tính hình thức; hiệu quả kinh tế của một số hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn đối với nông dân; kinh tế trang trại hiện còn ở quy mô rất khiêm tốn; các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, trang trại chưa thực sự hỗ trợ các loại hình này.

+ Hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư, nhưng chưa phát huy hết năng lực. Một số công trình có độ ổn định và tuổi thọ thấp, mau xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ đa mục tiêu; tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, vì vậy thủy lợi chưa đáp ứng với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng chuyên canh và nhu cầu phát triển bền vững. Các công trình thủy lợi một số nơi thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng đã tác động không tốt đến hiệu quả khai thác sử dụng.

+ Công cụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn thô sơ, lạc hậu, nhất là khâu chế biến, bảo quản nông sản; kỹ năng lao động hạn chế, chủ yếu là lao động chân tay như khâu gieo sạ, phòng trừ sâu bệnh, phơi lúa

+ Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ trang trại, cơ giới hoá, hợp tác hoá, ... tuy được quan tâm nhưng tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, chồng chéo như thuế, tín dụng, đất đai, ... đặc biệt là vốn hỗ trợ thực hiện các chính sách và vốn đối ứng thực hiện các dự án còn hạn chế.

+ Ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng lên, nhất là ở các khu dân cư tập trung; các kênh mương thủy lợi, rác thải sinh hoạt tuy có xử lý nhưng chưa triệt để. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm vì ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân ở nông thôn hiện nay.

+ Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; phân hoá giàu -  nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn; đã và đang phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Nguyên nhân: ngoài những nguyên nhân khách quan như nguồn lực của tỉnh còn hạn chế; tài nguyên đất, nước, khí hậu có khó khăn hơn các tỉnh thành trong cả nước; cơ chế thị trường tác động rõ rệt, trực tiếp đối với việc bố trí cơ cấu sản xuất; tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; ảnh hưởng tình hình lạm phát và tăng giá nguyên nhiên liệu, ... nhưng có một số nguyên nhân chủ quan đã tác động đến phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn đó là:

- Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển:

+ Ngoài các nguyên nhân do công tác quy hoạch, đầu tư như đã nêu (tạị khoản 2 mục I phần II Đề án này) còn do một số quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp chậm được điều chỉnh đổi mới như: Quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp 2006 - 2010; quy hoạch các sản phẩm chủ yếu: nho, mía, điều, bông vải, thuốc lá ... các dự án đầu tư ưu tiên phục vụ trực tiếp cho qtrình chuyển đổi cơ cấu chưa được đầu tư hoặc chưa đưa vào hoạt động như: chế biến thức ăn gia súc, dự án xây dựng nhà máy chế biến muối, dự án chế biến các sản phẩm cây neem, ... đặc biệt là các dự án kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chưa thật sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, các dự án đầu tư hạ tầng cho nuôi trồng, khai thác hải sản thi công chậm, kéo dài.

+ Kết cấu cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn có tăng nhiều nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là cơ khí hoá nông nghiệp trong khâu làm đất, thu hoạch, chế biến nông sản. Diện tích được tưới tiêu chủ động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản đã tăng lên nhưng chưa phát huy hết năng lực thiết kế do thiếu vốn, đầu tư không đồng bộ. Một số các công trình thủy lợi lớn dự kiến đầu tư đưa vào sử dụng giai đoạn 2006 - 2010 không hoàn thành trước năm 2010 như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hồ Sông Than.

+ Đầu tư cho chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống, công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến diêm, thú y, kiểm soát dịch bệnh và phát triển ngành nghề nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ cho công tác này còn thiếu, chưa được bổ sung theo yêu cầu đặt ra.

- Khoa học, công nghệ: công tác chuyển giao khoa học và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất có tiến bộ hơn trước nhưng chưa mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự là động lực mạnh để tạo sự chuyển biến trong nông nghiệp, thủy sản; còn hạn chế trong việc chuyển giao công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông sản hàng hoá; cơ sở vật chất kỹ thuật và phương thức chăn nuôi có tiến bộ nhưng phần lớn vẫn là chăn nuôi quảng canh.

- Vận dụng các chủ trương, chính sách: các chính sách của Đảng, Nhà nước chưa được hướng dẫn triển khai đầy đủ, đồng bộ đến hộ nông dân, doanh nghiệp nhất là các chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, chính sách tín dụng, thị trường, chính sách đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ cơ giới hoá; việc tiếp cận hệ thống dạy nghề của thanh niên nông thôn và thanh niên vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế.

- Công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất:

+ Một số cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các địa phương nhận thức về vị trí vai trò phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn còn hạn chế, chưa tập trung nhân lực, vật lực cho lĩnh vực này làm ảnh hưởng đến đời sống, an ninh chính trị tại nông thôn, miến núi.

+ Hệ thống quản lý chỉ đạo nông nghiệp, nông thôn giữa ngành với các địa phương chưa được củng cố về năng lực và số lượng nên công tác điều hành bị hạn chế. Trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu đồng bộ, nhất là trong phối hợp thực hiện các chủ trương phát triển nông nghiệp nông thôn; chưa tạo ra các phong trào mạnh mẽ, thay đổi nhận thức của nhân dân trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; công tác chuyển giao, tiếp thu những mô hình mới (khuyến nông, khuyến ngư) đã được khẳng định, đánh g mang lại hiệu quả kinh tế nhưng chưa được quan tâm chỉ đạo nhân rộng.

+ Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn yếu và lúng túng.

+ Hệ thống thông tin, cập nhật thông tin, quản lý và lưu trữ dữ liệu chưa thống nhất. Hiện tại, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội nông thôn chưa được thống nhất quản lý, nhiều số liệu ở nhiều ngành, nhiều cơ quan báo cáo khác nhau nên việc quản lý sử dụng số liệu phục vụ xây dựng chính sách gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế nông thôn chưa có sự thống nhất cao do thiếu kinh phí điều tra để xây dựng phần mềm dữ liệu cơ sở hàng năm nhằm tăng năng lực quản lý ở cơ sở.

+ Thiếu sự chỉ đạo đầu tư, phối hợp có hiệu quả giữa các ngành trong xây dựng và phát triển nông thôn. Điều này thể hiện rõ trong việc xây dựng mô hình thí điểm phát triển nông thôn mới. Mặc dù đề xuất ban chỉ đạo gồm nhiều ngành tham gia nhưng trong chỉ đạo thì các ngành lồng nghép các nội dung với nhiều địa phương khác nhau, chưa có sự thống nhất về địa điểm đầu tư tập trung, vùng đầu tư chiến lược.

+ Nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn rất lớn, đặc biệt là vốn để thực hiện các dự án theo quy hoạch đã được duyệt còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

3.3. Bài học kinh nghiệm:

- Về sản xuất nông nghiệp

+ Một: công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn  phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu, đi trước; cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch nhất là công tác phân tích dự báo có tầm nhìn chiến lược, dự báo được thị trường; đánh giá được những tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa ra các chiến lược phát triền cho tầm nhìn 5-10 năm. Thực tế trong điều kiện tỉnh ta nhiều năm qua cho thấy các quy hoạch đều chưa thể hiện được tầm nhìn chiến lược nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

+ Hai: nông nghiệp và nông thôn Ninh Thuận có lực lượng lao động nông nghiệp và dân số chiếm khoảng 75% toàn tỉnh, sản xuất theo kinh tế hộ, quy mô nhỏ hiện nay còn chiếm tỷ trọng lớn. Để các chủ trương, nghị quyết của Đảng đến được và chuyển biến nhận thức của nông dân đòi hỏi phải có sự triển khai đồng bộ từ quán trit Nghị quyết đến việc cụ thể hoá bằng các chương trình kế hoạch của Nhà nước và quá trình kiểm tra thực hiện. Thực tế nhiều năm cho thấy các chương trình, dự án có sự phát huy của hệ thống chính trị bao gồm sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp thì sẽ đi vào cuộc sống, tạo ra phong trào và sự chuyến biến mạnh mẽ trong nhân dân.

+ Ba: công tác chuyển giao khoa học công nghệ có vị trí then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, là yếu tố hàng đầu để tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Do vậy đầu tư cho chuyển giao khoa học để phát huy các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương (nho, bông vải, điều, thuốc là, bò dê, cừu, sản xuất và chế biến muối) phải được ưu tiên nhằm tạo ra được sự chuyển biến mạnh về năng suất chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm đối với thị trường trong và ngoài nước; công tác nhân rộng các mô hình, các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, đặc biệt là bố trí vốn để đầu tư nhân rộng.

+ Bốn: tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cư dân nông thôn, chú trọng phát triển khoa học công nghệ, tạo bước đột phá cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nông nghiệp; phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ cũng như các ngành kinh tế - xã hội ở nông thôn đều cần có nhân lực có trình độ văn hoá và tay nghề. Hiện nay thiếu nhân lực được đào tạo đang là cản trở lớn cho quá trình phát triển ở nhiều vùng.

Thực tế cho thấy, các loại cây trồng vật nuôi có sự phát triển mạnh mẽ trước hết đều nhờ có được những tiến bộ kỹ thuật có tính chất đột phá, nhất là về giống và các hệ thống kỹ thuật thâm canh tiến bộ cũng có hiệu quả cao như hệ thống “3 giảm, 3 tăng” trong thâm canh lúa. Việc áp dụng các quy trình GAP, HACCP, ISO, … có tác dụng lớn nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều công nghệ xây dựng mới áp dụng trong ngành thủy lợi và xây dựng đã giúp nâng cao chất lượng các công trình.

+ Năm: chủ trương, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn: các chính sách quan trọng như: cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kinh tế hợp tác, chính sách xoá đói giảm nghèo, chính sách dân tộc, ... cũng bắt nguồn từ thực tiễn sống động trong và ngoài nước. Trong hoàn cảnh công tác quy hoạch và nghiên cứu chiến lược chưa đi trước dẫn đường, phần lớn các căn cứ để xác định hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất vừa qua cũng xuất phát từ thực tiễn sản xuất được các cấp lãnh đạo địa phương và Trung ương tổng kết, nhân rộng. Những chính sách ra đời từ thực tiễn và được đúc rút từ thực tiễn thường dễ được chấp nhận và phát huy tác dụng nhanh chóng; bám sát, nhìn nhận thực tiễn một cách khách quan, nhanh chóng tổng kết, xây dựng chính sách đường lối từ thực tiễn một cách khoa học là con đường hiệu quả để phát triển.

- Về nông dân: qua thực tế phát triển kinh tế nông nghiệp trên thế giới, trong nước có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về củng cố, ổn định và phát triển đời sống kinh tế - xã hội  đối với nông dân ở tỉnh ta như sau:

+ Một: xuất phát từ đặc điểm của sản xuất ngành nông nghiệp là mang tính chu kỳ, thời vụ, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó cơ bản nhất là yếu tố tự nhiên, đòi hỏi tính chủ động và tự chủ cao khác với tổ chức sản xuất kinh doanh công nghiệp, vì vậy phải có hình thức tổ chức sản xuất thích hợp và đó là mô hình sản xuất theo kinh tế hộ gia đình.

+ Hai: phải có quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển cũng như hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền các cấp, trong phạm vi lãnh thổ quản lý hành chính - kinh tế và mối quan hệ với các địa phương khác, phải xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội (bao gồm quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết ngành và sản phẩm, …); có biện pháp cụ thể, hỗ trợ có hiệu quả về giống cây trồng, vật nuôi, thị trường đảm bảo ổn định cho nông dân nói chung nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Ba: đời sống sinh hoạt, sản xuất của nông dân mang tâm lý làng xã, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau nhưng lại có tư tưởng tư hữu, do vậy phải có tổ chức để tập hợp được sức mạnh của họ trong quá trình vận động phát triển, đó là tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác.

Tóm lại, do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân ở nông thôn, vì vậy, tổ chức sản xuất phù hợp và hiệu quả nhất đó là kinh tế hộ gia đình nông dân, ổn định đời sống của nông dân phải bắt đầu từ việc tổ chức sản xuất có hiệu quả góp phần tăng thu nhập và xoá đói, giảm nghèo; đi đôi với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và thiết chế văn hoá nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nông dân.

3.4. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Ninh Thuận

3.4.1. Điểm mạnh:

- Do tính đa dạng của các vùng sinh thái trong tỉnh, nên nông nghiệp có các sản phẩm đặc trưng có lợi thế so sánh so với các tỉnh khác đó là các sản phẩm nho, thuốc lá, táo; chăn nuôi dê, cừu và nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh với các sản phẩm như tôm, nhuyễn thể, cá biển; đặc biệt là sản xuất tôm giống; trong nông nghiệp sản xuất các giống cây trồng như lúa, bắp lai, bông lai đã khẳng định được ưu thế, mở rộng được thị trường do đặc điểm khí hậu và kinh nghiệm sản xuất của nông dân trong tỉnh.

- Nông dân Ninh Thuận có kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm như chăn nuôi: bò, dê, cừu, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

- Kết cấu hạ tầng nông thôn tương đối hoàn thiện, cơ bản ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nông dân khi có mưa bão.

3.4.2. Điểm yếu:

- Khối lượng sản phẩm nhỏ, manh mún chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn phục vụ cho xuất khẩu và cung ứng đủ lớn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; chất lượng sản phẩm kém, nông dân chưa có ý thức liên kết sản xuất, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đầu tư và phát triển.

- Trình độ của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở thấp và không đồng đều làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án, xuống địa phương.

- Điều kiện ngân sách, nguồn lực xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

3.4.3. Cơ hội:

- Chủ trương, chính sách phát triển "Tam nông" của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế của tỉnh phát huy nguồn lực, sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá cho tiêu dùng và xuất khẩu.

- Có khả năng mở rộng thị trường, do phát huy các lợi thế các sản phẩm của tỉnh như: nho, mía, thuốc lá, dê, cừu, neem, lúa giống, bắp giống, ... trong điều kiện hội nhập quốc tế. Chính sách thu hút và kêu gọi đầu tư của tỉnh đang tạo ra làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ và thúc đẩy nông nghiệp phát triển cung cấp nguyên liệu và thực phẩm phục vụ công nghiệp, du lịch trong giai đoạn 2011 - 2015  và sẽ phát triển mạnh đến 2020.

3.4.4. Thách thức: một số sản phẩm như lúa, bắp, mía, chăn nuôi gia cầm, bò, … phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm các tỉnh khác có ưu thế hơn về điều kiện sản xuất và năng suất chất lượng sản phẩm. Diện tích đất bình quân/lao động trong tỉnh thấp hơn so với khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long nên việc hình thành các vùng chuyên canh lớn cho một số cây trồng khó thực hiện do hạn chế bởi quỹ đất và bị phân chia theo 3 tiểu vùng sinh thái. Trong điều kiện Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo lộ trình cam kết một số sản phẩm nông nghiệp, thủy sản phải đương đầu cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong khu vực và thế giới, đây là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

I. Quan điểm

- Phát triển nông nghiệp nông thôn không tách rời và phải phù hợp với các định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Phát triển nông nghiệp - nông thôn đóng vai trò chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Các vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn phải giải quyết đồng bộ gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt.

- Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển; khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy cao nội lực, đồng thời tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân.

- Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

- Phát triển phải bền vững cả về tự nhiên và xã hội; đảm bảo môi trường sản xuất nông nghiệp và nông thôn trong sạch; thực phẩm vệ sinh; tài nguyên sinh học đa dạng; giảm thiểu rủi ro do bệnh tật, thiên tai và quá trình biến đổi khí hậu gây ra; thu hẹp khoảng cách về cơ hội phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa các nhóm cư dân nông thôn; hỗ trợ người nghèo, những nhóm đối tượng khó khăn trong quá trình phát triển.

II. Mục tiêu chung

- Phát triển kinh tế nông nghiệp: xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng khai thác được các tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của thị trường; phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn; có năng suất, chất lượng cao.

- Phát triển nông thôn: xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

- Nâng cao đời sống kinh tế, xã hội, tinh thần cho nông dân: không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn (nhất là vùng cao, vùng biển và vùng dân tộc thiểu số), hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất tiên tiến và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

III. Mục tiêu cụ thể

1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Giai đoạn 2011 - 2015: mở rộng quy mô sản xuất gắn với tăng hiệu quả sản xuất, tăng năng suất; nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ một bước tài nguyên môi trường

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ổn định 5-6%, thủy sản 7-8%; tạo chuyển biến rõ rệt về mở rộng quy mô sản xuất bình quân của hộ và ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp, thủy sản.

Tạo bước phát triển trong đào tạo nhân lực; nâng cao cả kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh nông lâm ngư nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế hợp tác, hiệp hội, phát triển liên kết dọc theo ngành hàng, kết nối giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh; phát triển doanh nghiệp nông thôn.

Hình thành kết cấu hạ tầng căn bản phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; cải thiện căn bản môi trường và sinh thái nông thôn tập trung vào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi, phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu; nâng độ che phủ rừng đạt 45%.

Cộng đồng cư dân nông thôn chủ động, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới; 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn lên 1,5 lần so với hiện nay; giảm tỷ lệ nghèo, đặc biệt ở các huyện, xã miền núi.

- Giai đoạn 2016 - 2020: phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, vững bền; phát triển nông thôn gắn với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, tăng thu nhập và cải thiện căn bản điều kiện sống của cư dân nông thôn, bảo vệ môi trường.

Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 4,5%/năm, thủy sản 8%/năm.

Hình thành một số ngành sản xuất kinh doanh chủ lực của tỉnh vươn ra thị trường quốc tế như nho ăn tươi, vang nho, thịt dê, cừu, cao su, các sản phẩm thủy sản chế biến, các sản phẩm chăn nuôi chế biến, đồ gỗ chế biến từ nguyên liệu rừng trồng.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển đổi theo nhu cầu thị trường; chuyển phần lớn lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp, lao động nông nghiệp còn dưới 50% lao động xã hội; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý, gắn kết trong các loại hình kinh tế hợp tác và kết nối với thị trường.

Phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh với ít nhất 50% số xã đạt tiêu chuẩn; nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn lên 2 lần so với hiện nay.

Phát triển lâm nghiệp, giữ vũng độ che phủ của rừng đạt 50%, bảo vệ đa dạng sinh học, khắc phục tình trạng ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, dịch bệnh và các tác động xấu của biến đổi khí hậu.

- Các chỉ tiêu cụ thể về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp:

+ Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng giá trị nông, lâm, thủy sản:

* Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 là 6,5% và  giai đoạn 2020 là 6-7%, bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020 là 6,6%.

* Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,7% và giai đoạn 2016-2020 là 6,6%, bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020 là 6,2%.

+ Về mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung, cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản:

* Đến năm 2015 khu vực sản xuất nông lâm thủy sản sẽ chiếm tỷ trọng còn 25% ứng với phương án GDP toàn tỉnh tăng trưởng ở mức 16-18%/năm và đến năm 2020 khu vực nông lâm thủy sản giảm còn 20% ứng với GDP toàn tỉnh tăng trưởng 19%/năm trong giai đoạn này.

* Trong nội bộ khu vực nông lâm thủy sản: đến 2015 nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng 57,7%, thủy sản chiếm 40,9% và lâm nghiệp chiếm 1,4%; đến 2020, nông nghiêp giảm còn 56,4% và thủy sản tăng lên chiếm 41,6% và lâm nghiệp sẽ phát triển chiếm tỷ trọng là 1,8%.

* Trong nội bộ ngành nông nghiệp (theo GDP): đến năm 2015 tỷ trọng ngành trồng trọt giảm còn 57% so với 59,7% năm 2010; ngành chăn nuôi tăng đạt tỷ trọng là 33,2% so với 30,8% năm 2010 và dịch vụ là 9,8%; đến năm 2020 trồng trọt giảm còn 53,7%, chăn nuôi tăng đạt 36% và dịch vụ là 10,3%.

* Trong nội bộ ngành thủy sản: đến 2015 nuôi trồng chiếm tỷ trọng là 42,4% so với 36% năm 2010; khai thác chiếm tỷ trọng 28,8% và dịch vụ thủy sản chiếm 28,4% so với 34,5% và 29,7% của năm 2010; đến năm 2020 nuôi trồng chiến tỷ trọng 45%, dịch vụ thủy sản chiếm 32,5% và khai thác chỉ chiếm 22,5% (theo giá cố định).

+ Về mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu và xuất khẩu hàng hoá nông, lâm, thủy sản: dự kiến đến 2015 cùng sự phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến thủy sản, chế biến thịt gia súc gia cầm, Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến đạt 150 triệu USD vào 2015 và 200 triệu USD vào năm 2020.

+ Về mục tiêu về thu nhập bình quân đầu người, thu nhập trong nông nghiệp: giá trị thu  nhập đầu người lĩnh vực nông nghiệp thủy sản năm 2015 tăng gấp 1,4 lần 2010 và 2020 tăng gấp 2 lần 2010.

IV. Phương hướng

1. Phương hướng và các chỉ tiêu chính phát triển ngành nông nghiệp: sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững theo hướng phát huy lợi thế so sánh của tỉnh; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt khoảng 5%/năm (cho cả giai đoạn 2011 - 2020), trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là khoảng 5,8%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là trên 4%/năm bằng các giải pháp nâng cao quy mô bằng mở rộng diện tích, tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu phù hợp xu hướng biến đổi của thị trường và nhu cầu tiêu dùng theo mức tăng thu nhập của nhân dân duy trì quy mô sản xuất lương thực hợp lý tại các vùng sản xuất truyền thống, chủ động nước, có năng suất cao; tập trung phát triển các cây trồng trong tỉnh có lợi thế cạnh tranh và thị trường trong nước, thế giới phát triển trong tương lai có nhu cầu (lúa, bắp, nho, thuốc lá, mía, điều, mì, cao su, điều, hành, tỏi, ...); phát triển các loại cây thực phẩm bảo đảm cung cấp thực phẩm tại chỗ cho nhu cầu phát triển công nghiệp và đô thị, du lịch; phát triển các loại cây thực phẩm có lợi thế cạnh tranh (hành, tỏi), tiến tới xây dựng thương hiệu và từng bước mở rộng thị trường cho xuất khẩu.

- Phát triển chăn nuôi theo lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái trong tỉnh với các loại gia súc chính: bò, dê, cừu, lợn, gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và một phần xuất khẩu (dê, cừu) theo hướng sản xuất tập trung công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 7,9% trong giai đoạn 2011 - 2015 và 6% trong giai đoạn 2016 - 2020, theo hướng phát triển sản xuất thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp, hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung và tăng nhanh hiệu quả sản xuất, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, làm tốt công tác vệ sinh an toàn và kiểm dịch động vật; phát triển diện tích cỏ trồng quy mô 2-3 ngàn ha canh tác để cung ứng thức ăn xanh cho chăn nuôi; giảm dần và tiến tới xoá bỏ hình thức chăn nuôi quảng canh.

- Tạo bước phát triển mạnh mẽ, tăng tỷ trọng của ngành thủy sản trong cơ cấu ngành; phát triển ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, lấy chế biến làm động lực, phát triển thủy sản gắn với phát triển du lịch và công nghiệp ven biển và bảo vệ môi trường, tài nguyên biển; tập trung phát triển nuôi trồng, nhất là nuôi thủy sản nước lợ và sau đó là nước ngọt, mở rộng nuôi trồng trên biển theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và duy trì cân bằng sinh thái môi trường; chuyển sang đánh bắt biển xa theo hướng khai thác bền vững, kết hợp kinh tế - quốc phòng; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt khoảng 7,3%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và đạt 8%/năm giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển bằng các loài hải sản có giá trị thương mại cao (cá biển, tôm hùm, …), phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt với đối tượng nuôi chính phù hợp với địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế tại vùng tưới các hồ thủy lợi Sông Sắt, Tân Giang, Sông Trâu, … nuôi trồng thủy sản nước lợ chủ yếu là tôm sú và tôm chân trắng; kêu gọi đầu tư và tổ chức lại hệ thống nhà máy chế biến đạt trình độ công nghệ tiến tiến, theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn, đa dạng hoá sản phẩm, tăng giá trị gia tăng, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

- Ổn định cơ cấu rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng; quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất hiện có, thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao, tạo vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh có quy mô vừa và nhỏ, đáp ứng tiêu chí vững bền, cung cấp phần quan trọng nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến; cải thiện tốc độ phát triển và mở rộng tỷ trọng của ngành lâm nghiệp trong tăng trưởng ngành, phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt khoảng 11%, tỷ trọng GDP lâm nghiệp trong tổng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,6-2%; từng bước tạo ra thu nhập từ rừng cho các đối tượng trồng và bảo vệ rừng; chú trọng và ưu tiên phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ; đầu tư phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn đầu nguồn, nhạy cảm môi trường ở miền núi, ven biển và các khu rừng đặc dụng; củng cố, phát triển 02 vườn quốc gia để bảo tồn nguyên trạng đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái đáp ứng mục tiêu hàng đầu về môi trường và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp như du lịch, nghiên cứu; phấn đấu đạt độ che phủ 45% vào năm 2015 và đạt 50% đến năm 2020.

- Đối với sản xuất và chế biến muối: mở rộng diện tích sản xuất tại các vùng có điều kiện nhưng không làm giảm đất nông nghiệp có giá trị cao; đạt sản lượng 400 ngàn tấn muối công nghiệp vào 2015 và 450 ngàn tấn vào năm 2020; phát triển ngành công nghiệp chế biến muối và sản xuất các sản phẩm sau muối; đầu tư theo hướng sản xuất công nghiệp, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng muối bảo đảm đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến muối, sản xuất muối tinh và hoá chất sau muối như xút-clo, oxyt-magiê, tận dụng các đồng muối để nuôi artemia.

2. Phương hướng và các chỉ tiêu chính phát triển nông thôn: xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện cả về cơ cấu kinh tế và kết cấu hạ tầng kỹ thuật; ưu tiên đầu tư xây dựng và tu sửa các công trình điện, giao thông, ngành nghề nông thôn, giáo dục, y tế, văn hoá, nước sạch và hệ thống thông tin, thiết chế, ...

2.1. Điện: đến năm 2020 bảo đảm 100% tỷ lệ hộ nông thôn có sử dụng điện sinh hoạt từ lưới điện quốc gia (năm 2010 là 97%);

2.2. Giao thông: tăng cường phối hợp với các ngành của Trung ương bằng nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng tỷ lệ số xã có đường giao thông liên thôn được nhựa hoá, bêtông hoá lên 75% (năm 2010 là 32%);

2.3. Ngành nghề: phát triển đa dạng các ngành nghề ở nông thôn, chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang ngành nghề mới và dịch vụ sản xuất nông nghiệp; giảm tỷ lệ lao động ngành nông lâm nghiệp và thủy sản từ 71,5% năm 2010 xuống còn 29% năm 2020, nâng tỷ lệ lao động ngành dịch vụ lên 25% và lao động ngành ngành nghề - tiểu thủ công nghiệp và xây dụng lên 25%; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, khảo sát và khai thác có hiệu quả nguồn nước ngầm đảm bảo phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phục vụ dân sinh, kinh tế của tỉnh;

2.4. Giáo dục: đến năm 2015 có 30%, năm 2020 có 50% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt chuẩn; 100% trẻ em dưới 5 tuối được học mẫu giáo trước khi vào lớp 1;

2.5. Y tế: đến năm 2020 có 90% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (năm 2010 là 60%); có ít nhất 08 bác sĩ/01 vạn dân (năm 2010 là 06 bác sĩ/01 vạn dân), tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 13% (năm 2010 là 23%);

2.6. Văn hoá: đến năm 2020 có 80% thôn, khu phố đã xây dựng đạt chuẩn thôn, khu phố văn hoá cấp huyện, trong đó có 50% thôn, khu phố đạt chuẩn thôn, khu phố văn hoá cấp tỉnh;

2.7. Cấp nước sạch: đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn 09 của Bộ Y tế là 75% năm 2015 và đạt 90% vào năm 2020;

2.8. Thiết chế văn hoá, thông tin ở cơ sở: đẩy mạnh hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao ở cơ sở, chăm lo và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nông dân và dân cư nông thôn.

- Đến năm 2020 đưa tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá/trạm bưu điện đạt trên 90% (2009: 67%); 100% số xã, thôn phủ kín hệ thống truyền thanh để tuyên truyền chủ trương, chính sách và thông tin nội bộ.

- Năm 2015 số máy điện thoại/100 dân đạt trên 40 máy và đến năm 2020 đạt trên 80 máy (2009: 12,1 máy); mật độ thuê bao internet/100 dân đến năm 2020 đạt trên 22 máy.

3. Phương hướng và chỉ tiêu chính nâng cao đời sống nông dân và dân cư nông thôn:

3.1. Tăng thu nhập và tích lũy của dân cư nông thôn: đến năm 2020, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức 10%; phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân nhân khẩu nông thôn đạt trên 20 triệu đồng/năm (tương đương 1.050 USD/năm); phấn đấu GDP bình quân đầu người toàn tỉnh từ 1.000 USD trở lên (năm 2010 là 525 USD tương đương 10 triệu VND);

3.2. Đạo tạo và phát triển nguồn nhân lực nông thôn:

- Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt các yêu cầu về chuẩn hoá nghề nghiệp, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy và học, hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học, nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp nhằm đảm bảo vững chắc kết quả phổ cập giáo dục.

- Tỷ lệ lao động có chuyên môn, kỹ thuật qua đào tạo, tự học, truyền nghề, ... đạt trên 50%; cơ bản giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; nâng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động của lực lượng lao động trong độ tuổi ở nông thôn trên mức 85%; bình quân giai đoạn 2011 - 2020 xuất khẩu từ 1.000-1.200 lao động/năm.

Phần IV

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

1.1. Triển khai công tác quy hoạch (hoặc rà soát) tổng thể ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy hoạch các ngành hàng, các vùng chuyên canh cây, con chất lượng cao:

-  Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội đến 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh được phê duyệt, sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể nông lâm thủy sản và sản xuất muối toàn tỉnh. Quy hoạch này bảo đảm sự phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh đến 2020 và tầm nhìn 2030 đã được tư vấn nước ngoài đề xuất và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; đảm bảo sự phù hợp với “Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản” toàn quốc đươc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 150/2005/QĐ-TTg.

- Quy hoạch phát triển các ngành hàng, cây, con của nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng tập trung, thâm canh, cạnh tranh, tăng năng suất và sản lượng để cung ứng sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu: trước mắt sẽ hoàn thành xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển; quy hoạch phát triển cây cao su; xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; rà soát lại các quy hoạch chi tiết về phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi tôm; điều chỉnh quy hoạch sản xuất muối và một số cây con chủ lực như: nho, táo, thuốc lá, mía đường nhằm đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đáp ứng các nhu cầu của thị trường.

- Tổ chức tốt công tác triển khai và thực hiện quy hoạch; ban hành một cơ chế tổ chức triển khai, giám sát thực hiện quy hoạch giữa các ngành và các địa phương; xây dựng cơ chế thu hút vốn các thành phần kinh tế đầu tư cho vùng quy hoạch khắc phục những bất cập về cơ chế đầu tư hạ tầng vùng quy hoạch như trước đây;

1.2. Phát triển các ngành sản xuất nông, lâm, thủy sản để tạo ra sản phẩm hàng hoá lớn cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

- Trồng trọt: phát triển sản xuất ngành trồng trọt đạt 90 ngàn ha diện tích gieo trồng vào năm 2015 và 102 ngàn ha vào năm 2020; trên cơ sở đầu tư nâng cao năng lực sản xuất gắn với khai hoang mở rộng diện tích do đưa vào khai thác vận hành các hồ đập thủy lợi mới xây dựng và đầu tư kiên cố hoá kênh mương nâng cao năng lực tưới; dự kiến đến 2015 năng lực tưới tăng thêm gần 12.000 ha và tăng thêm 5.000 ha giai đoạn 2016 - 2020. Trong giai đoạn này sẽ bố trí phát triển các loại cây trồng chính như sau:

+ Phát triển cây lương thực có hạt (lúa, bắp) tại các vùng chủ động nước, phù hợp tập quán canh tác của nhân dân, nâng cao năng suất, chất lượng lúa phục vụ xuất khẩu.

+ Ngoài việc phát triển sản xuất lúa có quy mô diện tích 14.000ha canh tác hiện có thuộc diện tích chủ động nước thuộc hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm, Tân Giang, Sông Trâu, Sông Sắt; tiếp tục mở rộng diện tích đạt 16.000 ha vào năm 2015 và 17.500 ha vào 2020 tại các vùng đất thuộc vùng tưới một số hồ đập thủy lợi có điều kiện phát triển lúa nước như Tân Mỹ, khu vực Sông Cái, Lanh Ra, Sông Biêu và một số hồ đập thủy lợi nhỏ nhằm đạt tổng diện tích gieo trồng 66 ngàn ha vào 2015 và 73 ngàn ha vào 2020, chiếm từ 69-73% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, trong đó có từ 20-23 ngàn ha bắp trồng tập trung chủ yếu vùng miến núi và luân canh trên đất 2 vụ lúa, đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Sản lượng lương thực đạt 316 ngàn tấn vào 2015 và 360 ngàn tấn vào năm 2020 và có thể dành 1/3 sản lượng lúa cho xuất khẩu.

Những khu vực có khả năng thích nghi cao cho phát triển lương thực (Ninh Phước, một bộ phận Ninh Hải, Ninh Sơn) được ưu tiên xây dựng thành vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu; cố định quy hoạch vùng chuyên canh nhưng quy mô sản xuất hàng năm có thể thay đổi tùy thuộc vào hiệu quả sản xuất lúa trên thị trường nhằm sản xuất lượng gạo xuất khẩu; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người sản xuất tại các vùng này để chủ động áp dụng các giải pháp thay thế hệ thống canh tác (mà không làm biến đổi lớn đến cơ sở hạ tầng và tính chất đất lúa) khi thị trường lúa thu hẹp như nuôi trồng thủy sản nước ngọt, luân canh với cây trồng khác, hoặc tăng vụ khi thị trường lúa gạo mở rộng.

Giống lúa và biện pháp canh tác phải đáp ứng nhu cầu trong nước và các thị trường xuất khẩu chính.

+ Đảm bảo nâng cao chất lượng và hạ giá thành để tạo sức cạnh tranh; ưu tiên xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa tại các vùng chuyên canh: hệ thống phơi sấy, xay sát có đủ công suất chế biến và kho tàng dự trữ lúa gạo đủ lớn để tạm trữ phục vụ kinh doanh, hệ thống cung cấp giống và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kiên cố hoá hệ thống kênh mương thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu chủ động.

+ Phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong nước và thế giới: tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả có quy mô tương đối lớn, có đủ điều kiện về thủy lợi để tăng năng suất chất lượng. Đến năm 2015 sẽ phát triển diện tích cây công nghiệp ngắn ngày đạt quy mô 9.000ha và 12.500 ha vào 2020; diện tích cây ăn quả sẽ đạt 5.000 ha và 7.000 ha vào 2020 trong đó diện tích nho là đạt từ 2000-2.500 ha, diện tích táo đạt 1.000-1.500ha. Cây công nghiệp dài ngày chủ yếu là cây đào và cao su sẽ đạt tổng diện tích 11 ngàn ha vào năm 2015 và 26 ngàn ha vào năm 2020 (trong đó có 20 ngàn ha cao su và 6 ngàn ha điều).

+ Nho ăn tươi: tiếp tục xác định đây là cây trồng chủ lực của tỉnh, phát triển đạt diện tích 2000 ha, sản lượng 41 ngàn tấn vào năm 2015 và 2.500 ha, sản lượng 60 ngàn tấn vào 2020. Đối với nho tập trung phát triển tại các vùng thích nghi cao tại các huyện Ninh Phước (Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Nam, Phước Thuận, Phước Dân, một phần khu tưới Tân Giang, Bầu Zôn, Lanh Ra; Thành Hải, Đô Vinh thuộc Phan Rang - Tháp Chàm và Vĩnh Hải (Ninh Hải); đầu tư quy hoạch vùng trồng nho gắn với cơ sở hạ tầng thuộc Dự án an toàn sản phẩm nho Ninh Thuận, đảm bảo đến 2015 có 30% sản lượng nho sản xuất đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục nghiên cứu các giống nho ăn tươi mới để đưa vào sản xuất và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng nho, có tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nho do biến đổi khí hậu (mưa nhiều, sớm, bệnh trên cây nho, …); xây dựng thương hiệu và các liên kết hợp tác theo chuỗi ngành hàng giữa người trồng nho, nhà chế biến, tiêu thụ để nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng.

+ Nho rượu: phát triển nho rượu gắn với các trang trại ven thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, xã Vĩnh Hải Ninh Hải, gắn với công nghiệp chế biến rượu vang nho, xây dựng thương hiệu rượu vang nho Ninh Thuận gắn với phát triển các khu du lịch và thương hiệu du lịch. Diện tích nho rượu dự kiến phát triển đạt 200 ha vào 2015 và 500 ha vào 2020.

+ Cây táo: cây táo được phát triển mạnh tại Ninh Thuận từ năm 2006, tới 2010 đạt diện tích 793 ha, trong đó có 578 ha cho sản phẩm, sản lượng 15.326 tấn, được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Táo trồng tại Ninh Thuận được đánh giá cao do có vị ngọt thanh, giòn hơn táo trồng tại các nơi khác. Do đặc điểm dễ trồng, chi phí thấp, ít rủi ro so với nho, thị trường tiêu thụ mạnh, do vậy trong nhũng năm gần đây một số diện tích nho được chuyển đổi sang trồng táo và mang lại thu nhâp khá cao và ổn định hơn cho nông dân. Dự kiến sẽ tiếp tục phát triển diện tích trồng táo đạt 1.000ha, sản lượng 25 ngàn tấn vào 2015 và 1.500 ha, sản lượng 40 ngàn tấn vào năm 2020 để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

+ Thuốc lá: đây là cây có giá trị kinh tế cao, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cho năng suất, chất lượng cao tại Ninh Thuận, có tính cạnh tranh đối với cả thị trường quốc tế. Diện tích phát triển năm cao nhất (1999) là 2.564 ha, sản lượng 6.064 tấn. Đến 2015 sẽ phát triển diện tích thuốc lá đạt diện tích 2.500 ha, sản lượng 6.000 tấn và đạt 3.500 ha, sản lượng 10.500 tấn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tại tỉnh. Diện tích thuốc lá ngoài việc phát triển đạt 2.500 ha tại các vùng quy hoạch hiện có thuộc huyện Ninh Phước (Phước Vinh, Phước Sơn) và Ninh Sơn (Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Hoà Sơn), Ninh Hải (Công Hải, Lợi Hải) có thể mở rộng tại vùng tưới hồ Tân Mỹ, Cho Mo, Sông Sắt, Lanh Ra.

+ Mía đường: phát triển diện tích trồng mía đạt 3.500ha, sản lượng 187 ngàn tấn vào năm 2015 và đạt 5.000 ha, sản lượng 285 ngàn tấn vào năm 2020. Hướng mở rộng diện tích trồng mía tập trung chủ yếu các vùng chủ động nước thuộc hệ thống thủy lợi Sông Pha, vùng tưới các hồ: Sông Sắt, Sông Trâu, Lanh Ra, Cho Mo, Trà Co, Sông Than, vùng tưới thuộc hồ Sông Cái và đập dâng Tân Mỹ.

+ Cây mì: đây là cây trồng đã được phát triển đạt diện tích quy hoạch 2.500 ha vào năm 2010, chủ yếu phát triển tại Ninh Sơn (Hoà Sơn, Quảng Sơn, Ma Nới). Hướng phát triển là ổn định diện tích quy hoạch 2.500 đến 2015 và 2020 để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tại tỉnh nhưng đầu tư nâng cao sản lượng bằng các giống mì cao sản, đi đôi với việc cải tiến kỹ thuật canh tác để bảo vệ đất đai chống thoái hoá đất.

+ Cây điều: phát triển chủ yếu các vùng đất dốc, đất xấu không thuận lợi thâm canh sản xuất các cây trồng khác. Diện tích quy hoạch khoảng 6 ngàn ha, sản lượng 2 ngàn tấn vào 2015 và ổn định diện tích vào năm 2020 nhưng tăng sản lượng đạt khoảng 3.500 tấn theo hướng cải tạo bằng các giống năng suất cao kết hợp thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng điều.

+ Cao su: đây là cây trồng đang được trồng mới thí điểm với quy mô khoảng 200 ha vào năm 2010. Cây cao su đã được chứng minh về mặt khoa học và thực tiễn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do đã được thực nghiệm từ các năm 1996. Hiện nay nhu cầu thị trường về mủ cao su đang phát triển mạnh và là cây tạo ra giá trị và thu nhập cao trên đơn vị diện tích. Hướng phát triển cây cao su là: (i) chuyển đổi các diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su với quy mô khoảng 12 ngàn ha; (ii) chuyển các diện tích đất rẫy canh tác một vụ, đất nông nghiệp gần rừng sang trồng cao su tiểu điền với diện tích 8 ngàn ha. Diện tích phát triển cây cao su đến năm 2020 là 26.115 ha, trong đó phát triển giai đoạn 2011 - 2015 là 19.240 ha và giai đoạn 2016-2020 là 6.875 ha. Hướng  phát triển cây cao su là chuyển đổi từ rừng phòng hộ nghèo kiệt khoảng 16.258 ha và từ rừng sãn xuất 9.857 ha. Sản lượng mủ dự kiến đạt vào năm 2020 là 4.800 tấn/năm và sau đó ổn định từ 2021 trở đi là 39.172 tấn/năm đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến cao su trên địa bàn tỉnh (theo quy hoạch cây cao su đã được xác định). Ngoài giá trị mủ cao su, gỗ cao su sẽ là nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ sau năm 2020.

+ Cây trajopha: phát triển đạt diện tích 3.000-5.000 ha chủ yếu phát triển trên đất tận dụng, hoang hoá, không cạnh tranh về đất với các cây trồng khác.

+ Cây thực phẩm: duy trì diện tích cây thực phẩm chiếm 15%-20% tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên cơ sở thâm canh tăng vụ, luân canh trên các diện tích đất màu, đất lúa và đạt diện tích 16 ngàn ha vào 2015 và 17,5 ngàn ha vào 2020; chú trọng cung cấp nhu cầu rau xanh cho các khu đô thị, khu công nghiệp, khu tập trung học sinh, sinh viên, … theo tiến độ đô thị hoá và công nghiệp hoá; đầu tư phát triển diện tích hành, tỏi đạt từ 3 ngàn ha gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

- Chăn nuôi: để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng, phát triển chăn nuôi lợn, bò, gia cầm có năng suất, chất lượng cao vẫn là hướng đi của ngành chăn nuôi trong giai đoạn từ 2011 - 2020. Bên cạnh đó Ninh Thuận tiếp tục phát triển chăn nuôi dê, cừu do tính cạnh tranh độc đáo của sản phẩm tại thị trường trong nước và cả thị trường thế giới. Dê, cừu còn là sản phẩm truyền thống, nông dân có kinh nghiệm và tập quán chăn nuôi lâu dài, điều kiện khí hậu khô, ít mưa thuận lợi cho chăn nuôi dê, cừu phát triển. Hướng phát triển tổng đàn gia súc sẽ đạt 420 ngàn con, sản lượng thịt hơi đạt 29 ngàn tấn vào 2015 và tổng đàn đạt 555 ngàn con, sản lượng đạt 38,4 ngàn tấn vào 2020 với các hình thức chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh trong các trang trại, gia trại có quy mô vừa và lớn; phát triển diện tích cỏ trồng đạt quy mô 2-3 ngàn ha canh tác do chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để đáp cho nhu cầu thức ăn xanh trong chăn nuôi. Bên cạnh vic phát triển tổng đàn sẽ tiến hành cải tạo các giống bò, dê cừu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; cải tiến phương thức chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Đàn lợn: hướng phát triển là đạt tổng đàn 90 ngàn con vào 2015 và 115 ngàn con vào năm 2020; phát triển với hình thức chăn nuôi công nghiệp tập trung, tại các vùng quy hoạch xa dân cư, khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư như hiện nay.

+ Đàn bò: có quy mô tổng đàn năm 2010 đạt 114,06 ngàn con, tăng bình quân mỗi năm 3,58%/năm cho giai đoạn 2001 - 2010. Đặc điểm đàn bò Ninh Thuận thể trọng nhỏ, tỷ lệ thịt thấp, sức cạnh tranh kém. Hướng phát triển là đạt quy mô tổng đàn 126 ngàn con vào 2015 và 150 ngàn con vào 2020; chủ yếu đáp ứng nhu cầu thịt bò nội tỉnh và các tỉnh xung quanh. Bên cạnh việc phát triển tổng đàn sẽ tổ chức lai tạo, cải tạo đàn bò đạt tỷ lệ lai 38% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020; áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiến bộ, tổ chức chăn nuôi theo hướng công nghiệp, thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng và thể trọng, tỷ lệ thịt hướng tới các thị trường mục tiêu xa hơn trong nước.

+ Đàn dê, cừu: đây là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, do vậy sẽ được ưu tiên phát triển đạt quy mô tổng đàn 200 ngàn con vào 2015 trong đó cừu: 125 ngàn con và 290 ngàn con vào năm 2020 trong đó cừu: 190 ngàn con, tốc độ tăng bình quân là 9%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và thế giới về loại sản phẩm này; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống đối với dê, cừu, mở rộng quy mô sản xuất dê sữa; thực hiện các quy trình chăn nuôi tiên tiến và tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc theo hướng tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn về môi trường. Bên cạnh việc phát triển tổng đàn sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê, cừu; chăn nuôi theo hướng tập trung thâm canh trong trang trại với thức ăn xanh, thức ăn tinh gắn với vệ sinh phòng dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết theo ngành hàng đối với dê, cừu để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

+ Đàn gia cầm: phát triển đạt quy mô 1,7 triệu con vào năm 2015 và 2,2 triệu con vào 2020 (đã đạt 1,4 triệu con/2010) chủ yếu cung cấp nhu cầu thịt, trứng cho tiêu dùng nội tỉnh, cho các khu công nghiệp, đô thị.

- Thủy sản:

+ Đối với nuôi trồng thủy sản: phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tăng năng suất, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch và giải quyết việc làm. Tại các vùng chuyên canh (Sơn Hải, An Hải, Phú Thọ, …), quy hoạch rõ diện tích đất và mặt nước, xây dựng thành vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, áp dụng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu quốc tế về xuất xứ, nguồn gốc của xuất khẩu thủy sản. Tổng diện tích nuôi đạt 3.320 ha, sản lượng nuôi trồng 19 ngàn tấn vào năm 2015 và đạt diện tích 4.000 ha, sản lượng nuôi trồng 28,6 ngàn tấn vào năm 2020. Trong đó: nuôi tôm từ 1.200-1.300 ha, sản lượng 10 ngàn tấn vào năm 2015 và đạt diện tích 1.700 ha, sản lượng 16 ngàn tấn năm 2020. Nuôi trên biển và đầm vịnh đạt diện tích 800 ha, sản lượng 3.600 tấn và đạt diện tích 1.100 ha, sản lượng 5.400 tấn vào năm 2020; các đối tượng nuôi chính là: như tôm hùm, ốc hương, cá biển, rong biển, hàu có giá trị cao. Song song với việc phát triển nuôi biển phải đẩy mạnh các giải pháp về sản xuất và nhân giống nhân tạo, sản xuất và cung ứng thức ăn nhân tạo, tăng cường kiểm tra kiểm soát việc sử dụng hoá chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi biển; có các giải pháp về vốn, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nuôi biển.

Tiếp tục phát huy lợi thế về sản xuất giống nuôi trồng thủy sản theo hướng  nâng cao sản lượng và chất lượng giống thủy sản, gắn với xây dựng thương hiệu giống thủy sản Ninh Thuận; đầu tư hoàn thiện các vùng sản xuất giống như An Hải, Khánh Nhơn; tập trung quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn giống tự nhiên và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, phấn đấu đạt sản lượng 11,5 tỷ con vào năm 2015 và 16 tỷ con vào năm 2020.

Nuôi nước ngọt đạt diện tích 700 ha, sản lượng 1.500 tấn vào năm 2015 và đạt diện tích 1.200 ha, sản lượng 2.500 tấn vào 2020 với các đối tượng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện địa phương; tập trung phát triển tại các hồ thủy lợi có điều kiện, các vùng tưới thuộc các hồ thủy lợi trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn nước và những diện tích đất không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp.

+ Đối với khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển tàu công suất lớn, sử dụng rộng rãi vật liệu thay thế nguồn gỗ, triển khai đồng bộ chương trình nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản theo hướng chuyển đổi nghề, nâng cao trình độ cơ giới hoá và tăng cường trang thiết bị bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dụng và nhân rộng mô hình hợp tác khai thác, sản xuất trên biển, hợp tác về kỹ thuật, chia sẻ thông tin ngư trường và thị trường, phát triển mạnh dịch vụ trên biển, làm tốt công tác dự báo về ngư trường, phát huy lợi thế hệ thống cảng cá hiện có, triển khai xây dựng các khu tránh trú bão Đông Hải, cảng cá Sơn Hải; khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân đầu tư phát triển năng lực tàu cá đạt 2.500 chiếc, tiếp tục phát triển đội tàu theo hướng ổn định số lượng 2.500 chiếc vào 2020 nhưng đầu tư thay thế các tàu cũ, công suất nhỏ sang các tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ có số lượng 500-550 chiếc với năng lực 80 ngàn CV vào năm 2020; phát triển đội tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; phấn đấu đạt chỉ tiêu khai thác đạt 62 ngàn tấn vào 2015 và 70 ngàn tấn vào 2020.

Xây dựng các chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ vùng bãi đẻ các loài đặc sản quý hiếm, bảo vệ vùng rạn san hô, tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi, xây dựng các khu bảo tồn biển để hạn chế các nghề khai thác hủy diệt.

+ Dịch vụ hậu cần nghề cá: xây dựng và nâng cấp các cảng Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ, xây dựng cảng Cà Ná thành trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực cảng Ninh Chữ thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vực miền Trung; mở rộng bến cá Mỹ Tân, xây dựng mới bến cá Sơn Hải phục vụ cho dịch vụ khai thác để phù hợp tốc độ phát triển năng lực khai thác của tỉnh, đáp ứng yêu cầu tàu thuyền có công suất lớn ra vào tỉnh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cải tạo Đầm Nại và khu tránh trú bão Ninh Chữ đưa vào hoạt động đầu năm 2011.

+ Đối với chế biến thủy sản: xây dựng các chính sách hợp lý để thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thủy sản và dịch vụ cơ khí đóng sửa tàu thuyền tại các cảng cá, phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu và chế biến nội tiêu trên cả 3 mặt là đầu tư mới hoặc mở rộng cơ sở chế biến, xây dựng nâng cao chất lượng nguyên liệu chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; gắn quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh với các khu công nghiệp chế biến thủy hải sản, khôi phục và bảo tồn các làng nghề chế biến thủy sản đi đôi với bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu chế biến thủy sản đạt 100 triệu USD vào năm 2015 và 150 triệu USD vào năm 2020.

Xác định chiến lược để phát triển ngành thủy sản và một số mặt hàng thủy sản chủ lực từ nguyên liệu của địa phương  như tôm, cá, chế biến đông và khô xuất khẩu và nội địa, các sản phẩm cao cấp và các mặt hàng có giá trị gia tăng như sản phẩm ăn liền, chiên bột, … phát huy thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới ở ngoài nước, quan tâm thị trường rong nước; thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến nước mắm đạm cao bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ cho các khu đô thị khu công nghiệp khoảng 2 triệu lít/năm; xây dựng cơ sở đóng sửa tàu các và dịch vụ hậu cần; thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tại các khu hậu cần nghề cá như Cà Ná, Ninh Chữ, các khu công nghiệp Du Long và cụm du lịch - thủy sản đô thị Đầm Nại, nâng cao công nghệ chế biến và đa dạng hoá sản phẩm có giá trị gia tăng, mở rộng các thị trường mới đến năm 2020 đạt 150 triệu USD.

Quan tâm đến phát triển chế biến thủy sản nội tiêu, tập trung phát triển các ngành chế biến phục vụ cho thị trường trong tỉnh gắn với phát triển các làng nghề, tiến tới xây dựng và mở rộng ra thị trường ngoại tỉnh và phát triển thương hiệu các sản phẩm chế biến thủy sản của tỉnh như bột cá, nước mắm, cá hấp.

- Lâm nghiệp: ổn định lâm phần rừng theo quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh đã được phê duyệt; đầu tư để nâng cao chất lượng gắn với bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đã quy hoạch bằng việc bảo vệ, trồng mới rừng, khoanh nuôi tái sinh và  làm giàu rừng tự nhiên.

+ Đối với rừng sản xuất thực hiện quản lý rừng sản xuất bền vững; thực hiện chính sách giao đất cho người sản xuất, phát triển các loại hình lâm nghiệp cộng đồng, gắn lâm nghiệp với sản xuât nông nghiệp; mở rộng diện tích rừng sản xuất với các loại cây trồng như cây công nghiệp, cây cao su, cây ăn quả; chú trọng phát triển các lâm sản ngoài gỗ như mủ trôm, dược liệu, từng bước phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng để nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp và thúc đẩy phát triển rừng sản xuất.

+ Đối với các chương trình, dự án phát triển rừng sẽ thực hiện giao khoán bảo vệ rừng mỗi năm 40-50 ngàn ha; trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng mỗi năm từ 500-700 ha; tổ chức khai thác phương án quản lý rừng bền vững mỗi năm 4000m3 gỗ, ba ngàn tấn củi đảm bảo cung cấp các nhu cầu g, củi phục vụ xây dựng cơ bản và dân sinh; phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đến 2015 đạt công suất 5 ngàn m3/năm, gắn với phát triển vùng nguyên liệu bằng trồng rừng kinh tế với các loại cây như cao su, cóc hành.

Tập trung bảo vệ rừng ở những vùng trọng điểm, các khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia, giữ độ che phủ rừng Bác Ái, nâng độ che phủ rừng Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Sơn.

+ Đối với Vườn quốc gia Phước Bình: trọng tâm là bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh với 02 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hoà; gắn với việc phòng chống phá rừng và việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn vùng đệm.

+ Đối với Vườn quốc gia Núi Chúa: quy hoạch phát triển theo hướng đa mục tiêu, phát triển rừng kết hợp với phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học và tham quan để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và các loài động vật quý hiếm; phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế từ rừng ở các xã thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia; quy hoạch trồng rừng với các loại cây công nghiệp dài ngày phù hợp trên diện tích đất trống đồi núi trọc để phát triển kinh tế, trồng rừng trên đất cát ven biển và chống sa mạc hoá, chống sạt lở.

- Nghề muối:

Quy hoạch phát triển nghề muối theo hướng tận dụng tối đa về thời tiết khí hậu của Ninh Thuận để phát triển thành trung tâm sản xuất muối công nghiệp và xuất khẩu có quy mô lớn của cả nước, trước hết là quy hoạch lại đồng muối theo hướng mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ công nghiệp hoá chất và chế biến thực phẩm đồng thời hướng đến xuất khẩu.

Quy hoạch phát triển vùng trọng điểm sản xuất muối công nghiệp ở hai huyện Ninh Hải (bao gồm Nhơn Hải, Tri Hải, Khánh Hải) với diện tích 1.500 ha và huyện Ninh Phước (gồm Cà Ná, Quán Thẻ) với quy mô 2.500 ha; chuyển đổi một số diện tích làm tôm kém hiệu quả sang sản xuất muối để hình thành vùng sản xuất muối có quy mô 5.000 ha, sản lượng hàng năm 450-500 ngàn tấn; tập trung chỉ đạo, đầu tư đưa công trình muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ vào khai thác toàn bộ diện tích 2.500 ha sau năm 2011; tiếp tục đầu tư khu sản xuất muối công nghiệp Tây - Tây Bắc Quán Thẻ (650ha) và đưa vào sản xuất sau 2013, để đạt sản l­­ượng hàng năm 400-450 ngàn tấn muối công nghiệp vào 2013.

Quy hoạch phát triển các sản phẩm sau muối và sản xuất hoá chất sau muối, xây dựng nhà máy sản xuất hoá chất từ muối với các sản phẩm như ôxitmagie, xút, soda từ nguyên liệu được sản xuất trong tỉnh và các vùng lân cận để đáp ứng cho nhà máy; xây dựng một số nhà máy sản xuất muối tinh tại các đồng muối và nhà máy chế biến muối iốt đáp ứng nhu cầu muối thực phẩm trong nước. Phương hướng phát triển nghề muối Ninh Thuận trong những năm sắp tới là:

+ Mở rộng quy mô sản xuất muối công nghiệp cả về diện tích, sản lượng; ứng dụng công nghệ trong sản xuất muối sạch, muối tinh.

+ Quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất và hạ tầng xã hội cho nhân dân vùng sản xuất muối; kêu gọi, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất muối; định hướng và mở rộng thị trường cho nhân dân để muối của Ninh Thuận có thể đứng vũng trên thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu.

+ Đầu tư cơ giới hoá khâu thu hoạch, áp dụng công nghệ che phủ bạt khu kết tinh muối, hạn chế thiệt hại do mưa bất thường.

2. Phát triển nông thôn trên cơ sở xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển mạnh các đô thị

2.1. Phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn:

2.1.1. Chương trình giao thông nông thôn: ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ven biển, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn gắn kết các vùng ven biển, đồng bằng, miền núi và nối liền với hệ thống giao thông cả nước; đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn theo hướng phục vụ sản xuất gắn với hệ thống giao thông quốc gia; có phân kỳ kế hoạch trung hạn (3 năm, 5 năm), trước mắt là giai đoạn 2011 - 2015, có sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn; cần đầu tư các công trình giao thông nông thôn trọng yếu nhằm thúc đẩy giao thông khu vực nông thôn với thành phố như xây dựng và nâng cấp cầu, đường các tuyến đường ven biển Bình Tiên - Vĩnh Hy - Đông Hải - Phú Thọ - Mũi Dinh, mở rộng và nâng cấp tuyến tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Quốc lộ 27 Phan Rang đi Đà Lạt; đầu tư mới các tuyến đường miền núi: Phước Trung - Phước Đại; tuyến đường từ Quốc lộ 27 đi Phước Hoà, Ma Nới, Phước Bình, … nhằm phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá và thúc đẩy phát triển các cụm, tuyến công nghiệp ở các vùng nông thôn, huyện miền núi đến thành phố.

Tiếp cận và khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách địa phương; vận động xã hội hoá xây dựng giao thông nông thôn; lồng ghép xây dựng giao thông với thực hiện các công trình thủy lợi và lồng ghép các dự án liên quan để phát huy nguồn lực đầu tư và xây dựng nông thôn mới toàn diện.

Thực hiện đúng trình tự quản lý đầu tư xây dựng, phối hợp có hiệu quả để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; chọn tư vấn, thầu thi công có năng lực và trách nhiệm; tăng cường công tác giám sát thi công và giám sát cộng đồng.

2.1.2. Chương trình phát triển lưới điện: tăng đầu tư phát triển và hoàn chỉnh mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh, huyện, thành phố có chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng điện phục vụ địa bàn nông thôn; xây dựng lưới điện đảm bảo mỹ quan đô thị đồng thời phải đảm bảo thiết kế lưới điện đến tất cả các khu dân cư mới, khu tái định cư được xây dựng và quy hoạch.

Việc xây dựng các trạm biến áp phân phối không chỉ gắn với các tuyến trung thế xây dựng mới mà còn phát triển trên các tuyến trung thế hiện hữu san tải cho các trạm bị quá tải. Ngoài các trạm biến áp một pha đáp ứng nhu cầu điện cho ánh sáng sinh hoạt cần dự trù xây dựng các trạm biến áp 3 pha tại các trung tâm, khu dân cư, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các cơ sở công nghiệp có quy môn lớn nhằm phục vụ cho mục đích công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Cải tạo lưới điện theo hướng an toàn, đúng quy cách, quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng điện cung cấp cho nhân dân.

2.1.3. Chương trình đầu tư phát triển thủy lợi: phát triển thủy lợi nhằm phục vụ đa mục tiêu cho các ngành sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sản xuất muối, công nghiệp và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư đồng bộ cả hệ thống kênh mương, trong đó bao gồm cả hệ thống kênh mương cấp 2, 3 nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

- Giai đoạn 2011 - 2015: chủ trương đầu tư cho thủy lợi được xác định là nhiệm vụ hàng đầu cho đến 2020, đến năm 2015 cơ bản giải quyết vấn đề thủy lợi trên phạm vi cả tỉnh với năng lực tưới đạt 39 ngàn ha vào năm 2015 và 42,8 ngàn ha vào năm 2020. Diện tích đất trồng cây hàng năm, cây ăn quả được tưới chủ động bằng hệ thống công trình thủy lợi đạt 60% vào 2015 và 69% vào 2020. Trong năm 2011 sẽ hoàn thành các dự án hồ Lanh Ra, hồ Bà Râu, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh mương cấp 3 để mở rộng diện tích tưới, gắn với khai hoang thuộc vùng tưới hồ Sông Sắt, hồ Sông Trâu; xây dựng mới 11 hồ chứa với tổng nhu cầu vốn dự kiến 2.744 tỷ đồng như Kiền Kiền, Ô Căm, Tân Giang II, Đa Mây, Suối Cát, và đến năm 2014 sẽ hoàn thành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với diện tích tưới thiết kế 4.300 ha; tiếp tục đầu tư để kiên cố hoá kênh mương thuộc các hệ thống khác để nâng cao năng lực tưới, tiết kiệm nguồn nước; quản lý có hiệu quả đối với các công trình thủy lợi đã có để nâng cao năng lực tưới theo thiết kế; nghiên cứu chuẩn bị dự án và đầu tư hệ thống thủy lâm kết hợp sau năm 2011, gắn thủy lợi với trồng rừng, phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu.

- Giai đoạn 2015 - 2020: sẽ đầu tư thêm 17 hồ chứa vừa và nhỏ, tổng năng lực tưới tăng thêm 5.470 ha (bao gm cả hồ Sông Than dự kiến đầu tư sau 2015), tổng nhu cầu vốn cho đầu tư mới và nâng cấp sữa chữa dự kiến 4.365 tỷ đồng. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống thủy lợi sẽ triển khai mạnh mẽ các dự án phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, lồng ghép các chương trình về thủy lợi với trồng rừng ven biển, trồng rừng chống lũ quét, chống nước biển dâng; nghiên cứu hoàn thiện các quy trình tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu; đầu tư hoàn thành các hệ thống tiêu thoát lũ, các dự án kiên cố hoá kênh mương, nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi.

2.1.4. Chương trình nhà ở nông thôn: tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đẩy mạnh vận động nguồn vốn xã hội để tiếp tục xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ chính sách; thông qua “Quỹ vì người nghèo” huy động các nguồn từ thiện, công nhân viên chức, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước và từ ngân sách tỉnh ủng hộ giúp đỡ người nghèo xây dựng nhà ở, xoá nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo khó khăn về nhà ở; tạo điều kiện cho các hộ nghèo được ưu tiên xét di dời vào các khu dân cư tập trung theo các dự án quy hoạch dân cư nông thôn đã được phê duyệt.

2.1.5. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: quy hoạch và đầu tư hệ thống cấp nước nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp nước sạch cho dân cư nông thôn; tăng cường xã hội hoá khai thác và quản lý hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn. Giai đoạn từ 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020 chương trình nước tiếp tục đầu tư, chuyển dần những công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khoan tay, bể lọc cát, giếng nước gia đình) thành các công trình cấp nước tập trung với khả năng xử lý nước đạt tiêu chuẩn, phục vụ có hiệu quả các cụm, tuyến dân cư từ 300 đến 500 hộ/1 hệ thống.

Kết hợp đầu tư mới với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng nhiều hình thức: tập huấn, truyền thông, tờ rơi, hội thảo, hội thi và lồng ghép thực hiện Chỉ thị 200/TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, nơi công cộng; nâng cao năng lực quản trị đội ngũ quản lý hệ thống cấp nước ở các địa phương.

2.1.6. Chương trình phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục - thể thao, công nghệ thông tin và truyền thông:

- Y tế: hệ thống y tế nông thôn phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân; tăng đầu tư cơ sở vật chất và con người cho hệ thống y tế, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn.

Tuyến tỉnh: Bệnh viên đa khoa mục tiêu là tăng cường đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại, chuyên sâu.

Tuyến huyện: đến năm 2015 các huyện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng bệnh viện đa khoa huyện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong địa bàn; đầu tư mới trang thiết bị cho bệnh viện huyện với phương châm: đưa kỹ thuật về tuyến trước, ưu tiên máy móc thiết bị cận lâm sàng, phòng mổ, cấp cứu với tính chất đồng bộ; trước mắt đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa hiện có tuyến huyện.

Tuyến xã: đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế; tăng cường trang thiết bị nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ người dân khám, chữa bệnh tại chỗ; đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý trạm y tế; trước mắt trang bị cho các trạm chưa đạt chuẩn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Về cán bộ: duy trì và giữ vững 100% trạm y tế có đủ 3 chức danh; phấn đấu mỗi trạm có một cán bộ dược phụ trách công tác dược; duy trì các trạm y tế, phòng khám đa khoa có bác sĩ hoạt động; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp với khả năng chuyên môn, chuyên khoa; tổ chức đào tạo lại nâng cao trình độ cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đảm bảo mục tiêu giữ mức sinh từ 2011 - 2020 dưới 1% (tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2010: 1,2%);

Tăng cường thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; thực hiện Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình theo nội dung  và mục tiêu các Nghị quyết của Trung ương.

- Giáo dục: huy động nhiều nguồn lực tiếp tục đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh tiến độ thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất gắn với dự án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; từng bước nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài; phấn đấu đến năm 2015 có: 50% (tỷ lệ này của năm 2010: 20%) số trường phổ thông của tỉnh đạt chuẩn quốc gia; 40% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.

Trong giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng đề án nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề hiện có của tỉnh thành các trường trung học chuyên nghiệp và đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập trường đại học tại tỉnh .

Nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hạn chế lưu ban, bỏ học; nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ để lập kế hoạch cán bộ, bổ sung lực lượng trẻ thay thế giáo viên không đủ chuẩn, năng lực yếu.

- Văn hoá, thể thao: tăng cường ngân sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất các công trình văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm về văn hoá, thể thao như: nhà văn hoá, sân bóng đá xã, sân cầu lông, bóng chuyền, xây dựng các câu lạc bộ văn hoá, thể thao nhằm phát triển các phong trào văn hoá, thể thao ở nông thôn. Đến năm 2015 mỗi huyện xây dựng 1 Trung tâm văn hoá - thể thao; 80% xã, thị trấn trong tỉnh xây dựng trung tâm văn hoá - thể thao.

Nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục phát triển phong trào thể dục thể thao ngày càng sâu rộng; thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” và “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; củng cố và kiện toàn hệ thống cán bộ làm công tác gia đình, văn hoá, thể thao, du lịch.

- Công nghệ thông tin và truyền thông: xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên địa bàn tỉnh và có chất lượng tốt nhằm đảm bảo yêu cầu tiếp cận thông tin rộng rãi đến người dân nông thôn; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường viễn thông, internet; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm công nghệ thông tin Ninh Thuận, gắn khoa học kỹ thuật với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin.

2.2. Phát triển thị trường nông thôn:

2.2.1. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2015: 25-26%/năm; giai đoạn 2016 - 2020: 29-30%/năm. Khâu đột phá để tăng trưởng công nghiệp là xây dựng và đưa vào hoạt động các cụm, khu công nghiệp; hoàn thành các dự án sản xuất muối công nghiệp và các sản phẩm sau muối, với sản lương phải đạt từ 400-450 ngàn tấn; tiếp tục đầu tư đổi mới thiết bị để ổn định sản xuất một số sản phẩm có thế mạnh như: đường, xi măng, gạch tuynen; mở rộng quy mô các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, chế biến hạt điều, chế biến thủy hải sản, tiến tới đầu tư phát triển công nghiệp đóng, sửa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh.

2.2.2. Phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn: nâng cao năng lực khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận; đẩy mạnh phát triển các cụm, tuyến công nghiệp ở các huyện, thành phố đây vừa là cơ sở phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn vừa là cơ sở để hỗ trợ phát triển, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống nông thôn của đồng bào Chăm như: dệt thổ cẩm, gốm Bàu Trúc, … phát huy một số ngành nghề có lợi thế như: chế biến nước mắm, cá khô, rượu nho, sản xuất đũa, thêu ren, … thực hiện các chính sách, đề án hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại công văn số 282/UBND-KT ngày 30 tháng 6 năm 2010.

2.2.3. Phát triển doanh nghiệp nông thôn: khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực nông thôn; ưu tiên hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại các khu cụm tuyến công nghiệp trên địa bàn nông thôn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ... thực hiện các chính sách ưu đãi khác theo quy định.

2.2.4. Phát triển hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại: đầu tư phát triển hệ thống thương mại và dịch vụ thương mại, bao gồm cả quy hoạch mạng lưới chợ và cơ sở hạ tầng thương mại, chú trọng các giải pháp phát triển chợ nông thôn nhằm tăng cường lưu chuyển hàng hoá, tạo thuận lợi trong việc trao đổi, mua bán nông sản hàng hoá cho nông dân; quy hoạch và xây dựng trung tâm thương mại ở các huyện gắn với trung tâm thương mại lớn và siêu thị ở thành phố. có ưu tiên phát triển các chợ nằm cạnh các quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm thương mại - dịch vụ tập trung tại các khu đông dân cư ở nông thôn; phát triển ngành dịch vụ trong giai đoạn từ nay đến 2020 như: hình thành các khu du lịch chất lượng cao tại khu vực Bình Sơn - Ninh Chữ, Bình Tiên, Vĩnh Hy, Cà Ná, Đầm Nại, Mũi Dinh, … nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của du khách trong và ngoài nước, phấn đấu số lượt khách du lịch tăng từ 8-10 lần so với hiện nay.

3. Xây dựng và phát triển nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của dân cư nông thôn, chất lượng cuộc sống và vị thế nông dân

3.1. Trước mắt hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó bao gồm xây dựng tiêu chí và hệ thống chính sách của tỉnh phù hợp với tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Chính phủ.

Triển khai xây dựng nông thôn mới, theo hướng xã nông thôn mới phải đạt tiêu chí xã văn hoá và đồng thời xây dựng các kết cấu hạ tầng, đời sống văn hoá, tổ chức sản xuất phù hợp với từng điều kiện của địa phương theo quy mô cấp xã.

Từng ngành, địa phương căn cứ nội dung, điều kiện thực tiễn xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện có kết quả Đề án theo trách nhiệm quy định. Trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, hợp lý cả đời sống kinh tế, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện dân chủ cơ sở, chăm lo an sinh và an ninh của đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng. Có thể nói, xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện chương trình phát triển toàn diện và vững chắc nông nghiệp - nông dân - nông thôn;

3.2. Chuẩn bị Đề án và triển khai thực hiện Đề án hình thành và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ; doanh nghiệp dịch vụ, vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân;

3.3. Xây dựng và thực hiện đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn:

Ngành Lao động và thương binh và xã hội cũng như chính quyền các cấp ở địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách bồi dưỡng mở rộng và nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tại chỗ; có chương trình, kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề phổ thông cho nông dân của tỉnh theo kế hoạch đào tạo hàng năm 1 triệu lao động nông thôn của cả nước.

Tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ để hỗ trợ trong những năm đầu; đảm bảo các chính sách đối với giáo viên ở những nơi khác đến công tác ở miền núi. Muốn vậy các địa phương có kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề theo hướng đa ngành đáp ứng nhu cầu học tập tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; phấn đấu đến năm 2020, có trên 50% lao động qua đào tạo, trong đó có 35% lao động được đào tạo nghề; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án về xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức 10% vào năm 2015 và dưới 7% vào năm 2020; hàng năm có từ 12.000 đến 15.000 lao động được giải quyết việc làm.

3.4. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội: tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với đất nước, từ năm 2011 trở đi tất cả các xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; hầu hết đối tượng có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của nhân dân cùng địa bàn nơi cư trú; đẩy mạnh cuộc vận động "Quỹ vì người nghèo" gắn việc thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ, an sinh xã hội; ngăn ngừa tội phạm đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên ở nông thôn, ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn xã hội khác, phấn đấu từ năm 2011 trở đi có trên 90% xã, phường vững mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy,

4. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn

4.1. Đẩy mạnh và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại: đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại gia đình là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, tạo nên những động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hoá từ nền kinh tế tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hoá theo hướng sản xuất lớn vận hành theo cơ chế thị trường, do đó cần có các giải pháp:

- Thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho các hộ gia đình nông dân theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm vừa đảm bảo điều kiện cho các chủ hộ tự chủ phát triển sản xuất hàng hoá, kết hợp xây nông thôn mới.

- Tạo điều kiện để các trang trại liên kết với các doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình để đưa nhanh những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; cung cấp cho các hộ các tư liệu sản xuất phù hợp với quy mô và trình độ sử dụng.

- Phát triển mạnh kinh tế trang trại làm hạt nhân để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; phát triển trang trại với quy mô phù hợp với trình độ, năng lực quản lý của các chủ trang trại; khuyến khích và tạo điều kiện để các trang trại nhỏ cùng loại hình gắn kết lại với nhau trong tổ chức tiêu thụ nông sản;

4.2. Phát triển kinh tế hợp tác:

- Đổi mới toàn diện phương thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; trong đó ưu tiên phát triển tổ hợp tác sản xuất, tổ hợp tác dịch vụ, tổ hợp tác tiêu thụ nông sản hàng hoá và tổ hợp tác liên hoàn các khâu của quá trình sản xuất đến tiêu thụ nông sản hàng hoá. Tổ hợp tác phải phát huy được hiệu quả kinh tế, có trình độ quản lý, nguồn lực (đất đai, tài sản, tín dụng, thị trường, …) đủ mạnh thì tự nguyện liên kết lại thành hợp tác xã.

- Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác không chạy theo số lượng, tập trung củng cố nâng cao chất lượng hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động; tăng cường vai trò của các đoàn thể trong vận động thành lập và hỗ trợ các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả.

- Quá trình xây dựng phát triển kinh tế hợp tác đối tượng ưu tiên vận động hàng đầu là những nông hộ có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, am hiểu về thị trường, khoa học kỹ thuật, …; khi hợp tác xã làm ăn có hiệu quả cần phát triển mở rộng thì mới vận động, bổ sung các đối tượng khác.

- Trong hoạt động kinh doanh hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, theo đó lựa chọn ngành nghề kinh doanh, sản xuất có hiệu quả, trong thời gian ngắn có lợi nhuận, có thu nhập, từ đó mở rộng ra các lĩnh vực tiềm năng khác; các lựa chọn ưu tiên của các hợp tác xã là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, tiêu thụ nông sản hàng hoá.

- Xây dựng một số mô hình hợp tác xã điểm, khép kín các khâu dịch vụ làm đất, cung ứng vật tư đến thu mua, liên doanh liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hàng hoá làm mô hình mẫu, rút kết kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

- Hỗ trợ cho các hợp tác xã về tín dụng, đào tạo cán bộ nòng cốt, cùng các chính sách khác theo quy định của Luật Hợp tác xã.

5. Phát triển nhanh, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn

5.1. Xây dựng và từng bước triển khai đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo và hướng dẫn của đề án “nông nghiệp công nghệ cao” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

5.2. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thoả đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ;

5.3. Xây dựng và thực hiện đề án tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ nông nghiệp khác ở nông thôn, xây dựng các vùng sản xuất cây, con an toàn, năng suất cao.

6. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn

- Tăng cường xã hội hoá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, quản lý điện, nước, giao thông, thủy lợi, chợ, ... thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, tham gia quản lý kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua hỗ trợ một phần kinh phí, miễn giảm thuế theo quy định.

- Tăng đầu tư từ ngân sách cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông dân theo kế hoạch và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; huy động từ nhiều nguồn hỗ trợ nông dân, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên xây dựng hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn phục vụ sản xuất. Trong thực hiện chú trọng lồng ghép các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Quan tâm giải quyết tốt vấn đề đất ở, nhà ở, việc làm cho người bị thu hồi đất; công tác đền bù giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội, cuộc sống của một bộ phận dân cư, do đó khi thực hiện công tác này cần phải được chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể phối hợp vận động, tuyên truyền, nhân dân đồng thuận, hạn chế khiếu kiện.

Trên sơ sở quy hoạch các dự án, công trình cần thực hiện, có kế hoạch hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước xây dựng các khu tái định cư tập trung để bố trí người bị thu hồi đất trước khi thực thu hồi đất, nhằm ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và lao động của người dân.

Ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo (học phí) cho các trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện, thành phố tổ chức đào tạo nghề cho các hộ dân nằm trong vùng dự án có đất bị thu hồi. Trong xây dựng các khu tái định cư cần chú trọng đến việc xây dựng ở các khu vực dễ tiếp cận việc làm như gần các khu, cụm tuyến, công nghiệp; xây dựng các công trình dịch vụ công cộng như: chợ, khu thương mại, ... để người dân có cơ hội tìm được việc làm thích hợp.

Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa trong toàn tỉnh, trong đó bao gồm các quy hoạch về sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng nội địa (đảm bảo an ninh lương thực); xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo quyền lợi người trồng lúa và đảm bảo diện tích lúa ở mức hợp lý.

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Thực hiện các chính sách khuyến khích cán bộ công chức tỉnh, huyện tăng cường về cơ sở giữ nguyên lương, phụ cấp (nếu có) và cộng thêm chi phí khuyến khích ở vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường nghiên cứu về các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết nhằm xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiệu quả và không vi phạm các quy định của WTO.

Tăng cường thực hiện các quy định của Nhà nước về tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu, đấu tranh chống đầu cơ, tích trữ, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, … bảo đảm lợi ích của người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng.

7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn

7.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng:

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

7.2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước:

- Củng cố, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực bộ máy (cụ thể là phòng chuyên môn, cán bộ công chức trực tiếp) quản lý nông nghiệp, nông thôn cấp huyện, xã và các lĩnh vực khác ở nông thôn trong việc cụ thể hoá và tham mưu tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, phường; thực hiện tốt phân cấp quản lý cho cấp dưới bên cạnh việc thực hiện tốt chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác ở cơ sở theo đúng quy định.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu nhân dân của cán bộ công chức;

7.3. Phát huy vai trò các đoàn thể:

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước và cán bộ công chức.

- Nâng cao năng lực hoạt động của Hội Nông dân, tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia các dự án, chương trình dạy nghề, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân; bổ sung chức năng, tăng cường đào tạo cán bộ hội nhằm giúp Hội Nông dân tham gia hướng dẫn các hình thức kinh tế hợp tác, hình thức liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.

- Tạo điều kiện để nhân dân tham gia ý kiến, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn; đối với những công trình, dự án có huy động sức dân thì sau khi hoàn thành cần công khai quyết toán theo quy định.

- Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra nhân dân cấp xã, phường.

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Về chỉ đạo thực hiện

- Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh;

- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện, thành phố. Riêng đối với cấp xã, phường, thị trấn thì tùy vào điều kiện thực tế, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn quyết định thành lập Ban chỉ đạo hoặc trực tiếp chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn mình phụ trách.

2. Triển khai, quán triệt: để thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong toàn thể đảng viên, cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ; Chương trình hành động số 201-CTr/TU ngày 07 tháng 11 năm 2008 của Tỉnh ủy Ninh Thuận; Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 201-CTr/TU của Tỉnh ủy và các chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước nhằm làm chuyển biến nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là trong hệ thống chính quyền cơ sở.

Các cấp chính quyền địa phương, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nông dân, cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

3. Nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn thực hiện Đề án: vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần tổng nguồn đầu tư rất lớn, phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó dựa trên nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ (gồm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, nguồn Trung ương đầu tư, vốn do các Bộ ngành trung ương quản lý…); ngân sách địa phương (như: nguồn thu thuế sử dung đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn vay Kho bạc, ...); nguồn vốn thu hút từ ODA, FDI, nguồn vốn của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và nguồn vốn huy động đóng góp của nhân dân. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện.

Tổng nguồn vốn và chi tiết cơ cấu nguồn sẽ được cụ thể trong các đề án, dự án, chương trình chi tiết của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình: mỗi huyện, thành phố chọn một xã trung bình khá làm điểm chỉ đạo và nhân rộng; xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại điểm chỉ đạo. Hằng năm có sơ, tổng kết quá trình thực hiện, đề ra phương hướng, giải pháp và kế hoạch nhân rộng mô hình trong thời gian tới; đảm bảo đến 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới theo quy định.

5. Nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các đoàn thể: các ngành, các cấp và các đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nội dung đề án và điều kiện thực tiễn nhanh chóng xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm, chương trình công tác nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung có liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn.

Triển khai xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án, chính sách … trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; kinh phí xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án, chính sách, … được ngân sách cấp theo quy định.

Hàng năm có sơ, tổng kết kết quả thực hiện, xây dựng kế hoạch thực hiện năm tiếp theo báo cáo về Ban chỉ đạo Chương trình các cấp vào cuối tháng 10 hằng năm.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

 

2. Số đơn vị nông, lâm nghiệp, thủy sản phân theo loại hình sản xuất

Phụ biểu 2

Hạng mục

2000

2010

Tổng số

 

 

- Doanh nghiệp

 

 

- Hợp tác xã

43

38

- Hộ

 

 

Trong đó: Trang trại

630

1221

1. Ngành nông nghiệp

 

 

- Doanh nghiệp

 

 

- Hợp tác xã

38

35

- Hộ

 

3152

Trong đó: Trang trại

420

552

2. Ngành lâm nghiệp

 

 

- Doanh nghiệp

 

 

- Hợp tác xã

 

 

- Hộ

 

 

Trong đó: trang trại

 

1

3. Ngành thủy sản

 

 

- Doanh nghiệp

 

 

- Hợp tác xã

5

1

- Hộ

 

 

Trong đó: trang trại

210

377

4. Nghề muối

 

 

- Doanh nghiệp Nhà nước

 

 

- Cơ sở NN trực thuộc

 

 

- Hợp tác xã diêm nghiệp

 

 

- Hộ diêm nghiệp

 

 

Trong đó: trang trại

 

 


I. Thực trạng nông thôn

Hạng mục

Đơn vị tính

Năm

Tăng giảm so với 2000

2000

2010

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1. Số thôn, hộ và lao động nông thôn

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

40.149

86.123

45.974

2.15

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

17.934

41.884

23.950

2.34

- Số xã

44

47

3

1.07

- Số thôn

thôn

208

252

44

1.21

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

1.178

2.078

900

1.76

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

2.065

3.056

991

1.48

- Số xã

4

1

-3

0.25

- Số thôn

thôn

16

5

-11

0.31

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

13.032

24.110

11.078

1.85

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

6.201

9.755

3.554

1.57

- Số xã

13

8

-5

0.62

- Số thôn

thôn

41

48

7

1.17

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

8.402

18.718

10.316

2.23

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

 

4.561

4.561

 

- Số xã

11

8

-3

-0.73

- Số thôn

thôn

43

44

1

1.02

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

 

11.759

11.759

 

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

 

5.642

5.642

 

- Số xã

 

8

8

 

- Số thôn

thôn

 

29

38

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

6.469

8.678

2.209

1.34

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

2.013

5.654

3.641

2.81

- Số xã

 

6

6

 

- Số thôn

thôn

29

29

0

1.00

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

8.878

15.357

6.479

1.73

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

5.623

8.654

3.031

1.54

- Số xã

7

7

0

1.00

- Số thôn

thôn

45

59

14

1.31

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Số hộ nông thôn

hộ

2.190

5.423

3.233

2.48

- Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

người

2.032

4.562

2.530

2.25

- Số xã

9

9

0

1.00

- Số thôn

thôn

34

38

4

1.12

2. Số xã, thôn có điện, số hộ sử dụng điện

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

44

47

3

1.07

- Tỷ lệ xã có điện

%

100

100

0

1.00

- Số thôn có điện

thôn

177

267

90

1.51

- Tỷ lệ thôn có điện

%

100

100

0

1.00

- Số hộ sử dụng điện

hộ

34.896

82.654

47.758

2.37

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

87

96

9

-1.10

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

1

1

0

1.00

- Tỷ lệ xã có điện

%

100

100

0

1.00

- Số thôn có điện

thôn

3

3

0

1.00

- Tỷ lệ thôn có điện

%

100

100

0

1.00

- Số hộ sử dụng điện

hộ

1.187

2.078

891

1.75

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

94

98

4

1.04

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

13

9

-4

0.69

- Tỷ lệ xã có điện

%

100

100

0

1.00

- Số thôn có điện

thôn

41

60

19

1.46

- Tỷ lệ thôn có điện

%

100

100

0

1.00

- Số hộ sử dụng điện

hộ

10.901

24.110

13.209

2.21

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

84

99

15

1.18

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

11

9

-2

0.82

- Tỷ lệ xã có điện

%

100

100

0

1.00

- Số thôn có điện

thôn

43

44

1

1.02

- Tỷ lệ thôn có điện

%

100

100

0

1.00

- Số hộ sử dụng điện

hộ

5.233

17.197

11.964

3.29

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

89

93

4

1.04

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

 

8

8

 

- Tỷ lệ xã có điện

%

 

100

100

 

- Số thôn có điện

thôn

 

29

29

 

- Tỷ lệ thôn có điện

%

 

100

100

 

- Số hộ sử dụng điện

hộ

 

11.759

11.759

 

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

 

90

90

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

6

6

0

1.00

- Tỷ lệ xã có điện

%

100

100

0

1.00

- Số thôn có điện

thôn

29

29

0

1.00

- Tỷ lệ thôn có điện

%

100

100

0

1.00

- Số hộ sử dụng điện

hộ

5.822

7.272

1.450

1.25

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

90

95

5

1.06

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

7

7

0

1.00

- Tỷ lệ xã có điện

%

100

100

0

1.00

- Số thôn có điện

thôn

45

64

19

1.42

- Tỷ lệ thôn có điện

%

100

100

0

1.00

- Số hộ sử dụng điện

hộ

10.724

15.357

4.633

1.43

- Tỷ lệ hộ sử dụng điện

%

95

96

1

1.01

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Số xã có điện

9

9

0

1.00

- Tỷ lệ xã có điện

%

100

100

0

1.00

- Số thôn có điện

thôn

16

38

22

2.38

- Tỷ lệ thôn có điện

%

47.06

100

53

2.12

- Số hộ sử dụng điện

hộ

1.029

4.695

3.666

4.56

.

%

47.00

4.880,70

4.834

103.84

3. Số lượng và chất lượng xây dựng trường tiểu học

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có trường tiểu học

trường

84

105

21

1.25

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

107

124

17

1.16

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

127

118

-9

0.93

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-23

-19

4

0.83

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-27

-18

9

0.66

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có trường tiểu học

trường

1

1

0

1.00

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

28

25

-3

0.89

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

4

6

2

1.50

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

400.00

600.00

200

1.50

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có trường tiểu học

trường

26

27

1

1.04

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

29

18

-11

0.62

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-3

9

12

-3.00

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-11.54

33.33

45

-2.89

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có trường tiểu học

trường

27

20

-7

0.74

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

27

22

-5

0.81

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

100

110.00

10

1.10

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

 

-2

-2

 

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

 

-10

-10

 

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có trường tiểu học

trường

 

19

19

 

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

 

100

100

 

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

 

12

12

 

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

 

158

158

 

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

 

7

7

 

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

 

37

37

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có trường tiểu học

trường

7

10

3

1.43

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

7

10

3

1.43

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

 

3

3

 

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

 

30

30

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có trường tiểu học

trường

11

15

4

1.36

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

100

100

0

1.00

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

8

22

14

2.75

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

72.73

146.67

74

2.02

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

3

 

-3

0.00

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

27

 

-27

0.00

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Huyen có trường tiểu học

trường

12

13

1

1.08

- Tỷ lệ xã có trường tiểu học

%

100.00

100.00

0

1.00

- Số trường tiểu học kiên cố

trường

8

15

7

1.88

- Tỷ lệ trường tiểu học kiên cố

%

66.67

115

49

1.73

- Số trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

4

1

-3

0.25

- Tỷ lệ trường tiểu học chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

33

8

-26

0.23

4. Số lượng và chất lượng xây dựng trường trung học cơ sở

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

31

42

11

1.35

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

100

100

0

1.00

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

31

42

11

1.35

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

100

100

0

1.00

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

3

0

-3

0.00

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

10

0

-10

0.00

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

0

0

0

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

1

1

0

1.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

66.70

66.70

0

1.00

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

4

1

-3

0.25

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

400

100

-300

0.25

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

 

 

0

 

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

0

 

0

 

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

10

10

0

1.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

100

100

0

1.00

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

8

8

0

1.00

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

80

100

20

1.25

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

2

 

-2

0.00

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

20

 

-20

0.00

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

9

9

0

1.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

100

100

0

1.00

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

7

7

0

1.00

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

78

100

22

1.29

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

2

 

-2

0.00

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

22

 

-22

0.00

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

 

5

5

 

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

 

63

63

 

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

 

6

6

 

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

 

75

75

 

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

 

 

0

 

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

 

 

0

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

 

6

6

 

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

 

100

100

 

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

 

6

6

 

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

 

100

100

 

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

 

 

0

 

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

 

 

0

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

6

6

0

1.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

75

100

25

1.33

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

6

6

0

1.00

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

75

100

25

1.33

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

 

 

 

 

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

 

 

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học cơ sở

trường

5

5

0

1.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở

%

56

100.00

44

1.80

- Số trường trung học cơ sở kiên cố

trường

6

9

3

1.50

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở kiên cố

%

120

100

-20

0.83

- Số trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-1

 

1

0.00

- Tỷ lệ trường trung học cơ sở chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-20

 

20

0.00

5. Số lượng và chất lượng xây dựng trường trung học phổ thông

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

5

10

5

2.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

11

21

10

1.87

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

5

10

5

2.00

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

11

21

10

1.87

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

2

4

2

2.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

15

50

35

3.25

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

2

3

1

1.50

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

15

50

35

3.25

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

2

2

2

1.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

18

18

18

1.00

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

2

2

2

1.00

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

18

18

18

1.00

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

1

3

2

3.00

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

14.29

42.86

29

3.00

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

1

3

2

3.00

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

14.29

42.86

29

3.00

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có trường trung học phổ thông

trường

 

1

1

 

- Tỷ lệ xã có trường trung học phổ thông

%

 

11.11

11

 

- Số trường trung học phổ thông kiên cố

trường

 

1

1

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông kiên cố

%

 

11.11

11

 

- Số trường trung học phổ thông bán kiên cố

trường

 

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông bán kiên cố

%

-

-

 

 

- Số trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

trường

-

-

 

 

- Tỷ lệ trường trung học phổ thông chưa xây kiên cố, bán kiên cố

%

-

-

 

 

6. Số xã có trường mẫu giáo, nhà trẻ

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

56

105

49

1.88

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

100

100

0

1.00

- Xã có nhà trẻ

nhà

26

40

14

1.54

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

59

85

26

1.44

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

1

4

3

4.00

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

100

100

0

1.00

- Xã có nhà trẻ

nhà

16

16

0

1.00

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

100

100

0

1.00

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

25

35

10

1.40

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

100

100

0

1.00

- Xã có nhà trẻ

nhà

5

7

2

1.40

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

38

88

49

2.28

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

18

21

3

1.17

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

100

100

0

1.00

- Xã có nhà trẻ

nhà

5

13

8

2.60

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

45

118

73

2.60

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

 

30

30

 

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

 

100

100

 

- Xã có nhà trẻ

nhà

 

4

4

 

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

 

50

50

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

12

15

3

1.25

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

100

100

0

1.00

- Xã có nhà trẻ

nhà

-

-

 

 

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

-

-

 

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

21

21

 

 

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

-

100

 

 

- Xã có nhà trẻ

nhà

-

-

 

 

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

-

-

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có trường mẫu giáo

trường

 

20

20

 

- Tỷ lệ xã có trường mẫu giáo

%

 

100

100

 

- Xã có nhà trẻ

nhà

 

1

1

 

- Tỷ lệ xã có nhà trẻ

%

 

11.11

11

 

7. Số xã có điểm bưu điện văn hoá, nhà văn hoá, thư viện

 

 

 

0

 

Toàn tỉnh

 

 

 

0

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

19

52

33

2.74

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

43

111

67

2.56

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

2

28

26

14.00

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

5

25

21

5.59

- Xã có thư viện

TV

3

4

1

1.33

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

7

9

2

1.25

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

1

1

0

1.00

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

25

100

75

4.00

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

0

0

0

 

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

0

0

0

 

- Xã có thư viện

TV

1

1

0

1.00

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

25

100

75

4.00

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

2

11

9

5.50

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

15

138

122

8.94

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

1

6

5

6.00

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

8

75

67

9.75

- Xã có thư viện

TV

1

2

1

2.00

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

8

25

17

3.25

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

5

10

5

2.00

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

45

125

80

2.75

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

1

2

1

2.00

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

9

25

16

2.75

- Xã có thư viện

TV

1

1

0

1.00

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

9

13

3

1.38

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

 

7

7

 

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

 

88

88

 

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

 

4

4

 

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

 

50

50

 

- Xã có thư viện

TV

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

 

 

 

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

5

6

1

1.20

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

83

100

17

1.20

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

 

6

 

 

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

 

 

 

 

- Xã có thư viện

TV

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

 

 

 

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

2

8

6

4.00

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

29

100

71

3.50

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

 

4

 

 

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

 

 

 

 

- Xã có thư viện

TV

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

 

 

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có điểm bưu điện văn hoá xã

4

9

5

2.25

- Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá xã

%

44

100

56

2.25

- Xã có nhà văn hoá xã

VH

 

6

6

 

- Tỷ lệ xã có nhà văn hoá xã

%

 

55.56

55.56

 

- Xã có thư viện

TV

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có thư viện

%

 

 

 

 

8. Số trụ sở xã, số hộ có máy điện thoại

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

7.686

16.085

8.399

2.09

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

100

100

0

1.00

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

86.700

282.748

196.048

3.26

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

148

238

90

1.61

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

2

20

18

10.00

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

100

100

0

1.00

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

2.653

2.000

-653

0.75

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

14

7.6

-6

0.56

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

4.880

8.692

3.812

1.78

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

100

100

0

1.00

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

53.621

151.878

98.257

2.83

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

411

592

181

1.44

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

2.561

4.561

2.000

1.78

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

100

100

0

1.00

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

27.747

78.698

50.951

2.84

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

330

467

137

1.41

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

 

2.338

2.338

 

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

 

100

100

 

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

 

40.865

40.865

 

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

 

152

152

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

133

268

135

2.02

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

100

100

0

1.00

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

1.574

5.031

3.457

3.20

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

34

59

26

1.76

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

98

153

55

1.56

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

296

484

188

1.64

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

842

2.579

1.737

3.06

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

9

28

18

2.93

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

Máy

12

53

41

4.42

- Tỷ lệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã có điện thoại

%

100

100

0

1.00

- Số hộ có máy điện thoại

Máy

263

1.697

1.434

6.45

- Tỷ lệ hộ có máy điện thoại

%

12

33.22

21

2.77

9. Số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

123

299

176

2.43

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

211

400

189

1.89

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

59

90

31

1.53

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

86

100

14

1.16

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

9

27

18

3.00

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

 

 

 

 

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

23

62

39

2.70

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

 

 

 

 

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

 

36

36

 

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

 

100

100

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

0

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

17

29

12

1.71

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

58.60

100

41

1.71

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

4

 

-4

0.00

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

 

 

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

Cái

11

55

44

5.00

- Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn

%

66.67

100

33

1.50

10. Số xã có trạm y tế, số bác sĩ

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

39

47

8

1.21

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

89

100

11

1.13

- Số bác sĩ

BS

24

32

8

1.33

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

2

5

3

2.50

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

4

1

-3

0.25

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

100

100

0

1.00

- Số bác sĩ

BS

 

 

 

 

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

 

 

 

 

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

13

8

-5

0.62

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

100

100

0

1.00

- Số bác sĩ

BS

 

4

4

 

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

12

21

9

1.75

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

7

8

1

1.14

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

100

100

0

1.00

- Số bác sĩ

BS

3

4

1

1.33

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

 

 

 

 

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

 

8

8

 

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

 

100

100

 

- Số bác sĩ

BS

 

10

10

 

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

 

0.5

1

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

4

6

2

1.50

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

66.70

100

33

1.50

- Số bác sĩ

BS

1

6

5

6.00

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

3

3

0

1.00

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

7

7

0

1.00

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

78

100

22

1.28

- Số bác sĩ

BS

16

 

-16

0.00

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

 

 

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có trạm y tế

Trạm

4

9

5

2.25

- Tỷ lệ xã có trạm y tế

%

44.44

100

56

2.25

- Số bác sĩ

BS

4

8

4

2.00

- Số bác sĩ trên 1000 dân

BS

 

 

 

 

11. Số xã có chợ

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

45

69

24

1.53

- Tỷ lệ xã có chợ

%

102

147

45

1.44

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

3

4

1

1.33

- Tỷ lệ xã có chợ

%

75

400

325

5.33

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

22

26

4

1.18

- Tỷ lệ xã có chợ

%

169

325

156

1.92

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

11

20

9

1.82

- Tỷ lệ xã có chợ

%

2

2

0

1.00

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

 

7

7

 

- Tỷ lệ xã có chợ

%

 

60

60

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

3

3

0

1.00

- Tỷ lệ xã có chợ

%

50

50

0

1.00

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

6

8

2

1.33

- Tỷ lệ xã có chợ

%

86

114

29

1.33

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có chợ

Chợ

 

1

1

 

- Tỷ lệ xã có chợ

%

 

11.11

11

 

- Số chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng

Chợ

 

1

1

 

12. Số cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

12

17

5

1.42

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

27

36

9

1.33

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

11

23

12

2.09

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

8

30

22

3.75

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

23

129

106

5.61

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

6

9

3

1.50

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

 

 

0

 

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

2

2

 

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

 

21

21

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

0

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

0

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

 

103

103

 

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

0

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

6

7

1

1.17

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

6

3

-3

0.50

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

 

 

 

 

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

1

1

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

11

18

7

1.64

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

2

6

4

3.00

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

23

26

3

1.13

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

1

1

 

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

 

 

 

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

 

 

 

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

 

 

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

-  Xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến nông sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến nông sản

Cơ sở

 

2

2

 

- Xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

Cơ sở

 

 

0

 

- Tỷ lệ xã có cơ sở chuyên chế biến lâm sản

%

 

 

 

 

- Tỷ lệ xã có hộ chuyên chế biến thủy sản

%

 

 

 

 

- Số cơ sở chuyên chế biến thủy sản

Cơ sở

 

 

 

 

14. Số làng nghề, số hộ và lao động tham gia làng nghề

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

1

3

2

3.00

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

2

6

4

2.81

- Số làng nghề hiện có

LN

11

6

-5

0.55

- Số làng nghề truyền thống

LN

14

13

-1

0.93

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

1.193

813

-380

0.68

- Số người tham gia thường xuyên

Người

2.140

2.020

-120

0.94

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

 

 

 

 

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

 

 

 

 

- Số làng nghề hiện có

LN

1

1

0

1.00

- Số làng nghề truyền thống

LN

1

1

0

1.00

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

10

10

0

1.00

- Số người tham gia thường xuyên

Người

20

20

0

1.00

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

 

2

2

 

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

 

 

 

 

- Số làng nghề hiện có

LN

4

4

0

1.00

- Số làng nghề truyền thống

LN

4

4

0

1.00

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

670

740

70

1.10

- Số người tham gia thường xuyên

Người

1.440

1.640

200

1.14

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

1

1

0

 

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

9.09

9

0

 

- Số làng nghề hiện có

LN

5

6

1

 

- Số làng nghề truyền thống

LN

1

9

8

 

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

450

513

63

 

- Số người tham gia thường xuyên

Người

320

680

360

 

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

 

 

 

 

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

 

 

 

 

- Số làng nghề hiện có

LN

 

 

 

 

- Số làng nghề truyền thống

LN

 

 

 

 

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

 

 

 

 

- Số người tham gia thường xuyên

Người

 

 

 

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

 

 

 

 

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

 

 

 

 

- Số làng nghề hiện có

LN

 

 

 

 

- Số làng nghề truyền thống

LN

 

 

 

 

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

 

 

 

 

- Số người tham gia thường xuyên

Người

 

 

 

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

 

 

 

 

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

 

 

 

 

- Số làng nghề hiện có

LN

 

 

 

 

- Số làng nghề truyền thống

LN

 

 

 

 

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

 

 

 

 

- Số người tham gia thường xuyên

Người

 

 

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Xã có làng nghề

LN

 

 

 

 

- Tỷ lệ số xã có làng nghề

%

 

 

 

 

- Số làng nghề hiện có

LN

 

 

 

 

- Số làng nghề truyền thống

LN

 

 

 

 

- Số hộ tham gia thường xuyên

Hộ

 

 

 

 

- Số người tham gia thường xuyên

Người

 

 

 

 

15. Những thay đổi về hệ thống giao thông nông thôn

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Số xã có đường ô tô đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã

 

 

47

47

 

- Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã

 

 

100

100

 

- Số xã có đường liên thôn được nhựa/bêtông hoá

 

 

15

15

 

- Tỷ lệ xã có đường liên thôn được nhựa/bêtông hoá

 

 

32

32

 

- Số km đường liên xã

 

 

46

46

 

- Số km đường liên huyện

 

 

13

13

 

- Số km đường liên thôn

 

 

14

14

 

17. Thủy lợi

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

1.114

1.114

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

280

280

 

- Chiều dài kênh mương chưa kiên cố hoá

Km

 

834

834

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS bình quân 1 xã

Trạm

 

3

3

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

Trạm

 

44

44

 

A. Thành phố Phan Rang - tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

 

 

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

Trạm

 

2

 

 

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

 

 

 

- Tỷ lệ  kênh mương kiên cố hoá

%

 

 

 

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

Trạm

 

16

 

 

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

 

 

 

- Tỷ lệ  kênh mương kiên cố hoá

%

 

 

 

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

Trạm

 

2

 

 

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

 

 

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

Trạm

 

13

 

 

E. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

 

 

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

trạm

 

9

 

 

F. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

 

 

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

trạm

 

3

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương thủy lợi do xã/hợp tác xã quản lý

Km

 

 

 

 

- Chiều dài kênh mương kiên cố hoá

Km

 

 

 

 

- Số trạm bơm nước phục vụ sản xuất NLTS trên địa bàn xã

Trạm

 

1

 

 

18. Nhà ở dân cư

 

 

 

0

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

5.904

4.616

-1.288

0.78

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

1.337

76.779

75.442

57.43

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

12.824

39.129

26.305

3.05

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

1.800

106

-1.694

0.06

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

 

2.014

2.014

 

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

 

1.802

1.802

 

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

976

872

-104

0.89

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

 

22.102

22.102

 

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

7.862

19.234

11.372

 

C. Huyện Ninh Hải

 

.

 

 

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

281

405

124

1.44

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

1.337

18.008

16.671

13.47

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

4.743

11.202

6.459

2.36

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

 

432

432

 

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

 

9.996

9.996

 

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

 

2.092

2.092

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

0

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

 

630

630

 

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

 

6.861

6.861

 

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

 

2.756

2.756

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

 

1.248

 

 

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

 

13.950

 

 

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

 

 

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

- Số hộ có nhà tạm, dột nát

hộ

2.847

923.00

-1.924

0.32

- Số hộ có ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng

hộ

 

3.848

 

 

- Số hộ có nhà vệ sinh

hộ

219

2.043

1.824

9.33

19. Hộ nghèo

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

13.688

20.284

6.596

1.48

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

5.123

2.439

-2.684

0.48

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

3.099

3.688

589

1.19

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

1.519

2.067

548

1.36

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

 

1.567

1.567

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

2.458

2.045

-413

0.83

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

 

4.860

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

Tổng số hộ nghèo

hộ

1.489

3.618

2.129

2.43

20. Thu nhập

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

đồng/người

 

6,3 tr

 

 

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

đồng/người

 

14,4 tr

 

 

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

đồng/người

 

7,980 tr

 

 

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

đồng/người

 

4,110 tr

 

 

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

đồng/người

 

7,880 tr

 

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

 

 

6,8800 tr

 

 

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

 

 

5,100 tr

 

 

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

đồng/người

 

3,950 tr

 

 

II. Thực trạng nông nghiệp

1. Số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu

Phụ biểu 1

Hạng mục

Theo loại hình

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp Nhà nước

Hợp tác xã

Hộ

(trang trại)

2000

2010

2000

2010

2000

2010

2000

2010

Máy kéo lớn (từ 35CV trở lên)

6

20

4

16

2

15

219

63

Máy kéo trung (trên 12 CV đến dưới 35CV)

7

18

6

17

4

17

40

122

Máy kéo nhỏ (từ 12 CV trở xuống )

10

16

15

20

6

20

35

88

Ôtô (tổng số)

 

22

 

 

 

 

19

187

Động cơ điện

2

5

7

24

6

18

1020

1526

Động cơ chạy xăng, dầu diezen

13

165

15

29

16

32

1.890

6.535

Máy phát điện

7

10

20

36

7

15

2

9

Máy tuốt lúa có động cơ

1

151

 

 

 

3

13

76

Lò, máy sấy sản phẩm nông, lâm thủy sản

7

5

 

 

 

 

3

15

Máy chế biến lương thực

4

8

 

 

 

 

21

46

Máy chế biến gỗ

 

3

 

 

 

 

4

28

Bình phun thuốc trừ sâu có động cơ

25

43

 

 

 

 

505

2060

Máy bơm nước dùng cho sản xuất nông lâm thủy sản

180

135

 

 

 

 

1944

4128

Máy chế biến thức ăn gia súc

 

 

 

 

 

 

9

18

Máy chế biến thức ăn thủy sản

 

 

 

 

 

 

 

3

Tàu, thuyền xuống vận tải (hàng hoá, hành khách)

10

25

 

 

 

 

 

 

có động cơ

20

25

 

 

 

 

 

 

Tàu thuyền, xuống đánh bắt thủy sản có động cơ

15

348

 

 

 

 

469

965

Tàu thuyền dịch vụ thủy sản có động cơ

10

20

 

 

 

 

 

10

 

3. Số lượng và cơ cấu hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản phân theo loại hình sản xuất năm 2010

Phụ biểu 3

Hạng mục

Tổng số hợp tác xã

Chia ra

Thành lập mới

Chuyển đổi

Số lượng

(hợp tác xã)

Tỷ lệ

%

Số lượng

(hợp tác xã)

Tỷ lệ

%

- Hợp tác xã nông nghiệp

38

13

34.21

25

65.79

- Hợp tác xã lâm nghiệp

 

 

 

 

 

- Hợp tác xã thủy sản

1

 

 

1

100

- Hợp tác xã diêm nghiệp

 

 

 

 

 

 

4. Kết quả sản xuất kinh doanh của HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2010

Phụ biểu 4

ĐVT: ngàn đồng

Hạng mục

Doanh thu thuần

Lợi nhuận thuần

Tổng lợi nhuận trước thuế

Tổng lợi nhuận sau thuế

Tổng số

Trong đó:

từ dịch vụ xã viên

- Hợp tác xã nông nghiệp

 

59.416.8

38.620.9

 

3.530.200.0

- Hợp tác xã lâm nghiệp

 

 

 

 

 

- Hợp tác xã thủy sản

 

226.500.0

16.700.0

 

12.000.0

- Hợp tác xã diêm nghiệp

 

 

 

 

 

 

5. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2010

Phụ biểu 5

ĐVT: triệu  đồng

Hạng mục

Tổng thu

Giá trị sản phẩm và dịch vụ NLNTS

Thu nhập trước thuế

Số thuế đã nộp cho Nhà nước

Tổng số

Trong đó thu từ NLNTS

1. Chia theo loại hình trang trại

95.754.10

95.754.10

91.456.50

25.981.30

 

- Cây hàng năm

3.744.30

3.744.30

3.642.90

1.593.20

 

- Cây công nghiệp lâu năm

587.30

587.30

562.70

283.30

 

- Chăn nuôi

32.276.50

32.276.50

29.595.60

14.145.50

 

- Lâm nghiệp

10.00

10.00

10.00

6.20

 

- Nuôi trồng thủy sản

56.888.90

56.888.90

55.628.20

9.196.80

 

 

2.247.10

2.247.10

2.017.10

756.30

 

III. Thực trạng nông dân và dân cư nông thôn

HẠNG MỤC

Đơn vị tính

Năm

Tăng giảm so với 2000

2000

2010

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1. Hộ nông thôn phân theo ngành nghề

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

86.123

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

38.252

39.410

1.158

1.03

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

3.203

25.997

22.794

8.12

c) Hộ dịch vụ

Hộ

7.195

20.716

13.521

2.88

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

1.094

1.094

0

1.00

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

1.636

735

-901

0.45

c) Hộ dịch vụ

Hộ

4.710

249

-4.461

0.05

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

13.494

10.199

-3.295

0.76

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

48

8.533

8.485

177.77

c) Hộ dịch vụ

Hộ

85

5.397

5.312

63.49

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

5.023

7.487

2.464

1.49

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

450

5.615

5.165

12.48

c) Hộ dịch vụ

Hộ

123

5.615

5.492

45.65

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

 

6.362

6.362

 

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

 

2.716

2.716

 

c) Hộ dịch vụ

Hộ

 

2.681

2.681

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

5.677

1.354

-4.323

0.24

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

476

5.398

4.922

11.34

c) Hộ dịch vụ

Hộ

140

1.927

1.787

13.76

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

8.878

9.368

490

1.06

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

586

2.918

2.332

4.98

c) Hộ dịch vụ

Hộ

1.937

3.070

1.133

1.58

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ

4.086

3.547

-539

0.87

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

Hộ

7

81

74

11.57

c) Hộ dịch vụ

Hộ

200

1.795

1.595

8.98

2. Cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

64.65

47.29

-17.36

0.73

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

5.41

25.51

20.10

4.71

c) Hộ dịch vụ

%

12.16

27.20

15.04

2.24

A. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

62.61

5.52

-57

0.09

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

9.64

3.71

-6

0.39

c) Hộ dịch vụ

%

27.75

40.02

12

1.44

B. Huyện Ninh Phước

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

98.71

53.80

-44.91

0.54

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

0.35

45.01

44.66

128.18

c) Hộ dịch vụ

%

0.62

28.47

27.85

45.78

C. Huyện Ninh Hải

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

86.37

42.30

-44.07

0.49

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

7.74

35.39

27.65

4.57

c) Hộ dịch vụ

%

2.11

22.31

20.20

10.55

D. Huyện Thuận Nam

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

 

54.10

54.10

 

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

 

23.10

23.10

 

c) Hộ dịch vụ

%

 

22.80

22.80

 

E. Huyện Thuận Bắc

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

87.76

15.60

-72.16

0.18

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

7.36

62.20

54.84

8.45

c) Hộ dịch vụ

%

2.16

22.20

20.04

10.26

F. Huyện Ninh Sơn

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

74.39

61.00

-13.39

0.82

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

4.91

19.00

14.09

3.87

c) Hộ dịch vụ

%

16.23

20.00

3.77

1.23

G. Huyện Bác Ái

 

 

 

 

 

a) Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản

%

95.18

65.40

-29.78

0.69

b) Hộ công nghiệp và xây dựng

%

0.16

1.50

1.34

9.20

c) Hộ dịch vụ

%

4.66

33.10

28.44

7.10

3. Số người trong độ tuổi lao động phân theo trình độ

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

41.844

 

 

- Số lao động thông qua đào tạo nghề dài hạn cấp bằng cao đẳng, trung cấp.

 

2.094

 

 

- Số lao động thông qua đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ nghề sơ cấp.

 

4.135

 

 

- Số lao động có trình độ đại học

 

838

 

 

- Số lao động chưa qua đào tạo

 

34.817

 

 

4. Số người trong độ tuổi lao động phân theo trình độ dân trí lao động nông thôn 

 

 

 

Toàn tỉnh

 

 

41.884

 

 

- Số lao động nông thôn tốt nghiệp cấp 1

 

20.942

 

 

- Số lao động nông thôn tốt nghiệp cấp 2

 

12.565

 

 

- Số lao động nông thôn tốt nghiệp cấp 3

 

6.282

 

 

- Số lao động không biết chữ

 

2.095

 

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 47/2011/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu47/2011/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành16/09/2011
Ngày hiệu lực26/09/2011
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật13 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 47/2011/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu47/2011/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Ninh Thuận
                Người kýTrần Xuân Hoà
                Ngày ban hành16/09/2011
                Ngày hiệu lực26/09/2011
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLĩnh vực khác
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật13 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân

                  • 16/09/2011

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 26/09/2011

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực