Nội dung toàn văn Quyết định 471-LN/QĐ thành lập Trạm phúc kiểm lâm sản Hà Nội
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 471-LN/QĐ | Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 1971 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP TRẠM PHÚC KIỂM LÂM SẢN HÀ NỘI
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Căn cứ vào Nghị định số 140-CP ngày 29-09-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Lâm nghiệp.
Xét yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác, mua bán, chuyên chở, tàng trữ lâm sản trái phép trong khi Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội chưa có điều kiện tổ chức và quản lý công tác phúc kiểm lâm sản.
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục bảo vệ rừng và sau khi có sự thỏa thuận của Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội tại công văn số 153-VP ngày 09-03-1971.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay thành lập Trạm phúc kiểm lâm sản Hà Nội.
Điều 2. - Trạm phúc kiểm lâm sản có nhiệm vụ:
1. Kiểm tra và kiểm tra lại việc vận chuyển lâm sản và chim thú rừng trên đường sông, đường bộ, đường sắt, phối hợp với cơ quan công an địa phương để kiểm soát các lâm sản tàng trữ trái phép tại Hà Nội.
2. Thực hiện việc thu tiền bán khoán lâm sản, tiền phạt, tiền bán các lâm sản tịch thu và nộp tiền cho cơ quan tài chính theo đúng các chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước và các quy định của Tổng cục.
3. Bảo vệ và bảo quản tốt những lâm sản bắt giữ và thực hiện việc giao lại các lâm sản đó cho cơ quan vật tư lâm sản hoặc cơ quan thương nghiệp để phân phối cho các nhu cầu theo đúng các chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý vật tư lâm sản, chính sách giá cả và các thủ tục hiện hành khác.
4. Phát hiện và tổng hợp báo cáo với Tổng cục tình hình những vụ vi phạm luật lệ bảo vệ rừng hoặc những thiếu sót về thủ tục thu tiền bán khoán lâm sản, cấp giấy phép khai thác vận chuyển lâm sản v.v… của các đơn vị lâm nghiệp thuộc ngành và của các cấp, các ngành khác nhằm giúp Tổng cục chỉ đạo tốt công tác này đối với các địa phương và cơ sở.
5. Quản lý và sử dụng tốt các mặt lao động, vật tư, tài sản, kinh phí v.v… của Trạm, chống tham ô lãng phí.
Điều 3. - Trạm phúc kiểm lâm sản có quyền hạn sau đây:
1. Được yêu cầu người điều khiển các phương tiện chuyên chở lâm sản trên đường sông, đường bộ cập bến và dừng lại để thực hiện những nhiệm vụ của Trạm được quy định ở điều 2 trên, được phép kiểm tra việc vận chuyển lâm sản trên đường sắt.
2. Được lập biên bản để xử lý và trình lên cấp trên xử lý các vụ vi phạm thể lệ bảo vệ rừng và quản lý vật tư lâm sản, bắt giữ các tang vật phạm pháp theo đúng luật pháp của Nhà nước và trong phạm vi quyền hạn đã được Tổng cục quy định.
Điều 4. - Trạm phúc kiểm lâm sản có một trạm trưởng phụ trách và một số cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ giúp việc theo đúng chỉ tiêu biên chế đã được Tổng cục phân bổ.
Trạm phúc kiểm lâm sản được mở tài khoản tại ngân hàng, được sử dụng dấu riêng để giao dịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Kinh phí và lương cán bộ, công nhân viên của Trạm thuộc kinh phí sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng đài thọ.
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, lề lối làm việc, quan hệ công tác của Trạm phúc kiểm lâm sản do ông Cục trưởng Cục bảo vệ rừng xây dựng trình Tổng cục trưởng quyết định.
Điều 5. – Ông Cục trưởng Cục bảo vệ rừng có trách nhiệm giúp Tổng cục chỉ đạo Trạm phúc kiểm lâm sản về các mặt chính sách, chế độ, thể lệ, nghiệp vụ về phúc kiểm lâm sản: quản lý tổ chức, biên chế, chính trị, tư tưởng v.v…. để Trạm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 6. – Các ông Cục trưởng Cục bảo vệ rừng. Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, lao động tiền lương, các ông thủ trưởng các Vụ, Cục có liên quan và ông trạm trưởng Trạm phúc kiểm lâm sản chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP |