Quyết định 48/2001/QĐ-BTC mức thu phí, lệ phí hàng hải đã được thay thế bởi Quyết định 62/2003/QĐ-BTC Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với tàu thuỷ vận tải nội địa và phí, lệ phí hàng hải đặc biệt và được áp dụng kể từ ngày 15/05/2003.
Nội dung toàn văn Quyết định 48/2001/QĐ-BTC mức thu phí, lệ phí hàng hải
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2001/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 48/2001/QĐ/BTC NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ HÀNG HẢI
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ban hành ngày 30/6/1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước;
Sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (công văn số 672/GTVT-TCKT ngày 12/3/2001) và theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này biểu mức thu phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải, phí neo đậu và sử dụng cầu bến, lệ phí thủ tục quản lý nhà nước (gọi chung là phí, lệ phí hàng hải), bao gồm:
1. Phí, lệ phí hàng hải đối với tàu thuỷ vận tải quốc tế (Phụ lục số 1).
Riêng mức thu phí trọng tải và phí đảm bảo hàng hải kể từ ngày 1/1/2002 trở đi bằng 85% mức thu quy định tương ứng tại mục I, mục II Phụ lục số 1 ban hành kèm theo quyết định này.
2. Phí, lệ phí hàng hải đối với tàu thuỷ vận tải nội địa (Phụ lục số 2).
3. Phí, lệ phí hàng hải đặc biệt (Phụ lục số 3).
4. Phí, lệ phí hàng hải tại phân cảng xuất dầu thô (trạm rót dầu không bến) và các cảng chuyên dùng phục vụ dầu khí (Phụ lục số 4).
Riêng mức thu phí trọng tải và phí đảm bảo hàng hải kể từ ngày 1/1/2002 trở đi bằng 85% mức thu quy định tương ứng tại mục I phần B, mục I và mục II Phần C, Phụ lục số 4 ban hành kèm theo quyết định này.
Điều 2: Căn cứ xác định số tiền phí, lệ phí hàng hải phải nộp là mức thu quy định tại Điều 1 Quyết định này tính theo tổng dung tích (GT), công suất máy chính (CV) của tàu thuỷ, thời gian (giờ), khối lượng hàng hoá (tấn hoặc m3), khoảng cách (hải lý), cụ thể như sau:
1. Tổng dung tích (GT):
a) Đối với tàu thuỷ chở hàng (trừ tàu chở dầu) là GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận dung tích do cơ quan đăng kiểm có thẩm quyền cấp.
b) Đối với tàu thuỷ chở dầu là 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận dung tích.
c) Đối với tàu thuỷ chở khách trọng tải tính phí bằng 50% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận dung tích.
d) Tàu thuỷ không ghi GT xác định như sau:
- Tàu thuỷ chở hàng: 1,5 tấn trọng tải đăng ký tính bằng 1 GT.
- Tàu kéo, tàu đẩy: 1 mã lực tính bằng 0,5 GT.
- Sà lan : 1 tấn trọng tải đăng ký tính bằng 1 GT.
đ) Đối với tàu thuỷ là đoàn sà lan tàu kéo (hoặc tàu đẩy) là tổng số GT của cả đoàn sà lan và tàu kéo (tàu đẩy).
2. Đơn vị công suất máy là mã lực (CV), phần lẻ dưới 1CV tính tròn 1CV.
3. Đơn vị thời gian: 24 giờ bằng 1 ngày, nếu lẻ 12 giờ trở xuống tính bằng 1/2 ngày, lẻ trên 12 giờ tính tròn 1 ngày; 60 phút bằng 1 giờ, lẻ 30 phút trở xuống tính bằng 1/2 giờ, lẻ trên 30 phút tính tròn 1 giờ.
Thời gian làm việc hàng ngày quy định từ 7 giờ đến 17 giờ. Trường hợp, làm việc ngoài giờ quy định tại điểm này (riêng các ngày lễ, tết theo chế độ quy định tính cả ngày) thì lệ phí thủ tục được thu tăng 10% so với mức thu quy định.
4. Khối lượng hàng hoá (kể cả bao bì) tính bằng tấn hoặc mét khối (m3), phần lẻ dưới 0,5 tấn hoặc dưới 0,5 m3 không tính, từ 0,5 tấn hoặc 0,5 m3 trở lên tính tròn 1 tấn hoặc 1 m3. Đối với vận đơn lẻ, khối lượng tối thiểu để tính cước là 1 tấn hoặc 1 m3/vận đơn. Đối với hàng hoá mỗi tấn chiếm từ 1,5 m3 trở lên thì cứ 1,5 m3 tính 1 tấn.
5. Khoảng cách tính phí là hải lý, phần lẻ chưa đủ 1 hải lý tính tròn 1 hải lý. Riêng đơn vị tính phí cầu bến tàu thuỷ là mét (m); Phần lẻ chưa đủ mét tính tròn là 1m
6. Đồng tiền thu phí, lệ phí hàng hải là loại tiền quy định tương ứng tại biểu mức thu phí, lệ phí. Cơ quan thu phí, lệ phí hàng hải bằng loại tiền nào thì phải nộp vào ngân sách nhà nước bằng loại tiền đó. Trường hợp phải quy đổi từ tiền đô la Mỹ ra tiền Việt Nam thì quy đổi theo tỷ giá mua bán bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.
Điều 3: Các từ ngữ nêu tại Quyết định này được hiểu như sau:
1. Vận tải quốc tế là vận tải hàng hoá, hành khách từ cảng Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài đến cảng Việt Nam, bao gồm cả vận tải quá cảnh Việt Nam và vận tải ra hoặc vào khu chế xuất.
2. Vận tải nội địa là vận tải hàng hoá, hành khách giữa các cảng Việt Nam.
3. Tàu thuỷ, bao gồm tàu biển, tàu sông và các loại tàu, thuyền, phương tiện khác (không phân biệt có động cơ hay không có động cơ) vào, rời cảng biển Việt Nam.
4. Hàng hoá nguy hiểm độc hại là hàng hoá có tính độc hại gây nguy hiểm cho người và môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc công nhận.
5. Người vận tải là người dùng tàu thuỷ thuộc sở hữu của mình hoặc thuê tàu thuỷ thuộc sở hữu của người khác để thực hiện dịch vụ vận tải hàng hoá, hành khách.
6. Người được uỷ thác là tổ chức, cá nhân được chủ hàng hoặc người vận tải uỷ quyền.
7. Các khu vực cảng được phân chia như sau:
- Khu vực 1 gồm các cảng từ vĩ tuyến 20 trở lên phía Bắc.
- Khu vực 2 gồm các cảng từ vĩ tuyến 11,5 đến vĩ tuyến 20.
- Khu vực 3 gồm các cảng từ vĩ tuyến 11,5 trở vào phía Nam.
Điều 4: Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải và bảo đảm hàng hải có trách nhiệm tổ chức thu phí, lệ phí hàng hải (dưới đây gọi chung là cơ quan thu) theo đúng quy định tại Quyết định này.
1. Cơ quan thu phí, lệ phí hàng hải được trích một phần theo tỷ lệ (%) trên tổng số tiền phí, lệ phí thực thu được trước khi nộp ngân sách nhà nước để chi phí bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải và việc tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định sau đây:
a) Phí trọng tải, phí neo đậu, lệ phí thủ tục quản lý nhà nước: 25 % trên tổng số tiền phí trọng tải, phí neo đậu và lệ phí thủ tục thực thu được.
b) Phí đảm bảo hàng hải: 90% tổng số tiền phí bảo đảm hàng hải thực thu được.
Việc quản lý sử dụng số tiền phí, lệ phí được trích theo quy định tại tiết a, b điểm này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Tổng số tiền thu phí, lệ phí hàng hải thực thu được trong kỳ, sau khi trừ số tiền được trích theo tỷ lệ quy định tại điểm 1 nêu trên, số còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước địa phương nơi phát sinh nguồn thu theo chương, loại, khoản tương ứng, mục 040 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 5: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2001. Các quy định về phí, lệ phí hàng hải (cảng biển) trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 6: Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp phí, lệ phí, Cơ quan tổ chức thu phí, lệ phí hàng hải và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Vũ Văn Ninh (Đã ký) |
|
PHỤ LỤC 1:
PHÍ, LỆ PHÍ HÀNG HẢI ĐỐI VỚI TÀU THUỶ VẬN TẢI QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2001/QĐ/BTC ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
A/ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Đối tượng áp dụng biểu phí này là các tổ chức, cá nhân có tàu thuỷ hoạt động vận tải hàng hoá, hành khách từ Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam, vận tải quá cảnh Việt Nam và vận tải ra hoặc vào khu chế xuất (gọi chung là vận tải quốc tế) thực tế vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải hoặc vùng nước thuộc các cảng biển Việt Nam.
B/ MỨC THU:
I- Phí Trọng tải:
1. Mức thu phí trọng tải:
a) Lượt vào: 0,085 USD/GT.
b) Lượt rời: 0,085 USD/GT.
2. Một số trường hợp được áp dụng mức thu theo quy định sau đây:
a) Đối với một chuyến tàu thuỷ vào, rời nhiều cảng biển Việt Nam áp dụng mức thu như sau:
a1- Cảng thứ nhất thu theo mức thu quy định tại điểm 1 mục này.
a2- Từ cảng thứ 2 trở đi (không cùng 1 đơn vị cảng vụ quản lý) thu bằng 50% mức thu quy định tại điểm 1 mục này. Riêng các cảng từ cảng thứ 2 trở đi trong cùng 1 khu vực cảng vụ quản lý không thu phí.
b) Những trường hợp sau đây được giảm 30% mức thu quy định tại điểm 1 mục này.
b1- Tàu thuỷ vào ra lấy nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt, thay đổi thuyền viên; quá cảnh mà không xếp dỡ hàng hoá, không nhận trả khách.
b2- Tàu thuỷ vào, rời cảng có khối lượng hàng hoá mỗi lượt bốc hoặc dỡ tại cảng nhỏ hơn 50% tổng trọng tải toàn phần của tàu thuỷ (DWT).
c) Trường hợp sau đây được giảm 50% mức thu quy định tại điểm 1 mục này:
c1- Tàu thuỷ chuyên dùng chở ôtô và các thiết bị tự lăn bánh vào, rời cảng biển Việt Nam để giao nhận hàng.
c2- Tàu thuỷ vào, rời cảng có khối lượng hàng hoá mỗi lượt bốc hoặc dỡ tại cảng nhỏ hơn 30% tổng trọng tải toàn phần của tàu thuỷ (DWT).
c3- Tàu thuỷ vận tải hàng hoá vào, rời cảng (cùng khu vực hàng hải thuộc 1 cảng vụ quản lý) nhiều hơn 8 chuyến trong 1 tháng (một lượt vào, rời tính bằng một chuyến) thì từ chuyến thứ 9 trở đi trong tháng được áp dụng giảm 50% so với mức thu quy định tại điểm 1 mục này.
c4- Tàu thuỷ vận tải hành khách vào, rời cảng (cùng 1 khu vực hàng hải thuộc 1 cảng vụ quản lý) nhiều hơn 4 chuyến trong 1 tháng (một lượt vào, rời tính bằng một chuyến) thì từ chuyến thứ 5 trở đi trong tháng được áp dụng giảm 50% so với mức thu quy định tại điểm 1 mục này; Trừ trường hợp đặc biệt được áp dụng theo quy định riêng của Bộ Tài chính.
đ) Trường hợp sau đây được giảm 70% mức thu quy định tại điểm 1 mục này:
đ1- Tàu thuỷ ra vào để sửa chữa hoặc phá dỡ.
đ2- Tàu thuỷ có trọng tải dung tích toàn phần (GT) từ 40.000 GT trở lên vào, rời cảng biển Việt Nam để sửa chữa (không xếp dỡ hàng hoá, không nhận trả khách). Nếu mức thu tính toán theo điều kiện này thấp hơn mức thu phí đối với tàu thuỷ có trọng tải bằng 40.000 GT thì thu bằng mức của tàu thuỷ có trọng tải 40.000 GT. Nếu mức tính toán theo điều kiện này cao hơn mức thu phí đối với tàu thuỷ có trọng tải bằng 100.000 GT thì thu bằng mức thu của tàu thuỷ có trọng tải 100.000 GT.
e) Miễn phí trọng tải đối với những trường hợp sau đây:
e1- Tàu thuỷ vào ra tránh bão, cấp cứu bệnh nhân, nghiên cứu khoa học theo hiệp định giữa 2 Chính phủ.
e2- Tàu thuỷ con chở khách từ tàu mẹ neo tại khu vực hàng hải được phép vào bờ (hoặc ngược lại).
f) Một số quy định khác:
f1- Đối với tàu LASH : Tàu thuỷ mẹ tính bằng 50% mức thu tương ứng với những quy định trên (không tính cho sà lan con); Sà lan con áp dụng bằng 50% mức thu quy định tại điểm 1 nêu trên nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp rời tàu mẹ đến các cảng khác không thuộc cảng tàu mẹ tập kết (tại cảng sà lan con rời tàu mẹ không thu).
f2- Tàu thuỷ mỗi lượt vào, rời đồng thời có nhiều mức giảm thì chỉ được áp dụng một mức giảm cao nhất.
II- Phí đảm bảo hàng hải:
1. Mức thu phí đảm bảo hàng hải (ĐB HH) đối với mỗi lượt tàu thuỷ vào, rời cảng hoặc đi qua luồng phải trả phí ĐBHH quy định như sau (trừ 1 số trường hợp có quy định riêng):
Đơn vị tính : USD/GT
Loại tàu | Khu vực 1 và 3 | Khu vực 2 |
A | 1 | 2 |
1. Tàu thuỷ (trừ tàu LASH) |
|
|
-Lượt vào: | 0,24 | 0,18 |
-Lượt rời: | 0,24 | 0,18 |
2. Tàu LASH: |
|
|
a) Tàu mẹ: |
|
|
- Lượt vào: | 0,09 | 0,07 |
- Lượt rời: | 0,09 | 0,07 |
b) Sà lan con: | (Sà lan con chỉ thu khi rời tàu mẹ để đi trên luồng) | |
- Lượt vào: | 0,13 | 0,080 |
- Lượt rời: | 0,13 | 0,080 |
2. Một số trường hợp áp dụng mức thu theo quy định sau đây:
a) Đối với mỗi chuyến tàu thuỷ vào, rời nhiều cảng biển Việt Nam:
a1- Cảng thứ 1 áp dụng mức quy định tại điểm 1 mục này.
a2- Từ cảng thứ 2 trở đi (không cùng một đơn vị cảng vụ quản lý) thu bằng 50% mức thu quy định tại điểm 1 mục này. Riêng các cảng thứ 2 trở đi trong cùng một khu vực cảng vụ quản lý không phải nộp phí ĐBHH.
b) Giảm 30% mức thu quy định tại điểm 1 mục này đối với các trường hợp sau đây:
b1- Tàu thuỷ chở khách vào các khu vực hàng hải Việt Nam, được phép đậu tại các vùng neo đậu, sử dụng phương tiện thuỷ khác để đưa đón khách vào tham quan du lịch tại các đảo (các tàu con chở khách từ tàu mẹ vào bờ hoặc ngược lại không thu phí bảo đảm an toàn hàng hải).
b2- Tàu thuỷ vào, rời cảng có khối lượng hàng hoá mỗi lần xếp hoặc dỡ tại cảng nhỏ hơn 50% tổng trọng tải toàn phần của tàu thuỷ (DWT).
c) Giảm 50% mức thu quy định tại điểm 1 mục này đối với các trường hợp sau đây:
c1- Tàu thuỷ vào, rời để cấp cứu bệnh nhân (có cập cầu cảng).
c2- Tàu thuỷ chuyên dùng chở ô tô và các thiết bị tự lăn bánh vào, rời các cảng biển Việt Nam để giao nhận hàng.
c3- Tàu thuỷ vào, rời cảng có khối lượng hàng hoá xếp hoặc dỡ tại cảng nhỏ hơn 30% tổng trọng tải toàn phần của tàu thuỷ (DWT).
c4- Tổ chức, cá nhân có tàu thuỷ chở hàng hoá vào, rời cảng (cùng khu vực hàng hải thuộc một cảng vụ quản lý) nhiều hơn 8 chuyến trong 1 tháng (một lượt vào, và một lượt rời tính 1 chuyến) thì từ chuyến thứ 9 trở đi trong tháng được giảm 50% mức thu quy định.
c5- Tổ chức, cá nhân có tàu thuỷ vận tải hành khách vào, rời cảng (cùng khu vực hàng hải thuộc một cảng vụ quản lý) nhiều hơn 4 chuyến trong 1 tháng (một lượt vào, và một lượt rời tính 1 chuyến) thì từ chuyến thứ 5 trở đi trong tháng được giảm 50% mức thu quy định; Trừ trường hợp đặc biệt được áp dụng theo quy định riêng của Bộ Tài chính.
d) Một số quy định khác:
d1- Giảm 70% mức thu quy định tại điểm 1 mục này đối với tàu thuỷ đến vị trí hàng hải được phép (không vào ra cảng) để nhận dầu, nước ngọt, thực phẩm, thay đổi thuyền viên, cấp cứu bệnh nhân (trừ trường hợp cập cầu cảng quy định tại điểm c).
d2- Giảm 70 % mức thu tại điểm 1 mức này đối với tàu thuỷ hư hỏng phải vào, rời cảng để sửa chữa hoặc thanh lý.
d3- Tàu thuỷ quá cảnh đi Phnômpênh (Cămpuchia) thu tăng 50% (bằng 1,5 lần) mức thu quy định tại điểm 1 mục này.
d4- Đối với tàu thuỷ đồng thời có nhiều mức giảm thì mỗi lượt vào, rời chỉ được áp dụng một mức giảm cao nhất.
III- Phí neo đậu tại vũng, vịnh và phí sử dụng cầu bến, phao neo:
1. Phí neo đậu tại vũng, vịnh:
a) Đối với tàu thuỷ:
a1- Tàu thuỷ neo tại vũng vịnh do cơ quan cảng vụ quản lý phải trả phí theo mức: 0,0006 USD/GT-giờ.
a2- Trường hợp tàu thuỷ neo, đậu nhiều nơi trong phạm vi một cảng do cơ quan cảng vụ quản lý thì tính theo thời gian thực tế neo, đậu từng khu vực, sau đó cộng lại.
b) Đối với hàng hoá (hàng hoá qua vũng, vịnh):
b1- Tàu thuỷ làm hàng tại vũng, vịnh thì chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải trả phí theo mức: 0,15 USD/tấn.
b2- Đối với hàng hoá là phương tiện vận tải, xếp dỡ và phương tiện chuyên dùng:
- Xe bảo ôn, xe xích, gầu ngoạm, xe lăn đường, xe nâng hàng, cần cẩu: 3 USD/chiếc.
- Ôtô từ 15 chỗ ngồi trở xuống, xe có trọng tải từ 2,5 tấn trở xuống:
1 USD/chiếc.
- Các ôtô khác ngoài các loại đã quy định trên: 2 USD/chiếc.
2. Phí sử dụng cầu, bến, phao neo do ngân sách nhà nước đầu tư và cơ quan cảng vụ quản lý:
a) Đối với tàu thuỷ:
a1- Tàu thuỷ đỗ tại cầu, phao phải trả phí như sau:
- Đỗ tại cầu: 0,0035 USD/GT-giờ
- Đỗ tại phao: 0,0014 USD/GT-giờ
a2- Trường hợp tầu đỗ nhiều nơi trong phạm vi một cảng do cơ quan cảng vụ quản lý thì tính theo thời gian và mức thu thực tế tàu đỗ từng khu vực, sau đó cộng lại.
a3- Trường hợp nhận được lệnh rời cảng, tàu vẫn chiếm cầu, phao phải trả phí theo mức sau:
- Chiếm cầu: 0,006 USD/GT-giờ.
a4- Trường hợp tàu thuỷ đỗ áp mạn với tàu khác ở cầu thì thu bằng 50% mức thu đỗ tại cầu.
a5- Trường hợp không làm hàng được do thời tiết trên 1 ngày (24 giờ liên tục) hoặc phải nhường cầu cho tàu thuỷ khác theo lệnh của Cảng vụ thì được miễn sử dụng cầu, bến, phao neo của thời gian không làm hàng.
b) Đối với hàng hoá:
b1- Hàng hoá qua cầu bến, phao chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải trả phí theo mức sau:
- Làm hàng tại cầu cảng: 0,3 USD/tấn
- Làm hàng tại phao: 0,15 USD/tấn.
b2- Đối với hàng hoá là phương tiện vận tải, xếp dỡ và phương tiện chuyên dùng:
- Xe bảo ôn, xe xích, gầu ngoạm, xe lăn đường, xe nâng hàng, cần cẩu: 3 USD/chiếc.
- Ôtô từ 15 chỗ ngồi trở xuống, xe có trọng tải từ 2,5 tấn trở xuống: 1 USD/chiếc.
- Các ôtô khác ngoài các loại đã quy định trên: 2 USD/chiếc.
- Đối với hàng lỏng (gas lỏng, xăng dầu, nhựa đường lỏng...) làm hàng bằng phương pháp bơm rót từ tàu biển lên xe bồn là 1 USD/tấn.
c) Đối với hành khách: Hành khách qua cầu bến phải trả mức phí cầu bến như sau (trừ trẻ em dưới 12 tuổi không thu):
c1- Lượt vào: 1 USD/người/lượt.
c2- Lượt rời: 1 USD/người/lượt.
Đối với canô, phương tiện thuỷ chở khách từ tàu thuỷ lớn vào đảo hay đất liền, cũng thu phí theo mức trên. Trường hợp đặc biệt được áp dụng theo quy định riêng của Bộ Tài chính.
3. Tàu thuỷ có trọng tải dưới 200 GT, tổng thu hai loại phí neo đậu tại vũng, vịnh và phí sử dụng cầu, bến, phao neo một chuyến (bao gồm lượt vào và lượt rời) là 46 USD/tàu trong phạm vi 5 ngày; ngày thứ 6 trở đi, mỗi ngày thu thêm 11 USD/tàu.
IV- Lệ phí thủ tục:
1. Tàu thuỷ vào, rời cảng Việt Nam phải thực hiện các thủ tục quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải nộp lệ phí theo mức thu quy định sau đây (một lượt vào cảng và một lượt rời cảng tính bằng một chuyến):
a) Tàu thuỷ có trọng tải nhỏ hơn 600GT: 20USD/chuyến.
b) Tàu thuỷ có trọng tải từ 600 GT đến 1.000 GT: 50USD/ chuyến .
c) Tàu thuỷ có trọng tải trên 1.000 GT: 100USD/chuyến.
2. Lệ phí chứng nhận kháng nghị hàng hải: 20 USD/bản/lần.
PHỤ LỤC SỐ 2:
PHÍ, LỆ PHÍ HÀNG HẢI ĐỐI VỚI TÀU THUỶ TẢI NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/ 2001/QĐ/BTC ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Bộ Tài chính)
A/ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Đối tượng áp dụng biểu phí này là các tổ chức, cá nhân có tàu thuỷ vận tải hàng hoá, hành khách giữa các cảng Việt Nam thực tế vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải, vùng nước thuộc các cảng biển Việt Nam.
B/ MỨC THU:
I- Phí trọng tải:
1. Mức thu phí trọng tải:
a) Lượt vào: 250 đồng/GT.
b) Lựơt rời: 250 đồng/GT.
2. Một số trường hợp được áp dụng mức thu sau đây:
a) Giảm 30% mức thu quy định tại điểm 1 mục này đối với tàu thuỷ vào ra khu vực hàng hải hoặc vùng nước do Cảng vụ quản lý để sửa chữa, lấy nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt, thay đổi thuyền viên nhưng không xếp dỡ hàng hoá, không nhận, trả khách.
b) Giảm 50% mức thu quy định tại điểm 1 mục này đối với tàu thuỷ chỉ đỗ ở phao, vũng, vịnh suốt thời gian dỡ hàng.
c) Miễn phí trọng tải đối với:
c1- Tàu thuỷ của các lực lượng vũ trang, công an, hải quan đang thực hiện công vụ (trường hợp làm kinh tế và chở hàng thuê cho các đơn vị kinh tế thì không được miễn).
c2- Tàu thuỷ vào rời cảng để tránh bão, cấp cứu bệnh nhân nhưng không xếp dỡ hàng, không nhận trả khách.
II- Phí đảm bảo hàng hải:
1. Mức thu phí bảo đảm hàng hải (ĐBHH) đối với tàu thuỷ vào, rời cảng hoặc đi qua luồng phải trả phí ĐBHH như sau:
a) Tàu thuỷ có trọng tải từ 2.000 GT trở xuống:
a1- Lượt vào: 250 đồng/ GT.
a2- Lượt rời: 250 đồng/GT.
b) Tàu thuỷ có trọng tải trên 2.000 GT:
b1- Lượt vào: 500 đồng/GT.
b2- Lượt rời: 500 đồng/GT.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân có tàu thuỷ vào, rời cảng (cùng một khu vực hàng hải thuộc một cảng vụ quản lý) nhiều hơn 8 chuyến một tháng thì từ chuyến thứ 9 trở đi trong tháng được giảm 50 % phí bảo đảm hàng hải.
3. Miễn phí ĐBHH đối với những trường hợp sau đây:
a) Tàu thuỷ có trọng tải dưới 50GT .
b) Tàu thuỷ vào, rời cảng vì mục đích tránh bão, cấp cứu bệnh nhân, lấy thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt nhưng không xếp dỡ hàng, không nhận trả khách.
c) Tàu sông, bao gồm: tàu kéo, đẩy, tàu lai dắt, sà lan biển, sà lan LASH thuộc phương tiện vận tải đường sông đã nộp phí bảo đảm đường sông thì không phải nộp phí BĐHH.
III- Phí neo đậu tại vũng vịnh và phí sử dụng cầu, bến phao neo:
1. Phí neo, đậu tại vũng vịnh: 4 đồng/GT-giờ.
2. Phí sử dụng cầu, bến, phao neo do ngân sách nhà nước đầu tư và cơ quan cảng vụ quản lý:
a) Tàu thuỷ đỗ tại cầu: 15 đồng/GT-giờ.
b) Tàu thuỷ đỗ tại phao: 7 đồng/GT-giờ.
IV- Lệ phí thủ tục:
1. Tàu thuỷ vào, rời cảng phải thực hiện các thủ tục quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và phải nộp lệ phí theo mức thu sau đây (một lượt vào và một lượt ra tính bằng một chuyến):
Đơn vị tính: đồng/chuyến
TT | Loại phương tiện | Mức thu |
1 | Tàu thuỷ, thuyền gỗ nhỏ chở khách, sà lan tự hành có trọng tải từ 200 Tấn chở xuống. | 10.000 |
2 | Tàu thuỷ có trọng tải dưới 200 GT. Đoàn sà lan vận tải đường sông (bao gồm tàu lai, kéo, đẩy) | 30.000 |
3 | Tàu thuỷ có trọng tải từ 200 GT đến dưới 1000 GT. | 50.000 |
4 | Tàu thuỷ có trọng tải từ 1000 GT đến dưới 5000 GT. | 100.000 |
5 | Tàu thuỷ có trọng tải từ 5000 GT chở lên | 200.000 |
2. Lệ phí chứng nhận kháng nghị hàng hải: 30.000 (ba mươi ngàn) đồng/bản/lần.
PHỤ LỤC SỐ 3
PHÍ, LỆ PHÍ HÀNG HẢI ĐẶC BIỆT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/ 2001/QĐ/BTC ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Bộ Tài chính)
I- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Đối tượng áp dụng biểu phí, lệ phí hàng hải đặc biệt, bao gồm:
1. Tàu thuỷ của tổ chức, cá nhân Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức, cá nhân Việt Nam) hoạt động vận tải quốc tế.
2. Tàu thuỷ thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê để hoạt động vận tải quốc tế.
3. Tàu thuỷ chuyên dụng (chở dầu thô, chở xi măng rời, chở khí hoá lỏng,...) và các tàu thuỷ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê của nước ngoài theo hợp đồng thuê tàu ký với nước ngoài để vận tải quốc tế.
4. Tàu thuỷ (không phân biệt tàu của tổ chức, cá nhân nước ngoài hay của tổ chức, cá nhân Việt Nam) vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh cho chủ hàng là doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (trừ hàng hoá sản xuất tại Việt Nam vận nội địa và tiêu thụ nội địa).
Đối tượng áp dụng biểu phí hàng hải đặc biệt quy định tại mục này phải cung cấp (xuất trình bản chính, cung cấp bản sao) cho cơ quan thu phí hồ sơ xác minh thuộc đối tượng áp dụng theo quy định của Cục Hàng hải Việt Nam. Trường hợp không cung cấp đủ hồ sơ theo quy định thì phải nộp phí theo mức thu vận tải quốc tế (Phụ lục số 1).
II- PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH PHÍ, LỆ PHÍ HÀNG HẢI ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT:
1. Trường hợp vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh và chở thuê cho nước ngoài:
a) Nếu nhận hàng xuất khẩu ở nhiều cảng: thu phí hàng hải lựợt rời ở cảng xuất cuối cùng theo biểu phí hàng hải vận tải quốc tế. Tại các cảng trước đó và lựợt vào của cảng xuất cuối cùng thu theo biểu phí hàng hải vận tải nội địa.
b) Nếu trả hàng nhập khẩu, sau đó nhận hàng để vận tải giữa các cảng biển Việt Nam: Thu phí hàng hải lượt vào theo biểu phí vận tải quốc tế; lượt rời thu theo biểu phí hàng hải vận tải nội địa.
c) Nếu trả hàng nội địa, sau đó nhận hàng xuất khẩu: thu phí hàng hải lượt rời theo biểu phí hàng hải vận tải quốc tế, lượt vào thu theo biểu phí vận tải nội địa.
d) Nếu chở hàng nhập khẩu trả hàng tại nhiều cảng Việt Nam (kể cả không hoặc có nhận hàng để vận tải nội địa): thu phí hàng hải lượt vào ở cảng đầu tiên theo biểu phí vận tải quốc tế, lượt rời ở cảng đầu tiên và phí hàng hải ở cảng tiếp theo thu theo biểu phí hàng hải vận tải nội địa.
e) Nếu trong quá trình vận tải có vào, rời cảng Việt Nam (không nhận hoặc trả hàng) và với những lý do hàng hải chính đáng: thu phí hàng hải theo biểu phí vận tải nội địa.
2. Tàu thuỷ chuyên dùng đánh bắt thuỷ, hải sản khi làm nhiệm vụ vận tải được giảm 50% phí trọng tải khi vào, rời cảng biển Việt Nam
3. Miễn thu phí trọng tải đối với tàu thuỷ chuyên dùng đánh bắt cá và thuyền buồm thể thao của Việt Nam.
4. Miễn phí neo tại vũng vịnh đối với tàu thuỷ Việt Nam (kể cả tàu thuỷ đi thuê) vận tải quốc tế.
5. Mức thu phí hàng hải áp dụng đối với các đối tượng quy định tại mục I Biểu phí này như sau:
a) Phí trọng tải:
a1- Lượt vào: 0,05 USD/GT.
a2- Lượt rời : 0,05 USD/GT.
b) Phí ĐBHH:
Đơn vị tính : USD/GT
TT | Loại tàu | Khu vực 1 và 3 | Khu vực 2 |
1 | Tàu thuỷ (trừ tàu LASH): |
|
|
| - Lượt vào | 0,14 | 0,11 |
| - Lượt rời | 0,14 | 0,11 |
2 | Tàu LASH: |
|
|
a) | Tàu mẹ: |
|
|
| - Lượt vào | 0,05 | 0,04 |
| - Lượt rời | 0,05 | 0,04 |
b) | Sà lan con: |
|
|
| - Lượt vào | 0,08 | 0,05 |
| - Lượt rời | 0,08 | 0,05 |
| Sà lan con chỉ thu khi rời tàu mẹ đi trên luồng |
6. Về thời gian tính phí neo đậu tại vũng vịnh và phí sử dụng cầu, bến, phao neo do ngân sách nhà nước đầu tư và cơ quan cảng vụ quản lý:
a) Tàu thuỷ Việt Nam trả hàng nhập khẩu: áp dụng biểu phí hàng hải vận tải quốc tế kể từ khi tàu vào cảng đến khi kết thúc làm hàng nhập khẩu; từ khi kết thúc làm hàng nhập khẩu trở đi áp dụng biểu phí hàng hải vận tải nội địa.
b) Tàu thuỷ Việt Nam vào cảng để trả hàng vận tải nội địa hoặc chạy rỗng vào cảng để nhận hàng xuất khẩu: Trong thời gian chưa xếp hàng (tính từ khi tàu vào cảng) áp dụng biểu phí hàng hải vận tải nội địa. Từ thời điểm bắt đầu xếp hàng đến khi rời cảng áp dụng biểu phí hàng hải vận tải quốc tế.
7. Lệ phí thủ tục:
Trường hợp tại một cảng, tàu phải thanh toán một lượt theo biểu phí hàng hải vận tải quốc tế và một lần theo biểu phí hàng hải vận tải nội địa thì phí thủ tục thu bằng 50% mức thu vận tải quốc tế, cộng với (+) 50% mức thu vận tải nội địa.
7. Đối với khu vực chuyển tải Vạn Gia thuộc địa phận huyện Hải Ninh tỉnh Quảng Ninh:
a) Giảm 40% phí hàng hải bao gồm: phí trọng tải, phí neo đậu tại vũng vịnh, phí sử dụng cầu, bến, phao neo do cơ quan cảng vụ quản lý, phí ĐBHH với tàu thuỷ vận tải quốc tế và phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải vận tải nội địa.
b) Lệ phí thủ tục áp dụng theo mức sau:
b1- Tàu thuỷ có trọng tải nhỏ hơn 500 GT : 10 USD/ chuyến.
b2- Tàu thuỷ có trọng tải từ 500 GT trở lên: 20 USD/ chuyến.
PHỤ LỤC 4:
PHÍ HÀNG HẢI ÁP DỤNG TẠI PHÂN CẢNG XUẤT DẦU THÔ (TRẠM RÓT DẦU KHÔNG BẾN) VÀ CÁC CẢNG CHUYÊN DÙNG PHỤC VỤ DẦU KHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/ 2001/QĐ/BTC ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Bộ Tài chính)
A/ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Đối tượng áp dụng biểu phí này bao gồm:
1. Tàu thuỷ chở hàng là dầu thô tại các cảng xuất dầu thô (trạm rót dầu không bến).
2. Tàu thuỷ chuyên dùng phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí (tàu thuỷ hoạt động dịch vụ dầu khí, công trình, cứu hộ, khảo sát địa chấn, khoan..), tàu thuỷ chở hàng xuất, nhập khẩu phục vụ cho hoạt động dầu khí và các tàu thuỷ khác vào ra cảng chuyên dùng phục vụ dầu khí.
3. Hàng hoá qua cầu bến tại cảng chuyên dùng phục vụ dầu khí .
B/ PHÍ HÀNG HẢI ÁP DỤNG TẠI PHÂN CẢNG XUẤT DẦU THÔ:
I. Phí trọng tải:
1. Tất cả các tàu thuỷ hoạt động tại phân cảng xuất dầu thô (trạm rót dầu không bến ) đều phải trả phí trọng tải.
Phí trọng tải tính cho từng lượt tàu thuỷ vào, rời trong khu vực hàng hải hoặc vùng nước cảng mà các cảng vụ quản lý theo mức sau:
- Lượt vào: 0,085USD/GT.
- Lượt rời: 0,085USD/GT.
II- Phí đảm bảo hàng hải.
Miễn phí ĐBHH đối với tàu thuỷ vào ra các phân cảng xuất dầu thô (Trạm rót dầu không bến).
III. Phí neo đậu tại vũng vịnh do cơ quan cảng vụ quản lý:
Phí neo đậu tại vũng vịnh được áp dụng theo mức sau: 0,0003 USD/GT-giờ.
IV- Lệ phí thủ tục:
Tàu thuỷ vào, rời phân cảng xuất dầu thô phải làm các thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước phải trả phí thủ tục với mức 100 USD/chuyến (chuyến bao gồm cả lượt vào và lượt rời).
C/ PHÍ HÀNG HẢI TẠI CÁC CẢNG CHUYÊN DÙNG PHỤC VỤ DẦU KHÍ:
I. Phí trọng tải.
1. Tất cả các tàu thuỷ hoạt động tại các cảng chuyên dùng phục vụ dầu khí phải trả phí trọng tải.
Phí trọng tải tính cho từng lượt tàu thuỷ vào, rời trong khu vực hàng hải hoặc vùng nước cảng mà các cảng vụ quản lý theo mức sau:
a) Lượt vào: 0,085USD/GT.
b) Lượt rời: 0,085USD/GT.
a) Trường hợp trong 1 chuyến đi, tàu thuỷ ra vào nhiều cảng biển Việt nam:
a1- Cảng thứ nhất áp dụng mức thu quy định tại điểm 1.
a2- Từ cảng thứ hai trở đi (không cùng 1 đơn vị cảng vụ quản lý) áp dụng như sau:
- Lượt vào:0,04 USD/GT.
- Lượt rời:0,04 USD/GT.
Các cảng thứ hai trở đi trong cùng 1 khu vực cảng vụ quản lý không thu.
b) Giảm 30% mức thu quy định tại điểm 1 cho tàu thuỷ vào, rời cảng để thay đổi thuyền viên mà không xếp dỡ hàng hoá.
c) Giảm 50% mức thu quy định tại điểm 1 cho tàu thuỷ vào, rời cảng để sửa chữa.
d) Miễn phí trọng tải cho tàu thuỷ vào, rời cảng để tránh bão, cấp cứu bệnh nhân với điều kiện chấp hành đúng lệnh vào và rời bến của Cảng vụ.
e) Tàu thuỷ mỗi lượt vào, rời cảng đồng thời có nhiều mức giảm, thì chỉ được tính một mức giảm cao nhất.
f) Tàu thuỷ vào, rời cảng (cùng khu vực hàng hải thuộc 1 cảng vụ quản lý) nhiều hơn 8 chuyến trong 1 tháng (chuyến bao gồm 1 lượt vào và 1 lượt ra), từ chuyến thứ 9 trở đi trong tháng được giảm 50% mức phí trọng tải quy định tại điểm 1.
II- Phí đảm bảo hàng hải:
1. Tàu thuỷ mỗi lượt vào, rời cảng hoặc đi qua luồng phải trả phí ĐBHH theo mức sau:
a) Lượt vào:0,24 USD/GT.
b) Lượt rời:0,24 USD/GT.
2. Trường hợp trong 1 chuyến đi tàu thuỷ vào, rời nhiều cảng biển Việt Nam:
a) Cảng thứ nhất áp dụng mức thu quy định tại điểm 1.
b) Cảng thứ hai trở đi (không cùng một đơn vị cảng vụ quản lý) áp dụng như sau:
b1- Lượt vào: 0,12 USD/GT.
b2- Lượt rời: 0,12 USD/GT.
Các cảng thứ hai trở đi trong cùng một khu vực cảng vụ quản lý không thu.
c) Giảm 50% mức thu quy định tại điểm 1 cho tàu thuỷ vào, rời cảng để cấp cứu bệnh nhân (có cập cầu cảng).
d) Tàu thuỷ vào, rời cảng (cùng khu vực hàng hải thuộc một cảng vụ quản lý) nhiều hơn 8 chuyến trong 1 tháng (chuyến bao gồm 1lượt vào và 1 lượt rời), từ chuyến thứ 9 trở đi trong tháng được giảm 50% mức phí BĐHH.
e) Tàu thuỷ mỗi lượt vào, rời cảng đồng thời có nhiều mức giảm, thì chỉ được tính một mức giảm cao nhất.
III- Phí sử dụng cầu, bến, phao neo do ngân sách nhà nước đầu tư và cơ quan cảng vụ quản lý:
1. Đối với phương tiện:
a) Tàu thuỷ trực tiếp cập cầu bến có làm hàng hoặc nhận dầu, nước, áp dụng mức thu: 0,33USD/m-giờ, mức thu tối thiểu cho 1 lần cập cầu là 90USD/tàu.
b) Tàu thuỷ trực tiếp cập cầu bến không làm hàng hoặc không nhận dầu, nước áp mức thu: 0,4 USD/m-giờ, mức thu tối thiểu cho 1 lần cập cầu là: 110 USD/tàu.
c) Tàu thuỷ đỗ áp mạn song song với tàu thuỷ khác cập tại cầu cảng áp dụng mức thu: 0,09 USD/m-giờ , mức thu tối thiểu cho 1 lần đỗ áp mạn là 25 USD/tàu.
2. Đối với hàng hoá là 1 USD/tấn. Người thanh toán phí sử dụng cầu, bến, phao neo là chủ hàng hoặc người được uỷ thác.
IV- Lệ Phí thủ tục:
Tàu thuỷ vào ra cảng biển Việt Nam phải làm các thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước và phải trả phí thủ tục như sau: 100USD/chuyến (Chuyến bao gồm cả lượt vào và lượt rời).