Nội dung toàn văn Quyết định 512/2004/QĐ-BBCVT Quy chế tổ chức hoạt động Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ Bưu chính, Viễn thông
BỘ BƯU CHÍNH VIẼN THÔNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 512/2004/QĐ-BBCVT | Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH "QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG".
BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 90/CP-NĐ ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Căn cứ Quyết định số 199/QLKH ngày 21/09/1982 của Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học - Kỹ thuật của các Bộ, Tổng cục;
Căn cứ Quyết địng số 944/QĐ- BBCVT ngày 04/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ Bưu chính, Viễn thông".
Điều 2. Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ Bưu chính, Viễn thông có nhiệm vụ thực hiện các Điều trong Quy chế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng; Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Viện trưởng Viện chiến lược BCVT và CNTT, Thủ trưởng các Doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, Chủ tịch và các Uỷ viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ Bưu chính, Viễn thông chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 512/QĐ-BBCVT ngày 29 tháng 06 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông)
Chương 1:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 1: Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ Bưu chính, Viễn thông (Sau đây gọi tắt là Hội đồng) là tổ chức tư vấn về khoa học và công nghệ của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Điều 2: Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn các vấn đề về:
1- Chiến lược và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Ngành;
2- Các chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ;
3- Thẩm định các đề cương, đề án, chương trình khoa học công nghệ có liên quan trước khi trình Lãnh đạo Bộ quyết định;
4. Có ý kiến phản biện, tuyển chọn và đánh giá kết quả của các đề tài mang tính chiến lược, đa ngành;
5- Tổ chức và hoàn thiện hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ của Bộ, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống này;
6- Nội dung và phương hướng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ khoa học công nghệ của Bộ;
7- Tư vấn, thẩm định giúp Bộ trưởng các vấn đề liên quan đến công tác sáng kiến, kết quả áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin;
8- Đề nghị khen thưởng các công trình khoa học công nghệ xuất sắc, những sáng chế, phát minh có giá trị thuộc phạm vi của ngành
Ngoài các vấn đề trên, Hội đồng có thể tham gia ý kiến về những vấn đề khác liên quan đến Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin theo yêu cầu của Bộ trưởng.
Điều 3: Hội đồng có các quyền hạn sau:
1- Được Lãnh đạo Bộ, các cơ quan chức năng trong Bộ cung cấp thông tin cần thiết một cách đầy đủ và kịp thời khi có yêu cầu;
2- Kiến nghị với Bộ trưởng đưa ra Hội đồng thảo luận, góp ý kiến những vấn đề khoa học và công nghệ theo chức năng tư vấn của Hội đồng.
Chương 2
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 4: Hội đồng gồm có:
- Chủ tịch Hội đồng
- 01 Ủy viên thường trực
- 01 Ủy viên thư ký
- Các thành viên khác
Điều 5: Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ:
1- Lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo các quy định của quy chế này;
2- Chỉ đạo Thường trực Hội đồng chuẩn bị nội dung và chương trình các phiên họp của Hội đồng;
3- Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng;
4- Duyệt các báo cáo, kiến nghị của Hội đồng đối với các vấn đề đưa ra thảo luận ở Hội đồng.
Điều 6: Cơ quan thường trực của Hội đồng là Vụ Khoa học-Công nghệ, có nhiệm vụ:
1- Chuẩn bị nội dung và chương trình các phiên họp Hội đồng, lưu trữ hồ sơ hoạt động của Hội đồng;
2- Trình Chủ tịch Hội đồng thành phần đại biểu dự các phiên họp hoặc tham gia vào từng phần công việc của Hội đồng;
3- Giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc theo dõi, chỉ đạo công tác chung của Hội đồng;
4- Đề xuất với Chủ tịch Hội đồng các đề án, chương trình, đề cương và đề tài khoa học công nghệ cần được Hội đồng thẩm định, phản biện;
5- Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị có liên quan thực hiện các ý kiến, định hướng của Hội đồng;
6- Giải quyết các công việc có liên quan đến hoạt động của Hội đồng trong thời gian giữa 2 phiên họp Hội đồng;
7- Thực hiện vai trò thư ký Hội đồng.
Điều 7: Uỷ viên Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ:
1- Giúp Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, theo dõi các hoạt động thường xuyên của Hội đồng;
2- Thay mặt Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, giải quyết các công việc của Hội đồng khi Chủ tịch vắng mặt;
3- Giúp Chủ tịch Hội đồng điều hành cơ quan thường trực Hội đồng chuẩn bị các nội dung và chương trình các phiên họp, các công tác đột xuất có liên quan tới hoạt động của Hội đồng.
Điều 8: Ủy viên thư ký Hội đồng có nhiệm vụ:
1- Lập biên bản các phiên họp của Hội đồng;
2- Tổng hợp ý kiến tại các phiên họp của Hội đồng;
Điều 9: Ủy viên Hội đồng
Ủy viên Hội đồng là các nhà nghiên cứu, quản lý thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin
Ủy viên Hội đồng có quyền hạn và nhiệm vụ:
1- Tham gia đều đặn và đầy đủ các phiên họp của Hội đồng;
2- Chuẩn bị tốt và tham gia ý kiến về các vấn đề được đưa ra thảo luận thuộc phạm vi tư vấn của Hội đồng;
3- Được cung cấp những thông tin cần thiết giúp cho việc hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với công tác của Hội đồng;
4- Đề xuất và yêu cầu Hội đồng thảo luận những vấn đề do mình phát hiện và xét thấy có lợi cho phát triển khoa học và công nghệ của ngành;
5- Được Chủ tịch Hội đồng giao phụ trách công việc cụ thể trên cơ sở thực tiễn hoạt động khoa học và công nghệ.
Điều 10: Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời các nhà khoa học trong và ngoài ngành đến dự họp. Khách mời có quyền thảo luận các vấn đề nêu ra trong phiên họp nhưng không được tham gia bỏ phiếu và phải chấp hành những quy định về chế độ bảo mật. Số lượng khách mời không vượt quá 1/3 số Ủy viên Hội đồng.
Điều 11: Các ban chuyên môn của Hội đồng
Hội đồng có các ban chuyên môn thuộc từng lĩnh vực cụ thể: Khoa học công nghệ, Tiêu chuẩn-Chất lượng, Sáng kiến.
Ban chuyên môn của Hội đồng gồm Trưởng ban, Thư ký và Ủy viên do Hội đồng thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động. Trưởng ban chuyên môn là thành viên Hội đồng.
Ban chuyên môn có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động trong cuộc họp Hội đồng, hàng năm và theo nhiệm kỳ.
Điều 12: Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng là 3 năm.
Chương 3:
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 13: Hội đồng họp định kỳ 6 tháng một lần. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập phiên họp bất thường.
Điều 14: Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ các tài liệu về các vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở Hội đồng và chuyển đến các thành viên Hội đồng nghiên cứu trước khi họp ít nhất 5 ngày đối với các phiên họp định kỳ và ít nhất 1 ngày đối với các phiên họp bất thường.
Điều 15: Phiên họp thường kỳ của Hội đồng cần có ít nhất 2/3 tổng số thành viên chính thức của Hội đồng tham dự. Các phiên họp bất thường không nhất thiết phải có đủ số lượng thành viên như trên nhưng phải có đủ số ủy viên có chuyên môn liên quan đến vấn đề cần đưa ra thảo luận tại cuộc họp bất thường.
Điều 16: Hội đồng làm việc theo chế độ thảo luận tập thể, tập trung dân chủ và biểu quyết theo đa số. Việc biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín sẽ do toàn thể Hội đồng quyết định. Mọi ý kiến phát biểu và kiến nghị của Hội đồng phải được ghi chép đầy đủ và báo cáo Bộ trưởng tham khảo. Biên bản và kiến nghị của các phiên họp Hội đồng đều phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên thư ký.
Sau khi nhận được kiến nghị của Hội đồng, Bộ trưởng sẽ cho biết ý kiến của mình về các kiến nghị này hoặc đề nghị Hội đồng tiếp tục nghiên cứu thảo luận thêm.
Điều 17: Chi phí hoạt động của Hội đồng được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của Bộ và ghi trong kế hoạch khoa học công nghệ hàng năm.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18: Quy chế này được áp dụng kể từ ngày quyết định có hiệu lực
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ ra quyết định sửa đổi hoặc bổ sung những điều quy định trong bản quy chế này.