Quyết định 52/2010/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ pháp lý nâng cao nhận thức đã được thay thế bởi Quyết định 32/2016/QĐ-TTg chính sách trợ giúp pháp lý người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và được áp dụng kể từ ngày 22/09/2016.
Nội dung toàn văn Quyết định 52/2010/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ pháp lý nâng cao nhận thức
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2010/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁP LÝ NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC, HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CÁC HUYỆN NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 – 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng được hưởng hỗ trợ pháp lý bao gồm:
1. Người nghèo.
2. Đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Điều 3. Các nội dung chính sách hỗ trợ pháp lý
1. Thực hiện hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo.
2. Tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, Tư pháp xã, Tổ hòa giải để trực tiếp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo.
Điều 4. Các hoạt động để thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý
1. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số:
a) Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức sau đây:
- Tư vấn pháp luật;
- Tham gia tố tụng;
- Đại diện ngoài tố tụng;
- Các hình thức trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
b) Tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã thuộc các huyện nghèo để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để giải quyết những vướng mắc pháp luật cung cấp thông tin pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc các huyện nghèo.
d) Tổ chức sinh hoạt các Tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư;
đ) Phổ biến, giáo dục và truyền thông pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động: sinh hoạt chuyên đề pháp luật; tổ chức lớp học pháp luật buổi tối; in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật và băng cát xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số; lồng ghép nội dung pháp luật vào sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân tộc và các hoạt động khác phù hợp với phong tục địa phương để nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý;
e) Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và nhà sinh hoạt cộng đồng để nhân dân biết, thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình;
g) Tổ chức thực hiện các hoạt động đăng ký khai sinh, chứng thực và các công tác Tư pháp – Hộ tịch khác cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn cấp xã.
2. Tăng cường năng lực cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, Tổ viên Tổ hòa giải và cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động sau đây:
a) Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại địa bàn các huyện nghèo; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo;
b) Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ và cung cấp tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã tại các huyện nghèo; cung cấp báo Pháp luật Việt Nam cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã thuộc các huyện nghèo;
c) Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho Tổ viên Tổ hòa giải; biên soạn và cấp phát miễn phí tài liệu pháp luật cho các Tổ hòa giải của các xã tại các huyện nghèo;
d) Hỗ trợ cho cán bộ làm việc tại Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo tham gia các lớp học văn hóa, chuyên môn pháp lý, tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn quy hoạch bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý;
đ) Hỗ trợ kinh phí đào tạo trung cấp luật cho cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã chưa có trình độ trung cấp luật hoặc đồng bào dân tộc thiểu số trong diện quy hoạch tuyển dụng làm cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Những người được cử đi học phải cam kết trở về địa phương làm việc theo sự phân công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc phải bồi hoàn kinh phí đào tạo nếu không về địa phương làm việc theo sự phân công.
Điều 5. Định mức tài chính để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý
STT | Nội dung chi | Định mức hỗ trợ |
1 | Tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về các xã thuộc các huyện nghèo. | 16.000.000 đồng/xã/năm (chia thành 2 đợt/năm) |
2 | Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc các huyện nghèo. | 6.000.000 đồng/xã/năm (500.000 đồng/đợt) |
3 | Tổ chức sinh hoạt các Tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. | 1.200.000 đồng/Tổ/năm |
4 | In ấn phát hành miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tờ gấp pháp luật và băng cát xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số. | 2.000.000 đồng/xã/năm |
5 | Đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng | 3.000.000 đồng/xã/lần (2 lần/10 năm) |
6 | Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại địa bàn các huyện nghèo | 20.000.000 đồng/lớp/huyện (01 lớp/năm) |
7 | Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo | 5.000.000 đồng/người/khóa (2 người/huyện/khóa/năm) |
8 | Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ và cung cấp tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. | 90.000.000 đồng/lớp/năm (8 lớp/năm) |
9 | Cung cấp báo Pháp luật Việt Nam cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã thuộc các huyện nghèo | Theo giá phát hành của Báo Pháp luật Việt Nam |
10 | Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho Tổ viên Tổ hòa giải | 120.000.000 đồng/lớp (5 lớp/huyện/10 năm) |
11 | Biên soạn và cấp phát miễn phí tài liệu pháp luật cho các Tổ hòa giải của các xã tại các huyện nghèo | 35.000 đồng/cuốn (01 cuốn/tổ/năm) |
12 | Hỗ trợ cho cán bộ làm việc tại Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc các huyện nghèo tham gia các lớp học văn hóa, chuyên môn pháp lý, tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn quy hoạch bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý | 7.000.000 đồng/người/khóa (5 người/huyện/10 năm) |
13 | Hỗ trợ kinh phí đào tạo Trung cấp luật cho cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã chưa có trình độ trung cấp hoặc đồng bào dân tộc thiểu số trong diện quy hoạch cán bộ Tư pháp – Hộ tịch | 9.800.000 đồng/người/khóa (03 người/xã/10 năm) |
Điều 6. Cơ chế nhân lực và tài chính bảo đảm thực hiện chính sách
1. Về nguồn nhân lực:
Ưu tiên lựa chọn cán bộ tham gia các hoạt động tăng cường năng lực quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này là người đang sinh sống tại địa bàn các xã thuộc các huyện nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số; chú trọng cán bộ nữ, cán bộ đã có kinh nghiệm trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý. Thu hút già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng các tộc người tham gia làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
2. Về nguồn vốn:
a) Ngân sách trung ương: nguồn vốn từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và hỗ trợ từ các dự án hợp tác quốc tế, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có) để hỗ trợ thực hiện các hoạt động quy định tại Điều 4 của Quyết định này. Các nguồn vốn này được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam;
b) Ngân sách địa phương bảo đảm chi kinh phí hoạt động thường xuyên, biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các huyện nghèo.
Điều 7. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện
1. Bộ Tư pháp:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn địa phương thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý tại các huyện nghèo;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương lập dự toán, quản lý, thanh quyết toán ngân sách hàng năm để thực hiện Quyết định này;
c) Tổng hợp dự toán ngân sách hỗ trợ pháp lý gửi Bộ Tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phân bổ kinh phí hỗ trợ pháp lý cho các địa phương thông qua Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam;
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Quyết định này;
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí của địa phương.
3. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động quy định tại Quyết định này.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh có các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ:
a) Chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý ở địa phương hàng năm, lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý tại địa phương gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp chung;
b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý theo hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan;
c) Chỉ đạo Sở Nội vụ và các Sở, ngành bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đi lại và làm việc và kinh phí chi thường xuyên cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đặt tại các huyện nghèo; dự toán bổ sung ngân sách địa phương và huy động, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý; trong trường hợp không bảo đảm được phải kiến nghị giải pháp hỗ trợ với các cơ quan có thẩm quyền;
d) Kiểm tra, bảo đảm việc thực hiện chính sách đến đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí;
đ) Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý ở địa phương về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 10 năm 2010.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |