Quyết định 523/QĐ-UBND

Quyết định 523/QĐ-UBND năm 2010 về Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020

Nội dung toàn văn Quyết định 523/QĐ-UBND 2010 hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS Vĩnh Long


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 523/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI HIV/AIDS TỈNH VĨNH LONG NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;

Căn cứ Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 04/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 13/TTr-SLĐTBXH ngày 07/01/2010 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

(Kèm theo kế hoạch hành động).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Xuân

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI HIV/AIDS TỈNH VĨNH LONG NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 523/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 3 năm 2010 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Phần I

ĐẶT VẤN ĐỀ

HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm hoạ đối với sức khoẻ, tính mạng của con người và tương lai nòi giống dân tộc. HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hoá, trật tự và an toàn xã hội. Do đó, phòng chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài, cần phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội tham gia.

Kể từ sau trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện, cùng với xu hướng lây lan của HIV trong cộng đồng, nhất là phụ nữ, xu hướng trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em mồ côi do AIDS và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ngày càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2009, toàn tỉnh có 1.887 người nhiễm HIV (98 trẻ em), chuyển sang AIDS: 870 người (44 trẻ em) và tử vong: 569 người (35 trẻ em). Hiện nay tỉnh đang quản lý 16 trẻ nhiễm HIV và 5 trẻ phơi nhiễm.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam năm 2010 và tầm nhìn đến 2020,… được ban hành, trong đó nhu cầu chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cho trẻ em bị nhiễm HIV ngày càng lớn. Tuy nhiên các cơ quan chức năng ở một số địa phương còn bối rối trong việc thực hiện chủ trương, chính sách cụ thể để giải quyết.

Trong thời gian qua, để phòng chống HIV/AIDS, ngành y tế đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; triển khai thực hiện tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, mở lớp tập huấn,… phối hợp thực hiện các mục tiêu chương trình hành động quốc gia về dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và nhiều chương trình khác nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Mọi trẻ em đều có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV/AIDS: Trẻ em từ thành thị đến nông thôn, từ vùng sâu, vùng xa, trẻ trong trường học cũng như ngoài trường học.

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bao gồm:

- Trẻ em nhiễm HIV.

- Trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV:

+ Trẻ em mồ côi cha mẹ, cha (mẹ) chết do liên quan đến HIV/AIDS (19 em).

+ Trẻ em sử dụng ma tuý.

+ Trẻ em bị xâm hại tình dục.

+ Trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm sử dụng ma tuý.

+ Trẻ em là nạn nhân của tội mua bán người chưa phát hiện.

+ Trẻ em lang thang.

+ Trẻ em mồ côi do các nguyên nhân khác.

+ Trẻ em sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

+ Trẻ em sống trong trường giáo dưỡng.

Phần II

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI HIV/AIDS TỈNH VĨNH LONG NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU CHUNG:

Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, các ngành, gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ về phòng, chống HIV/AIDS; bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; giúp các em được tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội để được đến trường, chăm sóc sức khoẻ, hoà nhập cộng đồng, vui chơi giải trí như các trẻ em bình thường khác để phát triển toàn diện.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

1. Mục tiêu cụ thể năm 2010:

* Mục tiêu 1: Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, chính sách xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Chỉ tiêu đến năm 2010: Ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, chính sách xã hội theo quy định hiện hành.

* Mục tiêu 2: Hình thành các dịch vụ cần thiết có chất lượng và thân thiện đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Chỉ tiêu năm 2010:

- 100% trẻ em nhiễm HIV trong diện quản lý được chăm sóc, điều trị, tư vấn thích hợp.

- 100% phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai được dự phòng HIV từ mẹ sang con, trẻ em dưới 06 tuổi nhiễm HIV được Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV; 100% trẻ sơ sinh là con của bà mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện HIV khi chào đời và được uống sữa thay thế trong 06 tháng đầu.

- 50% cơ sở chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho người lớn nhiễm HIV có lồng ghép các dịch vụ nhi khoa trong chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho trẻ em nhiễm HIV.

- Ít nhất 30% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ chăm sóc tâm lý - xã hội; chăm sóc tại gia đình và cộng đồng; tư vấn và xét nghiệm HIV; hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất; tiếp nhận và chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cho trẻ em lứa tuổi mầm non.

- 50% cơ sở giáo dục bố trí nhân viên y tế có khả năng tư vấn cho trẻ em bị nhiễm HIV.

- Ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc thay thế dựa vào gia đình, cộng đồng.

- 50% cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được hỗ trợ để thực hiện các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc trẻ em bị lây nhiễm HIV.

* Mục tiêu 3: Cải thiện cơ chế cung cấp thông tin giáo dục, chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Chỉ tiêu năm 2010:

- 50% cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cơ sở chăm sóc và điều trị trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em.

- 100% trẻ nhiễm HIV được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

- 50% tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp kiến thức và hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- 50% cán bộ quản lý trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng, nhóm tự lực, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từ đủ 13 tuổi trở lên, người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cơ sở dịch vụ xã hội và tổ chức xã hội được cung cấp thông tin về các dịch vụ chăm sóc, tư vấn, về chính sách xã hội hiện hành và các quy trình cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

* Mục tiêu 4: Tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Chỉ tiêu năm 2010:

- Ít nhất 70% nhà quản lý làm việc với trẻ em trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, ngành lao động - thương binh và xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản có liên quan khác.

- Ít nhất 50% phụ huynh, học sinh, giáo viên của các cơ sở giáo dục được cung cấp thông tin về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, kiến thức cơ bản về quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác.

* Mục tiêu 5: Cải thiện hệ thống theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Chỉ tiêu năm 2010: Hoàn thiện hệ thống theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

2. Tầm nhìn đến năm 2020:

- Nâng cao nhận thức và hành động cho toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng đầu tư và đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Bảo đảm cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, tiếp cận giáo dục hoặc được hỗ trợ học nghề, hưởng các chính sách xã hội theo quy định hiện hành, được sống an toàn cùng gia đình hoặc người thân, hoặc được sống ở những cơ sở chăm sóc thay thế; trẻ em bị nhiễm HIV trong diện quản lý được chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến HIV/AIDS.

III. PHẠM VI - THỜI GIAN THỰC HIỆN:

1. Phạm vi: Kế hoạch thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh.

2. Thời gian: Thực hiện năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

IV. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU:

1. Nghiên cứu các văn bản hướng dẫn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:

- Cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc cung cấp dịch vụ xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; về chống kỳ thị và phân biệt đối xử trong hệ thống y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; về hoạt động của các nhóm tự lực những người nhiễm HIV.

- Xây dựng và ban hành văn bản về cơ chế chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trong chẩn đoán, điều trị cho trẻ em nhiễm HIV với người lớn nhiễm HIV tại các cấp; quy trình chăm sóc liên tục đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

2. Thiết lập các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:

- Tăng cường thực hiện các dịch vụ hiện có tổ chức điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con; phát hiện sớm, tổ chức tốt việc chăm sóc, điều trị trẻ em bị nhiễm HIV; tư vấn về HIV/AIDS cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Cung cấp, hỗ trợ và nhân rộng các dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về tâm lý - xã hội; về chăm sóc tại gia đình, cộng đồng; về tư vấn và xét nghiệm HIV; về hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất; về nhận và chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cho trẻ em lứa tuổi mầm non.

- Cung cấp, hỗ trợ, kiểm tra việc thực hiện các quy trình chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh công lập trong chẩn đoán, điều trị trẻ em bị nhiễm HIV, quy trình chăm sóc liên tục đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Cung cấp và kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị trẻ em bị nhiễm HIV ở các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

- Cung cấp kiến thức về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho gia đình, cộng đồng và cán bộ y tế ở các trường học, trung tâm dạy nghề, trung tâm bảo trợ xã hội.

3. Cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:

- Cung cấp thông tin, kiến thức cho người làm công tác quản lý trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, ưu tiên cho người làm việc trực tiếp với trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các dịch vụ, chính sách xã hội có liên quan đến trẻ em bị nhiễm HIV.

4. Giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ xã hội, hoà nhập cộng đồng:

- Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

- Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em do ngành y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội tổ chức.

- Phổ biến kiến thức cho các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan, gia đình, cộng đồng và trẻ em về sự lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng; chống kỳ thị phân biệt đối xử, quyền trẻ em và trách nhiệm của xã hội đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

5. Công tác thu thập thông tin, giám sát, báo cáo đánh giá:

Tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của ngành y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội các cấp biết:

- Thu nhập số liệu, thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:

+ Trẻ em bị nhiễm HIV.

+ Trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV.

- Theo dõi, kiểm tra, báo cáo, đánh giá tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.

V. GIẢI PHÁP:

1. Giải pháp về xã hội:

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với công tác dự phòng, chăm sóc, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.

- Ngành y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội và các ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức và triển khai các dịch vụ xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, người nhiễm HIV và gia đình của người nhiễm HIV tham gia hoạt động dự phòng, chăm sóc, tư vấn cho trẻ em nhiễm HIV.

- Tăng cường và hỗ trợ các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS theo Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

- Nâng cao kiến thức về pháp luật, chính sách, thông tin về dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức xã hội và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Giải pháp về kỹ thuật:

- Các quy trình kỹ thuật hướng dẫn các tiêu chuẩn dịch vụ thiết yếu, dịch vụ chất lượng cao về phòng ngừa, chăm sóc, điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Xây dựng hướng dẫn và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội về nhận biết và đánh giá nhu cầu của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Ngành y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội thực hiện những dịch vụ hỗ trợ tư vấn, truyền thông, dự phòng, chăm sóc, điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

3. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý:

- Nâng cao năng lực chuyên môn của những người cung cấp dịch vụ xã hội trong việc dự phòng, chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Kiểm tra đánh giá chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

- Cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu về dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

4. Giải pháp về huy động nguồn lực thực hiện kế hoạch đến năm 2020:

+ Kinh phí thực hiện kế hoạch năm 2010: Được huy động từ các nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vận động trong và ngoài nước); được lồng ghép trong Dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006 - 2010.

+ Kinh phí thực hiện kế hoạch năm 2011 - 2020: Bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các ngành có liên quan và địa phương theo quy định hiện hành; trong dự án, huy động thêm các nguồn tài trợ khác (trong và ngoài nước) thực hiện kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch hành động, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch; bảo đảm các dịch vụ về phúc lợi xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hành động, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp triển khai các nội dung về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; lồng ghép việc thực hiện các nội dung có liên quan đến chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của kế hoạch hành động năm 2010 với việc thực hiện Dự án phòng chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS (2006 - 2010). Tiếp tục thực hiện các dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2011 - 2020. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của ngành năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp lồng ghép các hoạt động của kế hoạch hành động với các hoạt động của các chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, kiểm tra các ngành liên quan và các địa phương sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch hành động.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp triển khai các nội dung về giáo dục có liên quan đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của kế hoạch hành động. Tăng cường và hỗ trợ các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại trường học.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Xây dựng Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, tập trung ưu tiên chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho các địa bàn trọng điểm của địa phương, chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch tại địa phương; báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 523/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu523/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành10/03/2010
Ngày hiệu lực10/03/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 523/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 523/QĐ-UBND 2010 hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS Vĩnh Long


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 523/QĐ-UBND 2010 hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS Vĩnh Long
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu523/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Vĩnh Long
                Người kýLê Thanh Xuân
                Ngày ban hành10/03/2010
                Ngày hiệu lực10/03/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 523/QĐ-UBND 2010 hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS Vĩnh Long

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 523/QĐ-UBND 2010 hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS Vĩnh Long

                        • 10/03/2010

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 10/03/2010

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực