Nội dung toàn văn Quyết định 524/QĐ-TTg 2021 Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 524/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TRỒNG MỘT TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;
Căn cứ Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” (sau đây viết tắt là Đề án), với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát huy được vai trò của rừng và cây xanh đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
2. Phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
4. Trồng cây xanh phải đi đối với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
II. MỤC TIÊU
Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
III. NHIỆM VỤ
Trồng thành công một tỷ cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương, trong đó:
1. Trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn)
a) Số lượng: 690 triệu cây, bình quân trồng 138 triệu cây/năm.
b) Yêu cầu về loài cây trồng
Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương/vùng/miền.
c) Địa điểm trồng
- Tại khu vực đô thị: trồng trên vỉa hè đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng, vườn nhà và các công trình công cộng khác.
- Tại khu vực nông thôn: trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy; trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác.
2. Trồng cây xanh trong rừng tập trung
a) Số lượng: 180 nghìn ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36 nghìn ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm:
- Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30 nghìn ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6 nghìn ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm).
- Trồng mới rừng sản xuất: 150 nghìn ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30 nghìn ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).
b) Yêu cầu về loài cây trồng
- Đối với rừng đặc dụng: trồng các loài cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó.
- Đối với rừng phòng hộ: trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt.
- Đối với rừng sản xuất: trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.
c) Địa điểm trồng
- Đất rừng phòng hộ: diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển.
- Đất rừng đặc dụng: diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan.
- Đất rừng sản xuất: diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.
3. Kế hoạch thực hiện
a) Năm 2021, trồng khoảng 182 triệu cây, trong đó: cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.
b) Từ năm 2022 - 2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng cụ thể kế hoạch 5 năm và hằng năm.
IV. GIẢI PHÁP
1. Cơ chế, chính sách
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
b) Bộ Xây dựng rà soát đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; hoàn thiện chính sách quản lý và phát triển cây xanh đô thị, trong đó, bảo đảm không gian, diện tích đất cho phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và quy định hiện hành.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai theo hướng khuyến khích, hỗ trợ về đất đai để phát triển cây xanh.
2. Rà soát quỹ đất trồng cây, trồng rừng
a) Các địa phương tổ chức rà soát, xác định quỹ đất để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn); xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025.
b) Tổ chức giao đất, giao rừng, đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng rừng và trồng cây phân tán phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng:
Đối với cây xanh đô thị: quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý cây xanh đô thị.
Đối với cây được trồng trên diện tích đất của các tổ chức và hộ gia đình: các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý.
Đối với cây được trồng trên diện tích đất công, các công trình công cộng (đường xá, bờ kênh mương thủy lợi...): chính quyền địa phương xem xét, tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể quần chúng trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây phân tán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện thực tế.
3. Về cây giống
Các địa phương chủ động chuẩn bị đủ số lượng, cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, trên cơ sở kế hoạch trồng cây hằng năm và điều kiện thực tế của địa phương.
Loài cây trồng trong đô thị được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý cây xanh đô thị, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; loài cây trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán vùng nông thôn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Về kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ
a) Đối với cây xanh để trồng rừng tập trung
- Trồng rừng phòng hộ:
Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư: trồng rừng ở nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao loài cây bản địa, cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.
Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển: thiết lập đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng nơi; trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.
- Trồng rừng đặc dụng:
Áp dụng biện pháp kết hợp tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung với làm giàu rừng, trồng loài cây bản địa trên diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của các khu rừng đặc dụng.
- Trồng rừng sản xuất:
Xây dựng, hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Khuyến khích sử dụng các loài cây bản địa; trồng rừng hỗn loài, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày ở những nơi có điều kiện thích hợp.
b) Đối với cây xanh trồng phân tán
- Khu vực đô thị: tổ chức trồng, chăm sóc cây theo quy trình trồng cây xanh đô thị và áp dụng kỹ thuật thâm canh để cây đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, sớm phát huy tác dụng, cảnh quan. Thực hiện thiết kế, trồng cây xanh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 .
- Khu vực nông thôn: lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác; tổ chức trồng, chăm sóc rừng và cây xanh theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể của từng loài cây.
c) Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc trồng, chăm sóc, dịch chuyển cây xanh phân tán; bảo đảm việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh được an toàn, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh trồng tập trung và cây xanh phân tán.
5. Huy động nguồn lực
Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh, trong đó:
- Tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế,... sử dụng để mua vật tư, cây giống hỗ trợ cho các phong trào, dự án trồng cây phân tán.
- Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, trồng cây xanh.
- Kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật, như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác,...
- Huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
6. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nâng chỉ tiêu trồng cây phân tán hàng năm cao gấp 1,5 - 2 lần so với bình quân giai đoạn 2016 - 2020.
- Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh.
- Tiếp tục xây dựng các tài liệu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng phòng hộ và trồng, chăm sóc cây xanh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Phát động phong trào thi đua để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.
V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm: ngân sách nhà nước (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Trong đó:
1. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng, trồng cây xanh công cộng đô thị phục vụ lợi ích cộng đồng, hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất, hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp phân tán; tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án..,: được quản lý và thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.
2. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng nguồn vốn.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan thường trực Đề án, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án này.
- Tổ chức duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương: trồng cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây phân tán vùng nông thôn.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ trồng một tỷ cây xanh quốc gia.
- Nghiên cứu xây dựng tiêu chí trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết, tổng kết; đầu mối tổng hợp kế hoạch và kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Xây dựng
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai thực hiện Đề án này.
- Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện việc quản lý và phát triển cây xanh đô thị theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
- Rà soát, kiểm tra, đánh giá đầy đủ thực trạng quản lý cây xanh đô thị, khu công nghiệp; xác định rõ mục tiêu cần đạt, kế hoạch trồng cây xanh đô thị, khu công nghiệp trong thời gian tới theo hướng nâng cao diện tích cây xanh/đầu người tại các khu đô thị.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện công tác quản lý cây xanh đô thị; rà soát các quy hoạch xây dựng, trong đó bảo đảm không gian, diện tích đất cho phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và quy định hiện hành.
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan đến trồng, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị; xây dựng chính sách phát triển cây xanh đô thị để bảo đảm tỷ lệ trồng cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
- Nghiên cứu, xây dựng định hướng, kế hoạch phát triển cây xanh đô thị phù hợp với chiến lược phát triển đô thị quốc gia, bảo đảm an toàn cho đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện theo dõi và giám sát cây xanh đô thị quốc gia.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu về quản lý và phát triển cây xanh đô thị theo Đề án, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai thực hiện Đề án này.
- Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp cho phát triển rừng và trồng cây xanh, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để xác định các khu vực ưu tiên trồng cây; dành quỹ đất ổn định, lâu dài, đúng mục đích cho phát triển cây xanh, bảo đảm các tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy định.
4. Bộ Giao thông vận tải
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai thực hiện Đề án này.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các dự án phát triển giao thông đường bộ gắn với trồng và phát triển cây xanh; bảo đảm hệ thống đường giao thông ngoài đô thị được trồng cây xanh ở những nơi có đủ điều kiện, tạo cảnh quan, bóng mát theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành và bảo đảm an toàn giao thông.
5. Các bộ, ngành khác có liên quan: phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn,... làm cơ sở xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án trồng rừng, trồng cây xanh phân tán cụ thể hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025.
- Bố trí ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách, lồng ghép từ các chương trình, dự án và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, huy động các nguồn vốn hợp pháp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh vì cộng đồng,...
- Chủ động chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo kế hoạch, dự án được duyệt.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển cây xanh trên địa bàn. Tổ chức, duy trì phát triển phong trào “Tết trồng cây” và trồng cây nhân dân hàng năm; phát động thi đua, giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.
- Hằng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi phá hại rừng, cây xanh; tổng hợp báo cáo, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.
7. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể
Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tham gia vào thực hiện Đề án với phương châm trồng cây, trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển đất nước bền vững.
8. Các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án này. Phát hiện các tấm gương, điển hình tiên tiến, “người tốt việc tốt” trong phong trào trồng cây, trồng rừng để động viên, khuyến khích, nhân rộng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
KẾ HOẠCH TỔNG THỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRỒNG MỘT TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”
(Kèm theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Nội dung nhiệm vụ | Chủ trì | Phối hợp | Thời gian hoàn thành |
1 | Rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch |
|
|
|
a | Rà soát, kiểm tra, đánh giá đầy đủ thực trạng quản lý cây xanh đô thị, khu công nghiệp; xác định rõ mục tiêu cần đạt, kế hoạch trồng cây xanh đô thị, khu công nghiệp trong thời gian tới theo hướng nâng cao diện tích cây xanh/đầu người tại các khu đô thị. | Bộ Xây dựng | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Quý II năm 2021 |
b | Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp cho trồng cây xanh, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để xác định các khu vực ưu tiên trồng cây. | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Quý II năm 2021 |
c | Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan rà soát hệ thống giao thông đường bộ ngoài đô thị để trồng cây xanh ở những nơi có đủ điều kiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành và bảo đảm an toàn giao thông. | Bộ Giao thông vận tải | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Quý II năm 2021 |
d | Rà soát, xác định quỹ đất để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất; trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn). | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Các bộ, ngành liên quan. | Quý II năm 2021 |
đ | Xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025. | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Các bộ, ngành liên quan. | Hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 |
e | Tổng hợp kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | - Bộ Xây dựng - Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 |
2 | Chuẩn bị cây giống |
|
|
|
| Chuẩn bị cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật. | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, ngành liên quan. | Hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 |
3 | Về khoa học kỹ thuật và công nghệ |
|
|
|
a | Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương các biện pháp kỹ thuật trồng rừng, trồng cây phân tán nông thôn; quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; các hướng dẫn kỹ thuật lâm sinh. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Hằng năm |
b | Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương các biện pháp kỹ thuật đối với trồng cây xanh khu vực đô thị. | Bộ Xây dựng | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, ngành liên quan. | Hằng năm |
c | Xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh trồng tập trung và cây xanh phân tán. | Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Cả giai đoạn 2021 - 2025 |
4 | Tổ chức duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan | Hằng năm |
5 | Tổ chức trồng rừng, cây xanh theo kế hoạch hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan | Hằng năm |
6 | Cơ chế, chính sách |
|
|
|
a | Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Trong năm 2021 |
b | Rà soát đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; hoàn thiện chính sách quản lý cây xanh đô thị. | Bộ Xây dựng | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Năm 2021 - 2022 |
c | Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai theo hướng khuyến khích, hỗ trợ về đất đai cho hoạt động phát triển cây xanh. | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành liên quan. | Năm 2022 |
7 | Kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | - Bộ Xây dựng; - Bộ Tài nguyên và Môi trường; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Các bộ, ngành liên quan. | Hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 |
8 | Chế độ báo cáo |
|
|
|
a | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hằng năm. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. | Quý II năm 2021 và Quý IV của năm trước năm kế hoạch đối với giai đoạn 2022 - 2025 |
b | Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | - Bộ Xây dựng; - Bộ Tài nguyên và Môi trường; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. | Hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 |