Quyết định 547/2007/QĐ-UBND

Quyết định 547/2007/QĐ-UBND về quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùng do tỉnh Phú Thọ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 547/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 547/2007/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 13 tháng 3 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TẠI DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 89/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập khu rừng quốc gia Đền Hùng và xây dựng dự án đầu tư khu rừng quốc gia Đền Hùng; Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định một số điểm về quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Quyết định số 1199/1999/QĐ-UB ngày 28 tháng 5 năm 1999 của ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị căn cứ quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Hải

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ ĐIỂM VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TẠII DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 547/2007/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ tự các vua Hùng có công dựng nước; là di tích lịch sử đặc biệt của Quốc gia. Các cấp, các ngành, mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ di tích theo quy định của Nhà nước. Việc tôn tạo, tu bổ và xây dựng trong di tích lịch sử Đền Hùng phải tuân theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004 và các dự án chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Di tích lịch sử Đền Hùng có tổng diện tích tự nhiên 1.030 ha, trong đó:

- Khu trung tâm: Gồm các di tích lịch sử, công trình văn hóa, kết cấu hạ tầng và rừng nguyên sinh với diện tích 32 ha, được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt;

- Vùng đệm và rừng quốc gia Đền Hùng: Diện tích 998 ha.

Điều 3. Khu di tích lịch sử Đền Hùng là cơ quan trực tiếp quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng các di tích lịch sử, rừng quốc gia Đền Hùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức tiếp nhận và quản lý các nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn vật tư, nguồn công đức của các tổ chức, cá nhân đóng góp tôn tạo, tu bổ, xây dựng di tích lịch sử Đền Hùng. Khu di tích lịch sử Đền Hùng có trách nhiệm phối hợp với các cấp, các ngành liên quan quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa, các hoạt động văn hóa, lễ hội; bảo vệ rừng quốc gia Đền Hùng và hệ sinh thái rừng tự nhiên; quản lý, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, vườn cây lưu niệm trong di tích; quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt; quản lý và tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch; quản lý và thực hiện các dự án về xây dựng, tôn tạo, tu bổ di tích và rừng quốc gia Đền Hùng trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước theo địa giới hành chính trong phạm vi di tích lịch sử Đền Hùng.

Điều 4. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ, học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa, tham quan, du lịch, thăm viếng, hành lễ v.v… trong di tích lịch sử Đền Hùng phải chấp hành quy định này. Trong trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm. Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trong chương trình giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Quy mô tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài, cụ thể như sau:

- Năm chẵn (năm có chữ số cuối cùng là “0”): Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ hội, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương;

- Năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là “5”): ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ hội, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương;

- Năm lẻ (năm có chữ số cuối cùng còn lại): ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ hội, mời lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin dự Lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Điều 6. Hàng năm, Khu di tích lịch sử Đền Hùng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng phải đảm bảo yêu cầu giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn, văn minh, an toàn, tiết kiệm theo quy chế tổ chức lễ hội và các quy định hiện hành.

Khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian, hoạt động thể thao dân tộc; tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm và các hoạt động dịch vụ, du lịch phục vụ đồng bào về dự lễ hội Đền Hùng.

Điều 7. Các địa phương, tổ chức có nhu cầu rước kiệu, tế lễ tại các đền, chùa và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật v.v… trong phạm vi di tích lịch sử Đền Hùng (cả ngày hội và thường), phải đăng ký trước 03 ngày và phải được sự đồng ý của Khu di tích lịch sử Đền Hùng mới được tổ chức thực hiện (trừ những trường hợp đặc biệt).

Điều 8. Khu di tích lịch sử Đền Hùng có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý hoạt động của các ông từ, nhà sư trong di tích lịch sử Đền Hùng. Các ông từ được chọn tại xã Hy Cương và thị trấn Hùng Sơn hoặc ở các xã vùng ven của di tích. Hàng năm, vào cuối tháng 12, Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức tuyển chọn, quyết định công nhận và phân công ông từ tại các đền trên núi Nghĩa Lĩnh. Đối với đền Tổ Mẫu Âu Cơ và các đền, đài mới xây dựng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng trực tiếp quản lý.

Nhà sư trông coi chùa Thiên Quang trong di tích lịch sử Đền Hùng là người có trình độ Phật pháp, do Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh cử, chịu sự quản lý của Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Các ông từ, nhà sư có trách nhiệm hướng dẫn đồng bào thực hành tín ngưỡng theo truyền thống, thăm viếng di tích, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, bảo vệ tài sản, tiền cung tiến, tiền đặt lễ, vệ sinh các đền, chùa dưới sự quản lý, điều hành của Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Điều 9. Khu di tích lịch sử Đền Hùng quản lý, bảo vệ, trồng mới, chăm sóc, tu bổ rừng quốc gia Đền Hùng; vườn hoa, cây cảnh, vườn cây lưu niệm; hướng dẫn đồng bào giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cảnh quan môi trường trong phạm vi di tích theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Khu di tích lịch sử Đền Hùng có trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, tham quan, tìm hiểu lịch sử thời đại Hùng Vương và hệ sinh thái rừng quốc gia Đền Hùng của nhân dân.

Các tập thể, cá nhân có nhu cầu tổ chức các hoạt động dịch vụ trong phạm vi di tích lịch sử Đền Hùng phải tuân theo quy hoạch, chấp hành nội quy của Khu di tích lịch sử Đền Hùng và quy định của các ngành chức năng.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng ban hành nội quy quản lý hoạt động của người quay phim, chụp ảnh trong di tích lịch sử Đền Hùng. Hàng năm, tổ chức xét, chọn, hướng dẫn hoạt động của người quay phim, chụp ảnh và thu phí theo quy định hiện hành.

Điều 11. Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện các dự án về xây dựng, tôn tạo, tu bổ di tích và rừng quốc gia Đền Hùng trên cơ sở quy hoạch tổng thể và chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 12. Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức thực hiện ghi phiếu công đức và tiếp nhận chu đáo những hiện vật, tiền, tài sản, công sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung tiến tu bổ, xây dựng Đền Hùng; thường xuyên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những tổ chức, cá nhân công đức tu bổ, xây dựng Đền Hùng. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức tu bổ, xây dựng di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện quy định riêng.

Điều 13. Hàng năm, Khu di tích lịch sử Đền Hùng làm việc, thống nhất với Sở Tài chính trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí thường xuyên; chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; vệ sinh môi trường; duy tu, sửa chữa, chống xuống cấp các hạng mục công trình tại di tích lịch sử Đền Hùng đã được bàn giao sử dụng.

Điều 14. Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức, quản lý việc thu tiền két, tiền đặt lễ trong ngày thường, ngày hội ở các đền, chùa trong di tích lịch sử Đền Hùng. Việc sử dụng tiền két, tiền đặt lễ tại các đền chùa trong di tích lịch sử Đền Hùng như sau:

- Tiền trong két tại các đền chùa do Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức thu và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định;

- Tiền đặt lễ tại các đền được sử dụng như sau: 25% hỗ trợ ngân sách các xã, thị trấn cử ông từ tham gia quản lý các đền để sử dụng vào việc xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi ở địa phương; 30% dùng để mua lễ vật hàng ngày và chi trả thù lao cho ông từ; 45% dùng để tu sửa di tích, chi hoạt động sự nghiệp;

- Tiền đặt lễ tại chùa Thiên Quang được sử dụng như sau: 30% chi cho việc tu bổ chùa và chi hoạt động sự nghiệp; 70% dùng để mua lễ vật hàng ngày và trả thù lao cho nhà chùa;

- Tiền đặt lễ tại chùa Tổ Mẫu Âu Cơ và các đền, đài mới được xây dựng trong di tích lịch sử Đền Hùng do Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức thu và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Điều 15. Nghiên cấm mọi hành vi xâm phạm đến các di tích lịch sử, công trình văn hóa, cảnh quan môi trường, rừng quốc gia Đền Hùng; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng làm phương hại đến thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc, hoạt động mê tín dị đoan: sóc, rút thẻ, lên đồng, bói tướng số v.v… tại di tích lịch sử Đền Hùng; nghiêm cấm bán hàng rong, bán hàng không đúng nơi quy định và các hành vi gây mất an ninh, trật tự tại di tích lịch sử Đền Hùng. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Các sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện công tác quản lý và bảo vệ di tích lịch sử Đền Hùng.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và chỉ đạo việc trồng, chăm sóc rừng quốc gia Đền Hùng trong phạm vi 1030 ha.

2. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng; tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý các vụ vi phạm lâm luật.

3. Sở Văn hóa - Thông tin chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, lễ hội trong phạm vi di tích lịch sử Đền Hùng; phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng xây dựng kế hoạch và tham gia tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng hàng năm.

4. Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với các chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch trong phạm vi di tích lịch sử Đền Hùng; tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa, chống hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trong khu vực di tích lịch sử Đền Hùng; phối hợp với các Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức các tua, tuyến du lịch thăm Đền Hùng và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Khu di tích lịch sử Đền Hùng quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường trong phạm vi khu trung tâm, vùng đệm và rừng quốc gia Đền Hùng.

6. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng quản lý quy hoạch và xây dựng của tổ chức và cá nhân trong phạm vi di tích lịch sử Đền Hùng.

7. Công an tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực di tích lịch sử Đền Hùng; chỉ đạo Công an thành phố Việt Trì và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng giữ gìn an ninh, trật tự trong phạm vi di tích (thời gian tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng có kế hoạch bảo vệ riêng).

8. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh; ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh; ủy ban nhân dân xã Hy Cương, thị trấn Hùng Sơn và các xã vùng ven di tích có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến quy định này đến mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện và tham gia giữ gìn, bảo vệ di tích lịch sử Đền Hùng.

Điều 17. Giao Khu di tích lịch sử Đền Hùng ban hành nội quy thăm viếng, bảo vệ di tích lịch sử Đền Hùng và tổ chức triển khai thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh với ủy ban nhân dân tỉnh (qua Khu di tích lịch sử Đền Hùng), để xem xét giải quyết và sửa đổi cho phù hợp.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 547/2007/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu547/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành13/03/2007
Ngày hiệu lực23/03/2007
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 547/2007/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 547/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản hiện thời

            Quyết định 547/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ
            Loại văn bảnQuyết định
            Số hiệu547/2007/QĐ-UBND
            Cơ quan ban hànhTỉnh Phú Thọ
            Người kýNguyễn Thị Kim Hải
            Ngày ban hành13/03/2007
            Ngày hiệu lực23/03/2007
            Ngày công báo...
            Số công báo
            Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
            Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
            Cập nhật18 năm trước

            Văn bản thay thế

              Văn bản hướng dẫn

                Văn bản được hợp nhất

                  Văn bản gốc Quyết định 547/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 547/2007/QĐ-UBND quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ