Nội dung toàn văn Quyết định 58-CP phê chuẩn bản điều lệ của Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 58-CP | Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ CHUẨN BẢN ĐIỀU LỆ CỦA PHÒNG THƯƠNG MẠI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị của Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 26 tháng 3 năm 1960 về tổ chức Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Căn cứ báo cáo của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay phê chuẩn bản điều lệ của Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kèm theo quyết định này.
Điều 2. – Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
ĐIỀU LỆ
PHÒNG THƯƠNG MẠI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. – Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một tổ chức kinh tế tụ quản nhằm mục đích phục vụ việc củng cố và phát triển quan hệ kinh tế giữa nước Việt Nam và các nước ngoài, trên cơ sở bình đẳng và mọi bên cùng có lợi.
Điều 2. – Phòng Thương mại có tư cách pháp nhân.
Điều 3. - Trụ sở Phòng Thương mại đặt tại Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Điều 4. – Phòng Thương mại chịu sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.
II. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG
Điều 5. - Những hoạt động của Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm có:
1. Giao dịch và đặt quan hệ với các tổ chức thương mại, kinh tế và với thương nhân nước ngoài.
Giúp đỡ các tổ chức kinh doanh hữu quan của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong việc tiếp xúc giao dịch và đặt quan hệ buôn bán với nước ngoài, giúp đỡ các tổ chức thương mại, kinh tế và thương nhân nước ngoài trong việc tiếp xúc, giao dịch và đặt quan hệ buôn bán với các tổ chức kinh doanh hữu quan Việt Nam.
2. Giúp đỡ đương sự của phía Việt Nam cũng như của phía nước ngoài về mặt giới thiệu quảng cáo hàng hóa.
3. Cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chứng thực những giấy tờ thông dụng khác trong thương mại quốc tế theo yêu cầu của đương sự phía Việt Nam và phía nước ngoài.
4. Giúp đỡ giải quyết bằng thương lượng hoặc thông qua trọng tài những việc tranh chấp có thể xảy ra trong khi thi hành các hợp đồng theo yêu cầu của các bên hữu quan.
5. Tổ chức triển lãm sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài, và sản phẩm của nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức và tham gia hội chợ quốc tế.
6. Phát hành những bản tin kinh tế, tạp chí thương mại, hoặc dùng mọi hình thức khác để giới thiệu nền kinh tế và khả năng xuất khẩu của Việt Nam với nước ngoài và giúp các tổ chức kinh doanh hữu quan Việt Nam tìm hiểu thị trường ngoài nước.
III. HỘI VIÊN
Điều 6. – Có thể là hội viên của Phòng Thương mại, các tổ chức sản xuất, thương mại, vận tải, ngân hàng, v.v… có quan hệ đến ngoại thương.
Ban trị sự của Phòng Thương mại xét và quyết định việc công nhận hội viên theo đơn xin gia nhập của từng tổ chức.
Trường hợp Ban trị sự bác đơn xin gia nhập của mình, đương sự có thể khiếu nại lên Đại hội đồng của Phòng Thương mại quyết định.
Điều 7. – Do đề nghị của Ban trị sự, Đại hội đồng Phòng Thương mại sẽ bầu làm hội viên danh dự những người đã có những cống hiến đặc biệt quan trọng cho nền ngoại thương nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Điều 8. - Tất cả các hội viên đều có quyền tham dự và biểu quyết ở Đại hội đồng, ứng cử và bầu cử vào các tổ chức của Phòng.
Điều 9. - Tất cả các hội viên đều được hưởng mọi sự giúp đỡ của Phòng trong nghiệp vụ ngoại thương, được cung cấp những tài liệu, tin tức cần thiết về ngoại thương trong phạm vi hoạt động và quyền hạn của Phòng.
Điều 10. – Tất cả các hội viên đều có nghĩa vụ đóng niên liễm, thi hành những nghị quyết của Đại hội đồng và của Ban trị sự, cung cấp cho Ban trị sự những tài liệu, tin tức cần thiết, hoàn thành những công việc được Phòng giao cho.
IV. TỔ CHỨC
Điều 11. - Tổ chức Phòng Thương mại gồm có:
- Đại hội đồng.
- Ban trị sự.
- Ban thường trực.
Điều 12. - Đại hội đồng sẽ họp những phiên Đại hội thường kỳ và Đại hội bất thường.
Điều 13. - Đại hội thường kỳ do Ban trị sự tiệu tập mỗi năm một lần để duyệt các báo cáo về tình hình hoạt động của Phòng năm qua và quyết định chương trình hoạt động năm tới.
Đại hội đồng thường kỳ sẽ:
- Bầu Ban trị sự, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký.
- Nghiên cứu và thông qua báo cáo tài chính của Phòng.
- Quyết nghị về việc sửa đổi hoặc bổ sung những điều khoản trong bản điều lệ của Phòng.
- Nghiên cứu và quyết nghị việc công nhận hoặc không công nhận hội viên mới.
- Giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Phòng do Ban trị sự đề ra.
Điều 14. – Trong trường hợp cấp thiết. Ban trị sự có thể triệu tập Đại hội bất thường để giải quyết những việc quan trọng đột xuất.
Trường hợp có 1/5 hội viên yêu cầu, Ban trị sự cũng phải triệu tập Đại hội bất thường.
Điều 15. - Những nghị quyết của Đại hội đồng về các vấn đề thông thường thì lấy biểu quyết theo đa số.
Cần có biểu quyết theo đa số 2/3 hội viên có mặt, khi nào phải quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng như sau:
- Duyệt, sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ.
- Giải thể Phòng và thanh lý tài sản.
- Xét việc công nhận hội viên mới mà Ban trị sự đã từ chối.
Điều 16. – Ban trị sự lãnh đạo chung mọi hoạt động của Phòng Thương mại và thi hành những nghị quyết của Đại hội đồng.
Ban trị sự gồm có:
- Chủ tịch.
- Các Phó chủ tịch.
- Tổng thư ký.
- Và một số Ủy viên.
Tổng số Ủy viên của Ban trị sự, kể cả Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng thư ký, không được quá 20 người.
Điều 17. – Ban trị sự họp thường kỳ sáu tháng một lần.
Điều 18. – Ban thường trực gồm có:
Tổng thư ký và một số ủy viên.
Ban thường trực giải quyết công việc hàng ngày của Phòng, lãnh đạo các bộ phận nghiệp vụ và các tổ chức trực thuộc của Phòng.
Điều 19. – Ban trị sự có thể thành lập những bộ phận chuyên môn để giải quyết các vấn đề nghiệp vụ trong phạm vi chức năng của Phòng.
Điều 20. – Ban trị sự có thể mời những tổ chức kinh tế, thương mại hoặc những cá nhân không có chân trong tổ chức của Phòng để cộng tác với các bộ phận chuyên môn của Phòng.
Điều 21. – Phòng Thương mại có ngân sách riêng.
Điều 22. – Ngân sách Phòng Thương mại có những nguồn thu như sau:
- Tiền đóng góp của hội viên do Đại hội đồng quy định.
- Các khoản tiền thu khác do hoạt động của Phòng đem lại.
- Tiền trợ cấp của Chính phủ.
Điều 23. - Chủ tịch Phòng Thương mại hoặc người thay thế quản lý ngân sách của Phòng.
V. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 24. - Việc giải thể Phòng do Ban trị sự đề nghị, Đại hội đồng quyết định và phải được Hội đồng Chính phủ chuẩn y, căn cứ báo cáo của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.
Điều 25. - Bản điều lệ này cũng như những điều khoản được sửa đổi hoặc bổ sung đều phải được Đại hội đồng thông qua và bắt đầu có hiệu lực sau khi đã được Hội đồng Chính phủ chuẩn y, căn cứ báo cáo của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.