Nội dung toàn văn Quyết định 601/QĐ-BYT năm 2014 tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi tiêm vét vắc xin sởi
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 601/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH SỞI VÀ TIÊM VÉT VẮC XIN SỞI”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi”.
Điều 2. Kế hoạch này là căn cứ để các đơn vị xây dựng Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi tại địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng các Cục: Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Trưởng ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng và Thứ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH SỞI VÀ TIÊM VÉT VẮC XIN SỞI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 601/QĐ-BYT ngày 20/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Những nỗ lực triển khai vắc xin sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Việt Nam trong hơn 25 năm qua trên phạm vi toàn quốc đã làm giảm rõ rệt số mắc và số chết do sởi so với trước khi triển khai vắc xin.
Vắc xin sởi được tiêm miễn phí trên toàn quốc cho trẻ em 9 tháng tuổi trong TCMR. Từ năm 1993, tỷ lệ tiêm chủng hàng năm cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc đạt trên 90%. Mũi thứ hai vắc xin sởi được triển khai trong Chương trình TMCR cho trẻ em kể từ năm 2006. Song song với đó, các hoạt động tiêm vét tiêm bổ sung vắc xin sởi đã được triển khai trên quy mô lớn: trong hoạt động tiêm vét năm 2002-2003, 2007-2008, 2010 đã có trên 26 triệu lượt đối tượng trên toàn quốc được tiêm vắc xin sởi theo lịch và tiêm vét vắc xin sởi, chủ yếu là trẻ em. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi trong các hoạt động tiêm vét trên toàn quốc đạt trên 95%. Cùng với các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đang nỗ lực để loại trừ bệnh sởi vào năm 2017.
Trong thời gian vừa qua nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như Trung Quốc, Philippine, Nhật Bản, Lào, đặc biệt tại Trung Quốc dịch sởi xuất hiện trên diện rộng và tại một số tỉnh khu vực biên giới giáp với Việt Nam gây ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh trong nước. Tại Việt Nam, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 cả nước đã có 18 tỉnh, thành phố đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó một số tỉnh, thành phố có số mắc cao hơn là Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trước những diễn biến tình hình dịch sởi, để kiểm soát dịch sởi, khẩn trương khống chế dịch sởi, giảm số mắc và biến chứng do sởi, song song với việc tăng cường tiêm chủng thường xuyên, Bộ Y tế triển khai Kế hoạch tiêm vắc xin sởi.
II. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH
1. Triển khai tiêm chủng vắc xin sởi đạt trên 95% cho các đối tượng sau:
- Trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng.
- Đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo chỉ định.
2. Đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo Quyết định số 3029/QĐ-BYT ngày 21/8/2013 của Bộ Y tế.
III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI
- Thời gian: Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2014.
- Phạm vi: Trên phạm vi toàn quốc.
IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
4.1. Lập danh sách đối tượng
- Đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi: Dựa trên tình hình thực tế ổ dịch để xác định phạm vi và đối tượng tiêm vắc xin theo sự hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur và Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia
- Trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi: Tiêm 1 mũi vắc xin sởi trong đợt này. Trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi: Tiêm 1 mũi vắc xin sởi trong đợt này (khoảng 200.000 trẻ).
- Trạm Y tế xã với sự hỗ trợ của Y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, trưởng thôn rà soát danh sách đối tượng cần được tiêm vắc xin sởi trên địa bàn kể cả đối tượng vãng lai, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư. Trạm Y tế xã tổng hợp báo cáo Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Y tế huyện báo cáo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổng hợp và báo cáo Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực và quốc gia.
- Thời gian: Từ 22/02/2014 đến 05/3/2014
4.2. Cung ứng vắc xin và vật tư tiêm chủng
- Dựa trên số đối tượng tiêm chủng, các tuyến dự trù nhu cầu vắc xin và vật tư tiêm chủng cần thiết.
- Trên cơ sở số lượng vắc xin hiện còn, nhu cầu vắc xin và vật tư tiêm chủng tại các tuyến, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia và khu vực phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho tuyến dưới để thực hiện Kế hoạch.
- Vắc xin sởi sẽ được vận chuyển tới 3 Viện Pasteur Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang và Viện VSDT Tây Nguyên. Các khu vực sẽ vận chuyển vắc xin tới kho Trung tâm YTDP các tỉnh, thành phố. Trung tâm YTDP tỉnh, thành phố tiếp nhận và bảo quản vắc xin sởi tại kho tỉnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm y tế các huyện ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm. Trung tâm Y tế quận, huyện tiếp nhận vắc xin từ kho tỉnh về kho quận, huyện để bảo quản và cấp phát cho các xã, bệnh viện quận, huyện 1 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm. Tuyến xã, phường nhận vắc xin từ tuyến quận, huyện, bảo quản vắc xin và vận chuyển cho các điểm tiêm.
4.3. Tổ chức tiêm chủng
- Tổ chức tiêm có thể cùng với buổi tiêm chủng thường xuyên hoặc bố trí vào ngày khác tùy theo từng địa phương.
- Bố trí nhân lực: Tại mỗi điểm tiêm chủng cần ít nhất 2 cán bộ y tế được tập huấn (khám sàng lọc, tiêm vắc xin). Đối với những vùng đặc biệt khó khăn cần phối hợp với lực lượng Quân Y, bộ đội biên phòng.
- Cuối mỗi buổi tiêm chủng cần rà soát các hoạt động để kịp thời đưa ra kế hoạch tiêm bổ sung và các hoạt động điều chỉnh, đảm bảo không để sót đối tượng tiêm chủng.
- Cán bộ y tế xã tiến hành thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế.
- Thực hiện an toàn tiêm chủng theo Quyết định số 3029/QĐ-BYT ngày 21/8/2013 của Bộ Y tế và thực hiện khám phân loại đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 04/QĐ-BYT ngày 02/01/2014.
4.4. Truyền thông
Tuyến tỉnh, huyện, xã: Thực hiện truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng: đài phát thanh, truyền hình, đài truyền thanh, báo chí, loa đài cũng như cung cấp tờ rơi, pano, áp phích. Truyền thông sẽ được thực hiện trước và trong thời gian triển khai tiêm chủng.
4.5. Theo dõi giám sát và báo cáo
- Các tuyến quốc gia, khu vực, tỉnh, huyện chủ động cử các đoàn kiểm tra giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai. Cán bộ giám sát có trách nhiệm trong việc theo dõi giám sát và hỗ trợ Trạm Y tế thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế.
- Ngay sau khi kết thúc hoạt động, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn toàn tỉnh lên tuyến trên.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi tại địa phương. Đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai kế hoạch này và công tác tiêm chủng thường xuyên. Chỉ đạo việc tuyên truyền về tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và người dân thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi.
2. Sở Y tế có nhiệm vụ triển khai Kế hoạch, bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của bệnh sởi, phát hiện sớm các ổ dịch tập trung, tổ chức điều tra và xử lý kịp thời, triệt để không để dịch lan rộng.
3. Cục Y tế dự phòng chỉ đạo triển khai Kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc sử dụng vắc xin, theo dõi, xử lý các phản ứng sau tiêm chủng trên cơ sở nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt.
4. Cục quản lý Dược làm đầu mối phối hợp với Viện Kiểm định quốc gia vắc xin, sinh phẩm y tế và Dự án TCMR chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vắc xin sởi.
5. Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp tổ chức thu dung, xử lý kịp thời các trường hợp nghi mắc sởi và các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc khám sàng lọc trong tiêm chủng theo đúng các quy định.
6. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo lĩnh vực được phân công có kế hoạch triển khai các hoạt động tiêm chủng và phòng chống dịch. Giám sát hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong điều tra, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
7. Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm Y tế có trách nhiệm kiểm định từng lô vắc xin đảm bảo đúng tiến độ, qui trình đã được phê duyệt và giám sát chất lượng vắc xin tại các tuyến.
8. Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia và khu vực có trách nhiệm lập kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai việc tiêm chủng và tiêm vắc xin sởi. Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin sởi và vật tư tiêm chủng cho các đối tượng tiêm chủng, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng dựa vào hệ thống TCMR từ trung ương đến địa phương. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch.
9. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch theo sự phân công.
10. Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe trung ương và các đơn vị liên quan trong ngành y tế tập trung tuyên truyền việc triển khai tiêm vắc xin và tiêm vét vắc xin sởi để người dân đưa con em đi tiêm chủng.