Quyết định 615-QĐ/NT

Quyết định 615-QĐ/NT năm 1970 về chế độ kiểm tra của công nhân, viên chức ở các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành Nội thương do Bộ trưởng Bộ Nội thương ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 615-QĐ/NT chế độ kiểm tra công nhân, viên chức các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành Nội thương


BỘ NỘI THƯƠNG
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 615-QĐ/NT

Hà Nội, ngày 03  tháng 9 năm 1970

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHẾ ĐỘ KIỂM TRA CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC Ở CÁC ĐƠN VỊ TRỰC TIẾP KINH DOANH THUỘC NGÀNH NỘI THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 80-CP ngày 16-7-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Nội thương;
Thi hành Chỉ thị số 87-TTg ngày 24-8-1963 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm tra;
Căn cứ Luật công đoàn;
Để phát huy tác dụng kiểm tra của quần chúng, góp phần chống buông lỏng quản lý và cải tiến công tác quản lý trong ngành;
Sau khi đã thảo luận và nhất trí với Công đoàn thương nghiệp Việt Nam ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành chế độ kiểm tra của công nhân, viên chức ở các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành nội thương;

Điều 2. Các đồng chí cục trưởng các cục kinh doanh, giám đốc sở, trưởng ty thương nghiệp, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công đoàn thương nghiệp cùng cấp trong việc chỉ đạo cấp dưới thi hành chế độ này.

Điều 3. Chế độ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hủy bỏ bản quy định về tổ  chức quần chúng tự kiểm tra tại các cửa hàng mậu dịch quốc doanh ban hành theo công văn số 2401-NT/TT ngày 24-10-1968.

Điều 4. Các đồng chí chánh văn phòng Bộ, trưởng ban thanh tra Bộ, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG




Hoàng Quốc Thịnh

 

CHẾ ĐỘ KIỂM TRA

CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC Ở CÁC ĐƠN VỊ TRỰC TIẾP KINH DOANH THUỘC NGÀNH NỘI THƯƠNG

I. Định nghĩa và phạm vi thi hành

Điều 1. Kiểm tra của công nhân, viên chức là một hình thức kiểm tra của quần chúng nhằm thực hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức ở nơi làm việc của họ để giám sát những hoạt động kinh tế của đơn vị đó trên các mặt chấp hành chính sách, thực hiện kế hoạch, quản lý tài sản.

Điều 2. Chế độ kiểm tra của công nhân, viên chức chỉ thi hành ở các đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh như công ty cấp I, cấp II, xí nghiệp tổng hợp huyện, hợp tác xã mua bán huyện, các cửa hàng, kho, trạm thu mua, trạm vận tải, trạm hay xưởng sản xuất, gia công, chế biến, sửa chữa, trại chăn nuôi, khách sạn, công trường xây lắp, công trường khai thác lâm sản và nông trường…

Chế độ này không áp dụng ở các văn phòng Bộ, cục và sở, ty.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn của công nhân, viên chức.

Điều 3. Là người làm chủ tập thể, công nhân, viên chức ở các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành nội thương có quyền và có trách nhiệm tham gia kiểm tra các hoạt động kinh tế trong đơn vị làm việc của mình. Cụ thể là:

a) Tham gia kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch ở tổ công tác hay ở đơn vị làm việc của mình, tìm ra nguyên nhân khuyết điểm và đề xuất biện pháp bổ khuyết nhằm hoàn thành tốt kế hoạch của tổ hay của đơn vị;

b) Phát hiện những thiếu sót trong việc quản lý lao động và quản lý tài sản của đơn vị bao gồm tiền, hàng, nguyên vật liệu, tài sản cố định, vật rẻ tiền mau hỏng và phế liệu, phế phẩm.

c) Phát hiện những sự vi phạm chính sách, chế độ, thể lệ, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước về công tác nội thương, chỉ thị của cấp trên và nội quy cơ quan, bất cứ người vi phạm là cá nhân hay tập thể, nhân viên trong đơn vị hay ngoài đơn vị, nhân viên cấp dưới hay cán bộ cấp trên.

d) Tự kiểm tra việc làm của bản thân mình.

Điều 4. Công nhân, viên chức thực hiện quyền tham gia kiểm tra của mình một cách thường xuyên và có tổ chức:

a) Nếu thấy ở đơn vị mình có những thiếu sót gì thuộc các điểm a, b, c ở điều 3 thì có thể ghi ngay ý kiến của mình vào sổ góp ý của công nhân, viên chức. Nếu xét thấy chưa tiện ghi vào sổ đó thì có thể phản ánh trực tiếp với ban kiểm tra của đơn vị, hoặc với đồng chí phụ trách công đoàn ở nơi mình làm việc hay với đơn vị cấp trên.

b) Góp ý kiến trong những lúc hội ý ở tổ, ở nhóm, trong hội nghị cơ quan và hội nghị công nhân, viên chức của đơn vị.

Điều 5. Phải xuất phát từ lợi ích chung mà thực hiện sự kiểm tra của mình, kiên quyết đấu tranh với những sự vi phạm chính sách, chế độ, những khuyết điểm làm tổn hại đến tài sản của cửa hàng, xí nghiệp… nhưng với thái độ xây dựng, không được gây chia rẽ, bè phái.

Điều 6. Để thực hiện được quyền làm chủ tập thể và nâng cao năng lực quản lý và kiểm tra của mình, mọi người phải học tập các chính sách, chế độ, thể lệ, nguyên tắc, nội quy liên quan đến công việc của mình và của đơn vị mình.

III. Trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn thương nghiệp các cấp.

Điều 7. Công nhân, viên chức tham gia kiểm tra dưới sự lãnh đạo của tổ chức quần chúng của mình là công đoàn thương nghiệp.

Điều 8. Công đoàn thương nghiệp Việt Nam là người hướng dẫn và chỉ đạo công đoàn thương nghiệp các cấp về việc này; đề xuất với Bộ Nội thương những vấn đề do quần chúng phát hịên mà chính quyền cấp dưới chưa giải quyết hoặc không đủ thẩm quyền giải quyết; tổng kết kết quả và kinh nghiệm về công tác kiểm tra của công nhân, viên chức trong ngành để phổ biến chung.

Điều 9. Dưới sự chỉ đạo của Công đoàn thương nghiệp Việt Nam, công đoàn thương nghiệp các sở, ty có nhiệm vụ:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công đoàn thương nghiệp cấp dưới thực hiện chế độ kiểm tra của công nhân, viên chức;

b) Can thiệp với chính quyền cùng cấp giải quyết những vấn đề do quần chúng phát hiện mà chính quyền cấp dưới chưa giải quyết hay giải quyết không thỏa đáng;

c) Tổng kết kết quả và kinh nghiệm kiểm tra của công nhân, viên chức trong phạm vi tỉnh và thành phố.

Điều 10. Công đoàn cơ sở từ công ty cấp I, cấp II, xí nghiệp hoặc hợp tác xã mua bán huyện đến các cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại… có trách nhiệm và quyền hạn như sau:

a) Tổ chức, động viên công nhân, viên chức phát huy quyền làm chủ tập thể, tích cực tham gia kiểm tra các hoạt động kinh tế ở đơn vị làm việc của họ;

b) Can thiệp với chính quyền cùng cấp giải quyết những vấn đề do công nhân, viên chức đã phát hiện và trả lời cho công đoàn biết lý do chưa giải quyết hoặc không giải quyết;

c) Báo cáo lên công đoàn cấp trên để can thiệp với chính quyền cấp trên giải quyết những việc mà công nhân, viên chức đã phát hiện hay góp ý nhưng chính quyền cùng cấp không giải quyết mà không có lý do chính đáng, hoặc những khó khăn mà chính quyền cùng cấp gây trở ngại cho sự tham gia kiểm tra của công nhân, viên chức;

d) Phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức đều đặn và có kết quả thiết thực hội nghị công nhân, viên chức ở tổ công tác, ở cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại… theo đúng chế độ đã quy định;

đ) Báo cáo tình hình và kết quả kiểm tra của công nhân, viên chức trước mỗi kỳ hội nghị của công nhân, viên chức;

e) Được dự các cuộc họp của chính quyền cùng cấp bàn những biện pháp thực hiện kế hoạch, quản lý tài sản, chấp hành chính sách hoặc giải quyết những vấn đề do công nhân, viên chức đề xuất.

g) Dựa trên kết quả kiểm tra của quần chúng, trao đổi góp ý kiến với chính quyền cùng cấp những hình thức khen thưởng hoặc kỷ luật đối với công nhân, viên chức nào có thành tích hay phạm khuyết điểm trong việc thực hiện kế hoạch, bảo vệ tài sản và chấp hành chính sách;

h) Chỉ đạo và giúp ban kiểm tra của công nhân, viên chức làm tròn nhiệm vụ.

IV. Tổ chức. nhiệm vụ và quyền hạn của ban kiểm tra của công nhân, viên chức.

Điều 11. Ban kiểm tra của công nhân, viên chức là một tổ chức nồng cốt của quần chúng, vừa làm hạt nhân cho phong trào kiểm tra của công nhân, viên chức, vừa giúp đỡ công đoàn ở cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại… lãnh đạo phong trào đó.

Điều 12. Ở các cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại, khách sạn, đội công trình xây dựng, đội khai thác lâm sản, nông trường và văn phòng công ty nếu có từ 7 người trở lên thì đều thành lập ban kiểm tra của công nhân, viên chức, ở những nơi có dưới 7 người thì không thành lập ban kiểm tra; đồng chí phụ trách công đoàn ở đó trực tiếp tổ chức và lãnh đạo phong trào kiểm tra của công nhân, viên chức.

Ở công ty cấp I, cấp II không thành lập ban kiểm tra của công nhân, viên chức để chỉ đạo các ban kiểm tra ở các đơn vị trực thuộc công ty. Ban chấp hành công đoàn cơ sở phân công 1 hoặc 2 đồng chí thường vụ để thay mặt công đoàn tổ chức và chỉ đạo phong trào kiểm tra của công nhân, viên chức trong phạm vi toàn công ty.

Điều 13. Tùy theo quy mô lớn hay nhỏ của từng đơn vị, ban kiểm tra của công nhân, viên chức ở mỗi nơi có thể có từ 3 đến 11 người, do đại hội công nhân, viên chức bầu ra, chọn trong những người gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ, thẳng thắn, tích cực, có tinh thần đấu tranh bảo vệ của công, bảo vệ chính sách. Bao gồm 1 trưởng, 1 phó và một số ủy viên.

Mỗi nhiệm kỳ hoạt động của ban là 6 tháng, hết nhiệm kỳ thì bầu lại. Trong nhiệm kỳ, nếu có ủy viên nào trong ban kiểm tra vi phạm chính sách và đã mất tín nhiệm với quần chúng thì phải đưa ra khỏi nhiệm vụ đó.

Điều 14. Ban kiểm tra của công nhân, viên chức là một tổ chức trực thuộc công đoàn cơ sở, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Giúp đồng chí phụ trách công đoàn ở đơn vị mình (cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại…) làm những việc ghi ở điều 10, trừ điểm h.

b) Kiểm tra đột xuất công việc của cá nhân hay bộ phận nào trong đơn vị nếu xét cần thiết phải tiến hành kiểm tra ngay không thể chờ đợi sự kiểm tra của chuyên môn;

c) Nếu thấy có hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ, có thể lập biên bản và nếu xét cần thiết, có thể  tạm giữ hiện vật lại để báo cáo cho thủ trưởng đơn vị hoặc cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

d) Tham gia với tổ chức kiểm tra của chính quyền xác minh những vấn đề do công nhân, viên chức phát hiện;

đ) Khi cần thiết, có thể được chính quyền của đơn vị cho sử dụng một số giờ hành chính để làm công tác kiểm tra đột xuất;

e) Thường xuyên phản ánh cho công đoàn của đơn vị biết những việc đã làm và kết quả kiểm tra của công nhân, viên chức.

Điều 15. Lề lối làm việc trong ban là làm việc tập thể, nhưng phải có sự phân công trách nhiệm cho từng ủy viên. Phải có sự sinh hoạt đều đặn để nắm tình hình và giải quyết những việc xảy ra được kịp thời.

V. Trách nhiệm của chính quyền.

Điều 16. Chủ nhiệm công ty cấp I, cấp II, xí nghiệp huyện, hợp tác xã mua bán huyện, các đồng chí phụ trách các cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại… phải phối hợp chặt chẽ với công đoàn cùng cấp và tạo mọi điều kiện cần thiết cho công nhân, viên chức tham gia kiểm tra một cách thường xuyên các hoạt động kinh tế ở đơn vị làm việc của họ, không được cản trở quyền làm chủ tập thể của quần chúng bất cứ bằng hình thức nào:

a) Tổ chức cho công nhân, viên chức học tập các chính sách, chế độ, thể lệ, nguyên tắc, chỉ thị, nội quy liên quan đến công việc của họ và của đơn vị;

b) Cụ thể hóa phương hướng và nội dung kiểm tra của cấp trên cho đơn vị mình để hướng quần chúng vào việc kiểm tra những mặt yếu của đơn vị;

c) Sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý cho công nhân, viên chức từng bộ phận hay đơn vị sinh hoạt, trao đổi ý kiến, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau trong công tác;

d) Giải quyết kịp thời những việc do công nhân, viên chức hay ban kiểm tra đã phát hiện và góp ý; dù đã giải quyết hay chưa thể giải quyết cũng báo cho công đoàn cùng cấp biết;

đ) Báo cáo và can thiệp với chính quyền cấp trên, giải quyết những vấn đề hợp lý do công nhân, viên chức đề xuất nhưng mình không đủ thẩm quyền giải quyết;

e) Động viên, khuyến khích những người nói thẳng, nói thật, có nhiều ý kiến xây dựng, chống mọi thành kiến đối với họ;

g) Phối hợp chặt chẽ với công đoàn cùng cấp tổ chức đều đặn hội nghị công nhân, viên chức ở tổ công tác, ở cửa hàng, kho, xưởng, trạm, trại… theo đúng chế độ đã quy định và thực hiện tốt chế độ kiểm tra của công nhân, viên chức;

h) Chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên về phong trào kiểm tra của công nhân, viên chức ở đơn vị mình;

i) Tổ chức sổ góp ý để công nhân, viên chức góp ý với đơn vị.

Điều 17. Sổ góp ý của công nhân, viên chức

Từ công ty cấp I, cấp II, xí nghiệp huyện, hợp tác xã mua bán huyện đến các đơn vị trực thuộc đều phải có sổ góp ý để công nhân, viên chức có thể thường xuyên góp ý với đơn vị, không phải đợi đến các cuộc sinh hoạt thường kỳ như phát hiện những thiếu sót về thực hiện kế hoạch, quản lý tài sản, chấp hành chính sách, hoặc góp ý về biện pháp bổ khuyết. Sổ góp ý của công nhân, viên chức phải đánh số thứ tự và đánh số trang; phải lưu trữ ít nhất 2 năm. Thủ trưởng đơn vị phải xem thường xuyên và ghi ý kiến giải quyết của mình vào sổ đó.

Điều 18. Các cục kinh doanh, các sở, ty và cục thương nghiệp có nhiệm vụ:

a) Phối hợp chặt chẽ với công đoàn cùng cấp trong việc tổ chức và động viên công nhân, viên chức tích cực tham gia kiểm tra ở các đơn vị trực tiếp kinh doanh.

b) Giải quyết kịp thời những vấn đề do quần chúng đề xuất mà chính quyền cấp dưới không đủ thẩm quyền giải quyết. Nếu thấy có ý kiến không đúng hoặc đúng nhưng chưa giải quyết được, cũng cần thông qua công đoàn để trả lời và giải thích cho quần chúng biết.

c) Tận dụng kết quả kiểm tra của công nhân, viên chức để cải tiến công tác quản lý ở cục, sở, ty và các đơn vị trực thuộc.

d) Xử lý kịp thời và đúng mức đối với những thủ trưởng đơn vị cấp dưới không quan tâm đến sự tham gia kiểm tra của quần chúng, hoặc làm lấy lệ, hoặc cố tình trì hoãn, hoặc gây trở ngại cho sự tham gia kiểm tra của công nhân, viên chức, ở đơn vị đó.

VI. Điều khoản thi hành

Điều 19. Chế độ này phải được tổ chức học tập cho tất cả đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức bất cứ ở cương vị nào từ cục, sở, ty đến đơn vị thấp nhất để mọi người hiểu rõ trách nhiệm và quyền hạn của mình trong công cuộc thực hiện chế độ kiểm tra của công nhân, viên chức.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 615-NT ngày 03-9-1970 của Bộ Nội thương)

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI THƯƠNG




Hoàng Quốc Thịnh

CÔNG ĐOÀN THƯƠNG NGHIỆP VIỆT NAM
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHÁNH THƯ KÝ



Hà Uyên

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 615-QĐ/NT

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu615-QĐ/NT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành03/09/1970
Ngày hiệu lực03/09/1970
Ngày công báo15/09/1970
Số công báoSố 15
Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Bộ máy hành chính, Lao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 615-QĐ/NT

Lược đồ Quyết định 615-QĐ/NT chế độ kiểm tra công nhân, viên chức các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành Nội thương


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 615-QĐ/NT chế độ kiểm tra công nhân, viên chức các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành Nội thương
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu615-QĐ/NT
                Cơ quan ban hànhBộ Nội thương
                Người kýHoàng Quốc Thịnh
                Ngày ban hành03/09/1970
                Ngày hiệu lực03/09/1970
                Ngày công báo15/09/1970
                Số công báoSố 15
                Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Bộ máy hành chính, Lao động - Tiền lương
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 615-QĐ/NT chế độ kiểm tra công nhân, viên chức các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành Nội thương

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 615-QĐ/NT chế độ kiểm tra công nhân, viên chức các đơn vị trực tiếp kinh doanh thuộc ngành Nội thương

                        • 03/09/1970

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 15/09/1970

                          Văn bản được đăng công báo

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 03/09/1970

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực