Quyết định 624/QĐ-UBND

Nội dung toàn văn Quyết định 624/QĐ-UBND 2023 Kế hoạch Phòng chống thiên tai Long An 2021 2025


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 624/QĐ-UBND

Long An, ngày 31 tháng 01 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Luật Khí tượng Thủy văn ngày 23/11/2015;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội;

Theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 9009/TTr-BCH.PCTT ngày 27/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Phòng, chống thiên tai tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT;
- Ủy ban Quốc gia ƯPSC thiên tai và TKCN;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- TT.TU; TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Tổng cục PCTT;
- CVP, các PCVP.UBND tỉnh;
- Chi cục PCTT miền Nam;
- Phòng KTTC;
- Lưu: VT, Luan.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Lâm

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 624/QĐ-UBND ngày 31/01/2023 của UBND tỉnh)

I. QUAN ĐIỂM

1. Phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau. Phòng, chống thiên tai gồm 03 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính; phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), đề cao vai trò chủ động tại cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức.

2. Nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An; trong đó, việc xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành, từng lĩnh vực phải được đánh giá đầy đủ tác động của các loại hình thiên tai và phương án ứng phó, hạn chế gia tăng rủi ro thiên tai.

3. Phòng, chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, phát huy mọi nguồn lực và trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Phòng, chống thiên tai trên cơ sở ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

5. Phòng, chống thiên tai trong điều kiện bất khả kháng như dịch bệnh kéo dài, phải luôn sẵn sàng đưa các phương án ứng phó với các tình huống ứng phó để đảm bảo chủ động công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh.

II. MỤC ĐÍCH

1. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; từng bước xây dựng địa phương có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

2. Chính sách về phòng, chống thiên tai (PCTT) được hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

3. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai phải được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại.

4. Cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin, hiểu biết và nắm rõ các kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; Đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”; Nâng cao nhận thức cộng đồng và phổ biến kiến thức về PCTT, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

5. Năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích thiên tai đảm bảo độ chính xác, tin cậy, kịp thời.

6. Từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu PCTT, lắp đặt các thiết bị giám sát, cảnh báo thiên tai tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, bảo đảm thông tin liên lạc.

7. Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình PCTT được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

III. YÊU CẦU

1. Thực hiện đúng các hướng dẫn, chỉ đạo về PCTT của Trung ương và các Bộ ngành liên quan về xây dựng Kế hoạch PCTT các cấp ở địa phương và các chủ trương, chiến lược, Kế hoạch về PCTT của tỉnh Long An.

2. Xác định các loại hình, cấp độ rủi ro của các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đánh giá tác động của thiên tai đến các ngành và lĩnh vực cụ thể, có giải pháp tương ứng, phù hợp, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.

3. Huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

4. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

5. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về Phòng chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

6. Kiện toàn tổ chức bộ máy PCTT và TKCN. Từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ PCTT. Tập huấn, diễn tập nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PCTT.

7. Xác định các nội dung PCTT và lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, đồng thời khắc phục hậu quả sau thiên tai.

8. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc xuyên suốt, kịp thời.

9. Xây dựng, nâng cấp củng cố các công trình PCTT như hệ thống đê bao, bờ bao, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thủy lợi nội đồng, các công trình chống sạt lở bờ sông, nhất là tại khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, hạ tầng thiết yếu; ưu tiên phát triển và thực hiện các giải pháp thân thiện với môi trường.

IV. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, DÂN SINH, KINH TẾ - XÃ HỘI, CƠ SỞ HẠ TẦNG

1. Đặc điểm tự nhiên

Long An là một trong 13 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng là một trong 8 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi vì Long An nằm trong khu vực có địa lý chuyển tiếp từ Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ, với tọa độ địa lý từ 10°23’40” đến 11°02’00” vĩ độ Bắc và từ 105°30’30” đến 106°47’02” kinh độ Đông. Tổng diện tích tự nhiên hơn 4.494 km2, tỉnh Long An được phân chia thành 15 đơn vị cấp huyện gồm: 13 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố. Tỉnh Long An có địa hình bằng và trũng thấp, cao độ biến đổi từ 0,45 ÷ 6,5 m, cao độ trung bình là 0,75 m, có xu thế thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Long An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm. Do tiếp giáp giữa 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cho nên vừa mang các đặc tính đặc trưng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại vừa mang những đặc tính riêng biệt của vùng Đông Nam Bộ. Nhiệt độ trung bình hàng tháng 27,2 - 27,7ºC. Thường vào tháng 4 có nhiệt độ trung bình cao nhất 28,9ºC, tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất là 25,20C. Khí hậu tỉnh Long An có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (chiếm 70-82% tổng lượng mưa trong năm). Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Tỉnh Long An có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, gồm các hệ thống sông chính như: Sông Vàm Cỏ, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Rạch Cát - Cần Giuộc, rạch Cái Cỏ - Long Khốt,... Ngoài ra còn có các hệ thống kênh trục, kênh cấp I, cấp II, cấp III và hệ thống kênh nội đồng. Mùa lũ bắt đầu từ cuối tháng 7-8 ở khu vực phía Tây - Tây Bắc, càng xuống phía Nam - Đông Nam mùa lũ càng chậm lại và ảnh hưởng của lũ yếu dần. Vào mùa kiệt, chế độ thuỷ văn trên địa bàn tỉnh Long An hầu hết đều chịu ảnh hưởng bởi thuỷ triều biển Đông và dòng chảy sông Tiền.

2. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng chủ yếu

2.1. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội

- Dân số: Dân số trung bình năm 2021 của tỉnh đạt 1.725.752 người, tăng 12.094 người, tương đương tăng 0,71% so với năm 2020. Trong đó, dân số thành thị 316.456 người, chiếm 18,34%; dân số nông thôn 1.409.296 người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh đạt 992,7 nghìn người.

- Đối tượng dễ bị tổn thương: Số người trên 80 tuổi là 27.339 người, chiếm tỉ lệ 1,58%; số người trên 60 tuổi là 170.398 người, chiếm tỉ lệ 9,87%; Trẻ em dưới 16 tuổi là 359.088 người, chiếm 20,81%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên toàn tỉnh chiếm 4,21%; có 55.428 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, có 11.079 người khuyết tật.

- Nhà ở: Đến năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 479.831 nhà ở, trong đó 270.682 nhà kiên cố (chiếm 56,41%), 165.998 nhà bán kiên cố (chiếm 34,60%), 38.660 nhà thiếu kiên cố (chiếm 8,06%), 4.491 nhà tạm, dột nát (chiếm 0,94%); Nhà thiếu kiên cố, nhà tạm tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số với kết cấu chủ yếu làm bằng vật liệu địa phương;

- Kinh tế - xã hội: Đợt bùng phát dịch Covid -19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt trong quý III/2021 khi số ca mắc không ngừng tăng lên, để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt đã được tỉnh áp dụng, phần lớn các đơn vị sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, một số khác vẫn duy trì hoạt động khi đáp ứng được phương châm “3 tại chỗ” nhưng năng lực hoạt động chỉ đạt từ 10-50% so với bình thường, do đó chuỗi cung ứng hàng hóa gần như bị đứt gãy hoàn toàn. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đến giữa tháng 9/2021 dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội dần được phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực.

2.2. Đặc điểm cơ sở hạ tầng:

- Giao thông: Hệ thống kết nối giao thông tỉnh Long An với khu vực bao gồm đường bộ và đường thủy. Hệ thống đường bộ gồm có đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 29,41 km. Các tuyến quốc lộ gồm tuyến QL1, QL50, QL62, QLN2 với tổng chiều dài qua địa bàn tỉnh 186,27 km; có 66 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài với tổng chiều dài khoảng 1.039,34 km; có 425 tuyến đường huyện lộ với tổng chiều dài các tuyến đường huyện lộ là 1.466,53 km. Ngoài ra, còn có 447,28 km đường giao thông đô thị, 3.252 tuyến giao thông nông thôn với chiều dài 5.285,77 km. Tỉnh Long An có hai hệ thống đường thủy: 2551,56 km đường thủy nội địa và hệ thống cảng thủy, biển.

- Công trình thủy lợi: Nhìn chung, hệ thống công trình thủy lợi được các cơ quan đơn vị từ Trung ương đến tỉnh, huyện quan tâm đầu tư làm mới, nâng cấp, duy tu, sửa chữa bằng nhiều nguồn vốn. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 18 kênh chính tạo nguồn và 1.326 kênh cấp I với tổng chiều dài khoảng 3.871,615 km; có khoảng 1.662 kênh cấp II với chiều dài: 3.228,659 km; có khoảng 676 kênh với tổng chiều dài: 759,405 km; có khoảng 870 cống lấy nước và tiêu thoát nước lớn, nhỏ; 03 trạm bơm điện quy mô vừa và 167 trạm bơm điện nhỏ; 32 tuyến đê bao thuộc phân cấp tỉnh quản lý với tổng chiều dài khoảng 260 km và 1.225 công trình đê bao, bờ bao phân cấp huyện quản lý với tổng chiều dài khoảng 5.908,2 km. Hệ thống đê bao triệt để ngăn lũ bảo vệ khu dân cư vùng Đồng Tháp Mười tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường với tổng chiều dài 24,371 km đê bao khép kín, bảo vệ 8.778 hộ dân với 55.766 người, trong đó, có 02 tuyến đê cấp 3 do Trung ương quản lý (đê bao thị trấn Tân Hưng và đê bao thị trấn Vĩnh Hưng) với tổng chiều dài 7.852 km, bảo vệ 4.378 hộ dân/28.766 người.

- Mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình: Tỉnh Long An sử dụng lưới điện quốc gia, với 100% các phường - xã - thị trấn có điện lưới sử dụng. Hệ thống thông tin liên lạc được trang bị đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, phường - xã - thị trấn.

- Hệ thống cấp nước:

+ Cấp nước đô thị: Tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đã được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung hoạt động độc lập với quy mô công suất khác nhau. Tổng công suất phát nước tính đến thời điểm tháng 3/2020 vào khoảng 215.000m3/ngày đêm. Có 32/36 nhà máy, trạm cấp nước sạch đô thị trên toàn tỉnh Long An đều khai thác nước ngầm, chiếm 62,0% tổng công suất phát nước thực tế. Có 04 công trình khai thác nguồn nước mặt là: nhà máy nước Nhị Thành, Hòa Khánh Tây, Tân An, nhà máy nước ấp 6 Đức Huệ.

+ Cấp nước sạch nông thôn: toàn tỉnh hiện có 1.413 trạm cấp nước nông thôn, cấp nước cho khoảng 256.283 hộ dân, đa số các trạm cấp nước sử dụng nước ngầm từ độ sâu 200m đến 480m. Tỷ lệ hộ dân nông thôn của tỉnh sử dụng nước từ các trạm cấp nước rất cao (78,94%). Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch toàn tỉnh đạt 66%, chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm tầng sâu xử lý cấp nước cho người dân.

- Hệ thống trường học: Toàn tỉnh hiện có 591 cơ sở giáo dục, trong đó: có 216 trường mầm non, 375 trường phổ thông;

- Hệ thống bệnh viện: Thành phố quản lý 196 cơ sở khám chữa bệnh bao gồm 25 bệnh viện và 171 trạm y tế xã, phường với tổng số 4.190 giường bệnh;

- Đường cứu hộ, cứu nạn: hệ thống giao thông đường bộ xuyên suốt từ tuyến Quốc lộ đến tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông đô thị - nông thôn.

- Công trình quan trắc dự báo cảnh báo thiên tai: Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh quản lý 19 trạm khí tượng thủy văn (14 trạm tự động và 05 trạm thủ công), 01 trạm khí tượng, 15 điểm đo mưa thủ công, 05 trạm đo độ mặn thủ công; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Long An quản lý phần mềm mực nước tự động với 34 trạm đo và 11 trạm đo độ mặn tự động.

V. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

1. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống thiên tai

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, việc thực thi các cơ chế, chính sách phòng, chống thiên tai của tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần đảm bảo ứng phó, chủ động phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan.

2. Hệ thống Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và quy chế phối hợp

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thường xuyên được củng cố, kiện toàn để kịp thời chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Công tác dự báo, cảnh báo sớm

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Long An thực hiện nhiệm vụ thông tin cảnh báo, dự báo hầu hết các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp tổ chức trực ban theo đúng quy định, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và đề xuất, tham mưu phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai trên địa bàn tỉnh Long An được thực hiện tương đối tốt. Tỉnh đã chủ động tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thông qua việc phát bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn, thiên tai riêng cho khu vực tỉnh và nâng cấp, bổ sung trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung các công cụ, phần mềm dự báo, nâng cấp bổ sung mạng lưới giám sát và quan trắc tự động, xây dựng hệ thống và quy trình liên kết để cung cấp, khai thác chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị… nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm giám sát và dự báo.

4. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai

Phương tiện, vật tư, trang thiết bị cơ bản đã được trang bị đầy đủ từ các nguồn: tỉnh đầu tư mua sắm, do Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp phát và nguồn tài trợ khác qua các năm để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư các phương tiện, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng công tác phòng chống thiên tai trong tình hình mới.

5. Công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Long An chủ yếu huy động, sử dụng lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, tình nguyện viên tại các phường, xã, thị trấn. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở là kiêm nhiệm, cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn nữa.

6. Thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai

UBND các cấp và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp thường xuyên phổ biến nội dung văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai đến cộng đồng và người dân thông qua: văn bản điện tử, hệ thống truyền hình, phát thanh, hệ thống thông tin cảnh báo sớm, truyền đạt trực tiếp, kênh thông tin qua các ứng dụng công nghệ như: Trang thông tin điện tử của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại địa chỉ: http://www.pctt.longan.gov.vn; Fanpage Facebook Thông tin phòng chống thiên tai Long An và các nhóm trên ứng dụng Zalo, viber.

Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Long An, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh các huyện thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Trung ương, của tỉnh, của huyện và các ngành liên quan. Đối với các trường hợp khẩn cấp, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn như VNPT Long An, Viettel tổ chức nhắn tin thông báo cho từng thuê bao cá nhân để cảnh báo về tình hình thiên tai, cũng như cảnh báo người dân phòng chống khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

7. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Hàng năm, đều có ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ban hành theo quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Long An. Các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan đã tổ chức tập huấn, đồng thời thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và cho cộng đồng.

Công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” được triển khai thực hiện hiệu quả. Thông qua các lớp tuyên truyền, tập huấn được tổ chức, người dân các vùng thường xảy ra thiên tai được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức và kiến thức của mình trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ.

8. Cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai

Hệ thống giao thông đường bộ xuyên suốt từ tuyến Quốc lộ đến tỉnh lộ, giao thông nông thôn, đến cả vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, tổng chiều dài các tuyến đường quá lớn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nên tỷ lệ chưa được nhựa hóa, bê tông hóa vẫn còn cao. Mặc khác, do tác động của thiên tai hàng năm, hệ thống giao thông cũng là một trong những ngành bị thiệt hại đáng kể.

Hệ thống công trình thủy lợi được các cơ quan đơn vị từ Trung ương đến tỉnh, huyện quan tâm đầu tư làm mới, nâng cấp, duy tu sửa chữa bằng nhiều nguồn vốn để tăng năng lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự bất thường của thời tiết, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, gây khó khăn lớn cho việc quản lý vận hành công trình tích trữ nguồn nước nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

Trên địa bàn tỉnh Long An không có nhà chuyên dụng tránh trú bão, mà chủ yếu là sử dụng các công trình công cộng, trụ sở, trường học, khách sạn, chùa, nhà thờ,… để kết hợp tránh trú khi có thiên tai xảy ra. Các công trình này chủ yếu là các công trình có kết cấu bê tông cốt thép, là nơi an toàn cho người dân tránh trú khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, do nhiều công trình kết hợp sơ tán dân bị hư hỏng xuống cấp theo thời gian, nên hàng năm cần rà soát phương án sơ tán dân, xác định điểm tránh trú tập trung để đảm bảo an toàn, không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

9. Đánh giá thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của tỉnh

- UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền, quán triệt và thực hiện lồng ghép các nội dung được hướng dẫn tại Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số: 3693/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Long An; 1328/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Kế hoạch số 4086/KH-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Long An; đồng thời chỉ đạo đến các sở ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Ban hành các phương án ứng phó thiên tai; triển khai Luật Phòng, chống thiên tai và luật sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản dưới luật.

10. Đánh giá về công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là sự tham gia của lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp sửa chữa khắc phục các công trình kè cấp bách phòng, chống sạt lở, công trình hộ đê; hỗ trợ khắc phục nhà ở bị thiệt hại do thiên tai, cấp phát hàng cứu trợ được kịp thời, sớm ổn định cuộc sống người dân.

11. Các nguồn lực tài chính

Nguồn lực tài chính thực hiện công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương, đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua nội dung lồng ghép) bao gồm: Ngân sách thường xuyên, Ngân sách đầu tư phát triển, Ngân sách dự phòng, nguồn vốn ODA, nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Quỹ phòng, chống thiên tai, thu hút đầu tư Tư nhân vào nông nghiệp, thiên tai, thủy lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hàng năm, UBND tỉnh trích nguồn dự phòng để mua sắm vật tư PCTT, khắc phục sự cố khẩn cấp các công trình, hậu quả thiên tai. Ngân sách các sở ngành, đơn vị, địa phương đầu tư, trang bị những điều kiện thiết yếu phục vụ công tác thông tin phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, công tác phòng, chống thiên tai còn được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí tài trợ, hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ.

VI. XÁC ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI

1. Nhận dạng các loại hình thiên tai

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Long An đã đối mặt với các nhóm loại hình thiên tai sau: Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ và ngập úng, lốc, sét; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất (do mưa và dòng chảy), cháy rừng do tự nhiên.

2. Đánh giá rủi ro thiên tai

2.1. Bão, áp thấp nhiệt đới:

Theo Quyết định 2901/QĐ-BTNMT ngày 16/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Long An thuộc vùng VIII, tần suất cơn bão hàng năm rất thấp (<0,5 cơn/năm), cấp gió mạnh nhất đã ghi nhận được là cấp 10, giật mạnh tới cấp 12-13. Trong những năm gần đây, tuy tâm bão và ấp thấp nhiệt đới không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh, nhưng do ảnh hưởng bởi hoàn lưu đã gây ra lốc xoáy, sét đánh, mưa lớn làm thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.

Năm 2017, tỉnh Long An bị ảnh hưởng hoàn lưu bão của những cơn bão số 12 (Damrey), 14 (Kirogi) và 16 (Tembin). Trong đó, cơn bão số 16 từ ngày 22 - 26/12/2017 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14, là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, vùng gió mạnh có bán kính từ 150 - 250 km tính từ vùng tâm bão (bao trùm từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau), cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực). Hoàn lưu bão làm sập 30 căn nhà, tốc mái 243 căn nhà, thiệt hại 5.039,6 ha lúa và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng khác.

Năm 2018, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 9 (Usagi), trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn kèm giông lốc làm sập 02 căn nhà, tốc mái 02 căn nhà, thiệt hại 2.477,6 ha lúa Thu Đông và Đông Xuân, 14 ha cây ăn quả, 1,5 ha hoa màu, 20,7 ha các loại cây trồng khác.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão, ấp thấp nhiệt đới: Cấp độ 3, 4.

2.2. Lũ, ngập lụt:

Trong những năm gần đây, tình hình lũ trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, đã có thay đổi và có khả năng không theo chu kỳ nhất định, mực nước nội đồng xu thế ngày càng lớn và gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng.

Năm 2000, Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra trận lũ lịch sử, gây thiệt hại rất lớn cho toàn đồng bằng nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Trận lũ đã ảnh hưởng đến 12/14 huyện, thị xã của tỉnh với 141/183 xã, thị trấn bị ngập lụt.

Năm 2011, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long là trận lũ đặc biệt lớn gây thiệt hại rất lớn cho toàn đồng bằng nói chung và Long An nói riêng. Thiệt hại trên địa bàn tỉnh Long An: 13 người chết, ngập 29.356 nhà, thiệt hại 5.633 ha lúa, 8.126 ha hoa màu, 1.294 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, hư hỏng 37 phương tiện đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra còn nhiều thiệt hại khác như ngập 178 điểm trường, 100.00 em học sinh phải nghỉ học do lũ, sạt lở 115,1 km đường giao thông, 585 cây cầu… Ước tổng giá trị thiệt hại do lũ lụt năm 2011 khoảng 946,828 tỷ đồng.

Căn cứ chuỗi giá trị mực nước cao nhất tại các trạm chính trên địa bàn tỉnh Long An. Theo Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh Long An từ cấp 1, 2, 3.

2.3. Hạn hán, xâm nhập mặn:

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng với tác động của hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô ngày càng gay gắt trên các sông, kênh, rạch địa bàn tỉnh Long An.

Mùa khô năm 2015 - 2016 đã xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm và gay gắt, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất, cũng như thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh: 8.696,20 ha lúa (trong đó từ 30 - 50% là 1.676,96 ha, từ 50 - 70% là 1.208,03 ha và lớn hơn 70% là 5.811,23 ha), 610,78 ha cây ăn trái và các loại cây lâu năm khác (trong đó từ 30 - 50% là 3,7 ha, từ 50 - 70% là 100,6 ha và lớn hơn 70% là 506,5 ha), 183,88 ha rau màu (trong đó từ 30 - 50% là 9,55 ha, từ 50 - 70% là 86,68 ha và lớn hơn 70% là 87,7 ha).

Mùa khô năm 2019-2020 nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016, nắng nóng và xâm nhập mặn đến sớm và kéo dài hơn, nhưng do chủ động trong công tác ứng phó nên thiệt hại giảm đáng kể so với năm 2015-2016. Hạn hán xâm nhập mặn đã làm thiệt hại 2.747,37 ha lúa (trong đó từ 30 - 70% là 1.890,84 ha và lớn hơn 70% là 856,53 ha) và 7,65 ha rau màu (trong đó từ 30 - 50% là 5,65 và lớn hơn 70% là 2,0 ha).

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1, 2, 3.

2.4. Lốc, sét, mưa đá

Giông, lốc xảy ra từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm ở hầu hết các nơi trong tỉnh là một loại dạng gió xoáy rất mạnh, xảy ra trong phạm vi nhỏ hẹp, tồn tại trong thời gian ngắn rất khó dự báo và cảnh báo sớm. Lốc tố gây sập đổ sập, tốc mái nhà dân, trường học, trụ sở cơ quan và gây đổ ngã hàng ngàn ha lúa vụ Hè Thu, Thu Đông và vườn cây ăn trái.

Lốc xoáy là loại hình thiên tai có mức độ thiệt hại gây ra tương đối cao và không dự báo trước được. Theo thống kê từ năm 2015 tới nay, lốc xoáy xảy ra làm 07 người chết, bị thương 13 người, sập hoàn toàn 238 căn nhà và khiến 2.312 nhà tốc mái, xiêu vẹo, thiệt hại 5.695,4 ha các loại cây trồng. Ước tính thiệt hại do lốc xoáy gây ra trong giai đoạn 2015 đến tháng 6/2022 khoảng 41.342 triệu đồng triệu đồng.

Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: Cấp độ 1, 2.

2.5. Sạt lở đất (do mưa và dòng chảy)

Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Long An có chiều hướng ngày càng phức tạp khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch là một dạng thiên tai điển hình thứ hai của tỉnh. Từ năm 2015-2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 60 điểm sạt lở lớn, trong đó có 23 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 27 điểm sạt lở nguy hiểm và 9 điểm sạt lở bình thường theo phân cấp sạt lở tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế sạt lở bờ sông, bờ biển.

Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, không quy định cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở bờ sông kênh rạch khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, căn cứ cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của sạt lở bờ sông kênh rạch ở Long An, cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở bờ sông, kênh rạch là cấp độ 1, 2.

2.6. Cháy rừng do tự nhiên:

Cháy rừng thường xảy ra vào mùa khô, trên địa bàn các huyện: Đức Huệ, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa,… gây thiệt hại chủ yếu là rừng tràm. Các năm gần đây việc quản lý rừng của các hạt kiểm lâm rất chặt chẽ và ý thức của người dân cũng ngày càng được nâng cao, vì thế các vụ cháy rừng hàng năm đã giảm về số lượng và thiệt hại.

Theo Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ cấp độ rủi ro thiên tai do cháy rừng tự nhiên: Cấp độ 1, 2, 3.

VII. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Biện pháp phòng ngừa

1.1. Biện pháp phi công trình:

a) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai:

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai.

- Rà soát chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025.

b) Kiện toàn tổ chức, bộ máy tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai:

- Kiện toàn tổ chức, bộ máy Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng tinh gọn, đặc biệt lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng bán chuyên nghiệp, lực lượng xung kích.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng tập huấn, diễn tập, hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cho toàn bộ lực lượng phòng, chống thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ”, gắn với việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Xây dựng kế hoạch về đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai cho các lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ chốt như: lực lượng vũ trang tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.

c) Lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án:

- Rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai 05 năm và hàng năm phù hợp với diễn biến và yêu cầu phòng, chống thiên tai theo từng địa phương, đơn vị.

- Rà soát, xây dựng nội dung quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai đến năm 2025 được tích hợp trong Quy hoạch chung của tỉnh nhằm xây dựng và thực hiện Dự án tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

- Xây dựng, cập nhật bản đồ phân vùng rủi ro, đánh giá rủi ro thiên tai chuyên sâu về các loại hình thiên tai ảnh hưởng lớn trên địa bàn tỉnh như: Ấp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, hạn hán trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng, rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai các cấp. Xây dựng, rà soát, bổ sung cập nhật phương án ứng phó ở các cấp với các loại hình thiên tai thường xuyên bị ảnh hưởng: Ấp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh; hạn hán xâm nhập mặn, sạt lở; ngập lụt do lũ lớn và triều cường.

- Kiểm tra, kiểm soát các quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác.

- Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

d) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo:

- Rà soát, bổ sung mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, hệ thống quan trắc chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai.

- Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số, tự động hóa, viễn thám trong quan trắc, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai.

- Xây dựng công cụ hỗ trợ, phần mềm cảnh báo đa thiên tai; số hóa kho tư liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh; nâng cấp công nghệ và hệ thống phân tích rủi ro thiên tai hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; cập nhật, đồng bộ cơ sở dữ liệu trung tâm, các thông tin được cung cấp theo thời gian thực hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành; cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

e) Nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai trong cộng đồng:

- Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 3959/QĐ-UBND ngày 05/5/2022 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Long An.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng những kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai; đẩy mạnh thông tin truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng công nghệ; tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai tại địa phương.

g) Chương trình trồng, bảo vệ và phục hồi rừng:

- Triển khai có hiệu quả Quy hoạch 3 loại rừng; Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở cấp huyện, cấp xã; Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chính sách phát triển rừng đặc dụng; các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Long An.

- Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt nơi có rừng trong vùng nguy cơ cháy cao. Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng… Xây dựng quy trình quản lý, vận hành nước hợp lý và thích hợp cho từng vùng, từng năm, nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm soát cháy rừng cao nhất.

h) Điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống thiên tai: Điều tra đánh giá về hiện trạng (số lượng, chất lượng, năng lực) của các công trình công cộng kết hợp tránh trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh Long An; Điều tra đánh giá và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của thiên tai đối với dân cư ven sông kênh rạch

i) Lĩnh vực khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế:

- Xây dựng và ứng dụng các công cụ hỗ trợ điều hành ra quyết định và chỉ huy trực tuyến công tác PCTT và TKCN. Xây dựng các ứng dụng trên thiết bị di động theo dõi diễn biến và phân tích tình hình thiên tai phục vụ công tác chỉ huy điều hành tại chỗ.

- Ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành công trình phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

- Hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác phát triển, nhà tài trợ trong phòng, chống thiên tai; tiếp nhận hỗ trợ của tổ chức quốc tế; chuyển giao, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng, chống thiên tai.

1.2. Biện pháp công trình:

a) Đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ công tác phòng, chống thiên tai: Đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở bờ sông, kênh rạch; Đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ dự trữ nước ngọt trên địa bàn tỉnh. Rà soát, đầu tư nạo vét, tu bổ nâng cấp bờ bao, xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn giữ nước nhằm phòng chống hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Tiếp tục đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đê bao đảm bảo ngăn lũ bảo vệ dân cư, phát triển sản xuất kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông nông thôn vận chuyển hàng hóa của người dân; Đầu tư cấp bách “Hệ thống thủy lợi cấp nước ngọt chống hạn cho vùng Nhựt Tảo - Tân Trụ, tỉnh Long An” cấp nước từ kênh Rạch Chanh qua kênh Cây Gáo (thông qua hệ thống kênh Rạch Sâu, kênh Bà Tho, kênh Bà Thi, cống Rạch Sâu, Bà Phổ, xi phông qua sông Vàm Cỏ Tây và trạm bơm) thực hiện mục tiêu phòng, chống hạn, xâm nhập mặn;

b) Đầu tư, nâng cấp công trình xây dựng có xem xét đến PCTT:

- Tiếp tục rà soát, triển khai các dự án, công trình cụm tuyến dân cư vượt lũ theo Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ để tiếp tục hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Long An theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018); Triển khai thực hiện các dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Long An theo Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng, nâng cấp nhà ở an toàn, công trình kết hợp làm nơi tránh trú bão, lũ; Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các kết cấu hạ tầng ở địa phương như: UBND các xã, thị trấn, các trung tâm văn hóa sinh hoạt cộng đồng xã, thị trấn, các trường học, chùa… kết hợp làm địa điểm sơ tán cho người dân khi xảy ra thiên tai; Tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp, các trường học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo an toàn dạy học và phục vụ tránh trú bão cho nhân dân địa phương.

- Củng cố cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả hoạt động các tuyến, trung tâm, trạm y tế từ cấp tỉnh đến cấp xã.

c) Đầu tư, nâng cấp công trình giao thông kết hợp PCTT:

- Tập trung nguồn lực, mở rộng, nâng cấp xây dựng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Kiên cố hóa và mở rộng nâng cấp các tuyến đường huyện, đường xã, giao thông nông thôn hiện có.

- Nâng cấp các tuyến đường giao thông đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn khi thiên tai xảy ra.

- Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi khu vực vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, vận chuyển nông sản, hàng hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh và phục vụ nhu cầu đi lại thông suốt giữa các địa phương khi thiên tai xảy ra.

d) Công trình hạ tầng cấp, thoát nước: Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trong đó, chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch tại các khu vực dân cư thường xuyên xảy ra hạn hán - xâm nhập mặn và có điều kiện kinh tế khó khăn: như các huyện Cần Giuộc, Cần Đước; Tổ chức thực hiện nạo vét các cửa sông, hệ thống cống thoát nước trong nội thị thành phố và các đô thị bảo đảm tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập.

e) Công trình khu neo đậu tàu thuyền: Triển khai xây dựng nâng cấp khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu, các cảng kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo tránh trú bão an toàn cho người và tài sản của ngư dân trong và ngoài tỉnh; Nạo vét, giải toả các chướng ngại vật trên các tuyến sông, kênh rạch, đi vào các khu neo đậu tránh trú bão và các điểm quy hoạch bố trí neo đậu tàu thuyền.

2. Biện pháp ứng phó

a) Tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm về thiên tai và cấp độ rủi thiên tai; các văn bản chỉ đạo của các cấp; Truyền các thông tin cảnh báo sớm đến toàn bộ người dân, đặc biệt người dân sống tại các vùng trọng điểm, tùy thuộc vào loại hình thiên tai trong tỉnh.

b) Chỉ đạo người dân thu hoạch sớm, có kế hoạch bảo vệ các loại sản phẩm nông nghiệp, vật nuôi trước khi thiên tai xảy ra. Huy động nguồn nhân lực thanh niên, đội xung kích, bộ đội để hỗ trợ người dân.

c) Đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro gây ra. Bố trí các chốt trạm cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực xung yếu có khả năng ảnh hưởng do thiên tai.

d) Bảo vệ các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm trên địa bàn, đảm bảo các công trình giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt.

e) Đảm bảo an ninh trật tự, thông tin liên lạc trong quá trình xử lý, ứng phó với rủi ro thiên tai. Phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành trong chỉ đạo, chỉ huy Phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

g) Huy động lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cơ quan chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân, hộ gia đình, các vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các nhu yếu phẩm cần thiết. Theo đó, người dân sẽ được cung ứng những hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng theo phương châm "4 tại chỗ”.

g) Trách nhiệm chỉ huy, phối hợp ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại các điều Điều 7, 8, 9, 10, 11 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai

a) Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu; khắc phục thiệt hại bước đầu.

b) Thống kê, đánh giá thiệt hại, lập nhu cầu hỗ trợ: Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn và các lĩnh vực phụ trách.

c) Lập kế hoạch tái thiết sau thiên tai:

- Tái thiết khẩn cấp: tổng hợp đánh giá thiệt hại từ các sở, ngành, đơn vị, địa phương để lựa chọn danh mục khắc phục khẩn cấp sau thiên tai. Trên cơ sở kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai được phân bổ; các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo thứ tự ưu tiên.

- Tái thiết trung hạn: UBND các cấp lập kế hoạch trung hạn khôi phục, phát triển sản xuất; nâng cấp công trình, cơ sở hạ tầng kết hợp mục tiêu phòng, chống thiên tai, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

d) Kêu gọi quốc tế hỗ trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai nếu cần thiết.

4. Biện pháp cụ thể với một số loại hình thiên tai

4.1. Bão, áp thấp nhiệt đới:

- Xây dựng, cập nhật bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do bão và ấp thấp nhiệt đới gây ra để có các phương án ứng phó kịp thời đến năm 2025, tầm nhìn 2030; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai sớm để người dân chủ động ứng phó, đặc biệt là công tác dự báo khi bão vào gần bờ, trên đất liền; rà soát, thống kê, lập phương án sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, nhất là khu vực ven cửa sông, ven sông kênh rạch; tổ chức thông tin kịp thời khi có các bản tin dự báo, cảnh báo đến các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, kịp thời vào nơi tránh trú an toàn.

- Xây dựng nhà ở an toàn chống gió bão; xây dựng, nâng cấp các công trình kết hợp làm nơi tránh trú khi bão xảy ra; rà soát bổ sung, đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; Đầu tư xây dựng hệ thống đê cửa sông, đê sông đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế.

4.2. Lũ, ngập lụt

- Xây dựng, cập nhật phương án ứng phó với lũ, ngập lụt theo các cấp độ rủi ro thiên tai; đặc biệt rà soát, cập nhật hàng năm phương án sơ tán, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt, nước dâng; phương án đưa rước học sinh vùng ngập sâu đến trường an toàn, lập kế hoạch các điểm giữ trẻ mùa lũ, các điểm chốt cứu hộ, cứu nạn.

- Công tác thông tin, truyền tin, cảnh báo sớm đến người dân; tổ chức cắm các biển hiệu cảnh báo khu vực nguy hiểm.

- Triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo vệ sản xuất nông nghiệp khi lũ sớm xuất hiện và lũ lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra và xử lý kịp thời các sự cố công trình phòng, chống thiên tai; công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.

- Nâng cao cốt nền xây dựng các công trình và nhà ở người dân; nạo vét kênh rạch khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát lũ. Tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu; nâng cao, tôn tạo các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Đầu tư tu bổ, nâng cấp các công trình đê bao lửng, đê điều bảo vệ dân cư và sản xuất nông nghiệp.

4.3. Sạt lở bờ sông, kênh, rạch:

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở, lập phương án sơ tán, di dời dân khỏi vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở, hàng năm công bố danh mục các vị trí sạt lở trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kè chống sạt lở thuộc thẩm quyền của các địa phương, đơn vị.

- Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép; Quản lý việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, kênh rạch đảm bảo hành lang an toàn, không làm gia tăng rủi ro sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

- Ứng dụng khoa học công nghệ bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm; thông tin, truyền tin, cảnh báo kịp thời đến người dân; tổ chức cắm các biển hiệu cảnh báo ở khu vực nguy hiểm.

- Đầu tư xây dựng khu tái định cư, hỗ trợ di dời các hộ dân khu vực đã bị sạt lở và nguy cơ cao bị sạt lở; Đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.

4.4. Hạn hán, xâm nhập mặn:

- Tăng cường công tác quan trắc độ mặn, mực nước trên các sông, kênh, rạch; vận hành hiệu quả các công trình ngăn mặn, cống lấy nước phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng công tác thủy lợi nội đồng, tổ chức công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đê bao, bờ bao; tăng cường công tác dự báo dài hạn để có các phương án chủ động phòng tránh, có các biện pháp an toàn cho người dân, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

- Điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn; sử dụng các giống chống hạn, mặn; tuyên truyền người dân các biện pháp tưới tiết kiệm để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước.

- Lắp đặt thiết bị quan trắc tự động về mực nước, độ mặn, chất lượng nước ở các huyện phía Nam.

- Nạo vét kênh, rạch để tăng cường dự trữ nước ngọt; xây dựng các hồ chứa nước ngọt, hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi cấp, giữ nước ngọt, các cống ngăn triều, xâm nhập mặn; xây dựng hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm nước. Gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao để tăng cường bảo vệ.

4.5. Lốc, sét, mưa đá:

- Tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh nhất là khu vực đô thị, khắc phục tình trạng cây gãy đổ mất an toàn; kiểm tra, hướng dẫn, cảnh báo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn khi đang thi công xây dựng; rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các pa-nô, áp-phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, có khả năng chống chịu được sức gió mạnh…

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với lốc, sét, mưa đá; chằng chống gia cố nhà cửa đề phòng lốc xoáy làm tốc mái, đổ nhà; che chắn, bảo vệ tài sản trong nhà, cây trồng, vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại do lốc, sét, mưa đá gây ra.

- Thông tin kịp thời đến người dân để chủ động ứng phó; huy động lực lượng tại chỗ tập trung hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả.

- Triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo, phòng, chống giông, lốc, sét; xây dựng hệ thống thu sét; xây dựng, nâng cấp các công trình nhà ở an toàn chống lốc, sét, mưa đá.

4.6. Cháy rừng do tự nhiên:

- Tăng cường dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; hệ thống phát hiện điểm cháy rừng, đặc biệt nơi có rừng trong vùng nguy cơ cháy cao; Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho người dân, chủ rừng về pháp luật phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Phân công, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, gác trực vào mùa cao điểm, nắng nóng, hanh khô; theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên để dự báo cấp cháy rừng; từ đó chỉ đạo, bố trí lực lượng, có các cách xử lý phù hợp, kịp thời.

- Xây dựng kênh, mương ngăn lửa trên các khu rừng có nguy cơ cháy cao; xây dựng các chòi, tháp quan sát phát hiện cháy rừng; xây dựng hệ thống biển cấm, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng.

VIII. LỒNG GHÉP NỘI DUNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

1. Lồng ghép trong các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến các ngành kinh tế - xã hội

- Ngành nông nghiệp: Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với các điều kiện khí hậu, thời tiết và diễn biến của thiên tai để giảm thiểu thiệt hại; hướng dẫn thời vụ nuôi trồng để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt và tổ chức bảo vệ ao, hồ thủy sản khi thiên tai xảy ra; áp dụng các công nghệ tiên tiến tưới tiết kiệm nước; lắp đặt hệ thống định vị theo dõi tàu cá; các dự án trong tiêu chí nông thôn mới về đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai.

- Ngành xây dựng: Xác định cốt nền, hệ thống tiêu thoát nước phù hợp tại các khu đô thị mới, đô thị sinh thái, khu công nghiệp, du lịch; Xây dựng phương án và chủ động sửa chữa, gia cố kịp thời trụ sở, nhà xưởng, kho tàng, nhà ở không đảm bảo an toàn sau mưa bão; quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng đô thị; thực hiện các Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và nhà ở vùng ngập lũ; Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai.

- Ngành Công Thương: Quy hoạch các khu công nghiệp, sản xuất tập trung, quy hoạch phát triển thương mại, du lịch, làng nghề phải đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai; lập phương án đảm bảo dự trữ, chuẩn bị một lượng mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đóng trên địa bàn tỉnh để bảo đảm kịp thời sẵn sàng phục vụ nhân dân ở các vùng khi có thiên tai xảy ra.

- Ngành Giao thông vận tải: Khi quy hoạch thiết kế phải đảm bảo tiêu chuẩn chống ngập lụt do mưa lũ, không làm cản lũ, gia tăng ngập lụt tại các khu vực thượng lưu của đường và xói lở khu vực hạ lưu. Quy hoạch đường giao thông kết hợp tuyến cứu hộ, cứu nạn và các tuyến đê, kè kết hợp phòng chống lũ, xói lở.

- Ngành Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện khung trường học an toàn phòng, chống thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Rà soát hiện trạng các trường học, ưu tiên đầu tư nâng cấp các trường học có phương án được trưng dụng kết hợp công trình tránh trú bão tập trung bị xuống cấp; Có phương án bảo vệ, di dời các trường học nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao; Lồng ghép nội dung PCTT vào chương trình chính khóa, ngoại khóa.

- Ngành Y tế: Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong thời gian ứng phó với thiên tai. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bổ sung số lượng, chất lượng lực lượng y bác sỹ để tham gia ứng phó cứu hộ, cứu nạn.

- Khoa học Công nghệ: Nghiên cứu tuyển chọn các nhiệm vụ liên quan đến phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới trong công tác Phòng chống thiên tai.

- Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính: Tham mưu đề xuất các dự án PCTT cấp bách, dự án của các ngành có lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bố trí nguồn ngân sách thường xuyên, đảm bảo cho công tác PCTT của các ngành, các cấp. Quản lý hiệu quả ngân sách dự phòng, quỹ PCTT.

- Quốc phòng An ninh: Nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khi thiên tai xảy ra; điều tra, làm rõ các vụ án, vụ việc có dấu hiệu lợi dụng thiên tai để hoạt động phá hoại, vụ lợi, xâm hại an sinh xã hội.

- Các ngành Dịch vụ - Du lịch: Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, công ty hoạt động lĩnh vực du lịch xây dựng phương án ứng phó thiên tai và thống kê, cập nhật số lượng du khách đang lưu trú, tham quan tại các khu du lịch nằm trong khu vực rủi ro thiên tai cao; Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch đã xuống cấp đáp ứng về công tác phòng, chống thiên tai.

2. Các biện pháp lồng ghép

Để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, các biện pháp công trình và phi công trình được lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

2.1. Biện pháp công trình:

Các biện pháp công trình kết hợp phòng chống thiên tai được nêu chi tiết trong Phụ lục XXIII đính kèm.

2.2. Biện pháp phi công trình:

53 nhóm giải pháp phần lớn được lồng ghép vào nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, được chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn phòng ngừa, giảm thiểu: có 42 nhóm biện pháp.

- Giai đoạn ứng phó thiên tai: có 06 nhóm biện pháp.

- Giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai và tái thiết: 5 nhóm biện pháp.

(Chi tiết các biện pháp phi công trình xem trong Phụ lục XXIV)

IX. NGUỒN KINH PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

a) Nguồn Ngân sách Nhà nước theo phân cấp.

b) Nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh.

c) Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành.

d) Nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

2. Tiến độ thực hiện

Các biện pháp, nhiệm vụ, chương trình, dự án được đề xuất và phân kỳ đầu tư theo các phụ lục I, II, III, IV, V, VI. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương được giao chủ trì tổ chức thực hiện lập dự toán chi tiết và tiến độ triển khai từng nhiệm vụ, chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, TKCN cấp tỉnh:

- Điều phối tất cả các hoạt động trong cả 3 giai đoạn (phòng ngừa, ứng phó và khắc phục) của công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở cấp tỉnh; trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện, giám sát, đánh giá việc thực hiện và rà soát, điều chỉnh hàng năm kế hoạch phòng, chống thiên tai.

- Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, theo địa bàn và nhiệm vụ được phân công, thường xuyên phối hợp theo dõi, nắm chắc địa bàn để kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện Kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch; Lập kế hoạch thực hiện hàng năm trình UBND tỉnh xem xét để chỉ đạo thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra của kế hoạch 5 năm; tổng hợp, báo cáo, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch hàng năm và tổng kết 5 năm; xây dựng phương án ứng phó, phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai và phương án ứng phó đối với các loại hình thiên tai có ảnh hưởng nhiều đến đời sống, phát triển kinh tế tại địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện, triển khai, hướng dẫn cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả của các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cộng đồng; phối hợp hỗ trợ tập huấn theo đề nghị của địa phương hoặc các cơ quan, tổ chức liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện phổ biến, tuyên truyền về các hoạt động trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện các chương trình, nội dung triển khai Kế hoạch.

- Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai nghiêm túc, kịp thời thông tin cảnh báo diễn biến của thời tiết, thiên tai, đồng thời triển khai các biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời nhanh chóng, hiệu quả nhất. Đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền nội dung triển khai thực hiện các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Xây dựng và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng Kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm.

- Tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định; Phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức các lớp huấn luyện, diễn tập, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cứu hộ, cứu nạn hiệu quả kịp thời trong mọi tình huống.

- Chủ động phối hợp hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản, phối hợp thực hiện tổ chức di dời dân đến nơi an toàn khi có lệnh và bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm trú tránh.

- Chủ động kiểm kê, đánh giá, bảo quản các trang thiết bị hiện có để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; đề xuất mua sắm thêm vật tư, phương tiện, trang thiết bị và đề xuất cấp trên hỗ trợ khi cần thiết. Vận động, huy động các nguồn lực trong Nhân dân, hợp đồng với các chủ phương tiện vận tải để sẵn sàng cơ động ứng cứu, hỗ trợ, chi viện cho cấp huyện ngay khi có yêu cầu.

- Bố trí chốt chặn, phân luồng điều tiết giao thông ở những tuyến đường ngập lụt, hư hỏng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các công trình trọng điểm, tài sản của Nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

- Hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính lập dự toán kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trình cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Hướng dẫn, chủ trì, theo dõi, kiểm tra và đánh giá nội dung lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thẩm định nội dung lồng ghép phòng, chống thiên tai vào lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội theo đúng quy định.

- Tổng hợp danh mục, nhu cầu đầu tư, xác định nguồn vốn, bố trí vốn hàng năm thực hiện kế hoạch.

5. Sở Tài chính

Trên cơ sở kế hoạch được duyệt, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan trong khả năng cân đối nguồn ngân sách.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An thực hiện quản lý các quy định về quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện kiểm tra các kho xăng dầu, kho chứa hóa chất độc hại,… để khuyến cáo chủ cơ sở thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai.

7. Sở Xây dựng

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức kiểm tra các nhà xưởng, công trình cao tầng đang thi công (nhất là vấn đề an toàn đối với các giàn giáo, cần cẩu,…); chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra.

- Phối hợp các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các tiêu chí đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình của hộ gia đình, cá nhân khi sử dụng công trình, nhà ở trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Hàng năm, triển khai đến các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thực hiện đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh chủ động nắm thông tin và đưa tin tuyên truyền về tình hình thời tiết, thiên tai đến người dân để chủ động ứng phó, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó thiên tai theo tài liệu do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cung cấp.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thường xuyên kiểm tra cột ăng ten, cột treo cáp, mạng cáp viễn thông, nhà trạm viễn thông, bưu cục, điểm giao dịch,… kịp thời khắc phục các trường hợp không đảm bảo an toàn mạng lưới; bảo vệ an toàn tuyệt đối đối với các trạm viễn thông, tuyến truyền dẫn, trạm BTS, các hệ thống thông tin quan trọng để phục vụ thông tin liên lạc thông suốt cho tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và nhu cầu xã hội khi có thiên tai xảy ra.

9. Sở Y tế

- Xây dựng kế hoạch dự trữ thuốc chữa bệnh phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và và tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch điều động lực lượng y - bác sĩ, các đội cấp cứu, phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho Bệnh viện - Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để cứu thương, điều trị bệnh nhân, phòng dịch kịp thời khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo các Trung tâm Y tế, các Bệnh viện thành lập các Đội phòng dịch và vệ sinh môi trường để xử lý kịp thời các ổ dịch, giải quyết tốt vệ sinh môi trường.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dụng thường xuyên tuyên truyền các nội dung, biện pháp phòng, chống thiên tai đến cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động.

- Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục ở địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai; đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và thiết bị giáo dục.

11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của ngành, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, giúp Nhân dân ổn định cuộc sống.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh huy động, quyên góp các nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó thiên tai; tham mưu UBND tỉnh các biện pháp cứu trợ, hỗ trợ về vật chất, tài chính cho các địa phương, các ngành và Nhân dân khắc phục sau thiên tai, ổn định việc làm, đảm bảo đời sống Nhân dân.

- Thực hiện tổng hợp đề nghị trợ giúp đột xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ. Trường hợp tỉnh không đủ kinh phí cứu trợ đột xuất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình UBND tỉnh để báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quản lý, triển khai thực hiện chính sách trợ giúp đột xuất cho cá nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

12. Sở Công Thương

- Xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu nhằm hỗ trợ người dân khi thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp các sở, ngành chức năng và địa phương thực hiện công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

13. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án huy động đảm bảo phương tiện thủy, bộ đáp ứng yêu cầu di dời dân; phương án ứng phó và khắc phục kịp thời các đoạn đường bị sạt lở, đảm bảo lưu thông thông suốt, nhất là các tuyến lộ chính trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

- Xây dựng kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các bến đò ngang sông và các phương tiện vận tải hành khách lưu thông trên các tuyến sông lớn (phương tiện có đăng kiểm, có hệ thống thông tin liên lạc trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh).

14. Công ty Điện lực Long An

- Xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong đó có phương án xử lý cụ thể, kịp thời đối với các khu vực đô thị trong trường hợp thiên tai làm đổ, ngã cây, lưới điện quốc gia gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

- Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống điện bị xuống cấp, rà soát thay thế các cột điện bị hư hỏng, siêu vẹo đảm bảo an toàn hạn chế ngã đổ gây thiệt hại. Xử lý nhanh chóng đường dây tải điện khi hư hỏng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành tại các khu vực thiên tai xảy ra.

15. Đơn vị quản lý cây xanh

Chủ động tổ chức rà soát toàn bộ cây xanh ven đường, công viên, khu dân cư để có kế hoạch chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, siêu vẹo dễ ngã đổ, cây mục rỗng, tán cây lớn, sâu bệnh,… đảm bảo an toàn không để cây xanh ngã đổ do giông, lốc gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản người dân.

16. Đài Khí tượng Thủy văn Long An

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh; thông báo nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan, đơn vị và Nhân dân để chủ động phòng, chống.

- Phối hợp các ngành có liên quan đề xuất xây dựng các trạm đo đảm bảo yêu cầu dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.

17. Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An

Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và địa phương xây dựng các chương trình về lĩnh vực phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của người dân để chủ động trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai; đồng thời thông báo, thông tin nhanh chóng, kịp thời tình hình, diễn biến thiên tai đến các cơ quan, đơn vị và Nhân dân để chủ động phòng, chống.

18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn

- Phối hợp với các địa phương tổ chức cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, nhất là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn; vận động Nhân dân trong và ngoài nước cứu trợ đồng bào khi có thiên tai xảy ra; tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ kịp thời đến tay người dân.

- Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện đoàn, thị đoàn, thành đoàn, đoàn trực thuộc, đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia hỗ trợ người dân theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

19. Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo lĩnh vực quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình thiên tai của tỉnh; phối hợp tích cực với các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

20. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý; Chủ động rà soát, cập nhật và xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai để có phương án bố trí di dời dân sống tại những khu vực nguy hiểm có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ, sạt lở đến nơi an toàn.

- Hàng năm, lập dự toán kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Chỉ đạo UBND cấp xã, các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, chủ động tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do thiên tai, tai nạn.

- Trong trường hợp xảy ra thiên tai trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ UBND cấp xã, đồng thời chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực sẵn có tại địa phương để ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra các vi phạm pháp luật về lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn.

- Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và Nhân dân địa phương; tổ chức thường xuyên diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chú trọng bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; nâng cao khả năng ứng cứu tại chỗ cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng; coi trọng kinh nghiệm phòng, chống thiên tai của người dân các xã giáp cửa sông, biên giới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

- Đẩy mạnh hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng Quỹ theo đúng quy định, phát huy hiệu quả Quỹ, tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của địa phương.

- UBND tỉnh giao quyền chủ động cho UBND cấp huyện trong việc đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực quản lý, thực hiện các dự án xây dựng mới, nâng cấp, tu bổ các công trình, các dự án quy hoạch, các dự án tăng cường trang thiết bị dự báo, cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào việc đầu tư tài chính phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tiến hành các hoạt động nhân đạo và từ thiện đối với vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Phân công cán bộ giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm để làm căn cứ điều chỉnh Kế hoạch Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.

21. Công tác giám sát và đánh giá thực hiện kế hoạch

- Giao cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND cấp huyện, các đoàn thể, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này; Chủ trì đánh giá sơ kết định kỳ hàng năm và 5 năm, rút kinh nghiệm và đề xuất/kiến nghị, tổ chức rà soát, cập nhật bổ sung Kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh ban hành cập nhật kế hoạch hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị phân công cán bộ chuyên trách giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm để làm căn cứ điều chỉnh Kế hoạch Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.

- Hàng năm, các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm những hạn chế, tồn tại, tổ chức biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống thiên tai.

Căn cứ kế hoạch này, các cấp, các ngành trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch của ngành, địa phương, đơn vị cụ thể, chi tiết sát với tình hình, điều kiện của địa phương, ngành mình quản lý nhằm để chủ động ứng phó, khắc phục với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 624/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu624/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/01/2023
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhậtnăm ngoái
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 624/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 624/QĐ-UBND 2023 Kế hoạch Phòng chống thiên tai Long An 2021 2025


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 624/QĐ-UBND 2023 Kế hoạch Phòng chống thiên tai Long An 2021 2025
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu624/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Long An
                Người kýNguyễn Minh Lâm
                Ngày ban hành31/01/2023
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhậtnăm ngoái

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Quyết định 624/QĐ-UBND 2023 Kế hoạch Phòng chống thiên tai Long An 2021 2025

                            Lịch sử hiệu lực Quyết định 624/QĐ-UBND 2023 Kế hoạch Phòng chống thiên tai Long An 2021 2025

                            • 31/01/2023

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực