Nội dung toàn văn Quyết định 63-CP phát triển trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63-CP | Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 1978 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN LOẠI TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC VỪA HỌC, VỪA LÀM
Trong quá trình phấn đấu để phát triển sự nghiệp giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo đường lối giáo dục của Đảng, nhiều địa phương đã mở loại trường vừa học tập, vừa sản xuất (gọi là trường vừa học, vừa làm), mà điển hình là trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình. Theo phương hướng này, trước đây đã có các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tỉnh và huyện, các trường thanh niên dân tộc huyện ở miền núi và các trường phổ thông công nghiệp ở thành phố. Mấy năm gần đây, một số trường phổ thông cấp III ở các tỉnh miền Bắc và một vài trường bổ túc văn hóa tập trung cho thanh niên ở miền Nam cũng thực hiện phương pháp đào tạo vừa học vừa làm và đã thu được một số kết quả tốt. Những trường hợp nói trên không những bảo đảm được chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh, tự giải quyết được một phần quan trọng kinh phí ăn học và xây dựng trường sở, mà còn có tác dụng tích cực trong việc phát triển kinh tế và văn hóa ở địa phương. Đây là một sáng tạo của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, cần chú trọng phát triển loại trường vừa học, vừa làm, nhằm mục đích nhanh chóng mở rộng giáo dục trung học cho thanh niên, đồng thời góp phần đào tạo lực lượng lao động có trình độ văn hóa phổ thông trung học cho các địa phương, đào tạo đội ngũ công nhân và nhân viên kỹ thuật lành nghề, có truyền thống cho từng địa phương, cho từng ngành sản xuất.
Nhằm mục đích trên, Hội đồng Chính phủ quyết định:
1. Từ năm học 1978-1979 trở đi, trong hệ thống trường phổ thông cấp III, cần đẩy mạnh việc mở loại trường vừa học tập vừa sản xuất, gọi thống nhất là trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm.
2. Mục tiêu của trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm là:
a) Đào tạo thanh niên thành những người lao động kiểu mới, có tư tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa, có trình độ văn hóa bậc phổ thông trung học, có hiểu biết và kỹ năng cần thiết về sản xuất nông nghiệp hoặc công nghiệp, và về quản lý kinh tế, có óc thẩm mỹ và có sức khoẻ tốt.
b) Tổ chức cho học sinh sản xuất ra của cải vật chất để giúp học sinh rèn luyện được tốt qua thực hành lao động, đồng thời từng bước tự túc được về kinh phí ăn học và góp phần phát triển kinh tế và văn hóa nơi trường đóng.
Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể nhanh chóng thích ứng với hoạt động sản xuất của xã hội hoặc có thể được đào tạo tiếp thành công nhân lành nghề, cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, cán bộ quản lý.
3. Về chương trình học, trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm, tiến hành giảng dạy theo chương trình cấp III của hệ phổ thông, nhưng có bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu đào tạo, và phương hướng sản xuất của địa phương hoặc của xí nghiệp (nhà máy, nông trường, lâm trường, hợp tác xã, v.v…).
Việc tổ chức sản xuất của trường phải bảo đảm tính giáo dục và tính khoa học, và phù hợp với yêu cầu xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Hàng tuần, học sinh lao động với sự hướng dẫn của giáo viên, hoặc cán bộ kỹ thuật, từ 5 đến 6 buổi, mỗi buổi từ 3 đến 4 giờ, Phải tuỳ theo tính chất của lao động mà bố trí thời gian cho thích hợp, bảo đảm sự cân đối giữa học tập, lao động, giải trí và nghỉ ngơi của học sinh.
Cần bố trí thời gian thích đáng cho các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao và sinh hoạt tập thể.
4. Về cơ sở sản xuất; có thể có hai loại:
a) Loại trường dựa vào cơ sở sản xuất của xí nghiệp (nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã).
Đối với loại trường này, xí nghiệp chịu trách nhiệm cấp vốn, thiết bị, công cụ và nguyên liệu cho sản xuất, dự trù lao động và hướng dẫn kỹ thuật cho học sinh. Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức cho học sinh lao động. Ngành giáo dục và Ủy ban nhân dân địa phương chịu trách nhiệm cung cấp chi phí xây dựng trường sở, mua sắm thiết bị dạy học, …
b) Loại trường có cơ sở sản xuất riêng:
Loại trường này được coi là một đơn vị kinh tế của địa phương. Kế hoạch sản xuất của trường được đưa vào kế hoạch Nhà nước của địa phương. Nhà nước cấp khoản đầu tư toàn bộ ban đầu về xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và học tập qua ngân sách địa phương, đồng thời vận động nhân dân và các cơ sở sản xuất đóng góp một phần. Loại trường này có thể phát triển ở huyện, ở vùng kinh tế mới, vùng dân tộc.
5. Về tuyển chọn học sinh và quyền lợi của học sinh khi tốt nghiệp:
a) Tiêu chuẩn tuyển chọn học sinh: những thanh niên, thiếu niên có phẩm chất chính trị tốt, đã tốt nghiệp phổ thông cấp II, có đủ sức khoẻ, có độ tuổi bằng hoặc lớn hơn học sinh phổ thông cùng lớp từ 1 đến 3 tuổi, đều có thể được tuyển chọn vào học.
Ở vùng núi, vùng kinh tế mới và vùng mới giải phóng, để tiếp nhận được nhiều thanh niên, thiếu niên người dân tộc hoặc thanh niên, thiếu niên đã tham gia công tác cách mạng, trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm có thể mở thêm những lớp phổ thông cấp II với chương trình học tinh giản, chuẩn bị cho học sinh mau chóng theo học được chương trình trung học.
b) Quyền lợi của học sinh khi tốt nghiệp: học sinh tốt nghiệp trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm được hưởng các quyền lợi như những học sinh tốt nghiệp phổ thông cấp III, được dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo công nhân và được hưởng chính sách tuyển chọn ưu tiên.
6. Về chế độ, chính sách đối với trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm:
a) Các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm cần từng bước tổ chức nội trú cho học sinh để phát huy tác dụng của sinh hoạt tập thể và giải quyết thuận lợi sự phối hợp giữa các mặt học tập, lao động sản xuất và hoạt động tập thể,v.v … của học sinh. Chi phí về mua sắm trang bị ban đầu cho học sinh ăn ở nội trú do Nhà nước và xí nghiệp đài thọ một phần, gia đình học sinh đóng góp một phần. Các chế độ, chính sách đối với trường nội trú do Nhà nước ban hành cũng được áp dụng cho loại trường này.
b) Các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm có đủ tư cách pháp nhân về mặt kinh tế, được phép mở tài khoản, vay vốn ngân hàng, ký hợp đồng kinh tế,v.v… Sản phẩm do trường làm ra phải bán cho Nhà nước và không phải đóng thuế. Tiền bán sản phẩm sau khi trừ tiêu hao vật chất (nguyên liệu, vật liệu, khấu hao thiết bị, nhà xưởng…) sẽ sử dụng trước hết cho việc nuôi dạy học sinh, cho việc khuyến khích lao động, và một phần (khoảng 20% thu nhập) cho tái sản xuất mở rộng.
Năm đầu thành lập các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm có cơ sở sản xuất riêng được hưởng trợ cấp cho việc nuôi dạy học sinh trong 12 tháng. Trong 2 năm sau, tuỳ theo kết quả sản xuất, Nhà nước giảm dần mức trợ cấp. Sau 3 năm thành lập trường, trường phải tự túc được chi phí ăn học cho toàn bộ học sinh. Đối với các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm tham gia lao động sản xuất ở các đơn vị sản xuất ngoài nhà trường , nhà trường được thu nhận tiền công của học sinh và giáo viên hoặc tiền gia công theo chế độ hợp đồng ký với các đơn vị sản xuất đó. Nếu xét cần thiết, địa phương có thể trợ cấp thêm trong một thời gian. Các khoản trợ cấp trên do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định và lấy ở ngân sách địa phương.
c) Cần bố trí cho các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm một đội ngũ cán bộ đồng bộ và có chất lượng (cán bộ quản lý, giáo viên văn hoá, kỹ thuật, kinh tế, thể dục thể thao,…) một số công nhân kỹ thuật và nhân viên hành chính, sự nghiệp cần thiết, để phục vụ tốt yêu cầu đào tạo và sản xuất của trường. Cần có chế độ sử dụng những cán bộ, công nhân kỹ thuật ngoài nhà trường vào việc hướng dẫn học sinh lao động và học tập.
Giáo viên trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm có nhiệm vụ giảng dạy văn hoá, kỹ thuật, kinh tế, hướng dẫn học sinh lao động, quản lý đời sống tập thể của học sinh, nên được hưởng chế độ phụ cấp như giáo viên chủ nhiệm các trường nội trú (5% lương chính).
Những giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên trực tiếp và thường xuyên hướng dẫn học sinh lao động (từ 4 buổi trở lên trong tuần) và học sinh được hưởng các chế độ do Nhà nước ban hành về các mặt bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động và tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm và bồi dưỡng vật chất theo ngành nghề như chỉ thị số 237-TTg ngày 01-12-1970 đã quy định. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường được hưởng các chế độ phúc lợi và thưởng năng suất, tuỳ theo thành quả lao động của trường.
d) Học sinh các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm ở khu kinh tế mới, miền núi, vùng mới giải phóng được hưởng các chế độ về học bổng và cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác theo chế độ hiện hành.
7. Về điều kiện cần có để mở trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm:
Để mở trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm, cần có những điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm ổn định;
b) Có cơ sở vật chất tối thiểu cho việc dạy và học văn hoá;
c) Có cơ sở sản xuất để trường có thể tổ chức cho học sinh lao động sản xuất;
d) Có đội ngũ cán bộ và nhân viên tương đối đủ và đồng bộ (cán bộ quản lý, giảng dạy, sản xuất, hành chính, sự nghiệp).
Sau khi được Bộ Giáo dục duyệt y theo kế hoạch của Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ký quyết định thành lập trường.
8. Trách nhiệm của các ngành, các cấp:
a) Bộ Giáo dục và các Bộ có liên quan cần sớm ra các thông tư liên bộ hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách về loại trường này.
b) Bộ Giáo dục có nhiệm vụ ban hành chương trình học, biên soạn sách giáo khoa, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, ban hành các quy chế cần thiết.
c) Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Đào tạo công nhân và Ủy ban nhân dân các địa phương cần thực hiện tốt chính sách ưu tiên tuyển chọn học sinh tốt nghiệp trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm vào các trường đại học và chuyên nghiệp.
d) Căn cứ vào quyết định này, các ngành và đoàn thể, các Ủy ban nhân dân địa phương và các cơ sở sản xuất cần phối hợp chặt chẽ, tích cực và vững chắc mở rộng mạng lưới các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm, nhất là ở khu kinh tế mới, vùng dân tộc, vùng mới giải phóng, và ở các huyện đang tiến hành tổ chức lại sản xuất.
e) Hàng năm, Bộ Giáo dục có trách nhiệm tổng hợp tình hình xây dựng và phát triển loại trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Lê Thanh Nghị |