Quyết định 632/QĐ-UBND

Quyết định 632/QĐ-UBND năm 2011 phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 632/QĐ-UBND phê chuẩn Điều lệ Tổ chức hoạt động Hội


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 632/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ CHUẨN ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI SƯU TẦM, NGHIÊN CỨU GỐM VÀ CỔ VẬT THĂNG LONG THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Căn cứ Quyết định số 2199/QĐ-UB ngày 26 tháng 5 năm 1999 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội tại công văn ngày 02 tháng 12 năm 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê chuẩn Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội. Bản Điều lệ được ban hành gồm 8 chương, 26 điều do Đại hội toàn thể hội viên nhiệm kỳ IV (2010-2015) thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2010.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long, thành phố Hà Nội, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các ông, bà có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- CT, PCT UBND TP;
- CVP, PCVP UBND TP;
- Lưu VT, NC, VH-KG, SNV.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Thanh Hằng

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI SƯU TẦM, NGHIÊN CỨU GỐM VÀ CỔ VẬT THĂNG LONG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2011 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1.

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 1. Tên gọi của Hội

1. Tên tiếng Việt: Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội, viết tắt là “Hội Cổ vật Thăng Long”.

2. Tên tiếng Anh: The Thang Long associasion for collection, research antiquities.

3. Hội được chọn biểu tượng riêng theo quy định của Pháp luật.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội tự nguyện, tập hợp và đoàn kết những người sinh sống tại địa bàn thành phố Hà Nội, có tâm huyết trong việc sưu tầm,  nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa Gốm của dân tộc nói riêng và Cổ vật nói chung, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, của Hội.

2. Thông qua các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về Gốm và Cổ vật của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước của hội viên, giới thiệu, trao đổi các cổ vật của các nhà sưu tập của Thủ đô Hà Nội với cộng đồng, bạn bè quốc tế để duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị, khẳng định bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức hoạt động của Hội

Hội Sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm về kinh phí; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ hiến pháp và pháp luật.

Điều 4. Lĩnh vực và phạm vi hoạt động của Hội

1. Hội hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật, trong phạm vi thành phố Hà Nội.

2. Hội tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Hội được UBND Thành phố phê chuẩn; chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành có liên quan về lĩnh vực hoạt động của Hội.

Điều 5. Tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, trụ sở của Hội

1. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch, hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Trụ sở của Hội đặt tại 25 phố Tôn Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, NGHĨA VỤ CỦA HỘI

Điều 6. Nhiệm vụ của Hội

1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Hội để tập hợp, đoàn kết, phát triển hội viên, cùng nhau phát triển hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật.

2. Tập hợp, phối hợp, điều hòa các hoạt động của hội viên trong việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên phù hợp với pháp luật của Nhà nước.

3. Đoàn kết giúp đỡ, động viên tinh thần và khả năng sáng tạo của Hội viên thực hiện nhiệm vụ của Hội; hướng hội viên vào các hoạt động lành mạnh, mở rộng giao lưu nhằm thực hiện tốt việc bảo vệ các di sản văn hóa Việt Nam và thế giới có tại Thủ đô Hà Nội.

4. Tập hợp hội viên xây dựng phòng trưng bày hiện vật và các tài liệu, hình ảnh để phổ biến và cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị tài sản văn hóa vật thể là các cổ vật trong nước và Quốc tế.

5. Giúp đỡ hội viên có điều kiện nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức về chuyên môn trong thưởng ngoạn, sưu tầm, phục chế và bảo tồn cổ vật, tổ chức các hoạt động tham quan, trao đổi, khảo sát, hội thảo, trưng bày, thông tin tuyên truyền … nhằm nâng cao kiến thức cũng như ý thức bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa cho hội viên và nhân dân.

6. Tổ chức hoạt động tư vấn và giám định cổ vật thông qua sự phối hợp với cơ quan nghiên cứu, quản lý, tư vấn; phối hợp các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ để chế tác các sản phẩm mỹ nghệ phỏng theo các kiểu mẫu của cổ vật nhằm duy trì nghề truyền thống để giới thiệu trong và ngoài nước.

Điều 7. Quyền hạn của Hội

1. Liên hệ và thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trong, ngoài Hội, các tổ chức, hiệp hội hữu quan và các cơ quan trung ương, địa phương trong cả nước và Quốc tế, trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của Nhà nước cho phép để thực hiện việc giao lưu, trao đổi kiến thức và hiện vật, tài liệu nghiên cứu về cổ vật.

2. Được quyền tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định cổ vật theo đề nghị của cơ quan Nhà nước; cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội.

3. Là đầu mối phối hợp, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước trong việc: đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân, đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

4. Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội, của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội; kiến nghị với các cấp liên quan những vấn đề tổn hại đến quyền lợi của Hội và hội viên; giúp đỡ các gia đình hội viên khi gặp khó khăn hoặc có yêu cầu nhằm gìn giữ được các cổ vật quý tránh bị thất tán. hủy hoại.

5. Vận động và phân công trách nhiệm cho hội viên để xây dựng và phát triển Hội ngày càng vững mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa của Thủ đô.

6. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí đóng góp của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, các nguồn tài trợ theo quy định của pháp luật của các cá nhân, tổ chức để tự trang trải về kinh phí hoạt động của Hội.

7. Được thành lập và giải thể các tổ chức của Hội theo quy định của pháp luật và phải báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn cách thức thực hiện.

Điều 8. Nghĩa vụ của Hội

1. Không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

2. Trước khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ ba mươi ngày (30 ngày), Ban chấp hành hội phải có văn bản báo cáo với UBND Thành phố, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Hàng năm, thực hiện chế độ báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội với UBND Thành phố, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan, chậm nhất vào ngày 01 tháng 12 hàng năm và báo cáo công khai trong Hội.

4. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.

5. Thực hiện hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các hội viên, thực hiện giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật trong nội bộ Hội theo Điều lệ Hội và quy định pháp luật, báo cáo kết quả giải quyết, xử lý với UBND Thành phố, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Việc sử dụng kinh phí của hội phải chấp hành quy định của pháp luật. Hàng năm Hội phải báo cáo quyết toán tài chính theo quy định của Nhà nước gửi Sở Tài chính và UBND Thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài.

7. Thực hiện quy định của pháp luật về công tác văn thư lưu trữ, bao gồm:

a) Lập hồ sơ danh sách hội viên, các đơn vị trực thuộc hội, trong đó ghi rõ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của hội viên; sổ sách, chứng từ về tài sản, tài chính của hội, các tài liệu liên quan đến hoạt động của hội, sổ ghi biên bản các cuộc họp của Ban chấp hành, Thường trực Ban chấp hành, của Hội và lưu giữ thường xuyên tại trụ sở của hội.

b) Xác định thời hạn lưu giữ và hủy tài liệu hồ sơ đã hết thời hạn, đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật.

8. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của hội.

Chương 3.

HỘI VIÊN

Điều 9. Tiêu chuẩn hội viên

Hội viên của Hội gồm hội viên chính thức và hội viên liên kết.

1. Hội viên Chính thức: Là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuổi từ 20 trở lên, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, có địa chỉ rõ ràng, cuộc sống ổn định, có tri thức văn hóa, yêu thích và am hiểu ít nhiều về cổ vật, tán thành Điều lệ hội, tự nguyện gia nhập, đóng hội phí đều được xét để kết nạp thành hội viên chính thức của Hội. Thủ tục kết nạp do Hội quy định.

2. Hội viên Liên kết: Có đủ tiêu chuẩn quy định như đối với hội viên chính thức, sinh sống ngoài thành phố Hà Nội, được xét để kết nạp là hội viên liên kết của Hội.

3. Hội viên liên kết được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của hội và không được bầu cử, ứng cử vào Ban chấp hành, Ban kiểm tra hội.

4. Các cá nhân có đủ điều kiện muốn gia nhập hội phải làm đơn (theo mẫu quy định) và chính thức thành hội viên sau khi được cấp thẻ sinh hoạt. Thẻ hội viên có giá trị kể từ ngày ký, phù hợp theo nhiệm kỳ Đại hội.

Điều 10. Quyền hạn của hội viên

1. Được dự Đại hội, được ứng cử, đề cử, bầu cử vào các chức danh lãnh đạo của Hội, được thảo luận, biểu quyết Nghị quyết của hội, được phê bình chất vấn, kiến nghị với Ban chấp hành, Thường trực Ban chấp hành Hội về mọi chủ trương, hoạt động của Hội, những vấn đề liên quan nhằm củng cố phát triển Hội.

2. Được hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong hoạt động của mình phù hợp với Điều lệ Hội và pháp luật của Nhà nước như được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân đối với các di sản văn hóa, các cổ vật do được thừa kế, cho, tặng, trao đổi hoặc mua được; Là chủ sở hữu hợp pháp cổ vật có quyền cho thừa kế, tặng, trao đổi hoặc bán trong lãnh thổ Việt Nam theo luật định.

3. Được quyền mua bán cổ vật tuân theo quy định của pháp luật hiện hành và những quy định, hướng dẫn của UBND Thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

4. Tham gia các hoạt động của Hội một cách có tổ chức, được trao đổi thông tin, giao lưu kiến thức cũng như giới thiệu hiện vật; Được mời dự các buổi nói chuyện, hội thảo, trưng bày sưu tập và những cuộc tham quan do Hội tổ chức; được giúp đỡ hòa giải khi có tranh chấp; được khuyến khích và tạo điều kiện để hội viên xây dựng thành lập bảo tàng cá nhân và các bộ sưu tập riêng.

5. Được ra khỏi hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên; Trong trường hợp này hội viên cần thông báo chính thức bằng văn bản cho Ban Chấp hành và sẽ nhận được sự đồng ý của Ban chấp hành Hội sau 30 ngày khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Hội trong thời gian là hội viên.

Điều 11. Nghĩa vụ của hội viên

1. Tuân thủ Điều lệ, Nghị quyết, Quy chế, Quyết định của Hội; tham gia đầy đủ các hoạt động và sinh hoạt của Hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

2. Luôn coi trọng và gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất trên tinh thần thẳng thắn, trung thực và bình đẳng vì quyền lợi tập thể; khiêm tốn và thường xuyên tự trao dồi kiến thức, giúp đỡ nhau chân thành nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn trong các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật.

3. Không được lợi dụng danh nghĩa của hội để tiến hành các hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích của hội, gây tổn thất cho các hội viên và uy tín của hội, ví dụ: không được in ấn, phát hành các tài liệu liên quan trái pháp luật, không được bán cổ vật là bảo vật quốc gia ra nước ngoài, mua bán cổ vật trộm cắp, trốn lậu thuế, không được thực hiện các hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh … Hội viên tự chịu trách nhiệm trước mọi hành động vi phạm luật pháp Nhà nước.

4. Hội viên có trách nhiệm tích cực tuyên truyền phát triển Hội, giới thiệu Hội viên mới, đóng hội phí gia nhập (1 lần) và hội phí hàng năm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Hội.

5. Cung cấp cho Ban chấp hành Hội (khi thấy cần thiết) những thông tin có liên quan đến hoạt động của Hội để hội có thông tin phục vụ cho các hoạt động của Hội.

Điều 12. Chấm dứt tư cách hội viên

Tư cách hội viên sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Hội viên từ trần hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

2. Theo quyết định của Ban chấp hành trong các trường hợp sau:

a) Hoạt động trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

b) Hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích của hội gây tổn hại về uy tín của hội;

c) Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của hội viên, không thực hiện đúng hoặc vi phạm nghiêm trọng những quy định hoặc nghị quyết của Hội.

Chương 4.

TỔ CHỨC HỘI

Điều 13. Cơ cấu, tổ chức của Hội

1. Đại hội toàn thể hội viên;

2. Ban Chấp hành Hội;

3. Ban Kiểm tra Hội;

4. Các đơn vị trực thuộc (nếu có).

Điều 14. Đại hội nhiệm kỳ (Đại hội toàn thể hội viên), đại hội thường niên và đại hội bất thường.

1. Đại hội toàn thể hội viên là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội do Ban chấp hành triệu tập. Nhiệm kỳ đại hội 5 năm/1 lần.

2. Đại hội thường niên được tổ chức 12 tháng 1 lần để tổng kết đánh giá hoạt động của hội trong năm.

3. Đại hội bất thường do Ban Chấp hành triệu tập theo đề nghị của ít nhất 2/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành hoặc ít nhất trên một phần hai (1/2) tổng số hội viên chính thức đề nghị.

4. Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu chỉ được tổ chức khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt.

5. Nội dung chủ yếu quyết định tại Đại hội:

a) Thông qua báo cáo hoạt động của hội trong nhiệm kỳ qua và chương trình hoạt động của hội trong nhiệm kỳ tới.

b) Thông qua báo cáo tài chính của hội;

c) Quyết định mức hội phí của hội viên;

d) Quyết định sửa đổi hoặc bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Hội;

e) Thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của hội vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban chấp hành Hội;

f) Bầu Ban chấp hành và Ban kiểm tra hội.

6. Nguyên tắc hoạt động tại đại hội:

a) Khi triệu tập đại hội, Ban chấp hành phải công bố chương trình nghị sự của đại hội và phải gửi thư mời hội viên ít nhất 10 ngày trước ngày dự định họp;

b) Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.

c) Việc biểu quyết thông qua nghị quyết, quyết định của đại hội phải được quá 1/2 (một phần hai) hội viên chính thức có mặt tán thành.

Điều 15. Ban chấp hành Hội

1. Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo điều hành mọi hoạt động của hội trong thời gian giữa hai kỳ đại hội. Ban chấp hành có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của đại hội. Ban chấp hành do đại hội toàn thể hội viên bầu. Số lượng thành viên của Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Ban chấp hành bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng Thư ký, Ban kiểm tra và các ủy viên Ban chấp hành.

2. Ban chấp hành họp thường kỳ 6 tháng một lần để xem xét, đánh giá tình hình hoạt động của hội, bàn bạc và quyết định các giải pháp cần thiết để thực hiện các quyết định, nghị quyết của Đại hội. Khi cần thiết, Ban chấp hành có thể họp bất thường theo triệu tập của Chủ tịch hội nhưng phải có ít nhất 2/3 số ủy viên Ban chấp hành đề nghị.

3. Thường trực Ban chấp hành gồm có: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng Thư ký, là cơ quan chỉ đạo hoạt động giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành Hội, hoạt động theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, định kỳ ba tháng họp một lần. Khi cần thiết, Thường trực Ban chấp hành có thể họp bất thường theo triệu tập của Chủ tịch hội và theo đề nghị của ít nhất hơn 2/3 số ủy viên Thường trực Ban chấp hành.

4. Nhiệm vụ của Ban chấp hành

a) Lãnh đạo, tổ chức hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội;

b) Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội;

c) Báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ và xây dựng phương hướng của nhiệm kỳ tới;

d) Bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch hội, Tổng thư ký hội, Ban kiểm tra; bầu bổ sung ủy viên Ban chấp hành (nếu có);

Trong quá trình hoạt động, nếu vì nhiều lý do khác nhau, số ủy viên Ban chấp hành không còn đủ như quy định của đại hội. Ban chấp hành bầu bổ sung số ủy viên thiếu (trong số các hội viên chính thức của hội) nhưng không vượt quá 1/3 số lượng ủy viên Ban chấp hành mà đại hội quy định.

e) Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, quy chế quản lý tài chính, quy chế khác theo quy định và điều lệ hội;

f) Triệu tập Đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường: quyết định việc tổ chức Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên;

g) Xét kết nạp, bãi miễn tư cách hội viên; giải quyết khiếu nại của hội viên.

5. Nguyên tắc hoạt động của Ban chấp hành

a) Cuộc họp của Ban chấp hành được xem là hợp lệ khi có ít nhất trên 1/2 (một phần hai) số lượng ủy viên Ban chấp hành tham dự. Biểu quyết trong Ban chấp hành theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo Chủ tịch hội;

b) Việc biểu quyết theo nguyên tắc quá bán (trên 1/2 số ủy viên có mặt). Riêng đối với các vấn đề quan trọng sau đây, phải được ít nhất 2/3 số ủy viên Ban chấp hành có mặt thông qua:

b1) Sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ;

b2) Bãi miễn một số thành viên trong Ban chấp hành;

b3) Các vấn đề liên quan đến hội viên;

b4) Giải thể Hội và thanh lý tài sản.

Điều 16. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký

1. Chủ tịch hội là Chủ tịch Ban chấp hành do Ban chấp hành bầu ra trong số các ủy viên ban chấp hành.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội:

a) Đại diện pháp nhân của hội trước pháp luật, là chủ tài khoản của Hội;

b) Phụ trách chung, trực tiếp chỉ đạo Tổng thư ký và ký các quyết định liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự của Hội, cấp thẻ hội viên theo đề nghị của Ban chấp hành;

c) Tổ chức triển khai thực hiện Điều lệ Hội, Nghị quyết của Đại hội, các Quyết định của Ban chấp hành Hội;

d) Triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ban chấp hành Hội, Thường trực Ban chấp hành;

e) Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành và toàn thể hội viên về hoạt động của Hội.

3. Các Phó Chủ tịch Hội do Chủ tịch đề cử để Ban chấp hành bầu, là người giúp việc cho Chủ tịch Hội, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Hội về một số lĩnh vực công tác do Chủ tịch Hội, Thường trực Ban chấp hành phân công.

4. Tổng thư ký Hội: do Chủ tịch đề cử để Ban chấp hành bầu. Tổng Thư ký giúp việc trực tiếp cho Chủ tịch Hội trong công tác điều hành các công việc của Hội và hội viên, chuẩn bị nội dung các cuộc họp Thường trực và Ban chấp hành của Hội.

Điều 17. Ban kiểm tra

1. Ban kiểm tra gồm 3 thành viên, gồm trưởng ban, phó trưởng ban và ủy viên do Đại hội bầu ra trong số các hội viên của Hội. Trưởng ban kiểm tra do Ban kiểm tra đề cử. Ban kiểm tra có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hội.

2. Nhiệm vụ của Ban kiểm tra:

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ; Nghị quyết của đại hội, Ban chấp hành;

b) Kiểm tra tư cách hội viên;

c) Kiểm tra, giám sát việc quản lý tài chính, tài sản và báo cáo kết quả trước Chủ tịch Hội, Ban chấp hành, hội nghị hàng năm và trước Đại hội.

d) Tiếp nhận, xem xét, kiến nghị với Ban chấp hành giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên và nhân dân có liên quan đến hội viên và tổ chức Hội.

e) Báo cáo kết quả hoạt động giám sát, kiểm tra trong các kỳ họp của Ban chấp hành Hội;

f) Có quyền yêu cầu Ban chấp hành tổ chức phiên họp bất thường hoặc tổ chức đại hội bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của hội.

Chương 5.

GIẢI THỂ, CHIA, TÁCH, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT

Điều 18. Giải thể Hội

1. Hội tự giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Theo đề nghị và biểu quyết thông qua của trên 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức;

b) Do ngừng hoạt động 12 tháng liên tiếp, hoặc khi có nghị quyết của Đại hội giải thể mà BCH Hội không chấp hành;

2. Hội giải thể theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trình tự và thủ tục giải thể Hội sẽ tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam có hiệu lực tại thời điểm giải thể.

3. Hội chấm dứt hoạt động kể từ ngày quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thể Hội có hiệu lực.

Điều 19. Thanh quyết toán tài sản, tài chính

Tài sản, tài chính và các khoản nợ tồn đọng của Hội khi giải thể sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 20. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Hội

1. Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Hội sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Các vấn đề về tài sản, quyền và lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ và các vấn đề tài chính khác của Hội liên quan đến hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 6.

TÀI SẢN, TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 21. Nguyên tắc quản lý tài chính

1. Hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, lấy thu bù chi.

2. Thực hiện thu, chi theo Quy chế quản lý Tài chính của Hội.

Điều 22. Quản lý tài chính của Hội

1. Các nguồn thu của Hội:

a) Tiền hội phí của các hội viên;

b) Các nguồn thu từ các hoạt động của hội theo quy định của pháp luật;

c) Các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

2. Các khoản chi của hội gồm:

a) Chi cho các hoạt động thường xuyên của hội;

b) Các khoản chi cần thiết khác phục vụ hoạt động của Hội.

3. Việc quản lý tài chính của Hội phải được thực hiện theo chế độ thống nhất, theo Quy chế quản lý tài chính do Ban chấp hành Hội quy định; tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán thống kê. Các khoản thu, chi của Hội phải tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả, được phản ánh trên hệ thống sổ sách kế toán theo quy định, thực hiện báo cáo công khai tại hội nghị thường kỳ hàng năm của Ban chấp hành Hội, cũng như trước Đại hội toàn thể hội viên.

4. Cán bộ thực hiện nghiệp vụ kế toán của Hội phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn để giúp Chủ tịch Hội thực hiện hoạt động quản lý tài chính của Hội đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước.

Chương 7.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 23. Khen thưởng

Hội viên có thành tích xuất sắc đóng góp cho hoạt động của Hội được Ban chấp hành Hội quyết định khen thưởng hàng năm hoặc đề nghị các cơ quan nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Kỷ luật

1. Hội viên vi phạm Điều lệ, không thực hiện Nghị quyết, quyết định của Ban chấp hành hội, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và quyền lợi của Hội sẽ tùy theo mức độ nặng, nhẹ phải chịu hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến tạm đình chỉ sinh hoạt hoặc khai trừ ra khỏi hội, thu thẻ hội viên.

2. Hội viên bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Hội phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Hội khi còn là hội viên.

Chương 8.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Chỉ có Đại hội toàn thể của Hội sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ và phải được UBND Thành phố Hà Nội phê chuẩn.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Bản Điều lệ này có 08 chương 26 điều đã được Đại hội toàn thể của Hội sưu tầm, nghiên cứu Gốm và Cổ vật Thăng Long thành phố Hà Nội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2010-2015 nhất trí thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được UBND thành phố Hà Nội phê chuẩn./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 632/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu632/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/01/2011
Ngày hiệu lực29/01/2011
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật13 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 632/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 632/QĐ-UBND phê chuẩn Điều lệ Tổ chức hoạt động Hội


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 632/QĐ-UBND phê chuẩn Điều lệ Tổ chức hoạt động Hội
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu632/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hà Nội
                Người kýNgô Thị Thanh Hằng
                Ngày ban hành29/01/2011
                Ngày hiệu lực29/01/2011
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật13 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 632/QĐ-UBND phê chuẩn Điều lệ Tổ chức hoạt động Hội

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 632/QĐ-UBND phê chuẩn Điều lệ Tổ chức hoạt động Hội

                        • 29/01/2011

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 29/01/2011

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực