Nội dung toàn văn Quyết định 64/QĐ-UBND 2007 nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu Chi cục Bảo vệ thực vật Bắc Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 17 tháng 7 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (sửa đổi, bổ sung) ngày 25 tháng 7 năm 2001;
Căn cứ Công văn số 699/BVTV-CV ngày 20/8/2004 của Cục BVTV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của chuyên ngành bảo vệ thực vật ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 26/TTr-SNV ngày 20 tháng 6 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Chi cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 17/7/2007 của UBND tỉnh Bắc Giang)
Điều 1. Chi cục Bảo vệ thực vật là tổ chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật và khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh.
Chi cục Bảo vệ thực vật có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của Nhà nước.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục:
1. Xây dựng, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, chương trình, dự án, cơ chế, chính sách về Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật trên địa bàn tỉnh, các văn bản thuộc phạm vi quản lý của Chi cục để UBND tỉnh phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đã trình.
2. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Chi cục.
3. Tổ chức theo dõi, điều tra, phát hiện, xác minh, dự tính, dự báo thời gian phạm vi và mức độ gây hại của sinh vật gây hại đối với cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc ngăn chặn, dập tắt dịch gây hại cây trồng; thông báo kịp thời dịch hại, tình hình diễn biến của sinh vật gây hại cây trồng.
4. Tổ chức thực hiện công tác Kiểm dịch thực vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và ủy quyền của cơ quan Kiểm dịch thực vật Trung ương; quản lý công tác khử trùng sản phẩm thực vật bảo quản trên địa bàn tỉnh.
5. Quản lý Nhà nước về thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của phát luật.
6. Thực hiện cấp, thu hồi, kiểm tra việc cấp, thu hồi giấy phép làm dịch vụ Bảo vệ thực vật, giấy chứng chỉ hành nghề: Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xông hơi khử trùng, thu phí, lệ phí về công tác Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật theo quy định và phân cấp hiện hành của Nhà nước, của UBND tỉnh.
7. Bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên Bảo vệ thực vật ở cơ sở, tập huấn cho nông dân kiến thức về Bảo vệ thực vật và thuốc Bảo vệ thực vật.
8. Chỉ đạo việc thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chuyên ngành Bảo vệ thực vật, phục vụ cho sản xuất và thực hiện công tác Khuyến nông về Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
9. Thực hiện việc hợp tác Trong nước và hợp tác Quốc tế về khoa học kỹ thuật chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.
10. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Chi cục theo thẩm quyền và quy định của phát luật.
11. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tài chính, tài sản theo quy định của phát luật và phân cấp của UBND tỉnh.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật khi cấp có thẩm quyền giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục.
1. Cơ cấu tổ chức của Chi cục:
- Lãnh đạo Chi cục gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng.
- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và Thanh tra Bảo vệ thực vật
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm:
+ 10 trạm Bảo vệ thực vật huyện, thành phố;
+ Trạm kiểm dịch thực vật.
Các trạm được sử dụng con dấu để giao dịch hành chính.
2. Biên chế của Chi cục Bảo vệ thực vật nằm trong tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giao hàng năm.
Điều 4. Chi cục Bảo vệ thực vật xây dựng Quy chế làm việc của đơn vị trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định ban hành thực hiện./.