Quyết định 66/2007/QĐ-UBND chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục mầm non đã được thay thế bởi Quyết định 11/2011/QĐ-UBND Quy định chính sách khuyến khích xã hội hoá và được áp dụng kể từ ngày 03/04/2011.
Nội dung toàn văn Quyết định 66/2007/QĐ-UBND chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục mầm non
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 66/2007/QĐ-UBND |
Lào Cai, ngày 07 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HÓA TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh
xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao;
Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách
khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số
43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối
với các đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 43/2006/NĐ-CP">71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng
dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP; Thông tư số 53/2006/NĐ-CP">91/2006/TT-BTC ngày
02/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 53/2006/NĐ - CP;
Căn cứ Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo phê duyệt Đề án 'Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn
2006 - 2010';
Căn cứ Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 16/7/2007 của Hội đồng nhân dân
tỉnh Lào Cai thông qua chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn
hóa, thể thao;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện xã hội hóa được huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và một phần ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH |
QUY ĐỊNH
CHÍNH
SÁCH XÃ HỘI HÓA TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG
XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Quyết định số 66/2007/QĐ - UBND ngày 07/9/2007 của UBND tỉnh Lào
Cai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
1. Huy động sự tham gia của toàn xã hội phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai; làm cho mọi cá nhân, mọi tổ chức đều được đóng góp để phát triển giáo dục của tỉnh; đồng thời tạo điều kiện để mọi người, đặc biệt là các đối tượng chính sách, xã hội được hưởng thụ thành quả giáo dục ngày càng cao.
2. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi thành viên trong xã hội học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ giáo dục phổ cập, tạo điều kiện cho việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tri thức và khả năng thích ứng với thị trường lao động.
3. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các cơ sở giáo dục bán công sang loại hình ngoài công lập; khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở thành phố Lào Cai và ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; khuyến khích chuyển các cơ sở giáo dục công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp bao cấp sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính; từng bước chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập thành cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Trong lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng; các tổ chức kinh tế, xã hội, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước có tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, trí lực cho việc xây dựng các cơ sở giáo dục.
Điều 4. Nguyên tắc
1. Chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai được xây dựng trên cơ sở các chính sách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của nhà nước, vận dụng vào điều kiện của tỉnh; nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả giáo dục, sự thống nhất quản lý của nhà nước, giữ vững vai trò nòng cốt của cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Khuyến khích đa dạng hóa các loại hình giáo dục; phát triển mạnh các cơ sở giáo dục ngoài công lập với hai hình thức dân lập và tư thục; phát triển cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, đồng thời khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của giáo dục của địa phương cũng như mọi sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp để phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
3. Nhà nước, xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở giáo dục công lập và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Đối với các cơ sở giáo dục công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.
Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư số 71/2006/TT - BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ - CP.
- Giao các sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm quyền tự chủ ở các cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.
- Trên cơ sở phân loại đơn vị sự nghiệp, ngân sách tỉnh đảm bảo chi phí hoạt động cho các đơn vị không tự đảm bảo chi phí hoạt động từ nguồn thu sự nghiệp.
Điều 6. Đối với các cơ sở công lập, bán công chuyển sang loại hình dân lập, tư thục.
1. Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ và Thông tư số 53/2006/NĐ-CP">91/2006/TT-BTC ngày 02/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 53/2006/NĐ-CP.
2. Tỉnh có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở giáo dục công lập và bán công chuyển sang loại hình dân lập hoặc tư thục và được hưởng ưu đãi như sau:
a. Nhà và cơ sở hạ tầng: Tiếp tục sử dụng quỹ nhà và cơ sở hạ tầng theo hình thức thuê dài hạn với giá ưu đãi, giảm 50% giá thuê tính theo mức giá quy định chung của Nhà nước trong 5 năm đầu, sau đó căn cứ vào điều kiện thực tế để xác định mức giảm cho 5 năm tiếp theo.
b. Đất đai: Tỉnh giao đất không thu tiền sử dụng đất.
c. Thuế thu nhập doanh nghiệp: Khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo cơ chế lợi nhuận được hưởng ưu đãi các loại thuế suất ở mức cao nhất theo quy định hiện hành áp dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
d. Huy động vốn đầu tư: Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục ngoài công lập được vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của nhà nước theo quy định hiện hành. Trường hợp phải vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% lãi suất sau đầu tư 3 năm kể từ thời điểm dự án được UBND tỉnh chấp thuận của cơ sở ngoài công lập hoàn thành đi vào hoạt động thực hiện trả lãi vay cho ngân hàng.
đ. Chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên:
Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế nhà nước, đang làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập, bán công khi chuyển đổi thành cơ sở giáo dục ngoài công lập được cơ quan quản lý công chức trợ cấp một lần bằng 12 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng. Trường hợp không chuyển sang cơ sở ngoài công lập thì thực hiện theo quy định Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao.
Điều 7. Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thành lập mới.
1. Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ và Thông tư số 53/2006/NĐ-CP">91/2006/TT-BTC ngày 02/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 53/2006/NĐ-CP.
2. Tỉnh hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở giáo dục dân lập hoặc tư thục thành lập mới và được hưởng các chính sách ưu đãi sau:
a. Nhà và cơ sở hạ tầng: Căn cứ vào quỹ nhà và cơ sở hạ tầng hiện có thuộc nhà nước quản lý, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập mua hoặc thuê dài hạn với giá ưu đãi.
b. Đất đai: Tỉnh ưu tiên giao đất phù hợp với quy hoạch chung và phù hợp với việc xây dựng cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia và không thu tiền sử dụng đất. Tỉnh tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng và hỗ trợ một phần kinh phí đền bù, tái định cư (nếu có) theo từng dự án cụ thể.
c. Thuế thu nhập doanh nghiệp: Khuyến khích các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thành lập mới hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Đối với các cơ sở hoạt động theo cơ chế lợi nhuận được hưởng ưu đãi các loại thuế suất ở mức cao nhất theo quy định hiện hành áp dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
d. Huy động vốn đầu tư: Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thành lập mới được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của nhà nước theo quy định hiện hành. Trường hợp phải vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% lãi suất sau đầu tư 3 năm kể từ thời điểm dự án được UBND tỉnh chấp thuận của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thành lập mới hoàn thành đi vào hoạt động thực hiện trả lãi vay cho ngân hàng.
Điều 8. Đối với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng.
1. Tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển giáo dục thường xuyên như là một hình thức huy động tiềm năng của cộng đồng để xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân nhằm góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
2. Khuyến khích các sở, ban, ngành lồng ghép các dự án, chương trình giáo dục đào tạo của đơn vị tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Học tập cộng đồng.
3. Khuyến khích các sở, ban, ngành hỗ trợ các hoạt động của Hội khuyến học các cấp; khuyến khích Hội Khuyến học tổ chức các hoạt động khuyến học, đẩy mạnh phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học tại cơ quan, xã, phường, đơn vị, tổ chức kinh tế, xã hội, doanh nghiệp.
Điều 9. Đối với các cá nhân, tổ chức đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực cho việc xây dựng trường học bán trú dân nuôi, nội trú dân nuôi, trường học đạt chuẩn Quốc gia.
1. Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực vào việc xây dựng trường học bán trú dân nuôi, nội trú dân nuôi, trường học đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục; tham gia vào quá trình giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục.
2. Miễn giảm thuế thu nhập và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật hiện hành khi các cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp, hiến tặng cho các cơ sở giáo dục theo quy định tài chính hiện hành.
3. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và kinh phí để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, đầu tư từ nguồn vốn NGO, ODA... Ưu tiên đặc biệt cho việc bố trí nguồn vốn đối ứng mà địa phương đã cam kết đóng góp trong tổng mức đầu tư.
4. Khuyến khích sự đóng góp của toàn thể xã hội, cá nhân, tổ chức cho giáo dục thông qua Quỹ khuyến học, Quỹ phát triển nhà trường
5. Có hình thức ghi công phù hợp với mức độ đóng góp của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
6. Hàng năm tổ chức lễ tuyên dương các nhà hảo tâm, doanh nghiệp có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh Lào Cai.
Điều 10. Chế độ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
1. Thực hiện chính sách bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập về thi đua khen thưởng, kỷ luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bình đẳng về tiếp nhận, thuyên chuyển cán bộ từ khu vực công lập sang ngoài công lập và ngược lại.
2. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động lập kế hoạch đào tạo để nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; lập danh sách trình cấp có thẩm quyền để hỗ trợ kinh phí đào tạo theo chế độ hiện hành của nhà nước áp dụng cho các cơ sở giáo dục công lập.
3. Cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập được các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ngoài công lập
1. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đăng ký hoạt động chuyên môn với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đăng ký với cơ quan quản lý thuế để làm căn cứ ưu đãi và tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
2. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tuân theo quy chế hoạt động và quy định của Điều lệ nhà trường theo từng cấp học; đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất để tổ chức tốt các hoạt động dạy và học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ ngoài công lập hoạt động tự nguyện, tự quản, không có tư cách pháp nhân, nhưng có đăng ký hoạt động với các phòng Giáo dục và Đào tạo cũng được hưởng các chính sách ưu đãi theo quyết định này.
Điều 12: Khen thưởng, kỷ luật
1. Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai được xét khen thưởng theo quy định.
2. Các tập thể, cá nhân, cơ sở giáo dục vi phạm quy định này thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Trách nhiệm thi hành
1. Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành căn cứ quyết định triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân thực hiện.
2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện và tổng hợp báo cáo theo định kỳ về Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân phản ánh về Sở Giáo dục và
Đào tạo tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.