Nội dung toàn văn Quyết định 67/2018/QĐ-UBND phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi khác Bình Định
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/2018/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 28 tháng 12 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 363/TTr-SNN ngày 24 tháng 12 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2019.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 67/2018/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về phạm vi vùng phụ cận để bảo vệ đối với các công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Bình Định theo quy định tại Khoản 7 Điều 40 của Luật Thủy lợi, bao gồm các công trình thủy lợi là hệ thống dẫn nước, chuyển nước; trạm bơm; cống qua bờ bao thủy lợi, qua các mương, rạch.
2. Phạm vi vùng phụ cận của những công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh không được quy định tại Quy định này thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có các hoạt động liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phạm vi vùng phụ cận của công trình thủy lợi khác được quy định như sau:
1. Phạm vi vùng phụ cận của kênh mương, hệ thống dẫn nước, chuyển nước.
Lưu lượng để xác định phạm vi vùng phụ cận đối với kênh là lưu lượng lớn nhất theo thiết kế mà công trình phải chuyển tải được xác định như sau:
a) Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5m3/s, phạm vi vùng phụ cận được tính từ mép ngoài mái kênh trở ra tối thiểu 0,5m đối với kênh đất và kênh kiên cố.
b) Kênh có lưu lượng từ 0,5m3/s đến dưới 01m3/s, phạm vi vùng phụ cận được tính từ mép ngoài mái kênh trở ra tối thiểu 1,0m đối với kênh đất, 0,5m đối với kênh kiên cố.
c) Kênh có lưu lượng từ 01m3/s đến dưới 02m3/s, phạm vi vùng phụ cận được tính từ mép ngoài mái kênh trở ra tối thiểu 1,5m đối với kênh đất, 01m đối với kênh kiên cố.
d) Kênh có lưu lượng từ 02m3/s trở lên, phạm vi vùng phụ cận áp dụng theo quy định tại Khoản 4 Điều 40 Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017.
đ) Phạm vi vùng phụ cận của các công trình trên kênh bao gồm cống, xi phông, cầu máng, cửa lấy nước cống qua bờ bao thủy lợi, qua các mương rạch và các công trình khác, phạm vi vùng phụ cận tính từ phần xây dựng ngoài cùng trở ra mỗi phía tối thiểu 05m;
e) Phạm vi vùng phụ cận của đường ống dẫn nước được tính từ thành ngoài của ống ra mỗi bên 01m.
2. Phạm vi vùng phụ cận của trạm bơm:
a) Đối với phần công trình trạm bơm trên cạn, phạm vi vùng phụ cận được tính từ phần xây dựng ngoài cùng của công trình trở ra mỗi phía tối thiểu 10m.
b) Đối với phần công trình trạm bơm dưới nước, phạm vi vùng phụ cận được tính từ phần xây dựng ngoài cùng của công trình trở ra mỗi phía tối thiểu 30m.
3. Phạm vi vùng phụ cận của bờ bao thủy lợi:
a) Phạm vi vùng phụ cận của bờ bao thủy lợi được tính từ mép ngoài phần xây đúc cuối cùng trở ra về phía đồng tối thiểu 02m, phía sông tối thiểu là 05m.
b) Đối với bờ bao thủy lợi kết hợp tuyến đê, phạm vi vùng phụ cận áp dụng theo quy định về hành lang bảo vệ đê điều của Luật Đê điều.
4. Các công trình có vùng phụ cận chồng lên một phần với hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác thì phần định ranh giới phạm vi vùng phụ cận tuân theo các quy định pháp luật về thủy lợi và các lĩnh vực khác có liên quan theo nguyên tắc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện Quy định này.
2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 1, Điều 57 của Luật Thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2, Điều 57 của Luật Thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3, Điều 57 của Luật Thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan.
5. Các tổ chức cá nhân hoạt động liên quan đến thủy lợi căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình được quy định tại Điều 41, Điều 53, Điều 54, Điều 55 của Luật Thủy lợi và Quy định này để triển khai thực hiện.
Điều 5. Quy định chuyển tiếp
Các loại Giấy phép trong lĩnh vực thủy lợi đã được cấp phép trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành mà chưa hết hạn của Giấy phép thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
Điều 6. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.