Quyết định 67/QĐ-UBND

Nội dung toàn văn Quyết định 67/QĐ-UBND 2024 Kết nối sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 01 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KẾT NỐI SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ NHẰM NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 53-NQ/CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về Giải pháp khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững;

Căn cứ Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 28/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1225/TTr- SCT ngày 05/10/2023 và Tờ trình số 1660/TTr-SCT ngày 21/12/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM

- Kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; gắn với tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa; khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên và các nguồn lực khác.

- Kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vai trò chủ động của các hình thức tổ chức trong hoạt động chế biến, lấy đó làm tiền đề, hạt nhân thu hút đầu tư.

- Đa dạng hóa các hình thức kết nối, tạo ra các liên kết phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng nhóm sản phẩm, phát huy tính ưu việt và hiệu quả của các mô hình liên kết để xây dựng các kết nối phát triển một cách bền vững.

- Kết nối sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia quá trình liên kết, làm cơ sở thu hút và gắn kết các chủ thể tham gia chuỗi liên kết.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng, quy mô lớn, có hệ thống kho bảo quản và nhà máy sơ chế, chế biến phù hợp với quy mô sản xuất; nâng cao thu nhập của người sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm.

- Nâng cao năng lực của các chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ để mở rộng khả năng kết nối, tạo liên kết bền vững giữa các chủ thể; phát triển mạnh năng lực kinh doanh các các cơ sở chế biến, làm hạt nhân cho các hoạt động kết nối; kết nối để hình thành và phát triển đa dạng các hình thức liên kết theo chuỗi bền vững, có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đảm bảo phù hợp với trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025

- Sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tổ chức kết nối, tạo liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt từ 20% sản lượng trở lên.

- Kết nối tạo liên kết và hình thành chuỗi liên kết trong sản phẩm chủ lực đạt 2.000 chuỗi trở lên (trung bình tăng 6%/năm).

- Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được truy xuất nguồn gốc đạt 40% trở trên; được sơ chế, chế biến đạt từ 40% tổng sản lượng sản xuất trở lên.

- Tỷ lệ cơ sở chế biến được nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, FSSC,...) đạt từ 20% cơ sở hiện có trở lên.

2.2. Đến năm 2030

- Sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tổ chức kết nối, tạo liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt 50% sản lượng sản xuất.

- Kết nối, tạo liên kết và hình thành chuỗi liên kết trong sản phẩm chủ lực đạt 3.000 chuỗi trở lên (trung bình tăng 8,5%/năm).

- Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực được truy xuất nguồn gốc đạt 80% trở trên; được chế biến đạt từ 55% tổng sản lượng sản xuất trở lên.

- Tỷ lệ cơ sở chế biến được nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, FSSC,...) đạt trên 40% cơ sở hiện có trở lên.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu

1.1. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung

- Trên cơ sở Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện được UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện rà soát, tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, các vùng trọng điểm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương trong tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất…; gắn với bảo đảm các điều kiện sản xuất theo quy định, nhất là trong công tác bảo vệ môi trường.

- Tổ chức kết nối, tạo liên kết các cơ sở sản xuất để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, có giá trị gia tăng cao; đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 3416/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh.

1.2. Phát triển sản xuất đạt tiêu chuẩn, chứng nhận

- Thường xuyên phổ biến, cập nhật, cung cấp thông tin đến các đơn vị, cơ sở sản xuất về các chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước thuộc hiệp định AFTAs, EVFTA, CPTPP, IPA, RCEP... để nắm rõ và chủ động sản xuất các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ mục tiêu.

- Hỗ trợ, phát triển diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững (trong đó tập trung vào mặt hàng rau, quả); chú trọng hỗ trợ, phát triển các chứng nhận quốc tế (GlobalGAP, 4C, UTZ, Fairtrate, Halal, Oganic...), ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất, cấp mã số vùng trồng thông qua các chương trình hỗ trợ chứng nhận, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết.

- Triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ, chương trình, giải pháp phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 16/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 tại Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh.

1.3. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ thông minh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng năng suất lao động, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững; thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động, công nghệ IoT (internet kết nối vạn vật), sử dụng các loại phân bón sinh học, hữu cơ; quản lý sinh vật có hại bằng biện pháp sinh học, thảo mộc, vật lý có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động môi trường; phát triển diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030 theo Kế hoạch số 260/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh.

1.4. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm

- Xác lập quyền đăng ký các nhãn hiệu sở hữu cộng đồng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có tính cạnh tranh, giá trị kinh tế cao của tỉnh, tạo điều kiện để tiêu thụ ổn định trong thời gian tới. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng và chứng nhận mã vùng trồng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực để phục vụ kiểm soát chất lượng và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, hướng tới mục tiêu xuất khẩu; trước mắt, tập trung cho các sản phẩm đã và đang tiêu thụ tốt trên thị trường ( sữa bò, mía đường, chả cá surami, ván ép, gạo chất lượng cao,…..). Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số vào quá trình canh tác, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đến khâu phân phối và tiêu thụ.

- Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chương trình áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 07/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Phát triển, mở rộng quy mô các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết

2.1. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể

- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp nhằm phát triển vùng sản xuất nguyên liệu có chất lượng đồng đều, ổn định, phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp. Phát triển, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ; tổ chức khảo sát mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước để lựa chọn học tập, hoàn thiện và nhân rộng tại tỉnh; ưu tiên hỗ trợ phát triển hợp tác xã sản xuất quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng liên kết với các doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các địa phương có sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh theo chương trình OCOP.

- Triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ, chương trình về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới theo Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 13/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Quyết định 922/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh.

2.2. Phát triển các chuỗi liên kết kinh tế trang trại: Tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô các chuỗi liên kết hiện có và hình thành, phát triển mới các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Xây dựng, phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm..., gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Xây dựng, phát triển chuỗi liên kết và diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị; nâng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm qua chuỗi.

2.3. Phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các địa phương trong tỉnh

- Xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, vùng sản xuất; các sản phẩm, ngành nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch canh nông; xây dựng các làng nghề, nghề truyền thống gắn với quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp quốc gia; tăng cường thực hiện các hoạt động quảng bá hình ảnh sản phẩm trên các phương tiện thông tin truyền thông để tăng độ nhận diện thương hiệu. Hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát huy thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 5363/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh.

2.4. Đẩy mạnh hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân

- Thúc đẩy kết nối, phát triển các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo các chính sách của Trung ương, của tỉnh; trong đó, chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các mô hình. Khuyến khích hình thành, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp trong khâu sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa phục vụ các đơn hàng lớn.

- Tăng cường tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ cá thể sang tập thể, từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại các địa phương và các làng nghề trong tỉnh, tập trung tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ; đồng thời, thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ- CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

3. Phát triển công nghiệp chế biến

3.1. Tiếp tục hình thành các khu, cụm công nghiệp

- Huy động nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng đến tường rào dự án. Phối hợp với các đơn vị đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện phương châm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, tạo sức hấp dẫn nhiều hơn đối với các doanh nghiệp và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Chú trọng công tác xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp vào Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa, các cụm công nghiệp tại các địa bàn sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

3.2. Thu hút đầu tư, nâng cao năng lực chế biến

- Tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung. Ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư sơ chế, bảo quản rau quả tươi, trái cây đặc sản của từng địa phương với công nghệ hiện đại, giúp giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, nhất là sản phẩm nông sản; trong đó, quan tâm đầu tư hệ thống kho lạnh phục vụ bảo quản các sản phẩm có tính thời vụ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục nhân rộng và hình thành mới các trung tâm sau thu hoạch, gắn với vùng nguyên liệu sản xuất, kết hợp xây dựng mô hình trung tâm sau thu hoạch với trung tâm logistics.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến nhằm duy trì vệ sinh tốt, quản lý chất lượng toàn diện, quản lý tinh gọn, thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở theo quy định; tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng tiếp cận, vận hành máy móc, thiết bị tự động hóa; thiết bị điện tử trong hoạt động sơ chế, chế biến.

- Thu hút đầu tư mới từ 2 - 3 nhà máy quy mô lớn, công nghệ hiện đại để chế biến rau, quả tại các vùng sản xuất (nước ép, nước trái cây,..); phát triển mạnh hệ thống các cơ sở sơ chế, chế biến rau, quả quy mô nhỏ, có công suất và công nghệ phù hợp với đặc thù và khả năng sản xuất nguyên liệu tại các địa phương nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến, góp phần tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp qua chế biến của tỉnh; đến năm 2030 tỷ lệ sơ chế rau, quả đạt 60% sản lượng rau, quả toàn tỉnh và tỷ lệ chế biến rau, quả chiếm 20% sản lượng rau, quả toàn tỉnh. Thu hút đầu tư nhà máy giết mổ, sơ chế, chế chế thịt gia súc (lợn, bò, trâu) với công nghệ hiện đại, kép kín, bảo đảm môi trường, quy mô phù hợp với sản lượng chăn nuôi gia súc hàng năm của tỉnh; nâng cao tỷ lệ sản phẩm thịt gia súc được sơ chế, tiêu thụ sản phẩm thịt hàng năm của tỉnh.

- Rà soát quy hoạch sử dụng đất, nghiên cứu bố trí quỹ đất, đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thu hút đầu tư các dự án sơ chế, chế biến nông sản, trung tâm sau thu hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, gắn kết với hạ tầng logistics; mời gọi các nhà đầu tư xây dựng, hình thành, vận hành hạ tầng logistics thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,… và tại các nước có hệ thống logistics phát triển. Huy động các nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, nguồn vốn FDI và các nguồn vốn khác để đầu tư, phát triển các dự án chế biến nông sản, dịch vụ logistics.

4. Phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ: Đẩy mạnh hình thành, phát triển các cụm liên kết, gắn chế biến, tiêu thụ với vùng sản xuất nguyên liệu, thương hiệu sản phẩm tại các địa phương, các vùng có sản lượng sản phẩm lớn, thuận lợi về giao thông, lao động, logistics, với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm, các tiêu chí kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa. Kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu, sản xuất sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

5. Phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh

5.1. Đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu: Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển, mang lại giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường; hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị chủ quản quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của tỉnh. Thực hiện đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại các thị trường chủ lực trên thế giới (Hiệp định RCEP: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,..).

5.2. Quảng bá thương hiệu

- Hướng dẫn, khuyến khích, vận động doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu gắn nhãn hiệu chứng nhận lên sản phẩm và tổ chức quảng bá sản phẩm gắn nhãn hiệu với mọi hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trên môi trường trực tuyến. Rà soát, bổ sung danh mục các loại sản phẩm được gắn thương hiệu. Tiếp tục trang bị kiến thức về giá trị thương hiệu, về yêu cầu và tầm quan trọng của xây dựng, phát triển thương hiệu cho cán bộ, doanh nghiệp và người sản xuất để hiểu rõ, nắm bắt cơ hội, đẩy nhanh xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tạo vị thế tại thị trường nội tỉnh, trong nước và hướng tới tham gia thị trường xuất khẩu.

- Tăng cường các hoạt động, chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh thông qua các chương trình kết nối sản xuất và tiêu thụ, tham gia hội chợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thương mại điện tử, các hoạt động hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các hãng hàng không, các tập đoàn lữ hành, khách sạn,... ; hướng đến tổ chức các sự kiện chuyên đề, có quy mô quốc gia, quốc tế tại địa phương để quảng bá các sản phẩm của tỉnh.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 4408/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh.

6. Phát triển thị trường tiêu thụ

6.1. Phát triển thị trường trong nước và nội tỉnh

- Phát triển đồng bộ hệ thống bán buôn, bán lẻ, logistics kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối; đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tại các thị trường tiêu thụ lớn trong nước là Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh… Thường xuyên cập nhật, dự báo sản lượng, khả năng cung ứng cho thị trường các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản có tính thời vụ cao để kết nối với các địa phương khác hỗ trợ tiêu thụ; theo dõi hệ thống bán buôn, bán lẻ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại các thị trường trong nước, gắn với thường xuyên đánh giá, hỗ trợ kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

- Kết nối, tổ chức xây dựng, hoạt động hiệu quả kênh tiêu thụ với chủ thể chính là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; qua đó, chủ động trong lập kế hoạch và giữ ổn định hoạt động sản xuất, bảo đảm số lượng, chất lượng phục vụ chế biến, giải quyết đầu ra cho vùng sản xuất; cung ứng sản phẩm đáp ứng thị hiếu, yêu cầu thị trường.

- Thiết lập kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã qua sơ chế, chế biến với chủ thể chính là các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại để bố trí trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; tổ chức vận hành hiệu quả và nhân rộng các kênh tiêu thụ để hầu hết sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia vào các kênh tiêu thụ, hạn chế việc bị đứt gãy hoặc bị nghẽn do ảnh hưởng của yếu tố thị trường biến động lớn hoặc dịch bệnh. Phát triển các điểm bán hàng sản phẩm OCOP, nông sản hữu tại các khu, điểm du lịch, trung tâm huyện, thành phố,... để quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ. Thực hiện tốt nội dung, nhiệm vụ tại Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 theo Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh.

- Hàng năm tổ chức và hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, tuần lễ sản phẩm nông nghiệp, hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội thảo chuyên đề quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với các sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, vi phạm các quy định về gắn nhãn, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp...

6.2. Phát triển thị trường xuất khẩu

- Phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gắn với chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến. Tập trung phát triển các thị trường xuất khẩu trọng điểm chiến lược, đặc biệt là các thị trường truyền thống, phân khúc cao tại các nước trong khu vực Hiệp định RCEP (Nhật Bản, Hàn Quốc,..), các nước Khối liên minh Châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Thúc đẩy phát triển các thị trường tại Ấn Độ, các nước khối Đông Âu (Nga, Belarus,..), chú trọng thị trường tiềm năng Ấn Độ. Tiếp tục tìm kiếm, khai thác các thị trường mới mà sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa có lợi thế về chủng loại, chất lượng, mùa vụ; đồng thời, triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển thị trường các nước Ả rập theo Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 10/7/2023 của UBND tỉnh về triển khai Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành hàng Việt Nam đến năm 2023.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về từng ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu, với chuỗi dữ liệu về diện tích, sản lượng, mùa vụ sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh, doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu,… tạo thuận lợi cho các hoạt động xúc tiến thương mại. Tập trung hỗ trợ để phát triển số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp trẻ. Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, tăng cường quảng bá sản phẩm xuất khẩu chủ lực qua các gian hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài; tổ chức, tham gia tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến, triển lãm trực tuyến.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực, có vai trò dẫn dắt trong từng ngành hàng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hình thành các chuỗi liên kết. Tăng cường quảng bá các sản phẩm xuất khẩu chủ lực tại các sự kiện chuyên đề mang tính quốc tế (lễ hội, hội thảo chuyên ngành,...); tranh thủ tối đa các mối quan hệ đối ngoại được thiết lập của tỉnh với tỉnh Hủa Phăn (Lào), Seongnam (Hàn Quốc), Farwaniyah (Cô-oét), Mittelsachsen (Đức)… để thúc đẩy hợp tác, lồng ghép nội dung quảng bá các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh tại các buổi hội đàm, làm việc song phương nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Xác định một số sản phẩm cụ thể để tập trung các nguồn lực thực hiện các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại dài hạn, hướng vào mặt hàng, thị trường trọng điểm; trước mắt, ưu tiên các sản phẩm được ưu đãi thuế quan. Hàng năm, tổ chức hội nghị tiếp đón các các nhà nhập khẩu của nước ngoài vào tỉnh để tham quan vùng nguyên liệu, tìm cơ hội giao thương; hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

7. Phát triển dịch vụ logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu thụ

7.1. Tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong thu hút đầu tư nói chung và hỗ trợ phát triển logistics nói riêng để khuyến khích đầu tư, khai thác, vận hành, quản lý đối với hoạt động logistics.

- Chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics với đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo quản, vận chuyển có điều kiện; hình thành trung tâm logistics tại khu vực thành phố, các kho dự trữ và bảo quản nông sản tập trung tại các huyện; hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, hướng đến xây dựng trung tâm phức hợp sơ chế, chế biến, đóng gói, lưu kho, phân phối, vận chuyển và các dịch vụ hậu cần phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; vận hành đầy đủ dịch vụ tại chợ đầu mối nông, lâm, thủy sản chất lượng cao.

- Phát triển hạ tầng giao thông gắn kết với hạ tầng dịch vụ logistics để tạo kết nối lưu thông, vận chuyển nông sản; chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn tại vùng sản xuất nông sản tập trung để hỗ trợ các hoạt động vận chuyển, tập kết nông sản thuận lợi. Phát triển và thực hiện kết nối hạ tầng cơ sở thông tin truyền thông của tỉnh với hạ tầng dịch vụ logistics.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 09/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.

7.2. Phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu thụ

Khuyến khích phát triển các dự án sản xuất vật tư, nguyên liệu phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh: vật tư nhà kính, nhà lưới, linh kiện điện tử phục vụ điều khiển từ xa... Tập trung kêu gọi đầu tư các dự án cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, phụ tùng công nghiệp sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp với công nghệ tự động nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đối với các loại sản phẩm nông sản.

8. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số: Tăng cường ứng dụng công nghệ số hóa trong quy trình canh tác, quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng số hóa và công nghệ thông tin trong thương mại điện tử, góp phần đa dạng hóa hình thức tiêu thụ, hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp.

9. Phát triển nguồn nhân lực

- Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề, cải thiện căn bản chất lượng nhân lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, văn hóa và tinh thần của nông dân nói chung và cư dân nông thôn nói riêng. Đào tạo lao động nông thôn có trình độ sơ cấp nghề, có chứng chỉ nghề để đủ điều kiện hợp đồng lao động với các doanh nghiệp nông nghiệp.

- Hướng nghiệp, đào tạo nghề cho người dân và doanh nghiệp, gắn với tạo việc làm, sinh kế bền vững, khắc phục tình trạng sinh kế tạm bợ, thiếu ổn định, dễ bị tổn thương của lao động, làm đứt gãy chuỗi liên kết, cung ứng của doanh nghiệp. Đảm bảo đội ngũ kỹ thuật viên trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có chứng chỉ hành nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và các thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học giỏi trong từng lĩnh vực, từng sản phẩm nông nghiệp có lợi thế; hướng tới xây dựng lực lượng các chủ thể sản xuất có tính chuyên nghiệp, hiện đại, kiến thức chuyên môn cao về hoạt động sản xuất ở từng ngành nghề, lĩnh vực, có tư duy, kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh.

10. Huy động nguồn vốn

Thu hút mọi nguồn vốn, gồm vốn đầu tư trong nước (ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, của nhân dân,...trong đó vốn ngân sách bố trí theo thực tế khả năng của tỉnh); vốn đầu tư nước ngoài (các dự án ODA, FDI, viện trợ không hoàn lại, các tổ chức phi chính phủ,...); cụ thể:

- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Ưu tiên đầu tư hạ tầng cho vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ như: hạ tầng thủy lợi, sản xuất giống, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng giao thông…

- Nguồn vốn xã hội hóa của các thành phần tư nhân và hộ gia đình: Đầu tư phát triển trang trại, khu sản xuất tập trung, sản xuất giống, sơ chế, chế biến sản phẩm; tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đối tác liên doanh; mua sắm, cải tạo, nâng cấp, thay thế mới các máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh, nhất là hàng hóa phục vụ xuất khẩu; huy động tối đa các nguồn vốn còn tiềm ẩn trong Nhân dân để đầu tư, kinh doanh.

- Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển: Tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia cho phát triển trang trại, các khu chăn nuôi tập trung, khu trồng trọt, sản xuất hàng hóa.

- Nguồn vốn FDI: Tiếp tục hoàn thiện và ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, trong khuôn khổ Luật Đầu tư đã được ban hành; rà soát lại các hạng mục thu hút đầu tư với những ngành nghề, sản phẩm đang có sức cạnh tranh trên thị trường, có lợi thế so sánh (các dự án chế biến rau, quả xuất khẩu và các sản phẩm chăn nuôi), phù hợp với nhu cầu của tỉnh, với các mức khuyến khích đầu tư hấp dẫn.

- Nguồn ODA: Tập trung cho lĩnh vực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và nâng cao mức sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái; trước mắt, ưu tiên cho các dự án về thủy lợi (hoàn chỉnh hệ thống tiêu úng, cung cấp nước), xử lý rác thải, chất thải khu chăn nuôi, bảo vệ môi trường, xây dựng trường đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp,...

11. Về cơ chế, chính sách: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính của tỉnh, của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026 theo Nghị quyết số 121/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp có liên quan đến chế biến sản phẩm nông nghiệp và hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh theo các quy định của Trung ương, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong từng thời kỳ.

(Chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo)

V. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại Đề án: Khoảng 2.555,5 tỷ đồng; trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Khoảng 53,775 tỷ đồng.

- Nguồn vốn khác (vốn doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, của Nhân dân, nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ,...): Khoảng 2.501,725 tỷ đồng.

2. Nguyên tắc sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Được lồng ghép thông qua các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án (Chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình mỗi xã một sản phẩm; chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(Chi tiết tại Phụ lục số 02, 03 kèm theo)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

a) Là cơ quan chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án; tổng hợp tình hình triển khai và kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, triển khai phương án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công nghệ chế biến, thị trường tiêu thị và xuất khẩu; phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp có quy mô và công nghệ phù hợp.

c) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, các cơ quan Trung ương, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề (hội chợ, triển lãm chuyên ngành nông nghiệp, kết nối cung cầu…), tìm kiếm thị trường, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là với các thị trường tiềm năng, trọng điểm; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

d) Ưu tiên tham mưu bố trí nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn kinh phí khác hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp đầu tư mở rộng, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ thiết bị.

đ) Rà soát, đề xuất với UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các chính sách có liên quan đến phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu và tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu sơ chế, chế biến và xuất khẩu; xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác và các chuỗi liên kết gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định, bền vững.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu chủ lực nhằm tăng năng lực xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của tỉnh.

b) Ưu tiên tham mưu bố trí vốn đầu tư công trung hạn đề đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu kinh tế, khu công nghiệp… nhằm tạo thuận lợi trong thu hút các dự án đầu tư và chế biến sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính: Hàng năm, căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch, đề án… được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối ngân sách, chủ trì thẩm định dự toán và bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình thực hiện Đề án do các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra sử dụng kinh phí theo quy định.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; xây dựng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và hỗ trợ thực hiện các dự án về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến chất lượng thông qua triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; giới thiệu, quảng bá và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, dịch vụ lợi thế, đặc trưng của địa phương được bảo hộ.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn UBND cấp huyện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất đã được UBND tỉnh phân bổ để phát triển vùng nguyên liệu, thu hút các nhà máy chế biến nông sản, trung tâm sau thu hoạch, cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, quảng bá thương hiệu và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh; tuyên truyền các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản của tỉnh, các hoạt động thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ kinh tế số và thương mại điện tử.

8. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển giao thông và đầu tư mạng lưới kết nối với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ logistics của tỉnh; phối hợp với UBND cấp huyện đầu tư xây dựng, phát triển giao thông nông thôn, gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung.

9. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

a) Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án chế biến nông nghiệp vào Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp; ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và có khả năng tham gia thị trường xuất khẩu.

b) Tham mưu cho UBND tỉnh phát triển dịch vụ logistics tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo từng giai đoạn.

c) Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, khảo sát thị trường trong nước…, giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường

10. Cục Hải quan Thanh Hóa: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng thủ tục khai báo hải quan điện tử theo hướng thuận tiện, đơn giản, thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; hỗ trợ các dịch vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

11. Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị liên quan

a) Tuyên truyền, phổ biến, tổ chức có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thông tin thị trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo về quảng bá, xúc tiến, kết nối, tiêu thụ nông sản; phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao khả năng sản xuất, khuyến khích, hỗ trợ phát triển các liên kết từ sản xuất đến chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ.

b) Kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã để tổng hợp, đề xuất cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ, tạo điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

c) Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức phi Chính phủ, các sàn thương mại điện tử uy tín và các hội, hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài để triển khai và tổ chức các chương trình hợp tác đầu tư, thương mại; mở rộng cơ hội hợp tác giao thương với các nước, đặc biệt các nước đang là thị trường tiềm năng.

12. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Hàng năm, cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và lồng ghép kinh phí từ các chương trình, đề án được hỗ trợ để tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn; định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

b) Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển nguồn nguyên liệu có lợi thế tại địa phương; tạo điều kiện hình thành các cơ sở sơ chế, bảo quản, trung tâm sau thu hoạch và các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp. Rà soát, đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tập trung phát triển cửa hàng phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn; đến năm 2030, mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 02 điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của địa phương.

c) Xác định khu vực các công trình chế biến sản phẩm nông nghiệp, các trung tâm sau thu hoạch, trung tâm logistics và đưa vào kế hoạch sử dụng đất để phục vụ công tác kêu gọi đầu tư. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải phát triển hạ tầng giao thông kết nối với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho dự án vận hành đồng bộ; phát triển giao thông nông thôn kết nối với khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Trưởng các cơ quan, đơn vị: Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, Cục Hải quan tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và Trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTCVA55799/60057/74381.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thi

PHỤ LỤC SỐ 01

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 67/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2024 của UBND tỉnh)

TT

Nội dung, nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì thực hiện/ chỉ đạo thực hiện

Đơn vị phối hợp

Tiến độ

Văn bản liên quan quy định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

1

Tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu

1.1

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan

Hàng năm

Quyết định số 3416/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh

1.2

Phát triển sản xuất đạt tiêu chuẩn, chứng nhận

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan

Hàng năm

Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh.

1.3

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan

Hàng năm

Kế hoạch số 260/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh

1.4

Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan

Hàng năm

Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 07/4/2020 của Chủ tịch UBND

2

Phát triển, mở rộng quy mô các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết

2.1

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể

Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan

Hàng năm

Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 13/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh và Quyết định 922/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh.

2.2

Phát triển các chuỗi liên kết kinh tế trang trại, gia trại

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan

Hàng năm

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

2.3

Phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh

Hàng năm

Quyết định số 5363/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh.

2.4

Đẩy mạnh hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm Nông nghiệp theo hình thức hợp tác giữa Doanh nghiệp và nông dân”

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan

Hàng năm

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

3

Phát triển công nghiệp chế biến

3.1

Tiếp tục hình thành các khu, cụm công nghiệp

BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN Sở Công Thương

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan

Hàng năm

Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 26/3/2023 của UBND tỉnh; Quyết định số 506/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh

3.2

Thu hút đầu tư, nâng cao năng lực chế biến

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan

Hàng năm

3.3

Tập trung lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan

Hàng năm

4

Phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan

Hàng năm

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ.

5

Phát triển thương hiệu

5.1

Đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Khoa học và công nghệ

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

Quyết định số 4408/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh

5.2

Quảng bá thương hiệu

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Công Thương

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

6

Phát triển thị trường tiêu thụ

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

Kế hoạch 148/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh

7

Phát triển dịch vụ logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu thụ

Sở Công Thương

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Giao thông vận tải

BQL KKT Nghi Sơn và các KCN Cục Hải quan

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 09/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh

8

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số

Sở Khoa học và Công nghệ;

Sở Thông tin truyền thông;

Sở Nông nghiệp và PTNT;

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 25/3/2022 của Chủ tịch UBND

9

Phát triển nguồn nhân lực

Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Sở Nông nghiệp và PTNT;

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

Kế số 53/KH-UBND ngày 03/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh

10

Huy động nguồn vốn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính;

Sở Nông nghiệp và PTNT;

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 26/3/2023 của UBND tỉnh;

11

Cơ chế, chính sách

Sở Nông nghiệp và PTNT;

Sở Công Thương

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 26/3/2023 của UBND tỉnh;

PHỤ LỤC SỐ 02

DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 67/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2024 của UBND tỉnh)

Stt

Tên dự án

Đơn vị chủ trì thực hiện/ xúc tiến thực hiện

Nguồn vốn dự kiến

Dự kiến kinh phí thực hiện
(tỷ đồng)

Thời gian thực hiện

Tổng cộng

2.555,5

1

Đầu tư HTKT khu nông nghiệp công nghệ cao

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Nông nghiệp và PTNT

BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh

Vốn khác

1.500

2025-203

2

Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ cây luồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu

Vốn khác

150

2024-2026

3

Đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến hoa quả, gắn với vùng nguyên liệu

Vốn khác

100

2024-2026

4

Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả gắn với vùng nguyên liệu

Vốn khác

50

2024-2026

5

Tổ hợp chế biến thịt gia súc

Vốn khác

250

2025-2030

6

Đầu tư xây dựng kho dự trữ nông sản phân phối

Vốn khác

200

2025-2030

7

Phát triển điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Ngân sách (5%)

Vốn khác

40,5

Hàng năm

8

Hỗ trợ xây dựng thí điểm kho trữ nông sản phân phối sản phẩm

Sở Nông nghiệp và PTNT

Ngân sách

2

2025-2030

9

Xây dựng, nhân rộng mô hình các chuỗi liên kết; kênh tiêu thụ

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Ngân sách

28

Hàng năm

10

Truy xuất nguồn gốc; phát triển thương hiệu

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Ngân sách (10%)

Vốn khác

100

Hàng năm

11

Xúc tiến thương mại (tổ chức hội chợ hàng năm; tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế; dữ liệu sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu…)

Sở Công Thương

Sở Nông nghiệp và PTNT

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh

Các hiệp hội doanh nghiệp, ngành ngành, HTX

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Ngân sách (5)%

Vốn khác

35

Hàng năm

12

Đào tạo nguồn nhân lực

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Ngân sách (10%);

Vốn khác

100

Hàng năm


PHỤ LỤC SỐ 03

PHÂN KỲ NHU CẦU DỰ KIẾN VỀ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH TỈNH TRIỂN KHAI MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG ĐIỂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số: 67/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2024 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Tên nhiệm vụ

Đơn vị thực hiện

Tổng kinh phí

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

NSĐP

Vốn khác

NSĐP

Vốn khác

NSĐP

Vốn khác

NSĐP

Vốn khác

NSĐP

Vốn khác

NSĐP

Vốn khác

NSĐP

Vốn khác

NSĐP

Vốn khác

Tổng cộng

53.775

251.725

-

27.025

-

37.450

15.025

37.450

10.900

37.450

9.650

37.450

9.650

37.450

8.850

37.450

1

Phát triển điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh

Sở Công Thương;

Sở Nông nghiệp và PTNT;

UBND các huyện, thị xã, TP

2.025

38.475

-

4.275

-

5.700

525

5.700

400

5.700

400

5.700

400

5.700

300

5.700

2

Hỗ trợ xây dựng thí điểm kho trữ nông sản phân phối sản phẩm

Sở Nông nghiệp và PTNT

2.000

-

-

-

-

-

2.000

-

-

-

-

-

-

-

-

-

3

Xây dựng, nhân rộng mô hình các chuỗi liên kết; kênh tiêu thụ

Sở Nông nghiệp và PTNT;

UBND các huyện, thị xã, TP

28.000

-

-

-

-

-

7.000

-

6.000

-

5.000

-

5.000

-

5.000

-

4

Truy xuất nguồn gốc; phát triển thương hiệu

Sở KHCN; Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã, TP

10.000

90.000

-

9.000

-

13.500

2.500

13.500

2.000

13.500

2.000

13.500

2.000

13.500

1.500

13.500

5

Xúc tiến thương mại (tổ chức hội chợ hàng năm; tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế…)

Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và PTNT;

Trung tâm Xúc tiến ĐTTM&DL; UBND các huyện, thị xã, TP Các HHDN, ngành hàng, HTX

1.750

33.250

-

4.750

-

4.750

500

4.750

500

4.750

250

4.750

250

4.750

250

4.750

6

Đào tạo nguồn nhân lực

Sở Lao động - TBXH; UBND các huyện, thị xã, TP

10.000

90.000

-

9.000

-

13.500

2.500

13.500

2.000

13.500

2.000

13.500

2.000

13.500

1.500

13.500

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 67/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu67/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành04/01/2024
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThương mại
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhậtTháng trước
(07/11/2024)
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 67/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 67/QĐ-UBND 2024 Kết nối sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 67/QĐ-UBND 2024 Kết nối sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu67/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Thanh Hóa
                Người kýNguyễn Văn Thi
                Ngày ban hành04/01/2024
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThương mại
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhậtTháng trước
                (07/11/2024)

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Quyết định 67/QĐ-UBND 2024 Kết nối sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa

                            Lịch sử hiệu lực Quyết định 67/QĐ-UBND 2024 Kết nối sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa

                            • 04/01/2024

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực