Nội dung toàn văn Quyết định 689/QĐ-TTg năm 2014 Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia 2014-2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 689/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 với những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung:
Xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu cụ thể của Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đến năm 2020 như sau:
a) Về kết cấu hạ tầng thương mại điện tử:
- Xây dựng được hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử, đặc biệt loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C);
- Thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt;
- Áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử;
- Các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu được sử dụng trong hầu hết các giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B).
b) Về môi trường ứng dụng thương mại điện tử:
- Mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng;
- Doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi các loại hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - chính phủ (B2G) trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.
c) Về nguồn nhân lực thương mại điện tử:
- 50.000 lượt doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử;
- 10.000 sinh viên được đào tạo về chuyên ngành thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp.
3. Phạm vi:
Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia (sau đây gọi tắt là Chương trình) gồm tổng hợp các đề án phát triển thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là Đề án) được phê duyệt hàng năm để thực hiện các hoạt động quy định tại Điều 7 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
II. ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Đơn vị chủ trì thực hiện:
a) Đơn vị chủ trì thực hiện các đề án thuộc Chương trình (sau đây gọi tắt là Đơn vị chủ trì) bao gồm:
- Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử Trung ương và địa phương;
- Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
b) Các Đơn vị chủ trì được tiếp nhận kinh phí để triển khai thực hiện các Đề án thuộc Chương trình và có trách nhiệm quyết toán kinh phí theo quy định.
2. Đối tượng thụ hưởng:
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
III. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử:
a) Xây dựng hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia;
b) Xây dựng giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử tích hợp;
c) Xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho thương mại điện tử;
d) Xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số cho thương mại điện tử;
đ) Xây dựng các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong thương mại điện tử;
e) Xây dựng hệ thống đảm bảo lòng tin cho hoạt động mua sắm trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến.
2. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử:
a) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử thông qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm, mạng xã hội và các hình thức khác;
b) Tổ chức các sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở thị trường trong nước;
c) Xây dựng và quảng bá chỉ số phát triển thương mại điện tử Việt Nam;
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện giải thưởng quốc gia về thương mại điện tử.
3. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử:
a) Đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong nước cho doanh nghiệp về thương mại điện tử theo địa phương và lĩnh vực kinh doanh;
b) Xây dựng hệ thống học liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập về thương mại điện tử;
c) Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo thương mại điện tử có nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đối tượng đào tạo.
4. Phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử:
a) Xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai ứng dụng thương mại điện tử;
b) Xây dựng và duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam;
c) Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước và thế giới;
d) Xây dựng các giải pháp để phát triển ứng dụng thương mại điện tử trên nền thiết bị di động và phát triển nội dung số cho thương mại điện tử;
đ) Triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của Việt Nam;
e) Xây dựng bộ giải pháp đáp ứng đơn hàng trực tuyến để các doanh nghiệp triển khai ứng dụng;
g) Phát triển các giải pháp xây dựng nội dung và tiếp thị trực tuyến dành cho doanh nghiệp;
h) Phát triển giải pháp bảo mật và an toàn thông tin cho các giao dịch điện tử;
i) Xây dựng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
5. Tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử:
a) Điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử;
b) Nghiên cứu thị trường có liên quan đến thương mại điện tử;
c) Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại điện tử theo địa phương và lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng xuất khẩu cao.
6. Hợp tác quốc tế về thương mại điện tử:
a) Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thương mại điện tử tại các tổ chức kinh tế, thương mại quốc tế;
b) Thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử qua biên giới và thương mại phi giấy tờ.
7. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử:
a) Tập huấn ngắn hạn trong nước và nước ngoài cho các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử;
b) Xuất bản tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo kinh nghiệm quản lý nhà nước về thương mại điện tử tại các quốc gia phát triển.
8. Các nội dung khác:
Các hoạt động phát triển thương mại điện tử khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí:
Kinh phí thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2014 - 2020 khoảng 450 tỷ đồng, bao gồm:
a) Ngân sách trung ương khoảng 350 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 210 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển 140 tỷ đồng;
b) Đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình khoảng 80 tỷ đồng;
c) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khoảng 20 tỷ đồng;
d) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc cấp và quản lý kinh phí cho Chương trình từ ngân sách nhà nước:
a) Kinh phí thực hiện Chương trình được giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương;
b) Hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng thông qua Đơn vị chủ trì;
c) Đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn kết hợp với phần ngân sách hỗ trợ để đảm bảo thực hiện các Đề án;
d) Hằng năm, căn cứ các nội dung hoạt động của Chương trình, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí của Chương trình, tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành;
c) Ban hành hoặc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình;
d) Tổng hợp, phê duyệt, thực hiện và theo dõi việc tổ chức thực hiện các đề án thuộc Chương trình;
đ) Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Chương trình.
2. Bộ Tài chính:
a) Bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung hoạt động của Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm để thực hiện các dự án đầu tư thuộc nội dung Chương trình;
b) Phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công Thương lồng ghép các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác với các đề án thuộc Chương trình này để triển khai thực hiện.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Tổ chức và huy động các nguồn vốn để thực hiện các đề án tại địa phương; bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Chương trình thuộc trách nhiệm của địa phương; thực hiện lồng ghép các nội dung hoạt động của Chương trình này với các chương trình, đề án khác trên địa bàn để huy động tối đa nguồn lực của địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình này;
b) Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Chương trình tại địa phương.
6. Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử các địa phương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án phát triển thương mại điện tử hàng năm theo các nội dung Chương trình quy định tại Điều 1 Quyết định này.
b) Phối hợp với Bộ Công Thương phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra giám sát các đối tượng thụ hưởng thực hiện Chương trình;
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |