Quyết định 71/2007/QĐ-UBND

Quyết định 71/2007/QĐ-UBND về Quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội

Nội dung toàn văn Quyết định 71/2007/QĐ-UBND phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm Hà Nội


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2007/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26.11.2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29.4.2004 và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15.3.2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 51 TTr/SNN-CN ngày 06.6.2007 về việc ban hành “Quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội” và đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 486/STP-VBPQ ngày 17.5.2007 về việc góp ý văn bản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các Quy định trước đây của UBND Thành phố trái với Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Thương mại, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông công chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Văn hóa Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Công nghiệp, Tư pháp, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc; Giám đốc Công an Thành phố, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Thành phố, Chi cục trưởng các Chi cục: Thú y Hà Nội, Quản lý thị trường Hà Nội, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ: (để báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để báo cáo);
- TT T/ủy, TT HĐND TP, CT UBND TP (để báo cáo);
- Các đ/c PCT UBND TP;
- VPUB: các PVP, các phòng CV, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn

 

QUY ĐỊNH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 22/6/2007 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

Quy định này điều chỉnh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động về chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1/. Gia súc: bao gồm trâu, bò, ngựa, dê, cừu, lợn, chó, mèo, các loài thú khác được con người thuần hóa, nuôi dưỡng.

2/. Gia cầm: bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, chim bồ câu, các loài chim khác được con người thuần hóa, nuôi dưỡng.

3/. Sản phẩm gia súc, sản phẩm gia cầm: bao gồm thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng, các sản phẩm khác có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm.

4/. Giám sát huyết thanh: lấy mẫu máu để làm các phản ứng kháng thể của các loại bệnh truyền nhiễm.

Điều 3. Quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm (sau đây gọi tắt là người chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm) có nhiệm vụ chấp hành Pháp lệnh Thú y, các quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quy định về chăn nuôi gia súc, gia cầm.

1/. Cấm chăn nuôi gia cầm tại các quận, các thị trấn, khu tập trung đông dân cư (trừ Vườn thú Hà Nội và các đơn vị nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học được cấp có thẩm quyền cho phép).

2/. Cấm chăn nuôi trâu, bò, lợn, ngựa, dê, cừu (trừ Vườn thú Hà Nội và các đơn vị nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học được cấp có thẩm quyền cho phép) tại các khu vực như sau:

a) Tại các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ thực hiện từ ngày 01.01.2008.

b) Tại các quận: Hoàng Mai, Long Biên, các thị trấn, các khu tập trung đông dân cư thực hiện từ ngày 01.01.2009.

3/. Người chăn nuôi gia súc, gia cầm phải cam kết và thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường, thực hiện đăng ký với Ủy ban Nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn khi đã đảm bảo các yêu cầu do cơ quan thú y xác nhận. Chuồng trại chăn nuôi phải được quét dọn, làm vệ sinh hàng ngày và phun hóa chất tiêu độc theo quy định của cơ quan thú y. Phải có địa điểm tập kết và xử lý chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi. Nghiêm cấm việc sử dụng hoặc phát tán chất thải chăn nuôi không đúng quy định.

4/. Gia súc, gia cầm khi nhập về nuôi phải thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm dịch động vật và phải báo cho cơ quan thú y tại địa phương để quản lý, theo dõi.

5/. Khi chăn nuôi người chăn nuôi phải thực hiện quy định tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

6/. Nghiêm cấm việc thả rông gia cầm bên ngoài khuôn viên nơi chăn nuôi. Riêng các loại chó, các loại chim ăn thịt, các loại thú hoang dã phải có dây xích, rọ mõm hoặc bịt mỏ khi đưa ra ngoài khuôn viên khu vực chăn nuôi.

7/. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh gia súc, gia cầm của cơ quan chức năng. Nếu phát hiện gia súc, gia cầm nghi bị dịch bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Trong trường hợp cơ quan thú y kết luận nghi ngờ dịch bệnh thì người chăn nuôi có trách nhiệm thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nghiêm cấm hành vi bán chạy gia súc, gia cầm ốm, chết, nghi bệnh hoặc che giấu thông tin dịch bệnh.

8/. Đối với các trường hợp không thực hiện đầy đủ các quy định về chăn nuôi, khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nếu phải tiêu hủy gia súc, gia cầm sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước; đồng thời còn bị phạt theo quy định tại Điều 11 của Quy định này và theo Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17.10.2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Điều 5. Quy định vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.

1/. Phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên, được cơ quan thú y kiểm tra và cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển.

2/. Gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trước khi vận chuyển phải được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm dịch và cấp giấy kiểm dịch vận chuyển và chỉ được vận chuyển đến đúng địa điểm cho phép. Sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi giết mổ, sơ chế phải đảm bảo vệ sinh, được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ trên da, có bao gói, có phương tiện chuyên chở đảm bảo vệ sinh thú y, được cấp giấy chứng nhận vận chuyển lô hàng. Khi gia súc, gia cầm nhập vào các cơ sở giết mổ phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch để cán bộ thú y có thẩm quyền kiểm tra và hướng dẫn thực hiện.

3/. Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra khỏi nơi có dịch theo quy định.

4/. Cấm vận chuyển gia cầm chưa qua giết mổ vào khu vực nội thành, nội thị.

Điều 6. Quy định về giết mổ gia súc, gia cầm.

1/. Cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các quận, các thị trấn, khu tập trung đông dân cư.

2/. Cấm giết mổ chim, thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

3/. Chỉ được giết mổ gia súc, gia cầm tại địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép và đảm bảo các điều kiện sau:

a) Đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y và môi trường, có đủ nước sạch dùng trong giết mổ, được vệ sinh tiêu độc theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

b) Có nơi thu gom chất thải rắn và bể xử lý chất thải lỏng, phải hợp đồng với Công ty môi trường đô thị để thu gom, vận chuyển để xử lý.

c) Có nơi nhốt gia súc, gia cầm riêng trước khi giết mổ.

4/. Gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát đối với gia súc, gia cầm nhập về, được kiểm tra, phúc kiểm khi qua các trạm kiểm dịch, chấp hành đầy đủ việc kiểm tra của cán bộ thú y.

b) Khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh, đảm bảo các điều kiện sau khi tiêm phòng vắc xin, sử dụng kháng sinh và các chế phẩm sinh học. Không giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Điều 7. Quy định về kinh doanh, bảo quản gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.

1/. Địa điểm kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, riêng biệt, cách xa các quầy thực phẩm, phải vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

2/. Người kinh doanh không mắc bệnh truyền nhiễm và phải định kỳ kiểm tra sức khỏe theo quy định.

3/. Thịt, phủ tạng của gia súc, gia cầm bày bán phải là sản phẩm an toàn đã được cán bộ thú y kiểm tra và được bày bán trên bàn thép không rỉ hoặc lát gạch men khô ráo, sạch sẽ, cao tối thiểu 80 cm, có dụng cụ bảo quản theo quy định. Chấp hành sự kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan thú y có thẩm quyền.

Điều 8. Quỹ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Quỹ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Thành phố gồm tiền, vật tư, hóa chất, vắc xin được sử dụng vào các mục đích phòng ngừa, dập tắt, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gia súc, gia cầm gây ra trên địa bàn Hà Nội.

Nguồn đóng góp cho quỹ bao gồm ngân sách của Thành phố, các khoản đóng góp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động về chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.

Điều 9. Xây dựng, quản lý vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Thành phố có chủ trương khuyến khích phát triển và tiêu thụ cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi đăng ký thực hiện việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật nhưng phải đáp ứng các quy định của Pháp lệnh Thú y.

Chương III

QUY ĐỊNH CHỐNG DỊCH

Điều 10. Quy định về các biện pháp khẩn cấp tại vùng có dịch.

Khi phát hiện có ổ dịch bệnh nguy hiểm theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cần tiến hành các thủ tục xác minh dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán và áp dụng các biện pháp khẩn cấp:

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật;

- Cấm người không có nhiệm vụ ra vào nơi có động vật mắc bệnh hoặc chết; hạn chế người ra, vào vùng có dịch.

- Cách ly động vật trong vùng có dịch.

- Cấm đưa vào hoặc mang ra khỏi vùng có dịch: các loại động vật, sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố và các loại thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, chất thải động vật có khả năng lây lan dịch bệnh.

- Cấm giết mổ, lưu thông, mua bán, trao đổi gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, sản phẩm gia cầm dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố.

- Tiêm phòng bắt buộc vắc-xin và các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho gia súc, gia cầm dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch.

- Thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại vùng có dịch bằng chất sát trùng thích hợp, đủ nồng độ, đúng kỹ thuật theo quy định.

Điều 11. Quy định về các biện pháp khẩn cấp tại vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

Đối với các vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp sau:

- Lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên những trục đường chính để kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, sản phẩm gia cầm ra, vào vùng bị dịch uy hiếp.

- Xác định loài gia súc, gia cầm dễ nhiễm bệnh dịch.

- Kiểm soát chặt chẽ việc đưa vào, mang ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp những gia súc, gia cầm dễ nhiễm với bệnh dịch đã công bố và sản phẩm của chúng.

- Tổ chức tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác theo quy định đối với từng bệnh.

- Tăng cường giám sát dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra, phát hiện ổ dịch mới phát sinh để kịp thời xử lý.

- Kiểm tra huyết thanh, bệnh phẩm để phát hiện sự lưu hành của bệnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Phân công trách nhiệm.

1/. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý:

a) Chủ trì thống nhất với các sở, ban, ngành liên quan lập quy hoạch và xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường phục vụ nhu cầu của người chăn nuôi và người tiêu dùng trên địa bàn.

b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

c) Cân đối ngân sách đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm như hỗ trợ tiêu hủy, công tiêm, công phun tiêu độc, kiểm dịch và một số nội dung khác khi được Thành phố giao theo quy định.

d) Phối hợp với các ngành chức năng của Thành phố giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

2/. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan: xây dựng, bổ sung trình UBND Thành phố ban hành các cơ chế chính sách về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

a) Hướng dẫn UBND các quận, huyện thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Lập kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố.

b) Là cơ quan thường trực theo dõi; tổng hợp tình hình thực hiện quy định của thành phố về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

c) Phối hợp với các cấp chính quyền và các sở, ngành liên quan: giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

d) Chỉ đạo Chi cục Thú y Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện để thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; lập dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao; chuẩn bị, cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin, vật tư, hóa chất cho công tác phòng chống dịch của Thành phố theo quy định.

3/. Sở Thương mại:

Chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng hệ thống kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Xây dựng, trình Thành phố ban hành quy định điều kiện về an toàn thực phẩm trong vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội. Chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Chi cục Thú y Hà Nội, UBND các cấp kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không đúng quy định. Cử cán bộ tham gia trực các chốt kiểm dịch theo quy định của Thành phố.

4/. Sở Y tế:

Kiểm tra các hoạt động kinh doanh, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ, nhà hàng, khách sạn, các điểm buôn bán đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

5/. Công an Thành phố:

Chỉ đạo cơ quan chức năng và các đơn vị chuyên môn phối hợp với Chi cục Thú y Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; phối hợp liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định của thành phố, cử cán bộ tham gia trục chốt đầy đủ theo yêu cầu.

6/. Sở Giao thông Công chính:

Bố trí phương tiện chuyên dụng đảm bảo việc vận chuyển, tiêu hủy gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm kịp thời theo quy định.

7/. Các sở: Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất phối hợp với UBND các quận, huyện trong việc quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh thú y và chống ô nhiễm môi trường.

8/. Sở Văn hóa Thông tin, Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế để thông tin, tuyên truyền kịp thời tình hình dịch bệnh, quy định và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để nhân dân nghiêm túc thực hiện.

9/. Các sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư đảm bảo đủ kinh phí đáp ứng cho yêu cầu phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 13. Khen thưởng và kỷ luật.

Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện tốt các nội dung của Quy định này sẽ được khen thưởng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 14. Xử lý vi phạm.

1/. Đối với các vi phạm quy định phòng, chống dịch sau đây bị xử phạt hành chính theo Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại:

a) Không tiêm phòng vắc xin, không tiêu hủy gia súc, gia cầm nghi có dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bệnh.

b) Không chấp hành việc lấy mẫu máu định kỳ để xét nghiệm dịch bệnh;

c) Không đảm bảo vệ sinh thú y trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm ô nhiễm môi trường;

d) Không thực hiện các biện pháp khử trùng tiêu độc chuồng trại;

e) Nuôi thả rông gia cầm;

g) Không chấp hành quy định về báo dịch khi tại cơ sở có gia súc, gia cầm mắc bệnh;

h) Không chấp hành các biện pháp xử lý vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh;

i) Vứt xác gia súc, gia cầm ốm chết làm lây lan dịch bệnh.

2/. Đối với các vi phạm quy định phòng, chống dịch sau đây bị xử phạt theo Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm:

a) Không có giấy kiểm dịch hợp lệ.

b) Lưu thông gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra hoặc vào khu vực đã công bố dịch bệnh gia súc, gia cầm.

c) Vi phạm về địa điểm kinh doanh, giết mổ, bảo quản gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.

d) Các hành vi vi phạm tại Điều 4 của bản Quy định này và cố ý không chấp hành biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

e) Phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, sản phẩm gia súc, gia cầm không bao gói, không có nhãn mác theo quy định.

3/. Các trường hợp bị xử lý hành chính về phòng, chống dịch nếu có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, trốn tránh việc chấp hành quyết định xử phạt hoặc có các hành vi vi phạm khác tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4/. Thẩm quyền xử vi phạm.

a) Đoàn kiểm tra của Thành phố, Tổ công tác thường trực và xử lý nhanh của Thành phố lập biên bản, tịch thu giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

b) UBND cấp huyện, quận ra quyết định xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả.

c) UBND cấp xã, phường, thị trấn ra quyết định xử phạt hành chính, tịch thu tiêu hủy.

d) Ban quản lý chợ, lò mổ tịch thu tiêu hủy, đề nghị cấp có thẩm quyền thu giấy phép kinh doanh.

e) Thanh tra Thú y: xử phạt vi phạm hành chính trong công tác Thú y.

g) Thanh tra Y tế xử phạt vi phạm hành chính trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

h) Cơ quan quản lý thị trường: xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

5/. Tổ chức tiêu hủy.

a) Khu vực các quận nội thành và các chốt kiểm dịch của liên ngành: Giao cho Sở Giao thông Công chính tổ chức tiêu hủy. Kinh phí tiêu hủy do ngân sách quận thanh toán theo định mức quy định.

b) Khu vực các huyện: UBND các huyện lập dự toán kinh phí phòng, chống dịch và chỉ đạo tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Các quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố đã ban hành trước đây nếu trái với nội dung Quy định này đều bị bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc và vấn đề phát sinh, các ngành, các cấp phải báo cáo kịp thời để Thành phố giải quyết./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 71/2007/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu71/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/06/2007
Ngày hiệu lực22/06/2007
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thương mại
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 71/2007/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 71/2007/QĐ-UBND phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm Hà Nội


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 71/2007/QĐ-UBND phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm Hà Nội
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu71/2007/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hà Nội
                Người kýLê Quý Đôn
                Ngày ban hành22/06/2007
                Ngày hiệu lực22/06/2007
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thương mại
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 71/2007/QĐ-UBND phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm Hà Nội

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 71/2007/QĐ-UBND phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm Hà Nội

                  • 22/06/2007

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 22/06/2007

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực