Nội dung toàn văn Quyết định 710/QĐ-UBND 2018 phòng chống tội phạm có tổ chức tội phạm xuyên quốc gia Cà Mau
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 710/QĐ-UBND | Cà Mau, ngày 02 tháng 05 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÒNG, CHỐNG CÁC LOẠI TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC, TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 4170/QĐ-BCA-C41 ngày 14/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Đề án “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia”;
Căn cứ Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 17/6/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 60/TTr-CAT-PV11 ngày 20/4/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÒNG, CHỐNG CÁC LOẠI TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC, TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Kèm theo Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 02/5/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 4170/QĐ-BCA-C41 ngày 14/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Đề án “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân trong phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia (sau đây gọi tắt là TPCTC).
- Từng bước kiềm chế, tiến tới làm giảm TPCTC, không để tội phạm hoạt động phức tạp, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
- Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống TPCTC; nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ; tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh với loại tội phạm này, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
2. Mục tiêu cụ thể
- Chủ động nắm tình hình, phát hiện, rà soát, lập hồ sơ các băng nhóm đang có biểu hiện hoạt động phạm tội; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, khám phá, vô hiệu hóa băng, nhóm tội phạm; kiên quyết không để hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm trên địa bàn tỉnh.
- Tập trung tấn công, trấn áp, vô hiệu hóa các băng nhóm tội phạm, phấn đấu giảm tỷ lệ phạm pháp hình sự từ 03% đến 05% so với giai đoạn trước khi triển khai Đề án.
- Nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá, triệt xóa, vô hiệu hóa các băng nhóm tội phạm so với giai đoạn trước khi triển khai Đề án; đảm bảo tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án do băng nhóm tội phạm gây ra đạt từ 80% trở lên, trọng án do băng nhóm tội phạm gây ra đạt trên 90%.
- Chủ động phối hợp và ngăn chặn từ xa sự xâm nhập của các băng nhóm TPCTC vào địa bàn tỉnh hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy, buôn bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, khủng bố, rửa tiền và các băng nhóm, tổ chức tội phạm quốc tế.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Xác định đối tượng, tuyến, địa bàn tập trung đấu tranh
- Đối tượng đấu tranh: Các băng nhóm tội phạm có tổ chức về hình sự, kinh tế, ma túy, công nghệ cao, môi trường...; đối tượng là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam ở nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước để thực hiện các hoạt động phạm tội.
- Tuyến giao thông phức tạp về ANTT: Tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 63, quản lộ Phụng Hiệp, hành lang ven biển phía Nam (Xuyên Á), các tuyến đường thủy nội địa, tuyến ven biển liên huyện, liên tỉnh.
- Địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT: Địa bàn các phường, xã Lý Văn Lâm, Tắc Vân, thành phố Cà Mau; thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển; thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân.
- Cơ sở ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT: Quán Bar, cơ sở cầm đồ, karaoke, massage...; các cơ sở kinh doanh có biểu hiện phức tạp về ANTT, tập trung nhiều đối tượng hình sự, ma túy.
2. Công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện
- Chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm; thực hiện công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống TPCTC từ cấp cơ sở.
- Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống TPCTC; thường xuyên trao đổi thông tin tội phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm để có biện pháp kịp thời, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
3. Công tác phòng ngừa tội phạm
3.1. Phòng ngừa xã hội
- Đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của Nhân dân về phòng, chống TPCTC; lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào thi đua của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện và thành phố.
- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nhân chứng, người bị hại trong quá trình phòng chống TPCTC, nhất là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án do băng, nhóm TPCTC gây ra, nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân chứng, người cung cấp thông tin về tội phạm, giúp họ an tâm khi cộng tác với cơ quan pháp luật.
- Đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình, các câu lạc bộ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng về an ninh, trật tự ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà trường; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình có hiệu quả cao, nghiên cứu xây dựng những mô hình mới phù hợp với tình hình đặc điểm từng địa bàn.
3.2. Phòng ngừa nghiệp vụ
- Tiến hành điều tra cơ bản, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động của TPCTC. Tập trung rà soát, phát hiện các băng nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật để lập kế hoạch, phân công, phân cấp quản lý và đấu tranh.
- Tiếp nhận, xác minh tin báo, tố giác về các băng nhóm TPCTC, kịp thời lập hồ sơ đưa đối tượng là thành viên trong các băng nhóm tội phạm vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc và cơ sở cai nghiện; quản lý chặt chẽ những đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã; chú trọng công tác bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã, trong đó tập trung vào số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, là thành viên trong các băng nhóm tội phạm.
- Nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính nhà nước về ANTT như: Quản lý cư trú; quản lý về xuất, nhập cảnh; thường xuyên kiểm tra khách sạn, nhà trọ, các ngành nghề kinh doanh đặc biệt... không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.
- Xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động tuần tra, kiểm soát kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ chủ động phòng ngừa tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực đông dân cư và các địa bàn giáp ranh.
- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: Quân đội, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra, Quản lý thị trường... đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa tội phạm để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; nghiên cứu, kịp thời phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn; phát huy vai trò của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an trong phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển.
- Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện cho họ hết hạn cải tạo trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng và không tiếp tục phạm tội, không tham gia vào các băng nhóm tội phạm, làm giảm tỷ lệ tái phạm.
- Thực hiện chính sách động viên, khuyến khích kịp thời để những người phạm tội tự nguyện cộng tác với Công an trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong trại tạm giam và ngoài xã hội, truy bắt các tên tội phạm còn chưa bị phát hiện, lẩn trốn hoặc cung cấp tin liên quan đến các băng nhóm tội phạm khác đang hoạt động.
4. Công tác tấn công trấn áp, đấu tranh, xử lý
- Xây dựng, triển khai các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh với các loại TPCTC nổi lên ở từng giai đoạn (các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp, liên quan đến "tín dụng đen"...). Thường xuyên rà soát xác định các địa bàn trọng điểm, lĩnh vực mà TPCTC thường lợi dụng hoạt động, tập trung lực lượng chuyển hóa địa bàn, kiềm chế và làm giảm tình hình tội phạm đến mức thấp nhất.
- Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp TPCTC trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là các tuyến, địa bàn trọng điểm. Lập chuyên án đấu tranh triệt phá TPCTC, không để hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
- Tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh các vụ trọng án do băng nhóm tội phạm gây ra; nghiêm trị những tên cầm đầu, chỉ huy, tích cực thực hiện tội phạm; xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất trong cơ quan bảo vệ pháp luật có hành vi bao che, nâng đỡ, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động.
- Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời những vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm.
5. Công tác hợp tác quốc tế: Tổ chức thực hiện tốt các Điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia liên quan đến phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.
6. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia
- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất bố trí lực lượng chuyên trách phòng, chống TPCTC.
- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống TPCTC; bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, pháp luật, tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật mới trong điều tra các vụ án liên quan TPCTC cho đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.
- Nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào công tác phòng, chống tội phạm. Từng bước nâng cấp, trang bị cho lực lượng Công an các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại để phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí triển khai thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong kinh phí của Dự án hỗ trợ phòng, chống các loại TPCTC thuộc Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy của Bộ Công an; nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
IV. CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Cơ quan quản lý: Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Công an tỉnh Cà Mau.
- Cơ quan phối hợp:
+ Cấp tỉnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Ngoại vụ, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và các đơn vị liên quan thuộc Công an tỉnh.
+ Cấp huyện: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau.
- Thành lập Ban Chủ nhiệm thực hiện Đề án “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” trên địa bàn tỉnh Cà Mau, do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra làm Trưởng ban; đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát hình sự làm Phó Trưởng ban; thành viên tham gia là đại diện cấp phòng của các sở, ban, ngành có liên quan và một số đơn vị trực thuộc Công an tỉnh.
- Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh là Cơ quan Thường trực Ban Chủ nhiệm thực hiện Đề án “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có trách nhiệm giúp Ban Chủ nhiệm triển khai, theo dõi, tổng hợp, chuẩn bị nội dung và tổ chức các cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau thực hiện kế hoạch này.
- Các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện hoặc phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch.
V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an tỉnh: Là Cơ quan Thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện Đề án.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng, chống TPCTC ở khu vực biển theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
3. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Chỉ đạo lực lượng phối hợp thu thập, đánh giá chứng cứ, thống nhất quan điểm, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ án liên quan đến TPCTC; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp TPCTC; thực hiện công tác tương trợ tư pháp trong giải quyết các vụ án liên quan tội phạm xuyên quốc gia.
4. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh: Chỉ đạo lực lượng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử các vụ án TPCTC; đảm bảo xử lý nghiêm minh, triệt để, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các băng, nhóm TPCTC; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án TPCTC để kịp thời đáp ứng tình hình chính trị của địa phương; thông qua công tác xét xử phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội, những bất cập, những vấn đề chưa hoàn thiện của các văn bản pháp luật nhằm kiến nghị bổ sung, chỉnh lý.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan: Tuyên truyền vận động nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tham gia phòng, chống tội phạm nói chung, TPCTC nói riêng; phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.
6. Sở Ngoại vụ: Nâng cao tính hiệu quả của hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống TPCTC; phối hợp với các cơ quan chức năng các nước, các tổ chức quốc tế nhằm nắm tình hình có liên quan đến TPCTC có liên quan đến Việt Nam.
7. Các sở, ban, ngành có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 138 tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được phân công chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Đề án; cân đối ngân sách để hỗ trợ và huy động các nguồn lực khác để thực hiện Đề án.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện Đề án được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 và được chia thành 02 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 (năm 2018): Thành lập Ban Chủ nhiệm Đề án và triển khai hoạt động theo các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra. Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Đề án; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm giai đoạn 1 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án.
- Giai đoạn 2 (2019 - 2020): Hoàn thiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả của Đề án và đề xuất giai đoạn tiếp theo.
2. Căn cứ nội dung Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được phân công, đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc.
Định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Đề án theo quý, 01 năm và sơ kết, tổng kết cuối mỗi giai đoạn gửi về Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (qua Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.
3. Giao Công an tỉnh là Cơ quan Thường trực, chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này; tham mưu đánh giá, sơ kết, tổng kết và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo Bộ Công an theo quy định./.