Nội dung toàn văn Quyết định 718/QĐ-TCDT Quy chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 718/QĐ-TCDT | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO TRONG QUY HOẠCH CÁC ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC
Căn cứ Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết số 94 - NQ/BCSĐ ngày 02/6/2011 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo trong quy hoạch;
Căn cứ Quyết định số 2981/QĐ-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo trong quy hoạch các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY CHẾ
LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO TRONG QUY HOẠCH CÁC ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 718/QĐ-TCDT ngày 26/10/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước)
Mục I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Mục đích yêu cầu:
a. Mục đích
Luân chuyển cán bộ nhằm:
- Đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện thử thách cán bộ; tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo trong quy hoạch được học tập, bổ sung thêm kiến thức, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, quản lý; tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho ngành.
- Tạo điều kiện tăng cường cán bộ cho một số đơn vị, nhất là những đơn vị có điều kiện làm việc khó khăn, phức tạp;
- Xóa bỏ quan điểm, thói quen ngại rèn luyện, ngại phấn đấu; tạo sự đột phá trong công tác cán bộ.
b. Yêu cầu:
Công tác luân chuyển cán bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phải căn cứ vào chức danh cán bộ lãnh đạo được quy hoạch và kết quả đánh giá cán bộ lãnh đạo trong quy hoạch; bảo đảm giúp cán bộ có điều kiện phát huy năng lực, sở trường, từng bước hoàn thiện trong quá trình thực hiện luân chuyển.
- Làm tốt công tác tư tưởng; thực hiện dân chủ, công khai, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, cấp ủy; bảo đảm không gây nên những xáo trộn lớn; chú trọng sự ổn định và đoàn kết trong đơn vị.
- Nghiêm cấm lợi dụng công tác luân chuyển cán bộ để bè phái, trù dập cá nhân hoặc nhằm mục đích vụ lợi.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
a. Đối tượng: áp dụng cho cán bộ lãnh đạo của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã được quy hoạch ở vị trí lãnh đạo cao hơn, có triển vọng phát triển.
b. Độ tuổi: Nói chung cán bộ thuộc diện luân chuyển phải có độ tuổi dưới 45, đối với nam có thể cao hơn nhưng không quá 50 tuổi.
3. Cán bộ luân chuyển không tính vào định biên cán bộ lãnh đạo (cấp phó) của đơn vị nơi cán bộ luân chuyển đến.
4. Thời gian thực hiện luân chuyển: Từ 03 đến 05 năm; trường hợp đặc biệt có thể ngắn hơn nhưng phải xác định rõ ngay trong kế hoạch và quyết định luân chuyển.
5. Thẩm quyền quyết định luân chuyển cán bộ
- Cấp nào quyết định bổ nhiệm cán bộ thì cấp đó quyết định việc luân chuyển cán bộ.
- Đối với trường hợp cán bộ do cấp dưới bổ nhiệm nhưng đã được quy hoạch chức danh lãnh đạo do cấp trên quản lý thì trước khi luân chuyển phải báo cáo xin chủ trương của cấp phê duyệt và quản lý quy hoạch.
Mục II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. Phạm vi luân chuyển
1. Phạm vi luân chuyển chung
- Luân chuyển giữa các Vụ, các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục; từ các Vụ, các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục về các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực (DTNN KV) trực thuộc Tổng cục và ngược lại.
- Luân chuyển giữa các Cục DTNN KV;
- Luân chuyển giữa các phòng thuộc Cục DTNN KV; luân chuyển giữa các phòng thuộc Cục DTNN KV với các Chi cục DTNN trực thuộc và ngược lại.
2. Một số trường hợp luân chuyển cụ thể
a) Đối với cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo Tổng cục
Trường hợp cán bộ quy hoạch đang là cán bộ lãnh đạo Vụ (và các chức danh tương đương) thuộc cơ quan Tổng cục, nếu trong quá trình công tác chưa có thời gian đảm nhiệm chức danh lãnh đạo ở đơn vị cơ sở thì xem xét, luân chuyển về giữ chức danh lãnh đạo Cục DTNN KV trực thuộc. Ngược lại, trường hợp cán bộ quy hoạch đang là cán bộ lãnh đạo Cục DTNN KV mà quá trình công tác chưa có thời gian làm công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực Dự trữ Nhà nước thì xem xét thực hiện luân chuyển về giữ chức vụ lãnh đạo Vụ chuyên môn thuộc cơ quan Tổng cục.
Việc luân chuyển ngang giữa các Vụ, Cục trong cơ quan Tổng cục chủ yếu áp dụng đối với các trường hợp cán bộ lãnh đạo đã có kinh nghiệm thực tiễn cần phải nâng cao khả năng bao quát công việc.
b) Đối với cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo Vụ (và chức danh tương đương) thuộc cơ quan Tổng cục
Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo quy hoạch chức danh lãnh đạo Vụ thuộc cơ quan Tổng cục tùy thuộc vào từng lĩnh vực chuyên môn; chủ yếu áp dụng đối với các lĩnh vực chuyên môn được tổ chức theo hệ thống các cấp quản lý hoặc yêu cầu vị trí quy hoạch cần phải có đủ kiến thức thực tiễn cơ sở như: chính sách và pháp chế, kế hoạch, quản lý hàng dự trữ, khoa học và công nghệ bảo quản. Phạm vi luân chuyển cụ thể như sau:
- Đối với cán bộ lãnh đạo quy hoạch chức danh Vụ trưởng mà quá trình công tác chưa có thời gian đảm nhận chức danh quản lý tại đơn vị cơ sở thì xem xét luân chuyển giữ chức Phó Cục trưởng Cục DTNN KV.
- Đối với cán bộ lãnh đạo quy hoạch chức danh Phó Vụ trưởng, hiện đang giữ chức vụ quản lý cấp phòng thuộc Vụ và tương đương (thuộc cơ quan Tổng cục), quá trình công tác chưa có thời gian làm việc thực tế tại đơn vị cơ sở thì xem xét luân chuyển về giữ chức vụ cấp phòng thuộc lĩnh vực chuyên môn chức danh quy hoạch của các Cục DTNN KV.
- Trường hợp cán bộ quy hoạch đang là cán bộ quản lý phòng chuyên môn nghiệp vụ của Cục DTNN KV trực thuộc Tổng cục thì cũng được xem xét thực hiện luân chuyển về làm công tác quản lý tại phòng thuộc Vụ thuộc cơ quan Tổng cục, theo chức danh được quy hoạch.
c) Đối với cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo Cục DTNN KV
- Trường hợp cán bộ quy hoạch đang là cán bộ quản lý các phòng chuyên môn, quá trình công tác chưa đảm nhận chức danh lãnh đạo Chi cục DTNN thì xem xét, luân chuyển về giữ chức vụ lãnh đạo Chi cục DTNN trực thuộc đơn vị hoặc của một đơn vị khác trong Tổng cục.
- Trường hợp cán bộ quy hoạch đang là cán bộ lãnh đạo Chi cục DTNN mà quá trình công tác chưa đảm nhận chức danh quản lý chuyên môn nghiệp vụ thì xem xét thực hiện luân chuyển về làm công tác quản lý phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc đơn vị hoặc của một đơn vị khác trong Tổng cục.
- Việc luân chuyển giữa các phòng nghiệp vụ thuộc Cục chủ yếu thực hiện đối với trường hợp đã có kinh nghiệm lãnh đạo cấp cơ sở, cần nâng cao năng lực bao quát công việc.
d) Đối với cán bộ quy hoạch chức danh cấp phòng thuộc Cục DTNN KV
Việc luân chuyển cán bộ quy hoạch cấp phòng tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên môn; chủ yếu áp dụng đối với các lĩnh vực quản lý hàng, kĩ thuật bảo quản và tài chính kế toán. Phạm vi luân chuyển cụ thể như sau:
- Trường hợp cán bộ quy hoạch đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý phòng nghiệp vụ, quá trình công tác chưa đảm nhận chức danh lãnh đạo đơn vị cơ sở thì luân chuyển giữ chức vụ lãnh đạo Chi cục DTNN;
- Trường hợp cán bộ quy hoạch đang là cán bộ lãnh đạo Chi cục DTNN, quá trình công tác chưa đảm nhận chức danh quản lý chuyên môn nghiệp vụ thì xem xét thực hiện luân chuyển làm công tác lãnh đạo phòng nghiệp vụ theo lĩnh vực chuyên môn thuộc chức danh quy hoạch.
3. Bố trí cán bộ sau luân chuyển.
Việc bố trí cán bộ sau luân chuyển căn cứ vào kết quả rèn luyện, phấn đấu của cán bộ trong thời gian luân chuyển, nhu cầu cán bộ của Tổng cục, của đơn vị; theo đó, cán bộ sau khi luân chuyển có thể được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn hoặc chức vụ tương đương với chức vụ trước khi luân chuyển.
II. Quy trình thực hiện luân chuyển cán bộ
1. Xây dựng kế hoạch luân chuyển
Hàng năm, sau khi thực hiện xong công tác đánh giá cán bộ công chức, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp; căn cứ quy hoạch cán bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kết quả đánh giá cán bộ thuộc diện quy hoạch, đơn vị xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo. Kế hoạch luân chuyển phải bảo đảm các yêu cầu về nội dung sau:
a) Xác định đối tượng luân chuyển
Trên cơ sở yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh quy hoạch để đánh giá chính xác năng lực, sở trường và những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần bồi dưỡng, rèn luyện, tích lũy đối với mỗi trường hợp cán bộ quy hoạch; từ đó xác định đối tượng cán bộ luân chuyển.
b) Xác định đơn vị nơi cán bộ luân chuyển đến
Căn cứ mục tiêu, định hướng cần phải đào tạo, bồi dưỡng của từng trường hợp để lựa chọn đơn vị tiếp nhận cán bộ luân chuyển; bảo đảm phù hợp với mục tiêu của công tác luân chuyển. Đối với cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo chuyên môn theo lĩnh vực, do mục tiêu đào tạo bồi dưỡng là trở thành cán bộ lãnh đạo chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn nên việc luân chuyển chú trọng theo lĩnh vực chuyên môn dự kiến quy hoạch (luân chuyển dọc là chính); đối với cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo (Tổng cục, Cục) mục tiêu đào tạo bồi dưỡng chủ yếu là kỹ năng lãnh đạo, điều hành, tính bao quát và khả năng tổ chức công việc, do đó việc luân chuyển chú trọng cả luân chuyển dọc và luân chuyển ngang trong hệ thống tổ chức.
- Những trường hợp cán bộ lãnh đạo đang làm công tác quản lý chuyên môn, nghiệp vụ khi luân chuyển về làm công tác lãnh đạo đơn vị cấp Cục (hoặc Chi cục); do yêu cầu nhiệm vụ có sự thay đổi cơ bản nên thời gian đầu thường lúng túng. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch phải nghiên cứu kỹ nơi đến và thông báo cho đơn vị nơi cán bộ luân chuyển đến biết yêu cầu, nhiệm vụ đối với cán bộ luân chuyển: đề nghị đơn vị quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.
c) Xác định thời gian cần thiết phải thực hiện luân chuyển cho từng trường hợp: Việc xác định thời gian luân chuyển cần căn cứ vào quy định chung và phương án bố trí cán bộ sau luân chuyển để định thời gian cho phù hợp.
d) Dự kiến phương án bố trí cán bộ sau luân chuyển.
2. Phê duyệt kế hoạch luân chuyển
a) Cơ quan Tổ chức cán bộ chủ trì giúp Thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ trình tập thể lãnh đạo đơn vị phê chuẩn; sau đó xin ý kiến Ban Thường vụ hoặc Ban chấp hành Đảng bộ (đối với đơn vị không có Ban Thường vụ).
Kế hoạch luân chuyển cán bộ phải được đa số thành viên của tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị thống nhất.
b) Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch luân chuyển
- Tổng cục trưởng phê duyệt:
+ Kế hoạch luân chuyển đối với chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng cục trưởng;
+ Cho ý kiến về chủ trương luân chuyển đối với các chức danh phân cấp cho Cục trưởng Cục DTNN KV bổ nhiệm nhưng thuộc đối tượng quy hoạch do Tổng cục quản lý;
+ Phê duyệt kế hoạch luân chuyển đối với các chức danh không do Tổng cục quản lý nhưng từ Cục này sang Cục khác.
- Cục trưởng Cục DTNN KV:
Phê duyệt kế hoạch luân chuyển đối với các chức danh được phân cấp quản lý theo quy định.
3. Tổ chức thực hiện kế hoạch luân chuyển
a) Căn cứ kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo được phê duyệt, lãnh đạo đơn vị hoặc cơ quan tổ chức cán bộ của đơn vị làm việc với cán bộ được luân chuyển, thủ trưởng đơn vị nơi đi và nơi đến để thống nhất việc triển khai kế hoạch luân chuyển; chú ý nghe đề xuất của cán bộ luân chuyển, của lãnh đạo các đơn vị có liên quan để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thông suốt về tư tưởng, yên tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
b) Căn cứ kết quả các bước trên, cơ quan tổ chức cán bộ trình Thủ trưởng đơn vị ban hành quyết định luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền.
c) Đơn vị tiếp nhận cán bộ luân chuyển có trách nhiệm phân công nhiệm vụ theo quy định, tạo điều kiện để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao; thực hiện đánh giá nhận xét, báo cáo cơ quan quản lý cán bộ công chức theo quy định.
III. Nhận xét, đánh giá đối với cán bộ lãnh đạo luân chuyển
1. Nhận xét đánh giá hàng năm
- Việc nhận xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển hàng năm được thực hiện như đối với công chức đang công tác tại đơn vị (nơi cán bộ luân chuyển đến). Nội dung đánh giá, phân loại thực hiện theo quy định của Nhà nước, Bộ Tài chính và của Tổng cục DTNN.
- Bản nhận xét đánh giá hàng năm được lưu tại đơn vị (nơi cán bộ luân chuyển đến) 01 bản, hồ sơ cá nhân 01 bản và 01 bản gửi cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển cán bộ để theo dõi, quản lý.
2. Nhận xét, đánh giá khi hết thời hạn luân chuyển
- Cán bộ luân chuyển tự viết bản kiểm điểm về quá trình công tác trong thời gian luân chuyển
- Tập thể lãnh đạo và cấp ủy đơn vị nơi cán bộ công tác trong thời gian luân chuyển có ý kiến nhận xét, đánh giá
- Cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển nhận xét, đánh giá và kết luận về kết quả luân chuyển
IV. Chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển
1. Được hưởng các chế độ, quyền lợi như cán bộ, công chức của đơn vị nơi luân chuyển đến.
2. Được hưởng các chế độ theo quy định chung của Nhà nước đối với cán bộ luân chuyển.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Luân chuyển cán bộ là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, là điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo điều hành của cán bộ, được coi là khâu đột phá trong công tác cán bộ; theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, yêu cầu Thủ trưởng đơn vị phối hợp với cấp ủy tiếp tục quán triệt chủ trương này tới cán bộ chủ chốt của đơn vị và đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện.
2. Căn cứ các nội dung hướng dẫn trên, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ đối với các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Cục trưởng và đề nghị phương án luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ và Tổng cục, báo cáo Tổng cục trước ngày 31/3 hàng năm.
3. Vụ TCCB có trách nhiệm
- Xây dựng phương án luân chuyển cán bộ lãnh đạo của cơ quan Tổng cục và phương án luân chuyển cán bộ chung của Tổng cục trình lãnh đạo Tổng cục phê duyệt và báo cáo Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài chính theo quy định.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác luân chuyển cán bộ của các đơn vị trực thuộc Tổng cục; việc tổng hợp báo cáo; trình Tổng cục các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác luân chuyển cán bộ./.