Quyết định 72/2001/QĐ-BTCCBCP

Quyết định 72/2001/QĐ-BTCCBCP phê duyệt bản Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 72/2001/QĐ-BTCCBCP phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam


BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ
CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2001/QĐ-BTCCBCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) CỦA LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;

Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/03/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cho phép thành lập Hội;

Xét đề nghị của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đã được Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (khóa IV) thông qua ngày 29 tháng 9 năm 2001.

Điều 2. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Lưu VT, TCPCP.

KT. BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
PHÓ TRƯỞNG BAN




Thang Văn Phúc

 

ĐIỀU LỆ

LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM KHÓA IV

Chương 1.

TÊN GỌI, TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ

Điều 1. Tên gọi: “Liên đoàn Bóng đá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, gọi tắt là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN).

Tên giao dịch quốc tế là Vietnam Football Federation (VFF).

Điều 2. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và là thành viên của phong trào Olimpic Việt Nam, hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chịu sự quản lý nhà nước về Thể dục Thể thao của Ủy ban thể dục thể thao.

Điều 3. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp các Liên đoàn Bóng đá địa phương, các câu lạc bộ bóng đá ngoại hạng, hạng nhất, hạng nhì, bóng đá nữ toàn quốc và các tổ chức thành viên khác tiến hành các hoạt động bóng đá nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, thể lực cho quần chúng, tham gia phát triển thành tích bóng đá trong nước, nâng cao vị thế của bóng đá Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Điều 4. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có tư cách pháp nhân, có biểu tượng, cơ quan ngôn luận, con dấu và tài khoản riêng tại ngân hàng.

Trụ sở của Liên đoàn đặt tại Thủ đô Hà Nội.

Điều 5. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có những nhiệm vụ:

1. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội để:

a) Tập hợp các thành viên, hội viên tham gia phát triển phong trào bóng đá Việt Nam, đặc biệt trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nhằm góp phần nâng cao thể chất cho nhân dân, tạo môi trường phát hiện và bồi dưỡng ban đầu tài năng bóng đá.

b) Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng bóng đá các lứa tuổi các hạng, từ nhi đồng, thiếu niên đến đội tuyển quốc gia theo hướng chuyển dần bóng đá thành tích cao sang cơ chế chuyên nghiệp.

c) Xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài và lập kế hoạch sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ này.

d) Xây dựng nền bóng đá Việt Nam phát triển lành mạnh; ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực;

2. Khuyến khích, giúp đỡ và hướng dẫn phát triển các tổ chức bóng đá ở các địa phương, ngành. Phối hợp tổ chức các hoạt động, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với các tổ chức thành viên của Liên đoàn.

3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia phù hợp với hệ thống thi đấu khu vực và thế giới, gồm giải Vô địch quốc gia, Cúp quốc gia, Hạng nhất, Hạng nhì, giải các lứa tuổi, giải bóng đá nữ và các giải khác. Hướng dẫn thi đấu bóng đá quần chúng ở cơ sở.

Tổ chức, điều hành và quản lý các giải bóng đá quốc gia và các giải bóng đá quốc tế tại Việt Nam.

4. Xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác quốc tế về bóng đá sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động bóng đá. Có kế hoạch thu hút các nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước; tổ chức các hoạt động kinh tế theo đúng quy định của pháp luật để tạo nguồn kinh phí cho bóng đá, cho hoạt động của Liên đoàn.

6. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức thành viên và hội viên trong Liên đoàn.

7. Kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Thể dục Thể thao, với các cơ quan Nhà nước về việc:

a) Tuyển chọn cầu thủ tham gia các đội dự tuyển, đội tuyển quốc gia. Cử cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, đội tuyển đi học tập, công tác, tập huấn, thi đấu ở nước ngoài.

b) Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho luyện tập và thi đấu bóng đá. Hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho Liên đoàn hoạt động.

c) Phong cấp, giáng cấp, khen thưởng, kỷ luật đối với cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài bóng đá.

d) Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về phát triển bóng đá.

Chương 2.

TỔ CHỨC THÀNH VIÊN

Điều 6. Liên đoàn Bóng đá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các câu lạc bộ bóng đá ngoại hạng, hạng nhất, hạng nhì, bóng đá nữ và các tổ chức thành viên thừa nhận và chấp hành Điều lệ của Liên đoàn, đóng niêm liễm hàng năm và tham gia hoạt động theo chương trình của Liên đoàn đều được công nhận là tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Điều 7. Người có nhiều thành tích, công lao đóng góp cho bóng đá Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, có thể được công nhận là hội viên danh dự của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Điều 8. Thể thức gia nhập Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bao gồm:

1. Đơn xin gia nhập Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (theo mẫu)

2. Nộp lệ phí theo quy định.

Việc công nhận thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được thực hiện theo Hướng dẫn của Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Việc công nhận một tổ chức thành viên do Ban chấp hành Liên đoàn xem xét, quyết định.

Điều 9. Nghĩa vụ của tổ chức thành viên:

1. Nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ, Nghị quyết và các quy định của Liên đoàn.

2. Tích cực tham gia các hoạt động của Liên đoàn. Đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển và nâng cao trình độ bóng đá Việt Nam.

3. Đóng niên liễm theo quy định.

Điều 10. Quyền lợi của tổ chức thành viên:

1. Có quyền giới thiệu đại diện để bầu cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

2. Đề xuất, thảo luận về các chủ trương, kế hoạch hoạt động của Liên đoàn.

3. Giám sát hoạt động của Ban chấp hành và các thành viên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

4. Được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, rèn luyện và thi đấu bóng đá; được ưu tiên sử dụng các cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi có nhu cầu phù hợp. Được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc.

5. Được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bảo vệ quyền lợi chính đáng có liên quan về bóng đá trước pháp luật và công luận.

Điều 11. Những bất đồng, tranh chấp giữa các tổ chức thành viên thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Liên đoàn sẽ được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phân xử và quyết định.

Điều 12. Ra khỏi Liên đoàn và Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:

1. Muốn ra khỏi Liên đoàn, tổ chức thành viên phải có đơn gửi cho Ban chấp hành Liên đoàn. Ban chấp hành Liên đoàn sẽ xem xét, quyết định.

2. Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn xin ra khỏi Liên đoàn phải có đơn và phải đưa ra Ban chấp hành xem xét quyết định; trước khi ra khỏi Liên đoàn phải bàn giao công việc, cơ sở vật chất, tài chính mà mình phụ trách cho tổ chức, cá nhân được Ban chấp hành Liên đoàn ủy nhiệm.

3. Những ủy viên Ban chấp hành không sinh hoạt 2 kỳ họp liên tục không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong danh sách Ban chấp hành.

Chương 3.

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 13. Nguyên tắc hoạt động:

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, thống nhất hành động quyết định theo đa số, tự quản trong khuôn khổ của Pháp luật và Điều lệ.

Điều 14. Tổ chức của Liên đoàn:

1. Ở Trung ương: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

2. Các tổ chức thành viên: Các Liên đoàn Bóng đá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các câu lạc bộ bóng đá ngoại hạng, hạng nhất, hạng nhì, bóng đá nữ tham gia các giải bóng đá thuộc hệ thống thi đấu quốc gia và các tổ chức thành viên khác.

Việc thành lập tổ chức thành viên theo quy định của Pháp luật.

Điều 15. Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:

1. Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Liên đoàn. Đại hội tổ chức 4 năm một lần. Trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành Đại hội giữa nhiệm kỳ.

2. Nhiệm vụ chính của Đại hội:

a) Kiểm điểm công tác trong nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng hoạt động, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

b) Thảo luận, đóng góp ý kiến vào báo cáo kiểm điểm của BCH Liên đoàn.

c) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ (nếu có).

d) Thông qua quyết toán tài chính nhiệm kỳ trước và kế hoạch tài chính nhiệm kỳ mới.

e) Quyết định số lượng Ban chấp hành và bầu Ban chấp hành mới.

g) Thông qua Nghị quyết của Đại hội.

3. Đại hội bất thường: trường hợp có ít nhất 2/3 ủy viên BCH hoặc 2/3 các tổ chức thành viên yêu cầu thì BCH Liên đoàn sẽ triệu tập đại hội bất thường.

Điều 16. Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:

1. Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam do Đại hội bầu ra là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn giữa 2 kỳ Đại hội. Số lượng Ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định.

2. Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mỗi năm họp 2 lần và có thể họp bất thường khi cần.

3. Nhiệm vụ của Ban chấp hành:

a) Thông qua quy chế hoạt động, quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho từng chức danh: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký, Trưởng ban kiểm tra và các Trưởng ban chức năng khác.

b) Bầu Ban thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên.

c) Xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết Đại hội.

d) Quyết định kế hoạch tài chính của Liên đoàn.

e) Chỉ đạo các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế tại Việt Nam.

g) Chỉ đạo các hoạt động về đào tạo, huấn luyện, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoạt động của các đội tuyển quốc gia.

h) Chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện hợp tác quốc tế về bóng đá.

i) Tìm kiếm các giải pháp thu hút nguồn tài trợ trong, ngoài nước, tổ chức hoạt động tạo nguồn kinh phí.

k) Hỗ trợ phát triển bóng đá phong trào và xây dựng hệ thống thi đấu bóng đá cơ sở.

l) Quyết định về khen thưởng và kỷ luật đối với tổ chức thành viên và hội viên.

m) Định kỳ báo cáo kế hoạch công tác với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

n) Quyết định triệu tập, tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

o) Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của liên đoàn.

Điều 17. Ban thường vụ Liên đoàn:

1. Ban thường vụ Liên đoàn là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn giữa hai kỳ họp Ban chấp hành, do Ban chấp hành bầu ra. Số lượng ủy viên Ban thường vụ do Ban chấp hành quyết định nhưng không quá 1/3 số lượng ủy viên BCH.

2. Nhiệm vụ của Ban thường vụ:

a) Thay mặt Ban chấp hành chỉ đạo, điều hành công việc thường xuyên để thực hiện nghị quyết Đại hội và nghị quyết các kỳ họp Ban chấp hành.

b) Chuẩn bị nội dung, triệu tập và tổ chức các kỳ họp Ban chấp hành; báo cáo kiểm điểm công tác với Ban chấp hành.

c) Quyết định những công việc khẩn cấp, sau đó báo cáo với Ban chấp hành Liên đoàn trong kỳ họp gần nhất.

Điều 18. Chủ tịch Liên đoàn, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và Trưởng ban kiểm tra.

1. Chủ tịch Liên đoàn do Ban chấp hành bầu, có trách nhiệm và quyền hạn:

a) Là người đại diện của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

b) Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành và các thành viên về các hoạt động của Liên đoàn.

c) Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội và các quyết định của Ban chấp hành.

d) Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ban chấp hành, Ban thường vụ.

e) Thay mặt Ban chấp hành ký các văn bản về phê chuẩn, bãi miễn Phó chủ tịch, Tổng thư ký, các chức danh khác và các ủy viên Ban chấp hành sau khi đã được Ban chấp hành thông qua.

g) Quyết định nhân sự chủ chốt của Văn phòng Liên đoàn.

2. Các Phó chủ tịch do Ban chấp hành bầu, hoạt động theo sự phân công của Chủ tịch và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh đã được Ban chấp hành thông qua.

Phó chủ tịch thường trực là người được Chủ tịch ủy quyền triển khai các hoạt động của Ban thường vụ và Ban chấp hành Liên đoàn, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về nhiệm vụ được giao; báo cáo với Chủ tịch việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Liên đoàn.

3. Tổng thư ký do Ban chấp hành bầu, là người điều hành hoạt động của Liên đoàn, có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các quyết định của Ban chấp hành, Ban thường vụ về các mặt công tác của Liên đoàn;

b) Đảm bảo mối quan hệ với các tổ chức FIFA, AFC, AFF và các Liên đoàn Bóng đá quốc gia và các tổ chức thể thao khác.

4. Ban kiểm tra:

a) Trưởng Ban kiểm tra do Ban chấp hành bầu trong số Ủy viên Ban chấp hành. Số lượng ủy viên Ban kiểm tra do Ban chấp hành quyết định.

b) Ban kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban chấp hành thông qua.

c) Nhiệm vụ của Ban kiểm tra:

+ Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ và Nghị quyết của Đại hội, các Nghị quyết của Ban chấp hành và Ban thường vụ.

+ Kiểm tra việc thực hiện các quy chế, các hoạt động kinh tế, tài chính và các hoạt động khác của Liên đoàn và các tổ chức thành viên trực thuộc;

+ Xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Điều 19. Tổ chức bộ máy của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:

1. Văn phòng Liên đoàn là tổ chức hành chính chuyên trách của Liên đoàn, là bộ phận thường trực giúp việc Ban thường vụ, Ban chấp hành điều hành công việc hàng ngày.

2. Các Ban chức năng.

3. Các Hội đồng tư vấn.

Chương 4.

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 20. Tất cả tài sản, tài chính đều được quản lý thống nhất theo quy định của pháp luật, các quy định cụ thể của Ban chấp hành Liên đoàn và được báo cáo công khai trong các kỳ họp Ban chấp hành.

Điều 21. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có nguồn tài chính và tài sản riêng, được quyền thu, chi cho các hoạt động theo các quy định về tài chính của Liên đoàn phù hợp với Pháp lệnh tài chính của Nhà nước và những quy định của Bộ Tài chính đối với các tổ chức xã hội.

Điều 22. Nguồn thu tài chính của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam gồm:

1. Lệ phí, niên liễm của các tổ chức thành viên và hội viên.

2. Tiền ủng hộ của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài Liên đoàn.

3. Tiền hỗ trợ của Nhà nước.

4. Tiền thu từ các hoạt động kinh tế, sản xuất, dịch vụ, thi đấu, bán bản quyền, phát hành, xuất bản sách báo, tiếp thị, quảng cáo …

5. Tiền thu từ các nguồn tài trợ.

6. Tiền cho thuê, khấu hao cơ bản các tài sản của Liên đoàn.

7. Tiền hỗ trợ của các tổ chức thể thao quốc tế.

8. Các khoản thu khác.

Điều 23. Các khoản chi chủ yếu của Liên đoàn:

1. Hoạt động của các Ban chức năng, Ban thường vụ, Ban chấp hành và Văn phòng Liên đoàn.

2. Công tác đào tạo, tập huấn, thi đấu trong và ngoài nước.

3. Công tác tổ chức thi đấu

4. Xây dựng và tu bổ cơ sở vật chất kỹ thuật.

5. Cấp vốn cho sản xuất, dịch vụ, kinh doanh.

6. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục.

7. Lương, thù lao, bảo hiểm và trợ cấp khó khăn cho các cán bộ, nhân viên chuyên trách.

8. Hỗ trợ các tổ chức thành viên khi cần thiết.

9. Các hoạt động quốc tế.

10. Khen thưởng.

11. Các khoản chi khác.

Chương 5.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 24. Các tổ chức thành viên và hội viên thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác được khen thưởng. Trường hợp đặc biệt, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề nghị Ủy ban Thể dục Thể thao và Nhà nước khen thưởng ở mức cao hơn, đồng thời đề nghị với FIFA, AFC, AFF có hình thức khen thưởng phù hợp.

Điều 25. Những tổ chức và cá nhân thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vi phạm Điều lệ và các quy định hoặc làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Liên đoàn sẽ bị kỷ luật. Trường hợp đặc biệt, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề nghị chính quyền các cấp và Ủy ban Thể dục Thể thao xem xét để có hình thức xử lý thích đáng.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Các tổ chức thành viên thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung của Điều lệ này.

Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ.

Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện điều lệ này.

Điều 27. Bản điều lệ Liên đoàn gồm 6 chương, 27 điều đã được Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần thứ IV thông qua ngày 9 tháng 8 năm 2001 và có hiệu lực khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 72/2001/QĐ-BTCCBCP

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu72/2001/QĐ-BTCCBCP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành27/11/2001
Ngày hiệu lực27/11/2001
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 72/2001/QĐ-BTCCBCP

Lược đồ Quyết định 72/2001/QĐ-BTCCBCP phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 72/2001/QĐ-BTCCBCP phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu72/2001/QĐ-BTCCBCP
                Cơ quan ban hànhBan Tổ chức-Cán bộ Chính phủ
                Người kýThang Văn Phúc
                Ngày ban hành27/11/2001
                Ngày hiệu lực27/11/2001
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 72/2001/QĐ-BTCCBCP phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 72/2001/QĐ-BTCCBCP phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

                        • 27/11/2001

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 27/11/2001

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực