Nội dung toàn văn Quyết định 72/2002/QĐ-UB phân cấp quản lý giáo dục cho Ủy ban nhân dân cấp huyện Lâm Đồng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/2002/QĐ-UB | Đà Lạt, ngày 6 tháng 5 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ VỀ GIÁO DỤC CHO UBND CẤP HUYỆN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 02/12/1998 và Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ các quyết định số 22, số 23/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/7/2000 và quyết định số 27/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 20/7/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo V/v ban hành các điều lệ : Trường Tiểu học, Trường Trung học và Trường Mầm non;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tại tờ trình số 659/TT-GD ngày 27/9/2001 V/v xin thông qua phương án phân cấp quản lý Nhà nước về Giáo dục và đào tạo cho cấp huyện;
Theo đề nghị của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Lâm Đồng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phân cấp cho UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc và Thành phố Đà Lạt (gọi tắt là UBNDcấp huyện) thuộc tỉnh Lâm Đồng thực hiện công tác quản lý về giáo dục trên địa bàn với các nội dung:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
2. Quản lý các trường, các cơ sở giáo dục ở trên địa bàn gồm các ngành học, bậc học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc các loại hình công lập, bán công, dân lập, tư thục (trừ Trường THCS dân tộc nội trú), cụ thể lá các trường Mần non, Tiều học, Phổ thông cơ sở, Trung học cơ sở.
3. Quản lý toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Phòng giáo dục và các trường quy định ở điểm 2 nêu trên.
4. Quản lý về Ngân sách giáo dục.
Điều 2: Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp huyện:
1. Về công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục: Lập quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở trên địa bàn theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt. Gồm một số nội dung chính như sau:
-Quy hoạch về mạng lưới giáo dục.
-Kế hoạch phát triển các cấp học, bậc học theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hàng năm.
-Lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình phổ cập giáo dục Tiểu học - xóa mù chữ; phổ cập THCS, phổ cập THPT.
-Kế hoạch bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa các cơ sở trường học.
2. Về công tác quản lý các trường, các cơ sở giáo dục:
-Quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường, các cơ sở giáo dục được phân cấp (quy định tại điểm 2 điều 1). Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường, cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại các điều lệ trường học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-Chỉ đạo, lãnh đạo Phòng giáo dục và các trường, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và nhiệm vụ của Nhà trường; Đồng thời chỉ đạo các ngành, các tổ chức kinh tế-xã hội , UBND xã, phường phối hợp thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục hướng nghiệp... cho học sinh và các chương trình, nhiệm vụ giáo dục nói chung.
-Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thanh, kiểm tra trường học, các cơ sở giáo dục ở trên địa bàn theo quy định của ngành dọc cấp trên và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
-Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý các trường THPT và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo ở trên địa bàn.
-Phòng giáo dục giúp UBND cấp huyện quản lý và chỉ đạo trực tiếp các Trường quy định tại khoản 2, điều 1, quyết định này.
3. Về công tác quản lý cán bộ - công chức:
UBND cấp huyện quản lý toàn diện đối với toàn bộ đội ngũ CB-CC và nhân viên của Phòng giáo dục và các trường học được phân cấp (quy định tại điểm 2 điều 1). Công tác quản lý cán bộ, công chức gồm một số điểm chính như sau :
-Căn cứ vào văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước về công tác tổ chức bộ máy,công tác cán bộ, biên chế lao động,... sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, UBND huyện xây dựng quy hoạch và kế hoạch về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở trên địa bàn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Chỉ đạo, tổ chức việc bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên ở trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; Chỉ đạo, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.
-Quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với Trưởng, Phó Phòng giáo dục; Bổ nhiệm, công nhận, cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường theo phân cấp quản lý của tỉnh và Điều lệ trường học hiện hành.
-Quyết định việc phân bổ biên chế, bố trí, điều động, thuyên chuyển đội ngũ cán bộ, công chức đối với Phòng giáo dục và các trường học được phân cấp ở trên địa bàn theo quy định và hướng dẫn của ngành dọc chức năng. Việc thuyên chuyển cán bộ của Phòng Giáo dục, các trường THCS, PTCS, Tiểu học, Mầm non ra ngoài huyện,ngoài tỉnh hoặc tiếp nhận từ ngoài huyện, ngoài tỉnh, UBND cấp huyện đề xuất Ban Tổ chức chính quyền tỉnh giải quyết theo quy định hiện hành.
-Tổ chức thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật, hưu trí, thôi việc, chuyển ngạch,nâng lương và các chế độ chính sách khác cho cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
4.Về công tác quản lý ngân sách giáo dục thực hiện theo quyết định số 141/2000/QĐ-UB ngày 29/12/2000 của UBND tỉnh về phân cấp kinh phí sự nghiệp giáo dục - đào tạo và sự nghiệp y tế cho cấp huyện.
Điều 3:
-Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Sở Tài chính vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành rà soát, kiểm kê, thống kê đội ngũ cán bộ, công chức, học sinh, cơ sở vật chất v.v... hiện có đến ngày 30/04/2002 và kế hoạch phát triển trường lớp các năm tiếp theo của từng địa phương để tổ chức bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Công tác bàn giao, tiếp nhận xong trước ngày 30/06/2002. Trong quá trình bàn giao tiếp nhận không làm xáo trộn, ảnh hưởng kết quả học tập của các cấp học.
-Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh căn cứ quyết định này và các quy chế, điều lệ loại hình trường học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để hướng dẫn, cụ thể hoá các nội dung phân cấp trong quyết định, tổ chức kiểm tra theo dõi quá trình thực hiện quyết định này, kịp thời tổng hợp đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc.
Điều 4: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của tỉnh về phân cấp quản lý giáo dục trái với quyết định này không còn hiệu lực thi hành.
Các ông: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, giám đốc Sở Tài chính vật giá, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |