Nội dung toàn văn Quyết định 72/QĐ-HQĐNa cơ cấu tổ chức Phòng Quản lý rủi ro Đồng Nai 2017
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/QĐ-HQĐNa | Đồng Nai, ngày 11 tháng 01 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHÒNG QUẢN LÝ RỦI RO
CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN ĐỒNG NAI
Căn cứ Quyết định số 137/TTg ngày 01/04/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hải quan Đồng Nai;
Căn cứ Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/09/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 4291/QĐ-TCHQ ngày 12/12/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố;
Xét đề nghị của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Quản lý rủi ro”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 686/QĐ-HQĐNa ngày 15/11/2010 của Cục Hải quan Đồng Nai quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Phòng Quản lý rủi ro thuộc Cục Hải quan Đồng Nai.
Điều 3. Trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CỤC TRƯỞNG |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHÒNG QUẢN LÝ RỦI RO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/QĐ-HQĐNa ngày 11/01/2017 của Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai)
I. Chức năng
Tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục thực hiện áp dụng quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan; tổ chức thực hiện thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan, quản lý áp dụng tiêu chí, đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro và tiến hành các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan (sau đây gọi chung là công tác quản lý rủi ro) theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Cục trưởng:
Chương trình, kế hoạch hàng năm về công tác quản lý rủi ro, kế hoạch thực hiện kiểm soát rủi ro theo phân cấp;
Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế, quy trình và các chương trình, kế hoạch về công tác quản lý rủi ro theo quy định;
Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến công tác quản lý rủi ro theo quy định;
Giải quyết đối với khiếu nại, tố cáo, vướng mắc của tổ chức, cá nhân vượt thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai hoặc đề xuất để báo cáo Tổng cục Hải quan những vấn đề vượt thẩm quyền của Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai về công tác quản lý rủi ro theo quy định.
2. Tổ chức thực hiện:
Quản lý, điều phối kế hoạch thực hiện kiểm soát rủi ro, chuyên đề kiểm soát rủi ro; xây dựng, quản lý, áp dụng hồ sơ rủi ro; ứng dụng danh mục hàng hóa rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan trên địa bàn Cục Hải quan Đồng Nai;
Thực hiện thu thập, xử lý thông tin hải quan, thông tin nghiệp vụ hải quan; thực hiện các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro theo phân cấp;
Theo dõi, phân tích, đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro và áp dụng chế độ, chính sách quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh theo phân cấp;
Thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro trước khi hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành khách, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đến hoặc rời cảng; đề xuất áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với các đối tượng có nguy cơ vi phạm trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh;
Thiết lập, quản lý, áp dụng chỉ số tiêu chí lựa chọn kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh;
Phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn trong việc trao đổi, cung cấp thông tin; thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ trong quản lý hải quan;
Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác quản lý rủi ro tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai theo quy định và theo phân công nhiệm vụ của Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai;
Đề xuất trang bị phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc tình trạng sử dụng các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác quản lý rủi ro của Cục Hải quan Đồng Nai;
Kiểm tra, giám sát trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan việc thực hiện các quy định, quy trình về công tác quản lý rủi ro của công chức hải quan các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai để kịp thời phát hiện, xử lý đối với hành vi tiêu cực hoặc thực hiện chưa đúng quy định, quy trình của công chức theo quy định;
Thường xuyên theo dõi, thu thập, phân tích, so sánh, đánh giá thông tin, số liệu trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan và các nguồn thông tin khác để nhận định những vấn đề phát sinh, bất thường trên địa bàn trong việc thực hiện công tác quản lý rủi ro để kịp thời phát hiện, đề xuất Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan của các tổ chức và cá nhân có liên quan.
3. Phối hợp tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành; phối hợp theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kết luận thanh tra trong công tác quản lý rủi ro.
4. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả và chuẩn bị nội dung sơ kết, tổng kết công tác thực hiện công tác quản lý rủi ro của Cục Hải quan Đồng Nai.
5. Phối hợp xây dựng, trình Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai phê duyệt và triển khai thực hiện các chương trình, nội dung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý rủi ro cho cán bộ, công chức thuộc Cục Hải quan Đồng Nai.
6. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chính sách, chế độ, pháp luật về Hải quan trong lĩnh vực được phân công cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.
7. Thực hiện các công việc về cải cách hiện đại hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiệp vụ được giao.
8. Tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu trong lĩnh vực nghiệp vụ được giao theo quy định.
9. Quản lý công chức, tài sản, tài liệu thuộc lĩnh vực nghiệp vụ được giao theo quy định.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai phân công, giao phó.
III. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Phòng Quản lý rủi ro có Trưởng phòng và một số Phó Trưởng phòng.
Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng Quản lý rủi ro.
Trưởng phòng Quản lý rủi ro có thể ký thừa lệnh (TL) một số văn bản được Cục trưởng giao thẩm quyền; việc ký thừa lệnh thực hiện theo quy định tại quy chế làm việc của cơ quan và quy định về thẩm quyền ký văn bản của cơ quan.
Phó Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công phụ trách.
2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý rủi ro thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
3. Biên chế của Phòng Quản lý rủi ro do Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai quyết định trên tổng số biên chế được giao và theo yêu cầu công việc thực tế tại từng thời điểm.
IV. Mối quan hệ công tác
1. Chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai.
2. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về công tác chuyên môn nghiệp vụ của Cục Quản lý rủi ro thuộc Tổng cục Hải quan.
3. Có mối quan hệ phối hợp công tác đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai và với các đơn vị khác trong, ngoài ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao.