Nội dung toàn văn Quyết định 755/QĐ-UBND 2023 quy trình công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai Quảng Nam
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 755/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 13 tháng 4 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH CÔNG BỐ VÀ TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP VỀ THIÊN TAI; THỰC HIỆN DỰ ÁN KHẨN CẤP PHÒNG, CHỐNG, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI; HỖ TRỢ KHẨN CẤP DI DỜI DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;
Theo đề nghị của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tại Tờ trình số 83/TTr- BCHPCTT&TKCN ngày 10/4/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành quy trình công bố và triển khai quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai; thực hiện dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; như sau:
1. Tình huống khẩn cấp về thiên tai
a) Tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, hệ thống lưới cao thế từ 66 KV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
b) Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm các thông tin chính sau:
- Diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; sự cố công trình phòng, chống thiên tai hoặc sự cố công trình xây dựng ảnh hưởng do thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt liên quan đến an toàn về người;
- Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra;
- Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.
c) Thẩm quyền công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thuộc phạm vi quản lý.
d) Trình tự thực hiện công bố quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai
Bước 1: Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn, đề xuất công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gửi các Sở chuyên môn liên quan theo lĩnh vực quản lý để xem xét; đồng thời triển khai thực hiện biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra.
Bước 2: Các Sở chuyên môn theo lĩnh vực quản lý, sau khi nhận được đề xuất của UBND cấp huyện, chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra thực địa; lập biên bản kiểm tra hiện trường chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của các địa phương.
Bước 3: Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa, các Sở chuyên môn tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của các địa phương.
Bước 4: Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Bước 5: Các Sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra.
Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của đơn vị, địa phương thì báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.
đ) Các biện pháp được áp dụng trong tình huống khẩn cấp
- Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán;
- Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;
- Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
- Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai;
- Các biện pháp cần thiết khác.
e) Trình tự thực hiện công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai: Các Sở, ngành, địa phương căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả xử lý, khắc phục sự cố, chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai.
2. Dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Triển khai thực hiện đảm bảo quy định tại Điều 13 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.
3. Hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư
a) Căn cứ quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai do Chủ tịch UBND tỉnh công bố, UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp triển khai hỗ trợ khẩn cấp di dời dân cư, đảm bảo kịp thời, an toàn tính mạng cho người dân.
b) Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và các lực lượng tại chỗ rà soát, xác định số hộ cần di dời khẩn cấp, báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp. UBND cấp xã chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc xác minh, báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời.
c) Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện tổng hợp về số hộ cần di dời khẩn cấp và nhu cầu hỗ trợ di dời, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện. Căn cứ quy định Luật Đất đai, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và các quy định hiện hành, UBND cấp huyện giao đất, bố trí chỗ ở cho các hộ dân cần di dời; quyết định huy động kinh phí, lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để triển khai thực hiện. Trường hợp vượt quá khả năng, UBND cấp huyện báo cáo, đề xuất Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
d) Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp nhu cầu của các huyện, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Căn cứ quy định của Luật Đất đai, Luật Trưng mua, trưng dụng và các quy định hiện hành:
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn, giải quyết các thủ tục, hồ sơ có liên quan đến giao đất, bố trí nơi ở cho các hộ bị di dời;
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định huy động kinh phí để hỗ trợ di dời;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh quyết định huy động lực lượng, trang thiết bị, vật tư và các tổ chức, cá nhân liên quan theo thẩm quyền để hỗ trợ di dời.
4. Các nội dung khác có liên quan thực hiện theo quy định tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |