Nội dung toàn văn Quyết định 768/QĐ-BGTVT 2014 Đề án Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trọng điểm quốc gia
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 768/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM TRỞ THÀNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Công văn số 1317/TTg-KGVX ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vào danh sách các trường đại học xây dựng thành trường đại học trọng điểm của mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Nghị quyết số 34-NQ/BCSĐ ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải về định hướng, giải pháp phát triển Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia;
Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tại Công văn số 69/CV-ĐHHHVN ngày 11 tháng 02 năm 2014 về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường đại học trọng điểm quốc gia nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Trong giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu khu vực ASEAN, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến kinh tế biển theo lộ trình: Phấn đấu đến năm 2020 là một trong 10 trường Đại học hàng đầu của Việt Nam; đến năm 2025 đạt trình độ ngang bằng với các trường Đại học Hàng hải của các nước phát triển trong khối ASEAN; đến năm 2030 ngang bằng với trình độ của các trường trong khối các trường Đại học Hàng hải khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Hàn quốc, Trung Quốc, Nga...); có đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, nghiên cứu, thực nghiệm các công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển và hải dương học phục vụ cho nhu cầu dân dụng và quân sự; thu hút được học viên từ các nước trong khu vực và thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên
Để đáp ứng quy mô đào tạo phát triển từ nay cho đến năm 2025, số lượng giảng viên cần có của Nhà trường như sau:
STT | Giai đoạn | Thống kê số lượng theo học hàm / học vị | Tổng số | |||
GS / PGS | TSKH / TS | Thạc sỹ | Kỹ sư/ | |||
1. | Đến năm 2020 | 50 | 120 | 445 | 325 | 897 |
2. | Đến năm 2025 | 80 | 200 | 630 | 325 | 1.200 |
Với đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện tại, Nhà trường cần được đầu tư để bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy và học tập, tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng vai trò then chốt trong chiến lược đưa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế biển không chỉ trong nước mà còn tiến tới tầm châu lục. Nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên từ nay cho đến năm 2025 như sau:
STT | Giai đoạn | Số lượng CBGV cần đào tạo | Nhu cầu kinh phí đào tạo | |
Tiến sỹ | Thạc sỹ | |||
1. | Đến năm 2020 | 41 | 136 | 74.739 |
2. | Đến năm 2025 | 82 | 185 | 65.218 |
Tổng số: | 123 | 321 | 139.957 |
b) Phát triển đào tạo
- Đào tạo đại học
Căn cứ Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng 2006- 2020 và định hướng phát triển của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến 2030, quy mô đào tạo của Nhà trường xác định trên cơ sở bảo đảm các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng chất lượng như: số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, ký túc xá sinh viên, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, quản lý nhà trường…, đồng thời được cân đối phù hợp với đặc điểm riêng của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo và năng lực quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Do đó, quy mô đào tạo của Nhà trường sẽ bao gồm 35 chuyên ngành với số lượng sinh viên lên đến 18.500 sinh viên đại học chính quy vào năm 2020 và 24.000 sinh viên đại học chính quy vào năm 2025, theo đó số lượng sinh viên đại học quy đổi theo hình thức đào tạo chính quy của Nhà trường là 35.000 sinh viên.
- Đào tạo sau đại học
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và của đất nước, đào tạo sau đại học phải mở rộng quy mô gắn liền với nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo hàng năm tăng từ 10 đến 15%.
Liên kết với một số cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đào tạo sau đại học các chuyên ngành Trường chưa có nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển của đất nước nói riêng.
- Đào tạo nghề
Với mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo nghề hàng đầu quốc gia và khu vực, bên cạnh đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao và kinh nghiệm giảng dạy, Trường Cao đẳng nghề VMU, đơn vị trực thuộc trường Đại học Hàng hải Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, giáo trình...
Quy mô, ngành nghề đào tạo của Trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo phụ lục 01 kèm theo
c) Phát triển khoa học công nghệ
Phát triển các nội dung nghiên cứu trọng tâm (làm cơ sở để xây dựng các phòng, trung tâm thí nghiệm, thực nghiệm quốc gia), cụ thể về các lĩnh vực:
- Tự động điều khiển hàng hải;
- Nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm động cơ tàu thủy (đặc biệt động cơ dùng nhiều loại nhiên liệu, nhiên liệu sinh học biofuel);
- Phát triển công nghệ đóng mới, sửa chữa tàu thủy, tàu có tính năng cao, tàu quân sự các loại;
- Công trình biển và thềm lục địa, bảo vệ môi trường thủy, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu;
- Khai thác và quản lý cảng biển;
- Logistics và chuỗi cung ứng.
d) Đổi mới về cơ cấu tổ chức
Trường xây dựng mô hình tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quy mô phát triển; trước mắt giữ nguyên mô hình tổ chức hiện có, giai đoạn 2015-2020 xây dựng mô hình tổ chức tinh gọn, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng yêu cầu quản lý đối với trường đại học trọng điểm quốc gia.
Để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng tốt hơn theo yêu cầu của xã hội cũng như tạo ra môi trường phát triển mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, các đơn vị thành viên của Nhà trường cần được giao quyền tự chủ nhiều hơn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, tài chính, nghiên cứu khoa học ...
Mô hình phát triển cơ cấu tổ chức dự kiến của Trường theo phụ lục 02 kèm theo.
đ) Phát triển công tác hợp tác quốc tế
- Tiếp tục củng cố các mối quan hệ đã có, tích cực mở rộng, xúc tiến quan hệ với các đối tác có tiềm năng, tập trung vào các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản, các trường đại học có uy tín của Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu, gồm Cộng hòa liên bang Nga, Ucraina... Ưu tiên các chương trình hợp tác cho phép chuyển giao, sản xuất các sản phẩm thuộc các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của ngành kinh tế biển.
- Mở rộng các chương trình liên kết, liên doanh với các đối tác trong nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển, hàng hải, khai thác, bảo vệ thềm lục địa và lãnh hải
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác với nước ngoài, tận dụng tối đa các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất và trình độ của cán bộ, giảng viên Nhà trường.
- Xây dựng, đề xuất để nhận được các dự án đầu tư mới, tập trung vào các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại...
- Từng bước xây dựng các chương trình liên kết đào tạo, chuyển giao chương trình đào tạo, tiến tới xuất khẩu giáo dục cho các nước trong khu vực.
e) Phát triển công tác đảm bảo chất lượng
- Phân cấp mạnh trách nhiệm quản lý; định lượng hóa khối lượng công tác cho các đơn vị hành chính; giao quyền chủ động cho các trường, khoa trực thuộc.
- Xây dựng hoàn thiện hệ thống thanh tra, kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khối lượng/kết quả công tác của tất cả các đơn vị thành viên, lấy chất lượng làm trọng tâm.
g) Xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị huấn luyện, thí nghiệm được thực hiện tại các cơ sở:
- Cơ sở hiện tại số 484 Lạch Tray, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng
Tổng diện tích xây dựng: 42.692 m2, bao gồm các hạng mục:
+ Văn phòng, lớp học, phòng hội thảo: | 22.429 m2 |
+ Phòng thực hành, thí nghiệm: | 6.877 m2 |
+ Thư viện: | 1.509 m2 |
+ Ký túc xá: | 9.854 m2 |
+ Khu thể thao, các công trình phục vụ: | 2.023 m2 |
- Cơ sở tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng
Tổng diện tích sử dụng: khoảng 150.000 m2, bao gồm các hạng mục:
- Văn phòng, lớp học, trung tâm hội thảo: | 50.000 m2 |
- Ký túc xá: | 51.000 m2 |
- Thư viện, phòng thực hành, máy tính: | 18.500 m2 |
- Các trung tâm thí nghiệm, thực hành: | 20.000 m2 |
- Khu liên hợp thể thao: | 6.500 m2 |
- Các công trình phục vụ khác: | 4.000 m2 |
- Cơ sở Trường Cao đẳng Nghề VMU tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Các hạng mục được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng bao gồm:
- Bể thử mô hình tàu quốc gia;
- Xưởng thực hành chế tạo vỏ tàu thủy;
- Xưởng thực hành hàn điện;
- Xưởng thực hành sửa chữa máy tàu thủy;
- Xưởng thực hành Điện tàu thủy;
- Phòng thực hành Điện Công nghiệp;
- Xưởng thực hành Cơ khí;
- Hệ thống Phòng máy, văn phòng, lớp học ...
- Các cơ sở của Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy (chuyển từ Bộ Giao thông vận tải về Trường)
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo
Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục triển khai và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay và Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/05/2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, đạo đức, tạo sự đoàn kết trong toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường.
Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ đảng viên nhất là đối tượng cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường; phát huy tính dân chủ trong các tổ chức đảng và đoàn thể.
2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học
Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, cần xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo, coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đại học và sau đại học theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học. Chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới.
Với mục tiêu như trên, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đổi mới phát triển đào tạo với quan điểm: Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; thực hiện điều chỉnh cơ cấu hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội; gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn; chương trình, nội dung và phương pháp, quy trình đào tạo tiên tiến; phát triển đào tạo sau đại học và các ngành kinh tế - kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển của đất nước. Các giải pháp thực hiện như sau:
a) Giải pháp về phát triển đào tạo
- Tăng số chuyên ngành đào tạo, số lượng sinh viên các hệ để đáp ứng yêu cầu thực tế. Tập trung phát triển nâng cao chất lượng đào tạo cho 03 nhóm ngành mũi nhọn của Nhà trường bao gồm: nhóm ngành Hàng hải, Kỹ thuật & Công nghệ và nhóm ngành Kinh tế & Quản trị kinh doanh.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực nghiệm, thực hành để có đủ điều kiện áp dụng hệ thống đào tạo kết hợp:
“Trường - Xưởng” đối với các chuyên ngành kỹ thuật;
“Trường - Tàu huấn luyện” đối với các chuyên ngành hàng hải;
“Trường - Doanh nghiệp” đối với các chuyên ngành kinh tế, quản lý.
- Tăng quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cho sinh viên và học viên.
b) Đổi mới quy trình đào tạo
- Chuyển đổi phương thức đào tạo theo niên chế học phần sang học chế tín chỉ, thực hiện mục tiêu đào tạo liên thông giữa các cấp, ngành học. Tiếp cận, trao đổi, phát triển chương trình đào tạo tiên tiến, tổ chức quản lý đào tạo; phát triển nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo;
- Xác lập mục tiêu dạy - học nhằm đào tạo 3 loại kỹ năng: học tập nghiên cứu sáng tạo; phát triển cá nhân gắn kết với xã hội; khả năng tìm và tạo việc làm;
- Hoàn thành việc xây dựng chương trình khung, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa;
- Đa dạng hóa các phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng đảm bảo tính chính xác, khách quan. Từng bước áp dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiên tiến vào kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
c) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ cải tiến nội dung, phương pháp dạy và học
- Chú trọng các phương pháp dạy học tích cực theo tiêu chí: trang bị cách học và phát huy tính chủ động của người học;
- Khai thác tối đa lợi thế ứng dụng công nghệ thông tin để đạt được hiệu quả, chất lượng và năng suất cao nhất trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học;
- Tăng cường nguồn học liệu; biên soạn, nhập và biên dịch, xuất bản giáo trình; lựa chọn sử dụng các giáo trình tiên tiến trên thế giới;
- Bổ sung trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy ứng dụng các phương pháp tiên tiến;
- Bổ sung trang thiết bị thí nghiệm phục vụ cho quy trình đào tạo mới;
- Tổ chức các hoạt động giao lưu quốc tế, các điều kiện phục vụ cho dạy và học, có phòng làm việc riêng cho nghiên cứu sinh...;
- Công bố các công trình khoa học của học viên cao học và nghiên cứu sinh, in các chuyên khảo, tổ chức sản xuất thử và bàn giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất...
d) Liên kết, hợp tác đào tạo: Chú trọng phát triển hợp tác, liên kết đào tạo, đào tạo theo các chương trình liên kết với các Trường, Viện lớn trên thế giới để đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các chuyên ngành đang có nhu cầu cấp bách về nhân lực như: Hợp tác với Đại học Hàng hải Thế giới, Viện luật hàng hải Quốc tế (Malta) để đào tạo luật Hàng hải, Hợp tác với Đại học Quốc gia Đóng tàu Makarov, Đại học Hàng hải Odessa để đào tạo nhân lực ngành đóng tàu:
3. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan
Đổi mới việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội. Đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp. Có cơ chế để tổ chức và cá nhân sử dụng lao động tham gia vào việc đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo. Các giải pháp thực hiện như sau:
a) Thiết lập các điều kiện đảm bảo chất lượng
- Về chương trình đào tạo: đảm bảo các chương trình đào tạo của Trường phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng ngành, đồng thời đảm bảo tính liên thông, mềm dẻo và đạt tới trình độ tiên tiến trong khu vực.
- Về đội ngũ giảng viên, cán bộ NCKH và quản lý: đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu.
- Về thư viện và dịch vụ thông tin: đảm bảo đầy đủ tài liệu, giáo trình, ấn phẩm, phương tiện tra cứu thông tin phục vụ nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên, nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên và học viên một cách tốt nhất.
- Về nguồn lực cơ sở vật chất - kỹ thuật: xây dựng và trang bị hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm - thực hành hiện đại theo chuẩn mực, an toàn, vệ sinh đáp ứng nhiệm vụ đào tạo của Trường. Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học và quản lý theo hướng tin học hóa.
- Về nguồn lực tài chính: đảm bảo nguồn lực tài chính với cơ cấu nguồn thu hợp lý, đa dạng để thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ và đầu tư phát triển.
- Về dịch vụ phục vụ sinh viên: hình thành và phát triển các trung tâm phục vụ sinh viên phù hợp với nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường.
b) Các biện pháp đảm bảo chất lượng:
- Tăng cường trách nhiệm của tổ bộ môn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy và sinh hoạt học thuật;
- Phát huy vai trò của hội đồng khoa học và đào tạo các khoa và của Trường trong việc tư vấn hoạt động nghiên cứu khoa học, đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, sinh viên và học viên;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, công tác, học tập của cán bộ, sinh viên và học viên;
- Thành lập phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng với chức năng tham mưu, tư vấn và đề xuất cho Ban Giám hiệu các giải pháp về công tác khảo thí, đảm bảo chất lượng và đánh giá chất lượng đào tạo tại Trường; tổ chức thực hiện công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng tại Trường;
- Thực hiện việc kiểm định chất lượng các chương trình, ngành đào tạo và các khoa đào tạo đại học trong Trường.
- Thống nhất quan niệm về chất lượng trường đại học trọng điểm, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung trí tuệ tập thể để xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, quy trình đánh giá, kiểm định, tổ chức công tác quản lý dựa trên một mô hình phù hợp và hiệu quả, cụ thể:
+ Xây dựng tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm giảng viên, cán bộ quản lý đảm bảo tính minh bạch, công khai và thực chất;
+ Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình và ngành đào tạo;
+ Hoàn thiện tiêu chuẩn kiểm định chất lượng khoa đào tạo đại học;
+ Xây dựng và triển khai thực hiện phương pháp và quy trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng và hoàn thiện ngân hàng đề thi học phần, tăng cường sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra - đánh giá;
+ Xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá kết quả giảng dạy của giảng viên thông qua báo cáo tự đánh giá, ý kiến phản hồi của sinh viên, đánh giá của trưởng bộ môn và đánh giá của đồng nghiệp;
+ Xây dựng và triển khai thực hiện phương pháp và quy trình đánh giá học phần, chương trình đào tạo thông qua ý kiến phản hồi của sinh viên, nhà tuyển dụng và các chuyên gia đánh giá ngoài;
+ Xây dựng hồ sơ đảm bảo chất lượng của các đơn vị và của Trường;
- Áp dụng các phương thức và công nghệ quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong Trường. Áp dụng Bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001:2008 vào hoạt động của Trường. Tiếp cận và thực hiện các tiêu chuẩn của ngành học, trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế.
4. Thực hiện các nhiệm vụ góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập
- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, đào tạo nghề, bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của người học.
- Chuyển từ đào tạo theo khả năng của Trường sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn với thị trường lao động phù hợp với khả năng, thế mạnh của Trường.
- Tích cực triển khai công tác xã hội hóa giáo dục trong việc xây dựng Nhà ở cho sinh viên tại khu kí túc xá Quán Nam của Nhà trường; tiến hành thực hiện Đề án xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2013 - 2020 của Viện Đào tạo quốc tế và Trung tâm huấn luyện thuyền viên, đã được đưa vào “Đề án Xã hội hóa công tác đào tạo của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2013 - 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 945/QĐ-BGTVT ngày 11/04/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
5. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng
- Xác định rõ trách nhiệm Nhà trường và các Viện Đào tạo, Khoa chuyên môn về quản lý giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo;
- Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình đào tạo; xây dựng và áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên tất cả các ngành trong Trường.
6. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo
Với đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện tại, Nhà trường cần được đầu tư để bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy và học tập, tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng vai trò then chốt trong chiến lược đưa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế biển không chỉ trong nước mà còn tiến tới tầm châu lục. Nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên từ nay cho đến năm 2025 như sau:
STT | Giai đoạn | Số lượng CBGV cần đào tạo | |
Tiến sỹ | Thạc sỹ | ||
1. | Đến năm 2020 | 41 | 136 |
2. | Đến năm 2025 | 82 | 185 |
Tổng số | 123 | 321 |
Các hình thức đào tạo bao gồm:
a) Đào tạo dài hạn:
- Cử cán bộ, giảng viên đi học cao học, nghiên cứu sinh tại nước ngoài (ưu tiên các nước phát triển sử dụng tiếng Anh trong đào tạo) và tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và tại Trường;
- Đào tạo theo các chương trình liên kết đào tạo giữa Nhà trường và các đối tác nước ngoài;
- Đào tạo theo các chương trình liên kết (sandwich);
- Các chương trình thực tập tay nghề (on the job training) từ 1,5 đến 2 năm cho các kỹ sư, chuyên viên vận hành phòng thí nghiệm/thực nghiệm.
b) Đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước:
- Tổ chức các chương trình đào tạo chuyên gia (train the trainer course) từ 3 đến 6 tháng cho giảng viên;
- Tổ chức các chương trình tu nghiệp sinh cho các chuyên gia vận hành phòng thí nghiệm/thực nghiệm quốc gia;
- Tổ chức tham quan, thực tập, học tập kinh nghiệm 01 đến 03 tháng tại các cơ sở đào tạo, phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất lớn, có uy tín tại các nước phát triển (ưu tiên các nước sử dụng tiếng Anh).
7. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo
- Thực hiện mô hình quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ một phần kinh phí; rà soát, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/ 2006 của Chính phủ, gắn việc trả tiền lương, thưởng của Trường với hiệu quả công tác của cán bộ viên chức; quan tâm hỗ trợ cán bộ, giảng viên có thu nhập thấp, giảng viên làm nghiên cứu sinh và học ngoại ngữ;
- Xây dựng và công khai dự toán thu, chi ngân sách hàng năm; phân bổ kinh phí đảm bảo chi tiêu thường xuyên, ưu tiên phát triển xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đội ngũ;
- Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán định kỳ, hàng năm về sử dụng nguồn tài chính cho các mặt hoạt động;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức quản lý về: Vật tư thực tập; quản lý khai thác trang thiết bị; cấp phát vật tư; trang bị mua sắm các phòng làm việc…;
- Thực hiện xã hội hóa về đào tạo đặc biệt trong việc huy động các nguồn lực xây dựng khu kí túc xá Quán Nam và công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo của Viện Đào tạo Quốc tế và Trung tâm huấn luyện thuyền viên của Nhà trường;
- Tìm kiếm các đối tác có tiềm lực về kinh phí cùng đầu tư và chia sẻ lợi ích, tích cực mở rộng thị trường và đa dạng hóa các đối tác.
8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý
- Quan tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý, tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục. Triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục;
- Phát triển các nội dung nghiên cứu trọng tâm (làm cơ sở để xây dựng các phòng, trung tâm thí nghiệm, thực nghiệm quốc gia);
- Nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm động cơ tàu thủy (đặc biệt động cơ dùng nhiều loại nhiên liệu, nhiên liệu sinh học biofuel);
- Phát triển công nghệ đóng mới, sửa chữa tàu thủy, tàu có tính năng cao, tàu quân sự các loại;
- Tham gia nghiên cứu, xây dựng các dự án công trình biển và thềm lục địa, bảo vệ môi trường thủy, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu.
9. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo
Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại. Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về giáo dục, đào tạo.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chú trọng tập trung vào các công tác quan hệ quốc tế chủ yếu sau:
a) Củng cố, mở rộng các liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước:
- Củng cố các chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực khác theo hướng chuyên môn hóa cao, từng bước tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và đa dạng hóa đối tác;
- Mở rộng các đối tác hợp tác trong việc cung cấp nguồn nhân lực, ưu tiên các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó cần quan tâm thích đáng đến xây dựng các chương trình liên kết đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, dịch vụ vận tải đường biển các tuyến ngắn cho các tập đoàn, tổng công ty trong nước, trước mắt tập trung mở rộng các chương trình liên kết với Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí PTSC, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)... chú trọng đến các lĩnh vực tự động điều khiển, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, công trình biển và thềm lục địa...;
- Có định hướng quảng bá thông tin và tìm kiếm các đối tác tiềm năng đối với việc đầu tư thành lập các liên doanh trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu thủy (đặc biệt là tàu cỡ nhỏ, có tính năng vận hành cao); xây dựng và khai thác cảng biển; nghiên cứu, thực nghiệm và sản xuất thiết bị cơ - điện tử... theo các hạng mục của Đề án Xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường Đại học trọng điểm quốc gia giai đoạn 2014 - 2025, định hướng đến 2030. Các đối tác ưu tiên là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ucraina và một số nước Tây - Bắc Âu như Đức, Hà Lan, Bỉ, Na Uy...
b) Triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ của các đối tác nước ngoài; tích cực tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ khác, đặc biệt các nguồn tài trợ từ các tập đoàn, tổng công ty trong và ngoài nước:
- Tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, các dự án tài trợ, đặc biệt ưu tiên cho các hạng mục xây dựng trung tâm thí nghiệm, thực nghiệm quốc gia theo Đề án xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thành trường Đại học trọng điểm quốc gia;
- Tận dụng các mối quan hệ và sự hỗ trợ tài chính hoặc thiết bị giảng dạy chuyên ngành của các công ty, các nhà sản xuất trang thiết bị. Từng bước đa dạng hóa các mô hình hợp tác giữa Nhà trường với các nhà sản xuất cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.
c) Tăng cường quan hệ hợp tác với các trường, hiệp hội, tổ chức quốc tế nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu khoa học đạt chuẩn quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín của Nhà trường, từng bước hiện thực hóa chiến lược xuất khẩu giáo dục:
- Tích cực xúc tiến hợp tác với các đối tác Ucraina để triển khai một số chương trình đào tạo theo chương trình tiên tiến trong lĩnh vực thiết kế tàu thủy hiện đại, khai thác và vận hành tàu chuyên dụng, công trình biển và thềm lục địa, làm tiền đề cho việc thành lập Viện đào tạo và nghiên cứu kỹ thuật Hàng hải Việt Nam-Ucraina;
- Phối hợp với các đối tác như Học viện Kỹ thuật Hàng hải và Đánh cá Hàn Quốc (KIMFT), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Công ty Đóng tàu Oshima (Nhật Bản)... triển khai có hiệu quả các chương trình thực tập chuyên ngành hàng năm cho sinh viên và giảng viên của Nhà trường; từng bước xúc tiến, nhân rộng ra các đối tác trong và ngoài nước khác của Nhà trường;
- Tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ học bổng cho các giảng viên của Nhà trường theo học các chương trình đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ và các chương trình đào tạo chuyên sâu tại các nước phát triển như Ucraina, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc...;
- Khuyến khích các nhà khoa học của Nhà trường tham gia vào các chương trình phối hợp nghiên cứu khoa học trong các hiệp hội chuyên ngành quốc tế để nâng cao khả năng hội nhập, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn;
- Tìm kiếm và tích cực xây dựng các chương trình liên kết đào tạo sau đại học với các trường đại học có uy tín trên thế giới, đặc biệt khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy;
- Tiếp tục triển khai các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.
- Xúc tiến tìm kiếm các nguồn học bổng của Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ nước ngoài cho sinh viên các nước trong khu vực đến học tại Trường, làm cơ sở cho việc xuất khẩu giáo dục.
III. CÁC HẠNG MỤC, DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Danh mục các hạng mục, dự án được Quy định tại Phụ lục 03 kèm theo Quyết định này.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
a) Kinh phí thực hiện Đề án được xác định đối với từng hạng mục, dự án đầu tư cụ thể theo quy định.
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2025 là 2.295 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 1: Từ năm 2014-2020: 1.395 tỷ đồng
- Giai đoạn 2: Từ năm 2020-2025: 900 tỷ đồng
(Nhu cầu kinh phí chi tiết theo Phụ lục 3 kèm theo Quyết định này)
b) Nguồn kinh phí thực hiện: Sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu của Trường, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Đề án
1. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Tổ chức cán bộ) và những cơ quan liên quan những vấn đề vượt thẩm quyền.
b) Xây dựng chương trình hành động hàng năm và 05 năm để thực hiện.
c) Định kỳ tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và đề xuất các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả.
2. Các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải
a) Vụ Tổ chức cán bộ:
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Đề án theo đúng nội dung, tiến độ.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ.
b) Vụ Kế hoạch - Đầu tư:
- Chủ trì, hướng dẫn Trường xây dựng các chính sách ưu đãi về đầu tư trong việc thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt các dự án đầu tư phù hợp với lộ trình phát triển trường theo Đề án đề ra.
- Cân đối và tham mưu ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư, vốn hợp tác phát triển để xây dựng cơ sở vật chất của Trường đảm bảo đạt các mục tiêu của Đề án.
c) Vụ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể về các cơ chế tài chính; cân đối các nguồn lực, bố trí, kết hợp các nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đã được phê duyệt;
- Nghiên cứu, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền, phân cấp mạnh hơn, triệt để hơn nhằm tạo cơ chế chính sách cho Trường xây dựng cơ chế đột phá về tài chính để đầu tư phát triển nhà trường.
d) Vụ Khoa học - Công nghệ: Chủ trì tham mưu, đề xuất giao cho Trường thực hiện nhiệm vụ Khoa học - Công nghệ dưới các hình thức chương trình, đề tài, dự án do Bộ chủ trì thực hiện đảm bảo hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng Khoa học - Công nghệ.
đ) Vụ Môi trường: Chủ trì tham mưu, đề xuất giao cho Trường thực hiện nhiệm vụ môi trường dưới các hình thức chương trình, đề án do Bộ chủ trì thực hiện đảm bảo hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
e) Vụ Hợp tác quốc tế: Chủ trì tham mưu, hỗ trợ Trường trong tìm kiếm, lựa chọn, kết nối các chương trình hợp tác nhằm thu hút các đối tác nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, hỗ trợ kỹ thuật theo định hướng hợp tác của Nhà trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 01
QUY MÔ, NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
1. Quy mô sinh viên dự kiến theo các chuyên ngành đến năm 2025
STT | Chuyên ngành đào tạo | Số lượng sinh viên dự kiến | |
Đến năm 2020 | Đến năm 2025 | ||
1 | Điều khiển tàu biển | 2 600 | 3 100 |
2 | Khai thác máy tàu biển | 2 400 | 2 800 |
3 | Khai thác và bảo trì tàu thủy | 200 | 350 |
4 | Tự động điều khiển hàng hải | 1 000 | 1 250 |
5 | Kinh tế vận tải biển | 700 | 850 |
6 | Quản trị kinh doanh | 300 | 500 |
7 | Bảo hiểm hàng hải | 380 | 620 |
8 | Quản trị tài chính kế toán | 500 | 750 |
9 | Kinh tế ngoại thương | 480 | 600 |
10 | Tổ chức và quản lý vận tải | 440 | 580 |
11 | Logistics | 440 | 550 |
12 | Luật hàng hải | 260 | 350 |
13 | Kinh tế Hàng hải và Toàn cầu hóa | 240 | 400 |
14 | Thiết kế tàu thủy | 870 | 1 000 |
15 | Bố trí hệ động lực và sửa chữa máy tàu thủy | 800 | 800 |
16 | Công nghệ đóng tàu | 830 | 800 |
17 | Thiết bị nâng hạ và vận chuyển | 400 | 550 |
18 | Sửa chữa tàu thủy | 200 | 450 |
19 | Kỹ thuật tàu thủy | 200 | 400 |
20 | Điện tàu thủy | 440 | 500 |
21 | Điện tử viễn thông | 400 | 600 |
22 | Điện tự động công nghiệp | 800 | 800 |
23 | Điện dân dụng | 200 | 450 |
24 | Cơ điện tử | 200 | 300 |
25 | Xây dựng công trình thủy | 500 | 600 |
26 | Xây dựng dân dụng và công nghiệp | 490 | 600 |
27 | Thủy đạc | 300 | 400 |
28 | Kỹ thuật cầu đường | 200 | 250 |
29 | Chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ | 200 | 350 |
30 | Công trình biển | 350 | 500 |
31 | Công nghệ thông tin | 600 | 770 |
32 | Kỹ thuật môi trường | 350 | 550 |
33 | Tiếng Anh Hàng hải | 120 | 220 |
34 | Tiếng Anh Thương mại | 60 | 210 |
35 | Tiếng Anh phiên dịch | 50 | 200 |
| Tổng số: | 18 500 | 24 000 |
2. Quy mô tuyển sinh dạy nghề dự kiến hàng năm
Tên nghề đào tạo | Mã nghề | Dự kiến số lượng tuyển hàng năm | ||
Cao đẳng | Trung cấp | Sơ cấp | ||
Điều khiển tàu biển | 840104 | 300 | 100 |
|
Khai thác Máy tàu thủy | 840201 | 300 | 100 |
|
Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy | 510913 | 50 | 100 | 100 |
Sửa chữa máy tàu thủy | 510225 | 50 | 50 |
|
Hàn | 510203 | 50 | 100 | 150 |
Kế toán doanh nghiệp | 340310 | 100 |
|
|
Điện công nghiệp | 520405 | 50 | 50 |
|
Điện tàu thủy | 510303 | 50 | 50 |
|
Gia công lắp ráp hệ thống ống tàu thủy | 520102 |
| 50 | 50 |
Cắt gọt kim loại | 510201 |
| 50 |
|
Công nghệ sơn tàu thủy | 511105 |
|
| 50 |
Vận hành thiết bị nâng |
|
|
| 50 |
3. Quy mô, ngành nghề đào tạo của các Viện, Khoa trực thuộc
a) Viện Hàng hải
Chuyên ngành đào tạo:
· Điều khiển tàu biển | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Khai thác máy tàu biển | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Khai thác và bảo trì tàu thủy | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Tự động điều khiển hàng hải | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Điện tàu thủy | (Đại học) |
· Luật và Bảo hiểm Hàng hải | (Đại học) |
Quy mô tuyển sinh
· Đại học: 1.200 - 1.500 sinh viên/năm
· Cao học: 70 học viên/năm
· Nghiên cứu sinh: 8-10 học viên/năm
b) Viện Kinh tế biển
Chuyên ngành đào tạo
· Kinh tế vận tải biển | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Tổ chức và quản lý vận tải | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Tài chính - Ngân hàng | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Quản trị kinh doanh | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Kinh tế ngoại thương | (Đại học, Cao học) |
· Kế toán - Kiểm toán | (Đại học, Cao học) |
· Logistics và chuỗi cung ứng | (Đại học, Cao học) |
· Luật hàng hải | (Đại học, Cao học) |
· Toàn cầu hóa và thương mại vận tải biển | (Đại học, Cao học) |
Quy mô tuyển sinh
· Đại học: 1.800 - 2.200 sinh viên/năm
· Cao học: 250 học viên/năm
· Nghiên cứu sinh: 10-15 học viên/năm
c) Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy
Chuyên ngành đào tạo
· Thiết kế tàu thủy | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Bố trí hệ động lực và sửa chữa máy tàu thủy | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Công nghệ đóng tàu | (Đại học, Cao học) |
· Sửa chữa tàu thủy | (Đại học, Cao học) |
· Thiết bị nâng và vận chuyển | (Đại học, Cao học) |
· Nhiệt lạnh | (Đại học) |
· Kỹ thuật ô tô | (Đại học) |
Quy mô tuyển sinh
· Đại học: 1.000 - 1.200 sinh viên/năm
· Cao học: 150 học viên/năm
· Nghiên cứu sinh: 10-15 học viên/năm
d) Viện Kỹ thuật công trình
Chuyên ngành đào tạo:
· Xây dựng công trình thủy | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Xây dựng dân dụng và công nghiệp | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
· Công trình biển | (Đại học, Cao học) |
· Kỹ thuật cầu đường | (Đại học, Cao học) |
· Chỉnh trị và công trình ven bờ | (Đại học, Cao học) |
· Thủy đạc | (Đại học, Cao học) |
Quy mô tuyển sinh
· Đại học: 900 - 1.200 sinh viên/năm
· Cao học: 120 học viên/năm
· Nghiên cứu sinh: 10 - 15 học viên/năm
đ) Viện Kỹ thuật Điện - Điện tử
Chuyên ngành đào tạo:
• Điện tàu thủy | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
• Điện tử viễn thông | (Đại học, Cao học) |
• Điện tự động công nghiệp | (Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh) |
• Điện dân dụng | (Đại học, Cao học) |
• Cơ điện tử | (Đại học, Cao học) |
Quy mô tuyển sinh
• Đại học: 800 - 1.000 sinh viên/năm
• Cao học: 80 học viên/năm
• Nghiên cứu sinh: 3-4 học viên/năm
e) Khoa Công nghệ thông tin
Chuyên ngành đào tạo
• Công nghệ thông tin | (Đại học, Cao học) |
• Khoa học máy tính | (Đại học, Cao học) |
• Kỹ thuật phần mềm | (Đại học) |
• Mạng máy tính | (Đại học) |
Quy mô tuyển sinh
• Đại học: 350 - 500 sinh viên/năm
• Cao học: 50 học viên/năm
g) Khoa Công nghệ môi trường
Chuyên ngành đào tạo
• Kỹ thuật môi trường (Đại học)
Quy mô tuyển sinh
• Đại học 100 - 150 sinh viên/năm
h) Khoa Ngoại ngữ
Chuyên ngành đào tạo
• Tiếng Anh Hàng hải (Đại học)
• Tiếng Anh thương mại (Đại học)
• Tiếng Anh phiên dịch (Đại học)
Quy mô tuyển sinh
• Đại học 200 - 250 sinh viên/năm
i) Trường Cao đẳng nghề VMU
Chuyên ngành đào tạo:
• Điều khiển tàu biển; | (Cao đẳng nghề (CĐN), Trung cấp nghề (TCN)) |
• Khai thác máy tàu thủy; | (CĐN, TCN) |
• Sửa chữa máy tàu thủy; | (CĐN, TCN) |
• Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; | (CĐN, TCN, SCN) |
• Hàn; | (CĐN, TCN, SCN) |
• Điện tàu thủy; | (CĐN, TCN) |
• Điện công nghiệp; | (CĐN, TCN) |
• Kế toán doanh nghiệp; | (CĐN) |
• Gia công LR hệ thống ống TT; | (TCN, SCN) |
• Cắt gọt kim loại. | (TCN) |
Quy mô tuyển sinh:
• Cao đẳng nghề: 950 sinh viên/năm
• Trung cấp nghề: 650 học sinh/năm
• Sơ cấp nghề: 400 học viên/năm
PHỤ LỤC 02
MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN CƠ CẤU TỔ CHỨC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM
1. Mô hình cơ cấu tổ chức
Ban Giám hiệu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trực tiếp chỉ đạo, điều hành lĩnh vực:
o Nội chính
o Nhân sự
o Quan hệ Quốc tế
o Tài chính
o Xây dựng cơ sở vật chất
o Đào tạo và Công tác sinh viên
o Thanh tra
o Khảo thí và đảm bảo chất lượng....
Ban lãnh đạo cơ sở đào tạo thành viên quản lý, điều hành các hoạt động tại đơn vị như sau:
o Công tác sinh viên
o Đào tạo
o Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
o Đội ngũ cán bộ giảng dạy
o Hoạt động của các bộ môn và/hoặc các viện
2. Định hướng phát triển cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam như sau:
a) Viện Hàng hải thành lập trên cơ sở các Khoa Hàng hải, Máy tàu biển, một số ngành hàng hải khác, đồng thời mở rộng thêm một số ngành đào tạo mới, được xây dựng tại cơ sở mới ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy.
b) Viện Kinh tế biển được thành lập trên cơ sở Khoa Kinh tế và một số ngành đào tạo mới, được xây dựng tại Khu 484 Lạch Tray hiện có.
c) Viện Khoa học công nghệ tàu thủy được nâng cấp trên cơ sở Viện Khoa học công nghệ tàu thủy (chuyển từ Bộ Giao thông vận tải về Trường), Khoa Thiết kế Công nghệ Đóng tàu và Khoa Cơ khí Đóng tàu.
d) Viện Kỹ thuật Công trình được thành lập trên cơ sở Khoa Công trình, mở rộng thêm một số ngành đào tạo mới và được xây dựng tại cơ sở mới ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy.
đ) Viện Kỹ thuật Điện - Điện tử được thành lập trên cơ sở Khoa Điện - Điện tử và mở rộng thêm một số ngành đào tạo mới và được xây dựng tại cơ sở mới ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy.
e) Trường Cao đẳng nghề VMU là cơ sở đào tạo cấp độ nghề các chuyên ngành hàng hải và đóng tàu có trụ sở tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng.
Nhà trường cũng sẽ thành lập và nâng cấp một số Viện, Khoa, Trung tâm trên cơ sở các Viện, Khoa hiện có như:
- Khoa Công nghệ thông tin
- Khoa Công nghệ môi trường
- Khoa Ngoại ngữ
- Viện Đào tạo sau Đại học
- Trung tâm Đào tạo Thể thao Hàng hải
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng, ...
Bên cạnh đó, Nhà trường cũng sẽ xây dựng một số trung tâm thực nghiệm quốc gia do các doanh nghiệp khoa học - công nghệ điều hành.
Như vậy tổ chức hệ thống Nhà trường sẽ gồm các bộ phận chính yếu sau:
- Các đơn vị quản lý hành chính.
- Các cơ sở đào tạo thành viên.
- Các viện và khoa trực thuộc.
- Các đơn vị thành viên đóng vai trò nguồn lực chung.
- Các trung tâm đào tạo/huấn luyện chuyên ngành (hàng hải, logistics,..)
- Các doanh nghiệp thực tập/sản xuất (các chuyên ngành kỹ thuật).
- Các phòng/trung tâm thí nghiệm/thực nghiệm quốc gia do các doanh nghiệp khoa học công nghệ vận hành. Các lĩnh vực cần đạt trọng tâm nghiên cứu/thực nghiệm trong thời gian tới gồm: Khoa học và công nghệ hàng hải; Công nghệ đóng tàu đặc biệt là tàu quân sự; Môi trường biển; Công trình biển và thềm lục địa.
- Các doanh nghiệp dịch vụ thuộc trường.
PHỤ LỤC 03
DANH MỤC CÁC HẠNG MỤC, DỰ ÁN ĐẦU TƯ
I. NỘI DUNG ĐẦU TƯ VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
Toàn bộ quá trình đầu tư nâng cấp tổng thể chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam dự kiến được thực hiện từ nay đến đầu năm 2025, chia thành hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: từ năm 2014 đến năm 2020.
- Giai đoạn 2: từ năm 2020 đến năm 2025.
Lộ trình thực hiện các hạng mục, dự án đầu tư chủ yếu theo các nội dung dự kiến như sau:
II. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
ĐVT: Tỷ VNĐ
TT | Hạng mục đầu tư | Nhu cầu vốn đầu tư | Tổng cộng | |||||||||||
Giai đoạn 1 | Giai đoạn 2 | |||||||||||||
2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 |
| ||
1. | Giải phóng mặt bằng, san lấp, xây dựng tường rào, đường nội bộ và các công trình hạ tầng cơ sở khác | 200 | 200 | 140 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| 540 |
2. | Xây dựng lớp học, phòng thí nghiệm, huấn luyện, phòng hội thảo |
|
| 60 | 60 | 60 | 50 | 50 | 70 | 60 | 60 | 60 | 60 | 590 |
3. | Xây dựng thư viện, phòng đọc, phòng thực hành máy tính |
|
|
|
|
| 30 | 30 | 60 | 60 | 60 | 50 | 50 | 340 |
4. | Xây dựng nhà ăn sinh viên, ký túc xá với cơ chế rèn luyện đặc biệt cho ngành đi biển |
| 30 | 30 | 20 |
|
|
| 80 | 80 | 70 |
|
| 310 |
5. | Xây dựng khu thể thao sinh viên |
|
|
|
|
|
|
| 30 | 30 | 20 |
|
| 80 |
6. | Đào tạo nguồn nhân lực | 10 | 20 | 20 | 20 | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 |
| 140 |
7. | Xây dựng cơ sở vật chất để lắp đặt bể thử mô hình tàu quốc gia |
|
| 50 | 50 | 50 | 50 | 50 |
|
|
|
|
| 250 |
8. | Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cho Trường Cao đẳng nghề VMU |
| 10 | 10 | 10 | 5 | 5 | 5 |
|
|
|
|
| 45 |
| Tổng cộng | 210 | 260 | 310 | 160 | 125 | 145 | 145 | 250 | 240 | 220 | 120 | 110 | 2.295 |