Quyết định 8941/QĐ-UBND

Quyết định 8941/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống các bảo tàng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Nội dung toàn văn Quyết định 8941/QĐ-UBND năm 2008 quy hoạch hệ thống bảo tàng Đà Nẵng đến 2020


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8941/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG CÁC BẢO TÀNG  TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1005/CV-VHTT về việc xin phê duyệt Đề án Quy hoạch hệ thống bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm Quyết định này Đề án Quy hoạch hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Điều 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Đề án nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH HỆ THỐNG CÁC BẢO TÀNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 8941/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Vị thế Đà Nẵng trong bối cảnh không gian miền Trung và cả nước

Đà Nẵng đóng một vai trò quan trọng tại khu vực miền Trung, gắn liền với công cuộc mở mang bờ cõi và là một cửa ngõ giao thương với quốc tế từ những thế kỷ trước.

Với truyền thống của mảnh đất kiên cường, hai lần đi đầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, diện mạo thành phố thay đổi nhanh, Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu trở thành một thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, với những ngành kinh tế mũi nhọn như Cảng biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng... Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của miền Trung, Đà Nẵng còn là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã xác định: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển, vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước”.

Là một thành phố vừa có vùng núi, trung du, đồng bằng, vừa nằm ở vị trí cận kề với 3 di sản văn hoá thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, di sản Mỹ Sơn và khu đô thị cổ Hội An, Đà Nẵng có cơ hội để phát triển du lịch và khai thác các giá trị di sản văn hoá theo hướng hoạt động du lịch văn hoá, du lịch sinh thái.

Thành phố Đà Nẵng nằm trên vành đai biển Đông, một thời là cầu nối giao thương trong khu vực Đông Nam Á; thì ngày nay, trong vận hội mới, lại một lần nữa trở thành cầu nối quan trọng trên trục phát triển xuyên Á với vai trò là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Từ những ưu thế và giá trị nêu trên, ngành văn hóa sẽ cung cấp cho du khách trong nước và ngoài nước những chương trình tham quan không chỉ có những thắng cảnh, những di tích, mà còn làm sống lại đời sống văn hóa thông qua hoạt động của các bảo tàng, làng văn hóa, làng nghề cổ truyền...

2. Thực trạng hoạt động của các bảo tàng trên địa bàn thành phố

a) Hệ thống Bảo tàng trực thuộc Quân khu 5

- Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5: Hai Bảo tàng này nằm trong hai hệ thống: Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; hệ thống bảo tàng Quân đội. Đây là loại hình bảo tàng mang tính chuyên đề, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, cả về lịch sử danh nhân và lịch sử chuyên ngành quân sự. Từ “Khu mô hình nhà sàn Bác Hồ” đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5, hiện nay, hệ thống bảo tàng này trung bình hàng năm đón khoảng 13.000 lượt khách đến tham quan.

b) Hệ thống Bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố

- Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Do người Pháp xây dựng từ năm 1915, hoàn thành vào năm 1919, đến năm 2003 được UBND thành phố đầu tư gần 7 tỉ đồng xây dựng mở rộng khu nhà trưng bày và nâng cấp, chỉnh lý trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập hiện vật điêu khắc có giá trị của nền nghệ thuật Chăm từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, với nhiều phong cách nghệ thuật độc đáo như: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm...Bảo tàng Điêu khắc Chăm trung bình hàng năm đón hơn 15.000 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu; tạo nguồn thu hơn 3 tỉ đồng/năm cho thành phố Đà Nẵng.

- Bảo tàng Đà Nẵng: Được thành lập theo Quyết định số 901/QĐ-UB ngày 09 tháng 4 năm 1997, trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, tọa lạc tại khuôn viên của Thư viện Khoa học Kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây với diện tích trưng bày chỉ có hơn 200m2, với hệ thống trưng bày gồm 4 chuyên đề giới thiệu quá trình đấu tranh cách mạng thành phố Đà Nẵng, chứng tích chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận; trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa các dân tộc Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy diện tích trưng bày chật hẹp, phương tiện trưng bày chưa phong phú, hiện đại, nhưng Bảo tàng Đà Nẵng trong các năm qua đã đón hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Ngoài các bảo tàng, trên địa bàn các quận, huyện, tại các cơ quan ban ngành đã đầu tư xây dựng nhà truyền thống như: Nhà Truyền thống K20, Nhà Truyền thống Thành đội; Nhà Truyền thống cơ quan Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng; Nhà Truyền thống xã Hòa Phong và một số Bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Đồng Đình..., làm phong phú hoạt động bảo tàng, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng. Nhưng nhìn chung, các loại hình này chỉ mở cửa phục phụ các đoàn khách đến làm việc và nhân dân ở địa phương, chưa tạo sự chú ý rộng rãi trong công chúng và du khách.

c) Thực trạng cơ sở vật chất

Nhìn chung, các bảo tàng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Nội dung trưng bày tại các bảo tàng còn trùng lắp về chủ đề trưng bày, dùng nhiều bản sao giống nhau, giải pháp mỹ thuật trưng bày chưa đa dạng, phương tiện kỹ thuật còn nghèo nàn. Chưa có các bảo tàng thuộc loại hình lịch sử tự nhiên.

Chỉ có 3 bảo tàng được xây dựng theo thiết kế từ đầu là: Bảo tàng Điêu khắc Chăm; Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5; riêng Bảo tàng Đà Nẵng (78 Lê Duẩn) được cải tạo từ công trình kiến trúc đã có sẵn, và là trụ sở tạm thời, hiện tại đang được đầu tư xây dựng mới trong khuôn viên thành Điện Hải.

3. Định hướng phát triển hệ thống bảo tàng trong thời gian tới là phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chính sách “mở cửa” của Đảng và Nhà nước.

Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng tăng. Nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của du khách với xu hướng chung là nghỉ dưỡng và giải trí ở vùng biển, ven biển. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn thành phố các hình thức vui chơi, giải trí còn đơn điệu, qui mô nhỏ, không có các trung tâm vui chơi giải trí tổng hợp, đa dạng. Chính điều này đã hạn chế thời gian lưu trú của du khách, có tác động đến khả năng khai thác tiềm năng du lịch thành phố.

Nhiều loại hình du lịch có hiệu quả cao như: Tham quan, nghiên cứu khoa học thông qua hoạt động của các bảo tàng, làng văn hóa, làng nghề truyền thống... chưa được chú trọng đầu tư phát triển.

Là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, một trong những trọng điểm của “Con đường di sản miền Trung”, trong những năm gần đây, hoạt động bảo tồn và quảng bá các di sản văn hoá đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng đông đảo sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, để tiềm năng du lịch của Đà Nẵng thực sự phát huy có hiệu quả và đóng vai trò không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, thành phố cần phải triển khai xây dựng đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố đến năm 2020 ”. Trong đó, đầu tư nâng cấp các bảo tàng hiện có và phát triển mạng lưới bảo tàng theo hướng xây mới các bảo tàng phù hợp với đặc thù về lịch sử văn hoá, xã hội và tự nhiên, đáp ứng yêu cầu giáo dục và hưởng thụ văn hoá của công chúng, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên văn hoá cho phát triển du lịch.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.

3. Chương trình hành động số 96 của Thành uỷ (ngày 19/11/2003) về việc thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.

4. Kết luận số 20 - KL/TV ngày 26/7/2004 của Ban Thường vụ Thành uỷ về việc thực hiện Chương trình “Phát triển văn hoá, văn học nghệ thuật và xây dựng nếp sống văn minh đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế và vị thế mới của Đà Nẵng”.

5. Quyết định số 138/2004/QĐ-UB ngày 18/8/2004 của UBND thành phố về Chương trình phát triển VHNT và xây dựng nếp sống văn minh đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và vị thế mới của Đà Nẵng, giai đoạn 2005 – 2010”.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống các bảo tàng đảm bảo các yêu cầu hoàn chỉnh về cơ cấu, nội dung hoạt động phong phú, phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, học tập, tuyên truyền phổ biến kiến thức về quá trình phát triển lịch sử, văn hoá, khoa học và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng.

- Hoạt động của hệ thống các bảo tàng phải hỗ trợ thiết thực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử; góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước.

- Thông qua hình thức hoạt động, phục vụ khách tham quan, trao đổi triển lãm giữa các bảo tàng trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hoạt động giao lưu, trao đổi văn hoá.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu về văn hóa - xã hội: Quy hoạch phát triển hệ thống bảo tàng phải gắn liền với việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá; đồng thời, khai thác các giá trị văn hoá nghệ thuật, các di tích lịch sử, các công trình văn hoá nổi tiếng có giá trị, giàu bản sắc dân tộc; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm phát triển loại hình du lịch bảo tàng có chất lượng cao từ các bảo tàng trong và ngoài nước để đa dạng hoá các hoạt động bảo tàng.

b) Mục tiêu về nghiên cứu khoa học: Thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng theo quan điểm bảo tàng học hiện đại, nhằm phục vụ công chúng trong nước và khách nước ngoài đến tham quan tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về lịch sử vùng đất và con người Đà Nẵng, các cộng đồng cư dân, các dân tộc cộng cư và cận cư. Nội dung và hình thức trưng bày của bảo tàng phải mang tính hiện đại, tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế của miền Trung, cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước.

c) Mục tiêu quảng bá di sản văn hóa: Xây dựng các bộ sưu tập hiện vật có giá trị theo từng chuyên đề về lịch sử - văn hoá, cảng biển Đà Nẵng; chứng tích chiến tranh, làng nghề thủ công truyền thống, mỹ thuật thành phố; văn hoá dân tộc; và các sưu tập hiện vật khác để vừa giới thiệu trong phần trưng bày bảo tàng, vừa bổ sung vào kho tàng văn hoá chung của cả nước.

d) Mục tiêu về kinh tế: Quy hoạch phát triển du lịch văn hoá thông qua hoạt động bảo tàng nhằm tối ưu hóa sự đóng góp của ngành bảo tàng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển của ngành văn hóa du lịch.

đ) Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo đội ngũ cán bộ và mở rộng hợp tác trong việc đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực quản lý bảo tàng và chuyển giao công nghệ, cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng học.

II. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Cơ sở hiện vật

Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang trưng bày, lưu giữ và bảo quản trên 13.000 tài liệu, hiện vật thuộc các sưu tập:

- Thiên nhiên, văn hoá lịch sử Đà Nẵng từ thời tiền sử đến đương đại.

- Văn hoá khảo cổ học tiền sử và sơ sử.

- Đồ gốm, đồ chạm khắc gỗ Việt Nam qua các thời đại.

- Lịch sử đấu tranh cách mạng.

- Văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc cộng cư, cận cư của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

- Chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận.

2. Định hướng quy hoạch

Từ nay đến năm 2020, hệ thống bảo tàng trên địa bàn thành phố bao gồm 4 bảo tàng cấp thành phố và hệ thống Bảo tàng trực thuộc Quân khu 5 (Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5):

a) Bảo tàng Điêu khắc Chăm

- Chọn đơn vị tư vấn để lập dự án đầu tư nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhằm tăng cường khả năng thu hút khách du lịch.

- Tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, sưu tầm nhằm hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật đã có và xây dựng thêm các bộ sưu tập hiện vật mới.

- Tiến hành nghiên cứu, thẩm định, kiểm kê khoa học, làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của hiện vật phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu khoa học.

- Ứng dụng các thành tựu khoa học và phương tiện kỹ thuật bảo quản lâu dài hiện vật theo chất liệu.

- Hoàn chỉnh hệ thống trưng bày mới tại bảo tàng với sự hợp tác nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế.

b) Bảo tàng Lịch sử thành phố Đà Nẵng

- Công trình Nhà Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng đang xây dựng trong khu vực Thành Điện Hải có khuôn viên ngoài trời rộng, với mặt bằng trưng bày hơn 2000 m2 đầu tư cho công tác sưu tầm hiện vật bổ sung nội dung và hình thức trưng bày, mang tính khoa học và hiện đại.

- Nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng: Giới thiệu tổng quát lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng từ khởi thuỷ đến hiện tại trên các mặt: Thiên nhiên, địa lý hành chính, dấu tích của cư dân cổ trên vùng đất Đà Nẵng thời tiền - sơ sử; kinh tế - văn hoá - chính trị - xã hội, lao động và sinh hoạt đời thường của cộng đồng cư dân và các dân tộc cộng cư và cận cư ở Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử. Thông qua đó, thể hiện truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời của Đà Nẵng.

- Đà Nẵng, nơi đổ bộ đầu tiên của quân viễn chinh Mỹ, một căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ, cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ngoan cường của quân dân Đà Nẵng. Trên cơ sở tài liệu, hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng (hơn 2000 tài liệu, hiện vật các loại), phần trưng bày chuyên đề Chứng tích chiến tranh, nằm trong hệ thống Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng, là một trưng bày chuyên đề có ý nghĩa nhân văn lớn thể hiện khát vọng hoà bình.

- Nội dung trưng bày, chủ yếu là chứng tích chiến tranh mang tính tích cực nhằm khẳng định tính chất, mục đích và bản chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa mà dân tộc ta phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm.

- Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng đang thi công xây dựng và trưng bày hoàn thành trong năm 2008. Về lâu dài, thành phố nghiên cứu chọn địa điểm quy hoạch xây dựng một bảo tàng xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế của miền Trung; trong đó, trưng bày, lưu giữ và bảo quản các hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hoá, trưng bày chứng tích chiến tranh ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận.

- Sau khi UBND thành phố phê duyệt đề án quy hoạch bảo tàng đến năm 2020 và chọn địa điểm quy hoạch, xây mới Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng, nhà bảo tàng trong khu vực thành Điện Hải được chỉnh lý thành Nhà trưng bày có nội dung gắn với di tích lịch sử Thành Điện Hải.

c) Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng

- Đối với địa điểm và ngôi nhà Bảo tàng Đà Nẵng (tại 78 Lê Duẩn): Sau khi Bảo tàng Lịch sử chuyển về nhà trưng bày mới ở thành Điện Hải, sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo để xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng.

- Bảo tàng Mỹ thuật sẽ là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày những tác phẩm mỹ thuật, những tác phẩm mỹ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương. Hướng đến quy hoạch xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, cần phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu sưu tầm, hoàn chỉnh các bộ sưu tập phục vụ cho trưng bày.

- Xây dựng các bộ sưu tập hiện vật mỹ thuật theo kế hoạch đề cương được phê duyệt:

+ Nghệ thuật tạo hình (tượng cổ và hiện đại).

+ Trang phục các dân tộc.

+ Mỹ thuật điêu khắc gỗ dân gian.

+ Mỹ thuật điêu khắc đá.

+ Tranh sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, đồ hoạ...

+ Tranh tượng trước năm 1945.

+ Tranh tượng giai đoạn 1946 - 1975.

+ Tranh tượng hiện đại (tác phẩm tiêu biểu đại diện cho một giai đoạn lịch sử).

+ Mỹ thuật thủ công mỹ nghệ của địa phương.

d) Bảo tàng Hải dương học Đà Nẵng

Bảo tàng Hải dương học Đà Nẵng là cơ sở để cung cấp cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan tiếp xúc cảnh quan và nguồn tài nguyên biển, làm sống lại cuộc sống văn hóa của cư dân biển Đà Nẵng qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong tâm thức tín ngưỡng dân gian của cư dân biển... Đồng thời, giới thiệu tiềm năng kinh tế về biển đảo Đà Nẵng, về lịch sử quá trình hình thành và phát triển đô thị cảng gắn với hoạt động của ngành hàng hải Đà Nẵng xưa và nay.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng Hải dương học Đà Nẵng, nằm trong quy hoạch hệ thống bảo tàng của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, thành phố đầu tư cho hoạt động nghiên cứu sưu tầm tài liệu, hiện vật theo chủ đề “Khám phá biển Đà Nẵng”.

* Chủ đề 1: Vùng biển thiêng.

- Biển Đà Nẵng trong vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

- Biển Đà Nẵng trong tâm thức dân gian.

* Chủ đề 2: Biển Đà Nẵng trên hải đồ và hàng hải thế giới trong quá trình lịch sử và trong hải trình hàng hải ngày nay.

- Giới thiệu những khám phá về vùng biển Đà Nẵng của các nhà thám hiểm và du hành hàng hải trong quá trình lịch sử.

- Đà Nẵng - Đô thị cảng trong quá trình hình thành và phát triển.

* Chủ đề 3: Đa dạng sinh học của biển Đà Nẵng.

- Giới thiệu sưu tập các mẫu vật thể hiện nguồn tài nguyên biển Đà Nẵng, thể hiện tính đa dạng sinh học của biển Đà Nẵng.

* Chủ đề 4: Báu vật trong lòng biển.

- Trưng bày các bộ sưu tập khảo cổ học dưới nước.

* Chủ đề 5: Vạn chài Đà Nẵng

- Đời sống sản xuất của ngư dân Đà Nẵng qua các thời kỳ.

* Chủ đề 6: Bình minh biển Đà Nẵng.

- Cảnh quan biển Đà Nẵng và hoạt động sản xuất của ngư dân đánh bắt trên biển Đà Nẵng.

- Biển Đà Nẵng trong cái nhìn địa văn hóa

- Lễ hội văn hóa và du lịch biển Đà Nẵng.

đ) Về xây dựng các bảo tàng tư nhân

- Vận động các chủ sưu tập tư nhân hướng đến xây dựng và đưa vào hoạt động các Bảo tàng Cổ vật, các Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân…

- Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sưu tập tư nhân xây dựng các bảo tàng, có chính sách hỗ trợ để khuyến khích xây dựng các bảo tàng tư nhân, nhằm xã hội hoá và đa dạng hoá các mặt hoạt động bảo tàng, góp phần vào việc bảo vệ di sản văn hoá và phục vụ nhu cầu đẩy mạnh hưởng thụ văn hoá.

Phần III

QUY MÔ, PHÂN KỲ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. QUY MÔ, PHÂN KỲ

1. Đối với Bảo tàng Điêu Khắc Chăm

- Phân kỳ thời gian: 2008 và các năm tiếp theo.

- Nội dung đầu tư: Nâng cấp Bảo tàng, tổ chức trưng bày theo lộ trình mới.

- Nguồn vốn đầu tư: Kinh phí từ nguồn thu phí tham quan, vận động tài trợ và ngân sách nhà nước.

2. Đối với Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng

* Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng ( trong khu vực Thành Điện Hải)

- Phân kỳ thời gian: 2008 - 2009

- Nội dung đầu tư: Hoàn thiện ngôi nhà và đầu tư nội thất trưng bày.

- Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước.

* Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng (chọn địa điểm quy hoạch xây mới)

- Phân kỳ thời gian: 2010 - 2020

- Quy mô sử dụng đất: 15.000m2

- Địa điểm: Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất địa điểm.

- Nội dung đầu tư: Xây dựng nhà Bảo tàng và đầu tư nội thất trưng bày.

- Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước.

3. Đối với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố

- Phân kỳ thời gian: 2008 - 2012

- Địa điểm: Quận Hải Châu, Đà Nẵng.

- Quy mô sử dụng đất: 2000m2

- Nội dung đầu tư: Sử dụng lại Bảo tàng Đà Nẵng (cũ) 78 Lê Duẩn: cải tạo, nâng cấp và đầu tư thiết kế trưng bày Bảo tàng Mỹ Thuật thành phố; xây dựng các bộ sưu tập hiện vật.

- Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách và huy động tài trợ.

4. Đối với Bảo tàng Hải dương học

- Phân kỳ thời gian: 2009 - 2015

- Địa điểm: Bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

- Quy mô sử dụng đất: 20.000m2

- Nội dung đầu tư: Xây dựng nhà bảo tàng và đầu tư thiết kế trưng bày, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật.

- Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách và huy động đóng góp, tài trợ.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1.Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tàng.

2. Kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực của ngành bảo tàng.

- Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý về hoạt động bảo tàng giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành và UBND các quận huyện của thành phố. Hình thành bộ máy tổ chức thống nhất cho hệ thống bảo tàng trên địa bàn thành phố về cơ cấu tổ chức bảo tàng, định biên, cơ chế quản lý, chỉ đạo và hợp tác.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ngành bảo tàng. Xây dựng đội ngũ cán bộ bảo tàng có chuyên môn sâu và kỹ năng tác nghiệp giỏi. Phát huy vai trò của các bảo tàng với tư cách là cơ sở đào tạo thực hành.

3. Huy động nguồn vốn đầu tư và xây dựng cơ chế tài chính phù hợp.

- Sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư của nhà nước cho các dự án bảo tàng. Tích cực huy động các nguồn khác nguồn như tài trợ, vốn đóng góp của các tập thể, cá nhân, vốn từ các hoạt động dịch vụ của các bảo tàng để tái đầu tư.

- Xây dựng cơ chế phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp xây dựng bảo tàng theo quy định của pháp luật. Tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa tại bảo tàng, sử dụng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ này để cải tạo, nâng cấp bảo tàng.

4. Xã hội hóa hoạt động bảo tàng.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội xây dựng bảo tàng.

- Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng và cá nhân tham gia vào các hoạt động của bảo tàng như sưu tầm hiện vật, trưng bày giới thiệu và tuyên truyền giáo dục. Bảo tàng tiến hành công tác tiếp thị, thu hút công chúng tham gia các hoạt động tình nguyện của bảo tàng.

- Thành phố có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ thành lập các bảo tàng tư nhân mang tính chuyên ngành, chuyên đề, nhằm phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

- Mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho các bảo tàng thành phố tham gia các tổ chức bảo tàng ở Trung ương, các địa phương và quốc tế, chủ động và tích cực thiết lập các mối quan hệ song phương và đa phương với mọi tổ chức bảo tàng để phát triển sự nghiệp bảo tàng.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch hệ thống Bảo tàng của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện nội dung của Đề án Quy hoạch. Trình UBND thành phố phê duyệt dự án, quản lý thực hiện đầu tư và đưa các công trình bảo tàng vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

- Chuẩn bị đội ngũ cán bộ chuyên môn phù hợp với từng loại hình bảo tàng.

- Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Đề án Quy hoạch hệ thống bảo tàng của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, kịp thời đề xuất các chính sách phù hợp và điều chỉnh kịp thời các mục tiêu, biện pháp thực hiện đề án.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng

Có trách nhiệm quy hoạch địa điểm phù hợp với không gian và cảnh quan môi trường để xây dựng bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sở Xây dựng thành phố phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan tham mưu, tư vấn và đề xuất thiết kế kiến trúc các tòa nhà bảo tàng phù hợp với từng loại hình hoạt động trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Bố trí kinh phí trong kế hoạch hàng năm và dài hạn để đầu tư xây dựng, bảo đảm tiến độ quy hoạch xây dựng hệ thống bảo tàng của thành phố đã được phê duyệt./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 8941/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu8941/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/10/2008
Ngày hiệu lực28/10/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 8941/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 8941/QĐ-UBND năm 2008 quy hoạch hệ thống bảo tàng Đà Nẵng đến 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 8941/QĐ-UBND năm 2008 quy hoạch hệ thống bảo tàng Đà Nẵng đến 2020
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu8941/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Đà Nẵng
                Người kýTrần Văn Minh
                Ngày ban hành28/10/2008
                Ngày hiệu lực28/10/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 8941/QĐ-UBND năm 2008 quy hoạch hệ thống bảo tàng Đà Nẵng đến 2020

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 8941/QĐ-UBND năm 2008 quy hoạch hệ thống bảo tàng Đà Nẵng đến 2020

                      • 28/10/2008

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 28/10/2008

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực