Quyết định 896/QĐ-UBND

Quyết định 896/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

Nội dung toàn văn Quyết định 896/QĐ-UBND 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2020 Cà Mau


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 896/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 30 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 1695/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia gia đoạn 2012-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 05/12/2013 của HĐND tỉnh Cà Mau về chấp thuận chủ trương về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh Cà Mau về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Cà Mau về chấp thuận chủ trương về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 940/TTr-SXD ngày 19/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch

- Phạm vi lập quy hoạch có quy mô: 5.294,87 km2.

- Ranh giới là địa bàn tỉnh Cà Mau, gồm thành phố Cà Mau và 08 huyện (Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển).

2. Mục tiêu phát triển

- Cụ thể hóa quy hoạch xây dựng và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cà Mau; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường.

- Định hướng tổ chức không gian toàn vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050 như không gian xây dựng đô thị, nông thôn, không gian công nghiệp tập trung - TTCN, không gian du lịch, không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, không gian cảnh quan.

- Làm cơ sở để chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền trong việc lập các dự án quy hoạch chuyên ngành, lập các chương trình đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển; làm công cụ quản lý đô thị và các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch và hệ thống các công trình chuyên ngành của vùng, đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững. Tạo cơ hội thu hút đầu tư.

3. Các dự báo phát triển vùng

- Dự báo dân số, quy mô đất xây dựng đô thị:

+ Dân số đến năm 2020 khoảng 500.000-550.000 người; quy mô đất xây dựng khoảng 9.500-100.000 ha;

+ Dân số đến năm 2030 khoảng 750.000-800.000 người; quy mô đất xây dựng khoảng 13.000-14.000 ha.

- Cơ cấu dân số, quy mô đất xây dựng đô thị - nông thôn:

+ Dân số đến năm 2020 là 38%-62%; quy mô đất xây dựng khoảng 7.000 ha;

+ Dân số đến năm 2030 là 50%-50%; quy mô đất xây dựng khoảng 6.000 ha.

4. Tính chất và chức năng vùng

- Có vị trí ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, là cực phát triển tiểu vùng phía Nam của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị của quốc gia và quốc tế về đường bộ và đường thủy.

- Là đầu mối giao thông quan trọng của các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và quốc tế; trung tâm kinh tế biển; trung tâm đánh bắt nuôi trồng và chế biến thủy hải sản của quốc gia; trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí (Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau) của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

- Trung tâm du lịch sinh thái (rừng, biển), trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia. Là vùng cực Nam của Tổ quốc, có vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh của quốc gia.

5. Định hướng phát triển không gian

5.1. Định hướng

- Cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có vị trí đặc thù là vùng cực Nam Tổ quốc. Một vùng có nhiều ý nghĩa về chính trị, có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ quốc phòng, an ninh của quốc gia.

- Trung tâm kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; trung tâm công nghiệp năng lượng; trung tâm chế biến và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm du lịch sinh thái rừng sinh quyển.

- Vùng phát triển cân bằng, toàn diện, có chất lượng cuộc sống cao. Vùng cảnh quan đặc trưng sông nước, rừng ngập mặn và cảnh quan biển.

5.2. Cấu trúc không gian vùng

a) Cấu trúc lưu thông

Khung phát triển vùng tỉnh Cà Mau gồm các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế và quốc gia như sau:

- Trục hành lang Quốc lộ 1 là trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia đi xuyên qua trung tâm thành phố Cà Mau và về đến Năm Căn, kết nối một chuỗi đô thị của tỉnh, tạo khả năng kết nối với thành phố Bạc Liêu, thành phố Sóc Trăng cũng như các thành phố lớn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trục cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (Quản Lộ - Phụng Hiệp) là trục hành lang kinh tế - đô thị nối thành phố Cà Mau với thành phố Cần Thơ; trục hành lang kinh tế - đô thị Quốc lộ 63 nối thành phố Cà Mau với Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và đi về cửa khẩu Xà Xía, đây cũng chính là tuyến đường Hồ Chí Minh về đến thành phố Cà Mau, theo Quốc lộ 1 về đến Năm Căn và Mũi Cà Mau. Trục hành lang kinh tế - đô thị ven biển phía Nam nối thành phố Cà Mau với thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).

- Hành lang kinh tế biển ven biển có khả năng kết nối với đường biển quốc tế và quốc gia; liên kết các khu kinh tế (KKT) biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long như: KKT Định An, KKT Gành Hào, KKT Năm Căn, KKT đảo Phú Quốc và Côn Đảo.

- Trục hành lang kinh tế - đô thị nội vùng từ thành phố Cà Mau đi Sông Đốc (theo Quốc lộ 1, ĐT.985, 985B); từ thành phố Cà Mau đi thị trấn Đầm Dơi và kết nối với cảng Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu).

- Trục hành lang kinh tế đường thủy quốc gia gồm có hệ thống giao thông như: Sông Gành Hào, sông Cửa Lớn, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu sẽ kết nối với các tiểu vùng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

b) Cấu trúc không gian các vùng đô thị - công nghiệp tập trung

- Vùng đô thị - công nghiệp trung tâm vùng tỉnh: Với hạt nhân là thành phố Cà Mau, gắn với đô thị Khánh An và KCN Khánh An, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, KCN Hòa Trung và các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố Cà Mau; đồng thời, gắn kết không gian với đô thị Thới Bình và đô thị Cái Nước.

- Vùng đô thị - công nghiệp Sông Đốc: Trung tâm là đô thị Sông Đốc, gắn với KCN Sông Đốc, là đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Tây Nam của tỉnh (dự kiến thành thị xã), gắn kết với đô thị Trần Văn Thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế - đô thị nội vùng từ Cà Mau đi Sông Đốc.

- Vùng đô thị - công nghiệp Năm Căn: Trung tâm vùng là KKT Năm Căn gồm đô thị Năm Căn (dự kiến thành thị xã), gắn kết với các khu phi thuế quan, KCN tập trung, cảng biển... và đô thị Cái Nước tạo thành vùng đô thị động lực trên trục hành lang kinh tế - đô thị Quốc lộ 1 từ thành phố Cà Mau đi Năm Căn.

c) Cấu trúc không gian vùng cảnh quan và không gian mở

Với 03 mặt giáp biển, vùng bờ biển và thềm lục địa trải dài ngoài tiềm năng về phát triển kinh tế còn là vùng cảnh quan, không gian mở của tỉnh.

- Các vùng bảo tồn rừng quốc gia, rừng ngập mặn ven biển, rừng trồng ven sông, kênh, rạch cấu trúc thành các vùng đặc trưng và đan xen giữa các vùng đô thị - công nghiệp tạo sự phát triển cân bằng bền vững.

- Hệ thống sông Gành Hào, Ông Đốc, sông Tam Giang, Cái Tàu, sông Trẹm, sông Bảy Háp, Cửa Lớn, sông Đầm Cùng, sông Năm Căn, sông Rạch Gốc... và kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp... là hệ thống sông, kênh, rạch phục vụ vận tải, cấp nước, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, cũng là các vùng không gian mở với hệ thống mặt nước, cây xanh cảnh quan, tạo bản sắc đặc trưng cho Cà Mau.

- Các vùng sản xuất lúa chuyên canh, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở phía Bắc và vùng nuôi trồng thủy sản phía Nam, gắn kết các vùng cảnh quan và không gian mở tạo thành không gian cảnh quan đặc trưng của địa phương.

5.3. Phân bố các vùng chức năng

5.3.1. Phân vùng phát triển kinh tế

a) Vùng kinh tế nội địa (phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ động lực của vùng tỉnh Cà Mau), bao gồm:

Thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình và huyện Cái Nước; ngoài ra, có thể mở rộng về phía Tây Bắc để gắn kết đô thị Khánh An, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau và KCN Khánh An.

- Quy mô diện tích tự nhiên: 1.302,58 km2, chiếm 24,60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số đến năm 2020 là 630-650 nghìn người, chiếm 43-48% và đến năm 2030 là 700-740 nghìn người, chiếm 45-50% dân số toàn tỉnh.

- Tiềm năng của vùng: Do vị trí địa lý kinh tế nằm về phía Đông Bắc của tỉnh (vùng nội địa); trong đó, thành phố Cà Mau là đô thị loại II cấp vùng, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - khoa học kỹ thuật của tỉnh Cà Mau. Là trung tâm tiểu vùng phía Nam của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thuận lợi là giao nhau của các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia: Quốc lộ 1, đường cao tốc Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 63, Hành lang kinh tế - đô thị ven biển phía Nam. Các trục hành lang này, gắn kết thuận lợi với trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế: tuyến Xuyên Á kết nối thành phố Bạc Liêu - thành phố Rạch Giá - thị xã Hà Tiên - thành phố Phnompenh (Campuchia) ở phía Bắc.

- Động lực phát triển: Phát triển đô thị; công nghiệp; thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, giải trí cao cấp; nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và nuôi trồng. Thế mạnh của tiểu vùng bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học; đánh bắt thủy sản lớn và tập trung của tỉnh.

b) Vùng kinh tế biển và ven biển, bao gồm:

Vùng biển, các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông, Hòn Đá Bạc và các huyện có bờ biển (U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi). Trong đó:

* Vùng phát triển ven biển Tây gồm: Vùng biển, các cụm đảo Hòn Chuối, Hòn Buông, Đá Bạc và 04 huyện có bờ biển (U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân). Đô thị trung tâm của vùng là Sông Đốc, là vùng phát triển đô thị - công nghiệp, phát triển nông nghiệp chuyên canh lúa, nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh Cà Mau. Là khu vực rừng bảo tồn quốc gia U Minh hạ.

- Quy mô diện tích đất liền 1.938,74 km2, chiếm 36,62% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số đến năm 2020 là 550-570 nghìn người, chiếm 38-40% và đến năm 2030 là 570-590 nghìn người, chiếm 38-40% dân số toàn tỉnh.

- Tiềm năng của vùng: Do vị trí địa lý kinh tế phía Bắc giáp huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), phía Đông giáp Tiểu vùng kinh tế trung tâm, tiếp cận thành phố Cà Mau. phía Nam giáp KKT Năm Căn, phía Tây giáp biển. Là vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN), đô thị, phát triển nông nghiệp chuyên canh lúa và nuôi trồng thủy sản tập trung; trong đó, Sông Đốc là đô thị kinh tế biển, là đô thị động lực của tiểu vùng. Có trục hành lang kinh tế ven biển Tây liên kết 04 huyện và nối với KKT Năm Căn ở phía Nam và nối với Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) ở phía Bắc và trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh) đi qua.

- Động lực phát triển: Phát triển đô thị; công nghiệp tập trung (đa ngành, chuyên ngành và công nghiệp phục vụ nông nghiệp); thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, làng nghề; nông nghiệp chuyên canh và nuôi trồng thủy sản tập trung. Thế mạnh đặc biệt của tiểu vùng là phát triển kinh tế biển.

* Vùng phát triển ven biển Đông (phía Nam) gồm: Vùng biển, các cụm đảo Hòn Khoai và 03 huyện có bờ biển (Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi), đây là vùng cực Nam của Tổ quốc, có nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và quốc phòng, an ninh. Đô thị trung tâm của vùng là Năm Căn, gắn kết phát triển với Khu kinh tế (KKT) Năm Căn, là đô thị động lực tiểu vùng phía Nam nói riêng và của tỉnh Cà Mau nói chung. Đây là điểm cuối của trục hành lang kinh tế quốc gia Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh) cũng như hành lang kinh tế ven biển.

- Quy mô diện tích đất liền 2.053,46 km2, chiếm 38,78% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số đến 2020 khoảng 350-380 nghìn người, chiếm 25-28% và đến năm 2030 khoảng 360-400 nghìn người, chiếm 24-27% dân số toàn tỉnh.

- Tiềm năng của vùng: Do vị trí địa kinh tế là toàn bộ lưu vực phía Nam sông Bảy Háp và kênh Xáng, 03 mặt Đông, Nam và Tây tiếp giáp biển. Thuận tiện giao thương với các nước Asean qua vịnh Thái Lan.

- Động lực phát triển: Phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan; công nghiệp - TTCN, làng nghề; kinh tế biển, cảng tổng hợp. Thế mạnh đặc biệt là khu kinh tế biển Năm Căn, cảng tổng hợp.

5.3.2. Phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn

a) Định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng

- Dự báo đô thị toàn vùng:

+ Năm 2020: Có 20 đô thị; trong đó: có 01 đô thị loại I (thành phố Cà Mau), 05 đô thị loại IV (Sông Đốc, Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi và Cái Nước) và 14 đô thị loại V (Thới Bình, U Minh, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc, Đất Mũi, Thanh Tùng, Trần Thới, Phú Tân, Nguyễn Huân, Hưng Mỹ, Khánh Hội, Khánh An, Trí Phải và Khánh Bình Tây), trên cơ sở nâng cấp mở rộng 10 đô thị hiện có, thành lập mới 10 đô thị.

+ Năm 2030: Có 20 đô thị; trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Cà Mau), 02 đô thị loại III (Sông Đốc và Năm Căn), 06 đô thị loại IV (Thới Bình, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc) và 11 đô thị loại V (U Minh, Đất Mũi, Thanh Tùng, Trần Thới, Phú Tân, Nguyễn Huân, Hưng Mỹ, Khánh Hội, Khánh An, Trí Phải và Khánh Bình Tây), trên cơ sở nâng cấp mở rộng một số đô thị hiện có; bao gồm: Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng; hệ thống đô thị phân theo tính chất chức năng tổng hợp và hệ thống đô thị kinh tế.

- Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng gồm: Thành phố Cà Mau, đô thị Sông Đốc và đô thị Năm Căn; trong đó:

+ Thành phố Cà Mau được xác định là 01 trong 04 cực phát triển đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long với vai trò được khẳng định là trung tâm đa năng tổng hợp phía Nam của vùng; vừa là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh và vừa là đô thị trung tâm chuyên biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long là công nghiệp năng lượng, phân bón và các trung tâm giống cây con vùng ngập mặn, nước lợ, nước ngọt.

+ Đô thị Năm Căn phát triển gắn kết với KKT Năm Căn, dự kiến sau năm 2020 sẽ là đô thị loại III. Tương lai có thể sáp nhập với các xã phía Tây của huyện để hình thành thị xã Năm Căn.

+ Đô thị Sông Đốc dự kiến sau năm 2020 sẽ là đô thị loại III. Tương lai có thể sáp nhập với các xã lân cận của thị trấn để hình thành thị xã Sông Đốc.

- Hệ thống đô thị phân theo tính chất chức năng tổng hợp gồm: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc.

- Các đô thị chuyên ngành kinh tế gồm: Trí Phải, Khánh An, Khánh Hội, Khánh Bình Tây, Hưng Mỹ, Trần Thới, Thanh Tùng, Nguyễn Huân, Đất Mũi.

b) Định hướng phát triển dân cư nông thôn

- Phát triển dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới. Các khu dân cư phải thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

- Định hướng phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở triệt để tận dụng các điểm dân cư hiện hữu, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiết kiệm và hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững.

- Quy hoạch bố cục các khu chức năng hợp lý, đảm bảo bán kính phục vụ; kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh.

5.3.3. Phân bố các vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Vùng công nghiệp trung tâm vùng (thành phố Cà Mau và đô thị Khánh An); vùng công nghiệp tập trung vùng phía Tây đô thị Sông Đốc.

- Vùng công nghiệp tập trung Khu kinh tế Năm Căn.

- Phát triển các CCN địa phương gắn với vùng nguyên liệu, công nhân tại chỗ; bao gồm: Thành phố Cà Mau, Ngọc Hiển, Thới Bình, Phú Tân, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, U Minh và Năm Căn.

- Tiểu thủ công nghiệp - làng nghề nông thôn tiếp tục tồn tại và phát triển với các ngành nghề chủ yếu: chế biến thủy; chuối khô, dệt chiếu cói, nấu rượu...

5.3.4. Phân bố các vùng du lịch, vùng cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên

- Không gian du lịch tỉnh Cà Mau phân thành 03 vùng chính; bao gồm:

+ Vùng trung tâm (vùng 1) gồm: Thành phố Cà Mau và một số khu vực phụ cận.

+ Vùng du lịch phía Tây (vùng 2) gồm: Các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân; trong đó, có Trung tâm của vùng là Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

+ Vùng du lịch phía Nam (vùng 3) gồm: Các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

- Các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, quốc tế, quốc gia.

- Vùng cảnh quan, khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, khu Ramsa thế giới...

5.3.5. Phân bố các vùng nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp

a) Vùng nông nghiệp

- Phát triển các cây trồng chính theo hướng thâm canh, sản xuất lúa gạo chất lượng cao, trồng rau quả và cây công nghiệp ngắn ngày áp dụng công nghệ hiện đại. Hình thành trang trại vùng chăn nuôi tập trung đan xen với các khu vực sản xuất nông nghiệp chuyên canh tại các địa phương; chăn nuôi (heo, gia cầm) theo hướng phát triển bền vững gắn với thị trường tiêu thụ nội tỉnh.

- Bảo vệ rừng và tiếp tục tăng dần độ che phủ; phát triển diện tích rừng tràm sản xuất, các khu rừng đặc dụng và mở rộng điện tích rừng ngập mặn ven biển.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực... đáp ứng yêu cầu bảo tồn, giữ gìn và khai thác hiệu quả tính đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

b) Vùng thủy sản

- Đa dạng hóa giống và loại hình nuôi trồng, áp dụng phương thức nuôi thâm canh, quảng canh cải tiến; đồng thời, bảo vệ tốt các nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu tác động xấu đến tài nguyên đất đai. Đầu tư phát triển nuôi trồng tập trung theo hướng bền vững.

- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành khai thác và đánh bắt thủy sản. Trang bị các trang thiết bị hiện đại cho đội tàu cá, giúp năng suất cao hơn, Xây dựng hệ thống bến và cảng phục vụ đánh bắt thủy sản.

- Quy hoạch phát triển các vùng nuôi công nghiệp: Vùng nước ngọt, vùng nước lợ và vùng nước mặn.

c) Vùng diêm nghiệp

Tiếp tục mở rộng thêm diện tích hiện có tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho vùng sản xuất muối, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và phân phối sản phẩm.

5.3.6. Tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ

- Hệ thống giáo dục, đào tạo vùng gồm có: Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp; Trường dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trường trung học phổ thông.

- Hệ thống văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao vùng: Thành phố Cà Mau là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao vùng cấp vùng, cấp tỉnh; ngoài ra, đầu tư nâng cấp các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, thể dục thể thao, thư viện cấp thành phố/huyện/thị tại thành phố Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn và các huyện. Trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Khai thác tôn tạo, bảo tồn các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể.

- Hệ thống y tế vùng: Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa Cà Mau, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đông Y, Bệnh viện Lao - Phổi, Bệnh viện Tâm thần. Đầu tư xây dựng Bệnh viện trung tâm các vùng, tiểu vùng và các vùng lân cận như: Bệnh viện Năm Căn, Bệnh viện Trần Văn Thời, Bệnh viện Đầm Dơi, Trung tâm y tế Sông Đốc, Trung tâm y tế Thới Bình.

- Hệ thống thương mại, dịch vụ cấp vùng: Từng bước hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ chất lượng cao cấp vùng và tiểu vùng tại các trung tâm của các đô thị như thành phố Cà Mau, đô thị Sông Đốc và Năm Căn. Củng cố và đầu tư mới mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ tại trung tâm các đô thị, điểm du lịch; đồng thời, từng bước hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hình thành và phát triển các khu dịch vụ tại các KCN, khu phi thuế quan KKT Năm Căn và cảng.

5.4. Định hướng tổ chức không gian vùng

a) Không gian vùng đô thị

Không gian phát triển được phân thành 03 vùng, cụ thể như sau:

- Không gian đô thị vùng Trung tâm: Thành phố Cà Mau là đô thị hạt nhân toàn vùng tỉnh, vừa là đô thị trung tâm của vùng trung tâm; ngoài ra, còn có không gian các đô thị như: Khánh An, Thới Bình, Đầm Dơi.

- Không gian vùng đô thị phía Nam: Đô thị Năm Căn gắn với KKT Năm Căn là trung tâm của vùng đô thị phía Nam, đồng thời cũng là đô thị kinh tế động lực phía Nam của tỉnh; ngoài ra, còn có không gian các đô thị như: Cái Nước, Trần Thới.

- Không gian vùng đô thị phía Tây: Đô thị Sông Đốc là trung tâm, hạt nhân của vùng đô thị phía Tây, đồng thời cũng là đô thị kinh tế động lực phía Tây của tỉnh; ngoài ra, còn có không gian đô thị Trần Văn Thời.

b) Tổ chức không gian vùng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp

Không gian phát triển các vùng công nghiệp gắn với các vùng đô thị, các đô thị kinh tế động lực của tỉnh; bao gồm:

- Vùng công nghiệp trung tâm, bao gồm: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; KCN Hòa Trung tập trung phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, sửa chữa tàu thuyền, khai thác chế biến thủy sản, chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp da giày, may mặc... và KCN Khánh An phát triển các ngành công nghiệp khí hóa lỏng, công nghiệp sau khí, công nghiệp hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng...

- Các CCN của tỉnh Cà Mau.

+ Vùng công nghiệp phía Nam: Sẽ hình thành KCN phi thuế quan Năm Căn (thuộc Khu kinh tế Năm Căn), với các ngành nghề đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, hậu cần cảng (logistic), năng lượng, gia công, lắp ráp hàng hóa, sản xuất vật liệu xây dựng, đào tạo, nghiên cứu... Ngoài ra, còn phát triển các CCN - TTCN, làng nghề chế biến...

+ Vùng công nghiệp phía Tây: Gắn với sự phát triển của đô thị Sông Đốc, ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản địa phương, hình thành phát triển KCN Sông Đốc với các ngành nghề khai thác chế biến thủy hải sản xuất khẩu, thức ăn gia súc, sửa chữa tàu thuyền, sản xuất giống thủy sản...; phát triển các Cụm - TTCN phụ trợ cho ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản. Ngoài ra, còn phát triển các CCN - TTCN tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với các đô thị, vùng nguyên liệu.

c) Tổ chức không gian vùng cảnh quan, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái

Không gian vùng cảnh quan, khu bảo tồn của tỉnh hình thành trên cơ sở vùng trung tâm và các vùng ven biển: Trung tâm thành phố Cà Mau và vùng phụ cận; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

d) Tổ chức không gian vùng nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp

Hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, trang trại vùng chăn nuôi đặc trưng của từng địa phương. Hiện đại hóa không gian vùng nông, lâm, thủy sản, hình thành ba vùng chuyên canh tập trung: Vùng trồng lúa chuyên canh phía Bắc tại huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và một phần huyện U Minh; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng công nghiệp tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và một phần huyện Trần Văn Thời, Năm Căn và vùng nuôi trồng thủy sản sinh thái phía Nam, gắn với vùng bảo tồn rừng ngập mặn ven biển tại huyện Ngọc Hiển và phía Nam huyện Năm Căn. Ngoài ra, phía Tây Bắc là Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

6. Định hướng quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng đối với các đô thị

6.1. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng

- Nền xây dựng: Xác định cao độ khống chế căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Khống chế cao độ xây dựng của các đô thị trong vùng tỉnh được xác định: Hxd > H (mực nước cao nhất ứng với tần suất P 1%) + 0,5 m; tuy nhiên, đảm bảo đô thị không bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Thoát nước mưa: Hệ thống thoát nước được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh. Hướng thoát nước các đô thị hoạt động theo chế độ tự chảy trên cơ sở độ dốc nền địa hình tự nhiên, độ dốc dọc đáy cống thoát trực tiếp xuống các sông, kênh, rạch gần nhất. Mạng lưới thoát nước đô thị được phân tán theo địa hình tự nhiên, chia nhỏ các lưu vực thoát nước để giảm chiều sâu chôn cống và giảm kích thước cống; đồng thời, phân bố đồng đều trên toàn bộ diện tích xây dựng đô thị để thoát nước mặt nhanh không ngập úng cục bộ đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

6.2. Quy hoạch thủy lợi của vùng

Mục tiêu thủy lợi ở vùng tỉnh Cà Mau là cải tạo môi trường nước để phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác. Đồng thời, giải quyết nguồn nước ngọt để phục vụ dân sinh, góp phần cải tạo hạ tầng cơ sở và cải thiện đời sống người dân. Hệ thống công trình đề xuất phải đảm bảo tính tổng hợp cao, không gây hậu quả xấu về môi trường, duy trì hệ sinh thái bền vững và có lợi trong quá trình phát triển.

6.3. Giao thông

a) Quy hoạch hệ thống đường bộ

- Giao thông đối ngoại

+ Đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp giai đoạn sau năm 2020 nâng cấp theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, quy mô 04 làn xe.

+ Quốc lộ: Quốc lộ 1, tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 52 m; Quốc lộ 63, tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 52 m; đường Hành lang ven biển phía Nam, tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 46 m; đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, tiêu chuẩn đường cao tốc, 04 làn xe; đường Hồ Chí Minh; đường ven biển, tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng.

- Hệ thống giao thông đường tỉnh (đạt tiêu chuẩn cấp III, lộ giới 45,0 m; trong đó: mặt bê tông nhựa rộng từ 7,0-11,0 m, nền 12,0 m) gồm: ĐT.984 (đường Cà Mau - Tắc Thủ - U Minh - Khánh Hội); ĐT.985B (đường Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Đốc); ĐT.988 (đường Lương Thế Trân - Đầm Dơi); ĐT.983 (đường Trì Phải - Thới Bình); ĐT.985 (đường Rau Dừa - Rạch Ráng); ĐT.986 (đường Gành Hào - Đầm Dơi - Cái Nước - Cái Đôi Vàm); ĐT 984C (đường Thới Bình - U Minh); ĐT.983B (đường Láng Trâm - Thới Bình); ĐT.985C (đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc); đường Thới Bình - Biển Bạch; ĐT.990 (đường Ranh Hạt - Chợ Hội); ĐT.983D (đường T 29); ĐT.984E (đường T 11); ĐT.984D (đường Võ Văn Kiệt); ĐT.984B (đường Hai Mùa dọc kênh 7); đường Trại giam Cái Tàu; đường Vành đai 3 thành phố Cà Mau; ĐT.988B (đường Cái Nước - Đầm Dơi); ĐT.988C (đường Cà Mau - Đầm Dơi - Năm Căn); ĐT.985D (đường bờ Nam Sông Đốc); ĐT.987 (đường Đê Tây sông Bảy Háp)...

- Hệ thống đường huyện: Quy hoạch đạt cấp V đồng bằng, lộ giới 30 m; trong đó: mặt nhựa rộng 5,5 m, nền 7,5 m, đất dành cho đường bộ mỗi bên là 10 m. Hệ thống cầu cống đạt tải trọng 0,4HL93.

b) Quy hoạch hệ thống bến bãi

- Bến xe khách liên tỉnh gồm có: Bến xe khách Cà Mau - Kiên Giang; Bến xe khách Quản Lộ - Phụng Hiệp và Bến xe khách Cà Mau (cũ).

- Bến xe khách liên huyện: Quy hoạch đến 2020, nâng cấp hệ thống bến xe đạt tiêu chuẩn cấp III, cụ thể gồm: Bến xe khách Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước, Phú Tân và Năm Căn.

- Bến bãi xe tải: Tất cả các KCN, CCN trong tỉnh sẽ phải dành quỹ đất với tỉ lệ khoảng 1ha/100ha đất toàn KCN, CCN để bố trí bãi đỗ xe tải.

c) Quy hoạch hệ thống đường thủy

Tuyến đường biển cho phép tàu biển ra vào bán đảo Cà Mau: Tuyến sông Cửa Lớn qua cửa Bồ Đề đến cảng Năm Căn là tuyến giao lưu chính bằng đường biển cho khu vực phía Nam bán đảo Cà Mau. Cải tạo nâng cấp luồng cho tàu trọng tải 3.000¸5.000 DWT chở đầy tải.

- Hệ thống đường thủy do Trung ương quản lý gồm các tuyến: cảng Sài Gòn đi Cà Mau Năm Căn (qua kênh Xà No); thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau (tuyến ven biển); Rạch Giá - Cà Mau - cửa sông Ông Đốc; Quản Lộ - Phụng Hiệp; sông Gành Hào; Lương Thế Trân - Đầm Dơi; kênh Cái Nháp; luồng tàu nối thị trấn Rạch Gốc với đảo Hòn Khoai; luồng tàu nối đô thị Sông Đốc tại cảng Ông Đốc với đảo Hòn Chuối tại bến cá Hòn Chuối; tuyến tránh thành phố Cà Mau qua rạch Cái Xu, Tân Thành.

- Hệ thống đường thủy nội địa do tỉnh quản lý gồm các tuyến: Sông Cái Tàu - Biện Nhị; kênh Thị Kẹo - Cái Đôi Vàm; sông Bào Trấu; sông Bảy Háp; Rạch Rập - Đầm Cùng; Năm Căn - Rạch Tàu; sông Rạch Gốc; sông Đầm Dơi; sông Đầm Chim; Kênh Xáng; sông Cái Ngay và Kênh 17.

- Hệ thống đường thủy do huyện quản lý gồm: 33 tuyến, duy trì đạt tiêu chuẩn cấp V, cho phép tàu tự hành, sà lan trọng tải dưới 100 tấn lưu thông.

d) Quy hoạch cảng, bến

- Cảng Năm Căn là cảng tổng hợp chính của tỉnh Cà Mau; cảng sông Ông Đốc là cảng nội địa và cảng nước sâu Hòn Khoai sẽ kết nối với KKT Năm Căn để đáp ứng chuỗi phân phối quy mô khu vực và quốc tế, với hệ thống cung ứng dịch vụ hậu cần cảng biển (logistics) cung cấp các dịch vụ: kho vận, vận chuyển, trung chuyển hàng hóa, xếp dỡ, sắp xếp, đóng gói hàng hóa container... Ngoài ra, có cảng chuyên dùng tại Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

- Hệ thống cảng cá: Theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

- Khu neo đậu tránh bão: Theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 09/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

- Bến tàu khách, hàng hóa: Được quy hoạch, đầu tư xây dựng kết hợp tại trung tâm thành phố và các huyện trên địa bàn tỉnh.

e) Đường hàng không

Cảng hàng không Cà Mau được đầu tư theo Quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không Cà Mau - giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030. Ngoài ra, nhằm phục vụ nhu cầu du lịch, tham quan, quốc phòng, an ninh và khảo sát, thăm dò dầu khí, xem xét khôi phục, nâng cấp bãi đỗ máy bay ở Hòn Khoai và Năm Căn.

6.4. Cấp nước

a) Nguồn nước

Nguồn nước cấp cho vùng chủ yếu là nước ngầm. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ sử dụng nước mặt từ sông Hậu theo Quyết định số 2065/QĐ-TTg ngày 12/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

b) Dự báo nhu cầu dùng nước

- Nhu cầu dùng nước tới năm 2020: Khoảng 217.300 m3/ngày, với các nhu cầu QĐT = 78.000 m3/ngày, QNT = 78.900 m3/ngày, QCN = 60.400 m3/ngày. Tổng nhu cầu dùng nước toàn tỉnh đến năm 2020 Q2020 = 217.300 m3/ngày.

- Nhu cầu dùng nước tới năm 2030 khoảng 279.000 m3/ngày, với các nhu cầu: QĐT = 135.000 m3/ngày, QNT = 75.100 m3/ngày, QCN = 68.800 m3/ngày. Tổng nhu cầu dùng nước toàn tỉnh đến năm 2030 Q2030 = 279.000 m3/ngày.

c) Giải pháp cấp nước

- Đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước thành phố Cà Mau, giai đoạn 2.

- Nghiên cứu phân vùng cấp nước, khai thác hợp lý các công trình cấp nước hiện có; mở rộng, nâng cấp cho từng đô thị trong giai đoạn đầu tư, có định hướng cho giai đoạn sau và phải cân đối và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm. Lưu ý đấu nối hệ thống cấp nước vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Xây dựng mới các nhà máy nước tại các KCN, KKT đảm bảo hiệu quả.

6.5. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang

- Thoát nước thải sinh hoạt các đô thị:

+ Đối với các đô thị lớn đang sử dụng hệ thống cống chung, xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa (có công bao tách nước thải và trạm xử lý nước thải), xây dựng các hố ga tách dòng để thu gom nước thải về khu xử lý nước thải. Xây dựng hệ thống nước thải riêng (nước mưa riêng) có trạm xử lý cho các khu vực xây dựng mới.

+ Xây dựng hệ thống mạng lưới và trạm xử lý nước thải (giai đoạn 2) cho khu trung tâm thành phố Cà Mau. Thành phố Cà Mau (dự kiến 03 trạm xử lý) có tổng công suất các trạm xử lý tính đến năm 2020: 40.000 m3/ngày và đến năm 2030: 69.000 m3/ngày. Các thị trấn huyện lỵ đầu tư xây dựng 01 trạm xử lý nước thải tập trung.

+ Nước thải sinh hoạt tại các thành phố, thị xã, thị trấn phải được xử lý đạt giới hạn theo QCVN 14-2008/BTNMT trước khi xả ra nguồn. Nước thải ở các khu công nghiệp tập trung phải được xử lý đạt giới hạn B của QCVN 40-2011/BTNMT.

- Thoát nước thải dân cư nông thôn: Các thị tứ, cụm dân cư nông thôn tập trung xây dựng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải). Xử lý nước thải bằng ao, hồ sinh học tự nhiên. Các cụm dân cư sống phân tán vận động nhân dân xây dựng nhà vệ sinh hình thức tự thấm, dội nước hợp vệ sinh.

6.6. Chất thải rắn

Thực hiện theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1932/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của UBND tỉnh Cà Mau.

6.7. Nghĩa trang

Do đặc điểm điều kiện địa hình, các đô thị không tập trung, khoảng cách giữa các đô thị cách xa nhau, nên dự kiến sẽ xây dựng các nghĩa trang cấp vùng tỉnh, vùng huyện, liên huyện, liên đô thị.

6.8. Định hướng quy hoạch cấp điện

a) Nguồn điện

Tỉnh Cà Mau được cấp điện từ các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, qua các tuyến cao thế 220 kV, 110 kV, các nhà máy điện phía Nam.

b) Lưới phân phối

- Tuyến trung thế điện áp chuẩn 22 kV, 3 pha. Trạm hạ thế cấp điện áp của trạm hạ thế phân phối là 22/0,4 kV.

- Lưới hạ thế cấp điện áp chuẩn 380/220 V, 3 pha 4 dây, trung tính nối đất; lưới điện chiếu sáng cấp điện áp chuẩn 380/220 V, 3 pha 4 dây, trung tính nối đất.

- Các dạng năng lượng khác: Các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, biogas...

7. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

Với mục tiêu xây dựng vùng tỉnh Cà Mau phát triển kinh tế - xã hội nhanh trong thời gian tới trên cơ sở bền vững, phát huy hiệu quả tiềm năng và nguồn lực. Để tạo động lực phát triển vùng đến năm 2030 cần chương trình và xây dựng các dự án mang tính chất vùng như sau:

Chương trình, chiến lược phát triển vùng

Mục tiêu

Chiến lược phát triển vùng

Chương trình dự án

Thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng (thông qua chiến lược phát triển không gian và hạ tầng diện rộng)

Phát triển vùng đô thị hạt nhân

Phát triển các vùng đô thị (ưu tiên phát triển các đô thị trung tâm vùng), nông thôn

Phát triển các vùng công nghiệp

Phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển các vùng cảnh quan, du lịch (ưu tiên các dự án du lịch quy mô lớn)

Phát triển các đô thị trung tâm tiểu vùng

Phát triển các vùng đô thị, nông thôn

Phát triển các vùng công nghiệp

Phát triển các vùng cảnh quan, du lịch

Phát triển hệ thống cảng biển, giao thông thủy

Xây dựng cảng hỗn hợp tại thành phố Cà Mau

Xây dựng cảng chuyên ngành tại KKT Năm Căn

Xây dựng cảng tại các đô thị dọc các tuyến sông lớn

Nạo vét duy tu hệ thống sông, kênh lớn

Phát triển các tuyến Quốc lộ, đường cao tốc, hành lang ven biển phía Nam

- Nâng cấp Quốc lộ 1:

+ GĐ1: Đoạn Tp. Cà Mau đến Khu kinh tế Năm Căn;

+ GĐ2: Đoạn KKT Năm Căn đến thị trấn Rạch Gốc;

- Nâng cấp Quốc lộ 63.

Xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn đi qua Bạc Liêu)

Phát triển các tuyến đường chính liên kết vùng

Nâng cấp Quốc lộ 1

Xây dựng đường cao tốc Quản Lộ - Phụng Hiệp

Xây dựng tuyến hành lang ven biển phía Nam

Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường tỉnh

Phát triển giao thông công cộng

Phát triển vận tải hành khách công cộng

Xây dựng các đầu mối giao thông liên kết các loại phương tiện giao thông

Nâng cao chất lượng sống

Phát triển các công trình dịch vụ cấp vùng

Xây dựng các trung tâm giáo dục

Xây dựng các trung tâm y tế cấp vùng

Xây dựng khu phi thuế quan; các công trình thương mại, dịch vụ đầu mối

Xây dựng trung tâm thể dục – thể thao

Xây dựng trung tâm hội nghị, triển lãm

Cải thiện môi trường đô thị

Chương trình cải tạo và nâng cấp đô thị

Khu liên hợp xử lý rác

Xây dựng bãi chôn lấp rác tại các đô thị động lực

Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Bảo vệ ngun nước

Chương trình quốc gia bảo vệ nguồn nước ngầm và vùng ngọt hóa

Chương trình nạo vét, cải tạo các hệ thống thủy lợi

Bảo vệ bờ biển, bờ sông

Chương trình dự án chống xói lở bờ biển, bờ sông; dự án nạo vét các luồng lạch phục vụ vận tải biển

Bảo vệ rừng cảnh quan

Chương trình quốc gia bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

Bảo vệ khu bảo tồn

Chương trình bảo vệ các vườn chim, sân chim

* Các chương trình, dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 5-10 năm.

a) Về hạ tầng xã hội

- Tập trung đầu tư xây dựng các công trình: Khu Trung tâm hành chính tỉnh; Trung tâm hành chính thành phố Cà Mau; hoàn thiện hạ tầng các khu đô thị tại thành phố Cà Mau; xây dựng, nâng cấp các trung tâm kinh tế đô thị Năm Căn và Sông Đốc.

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội cấp vùng tại đô thị hạt nhân, trung tâm các tiểu vùng: Trường đại học, Cao đẳng nghề, Trường THPT chuyên của tỉnh; Bệnh viện - nghỉ dưỡng cao cấp, hoàn thành các Bệnh viện chuyên khoa (Tâm thần, Lao - Phổi, Đông Y...) và các công trình giáo dục, y tế... cấp huyện tại các thị trấn, huyện lỵ

- Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp vùng tại thành phố Cà Mau; xây dựng và tôn tạo các khu di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Đầu tư hạ tầng tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư...

b) Về hạ tầng kỹ thuật

- Từng bước đầu tư xây dựng Khu kinh tế Năm Căn và các KCN Khánh An, Sông Đốc và Hòa Trung theo quy hoạch.

- Đường cao tốc Quản lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 63, đường Hành lang ven biển phía Nam.

- Đường tỉnh: Đường Thới Bình - U Minh (ĐT.984C); đường T 11 (ĐT.984E); đường Trí Phải - Thới Bình (ĐT.983); đường Ranh Hạt - Chợ Hội (ĐT.990); đường Láng Trâm - Thới Bình (ĐT.983B); đường Cà Mau - Đầm Dơi - Năm Căn (ĐT.988C); đường bờ Nam sông Ông Đốc (ĐT.985D); đường T29 (ĐT.983D); đường Gành Hào - Đầm Dơi - Cái Nước - Cái Đôi Vàm (ĐT.986); đường Rau Dừa - Rạch Ráng (ĐT.985); đường Vành đai 3 (thành phố Cà Mau); đường Cà Mau - Đầm Dơi - Năm Căn (ĐT.988C)...

8. Giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và phát triển

- Có giải pháp bảo vệ thiên nhiên, các di sản văn hóa - lịch sử phục vụ cho phát triển du lịch dịch vụ; xử lý hiện trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn cho nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, bảo vệ môi trường đất, môi trường không khí; bảo vệ quỹ rừng, các hệ sinh thái đặc trưng.

- Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thông qua các biện pháp: giám sát, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm; đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đối với từng dự án; tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thích hợp trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

- Xây dựng Quy chế quản lý bảo vệ môi trường và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường đối với các vùng bảo tồn, hạn chế phát triển; vùng dân cư đô thị và khu du lịch; vùng rừng phòng hộ, vành đai xanh, hành lang xanh và hệ thống cây xanh công cộng; vùng nông thôn... Cụ thể như: Chương trình khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển; xây dựng hệ thống đê biển Đông và biển Tây; chương trình vệ sinh môi trường nông thôn; bảo tồn các khu vực rừng quốc gia U Minh, Đất Mũi và lập các trạm quan trắc môi trường tại các khu công nghiệp.

9. Giải pháp thực hiện quy hoạch xây dựng vùng

- Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, trước mắt ưu tiên lập quy hoạch chung các đô thị trung tâm các tiểu vùng, các đô thị, các khu kinh tế, khu du lịch... có điều kiện phát triển; xây dựng các chương trình đầu tư xây dựng và phát triển vùng theo kế hoạch.

- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù thực hiện quy hoạch: Đô thị Năm Căn và Sông Đốc, Khu kinh tế Năm Căn và các KCN...

- Tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư và thu hút các nguồn vốn; chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch, làm tốt công tác tái định cư phục vụ cho thu hút đầu tư, phát triển các dự án đầu tư xây dựng.

- Coi trọng công tác tư tưởng, chính trị, phát huy dân chủ trong cộng đồng và vai trò tham dự của dân cư trong việc tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.

- Tăng cường phát triển các mối quan hệ liên vùng, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành trong khu vực, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ), nhằm huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển vùng.

- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tiếp tục tiếp thu, cập nhật các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; ý kiến tham gia góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhân dân... để xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển từng giai đoạn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Tổ chức công bố, công khai thông tin và nội dung Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt theo quy định để tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân biết, thực hiện.

- Chịu trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh Cà Mau quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; rà soát, đề xuất kế hoạch việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

- Giúp UBND tỉnh quản lý, lưu giữ hồ sơ quy hoạch để phục vụ công tác quản lý, cung cấp các thông tin quy hoạch xây dựng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.

2. UBND các huyện, thành phố Cà Mau

- Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo quy định.

- Rà soát, đề xuất kế hoạch việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng trên địa bàn làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tnh;
-
Các Sở: KH&ĐT, TN&MT, TC, CT, YT, GD&ĐT;
-
Ban Quản lý Khu kinh tế;
- CVP, các PVP UBND tnh;
-
Cổng Thông tin điện tử tnh;
-
Trung tâm CB-TH;
-
Phòng: Xây dựng (Ph), NN-NĐ;
- Lưu: VT,Mi28/7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH

PHÓ
CHỦ TỊCH





Dương Tiến Dũng

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 896/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu896/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/06/2015
Ngày hiệu lực30/06/2015
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 896/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 896/QĐ-UBND 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2020 Cà Mau


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 896/QĐ-UBND 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2020 Cà Mau
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu896/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Cà Mau
                Người kýDương Tiến Dũng
                Ngày ban hành30/06/2015
                Ngày hiệu lực30/06/2015
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcXây dựng - Đô thị
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật9 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 896/QĐ-UBND 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2020 Cà Mau

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 896/QĐ-UBND 2015 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2020 Cà Mau

                  • 30/06/2015

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 30/06/2015

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực