Nội dung toàn văn Quyết định 9-HĐBT tổ chức bộ máy điều động lao động dân cư giữa các vùng trong nước
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9-HĐBT | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 1981 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 9 - HĐBT NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM 1981 VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY ĐIỀU ĐỘNG LAO ĐỘNG VÀ DÂN CỨ GIỮA CÁC VÙNG TRONG NƯỚC
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ quyết định số 217 - CP ngày 29 tháng 5 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ Lao động nhiệm vụ tổ chức điều động lao động và dân cư giữa các vùng trên địa bàn cả nước;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao đông,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 - Thành lập hệ thống bộ máy làm nhiệm vụ tổ chức điều động lao động và dân cư trên địa bàn cả nước, như sau:
1. Ở trung ương thành lập Cục tổ chức điều động lao động và dân cư gọi tắt là Cục điều động lao động trực thuộc Bộ Lao động.
Cục điều động lao động có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Lao động:
- Tổng hợp yêu cầu về điều động lao động và dân cư của các ngành, các địa phương (bao gồm cả dự trù về kinh phí, vật tư và những nhu cầu khác phục vụ cho việc điều động lao động và dân cư) để tham gia với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước xây dựng dự án kế hoạch phân bố, điều động lao động và dân cư hàng năm và 5 năm trình Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt.
- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, phân bổ cụ thể chỉ tiêu điều động lao động và dân cư cho các địa phương và các ngành; tổ chức cụ thể việc điều động lao động và dân cư giữa các vùng trên địa bàn cả nước bản đảm đúng tiêu chuẩn, chính sách, thời gian và hiệu quả kinh tế.
- Phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ quyết định các chính sách và chế độ phục vụ nhiệm vụ điều động lao động và dân cư giữa các vùng; hướng dẫn và kiểm tra các ngành và các địa phương thực hiện các chính sách, chế độ ấy.
2. Ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, nơi nào có nhiệm vụ điều động nhiều lao động và dân cư thì được thành lập Chi cục điều động lao động và dân cư gọi tắt là Chi cục điều động lao động.
Chi cục điều động lao động có nhiệm vụ tổ chức điều động lao động và dân cư (bao gồm cả đi trong tỉnh và đi ngoài tỉnh) theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao cho tỉnh, thành phố. Chi cục điều động lao động chịu sự chỉ đạo hai chiều của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (qua Sở, Ty lao động)và của Bộ Lao động (Cục điều động lao động và dân cư).
3. Ở huyện và cấp tương đương có nhiệm vụ điều động nhiều lao động và dân cư thành lập Ban lao động trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện.
Ban lao động có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân huyện quản lý thống nhất về công tác lao động và tiền lương và tổ chức điều động lao động và dân cư của huyện (Ban lao động huyện thành lập bằng các sát nhập bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ điều động lao động và dân cư trong Ban nông - lâm nghiệp và bộ phận lao động trong Ban tổ chức - lao động - xã hội của huyện).
Ở những xã có điều dân đi và tiếp nhận dân đến có một cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ điều động lao động và dân cư.
4. Việc thành lập các chi cục điều động lao động và dân cư và ban lao động huyện do đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động và đồng chí Trưởng ban Ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn thi hành.
Điều 2 - Cục điều động lao động do cục trưởng phụ trách và một số phó cục trường giúp việc.
Chi cục điều động lao động do một phó giám đốc Sở hoặc phó trưởng Ty lao động làm chi cục trưởng và có thể có chi cục phó giúp việc.
Ban lao động có một phó ban lao động phụ trách công tác tổ chức và điều động lao động và dân cư.
Điều 3 - Cục và các chi cụ điều động lao động là đơn vị sự nghiệp thống nhất quản lý việc phân phối sử dụng kinh phí, vật tư nhiên liêu, một số phương tiện vận chuyển, trạm trung chuyển và có con dấu riêng.
Điều 4 - Bộ trưởng Bộ Lao động quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của hệ thống bộ máy điều động lao động và dân cư theo yêu cầu gọn nhẹ, có hiệu quả thiết thực. Căn cứ vào số lượng lao động và dân cư điều động hàng năm, Bộ trưởng Bộ Lao động quyết định số biên chế của Cục điều động lao động và của hệ thống cơ quan điều động lao động ở địa phương. Số cán bộ này không tính vào biên chế hành chính của Bộ Lao động và các địa phương mà tính vào biên chế của ngành hoạt động sự nghiệp kinh tế thuộc ngành lao động.
Điều 5 - Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng các Bộ Lao động, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Tài chính, Quốc phòng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng ban Ban tổ chức của Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Đỗ Mười (Đã ký) |