Nội dung toàn văn Quyết định 90/2005/QĐ-BNV Điều lệ sửa đổi Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/2005/QĐ-BNV | Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ SỬA ĐỔI CỦA HIỆP HỘI TƯ VẤN XÂY DỰNG VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ sắc lệnh số 102/SL-2004 ngày ban hành Luật quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ sửa đổi của Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt đã được Đại hội nhiệm kỳ III của Hiệp hội thông qua.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt , Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐIỀU LỆ
HIỆP HỘI TƯ VẤN XÂY DỰNG VIỆT NAM (SỬA ĐỔI)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 90/2005/QĐ-BNV ngày 26/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
Chương 1:
TÊN GỌI - MỤC ĐÍCH - NHIỆM VỤ
Điều 1. Tên gọi
Tên tiếng Việt: Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam.
Tên tiếng Anh: Vietnam Engineering Consultant Association
Tên viết tắt tiếng Anh: VECAS.
Điều 2. Mục đích
Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (dưới đây gọi tắt là hiệp hội) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong cả nước được phép hành nghề tư vấn xây dựng các công trình.
Mục đích của Hiệp hội là:
- Phát triển nghề nghiệp tư vấn xây dựng vì lợi ích của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở khai thác sử dụng tốt tiềm năng của mỗi đơn vị thành viên; cùng phân công, hợp tác tạo được một thị trường ổn định, kinh doanh đúng pháp luật của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công trình.
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên hành nghề tư vấn và nâng cao uy tín nghề nghiệp.
- Xúc tiến việc trao đổi nghề nghiệp, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và các thông tin cần thiết giữa các thành viên và với tổ chức tư vấn nước ngoài.
Điều 3. Phạm vi hoạt động
Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam có trụ sở đóng tại Hà Nội và có các chi nhánh, văn phòng đại diện tại các nơi khác ở trong và ngoài nước khi có yêu cầu và theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước.
Hiệp hội có chi hội tại các địa phương trong nước và chi hội tư vấn xây dựng Việt Nam ở nước ngoài khi được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Địa vị pháp lý của hiệp hội
Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng - cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về xây dựng của Việt Nam.
Hiệp hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Nhiệm vụ của hiệp hội
1. Làm cho các doanh nghiệp hành nghề tư vấn xây dựng thấy sự cần thiết phấn đấu vì mục đích nâng cao nghề nghiệp, phối hợp hoạt động trong hiệp hội.
2. Thu thập ý kiến của hội viên và kiến nghị với Chính phủ, cơ quan chức năng của Nhà nước về cơ chế chính sách nói chung và đối với công tác tư vấn xây dựng nói riêng.
3. Xây dựng và duy trì việc thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp nhằm hướng dẫn nghiệp vụ, thống nhất hành động của các thành viên phù hợp với tính trách nhiệm và tính khách quan của nghề nghiệp.
4. Giới thiệu năng lực và quá trình hoạt động của các doanh nghiệp tư vấn Việt Nam với các tổ chức trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.
5. Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước giải quyết các hành động vi phạm, làm thiệt hại lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng các công trình theo quy định của pháp luật.
6. Thu thập và cung cấp cho các thành viên các thông tin kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý, phục vụ cho công tác tư vấn xây dựng, không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ của các thành viên theo quy định của pháp luật.
7. Xúc tiến việc liên kết hợp tác của các thành viên trong việc hành nghề tư vấn nhằm phát huy thế mạnh tổng hợp của ngành tư vấn xây dựng Việt Nam, làm đầu mối hòa giải giữa các hội viên khi có bất đồng.
8. Quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tạo môi trường phát triển cho ngành tư vấn xây dựng Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Quyền hạn của hiệp hội
1. Chủ động quan hệ với các cơ quan Nhà nước để tìm hiểu, tham gia và kiến nghị các chính sách có liên quan tới ngành tư vấn xây dựng.
2. Tìm hiểu thị trường tư vấn xây dựng, giới thiệu hoạt động của các thành viên giúp cho việc chọn thầu tư vấn được chính xác và hợp lý, giới thiệu việc cho các thành viên.
3. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, báo cáo chuyên đề về dịch vụ tư vấn xây dựng các công trình, tọa đàm, trao đổi ý kiến tổ chức tham quan, khảo sát trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức thu thập và cung cấp thông tin cho hội viên về tư vấn xây dựng.
5. Khi cần thiết Thường trực hiệp hội hoặc đại diện của Thường trực hiệp hội ở từng vùng sẽ chủ trì họp với các thành viên, bàn về hợp tác, thống nhất hành động, giúp đỡ nhau cùng phát triển trên cơ sở hiệp thương cùng có lợi.
6. Hiệp hội tôn trọng và bảo vệ quyền tự chủ kinh doanh, tự do cạnh tranh của các thành viên đồng thời tiếp xúc, góp ý khi thành viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
7. Xét thấy cần thiết có thể thành lập các Trung tâm theo quy định của pháp luật để tiến hành công tác đào tạo, huấn luyện và cung cấp các thông tin chuyên ngành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng các công trình.
Chương 2:
HỘI VIÊN
Điều 7. Hội viên
Hội viên của hiệp hội bao gồm: Hội viên chính thức và hội viên liên kết.
1. Hội viên chính thức của hiệp hội là các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng các công trình của Việt Nam có tư cách pháp nhân hành nghề, có năng lực và tín nhiệm, nếu tán thành quy chế, tự nguyện làm đơn xin gia nhập hiệp hội và đóng hội phí thì sẽ được xem xét và nếu đủ điều kiện sẽ được kết nạp vào hiệp hội.
2. Hội viên liên kết là các doanh nghiệp của người nước ngoài hoặc liên doanh giữa người Việt Nam và người nước ngoài có đăng ký hoạt động hợp pháp ở Việt Nam, các doanh nghiệp của người Việt Nam có đăng ký và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
3. Hiệp hội mời một số nhà khoa học, quản lý là công dân của Việt Nam có năng lực, có uy tín và có nhiều đóng góp cho ngành tư vấn, có điều kiện hoạt động cho hiệp hội làm thành viên, hoặc làm cố vấn hiệp hội. Hiệp hội có suy tôn hội viên danh dự của hiệp hội.
4. Thủ trưởng các đơn vị tư vấn là người đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp để tham gia hiệp hội. Đối với các đơn vị có Hội đồng Quản trị thì người đại diện tham gia hiệp hội do đơn vị đề cử có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc).Trường hợp người đại diện có quyết định thay đổi công tác hoặc nghỉ hưu, người thủ trưởng thay thế đương nhiên là người kế tục đại diện của đơn vị thành viên.
Điều 8. Thủ tục gia nhập và xin ra khỏi hiệp hội
1. Các đơn vị tổ chức xin gia nhập cần nộp một số hồ sơ như sau cho Thường trực hiệp hội:
- Đơn xin gia nhập hiệp hội có chữ ký của thủ trưởng đơn vị và có dấu pháp nhân.
- Bản sao quyết định thành lập đơn vị.
- Bản kê khai năng lực của đơn vị gồm: vốn, thiết bị, trình độ nghiệp vụ kỹ thuật, số lượng cán bộ kỹ thuật, số lượng kỹ sư, công nhân viên ... và các dự án lớn về tư vấn.
2. Thường trực Hội đồng hiệp hội bàn bạc và quyết định việc kết nạp hội viên mới, khi có trên 2/3 số thành viên Thường trực Hội đồng hiệp hội hiện có mặt tán thành.
3. Hội viên muốn ra khỏi Hiệp hội cần làm đơn nộp cho Thường trực hiệp hội xem xét để trình Thường trực Hội đồng hiệp hội thông qua, sau đó sẽ thông báo cho hội viên bằng văn bản.
Điều 9. Nghĩa vụ và quyền lợi của hội viên
1. Nghĩa vụ của hội viên:
a) Thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, của Hội đồng hiệp hội, Thường trực Hội đồng hiệp hội, các thỏa thuận thông qua hiệp thương nhất trí của các hội viên.
b) Giữ gìn danh dự và đạo đức nghề nghiệp tư vấn, tích cực đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, làm hại tới danh dự và quyền lợi của hội viên cũng như của hiệp hội.
c) Đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ các hội viên khác.
d) Cung cấp cho hiệp hội các thông tin về: thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quản lý để góp phần phát triển công tác tư vấn.
e) Đóng lệ phí tham gia hiệp hội, đóng hội phí năm 01 (một) lần vào quý I hàng năm.
f) Các thành viên được cấp chứng chỉ hội viên của hiệp hội.
g) Hội viên có nhiệm vụ báo cáo thường kỳ 06 (sáu) tháng một lần về tình hình hoạt động của đơn vị cho Thường trực Hội đồng hiệp hội.
2. Quyền lợi của Hội viên:
a) Báo cáo và đề nghị cơ quan thường trực của hiệp hội để Hội đồng hiệp hội xem xét, kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước hoặc báo cáo Chính phủ giải quyết các tồn tại về cơ chế, chính sách, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các hội viên và sự phát triển của ngành tư vấn xây dựng.
b) Được yêu cầu cơ quan Thường trực hiệp hội làm trung gian hòa giải những tranh chấp của các hội viên, sau khi các hội viên đã hiệp thương nhưng không giải quyết được
c) Tham gia các hội thảo, hội nghị, tập huấn do hiệp hội tổ chức, được sử dụng các thông tin kinh tế, kỹ thuật, khoa học do Hiệp hội thu thập.
d) Được ghi tên trong danh sách giới thiệu quá trình và năng lực của các hội viên trong hiệp hội, để giới thiệu trong và ngoài nước.
e) Được tham gia biểu quyết Nghị quyết của Đại hội, ứng cử, đề cử vào Hội đồng hiệp hội.
f) Các thành viên được cấp Chứng chỉ Hội viên của hiệp hội.
g) Hội viên liên kết của hiệp hội được hưởng mọi quyền lợi của hội viên trừ quyền biểu quyết các công việc của hiệp hội, quyền ứng cử và bầu cử vào Hội đồng hiệp hội.
Chương 3:
TỔ CHỨC - QUẢN LÝ - ĐIỀU HÀNH
Điều 10. Nguyên tắc hoạt động của hiệp hội
Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam hoạt động theo chế độ tập trung dân chủ và theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên và do Hội đồng của hiệp hội quản lý.
Điều 11. Tổ chức của Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam bao gồm:
1. Đại hội và Hội nghị giữa 2 kỳ Đại hội của Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam.
2. Hội đồng hiệp hội và Thường trực Hội đồng hiệp hội.
3. Các tiểu ban chuyên môn của hiệp hội.
4. Đại diện của hiệp hội tại các khu vực địa phương trong toàn quốc theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Đại hội của hiệp hội:
1. Đại hội của hiệp hội là cơ quan cao nhất của hiệp hội, được triệu tập 5 năm một lần.
2. Đại hội có nhiệm vụ:
a) Thảo luận, thông qua báo cáo về hoạt động và tài chính của nhiệm kỳ trước.
b) Phê duyệt phương án hoạt động thời gian tới.
c) Bầu ra Hội đồng hiệp hội nhiệm kỳ mới.
d) Sửa đổi Điều lệ hiệp hội (nếu có)
3. Trong một nhiệm kỳ đại hội có hội nghị giữa kỳ để kiểm tra, thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết Đại hội. Khi có ít nhất 2/3 số ủy viên Hội đồng Hiệp hội hoặc quá nửa số hội viên đề nghị, Hội đồng Hiệp hội được phép triệu tập hội nghị bất thường.
Điều 13. Hội đồng hiệp hội:
1. Hiệp hội được lãnh đạo bởi một Hội đồng hiệp hội; Hội đồng hiệp hội đại diện hiệp hội, số thành viên của Hội đồng hiệp hội được Đại hội hiệp hội trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ của Hội đồng hiệp hội là 5 năm. Thành viên của Hội đồng hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc kiêm nhiệm, đứng đầu Hội đồng hiệp hội là Chủ tịch Hội đồng hiệp hội.
2. Hội đồng hiệp hội ít nhất 6 tháng họp một lần xem xét, đánh giá quá trình
hoạt động của hiệp hội và bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết của Đại hội.
Điều 14. Thường trực của Hội đồng hiệp hội:
Hội đồng hiệp hội bầu ra một Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch, một Tổng thư ký và một số ủy viên Thuờng trực hợp thành cơ quan Thường trực của Hội đồng hiệp hội; trong trường hợp cần có bộ máy gọn nhẹ riêng thì do Hội đồng hiệp hội quyết định cụ thể. Tùy theo nhu cầu công tác, Hội đồng hiệp hội có thể cử ra một số tiểu ban chuyên môn, đại diện cho hiệp hội ở một số vùng theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng hiệp hội, Thường trực Hội đồng hiệp hội, các tiểu ban của hiệp hội
Hội đồng Hiệp hội, Thường trực Hội đồng Hiệp hội, các tiểu ban hoạt động theo quy chế do Hội đồng Hiệp hội quy định.
Điều 16. Hoạt động kiểm tra của hiệp hội
Hội đồng hiệp hội bầu ra một ủy viên kiểm tra có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành các Nghị quyết của Đại hội hiệp hội, của Hội đồng hiệp hội và hiệp hội. Uỷ viên kiểm tra hoạt động độc lập với Thường trực Hội đồng hiệp hội, có trách nhiệm báo cáo định kỳ trước Hội đồng hiệp hội.
Chương 4:
TÀI CHÍNH CỦA HIỆP HỘI
Điều 17. Quy định về đóng hội phí hiệp hội của hội viên
Hội phí hội viên đóng mỗi năm một lần vào quý I trong năm, lệ phí vào Hiệp hội đóng một lần khi gia nhập Hiệp hội. Mức hội phí và lệ phí do Đại hội hiệp hội quyết định.
Điều 18. Nguồn thu của hiệp hội
Hiệp hội có tài khoản được quản lý sử dụng theo quy định của hiệp hội. Nguồn thu của Hiệp hội gồm:
- Lệ phí tham gia Hiệp hội
- Hội phí hàng năm
- Ủng hộ, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật
- Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Phần chi của Hiệp hội
1. Chi cho hoạt động của Hiệp hội
2. Chi cho khen thưởng
Chương 5:
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
Điều 20. Khen thưởng
Những thành viên có thành tích hoàn thành nhiệm vụ, hoạt động xuất sắc, có thành tích trong đổi mới quản lý, hợp tác giúp đỡ các thành viên khác, có thành tích góp phần xây dựng hiệp hội phát triển vững mạnh được hiệp hội khen thưởng.
Điều 21. Kỷ luật
1. Các hội viên hoạt động trái với Điều lệ hiệp hội, làm tổn hại đến danh dự, quyền lợi của hiệp hội phải chịu kỷ luật phê bình hoặc khai trừ khỏi hiệp hội.
2. Hội viên trong 3 năm liền không đóng niên phí mà không có báo cáo lý do hoặc đề nghị xin ra khỏi hiệp hội sẽ có quyết định xóa tên trong danh sách hội viên của hiệp hội.
Chương 6:
ĐIỂU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Điều lệ này gồm có 6 Chương, 22 Điều đã được Đại hội nhiệm kỳ III Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 4 năm 2005 và có hiệu lực thi hành theo quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ và chỉ có Đại hội toàn thể của hiệp hội mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này./.