Nội dung toàn văn Quyết định 93/2002/QĐ-BNN quy chế hoạt động Ban điều hành Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc 2001-2005
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/2002/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ VÀ THEO DÕI DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN RỪNG TOÀN QUỐC THỜI KỲ 2001-2005
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ vào Nghị định 73/CP ngày 01/11/1999 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ vào Quyết định số 10/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kết quả Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 2001-2005;
Căn cứ vào Quyết định số 1876/QĐ-BNN-KH ngày 20/5/2002 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt đề cương và dự toán Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời 2001-2005;
Căn cứ vào Quyết định số 3287/QĐ-BNN-TCCB ngày 14/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Ban điều hành Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời 2001-2005;
Theo đề nghị của vụ Kế hoạch và quy hoạch, Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành quy chế hoạt động của Ban điều hành Chương trình Điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 2001-2005 (có văn bản kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên trong Ban điều hành, các đơn vị thực thi (Viện Điều tra quy hoạch rừng, Cục Kiểm lâm), các Cục, Vụ liên quan, Chánh văn phòng Bộ có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ VÀ THEO DÕI DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN RỪNG TOÀN QUỐC THỜI KỲ 2001-2005
(Ban hành kèm theo quyết định số 93/2002/QĐ-BNN ngày 28/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban điều hành chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc (viết tắt là ĐTĐG & TDDBTNRTQ) thời kỳ 2001-2005 được thành lập theo quyết định số 3287/BNN-TCCB ngày 14/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm:
- Trưởng ban: 01 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Phó trưởng ban: 01 lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Quy hoạch;
- Các uỷ viên:
+ 01 Lãnh đạo cục Kiểm Lâm
+ 01 Lãnh đạo Cục phát triển lâm nghiệp;
+ 01 Lãnh đạo Viện Điều tra Quy hoạch rừng;
+ 01 Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư;
+ 01 Đại diện Bộ Tài chính;
+ 01 Đại diện Vụ Tài chính kế toán
Điều 2. Ban điều hành Chương trình ĐTĐG&ĐTBTNRTQ thời kỳ 2001-2005 có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và chỉ đạo thực hiện Chương trình cụ thể là:
1. Xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động của Chương trình ĐTĐQ & TDDBTNRTQ thời kỳ 2001-2005, kế hoạch hàng năm, cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện Chương trình; lập dự toán và dự kiến phân bổ kinh phí hàng năm gửi về vụ Kế hoạch và Quy hoạch, vụ Tài chính kế toán để tổng hợp vào kế hoạch chung của Bộ, trình Bộ trưởng quyết định và chỉ đạo thực hiện theo Quyết định số 10/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Phối hợp với các Cục, Vụ liên quan chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực thi thực hiện việc lồng ghép hoạt động của các chương trình, dự án và chính sách liên quan đến chương trình ĐTĐG và TDDBTNRTQ thời kỳ 2001-2005;
3. Định kỳ: 3 tháng, 6 tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ và kết quả thực hiện chương trình;
4. Chủ trì tổ chức sơ kết hàng năm và tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình.
Chương 2:
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 3. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tiến độ thực hiện và kết quả chương trình, phân công các thành viên trong Ban điều hành chỉ đạo thực hiện các nội dung, dự án của Chương trình, cụ thể:
- Quyết định nội dung hoạt động hàng năm của từng đơn vị tham gia thực thi chương trình;
- Quyết định phân bổ hạn định mức kinh phí để đảm bảo Chươn trình vận hành đúng tiến độ và nội dung xác định;
- Ban hành thiết chế phối hợp thực hiện Chương trình giữa các đơn vị và các địa phương tham gia.
Điều 4. Phó trưởng Ban có nhiệm vụ:
- Giúp trưởng ban thực hiện các nhiệm vụ trên và xử lý các vấn đề phát sinh của Chương trình;
- Giúp trưởng ban thành lập và tổ chức Hội đồng nghiệm thu hàng năm để công bố số liệu;
- Tổ chức lực lượng phối hợp để kiểm tra các đơn vị tham gia thực thi Chương trình tại những thời điểm cần thiết;
- Tổ chức việc công bố số liệu diễn biến tài nguyên rừng toàn chu kỳ tại thời điểm tổng kết chu kỳ.
Điều 5. Các uỷ viên Ban điều hành có nhiệm vụ:
- Chịu sự phân công của Ban điều hành, phối hợp với các thành viên khác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Các uỷ viên chịu trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động của Chương trình với Bộ chủ quản.
Điều 6. Tổ chức các tiểu ban trong Ban điều hành đảm bảo cho việc vận hành thực thi Chương trình, cụ thể:
1. Tiểu ban kế hoạch kỹ thuật:
a. Thành phần bao gồm:
- 01 lãnh đạo Cục Kiểm lâm: Trưởng tiểu ban.
- 01 lãnh đạo Cục Phát triển lâm nghiệp: Uỷ viên.
- 01 lãnh đạo Viện điều tra quy hoạch rừng: Uỷ viên.
- 01 đại diện Bộ kế hoạch đầu tư: Uỷ viên
b. Chức năng nhiệm vu của tiểu ban:
- Lập kế hoạch hoạt động hàng năm cho tiểu ban.
- Xét duyệt kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm cho các đơn vị thamgia thực hiện Chương trình.
- Phối hợp thực hiện Chương trình đúng nội dung, tiến độ đã xác định.
- Chịu trách nhiệm về công việc, sử dụng nguồn kinh phí hàng năm theo chế độ quy định của Nhà nước.
- Cung cấp, trao đổi và chia sẻ thông tin theo thiết chế quy định của Ban điều hành.
2. Tiểu ban tài chính:
a. Thành phần bao gồm:
- 01 Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Quy hoạch: Phó Ban điều hành kiêm trưởng tiểu ban.
- 01 Đại diện Bộ Tài chính: Uỷ viên
- 01 Đại diện vụ Tài chính kế toán: Uỷ viên
b. Chức năng nhiệm vụ của tiểu ban:
- Xét duyệt kế hoạch kinh phí hàng năm cho các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình.
- Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí theo tiến độ thực hiện của từng đơn vị.
Chương 3:
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Điều 7. Các thành viên trong Ban điều hành thảo luận những vấn đề quan trọng của Chương trình để trình Bộ, cụ thể:
- Nội dung, kế hoạch thực hiện hàng năm và dự kiến phân bổ nguồn kinh phí của Chương trình cho các đơn vị, địa phương thực thi.
- Cơ chế phối hợp, lồng ghép, kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của Chương trình.
- Đánh giá kết quả thực hiện Chương trìnhvà công tác thi đua khen thưởng.
Điều 8. Trưởng Ban điều hành Chương trình triệu tập và chủ toạ các phiên họp bất thường để xử lý các công việc cấpbách, cần thiết liên quan đến nhiệm vụ của Chương trình. Trưởng ban có thể uỷ quyền cho phó trưởng ban chủ toạ phiên họp. Các phiên họp phải được thôngbáo bằngvăn bản cho các thànhviên về nội dung, thời gian và địa điểm trước 5 ngày.
Các thành viên có trách nhiệm bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban điều hành. Trường hợp các thành viên không tham dự họp được phải uỷ quyền bằng văn bản cho người dự họp thay.
Điều 9. Định kỳ sinh hoạt hàng năm của Ban điều hành:
Mỗi năm Ban điều hành họp ít nhất là hai lần (trừ trưởng hợp đột xuất).
- Lần thứ nhất họp vào giữa năm: Sơ kết tình hình hoạt động của sáu tháng đầu năm, tổ chức lực lượng và lập kế hoạch kiểm tra, rút kinh nghiệm cho việc hoạt động trong thời gian tiếp theo.
- Lần thứ hai họp vào cuối năm: Tổng kết việc thực hiện Chương trình trong năm, thống nhất số liệu để công bố và lập kế hoạch hoạt động cho năm tới.
Các tiểu ban phải họp trước khi họp toàn thể, để tổng hợp các nội dung hoạt động cũng như các kiến nghị, đề xuất.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Quy chế này được áp dụng cho Ban điều hành Chương trình ĐTĐG & TDDBTNRTQ thời kỳ 2001- 2005, các Cục, Vụ, Viện liên quan và các đơn vị thực thi Chương trình.
Điều 11: Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Ban điều hành Chương trình tổng hợp các ý kiến, đề xuất nội dung, sửa đổi trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.