Nội dung toàn văn Quyết định 938/QĐ-UBND 2019 Quy chế phối hợp xử lý người nước ngoài chết Khánh Hòa
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 938/QĐ-UBND |
Khánh Hòa, ngày 04 tháng 4 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CHẾT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Hộ tịch ngày 20/11/2014;
Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16/6/2014;
Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25/11/2015;
Căn cứ Bộ Luật tố tụng hình sự ngày 27/11/2015;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 123/2015/NĐ-CP">15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số: 208/TTr-SNgV ngày 26/02/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp xử lý người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2605/QĐ-UBND ngày 06/9/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy chế phối hợp và quy trình xử lý người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm pháp y tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP XỬ LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CHẾT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 04/4/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức và quy trình phối hợp; nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý người có quốc tịch nước ngoài (sau đây gọi tắt là người nước ngoài, bao gồm người hai quốc tịch) chết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhằm tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết hậu sự cho người nước ngoài được nhanh chóng, đúng pháp luật.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp và xử lý vụ việc
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
1. Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức; bảo đảm yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời gian phối hợp; đề cao vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan.
2. Cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho cơ quan đầu mối (Sở Ngoại vụ) khi xảy ra trường hợp người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
3. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp, đề cao trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia thực hiện công tác phối hợp.
4. Xử lý vụ việc phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và theo nguyên tắc có đi có lại.
Chương II
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
Điều 3. Cơ chế phối hợp và nội dung thông tin
Khi phát hiện có người nước ngoài chết tại địa phương, các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần thông báo ngay cho Sở Ngoại vụ. Những thông tin cần thiết về nhân thân người chết gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh và nơi sinh, giới tính, quốc tịch, hộ chiếu, nơi cấp, ngày cấp; nơi thường trú ở nước ngoài; nơi lưu trú tại Việt Nam; các thông số về giấy tờ tùy thân khác (nếu có); thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh Việt Nam; nguyên nhân chết, các tình tiết vụ việc kèm theo bản chụp các giấy tờ tùy thân và các giấy tờ khác có liên quan của người nước ngoài chết.
Điều 4. Trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức
1. Sở Ngoại vụ
- Là cơ quan đầu mối tại địa phương trong việc trao đổi thông tin và phối hợp xử lý các trường hợp người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn và hỗ trợ thân nhân của người nước ngoài chết gồm một trong những người sau: cha, mẹ, vợ (hoặc chồng), con; anh, chị em ruột hoặc những người thân thuộc khác như: chú, bác, cô, dì, cậu ruột nếu những người nêu trên không còn; hoặc người được ủy quyền hợp pháp (sau đây gọi là thân nhân của người chết) về các thủ tục hậu sự cho người chết.
2. Công an tỉnh
- Chủ trì, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện điều tra, xác minh và tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật và của ngành để làm rõ vụ việc người nước ngoài chết tại tỉnh; thông tin kịp thời cho Sở Ngoại vụ về tiến trình xử lý, kết quả điều tra vụ việc.
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng địa phương có liên quan xử lý, giải quyết vụ việc người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
3. Sở Y tế
- Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện tốt công tác tiếp nhận, lưu giữ thi hài người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh trong thời gian chờ ý kiến xử lý của Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (viết tắt là CQĐDNN) và Bộ Ngoại giao theo đúng quy định; cung cấp toàn bộ bản sao hồ sơ bệnh án của người nước ngoài chết tại bệnh viện cho Sở Ngoại vụ để gửi cho CQĐDNN khi có yêu cầu.
- Giảm chi phí lưu giữ thi hài người nước ngoài đối với những trường hợp thân nhân của người chết có hoàn cảnh quá khó khăn (có Công hàm đề nghị của CQĐDNN): thanh toán mức phí bảo quản thi hài như đối với người Việt Nam.
- Không thu phí lưu giữ, bảo quản thi hài đối với các trường hợp người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh không có người nhận. Đối với các trường hợp này, đơn vị tổng hợp báo cáo Sở Tài chính và UBND tỉnh đề nghị cuối năm cấp kinh phí bổ sung theo mức phí bảo quản thi hài như đối với người Việt Nam.
4. Sở Du lịch
- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh phổ biến, quán triệt và hướng dẫn khách du lịch nước ngoài chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Y tế và các cơ quan chức năng xử lý và giải quyết các hợp người nước ngoài là khách của các doanh nghiệp lữ hành gặp rủi ro, sự cố trên địa bàn tỉnh.
5. Viện Kiểm sát nhân dân, Tổ chức giám định pháp y tỉnh, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa và Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Cơ quan công an và các cơ quan chức năng liên quan tham gia xử lý và giải quyết các trường hợp người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Tạo điều kiện và hướng dẫn cho thân nhân của người chết về các thủ tục liên quan đến việc chuyển thi hài/tro cốt của người chết về nước.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài, việc cấp Trích lục chứng tử cho người nước ngoài chết tại địa phương theo đúng quy định của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết hậu sự đối với trường hợp người nước ngoài chết trên địa bàn quản lý nhưng không có người nhận theo quy định như đối với người vô thừa nhận chết trên địa bàn tỉnh.
7. Các cơ quan có thẩm quyền liên quan
- Khi xảy ra các vụ việc người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời bằng văn bản về Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh để phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và CQĐDNN giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Thực hiện việc cấp Giấy báo tử, Giấy Chứng tử cho người nước ngoài chết tại Việt Nam và phối hợp giải quyết hậu sự đối với người nước ngoài chết tại tỉnh theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Chương III
XỬ LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CHẾT
Điều 5. Phối hợp xử lý người nước ngoài chết
1. Thông báo cho CQĐDNN
Khi nhận được thông báo có người nước ngoài chết trên địa bàn tỉnh, Cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý phối hợp với địa phương chuyển thi hài đến cơ sở y tế hoặc nhà tang lễ có thiết bị bảo quản lạnh gần nơi xảy ra vụ việc nhất để lưu giữ thi thể chờ xác minh, xử lý. Đồng thời, Công an tỉnh phải thông tin ngay cho Sở Ngoại vụ Khánh Hòa (bằng văn bản) để thông báo cho CQĐDNN (đối với các cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam đã được phép mở rộng khu vực lãnh sự tại tỉnh Khánh Hòa hoặc Đại sứ quán các nước tại Hà Nội), đồng gửi Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh để thông báo cho CQĐDNN (đối với các cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam chưa mở rộng khu vực lãnh sự tại địa phương).
2. Tổ chức điều tra
Công an tỉnh có trách nhiệm tiến hành các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân chết theo đúng thẩm quyền và trình tự quy định tại Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Cơ quan điều tra có thẩm quyền chủ trì thành lập Hội đồng khám nghiệm và thông báo cho Sở Ngoại vụ cùng tham gia và lựa chọn người chứng kiến việc khám nghiệm (Người làm chứng có thể là thân nhân, đại diện CQĐDNN hoặc người có đủ điều kiện theo quy định pháp luật). Căn cứ vào thực tế diễn biến vụ việc và các tài liệu thu thập được, Hội đồng khám nghiệm sẽ quyết định việc có tiến hành giải phẫu tử thi hay không.
Sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra có thẩm quyền gửi thông báo kết quả giải quyết, kèm theo bản chụp Biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định pháp y cho Sở Ngoại vụ để tổng hợp hồ sơ vụ việc và gửi cho CQĐDNN khi có yêu cầu (thông qua Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh).
Đối với trường hợp nạn nhân là người nước ngoài nhưng không xác định ngay được nhân thân, lai lịch, quốc tịch... Sau khi tiến hành các biện pháp điều tra, thu thập dấu vết sinh học để phục vụ việc giám định truy tìm tung tích nạn nhân khi có điều kiện. Công an tỉnh nhanh chóng trao đổi với Sở Ngoại vụ để phối hợp xử lý thi hài và truy tìm tung tích nạn nhân.
3. Việc xử lý thi hài
a) Đối với thi hài có thân nhân
- Trường hợp thân nhân của người chết và CQĐDNN đề nghị cho mai táng thi hài tại địa phương, Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người chết liên hệ với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tiến hành các thủ tục mai táng theo quy định.
- Trường hợp thân nhân của người chết và CQĐDNN đề nghị đem thi hài về nước, Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người chết liên hệ với cơ quan kiểm dịch y tế, Trung tâm Pháp y tỉnh và hải quan của Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục ướp xác và đưa vào quan tài kẽm, niêm phong, kiểm dịch y tế để chuyển thi hài về nước, cũng như các thủ tục xuất cảnh đối với thi hài.
- Trường hợp thân nhân của người chết và CQĐDNN đề nghị hỏa táng thi hài tại Việt Nam và mang tro cốt về nước: Sở Ngoại vụ hướng dẫn thân nhân của người chết tiến hành các thủ tục để hỏa táng thi hài tại Việt Nam và mang tro cốt về nước theo nguyện vọng của thân nhân của người chết và CQĐDNN.
- Việc cấp Giấy báo tử và đăng ký khai tử cho người nước ngoài chết tại tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch; Điều 51 mục 7 chương III của Luật hộ tịch; Thông tư 123/2015/NĐ-CP">15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ và các quy định hiện hành.
b) Đối với thi hài không có người nhận
Sau thời hạn 07 ngày kể từ ngày CQĐDNN nhận được thông báo về việc công dân của nước họ chết tại địa phương, Sở Ngoại vụ không nhận được ý kiến phản hồi từ phía CQĐDNN (thông qua Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) về việc giám định pháp y, xử lý thi hài và không có người đến nhận thi hài, Sở Ngoại vụ sẽ gửi thông báo lần 2 cho CQĐDNN và thêm thời hạn 07 ngày. Sau thời hạn này, nếu vẫn không có người đến nhận thi hài hoặc CQĐDNN không có ý kiến, Sở Ngoại vụ tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, giao cho Cơ quan điều tra chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, Viện Kiểm sát, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (nơi có người nước ngoài chết) và các ngành, địa phương liên quan thành lập Hội đồng thực hiện các công việc liên quan theo đúng quy định pháp luật. Sau đó, chuyển giao thi hài cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (nơi có người nước ngoài chết) để phối hợp xử lý và giải quyết vụ việc như đối với trường hợp người vô thừa nhận chết trên địa bàn tỉnh. (Có thể đưa thi hài đi hỏa táng và gửi tro cốt tại nơi lưu giữ tro cốt của địa phương). Kinh phí thực hiện do ngân sách tỉnh đảm bảo. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (nơi có người nước ngoài chết) có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ vụ việc; phối hợp với Sở Ngoại vụ tiến hành các thủ tục bàn giao tro cốt của người nước ngoài khi CQĐDNN hoặc thân nhân người nước ngoài chết có nguyện vọng muốn nhận lại tro cốt.
Trong trường hợp CQĐDNN có yêu cầu đề nghị bảo quản lâu hơn thời hạn 07 ngày thì CQĐDNN phải đảm bảo về việc thanh toán chi phí lưu giữ thi hài.
c) Đối với trường hợp người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam: Cơ quan điều tra thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhằm làm rõ nguyên nhân vụ việc và xác định nguyên nhân chết. Sau đó bàn giao tử thi cho Trưởng nhà tạm giữ hoặc Giám thị Trại tạm giam phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục giải quyết theo quy định.
- Trong trường hợp thân nhân của người chết hoặc CQĐDNN có văn bản đề nghị xin được chuyển thi hài về nước, Trưởng nhà tạm giữ hoặc Giám thị Trại tạm giam hướng dẫn các thủ tục cần thiết bàn giao thi hài cho CQĐDNN hoặc thân nhân của người chết để đem thi hài về nước.
- Trong trường hợp thân nhân của người chết và CQĐDNN không có đề nghị đưa thi hài về nước hoặc sau khi CQĐDNN nhận được thông báo nhưng không có ý kiến đối với thi hài, Trưởng nhà tạm giữ hoặc Giám thị Trại tạm giam giải quyết thủ tục như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết theo quy định.
- Trong trường hợp không xác định được quốc tịch của người chết thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam giải quyết thủ tục như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết theo quy định.
d) Đối với các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả là người nước ngoài chết, các cơ quan chức năng địa phương thực hiện theo quy trình giải quyết một vụ tai nạn giao thông được quy định tại các Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Thông tư số 06/2013/TT-BCA ngày 29/01/2013 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt; Thông tư số 73/2012/TT-BCA ngày 05/12/2012 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, Công an tỉnh phải thông báo ngay cho Sở Ngoại vụ Khánh Hòa để báo cáo Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hoặc Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thông báo cho CQĐDNN phối hợp xử lý.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thực hiện Quy chế này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
2. Giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát các quy định hiện hành, tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này.
3. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/6), hàng năm (trước ngày 30/11), các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế này và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Ngoại vụ).
Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này, nếu có vấn đề vướng mắc, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Ngoại vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý./.