Nội dung toàn văn Quyết định 967/2006/QĐ-UBND trình tự thủ tục xin cấp phép thi công
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 967/2006/QĐ-UBND |
Bến Tre, ngày 03 tháng 04 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP PHÉP THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Giao thông đường bộ 2001;
- Căn cứ Nghị định số: 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về
quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
- Căn cứ Thông tư số:186/2004/NĐ-CP">13/2005/TT-BGTVT ngày 07/11/2005 của Bộ trưởng Bộ giao thông
vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số: 186/2004/NĐ-CP ngày
05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ;
- Căn cứ Quyết định số: 04/2006/QĐ-BGTVT ngày 09/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông
vận tải về việc ban hành Quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công
công trình trong phạm vi đất giành cho đường bộ;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục xin cấp phép thi công các công trình trên đường bộ đang khai thác.
Điều 2. Quyết định này thay thế cho Quyết định số: 4277/2004/QĐ-UB ngày 04/11/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định thi công công trình trên đường bộ đang khai thác.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP PHÉP THI CÔNG CÁC CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI
THÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 967/2006/QĐ-UBND ngày 03/04/2006 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về trình tự, thủ tục xin cấp phép thi công các công trình nằm trong phạm vi đất giành cho đường bộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
2. Các tổ chức, cá nhân khi đầu tư, thi công xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình thiết yếu, công trình đường bộ (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân).
Điều 3. Bảo đảm an toàn giao thông khi thi công
Tổ chức, cá nhân khi thi công các công trình đường bộ hoặc công trình thiết yếu nằm trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải thực hiện theo đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông quy định tại Bản Quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số: 04/2006/QĐ-BGTVT ngày 09/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; bảo đảm cho người và phương tiện qua lại an toàn, thông suốt, liên tục; công trình trên đường bộ đang khai thác được bền vững và bảo vệ môi trường.
Chương II
VĂN BẢN THỎA THUẬN
Điều 4. Thỏa thuận trong quá trình lập dự án đầu tư
1. Ngay từ khi lập dự án và thiết kế kỹ thuật trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực sự thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và quy hoạch phát triển đường bộ.
2. Trong thời hạn 12 tháng đối với các dự án nhóm A, nhóm B và 6 tháng đối với các dự án nhóm C và các dự án khác kể từ ngày nhận được văn bản thỏa thuận, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định quản lý đầu tư xây dựng để bảo đảm dự án được phê duyệt và triển khai xây dựng.
Điều 5. Thẩm quyền xem xét và ban hành văn bản chấp thuận
1. Sở Giao thông vận tải tiếp nhận và giải quyết đối với:
a) Dự án nhóm C và các công trình xây dựng mới, sửa chữa chưa đến mức phải lập dự án liên quan đến Quốc lộ 60.
b) Các dự án có liên quan đến hệ thống đường tỉnh và đường huyện mà Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ quản lý theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các Quyết định số: 4422/2001/QĐ-UB ngày 27/09/2001, Quyết định số: 174/QĐ-UB ngày 17/01/2003, Quyết định số: 173/QĐ-UB ngày 17/01/2003, Quyết định số: 336/QĐ-UB ngày 06/01/2003, Công văn số: 2502/UBND-CNTNMT ngày 04/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Các dự án trên các tuyến đường đấu nối từ các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ vào hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh, hệ thống đường tỉnh trên cơ sở Quy hoạch hệ thống đường gom đấu nối vào quốc lộ và đường tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định việc tiếp nhận và giải quyết các dự án liên quan đến các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
3. Việc tiếp nhận và giải quyết đối với các dự án nhóm A, nhóm B, trên Quốc lộ 60; các dự án trên Quốc lộ 57; các dự án liên quan đến đường cao tốc, đường cấp cao, đường cấp I, đường quản lý theo quy chế riêng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số: 186/2004/NĐ-CP">13/2005/TT-BGTVT ngày 07/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số: 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 6. Tổ chức, cá nhân thi công các công trình trên đường bộ đang khai thác phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thỏa thuận về thời gian thi công, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong suốt thời gian thi công, thời gian hoàn thành.
Chương III
GIẤY PHÉP THI CÔNG
Điều 7. Giấy phép thi công
Trước khi thi công xây dựng, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công phải lập hồ sơ xin cấp Giấy phép thi công gửi đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép thi công, trừ các trường hợp sau:
1. Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ đang khai thác mà chủ đầu tư đồng thời là cơ quan quản lý theo phân cấp thì không phải xin Giấy phép thi công nhưng trước khi thi công, Ban quản lý dự án hoặc nhà thầu thi công phải gởi đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền hồ sơ có liên quan gồm: Quyết định phê duyệt dự án, hồ sơ thiết kế thi công được duyệt kể cả phương án thi công, biện pháp tổ chức thi công bảo đảm an toàn giao thông để cơ quan quản lý đường bộ xem xét, thỏa thuận bằng văn bản về thời gian thi công, biện pháp tổ chức bảo đảm an toàn giao thông khi thi công.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý, bảo trì đường bộ làm công tác bảo dưỡng thường xuyên không phải xin Giấy phép thi công nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên hoặc sửa chữa hư hỏng đột xuất các công trình thiết yếu đã xây dựng hợp pháp trong hành lang bảo vệ đường bộ thì không phải xin Giấy phép thi công nhưng phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý đường bộ trực tiếp biết và chịu mọi trách nhiệm nếu thi công không bảo đảm an toàn giao thông để xảy ra tai nạn trên đường bộ đang khai thác.
Điều 8. Hồ sơ xin cấp Giấy phép thi công
Hồ sơ xin cấp giấy phép thi công gồm:
1. Đơn xin cấp phép thi công hạng mục liên quan đến an toàn giao thông, công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ kèm theo phương án thi công bảo đảm an toàn giao thông, thời gian thi công; bản cam kết tự di dời công trình khi ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng và không đòi bồi thường.
2. Văn bản chấp thuận khi lập dự án và thiết kế của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.
3. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết kế tổ chức thi công đã được cấp có thẩm quyền duyệt.
Điều 9. Thẩm quyền cấp Giấy phép thi công
1. Cơ quan quyết định việc cấp Giấy phép thi công là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thỏa thuận như đã nêu tại Điều 5 Bản quy định này.
2. Sở Giao thông vận tải quyết định việc cấp giấy phép thi công trên tuyến Quốc lộ 60 theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 10. Thời hạn cấp Giấy phép thi công
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thi công quyết định việc cấp hoặc không cấp Giấy phép thi công, trong trường hợp không cấp giấy phép thi công phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không cấp Giấy phép thi công.
Chương IV
THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11. Thanh tra, kiểm tra
1. Sở Giao thông vận tải thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các đơn vị trực thuộc, các tổ chức cá nhân thi công trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
2. Các đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra Giao thông đường bộ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi công của tổ chức, cá nhân thi công trong suốt thời gian thi công.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định việc thanh tra, kiểm tra thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ thuộc địa phương quản lý.
Điều 12. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Giấy phép thi công quy định tại Quy định này và các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công thì đơn vị quản lý đường bộ, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra theo quy định lập biên bản xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý; nếu tiếp tục vi phạm thì tiến hành đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép thi công và trong vòng 24 giờ báo cáo ngay về cơ quan cấp giấy phép thi công để xem xét, giải quyết. Việc chậm trễ và mọi phí tốn do ngừng thi công, tổ chức, cá nhân thi công phải tự chịu trách nhiệm.
2. Các cơ quan có thẩm quyền khi nhận được kiến nghị của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật./.