Quyết định 974/QĐ-TLĐ tổ chức hoạt động Công đoàn cơ sở xã, phường thị trấn đã được thay thế bởi Hướng dẫn 1902/HD-TLĐ tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn và được áp dụng kể từ ngày 10/11/2009.
Nội dung toàn văn Quyết định 974/QĐ-TLĐ tổ chức hoạt động Công đoàn cơ sở xã, phường thị trấn
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 974/QĐ-TLĐ | Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ XÃ, PHƯỜNG THỊ TRẤN
- Căn cứ Luật Công đoàn 1990, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá IX
- Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ công chức và các văn bản của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
- Xét đề nghị của Ban Tổ chức TLĐ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở xã, phường thị trấn.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3: Các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ XÃ, PHƯỜNG THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 974/QĐ-TLĐ ngày 29 tháng 6 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Chương I
TỔ CHỨC CĐCS XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Điều 1: Công đoàn xã, phường, thị trấn là Công đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là CĐCS xã, phường) do LĐLĐ quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công đoàn quận, huyện) quyết định thành lập, giải thể và trực tiếp chỉ đạo hoạt động.
Điều 2: Đối tượng kết nạp của CĐCS xã, phường là những cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan HĐNĐ, UBND, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của xã, phường bao gồm:
a. Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ.
b. Những người được tuyển dụng giao giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc HĐND, UBND xã, phường.
c. Những cán bộ, chuyên viên làm việc trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân).
d. Những người được tuyển dụng làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 6 (sáu) tháng trở lên.
Các đối tượng trên nếu tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tự nguyện gia nhập Công đoàn thì được xem xét kết nạp.
Điều 3: Tổ chức và hoạt động của CĐCS xã, phường thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
a. Ban Chấp hành CĐCS xã, phường là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội của CĐCS xã, phường bao gồm từ 3-5 ủy viên.
b. CĐCS xã, phường có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng theo quy định của Chính phủ và Tổng Liên đoàn, được mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CĐCS XÃ, PHƯỜNG
Điều 4: CĐCS xã, phường có các nhiệm vụ, quyền hạn:
a. Tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của các tổ chức Công đoàn trong cán bộ công chức, viên chức. Giáo dục cho đoàn viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ý thức phục vụ nhân dân.
b. Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, kiểm tra, giám sát việc thi hành chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức ở xã, phường. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi giúp đỡ đoàn viên khi gặp khó khăn.
c. Phối hợp với UBND xã, phường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, tham gia quản lý cơ quan, đơn vị cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, chống phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
d. Tổ chức phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
e. Phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS xã, phường vững mạnh.
Chương III
MỐI QUAN HỆ VÀ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA CĐCS XÃ, PHƯỜNG
Điều 5: Mối quan hệ của CĐCS xã, phường
a. CĐCS xã, phường đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ xã, phường.
b. Quan hệ của Ban Chấp hành CĐCS xã, phường với UBND, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là quan hệ phối hợp công tác cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Điều 6: Điều kiện hoạt động của CĐCS xã, phường
Văn phòng, phương tiện và điều kiện làm việc của CĐCS do UBND xã, phường giải quyết theo Nghị định 133/HĐBT ngày 20 tháng 4 năm 1991 của Hội Đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn.
CĐCS xã, phường thực hiện quyền tự chủ về tài chính Công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và sự phân cấp của Công đoàn cấp trên.
Tài chính của CĐCS xã, phường gồm:
- Tiền đoàn phí do đoàn viên đóng bằng 1% (một phần trăm) của tiền lương, tiền công hàng tháng.
- Kinh phí thu trên tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan xã, phường bằng 2% được để lại CĐCS xã, phường 1%.
- Thu từ các hoạt động văn hoá, thể thao và hoạt động dịch vụ (nếu có) do CĐCS xã, phường tổ chức.
- Tiền tài trợ của UBND xã, phường và các nguồn thu khác (nếu có).
Điều 7: Nguyên tắc thu chi, quản lý tài chính CĐCS xã, phường thực hiện theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8: Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, các Ban của Tổng Liên đoàn có trách nhiệm thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn nghiên cứu, xem xét để bổ sung, sửa đổi./.