Quyết định 989/QĐ-UBND

Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020

Nội dung toàn văn Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 quy hoạch bán buôn bán lẻ Bạc Liêu đến 2020


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 989/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 17 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG BÁN BUÔN, BÁN LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển Thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Bộ Công Thương về phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;

Qua xem xét hồ sơ kèm theo Tờ trình số 12/TTr-SCT ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Sở Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và Tờ trình số 82/TTr-SKH ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh trước hết phải gắn với việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng phong phú, đa dạng của các tầng lớp dân cư trong xã hội.

- Phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại và phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đồng thời, thiết lập các kênh phân phối để quá trình lưu thông hàng hóa diễn ra thông suốt, tạo điều kiện đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

- Phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải gắn với việc xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, góp phần nâng cao tỷ trọng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại và dịch vụ trong cơ cấu GDP của tỉnh.

- Cần thực hiện phương châm phát triển hài hòa giữa thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đại và thương mại bán buôn, bán lẻ truyền thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng thể phát triển thương mại; quy hoạch đô thị; quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác có liên quan; đáp ứng nhu cầu của sản xuất, tiêu dùng và tác động tích cực đến các quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và tăng trưởng của ngành thương mại nói riêng.

b) Mục tiêu cụ thể

- Quy hoạch hệ thống phát triển hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ vừa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu mua bán của dân cư, vừa đảm bảo tính liên kết theo hệ thống với các loại hình kinh doanh khác, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa được mở rộng và gắn kết với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, với thị trường khu vực và trên thế giới.

- Đảm bảo các điều kiện để hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ (nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị) trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu tổ chức không gian kinh tế, không gian đô thị, phục vụ thuận tiện với chất lượng dịch vụ cao cho người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, trật tự, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại.

- Đảm bảo vai trò của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trong việc điều phối liên kết giữa sản xuất với thương mại và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

- Làm cơ sở cho lập kế hoạch thu hút đầu tư phát triển các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI BÁN BUÔN, BÁN LẺ CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm

- Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm là khu vực bao gồm nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại, các nhà môi giới thương mại, kho của nhà sản xuất, tổng kho của các nhà bán buôn, bán lẻ, các văn phòng đại diện, các dịch vụ thương mại,… Và các doanh nghiệp hỗ trợ khác.

- Số lượng: Trong giai đoạn 2011 - 2020 xây dựng 01 trung tâm thương mại hạng III và 01 trung tâm mua sắm hạng III tại thành phố Bạc Liêu với quy mô, địa điểm đã được bố trí trong quy hoạch.

- Cấu trúc: Văn phòng giao dịch, khu vực bán lẻ hàng hóa; kho dự trữ và bán buôn; khu dịch vụ.

2. Định hướng phát triển các siêu thị

Trong giai đoạn 2011 - 2020 xây dựng 04 siêu thị, trong đó, tại thành phố Bạc Liêu 02 siêu thị (01 siêu thị hạng I và 01 siêu thị hạng II); huyện Giá Rai 01 siêu thị tổng hợp có quy mô hạng III; huyện Đông Hải 01 siêu thị tổng hợp có quy mô hạng III. Ngoài ra, tại thành phố Bạc Liêu và thị trấn các huyện trong tỉnh xây dựng thêm một số siêu thị chuyên doanh như: Siêu thị thực phẩm, siêu thị hàng điện máy, siêu thị trang trí nội thất và các cửa hàng tiện lợi tại các khu dân cư tập trung, khu đô thị mới với quy mô, địa điểm đã được bố trí trong quy hoạch.

3. Định hướng phát triển hệ thống kho

Trong giai đoạn 2011 - 2020, phát triển xây dựng hệ thống kho như sau:

- Nâng cấp, mở rộng hệ thống kho chứa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, bảo đảm dự trữ đủ lượng hàng hóa phục vụ kinh doanh và kịp thời điều tiết thị trường khi có biến động hoặc có thiên tai, bão lụt.

 - Xây dựng 01 kho dự trữ muối tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải, với sức chứa từ 15.000 - 20.000 tấn.

 - Xây dựng 05 kho dự trữ lương thực ở huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi, với sức chứa khoảng 550.000 - 600.000 tấn.

 - Xây dựng mới 2 kho dự trữ xăng dầu ở thành phố Bạc Liêu và huyện Giá Rai, với sức chứa khoảng 5.500m3 - 7.000m3, quy mô, địa điểm đã được bố trí trong quy hoạch.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Các giải pháp và chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển thương mại bán buôn, bán lẻ thời kỳ đến năm 2020

Vận dụng linh hoạt các chính sách và biện pháp để huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong xã hội, vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương, vốn nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị,…).

a) Huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế

Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại trong thời kỳ đến năm 2020, cần tăng cường tuyên truyền chính sách ưu đãi đầu tư của nhà nước (của Trung ương và của tỉnh), khuyến khích thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong xã hội để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

- Dành quỹ đất xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động bán buôn, bán lẻ theo quy hoạch.

- Công bố, công khai các chính sách hỗ trợ đầu tư như: Chính sách ưu đãi về giá thuê đất; chính sách cho vay vốn ưu đãi; chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

- Đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ có lãi, tăng khả năng thu hồi vốn trên cơ sở cho phép doanh nghiệp áp dụng khung giá cho thuê diện tích kinh doanh và khung giá một số loại dịch vụ phục vụ kinh doanh quan trọng một cách hợp lý.

b) Thu hút vốn nước ngoài

- Có chính sách ưu đãi (về đất, về thuế…) và tổ chức xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị).

- Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để tạo sự hấp dẫn đầu tư đối với các doanh nghiệp, tập đoàn bán buôn, bán lẻ nước ngoài.

c) Vốn hỗ trợ của Trung ương: Chủ động tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển các loại hình bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh

Để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kinh doanh bán buôn, bán lẻ trong bối cảnh hội nhập và mở cửa thị trường bán lẻ nội địa, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Tổ chức đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ hiện có, bổ sung những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, có khả năng thích ứng nhanh với những biến động của nền kinh tế thị trường.

- Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đối với đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại địa phương.

- Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút nhân tài, đặc biệt thu hút các nhà quản lý giỏi trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hiện đại.

- Tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong mạng lưới bán buôn, bán lẻ, nhất là trong các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại trên địa bàn, trong đó quy định rõ trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các tiêu chuẩn về đạo đức… Để đáp ứng yêu cầu phát triển và mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp phát triển công nghệ cho thương mại bán buôn, dịch vụ bán lẻ của tỉnh

- Thực hiện việc kiểm tra, khảo sát thực trạng và nhu cầu về thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong tỉnh; từ đó có phương án, kế hoạch thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng phương thức kinh doanh mới và hiện đại vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cho thương mại điện tử thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng viễn thông tương thích với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, khuyến khích phát triển công nghệ phần mềm, nhanh chóng thiết lập hệ thống thanh toán điện tử.

- Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và xây dựng trang Website điện tử.

- Hỗ trợ chi phí tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thông tin liên quan đến lĩnh vực này.

- Tổ chức tuyên truyền và mở các lớp đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao nhận thức chung trong xã hội về thương mại điện tử, có chính sách đào tạo cụ thể nguồn nhân lực cho thương mại điện tử thông qua việc liên kết đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước.

- Từng bước tổ chức bán hàng và thanh toán qua mạng.

4. Các giải pháp phát triển nguồn cung ứng hàng hóa cho mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh

a) Phát triển nguồn cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản

- Hiện nay sản xuất hàng nông sản, thực phẩm phân tán trên địa bàn rộng, quy mô sản xuất một số loại hàng hóa còn nhỏ; do đó, để tổ chức tiêu thụ hàng nông sản được tốt, trước hết cần tổ chức lại việc sản xuất hàng nông sản thực phẩm theo hướng chuyên canh và tập trung, với chủ thể sản xuất là các hộ nông dân và chủ trang trại. Việc tiêu thụ nông sản, thủy hải sản cho nông dân, ngư dân đồng nghĩa với việc cung ứng hàng hóa cho nhu cầu thị trường được tổ chức theo mô hình khởi đầu là hợp tác xã thương mại - dịch vụ và doanh nghiệp thương mại.

- Khuyến khích thành lập hợp tác xã thương mại - dịch vụ tại địa bàn các vùng sản xuất nông sản tập trung, khai thác hải sản để thực hiện chức năng làm dịch vụ cung ứng đầu vào cho nông dân, ngư dân, chủ trang trại,….. Các loại vật tư cho sản xuất như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngư lưới cụ, cung ứng nước đá, nhu yếu phẩm….; đồng thời, tư vấn cho nông dân, ngư dân, chủ trang trại về nhu cầu thị trường, quy trình sản xuất, bảo quản, chất lượng sản phẩm đối với từng loại hàng hóa… Và tổ chức mua lại sản phẩm do hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại theo hình thức hợp đồng kinh tế 2 chiều với giá cả theo cơ chế thị trường; mô hình tổ chức kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm, thủy hải sản được tổ chức theo hướng: Hợp tác xã thương mại - dịch vụ hoặc các doanh nghiệp thương mại hoạt động trên địa bàn mở rộng mạng lưới thu mua, định kỳ thu gom sản phẩm của các hộ sản xuất, các trang trại theo nguyên tắc hợp đồng 2 chiều (Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ)…; đồng thời, hợp tác xã thương mại - dịch vụ hoặc doanh nghiệp thương mại có trách nhiệm hướng dẫn hộ nông dân, chủ trang trại thực hiện đúng quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng và tổ chức bao tiêu sản phẩm với giá thị trường theo thời điểm.

- Hợp tác xã thương mại - dịch vụ hoặc doanh nghiệp thương mại sau khi mua gom hàng hóa nông sản thực phẩm sẽ cung ứng cho các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, chợ chuyên và các cửa hàng bán lẻ thông qua các hợp đồng giao hàng theo kỳ hạn.

b) Phát triển nguồn cung ứng các mặt hàng công nghiệp

Việc phát triển nguồn cung ứng các mặt hàng công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần được thực hiện thông qua giải pháp thúc đẩy nhanh chóng việc hình thành và phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

- Tập trung xây dựng hoàn thiện và lắp đầy Khu công nghiệp Trà Kha.

- Tranh thủ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để sớm quyết định thành lập Khu công nghiệp Láng Trâm và Tổ hợp Khu công nghiệp Ninh Quới làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo và kêu gọi, thu hút đầu tư lắp đầy 02 khu công nghiệp này.

- Tập trung xây dựng hoàn thiện 04 cụm công nghiệp ở các huyện.

- Tập trung đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh nhằm sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, có khả năng đưa vào các siêu thị để tiêu thụ và xuất ra ngoài tỉnh; đồng thời, hỗ trợ để khôi phục các làng nghề truyền thống nhằm sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có tính mỹ thuật cao để đưa vào các quầy bán hàng lưu niệm tại các siêu thị và các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch.

- Ngoài ra, cần tăng cường khai thác hàng hóa cho hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh từ các kênh hàng hóa ngoài tỉnh và các vùng phụ cận (các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long).

5. Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh

a) Đối với công tác tổ chức, quản lý các loại hình bán buôn, bán lẻ

Để tổ chức và quản lý tốt mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn cần thực hiện những công việc sau:

- Xây dựng và ban hành nội quy mẫu đối với loại hình bán buôn, bán lẻ hiện đại sao cho vừa phù hợp với các quy định của các ngành liên quan để các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại trên địa bàn đều hoạt động theo nội quy, đưa kinh doanh thương mại trên địa bàn đi vào nề nếp.

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ quản lý, kinh doanh khai thác các điểm kinh doanh bán buôn, bán lẻ cho cán bộ trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn.

b) Đối với công tác quản lý, khai thác cơ sở vật chất của hệ thống bán buôn, bán lẻ:

Việc khai thác cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống bán buôn, bán lẻ phải đạt được yêu cầu cơ bản: Không mâu thuẫn với chính sách thu hút thương nhân tham gia kinh doanh trong hệ thống; phù hợp với chính sách thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong xã hội vào việc xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; do đó, trong chính sách khai thác cơ sở vật chất của hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh cần xây dựng các phương thức khai thác cơ sở vật chất của hệ thống bán buôn, bán lẻ phù hợp với các đối tượng tham gia để đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư cũng như ổn định nguồn thu cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ vào khả năng về vốn đầu tư xây dựng, về năng lực kinh doanh, cũng như khả năng đóng góp vào nguồn thu của các đối tượng tham gia, các phương thức khai thác cơ sở vật chất của hệ thống bán buôn, bán lẻ bao gồm:

- Các doanh nghiệp thuê đất theo luật định, tự đầu tư xây dựng và khai thác.

- Các doanh nghiệp thuê đất đầu tư xây dựng và cho thuê diện tích kinh doanh trong cơ sở bán buôn, bán lẻ với thời gian tương đối dài.

- Các doanh nghiệp liên doanh thuê đất đầu tư xây dựng và khai thác.

6. Giải pháp phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ bán lẻ của tỉnh

Để phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ bán lẻ trên địa bàn, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện phương thức bán lẻ, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại trên địa bàn như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn…, các dịch vụ bán lẻ vừa đảm bảo văn minh thương mại, vừa củng cố và nâng cao hiệu quả về chất lượng hoạt động thương mại, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong xã hội, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và khách tham quan, du lịch nhằm thúc đẩy tăng nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa.

- Các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ phải ký kết hợp đồng khai thác nguồn hàng, đảm bảo dồi dào về số lượng, phong phú, hấp dẫn về chủng loại, chất lượng. Thông qua khâu bán lẻ, nắm vững nhu cầu thị trường, trên cơ sở chủ động đặt hàng với các cơ sở sản xuất, thúc đẩy và hỗ trợ các cơ sở này trong việc cung ứng hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

- Tại các cơ sở bán lẻ, thông tin về hàng hóa được thể hiện qua nhãn, mác hàng hóa như: Nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, công dụng, cách sử dụng, hạn sử dụng…, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lựa chọn theo nhu cầu và khả năng thanh toán; không kinh doanh hàng gian, hàng giả và hàng kém chất lượng. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát. Các quầy hàng được trang trí sạch, đẹp, hàng hóa có mã vạch, được niêm yết giá và thanh toán thông qua máy tính tiền, các khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết bình đẳng, sòng phẳng theo quy định của pháp luật, có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự, dịch vụ hậu mãi chu đáo đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

- Từng bước sắp xếp, chỉnh trang các phố chợ theo hướng từng dãy phố kinh doanh một ngành hàng và khuyến khích các cơ sở này chuyển đổi sang phương thức kinh doanh hiện đại như: Siêu thị mini, cửa hàng tự chọn,…

- Bên cạnh việc duy trì và phát triển mô hình bán lẻ truyền thống thông qua hệ thống chợ, cửa hàng khu phố, tiệm tạp hóa tại nhà, các sạp bán lẻ, cần phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh. Những hình thức kinh doanh như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi,… Là những hình thức kinh doanh mới và nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển.

- Tăng cường quy hoạch thị trường hàng tiêu dùng tại các khu vực thành thị: Hạt nhân của công tác quy hoạch thị trường hàng tiêu dùng tại khu vực này là việc tăng cường hoàn thiện công năng, chức năng của thị trường như: Tiến hành quy hoạch đối với khu thương mại trung tâm, khu thương mại xung quanh khu dân cư, khu thương mại vùng ngoại vi.

- Tăng nhanh phát triển thị trường hàng tiêu dùng mới: Cùng với thu nhập của người dân ngày càng được tăng lên, mức tiêu dùng và trọng tâm tiêu dùng của người dân cũng được đổi mới, nâng cao. Trong tiêu dùng hàng thực phẩm có xu hướng ngày càng quan tâm tới việc đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe và chất lượng, chi tiêu cho hàng tiêu dùng lâu bền như nhà ở, phương tiện đi lại tăng, chi tiêu cho dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe tăng, cần có kế hoạch và chính sách xây dựng và phát triển các thị trường mới như thị trường nhà ở, ô tô, thiết bị tự động, đồ điện thông minh, thiết bị thông tin, đồ gỗ cao cấp…

7. Giải pháp bảo vệ môi trường đối với hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh

Ngoài việc tuân thủ những quy định về quản lý phòng cháy, chữa cháy tại các chợ thì các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, rác thải cần được phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.

- Đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống và khu vực dịch vụ ăn, uống rác thải phải được phân loại, thu gom và vận chuyển theo quy định của pháp luật; các cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm, ăn uống phải đảm bảo luôn sạch sẽ, thực hiện đúng các quy định của nhà nước về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải có thiết bị, tủ kính che đậy, thiết bị chuyên dùng để bảo quản thức ăn chín; dụng cụ đựng rác thải phải được đậy kín; phải đổ rác thải hàng ngày; dùng nước sạch để đun nấu, ngâm rửa thực phẩm và đồ dùng, dùng bao bì sạch để đóng gói, đựng hàng cho khách; làm vệ sinh sạch sẽ địa điểm kinh doanh trước và sau bán hàng.

- Đối với các cơ sở chuyên kinh doanh những mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, rác thải chủ yếu là chất thải rắn như vỏ bao bì bằng nhựa, giấy,… Phải được thu gom và tập kết đúng nơi quy định, để cơ quan vệ sinh vận chuyển bằng xe chuyên dụng về nơi xử lý.

- Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, hàng năm các cơ sở bán buôn, bán lẻ phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hoạt động kinh doanh và cam kết thực hiện bảo vệ môi trường theo luật định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương

- Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt đến các cấp, các ngành, các huyện, thành phố, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh biết để triển khai thực hiện; phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân biết thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 bằng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; kế hoạch hàng năm phải bám vào các mục tiêu quy hoạch đã được duyệt và các chỉ tiêu đặt ra trong từng thời kỳ. Tùy theo sự thay đổi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời cho phù hợp với quá trình phát triển.

- Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các tập đoàn, các công ty phân phối đa quốc gia vào đầu tư phát triển hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 đồng bộ với quy hoạch ngành trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Chiến

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 989/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu989/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành17/05/2013
Ngày hiệu lực17/05/2013
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThương mại
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 989/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 quy hoạch bán buôn bán lẻ Bạc Liêu đến 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 quy hoạch bán buôn bán lẻ Bạc Liêu đến 2020
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu989/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bạc Liêu
                Người kýLê Minh Chiến
                Ngày ban hành17/05/2013
                Ngày hiệu lực17/05/2013
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThương mại
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật11 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 quy hoạch bán buôn bán lẻ Bạc Liêu đến 2020

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2013 quy hoạch bán buôn bán lẻ Bạc Liêu đến 2020

                  • 17/05/2013

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 17/05/2013

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực